Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HAI CON KHỈ GIÀ



B ước vào tuổi sáu mươi, điều này có lẽ là một chuyện thông thường của con người với "sinh, lão, bệnh, tử!"  Toàn biết thế nhưng cũng không thể không thấy xao xuyến trong lòng.  Chàng biết làm được gì đây để thay đổi số phận khi mà ‘việc gì đến tất phải đến.’

Ngày chuẩn bị vượt biên, Toàn chỉ biết làm sao để cùng gia đình, vợ và hai con, thoát khỏi cái cảnh áp bức của chế độ, để được sống trong một không khí tự do, và cũng để các con mình có được một tương lai, tránh khỏi sự đe dọa bởi chính sách ‘lý lịch’ của chính quyền Cộng Sản áp đặt lên cả dân tộc.

Sau hơn bốn năm, với mọi khó khăn và bằng tất cả những toan tính luồn lách để đóng cho được một con thuyền, rồi thì Toàn và gia đình cũng đến được một trại tập trung ở Indonesia.  Nhờ là sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa, gia đình Toàn được đi định cư ở Mỹ.  Nơi chàng đến là thành phố South Bend, nằm ở phía bắc của tiểu bang Indiana.

Cũng như những gia đình Việt Nam khác, sau những khó khăn và phấn đấu lúc ban đầu, gia đình Toàn cũng bắt đầu ổn định cuộc sống.  Toàn và vợ có được việc làm trong trường Đại Học Notre Dame, một trường Đại Học thuộc tổ chức Công Giáo.  Công việc của hai người chỉ là phụ giúp trong nhà ăn sinh viên, phục vụ sinh viên trong các bửa ăn.  Với cuộc sống cần kiệm giống như đa số gia đình người Việt, thu nhập của hai vợ chồng Toàn cũng đủ cho cuộc sống của gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con, mà đứa út đã được sinh ra trong thời gian ở trại tỵ nạn Indonesia.

Mơ ước quan trọng nhất của Toàn là làm thế nào để các con mình có được một nền giáo dục tốt đẹp nhất và để thành công trong cái xứ sở của cơ hội này.  Với công việc làm trong trường đại học Notre Dame, các con chàng nếu đạt đủ tiêu chuẩn thì sẽ có thể theo học tại nơi ấy, một trường đại học có tiếng ở Mỹ.  Học phí hàng năm của trường gần bốn mươi ngàn đô la, một chi phí mà gần như không một gia đình tỵ nạn Việt Nam bình thường nào có thể chịu đựng nỗi.

Thời gian cứ thế mà trôi, ba đứa con của Toàn cũng lần lượt tốt nghiệp Đại Học và có việc làm tương đối.  Nhưng cái điều mà bất cứ gia đình nào ở Mỹ đều gặp phải là ngày các con lớn lên, ra trường, có việc làm và rời xa cái tổ đã ấp ủ chúng suốt thời thơ ấu.

Toàn cũng phải chứng kiến và chấp nhận hình ảnh từng con chim non lần lượt vỗ cánh bay vào bầu trời cao rộng.

Cuối cùng thì đến lượt đứa con út, đứa mà Toàn thương yêu nhất, cũng ra đi.  Căn nhà hai vợ chồng Toàn đã cố gắng tạo dựng và chăm sóc bây giờ trở nên vô cùng trống vắng.  Mặc dù lúc các con còn ở dưới mái nhà cũng ít khi chàng được gặp mặt vì chúng còn bạn còn bè, còn bao nhiêu sinh hoạt riêng tư của chúng, nhưng giờ đây khi không còn đứa nào bên mình, chàng cảm thấy một cảm giác rất lạ kỳ, hình như đã mất mát đi một cái gì không thể bủ đắp được.  Những bữa cơm của hai vợ chồng hình như nhạt nhẽo hẳn.  Cỏ ngoài sân lên cao mà Toàn cũng không buồn cắt, tuyết ngập đầy driveway chàng cũng không muốn thổi.

Nhưng thời gian cũng trôi qua và tất cả rồi cũng phải quen dần.  Toàn phải lắng lòng lại để suy nghĩ về một thật tế mà chàng không thể phủ nhận.  Mục đích tối thượng của Toàn khi quyết định vượt biên là gì, nếu không phải là đi tìm cái quyền thiêng liêng nhất của con người là hai chử ‘Tự Do’.  Chính mình thì luôn mong ước tự do thì tại sao mình cứ muốn các con mình phải nằm dưới đôi cánh của mình?  Tất cả mọi ray rức khổ sở phải chăng là do tính ích kỷ của mình tạo ra?

Những quan niệm cổ xưa về nề nếp gia đình, về ‘quân thần, phụ tử, phu thê’ truyền từ đời này qua đời khác phải chăng là quá lỗi thời rồi?  Có phải chính những quan niệm ấy đã kềm hãm sự phát triển của dân tộc mình hay không?  Nhìn rộng hơn, các quốc gia không bị những quan niệm ấy chi phối đều tiến bộ vượt bực trong khi đất nước mình thì cứ lẹt đẹt phía sau.  Và có phải chính cái quan niệm ấy đã kềm chân dân tộc mình không thể thoát ra được cái chủ nghĩa phi nhân đang cai trị ở nước mình hay không?  Những người Cộng Sản đã lợi dụng các quan niệm trật tự lỗi thời ấy để chủ trương độc quyền yêu nước, ‘yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội!’  Người cầm quyền là ‘thế thiên hành đạo’, mọi chống đối lại nhà cầm quyền đều đồng nghĩa với ‘phản quốc’.

Rồi Toàn lại suy nghĩ, con cái có thương cha mẹ hay không là phát xuất từ đáy lòng của chúng chứ không phải do sự thúc ép của xã hội hay của gia đình, hay do bất cứ một học thuyết nào.  Quan niệm ‘con cãi cha mẹ trăm đường con hư’ phải chăng là đã quá sai lầm?  Ai cũng biết là ‘nhân vô thập toàn’, vậy mà chính cha mẹ lại muốn con cái không được cãi lời mình cho dù chưa chắc gì quan niệm của mình là đúng.

Một bản tin mới đây loan báo rằng có một đứa con (ở tiểu bang California) đã giết chết người mẹ vì mẹ đã buộc con phải học y khoa trong khi đứa con chỉ muốn học ngắn hạn để sớm tốt nghiệp.  Toàn suy nghĩ rất nhiều về việc này.

Tất cả những điều suy nghĩ ấy khiến Toàn thấy bình an hơn để sống cuộc sống của mình và để các con bước vào đời cạnh tranh với xã hội bên ngoài.  Toàn nhìn lại mình rồi nhìn lại các con.  Ở xã hội này mình làm sao bằng được chúng nó?  Chúng nó đã lớn lên từ trong lòng xã hội Mỹ còn mình thì thuộc loại dở dở ương ương! 

Thôi thì hai con khỉ già hãy tìm vui với cuộc sống của mình vậy, Toàn nghĩ!






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com