B à Diệu Thuần có ý nguyện vào dịp lễ Vu Lan – cũng là ngày lễ “chúng Tăng Tự tứ”; bà đi hành hương, lễ bái, cúng dường mười ngôi chùa kể từ ngày chồng bà mất. Có nhiều năm, theo đoàn hành hương của Phật tử chùa Tâm Ấn – bà đi chiêm bái “thập tự” ở ngoài tỉnh. Có năm, chỉ đi loanh quanh trong tỉnh, vì chùa không tổ chức đươc, hay nhằm lúc bà bị bệnh. Bà thường nói với các con : “Chùa gần, chùa xa – chùa to, chùa nhỏ – đều có Phật: Đức Phật ở trong tâm mình chớ ở đâu? “.
Năm nay có Sơn An – cậu con trai út của bà vừa trình luận văn tốt nghiệp xong trở về nghỉ vài tuần trước khi vào lại Sài Gòn xin việc; bà nắm lấy tay con – nhìn âu yếm vào mặt con – cười : “Con làm tài xế đưa mẹ đi chùa được không?”.
-Thưa , được – Sơn An đáp lời mẹ rất nhiệt tình.
-Đưa mẹ đi thăm mười ngôi chùa kia đấy…
-Một trăm ngôi chùa con cũng đưa mẹ đi được kia mà – Sơn An cười thoải mái.
Anh nhớ lại ba năm trước, lúc ba anh qua đời – mẹ anh vô cùng đau xót. Sự quặn thắt xót xa bật lên trong những tiếng nấc, nghẹn ngào – suốt hơn một trăm ngày, sau ngày chung thất. Thỉnh thoảng, trong bóng tối lờ mờ của gian buồng riêng, lại vọng lên lời thầm thì ; tiếng khóc cố nén lại tức tưởi. Chiều nào bà cũng lên viếng mộ, thắp hương, trong bộ áo quần màu đen an phận, buồn bã… Sơn An dần dần, thấu hiểu được lòng mẹ, thấu hiểu được sự vô tình chua xót của lẽ vô thương, và nhất là qua mẹ, anh đã hiểu thế nào là “bạn đời” – (bạn của một đời, một kiếp người).
Sơn An đưa mẹ đến lễ bái, cúng dường ngôi chùa đầu tiên: Đó là Tổ đình Thiên Đức ở thôn Háo Lễ – xã Phước Hưng – huyện Tuy Phước. Bà Diệu Thuần vừa ngồi lên yên xe, vừa cười hỏi : “Con có biết tại sao mẹ chọn về Thiên Đức trước tiên không?”.
-Dạ , không…
-Ngôi Tổ đình ấy là nơi nhà ta chịu ơn nhiều lắm, thời chiến tranh… Ông bà ngoại, các dì cậu – và cả mẹ đã nương thân ở nơi ngôi chùa ấy…
Tiếng bà cười sau lưng Sơn An:
-Mẹ có nhiều kỷ niệm với Cô Ba, người đang tu học, coi sóc, giữ gìn ngôi chùa Thiên Đức trong những năm cả xã được xem là “vùng trắng”…
-Bà ấy không sợ bom đạn sao mẹ? – Sơn An chia sẻ tâm sự với mẹ.
-Không ! Cô ấy ở lại chùa, cưu mang giúp đỡ bà con nghèo khó, giúp đỡ người hoạn nạn, không hề phân biệt…
Sơn An cho xe chạy đều, tốc độ khoảng ba mươi cây số giờ. Anh có vẻ chăm chú lắng nghe lời mẹ kể, như cùng sống lại với bà những năm tháng tuổi trẻ đen tối, bấp bênh.
Bà Diệu Thuần bỗng hỏi : “Con có biết, ngoài tên chùa Thiên Đức – chùa còn có tên gì nữa không?”.
Sơn An cười lớn:
-Con chịu thua !
-“Chùa Cô Ba, chùa Bà Ba…” – giọng bà Diệu Thuần trở nên trong trẻo, ấm áp. Bà con vì thương nhớ bà mà gọi vậy…
Xe đã chạy trên con đường bê tông cao, phía bên trái là dòng sông đang mùa cạn nước từng bầy vịt thả đồng ngụp lặn, tranh nhau kiếm mồi. Phía bên phải là con mương dẫn nước, là cánh đồng xanh, là từng bầy cò trắng… Gió buổi sớm rạt rào trên những hàng bạc hà, cành lá đung đưa, lấp lánh, như những bàn tay thân ái vẫy chào. Sơn An cảm thấy yêu mến quê ngoại nhiều hơn, đồng thời, anh cũng cảm thấy có chút gì như hối tiếc, như ân hận, sau bao năm xa quê…
-Đã gần đến chùa Thiên Đức chưa mẹ? – Sơn An hỏi với giọng nao nức.
-Qua sân vận động, chạy tiếp đến trước cổng “Chợ Háo Lễ”, rồi rẽ phải theo đường bê tông…
Chùa Thiên Đức đây rồi.
Ngôi Tổ đình vừa được đại trùng tu trông trang nghiêm, kỳ vĩ quá ! Bức tượng Quan Thế Âm bằng đá cẩm thạch cao 16 mét hướng nhìn về Tây – bao quát cả khu chùa rộng hơn mấy mẫu đất sáng lên màu ngói đỏ, màu vàng đậm, giữa màu xanh tươi của ngàn hoa lá…
Sơn An theo mẹ vào phía nhà Tổ để lễ bái Hòa Thượng viện chủ. Rồi anh theo mẹ lên Chánh điện lạy Phật. Sơn An có cảm tưởng như mình đang sống lại những năm tháng tuổi nhỏ – luôn theo mẹ, như đi chùa, đi phố, thậm chí đến việc đi ra chợ nữa. Đó là những giây phút hạnh phúc của tuổi thơ anh – mà sau này, lớn dần lên, anh không có thời gian nghĩ đến…
Sơn An rời Chánh điện, vì người đến lễ bái mỗi lúc một đông – còn mẹ anh thì đang tha thiết với quyển sách kinh trên tay… Anh đi ra phía sân trước, đứng ngắm nhìn bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang dịu hiền nhìn xuống – nét mặt từ bi, an nhiên, giữa khoảng trời xanh lồng lộng mây trắng trên cao. Anh chợt nghe có tiếng vỗ tay, rồi giọng đồng ca bài “Chùa Tôi” của Chúc Linh từ phía sau pho tượng – Anh tiến dần về phía ấy như có một sức hút kỳ diệu…
Đứng giữa vòng tròn, các em thiếu trong GĐPT Thiên Đức là một cô gái tóc xỏa, trong chiếc áo dài màu lam, giữa ngực đeo huy hiệu, và được gắn bên dưới một đóa hoa hồng trắng… Nhìn chiếc hoa màu trắng trên ngực áo cô gái, tự dưng Sơn An cảm thấy một nỗi bàng hoàng thương cảm dấy lên từ đáy lòng mình. Anh nhìn mải mê cô gái. Còn cô gái vẫn hồn nhiên vỗ tay giữ nhịp cho các em hát…
Đợi đến giờ nghỉ, Sơn An đến bên chiếc ghế đá đặt dưới gốc cây hoa Sứ – nơi cô gái đang ngồi.
Sơn An làm quen :
-Em hát hay quá…
Cô gái ngước lên nhìn anh – cười thân tình :
-Anh cho em “leo cây” đó à ?
-Không – Sơn An vui vẻ – anh nói thật lòng mà !
-Anh phải nói là em “hay hát” hơn “hát hay” mới đúng !
Sơn An ngồi xuống phần ghế còn lại bên cô gái – vẫn giọng chân thành
-Suy cho cùng “hay hát” vẫn tốt hơn “hát hay” mà lại ít hát phải không? Em đã hát cho nhiều người cùng nghe.
Họ đã quen nhau. Tự nhiên . Như đã quen như từ lâu rồi. Cô gái kể về những buổi sinh hoạt ở chùa, những ngày lễ, ngày giỗ, ngày sóc vọng mà nàng đã gắn bó, tham gia nơi mái chùa thân yêu này từ lúc còn là ngôi chùa cũ – khép nép, khiêm nhường của một mái chùa quê. Nàng kể đến những đứa học trò bé nhỏ của nàng nơi mái trường tiểu học một buổi đến trường, một buổi ra đồng, chăn trâu, chăn vịt… Đó là những mảnh đời yên ả, lặng thầm của nàng nơi vùng quê hiền hòa mà vẫn còn lao đao chuyện cơm áo…
…Buổi chiều, trong lúc bà Diệu Thuần đang tham gia khóa lễ cầu an – Sơn An đi thơ thẩn trong vườn chùa rợp bóng mát. Đã từ rất lâu, anh mới sống lại được khoảnh khắc của sự yên tĩnh, thanh tịnh, nơi tâm hồn mình. Thời gian bước đi khoan thai. Ánh chiều rơi xuống từng giọt nhỏ. Và tiếng chuông, lời đọc kinh từ phía chánh điện như tan hòa, mỏng manh, tha thiết bao trùm cái không gian linh hiệu của Tổ đình.
Anh đi. Từng bước chậm. Hít thở nhẹ nhàng.
Sơn An có ý chờ đợi cô gái huynh trưởng có pháp danh Diệu Hòa lúc sáng. (Khi cô gái chào từ giã anh về nhà, Sơn An có ân cần muốn biết tên và địa chỉ – cô gái chỉ liếng thoắng đáp : “Pháp danh Diệu Hòa – nhà có cây hoa Phượng đỏ bên kia đường”). Anh ngồi lại bên hông cửa cổng tam quan, chăm chú, theo dõi đám công nhân đang vội vàng thi công khu triển lãm, khu biểu diễn văn nghệ, cho ngày đại lễ lạc thành Tổ đình vào những ngày cuối tháng bảy. Quý thầy, quý chú bác trong ban hộ tự, ban tổ chức – đi lại, chuyện trò, chào hỏi rộn ràng càng làm cho không khí thêm ấm áp, gần gũi…
Diệu Hòa đã dắt chiếc xe mini màu tím bước vào cổng. Sơn An đứng dậy, bước lại đón: “Anh chờ em cả mấy giờ rồi!”.
-Em có hẹn giờ nào với anh đâu? Diệu Hòa nhìn lướt lên khuôn mặt thanh tú, trắng trẻo của Sơn An – cười tinh nghịch.
-Đã đành là em không hẹn, mà anh vẫn cứ chờ, mới lạ – mới có chuyện để nói chứ ? – Sơn An bước theo chân Diệu Hòa, cười vô tư.
Họ ngồi vào chiếc ghế bằng thân gỗ lớn được cưa phẳng mặt, gốc rễ xù xì – được đánh vẹc ni sáng bóng. Chiếc bàn – cũng từ thân cây to – cưa xéo dài một cách mỹ thuật – tạo nét tự nhiên, đẹp mắt. Ở gian nhà dãy hành lang phía trái sau khu chánh điện này có tới mấy bộ bàn ghế thiên nhiên, kỳ lạ như thế.
Sơn An hỏi :
-Em ở cạnh chùa, lại thường xuyên sinh hoạt, gắn bó – vậy em biết chùa Thiên Đức còn có tên “thường gọi” nào nữa không?
Diệu Hòa cười lớn:
-Em không “đố” anh thì thôi, sao anh lại “múa rìu qua mắt thợ” vậy ?
-Không phải thách đố, anh chỉ muốn tìm hiểu kia mà – Sơn An chống chế. Anh hỏi như một câu trả lời:
-Có phải chùa còn có tên là “Chùa Bà Ba, Cô Ba” nữa, phải không?
-Đúng rồi – Diệu Hòa cười, nhưng còn có một tên “thường gọi” nữa kìa…
-Lại còn có thêm một tên nữa sao ?
-Chùa “Nước Chảy” – Diệu Hòa đáp nhanh sau cái nhìn thoáng qua đôi mắt Sơn An đang mở to có vẻ ngạc nhiên, thích thú.
Chùa “Nước Chảy” – có một nhánh sông nhỏ chảy qua quanh chùa, lúc chùa mới được Tổ khai sơn Thiền sư Minh Giáo Kỳ Phương tạo dựng vào khoảng năm 1720 bằng ba gian nhà lá. Nay dòng nước đã bị bồi lấp, nhà cửa, thôn ấp được mọc lên dần ; diện tích ngôi chùa được mở rộng thêm ra ; đến đời trụ trì thứ 13 – thiền sư Tâm Tịnh Huệ chiếu (1895 – 1970) chùa mới được tái thiết toàn bộ bằng vật liệu kiên cố… Đến ngày hôm nay, Hòa Thượng Thiền sư Quảng Phước Thiện Nhơn là vị trù trì thứ 15 – đã thực hiện cuộc đại trùng tu ngôi Tổ đình Thiên Đức thành ngôi già lam trang nghiêm, hùng vĩ…
Sơn An lắng nghe Diệu Hòa “thuyết trình” một cách thích thú, như một đoàn sinh của GĐPT. Còn Diệu Hòa thì có dịp tự hào về sự gắn bó tha thiết của mình với ngôi chùa quê thân yêu.
Bất chợt, Sơn An cầm lấy bàn tay Diệu Hòa – tự nhiên như cái bắt tay với một người bạn – anh vỗ nhẹ lên bàn tay Diệu Hòa – giọng hứng khởi : “Anh rất phục em – nhưng cho anh hỏi em một câu nhé ?”.
-Câu gì ? Diệu Hòa vẫn giữ yên bàn tày trong đôi bàn tay Sơn An ấm áp.
-Trong khu vườn chùa đây, em biết có bao nhiêu ngôi tháp cổ không?
Một thoáng do dự – nàng đáp :
-Hình như là sáu, hay bảy ngôi tháp…
-Anh muốn em nói chắc, không có “hình như”…
-Là sáu !
-Đúng ra là bảy – Sơn An cười lớn.
Bà Diệu Thuần từ sân nhà thờ Tổ đoan đã bước lại chỗ hai người – giọng vui mừng :”Mẹ đi tìm con nãy giờ, chiều tối rồi, mình về thôi…”.
Sơn An giới thiệu Diệu Hòa với mẹ. Bà gật đầu, âu yếm nhìn Diệu Hòa, mỉm cười : “Cuối tháng An nó vào lại Sài Gòn – tiếc là hai đứa ở xa nhau quá!”.
Sơn An nói với mẹ :
-Đức Phật đã dạy : “Kẻ vô ơn, bạc nghĩa thì dù ở gần, cũng thấy cách xa. Còn kẻ tri ân và tình nghĩa thì dù có ở xa cũng hóa gần” – có phải không mẹ ?
Từ phía chánh điện, hồi chuông bỗng vang lên, vang lên, liên hồi ngân vang trong bóng chiều đã gần tắt. Hình ảnh ngôi nhà có cây hoa phượng đỏ bên kia đường, cổng nhà sơn màu xanh, cửa sắt xanh – dãy cửa chính bằng gương sơn màu đà – Sơn An thoáng nhớ lại theo lời miêu tả của Diệu Hòa – và anh đinh ninh rằng, anh sẽ có dịp tìm đến …
Hồi chuông đã ngưng bặt. Nhưng tiếng chuông chiều Thiên Đức sẽ còn mãi mãi ngân vang trong tâm hồn anh đầy ắp yêu thương.
Diệu Hòa đứng lặng yên. Vẫy tay từ giã …