Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TỪ CHUYỆN ĂN UỐNG
ĐẾN CHUYỆN ĂN RỪNG




T ừ chuyện ăn chuyện uống…

Trong lĩnh vực ăn uống, chuyện sính ngoại cũng có nhưng hình như đa số người Việt mình vẫn ưa dùng hàng nội hơn. Ra chợ, các bà các chị vẫn thích mua “gà TA” hơn gà Tam Hoàng của Tàu hay gà “công nghiệp” của Tây dầu rằng các giống gà này đều là “MADE IN VIETNAM” nên có ăn gà Tam Hoàng hay gà “Lơ go”, gà Tây, gà Tàu thì vẫn là đồ nội cả. Thịt gà, thịt bò, thịt trâu, lòng gà, chân gà tẩm hóa chất, trữ trong tủ lạnh quá đát lén lút được tung ra thị trường dù là trong siêu thị hay ngoài chợ cóc, dù đem lậu từ bên kia biên giới vào hay nhập khẩu tận Mỹ, tận Úc cũng đều bị người tiêu dùng Việt tẩy chay nếu không có nguồn gốc rõ ràng, nếu là hàng bẩn, hàng rởm. Chí ít, trong lĩnh vực đồ ăn thức uống, dân ta vẫn chuộng các sản vật của chính mình. Tuy nhiên, dẫu có ăn cao lương mỹ vị Việt chăng nữa nhưng nếu ăn uống bữa bãi, hoang phí thì cũng là người thiếu văn hóa và kém yêu nước.

Cứ thử vào các đám cưới và một vài nhà hàng thì thấy. Nhiều đám cưới được tổ chức quá tốn kém linh đình trong những khách sạn sang trọng. Người ta bỏ không biết bao nhiêu tiền của để chi dùng cho các kiểu ăn uống trưng diện. Nào là mời thợ chụp ảnh đi khắp nơi để cô dâu chú rể được biến thành “người mẫu thời trang” với cuốn an bum cưới tốn cả dăm chục triệu. Thuê đủ loại xe đắt tiền chạy rồng rắn khắp phố phường và cả một tiệc cưới cực kì xa hoa, thịt thà, cá mú, rượu bia thả dàn. Cả mâm cỗ ngổn ngang tú hụ nào gà, nào cá, nào tôm, nào mực…cao lương mỹ vị bầy la liệt. Nhiều món chỉ đụng đũa rồi để đấy. Tan tiệc, nhân viên nhà hàng đẩy cái thùng đổ cả chiếc bánh mới bóc, con cá, đĩa thịt còn nguyên để cho lợn mà thấy xót cái của bà con mình một nắng hai sương mới làm ra. Xót cái công anh chị em nhà bếp thức khuya dậy sớm cắt tỉa, pha chế, nấu nướng, bầy biện mới có được. Phè phỡn trong lúc bà con mình còn đói còn khổ thì sao gọi là yêu nước được, dù cho ta đang dùng chính hàng hóa của bà con mình làm ra, dẫu rằng ta tiêu tiền của chính mồ hôi công sức của mình làm ra một cách tự nguyện hay bất đắc dĩ như đi ăn cỗ cưới.

Ăn uống phè phỡn, ăn uống lãng phí, phô trương thì dù ăn đồ ăn Việt, uống đồ uống Việt 100% thì cũng không thể coi đó là “dùng hàng Việt là yêu nước được”.

Đến chuyện “ăn rừng” ăn tài nguyên.

Nhà Dân tộc học Pháp Georges Condominas có nhiều công trình nghiên cứu về Dân tộc học ở Việt Nam, trong đó cuốn “Chúng tôi ăn rừng” rất nổi tiếng. Mới đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức trưng bày kỉ niệm về hoạt động của nhà khoa học này cùng các tư liệu về “Những người ăn rừng” (Nous avons mange la forêt). Cụ “Công Đô” đã mô tả về việc khai thác tài nguyên nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa, giữ gìn được rừng của đồng bào M nông Gar ở Tây Nguyên từ hơn nửa thế kỉ trước. Các tài liệu thật đáng trân trọng. Biết bao giá trị văn hóa thể hiện việc tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên một cách hài hòa của đồng bào đã được nhà khoa học ghi chép lại. Ăn rừng nhưng không “ăn sống nuốt tươi, ăn sạch sành sanh”. Ăn rừng nhưng để rừng lại phục hồi và mãi mãi phát triển…

Tôi có nhiều lần đi qua rừng, làm việc trong rừng, sống trong rừng. Mỗi lần qua cửa Kiểm lâm, tôi lại thấy nhiều khẩu hiệu rất đa dạng như “Đốt rừng như thể đốt da thịt mình”… nhưng lạ nhất vẫn là câu “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý”. Thoạt nghe câu này, tôi thấy lạ tai. Đã là vàng thì đương nhiên phải quý rồi, sao lại phải “biết bảo vệ và xây dựng thì” mới trở nên “rất quý?”. Xem kĩ câu dặn dò trên được kẻ thành khẩu hiệu dựng khắp nơi trong các khu rừng cấm hay rừng đặc dụng mới biết hóa ra đấy là câu dặn dò của Bác Hồ. Dẫu kính yêu Bác đến đâu tôi cũng vẫn “chưa thông” cái câu người dặn dò có vẻ chưa lô gic ấy. Tôi có đem câu nói ấy ra hỏi học trò và hỏi mọi người nhưng không cho biết câu ấy do ai nói ra. Hầu như mọi người đều ngỡ ngàng và không hiểu hết ý.

Đêm qua băn khoăn câu khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt là yêu nước” và ngẫm lại lời dặn dò của Bác Hồ tôi mới ngộ ra câu dạy của người thật chí lí.

Rừng là vàng! vâng đúng. Cụ cũng từng nói nước ta “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Quả thật rừng là vàng thứ thiệt. Biển là bạc thứ thiệt. Một tấc đất là một tấc vàng. Chẳng thế mà bao tay lâm tặc, lắm kẻ buôn gỗ tiếp tay cho phá rừng, lũ đầu cơ buôn đất … đã trở thành trọc phú giàu nứt đố đổ vách, xây bao dinh thự, sắm bao ôtô, … Phá rừng, phá ruộng, vơ vét tài nguyên tàn bạo là hủy hoại cả đất nước, cả dân tộc, cả hành tinh, dù là phá hợp pháp hay bất hợp pháp, tiêu dùng vô tội vạ cái tài nguyên Nội của tổ tiên để lại cũng là có tội.

Tuy nhiên, sau câu khẳng định “rừng là vàng”, Cụ Hồ lại ra một điều kiện vô cùng quan trọng “nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý!”. Đúng vậy! Rừng là vàng đấy nhưng nếu không bảo vệ nó thì rừng cũng tiêu! Nếu không “xây dựng”, tức là chăm sóc, là trồng thêm, là có quy hoạch hợp lí thì vàng mới tiếp tục đẻ ra vàng. Dù có xây các lâm trường to bao nhiêu nhưng trồng một cách phi khoa học, phản sinh thái, hủy hoại các giá trị của môi trường sống tự nhiên và nhân văn thì tuy trước mắt, người ta có thể thu vào túi những món tiền khổng lồ, nhưng sau đó là những hiểm họa môi trường không thể nào cứu vãn. Nào là xói lở sụt đất, lụt lội, hạn hán… làm hại đến cả triệu người sống trong rừng, ngoài rừng và cả ở đồng bằng. Biết bao giống loài chim thú, cây cối quý báu bị diệt vong.

Càng ngẫm, càng thấy lời Bác dạy thật chí lí! Người thật có tầm nhìn xa. Nếu không biết bảo vệ tài nguyên, không biết quy hoạch xây dựng để sử dụng bền vững tài nguyên rừng, biển và mọi tài nguyên có giá trị hàng hóa như vàng của đất nước ta, của dân tộc ta thì dẫu có là vàng thì cũng chỉ chảy vào túi của một số kẻ nào đó mà thôi.


Yên Tử 25-10-2009



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com