Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CÚC ƠI !




    L âu rồi tôi mới lại về. Nghĩ ân hận quá, cứ mải mê công việc. Việc của đời, thì làm đến bao giờ cho xong. Đâm ra tôi thành kẻ vô tình ư?

Làng quê thay đổi nhiều quá! Nhà xây hai, ba tầng san sát; tòa ngói đỏ, tòa lợp tôn, tường sơn xanh quét vàng… rực rỡ. Hiếm hoi lắm đường làng mới bắt gặp khóm tre, rặng duối. Con đường trải gạch nghiêng nghiêng xưa, nay thay bằng lớp bê tông dày, trải rộng ba, bốn mét, phẳng lì. Đường đẹp, rộng, xe máy ấn còi kêu inh ỏi, chạy như chạy giặc.

Kìa, ngõ nhỏ xưa mỗi bận cùng em đi về, vẫn nguyên sơ như ngày xưa ấy. Tôi lặng nhìn. Đường nhỏ quanh co, chạy men sát rìa ao; đất lở, có chỗ trơ ra lớp rễ cây đâm ngang tua tủa. Ngày ấy mỗi bận từ trường về, hai đứa líu ríu bên nhau. Tôi vai khoác ba lô lộn, mốt của sinh viên một thuở, còn Cúc xăng xái bám theo sau, huyên thuyên đủ chuyện, toàn những chuyện ngày xưa của bé.

- Ao này, ngày trước em một bận suýt chết đuối đấy. Chỗ kia kìa!

- Thế á? - Tôi lo lắng cho em.

Kìa, khu cuối ao là căn nhà ọp ẹp, nép mình dưới khóm tre già. Tôi hình dung, tường vách rơm vôi thưng tre đến hồi bong tróc. Căn nhà tuổi thơ của Cúc - nơi em sinh ra và lớn lên ở đây. Dưới ao, mặt nước lơ vơ cánh bèo bồng bềnh, sắc hoa tím phớt. Chầm chầm tôi bước. Kìa, đã đến rồi đây, chiếc cổng tre cũ kỹ, nó vẫn cũ kỹ như thuở ngày xưa. Chợt như thấy thời gian ngừng trôi, mốc thếch, đọng đầy trên chiếc cổng tre già nua, chặn ngang ngõ cổng nhà em. Nhè nhẹ nắm đoạn dây xích, khẽ giật chiếc chuông lên màu đồng rỉ xanh. Tiếng chuông kêu leng keng, y như tiếng chuông thở nào, mỗi khi tôi kéo, gọi cổng, nó từng kêu vậy. Từ mãi trong nhà xa, loáng thoáng vọng ra tiếng mẹ:

- Khánh đấy à, con!

Tiếng của mẹ sao thoang thoảng xa gần, như là tiếng gió - không ồn ã, như tiếng của mẹ xưa. Tôi lặng đi lo lắng! Mẹ cập rập bước ra, trên tay lọm cọm chiếc gậy.

- Đúng là anh Khánh rồi! Mẹ cứ thấp thỏm đợi từ tận lúc gà gáy canh tư!

Tôi trân trân nhìn mẹ. Mẹ già đi nhanh quá. Mái tóc trắng bạc, lưng còng xuống mất rồi. Chỉ còn ánh mắt, khóe cười, vẫn như của Cúc xưa. Tôi bàng hoàng nghĩ tới em.

- Kìa! Vào nhà đi con.

- Sao, sao mẹ biết con về?

- Con Cúc đấy. Chết, anh gầy đi quá! Khổ! Chắc vất vả lắm!

Ngồi xuống ghế, tôi đón chén nước vối từ tay mẹ đưa, vẫn chén nước vàng óng, nóng hổi, ủ trong chiếc giành tích cũ kỹ. Thong thả nhấp nháp ngụm nước, thứ nước nhăng nhăng đắng và ngọt. Chợt tôi nhớ đến cảnh Cúc ở cầu ao, cẩn thận bứt từ chiếc lá - cành vối tôi trèo lên cây, bứt, thả xuống cho em. “Ủ mấy hôm, rồi mang ra nấu - em giải thích vậy - Nước vối mát và lành lắm. Nó là vị thuốc đấy!”

- Mẹ biết anh Khánh về. Biết từ hôm qua, hôm kia cơ! Con Cúc, rồi con chim khách, mấy hôm nay cứ ríu rít ở rặng tre sau nhà.

Tiếng mẹ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Ngước mắt lên ban thờ, trên ấy có tấm hình chàng trai trẻ, tuổi đôi mươi, trong bộ quận phục, nét mặt rạng rỡ. Ấy là bức hình của bố. Nhìn bức hình, thấy những nét Cúc hao hao giống bố!

- Đi đường vất vả không con? Tàu xe mấy ngày? Mãi tận trong ấy ra cơ mà. Mẹ định nhắn rồi, thôi, không phải vào ra nữa. Nhưng con Cúc…

- Dạ! Sáng nay con còn ở Sài Gòn. Giờ đi về nhanh lắm. Chỉ vài tiếng bay thôi, mẹ ạ!

- Thế á. Giờ sung sướng thật! Người như chim ấy. Làng ta vừa có mấy bác lao động tận bên nước Nhật. Thấy bảo, sáng còn bên nước ấy, chiều tối đã về tới làng mình rồi.

Mẹ con tôi ríu rít trò chuyện, hết chuyện nọ, bắt qua chuyện kia, toàn những chuyện không đầu, không đuôi. Và chiều ấy hai mẹ con tôi làm cỗ giỗ. Thực ra, chỉ mình mẹ nấu nướng thôi, còn tôi loăng quăng phụ giúp bà, vì từ bé đến giờ, nào tôi có biết, việc bếp núc đâu.

- Sao nấu nướng lắm món thế, mẹ?

Đón từ tay bà bát ốc nấu chuối thơm lừng mùi tía tô:

- Anh bưng lên nhà đi. Cứ bày trước ra ban!

Tôi cẩn thận bưng bát ốc nấu chuối nóng hổi, bốc nghi ngút khói, cẩn thận đặt lên ban thờ. Nhìn miếng chuối vàng tươi màu nghệ, lại nhớ cảnh ngày trước, Cúc lúi húi giã nghệ ở góc sân, mỗi khi chuẩn bị cho món ốc nấu chuối. Rồi cảnh chúng tôi cùng nhau bắt ốc quanh bờ ao.

- Kìa - tiếng Cúc - anh cầm lấy đi kìa!

Cúc kều kều, vớt lên miếng sơ mít, thả để bẫy ốc, nổi dập dềnh trên mặt nước. Cúc bắt liên tiếp mấy con ốc to tròn như quả ổi, đang bám quanh miếng sơ mít.

- Miếng này được mấy con nhá. Miếng kia nữa kìa - tiếng Cúc hồ hởi.

Chợt tôi nghe tiếng mẹ từ dưới bếp vọng lên:

- Khánh ơi! Xuống đây giúp mẹ nào!

- Dạ! Con đây.

Vội vàng tôi chạy xuống bếp. Trên nền nhà, chiếc bát ô tô đựng gọn con chim câu ninh nhừ, khói bốc lên nghi ngút. Bê bát chim ninh bước qua sân nhỏ, tôi chợt ngó nghiêng chiếc chuồng chim cu. Có lần buổi sớm nhìn đôi chim gù gù nhau, tôi từng trêu em:

- Bao giờ chúng mình như đôi chim cu kia nhỉ?

- Nỡm à.

Vừa nghe, Cúc vừa đấm thùm thụp vào lưng tôi, vừa rinh rích cười.

Cứ lần lượt vậy, trên ban thờ cỗ bàn các món bày biện thêm ra la liệt.

- Cỗ bàn nhiều món quá, mẹ ơi!

- Ừ! Cỗ bàn thì phải thịnh soạn. Ấy, toàn những món con Cúc thích thôi. Ờ, mà vẫn còn quên, thiếu mấy bông hoa nữa, để mẹ ra hái đã.

Tôi lặng đi, sao mình vô tình thế! Những bông hoa cúc em thường nâng niu. Em bảo, tên em là Cúc, vì trước ngày ra trận, bố trồng mấy khóm cúc trước sân nhà và dặn mẹ, nếu sau này sinh con gái, nhớ đặt tên con là Cúc. Tên của em là do bố trồng, bố đặt cho đấy – em từng bảo thế! Nhìn vẻ thẫn thờ của tôi, chắc mẹ biết, liền cắt dòng suy nghĩ bằng câu giục sắp:

- Kìa, anh Khánh! Thắp hương đi chứ. Nhớ mời bố con Cúc về dự cỗ cùng!

Ngôi làng nơi Cúc sinh ra này, đã trở nên rất đỗi thân thương với tôi thuở sinh viên. Mấy mùa hè, rồi sau mỗi kỳ thi, được nghỉ học, từ trường, tôi theo em cuốc bộ ra ga Phú Thụy - ga tàu cách trường vài ba cây số, chúng tôi về quê. Thế mà gần ba chục năm rồi đó! Lần cuối gặp em, đợt ấy lớp lao động gặt lúa ở cánh đồng thí nghiệm nhà trường. Chiều muộn, đám ruộng giao khoán của lớp đã gặt hái xong, lũ con gái được phân công về sân kho để đón, bốc lúa từ trên xe móc xuống; đám con trai ở lại, bốc đám thóc lúa lên xe. Bốc xếp xong xuôi, chiếc xe móc chạy rồi, đám trai lử lả mệt, cuốc bộ về trường. Đi được khoảng hai phần ba quãng đường, chợt lũ tôi thấy trước mặt đứa bạn gái thục mạng chạy ngược lại, miệng thất thanh gào gọi:

- Khánh ơi! Về ngay. Về ngay!

Tôi lao như điên. Khu trạm xá sinh viên xúm xít vòng trong vòng ngoài. Thấy tôi tới, anh em giãn ra, dành lối vào cho tôi. Trên giường… Cúc nằm đó. Không tin nổi mắt mình! Em, ác quá, sao nỡ đùa tôi thế, Cúc ơi! Tôi không đủ can đảm nhìn tiếp - thân mình em bê bết máu. Tôi nấc lên, thảm thiết gào gọi em:

- Cúc ơi!

Hình ảnh ấy khắc khoải, ám ảnh mãi trong tôi: bắp chân trần trắng xanh, xõng xoài, còn vương vấn, lấm láp dấu bùn đất. Chiếc xe móc chở lúa về sân kho. Xe lùi lùi. Không rõ lúc ấy Cúc lúi húi dọn dẹp gì, chiếc xe móc chở nặng đầy thóc lúa, hất dúi, làm em Cúc tôi chúi ngã, xe trườn qua thân thể em.

Là ngày giỗ Cúc - giỗ lần thứ mấy chục rồi đấy, tận nơi công tác xa xôi vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi về quê làm giỗ cho em. Bên mâm cỗ, chỉ có hai mẹ con, tôi lại nghe mẹ kể:

- Đận ông ấy về phép, rồi đi Nam, ngày đó bom đạn đì đùng, chả biết sống chết thế nào. Năm sau, thì sinh con Cúc. Con bé đã lần nào được nhìn thấy mặt bố đâu. Hôm xã tổ chức lễ truy điệu cho ông ấy, thấy người làng đông quá, con bé sợ hãi, cứ túm chặt lấy mẹ,...

Vẫn như ngày trước, lúc tôi và Cúc lên trường, mẹ lo lắng, tíu tít chuẩn bị cho chúng tôi mọi thứ: nào gói cơm nếp, nào dăm quả trứng gà luộc, nào… Thấy mẹ chuẩn bị nhiều thức quá, tôi bảo:

- Sao mẹ chuẩn bị lắm thế? Con ăn đến bao giờ mới hết.

- Thì… anh cứ mang theo. Nhỡ ra tàu xe…

Không nỡ từ chối tấm long của mẹ, tôi ôm xách, mang theo đủ thứ. Bịn rịn mãi, mẹ con tôi vẫn chưa chia tay nổi.

- Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe đấy. Nay tuổi cao rồi.

- Anh cứ an tâm. Còn cả anh nữa! Nhớ giữ sức khỏe đấy. Trông anh gầy yếu lắm!

Mẹ líu ríu tiễn tôi ra sân, tiễn qua cầu ao, tiễn trên con đường nhỏ chạy quanh co men theo mép nước. Mặt nước lững lờ những cánh bèo hoa màu tím phớt. Vẫn như ngày xửa xưa, mẹ tiễn hai đứa tôi - Cúc và tôi lên trường. Chợt tiếng mẹ:

- Đấy, tí nữa thì quên. Tuổi già, quên quên nhớ nhớ.

- Dạ! Còn điều gì nữa mẹ?

- Tối qua con Cúc lại về đấy. Nó dặn đi dặn lại tôi: “Mẹ nhớ bảo anh ấy, thôi thì… lấy vợ đi. Con không trách cứ gì anh ấy đâu. Lấy, để có người còn chăm sóc, lúc ốm đau, lúc trái gió trở giời chứ.” Đấy, nó dặn tôi thế đấy. Mà anh còn trẻ trung nữa đâu. Năm mấy tuổi đầu rồi còn gì. Chẳng lẽ, cứ ở vậy thế a?

Ờ, Cúc ơi! Khánh nhớ lời em dặn rồi. Nhưng không biết, Khánh có thực hiện được lời Cúc dặn dò không? Bởi, chuyện chúng mình, đã mấy chục năm rồi ấy nhỉ?

TP. Sơn La, ngày 14/12/2014


                                                      

VVM.20.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com