I.
Ngôi nhà tôi lưu trú thời thơ ấu được dựng nên từ tấm họa đồ do chính tay cha tôi vẽ ra. Tọa lạc trên đường Yên Đổ, quận III Sàigòn, tường nhà sơn màu gạch, cửa sổ màu nâu đậm, một giàn giây leo xanh ngắt bắt từ cổng chính bám lên tận mái. Trong khoảng sân nơi mé hông nhà là một cây ổi xẻ do tự tay cô em gái út trồng nên, chăm bón cẩn thận, thương yêu như thể với người bạn thiết.
Theo ngày tháng, em lớn lên, gốc ổi cũng già đi. Từ một dúm lá non hội tụ trên cái thân mảnh dẽ, gốc ổi biến thành mạnh mẽ, cành lá xum xuê, ngạo nghễ vượt cao hơn cánh cửa sổ lầu hai căn gác phòng tôi. Mùa thu, lá rụng đầy sân, những chiếc lá vàng hết cả mùi thơm, khô dần, bay tan tác theo từng cơn gió.
Những đêm sáng trăng, tôi ưa thích ngồi nơi cửa sổ, nhìn xuống mặt sân những mẩu hình gẫy nét. Con hẻm tĩnh mịch. Ánh đèn đường mờ đi dưới luồng sáng trăng chan hòa rực rỡ. Gốc ổi đơn độc trở thành to lớn. Các cành lá vươn cao, vươn cao như muốn vói tới tận nơi thâm cung ẩn náu của chị Hằng.
Vài năm, sau cuộc đổi thay tháng 4/1975, khi em mười tám, mẹ tôi gửi em vượt biển cùng gia đình một người bà con. Thời gian ngắn trước khi em ra đi, lớp lá xanh trên cành bỗng trở nên héo úa, rơi rụng đầy sân, lưu lại những chiếc nhánh khẳng khiu trơ trọi. Cả nhà tôi đều nhận biết hiện tượng này nhưng chẳng ai màng giữ lâu ý nghĩ
Ngày em từ giã, tôi bận lưu diễn xa. Khi trở về, hay tin chuyến ghe có em tham dự hình như đã bị đắm ngay trong đêm tách bến ở Bà Rịa. Từ ngày ấy, không gia đình nào được biết bất cứ tin tức gì của các người thân có mặt trên ghe.
Phần mẹ tôi, nhiều năm trôi đi, vẫn mang trong lòng niềm tin rằng em còn sống. Niềm tin đáng tội nghiệp, các anh chị em tôi không ai nỡ làm cho tan biến.
Nghe tiếng bất cứ vị thầy bói nào, tốn tiền bao nhiêu cũng mặc, mẹ tôi đều tìm đến. Sau mỗi lần như thế, bà ăn ngủ ngon hơn trong một thời gian ngắn theo những lời phủ dụ của vị thầy. Có lúc, những lời kể phấn khởi của bà cũng làm chúng tôi tin theo rằng em còn sống và đang lưu lạc nơi một đảo hoang nào trên thế giới...
Khi sắp từ giã Việt Nam đi Âu Châu, cả gia đình tôi đều luyến lưu căn nhà cũ. Điều này không chỉ nẩy sinh từ kỷ niệm, mà còn chính tự trong lòng mỗi người đều có chung cảm nghĩ đau xót: “Một ngày kia trở về, em sẽ buồn biết bao khi không còn tìm thấy nơi đâu hình ảnh mẹ và các anh chị thân yêu.”
Thời gian ở Âu Châu, một lần tôi nằm mơ, thấy em rõ nét, khuôn mặt rất đẹp, trên đầu quấn chiếc khăn màu lam, kiểu các ni cô thường quấn. Tôi hỏi: “Sao em không về để mẹ cứ mãi ngóng trông?” Em lắc đầu, đôi mắt vô cùng buồn bã: “Em không thể về. Chị xem này!” Và xổ tung chiếc khăn ra, em để cho tôi thấy cái đầu cạo trọc. Tôi giật mình thức giấc. Hình ảnh em vẫn còn rõ ràng trong cơn chập chờn giao động. Trái tim tôi bàng hoàng run rẩy. Từ ấy, tôi thật sự tin rằng em đã vĩnh viễn rời bỏ trần gian.
Mùa Xuân 1993, lần đầu về thăm lại quê hương sau nhiều năm lưu lạc, tôi có đi ngang khu phố cũ. Cảm giác bỡ ngỡ lan nhanh trong óc khi cố định ký ức mà chẳng hình dung nổi cảnh vật xưa. Ngôi nhà thời thơ ấu bây giờ hoàn toàn đổi khác. Cái vẻ thơ mộng theo lối kiến trúc Tây Phương được thay thế bằng một tòa nhà ba tầng, giống y như cái hộp khổng lồ hình chữ nhật đứng. Trong óc tôi cứ đảo đi đảo lại câu chuyện Từ Thức từ cõi tiên trở về trần thế. Trước không gian cũ, cả cảnh lẫn người đều tìm không thấy. Gốc ổi xẻ của em tôi cũng chẳng thể nào có được chỗ đứng trong cái đầu khi ấy của tôi.
II.
Đêm nay rằm. Phố khuya êm ả. Tôi rời giường, pha trà, ngồi vào bàn viết, độc ẩm, quạnh quẽ nhưng dạt dào ý tứ. Những tách trà nóng tạo nên cảm giác tỉnh táo sáng suốt. Nhưng tôi thích lơ mơ như khi say hơn. Ưu phiền nhiều quá, bàng hoàng như sự thật quá cũng buồn! Điều thích thú nhất là đừng xác định chi cả. Cứ mặc tâm hồn chìm đắm theo vũng sáng chan hòa thì hơn.
Trước cửa nhà tôi có trồng một cây walnut. Dưới ánh trăng, những tàng lá cũng vẽ trên mặt nhựa đường những mẩu hình gẫy nét. Không dưng, tôi lặng cả người. Khung cảnh làm gợi lên trong óc nhiều hình ảnh cũ càng xa lắc. Ôi! Thật lâu rồi, mọi sự chừng như bị vùi sâu dưới bờ quên lãng, nào dè một thoáng thật nhanh, chúng vẫn tỏ nên được một thứ uy quyền, buộc tôi phải đối diện. Ánh trăng và cây ổi xẻ thời niên thiếu của em tôi.
Tôi nhắm mắt, nghe tan loãng từ từ trong kỷ niệm; những kỷ niệm đậm nét như những nhát dao tàn bạo chém lên thân xác. Những kỷ niệm không chút biến thể bởi mãnh lực thời gian, cơ hồ mới chỉ xảy ra ngày hôm qua!
Em đi thiên cổ buồn ngơ ngác Ngồi một mình trong đêm vắng, khối tâm hồn như chực nát ra thành từng mảnh nhỏ. Tôi vẫn có thói quen ngủ muộn và giữa đêm thường thức giấc. Những khi trở mộng thâm canh, thấy chia lìa trong giấc mơ phùng ngộ vừa đứt đoạn, lòng không khỏi bàng hoàng khi nhìn rõ con người mình, nhìn rõ sự thật mình hằng chối bỏ.
Tại sao chỉ đến rằm, trăng mới tròn và sáng? Tôi nghĩ, trăng cũng giống như tâm hồn tôi, một tháng có đôi ngày khủng hoảng. Như đêm nay, một buổi khuya tháng 4/1996. Ánh trăng tỏa ra những luồng sáng nhòa phai cô tịch. Chiếc màn mỏng xô lệch theo từng cơn gió lùa qua khe cửa. Căn nhà đâm rộng hẳn. Mọi thứ kỷ niệm hiện nguyên hình dáng cũ. Nỗi trống vắng nào phủ chụp tâm can?
Trăng cổ độ hết vương cành trúc Đêm nay, tôi chỉ uống trà, không uống rượu, nhưng từng ngụm trà chui vào gan ruột vẫn không kém phần cay xé như từng sợi rượu. Tâm trạng thật lung linh, nỗi hao hụt gập ghềnh, nhưng tôi vẫn không muốn định lượng, để lỡ khi rớt xuống con hố, còn bò lên được khoảng cao, đứng che mắt nhìn ai đó với nụ cười nở bừng, đôi tay giang rộng. Ý nghĩ có thể lệch lạc, nhưng chắc chắn một điều rằng tôi chỉ thích ướp cuộc đời mình ngát hương thơm kỷ niệm. Với kỷ niệm, tôi rất trân trọng và thường có thói quen quay mặt vào vách, ôn lại trước khi ngủ mỗi đêm, hầu mang luôn vào giấc điệp những ý tưởng dịu dàng nồng ấm.
Cho tôi lại ngày nào Ngồi nhìn trăng hắt vào khung cửa những đợt ánh sáng hao gầy mềm mỏng, tôi lẩm nhẩm hoài trong miệng bài La Belle Dame Sans Merci. Bài thơ, tôi đọc nhiều lần. Đêm nay đọc lại, vẫn thấy hay như thường. Lời thơ của quỷ, mỗi chữ là một giọt máu chứa chan. Tôi yêu John Keats vì ông đã chết năm 26 tuổi, cũng vì bài La Belle Dame Sans Merci héo úa, xanh xao!
Quả tình, sự thanh thản thường khi lúc thức khuya, tôi tìm không thấy. Tôi chỉ mong bỏ tay trong túi, đi vòng vòng đâu đó để đập đổ ý tưởng ma quái cứ lan man hoài trong óc. Đi, và chẳng cần bận tâm đến điều gì khác khi trong tim đang có một cơn bão làm liệt tê ý nghĩ. Cơn bão rớt, rét mướt và thê lương tàn tệ.
Sao tên sông lại là Thương Tắt đèn, níu tóc dày vò tâm hồn, vẫn cảm tưởng như đang bị bủa vây, theo dõi. Những hơi thuốc liên miên phà khói chẳng giúp cho tâm hồn dịu xuống ở một điểm cần thiết để tìm ra được “đạo”. Tôi đã mất nhiều quá, thật vô duyên, khoảng thời gian đi tìm cái qua rồi lẫn cái chưa tới...
Rõ ràng có sự gì như đang vỡ xô òa khóc: Nỗi trống vắng, niềm đau êm ả sắc như lưỡi lame bất kham nằm trong tay một tên ưa nghịch dao.
Mùa trăng này, mùa trăng sau, hết mọi mùa trăng, nỗi cô đơn của chị Hằng vẫn còn luôn đầy ắp. Mấy chục năm rồi trôi đi, cô bé 13 tuổi trong tôi thấy chưa biến dạng. Tôi vẫn yêu chị Hằng, yêu nỗi cô đơn của chị, nguyên vẹn như thời tuổi nhỏ xa xưa.
Tôi mơ mộng nhiều quá. Mà cuộc đời đâu lúc nào đem được cho con người những điều mơ mộng? Càng yêu chị Hằng, tôi càng thấy sầu chất ngất
Dẫu sao cũng còn một khoảng không gian gần gũi cho tôi chạy trốn những suy tưởng ngặt nghèo đang muốn thúc đẩy tâm hồn xuống tận mép bờ hụt hẫng: Cái bàn viết, ngọn đèn vàng ấm. Có lẽ là như thế.
Tôi nghiêng tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ chung quanh. Mọi sinh hoạt đã từ lâu ngừng lắng. Trong trọn khu phố, chắc chỉ còn mình tôi chưa ngủ? Thức khuya, vừa uống trà vừa phì phèo điếu thuốc lá, vừa viết lan man không chủ đề giới hạn, thỉnh thoảng vén màn cửa sổ, lắng tâm hồn nhìn trăng, nghe ngóng từng bước nhẹ của thời gian trôi đi, của kỷ niệm trở về, thật thích!
Tôi cũng đang lội trong giòng thời gian, nhưng ngược hướng.
Sóng vỗ trùng khơi lạnh chốn về
(thơ Trần Nghi Hoàng)
Hẹn đoàn viên, tình thực chiêm bao
Đêm nay lại giống đêm nào
Nhắp xong chung rượu buồn vào tận gan
(Không nhớ của ai?)
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao...
(Không nhớ của ai?)
Để cho lòng ta nhớ?
Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ
Những suối buồn gửi tới mênh mang
(...)
Mưa chiều nắng rạng
Đã bao năm?
Nỗi đau cũ thật không cùng
Sông cũng thành nước mắt ...
(thơ Lưu Quang Vũ).