Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ĐÔI CÁNH CHIM QUYÊN



“Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian, mà là sự dâng hiến”
Peter Marshall

H ơn tám năm rồi, dường như buổi sáng nào hai vợ chồng anh Quyên cũng có mặt ở quán cà phê “Góc Quê”, chỉ trừ những ngày giỗ chạp hoặc đưa anh Quyên đi Sài Gòn để tái khám.

Anh chị luôn ngồi ở chiếc bàn phía trong (khuất sau bức vách theo lối rẽ ở bậc tam cấp), nhìn xuống dòng sông mầu nước xanh trong, êm đềm lững lờ con nước chảy. Mùa cạn, dòng sông trơ đáy - có thể nhìn thấy bãi cát vàng cao thấp, lô nhô trải dài, với những đám lau sậy, đám cỏ xanh mượt xa tít. Phía bên trái, là chiếc cầu cũ làm bằng những thanh sắt lót gỗ đã rỉ mục, đổ nát, hoang phế. Có lẽ đã từ lâu lắm rồi không ai dám đi trên chiếc cầu gãy này, từ khi chiếc cầu mới được xây dựng, đúc bê tông kiên cố theo tuyến đường mới mở rộng để qua sông.

Anh Quyên khuấy đều ly cà phê sữa từ tay chị Quyên vừa pha chế xong, nhắp một hớp rồi đặt ly xuống bàn. Anh thoáng nhìn chị ánh mắt trìu mến, thương cảm. Từ ngày anh được bệnh viện Chợ Rẫy cho biết kết quả sinh thiết, siêu âm, chị đã luôn bên cạnh anh - như đôi chim liền cánh. Chim làm sao bay nhảy, khi chỉ còn một chiếc cánh đơn độc?

Những lần anh Quyên phải vào Sài Gòn tái khám cũng như đi chơi đâu xa, anh chị luôn có đôi không rời nhau một buổi. Dường như cả hai đều mong ước được sống bù cho những ngày tháng xưa kia, anh Quyên được điều dạy ở một ngôi trường thuộc huyện miền núi, vài tuần mới đạp xe lọc cọc vượt trên ba mươi cây số để về thăm vợ con một lần. Từ ngày biết được cuộc sống của mình đang nằm vào giai đoạn cuối của bệnh u phổi mãn tính, anh thấy mình thật diễm phúc được yên lành bên người vợ hết mực yêu thương anh, tự tay chị pha café và trà mỗi sáng sớm để cùng chở nhau lên “Góc Quê”.

Nhìn xuống dòng sông, lạch nước giữa dòng đang trôi xuôi lặng lẽ, như gắng chuyên chở nỗi niềm của vùng cao về với biển. Anh bâng khuâng nhớ lại mùa nước lũ năm nào, anh đã bơi qua đoạn sông này để về thăm chị khi chị vừa sinh bé Ca được một vài tuần tuổi. Buổi chiều thứ bảy, dạy xong anh gò người trên chiếc xe đạp cọc cạch, băng qua vùng nương rẫy gập ghềnh, đường đất lồi lõm hơn ba mươi cây số; tuy thấm mệt, nhưng trong anh niềm háo hức, rộn ràng nghĩ đến giây phút gặp vợ con; làm anh phấn chấn, như khỏe hơn, đạp nhanh hơn để sớm về nhà trước khi trời tối. Đến bến sông trời đã sập tối, nước lũ đang về tràn ngập chiếc cầu cũ đã xiêu vẹo, chảy xiết, hung bạo. Anh bồn chồn băn khoăn suy nghĩ, không lẽ đã vượt qua được đoạn đường dài nhiêu khê, lúc nầy chỉ còn vài trăm mét nữa là gặp được vợ con mà phải quay về, hay nằm lại bên nầy sông chờ nước rút sao?

Anh vội giấu chiếc xe đạp trong lùm cây, cởi ba lô cột chặt trong cái bọc ny lon để làm phao có thể nâng anh khi xuôi theo con nước chảy xiết.

Anh men theo bờ sông đi ngược lên phía trên một đoạn, rồi ôm ba lô thả người xuống dòng nước đang cuồn cuộn. Anh ôm chặt chiếc “phao ba lô” thả trôi xuôi theo dòng nước. Đôi lúc dòng nước chảy xoáy đã nhấn chìm chiếc phao ba lô làm anh bị cuộn nhào theo như muốn hất anh khỏi chiếc phao, khiến anh chới với.

Hình ảnh chị đêm ngày ngóng trông và đứa con gái bé bỏng bụ bẩm mới sinh như một liều thuốc mầu nhiệm; một sức mạnh vô song, để anh trở nên mạnh mẽ hơn, bấu chặt vào chiếc phao. Phút chốc, anh cảm thấy dòng sông mùa lũ hình như rộng lớn hơn, hai bờ cách nhau thăm thẳm trong màn đêm dần buông. Cuối cùng, anh cũng chạm được vào bờ. Anh đưa tay níu chặt một nhánh cây rồi gắng sức còn lại trèo lên bờ. Anh vội vàng bước đi lầm lũi trong đêm tối mưa giăng, chỉ có những vệt ánh sáng hắt ra từ phên cửa sổ lập lòe, soi sáng con đường làng quen thuộc.

-Anh đang nghĩ gì mà thẩn thờ vậy?

Anh Quyên đang mãi mê đuổi theo dòng cảm xúc, nghe tiếng chị hỏi - anh quay lại, khuôn mặt vẫn còn vướng vất chút kỷ niệm ngày nào.

-Dòng sông trông hiền hòa thế kia, nhưng mùa lũ lại hung bạo đến khiếp, em nhỉ?

-Nước trông hiền lành vậy đấy, nhưng cũng không gì dữ bằng nước, anh ạ!.

-Lũ tràn về đỏ ngầu, chảy xiết, cuồn cuộn trông thấy ghê. Không hiểu sao ngày ấy anh không sợ gì hết, nhảy ào xuống cố bơi về. Nghĩ lại thấy anh liều mạng thật, em nhỉ!

Chị nhìn anh âu yếm:

-Anh liều thật đấy! Lỡ nước cuốn trôi anh đi mất, thì sao?

Anh cười hiền - nói chắc nịch:

-Cái số anh bỏ vào cối giã cũng văng ra, làm sao nước cuốn được?

-Cho nên anh phải sống bên em mãi mãi, chừng nào em ra đi anh mới được phép đi, nghe chưa? Tiếng chị Quyên nghe ướt sũng.

Anh cười hồn nhiên:

-Được rồi. Anh còn phải lo cho em nữa mà, hay là mình cùng đi một lượt?

-Dễ gì được như vậy anh? Có cái duyên, cái số cả.

-Thì mình chỉ ước như vậy thôi. Biết đâu!

Chị nhìn anh, đôi mắt ánh lên niềm hy vọng mới mẻ, như muốn nói cùng anh rằng, “Cứ ước đi anh, chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi, dù sống hay chết, anh nhé!”.


♣ ♣

Quyên vội vã bước lên dãy hành lang để đến phòng ông Hiệu trưởng, đã vấp chân ngã vào cô bé mặc chiếc áo dài trắng tay ôm sổ đầu bài đang đi trên hành lang về lớp; làm cô bé chúi đầu chút xíu nữa là bị ngã. Anh nói lời xin lỗi, rồi vội đi tiếp. Cô bé nói vói theo:

-Này anh kia! Đi đâu mà vội vàng va phải người ta suýt ngã vậy?

Anh quay lại:

-Xin lỗi em! Cho tôi xin lỗi nhé!

Cô bé phụng phịu:

-Xin lỗi vậy là được đó hở? Có vội cũng phải mở mắt nhìn cho rõ chớ!

Anh lúng túng:

-Lỡ thôi mà. Tôi đâu muốn va vào em làm chi.

Cô bé thấy anh dáng cao ráo, thư sinh, nghĩ là một chàng lớp mười hai đang vội lên văn phòng lấy sổ đầu bài như mình; nên khó dễ để chừa cái tật hấp tấp, vội vã, không coi trước, ngó sau, cho bỏ ghét. Cô nói rõ ràng:

-Va vào rồi nói lỡ là được à! Dễ nghe quá hen!

Anh nhìn vào đôi má phụng phịu của cô bé, bỗng phì cười:

-Vậy, chớ em muốn tôi phải làm gì mới chịu?

Cô bé trở nên lúng túng:

-Thì ai mà biết, ai muốn anh phải làm gì đâu nào?

Anh đang không biết phải làm gì, thì nghe một giọng nói phía sau:

-Quyên! Lấy sổ đầu bài gì mà cả buổi. Cô đến lớp rồi kìa. Về lớp mau.

Cô bé vừa nói, vừa đi theo bạn:

-Lần sau, nhớ không vội mà va nhầm người khác đó nghe chưa? Tui nhớ mặt anh rồi đó.

Quyên lẩm nhẩm - thì ra cô bé trùng tên với mình. Trông cô hiền lành, có mái tóc dài, đẹp mà cũng lý lẽ ra phết. Anh đi về phía phòng ông hiệu trưởng.

Ngày đầu đến trường để nhận lớp, anh cảm thấy vui vui vì vừa gặp một cô bé dễ thương, lý sự. Anh nghĩ, mình phải trưởng thành hơn từ suy nghĩ đến tướng mạo, và cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, để trở thành một thầy giáo tốt hẳn hoi dưới mắt học sinh.

Anh được phân dạy toán các lớp khối bảy, tám vào buổi chiều các ngày trong tuần, nên không gặp lại cô bé có tên Quyên. Hôm trường tổ chức phát thưởng cho những học sinh nghèo vượt khó toàn khối lớp, anh có mặt ở văn phòng từ sáng sớm để sắp xếp phần thưởng cho học sinh.

Anh loay hoay xếp những phần thưởng theo từng khối lớp, bỗng nghe một giọng nói quen thuộc từ nhóm nữ sinh vừa bước vào phòng:

-Nhanh lên! Tụi mình mang phần thưởng xuống dưới đấy, chắc phải đi nhiều lần mới hết đó.

-Ừ! Nhanh lên các bạn. Sắp đến giờ rồi.

Quyên nhìn thấy anh đang đứng bên những phần thưởng, liền nói lớn:

-Nè, anh kia! Lại gặp anh nữa rồi. Anh làm gì ở đấy nhỉ? - cô bé lắc lắc cái đầu như hiểu ra, À! Anh cũng lên đây để mang phần thưởng xuống dưới kia, phải không? Đi cho cẩn thận đấy! Vấp té bay mất phần thưởng là bị phạt đó, không phải “xin lỗi” là được đâu!

Anh nhìn cô bé, mỉm cười:

-Em yên tâm. Lần này tôi cẩn thận.

-Không cẩn thận mà được sao! Nhanh lên! Anh cũng nhanh lên, sắp đến giờ khai mạc rồi đó.

Một cậu học sinh bước vào, lễ phép:

-Thưa thầy! Thầy hiệu trưởng đang tìm thầy đấy ạ!

Anh dặn dò:

-Thầy xuống ngay đây. Em tìm vài bạn nữa cùng mấy chị mang phần thưởng xuống giúp thầy nghen.

-Dạ!

Cô bé nhìn anh sửng sốt. Thì ra anh là thầy giáo mới về trường. Cô đỏ mặt, lúng túng:

-Anh là... là... thầy...

-Tôi là thầy giáo chủ nhiệm lớp 8B. Thôi các em nhanh lên nhé! Tôi xuống trước.

Anh bước ra khỏi phòng trước đôi mắt ngỡ ngàng của cô bé. Anh đã kịp nhìn lên bảng tên trên ngực áo của cô. Lê Thị Ngọc Quyên - Lớp 10A. Anh cảm thấy vui vì gặp lại cô bé có cái tên trùng với mình. Nhìn cô sửng sốt mặt đỏ bừng, anh thấy thương thương. Cô không đẹp lắm nhưng có cái nhìn cuốn hút làm người đối diện cảm mến.

Mấy tháng sau, Quyên tìm hiểu về cô. Anh biết được cô là người cùng làng, cách nhà anh một thôn. Anh cảm thấy thoáng chút bâng khuâng, xao xuyến, người cùng làng mà bấy lâu anh không hề biết. Tình cảm mới lạ tự nhiên lớn dần trong anh.

Anh đàn guitar giỏi vì đã được chơi từ thời còn là học sinh cấp hai. Anh hát cũng rất hay nên mỗi lần sinh hoạt văn nghệ trường lớp, anh hướng dẫn và tập cho học sinh đơn ca, hợp ca. Quyên thường được anh đệm đàn tập hát đơn ca trong những buổi văn nghệ như thế. Cô bé có giọng hát truyền cảm, trong trẻo, khỏe khoắn càng làm anh xao xuyến, yêu thương.

Cô bé Quyên đoán biết, thoáng ngỡ ngàng, lao xao rồi nhớ nghĩ về anh với tình cảm mới lạ đầu đời. Đôi lúc Quyên trông anh nho nhã, trẻ măng như vậy mà lại lớn hơn cô gần mười tuổi. Nhưng, như hoa nở, tình yêu cứ theo ngày tháng lớn dần lên và cô nhận biết rằng, cô đã yêu thương anh ngày một sâu đậm không thể phai mờ.

Tháng 4 năm 1975, dù chưa kết thúc năm học lớp mười, cô được mời dạy ở một ngôi trường làng. Là một cô giáo cấp một với lòng ham học hỏi, cô vừa dạy vừa học tiếp tục và nghĩ rằng - phải học cho hết bậc trung học và tốt nghiệp sư phạm, mới trở thành một cô giáo có năng lực. Cô đã được gia đình anh nhờ mai mối dạm hỏi, nhưng vẫn hẹn ước với anh hãy chờ cô học cho xong mới có thể tổ chức lễ cưới. Anh vẫn chờ cô bảy năm, sau khi cô tốt nghiệp sư phạm lễ cưới của anh mới được tổ chức.

Sau đó, vì định kiến hời hợt, thô thiển thuở giao thời của phòng giáo dục, anh lại phải chuyển lên dạy ở một ngôi trường thuộc huyện miền núi, cách xa nhà hơn ba mươi cây số đường rừng rẫy; bởi “cái tật” sáng nào cũng ngồi quán với tách café đen trước khi đến trường (hay trong các ngày nghỉ). Họ gọi anh là thành phần “tiểu tư sản”. Vài tuần, anh về thăm nhà vào chiều thứ bảy, sáng thứ hai lại lọc cọc đạp xe đi sớm mới kịp giờ đến lớp. Con đường rừng nhiêu khê không thể ngăn cản bước chân yêu thương, thủy chung của anh trong những năm giao thời đầy rẫy những gian khó.

Anh chị Quyên đã có hai cô con gái xinh xắn, vừa giống cha về tính cách phong nhã cởi mở, vừa giống mẹ điềm đạm duyên dáng. Sau ngày sinh cháu gái thứ hai được một tháng, chị Quyên nhìn anh hân hoan bồng con - giọng buồn buồn:

-Em xin lỗi vì chưa sinh cho anh một đứa con trai.

-Em ơi - anh Quyên vỗ nhẹ vào vai chị - em không nghe “ông bà” ta dạy sao?

-Quý cụ dạy sao, anh?

-Ông bà đã “nhắc nhở” rằng: “Sinh con gái sẽ được sướng suốt đời. Sinh con trai sẽ đến hết đời mới được sướng” - anh Quyên cười hồn nhiên.

Các cụ trong làng, dạy dỗ con cháu thường nói: “Tụi bay xem vợ chồng anh Quyên kia mà bắt chướt. Sống phải biết yêu thương, thủy chung, nhường nhịn, như vậy đấy. Sinh trai gái gì cũng trân quý như nhau. Anh chị ấy như đôi chim Quyên luôn gắn bó!”.

Sau khi anh về hưu được vài năm, một hôm anh thấy trong người mỏi mệt, đau riêm vùng ngực làm anh khó thở. Chị đưa anh vào Sài Gòn khám bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm chụp phim, bác sĩ chẩn đoán anh bị “u trung thất” cần phải chữa trị lâu dài. Hằng tháng anh phải vào Sài Gòn tái khám, và uống thuốc đều.

Anh bị sốc, buồn bã, lo lắng khi biết mình đang mang bệnh hiểm nghèo. Chị luôn bên cạnh chăm sóc, an ủi - “Anh đừng lo lắng, buồn phiền mà bệnh trở nên nặng. Mình phải sống an vui với hiện tại, làm sao đời sống cho có ý nghĩa trong những tháng ngày còn lại anh ạ! Em sẽ luôn bên anh, anh yêu!”.

Dù được chị tâm sự, chia sẻ - anh vẫn không an lòng, thấy buồn thương vợ con nếu không còn anh để nương tựa. Nhiều đêm anh thao thức với bao nhiêu là trăn trở, tự vấn. Thuở nào, anh đã cùng chị thề nguyện sẽ sống bên nhau cho đến bạc đầu, không lẽ lại tình cờ ra đi như thế này, bỏ lại bao nhiêu điều chưa thực hiện?

Trong anh dấy lên bao nỗi niềm ray rức, đau thương, đã khiến anh có lần gần như suy sụp phải đi viện cấp cứu. Và trong một lần về Sài Gòn tái khám, bác sĩ đã cho chị biết, bệnh anh đã chuyển sang K.

Từ đó, sáng nào hai vợ chồng anh Quyên cũng vui vẻ đèo nhau lên quán cà phê “Góc Quê”, ngồi vào chiếc bàn quen thuộc nhìn xuống dòng sông như một góc riêng trong tâm hồn, trong đời sống mình.

Vài năm qua, anh Quyên đã lần lượt tiễn đưa những người bạn cùng bị bệnh như anh, dù phát hiện bệnh sau anh mấy năm ra đi.


♣ ♣ ♣

Anh chị Quyên vừa tham gia một chuyến du lịch tập thể gọi là “Về Nguồn” trong ba ngày, dọc theo tuyến đường lên thành phố hoa Đà Lạt. Ba ngày, người ta không thấy anh chị Quyên ghé “Góc Quê’ - chiếc bàn hai người vẫn ngồi để trống. Về lại nhà buổi tối, sáng sớm anh chị Quyên đã có mặt ở “Góc Quê”, ngồi ở chiếc bàn quen thuộc bên nhau, ôn nhớ lại mấy ngày vui bên các bạn - hai đêm liền anh Quyên không ngủ được, vì chung phòng với ba người bạn có tật ngủ ngáy ồ ồ kẽo kẹt như kéo cưa, rồi cùng nhắm nháp tách cà phê tự tay chị Quyên pha chế, mang theo; nhìn khoảng trời quê an lành, thanh vắng như con nước đang lặng lờ xuôi dòng phía dưới chân cầu.

Cơn gió buổi sớm thổi dạt từ lòng sông thoáng lên chỗ ngồi mát rượi. Tiếng chị Quyên hào hứng:

-Không hiểu sao, trước kia mỗi lần có đi đâu xa, em lo lắng đủ thứ chuyện. Nào con gà, con heo, nào nhà cửa, con cái. Còn bây giờ, em không thấy có gì để lo hết trơn, thiệt lạ, anh nhỉ!

Anh nhìn chị - cười đồng cảm:

-Trước kia, em sống vì gia đình, vì con cái. Còn bây giờ, em sống cho riêng mình, cho tình yêu của mình. Có gì đâu mà không hiểu?

-Vậy là em đã buông được cái cần buông, phải không anh?.

-Đúng rồi. Phải buông những gì không cần thiết, để sống thật trọn vẹn cho chính mình hôm nay, trong những tháng ngày còn lại, em yêu ạ!

Mặt trời đã lên cao.

Ánh nắng trải dài xuống dòng sông một mầu vàng hanh, ấm áp. Chị Quyên nghe như đang có tiếng chim hót vang đâu đây!

   Những ngày đầu tháng 5/2019






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com