Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


GIẤC NGỦ TRƯA NGÀY THỨ BA



LGT:  Ðây là truyện ngắn của Garcia Marquez ( giải Nobel
văn chương) , bản dịch Nguyễn Văn Sâm

C hiếc xe lửa chun ra khỏi hầm ngoằn ngoèo của của một vùng đá sa thạch, bắt đầu băng xuyên ngang qua đồn điền chuối. Không khí từ đây trở nên ẩm ướt, họ không còn cảm nhận được những làn gió hây hây từ biển thổi tới nữa. Một đám khói ngộp ngụa hùn hụt chui qua cửa sổ ùa vào trong toa. Trên con đường song song với đường xe lửa, mấy chiếc xe bò chở đầy chuối xanh đang di chuyển chậm chạp. Bên kia đường, nơi không trồng chuối, rải rác vài văn phòng có trang bị quạt điện, những ngôi nhà lầu ngói đỏ, mấy căn nhà dân chúng trước sân có đặt bàn ghế trăng trắng giữa những khóm hồng và vài cây dừa vương đầy bụi bặm. Bây giờ là mười một giờ trưa, nắng vẫn chưa lên.

"Hãy kéo cửa sổ lên," người đàn bà nói. "Tóc dính đầy bụi khói kìa."

Đứa con gái cố gắng đóng mành cửa sổ lại, nhưng tấm mành mành không nhúc nhích vì rỉ sét.

Họ là hai người hành khách đơn độc trong toa hạng ba duy nhứt của chuyến xe lửa.

Khói tiếp tục ùa vào toa, đứa con gái rời chỗ ngồi, bỏ những vật dụng ít oi họ mang theo xuống: một cái gói bằng nylong trong chứa chút ít thức ăn, một bó hoa bọc bằng giấy nhựt trình. Nó ngồi sang bên ghế đối diện, trước mặt mẹ, xa cửa sổ. Cả hai đều mặc áo tang rẻ tiền, màu ảm đạm.

Đứa con gái chừng mười hai tuổi, lần đầu tiên đi xe lửa. Người đàn bà có vẻ như quá già để là mẹ nó. Những đường gân xanh trên mí mắt, thân hình nhỏ nhít, mảnh khảnh trong bộ quần áo cắt may quá dài giống như áo chùng. Bà ngồi mà xương sóng dán chặt vô lưng ghế, hai tay nắm khư khư cái sắc tay bằng da đang để trên đùi. Bà mang dáng vẻ điềm tĩnh cam chịu của một người quen sống đời nghèo khổ.

Lúc mười hai giờ trưa thì cái nóng bắt đầu lên. Xe lửa ngừng mười phút để lấy nước ở một trạm nghỉ trơ vơ trên đường. Bên ngoài, trong cái tĩnh mịch bí mật của đồn điền, bóng nắng như thanh khiết, nhưng không khí đứng lặng trong toa tỏa ra mùi như mùi da chưa thuộc. Xe lửa chạy không gia tăng tốc độ, ngừng ở hai thành phố giống hịt nhau với những căn nhà bằng cây sơn màu loè loẹt. Đầu người đàn bà gục xuống, bà đi vào giấc ngủ. Đứa con gái lột giày ra, đi vào phòng rữa mặt, nhúng nước bó hoa.

Khi đứa bé trở về chỗ ngồi thì mẹ nó đang đợi để cùng ăn. Bà mẹ đưa cho con một miếng bơ, nửa cái bánh bột bắp, rồi lấy trong túi nylong ra một phần tương tợ cho mình. Xe lửa lúc nầy chạy chầm chậm qua một cái cầu sắt, lướt ngang một thành phố giống như những thành phố đã đi qua, chỉ khác là ở đây có một đám đông đang tụ họp trên quảng trường. Dàn nhạc đang chơi một điệu nhạc sinh động dưới ánh mặt trời gay gắt. Phía đối diện với thành phố, đồn điền chấm dứt bằng vùng đất rộng, nứt nẻ do trời nắng nóng bức.

Người đàn bà ngừng ăn.

"Mang giày vô đi," bà nói.

Đứa con gái nhìn ra bên ngoài. Không gì hết ngoài đồng hoang. Xe lửa đang tăng tốc độ. Nó bỏ miếng bánh còn lại vô giỏ rồi lẹ làng mang giày. Người đàn bà đưa cho con cây lược, nói:

"Chải đầu đi".

Còi xe huýt vang khi đứa nhỏ chải đầu. Người đàn bà lau mồ hôi cổ, chùi chất nhờn trên mặt bằng mấy ngón tay. Đứa nhỏ chải đầu xong thì xe lửa đã qua mấy dãi nhà ngoài viền thành phố. Thành phố rộng lớn nhưng buồn bã hơn những thành phố đã chạy qua trước đó.

"Nếu cần làm gì thì làm bây giờ đi, " bà nói. "Lát nữa không được uống nước ở đâu hết nha, chết khát cũng phải chịu. Nhứt là không được khóc lóc."

Đứa nhỏ gật đầu. Một cơn gió khô khốc, khét nắng lùa qua cửa sổ cùng với tiếng hú của đầu máy và tiếng các toa xe nghiến kót-két. Người đàn bà xếp cái túi nylong chứa thức ăn còn lại, bỏ vào trong túi xách. Trong một lúc, hình ảnh đầy đủ của thành phố, vào ngày Thứ Ba tháng Tám trời trong, chiếu lên cửa sổ. Đứa con gái gói bó hoa vào mớ giấy nhựt trình đã tẩm nước, nhích xa cửa sổ hơn chút nữa và đưa mắt nhìn mẹ. Cô bé nhận được một cái nhìn trìu mến. Xe lửa bắt đầu huýt còi và giảm lần tốc lực. Một lúc ngắn sau, xe ngừng hẵn.

Không có một ai ở sân trạm. Bên kia đường, cạnh lề dành cho khách bộ hành, dưới bóng mấy cây hạnh, chỉ có tiệm chơi bida là mở cửa. Thành phố đang đong đưa trong hơi nắng. Người đàn bà và đứa con gái bước xuống toa, băng ngang nhà trạm hoang phế-- đá lót nền bị nứt bể vì cỏ mọc lên ở giữa-- về phía có bóng mát của con đường.

Đã gần hai giờ rồi. Giờ nầy, bị cơn buồn ngủ đè nặng, cả thành phố đang đi vào giấc ngủ trưa. Ở đây tiệm tùng, công sở, trường học đều đóng cửa lúc mười một giờ và chỉ mở lại lúc gần bốn giờ thôi, lúc xe lửa rời trạm. Chỉ có cái khách điếm, có quày rượu và bàn bida, đối diện với nhà ga, và văn phòng điện tín, nằm ở một cạnh của công trường, là mở cửa thôi. Nhà phố, phần lớn cất theo kiểu mẩu của công ty đồn điền chuối, cửa đóng then gài, mành mành hạ xuống. Trong nhà nóng quá, vài người ngồi ăn trưa ngoài hàng ba. Có người đem ghế ra dựa gốc cây hạnh, ngủ trưa ngay trên đường.

Theo bóng mát của hàng cây, hai mẹ con đi vào thành phố, không khuấy động giấc ngủ một ai. Họ đi thẳng vô nhà chung. Người đàn bà lấy móng tay cào cào chấn song kim loại trên cửa, đợi một lát sau bà cào cào lần nữa. Có tiếng quạt máy chạy bên trong. Họ không nghe bước chân đi. Họ cũng khó nghe tiếng kẽo-kẹt thật mơ hồ của cánh cửa. Thình lình có tiếng hỏi giọng chăm chú, kế bên chấn song.

"Ai đó?"

Người đàn bà cố gắng nhìn qua chấn song, lên tiếng:

"Tôi cần gặp vị linh mục".

"Ngài đang ngủ."

"Đây là trường hợp khẩn cấp." người đàn bà nhấn mạnh. Giọng bà trầm tĩnh mà quyết liệt.

Cánh cửa mở hé không một tiếng động. Một bà già béo ụt, da mặt trắng xanh, tóc màu sắt, hiện ra. Cặp mắt dường như quá nhỏ sau cặp kiếng dầy cợm.

"Mời vào," bà nói rồi mở rộng cửa.

Họ vào trong một căn phòng vương phảng phất mùi hoa úa. Người đàn bà dẫn họ tới một cái ghế dài bằng cây, ra dấu biểu họ ngồi. Đứa con gái ngồi xuống nhưng người mẹ vẫn đứng, trí mông lung, hai tay nắm chặt cái xách tay. Không một tiếng động nào ngoài tiếng quạt máy chạy.

Người đàn bà kia hiện ra ở khung cửa đầu kia căn phòng. "Ngài nói sau ba giờ bà hãy trở lại," bà ta nói thiệt nhỏ. "Ngài ngã lưng mới được có năm phút hà."

"Xe lửa sẽ chạy lúc ba giờ rưỡi," người đàn bà nói.

Câu trả lời chắc nịch và ngắn gọn, nhưng giọng vẫn giữ vẽ vui, thấp, trầm. Bà kia lần thứ nhứt mỉm cười.

"Được rồi, " bà ta nói.

Khi cánh cửa đằng đầu kia đóng lại lần nữa thì người đàn bà ngồi xuống kế bên con gái. Phòng khách hẹp nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Ở bên kia cái lan can thấp bằng cây chia hai gian phòng, có một cái bàn làm việc, bàn trống trơn phủ vải dầu, trên bàn để một cái máy đánh chữ cổ lổ xỉ, kế bên đặt một bình bông. Sổ khách viếng thăm để ở đó. Ta có thể thấy ngay rằng đây là một văn phòng giữ ngăn nắp nhờ tay một người đàn bà lỡ thời nào đó.

Cánh cửa đằng xa kia lại mở, lần nầy thì ông linh mục hiện ra, tay đang cầm khăn mu-xoa chùi kiếng. Khi đeo kiếng lên thì ông và người đàn bà nọ giống nhau như anh em.

"Ta có thể giúp gì cho con?" ông hỏi.

"Chìa khóa nghĩa trang," người đàn bà nói.

Đứa con gái vẫn còn ngồi, bó hoa đặt lên đùi, hai chân tréo nhau dưới gầm băng ghế. Vị linh mục ngó đứa trẻ, ngó người đàn bà rồi nhìn qua lưới mắt cáo của cửa sổ. Bầu trời trong sáng, không một vẩn mây.

"Trong cái nắng nầy," ông nói. "Con có thể đợi cho tới khi mặt trời xuống đã."

Người đàn bà lắc đầu, lặng thinh. Vị linh mục băng qua bên kia lan can, lấy trong tủ hồ sơ ra cuốn sổ bọc vải dầu, cây viết mực, bình mực rồi ngồi xuống bàn. Tay ông nhiều lông, nếu phải bù lại phần tóc trên đầu đã rụng, vẫn còn dư nhiều.

Con muốn viếng mộ nào?" ông hỏi.

"Mộ của Carlos Centeno."

"Ai?"

"Carlos Centeno," người đàn bà lập lại.

Vị linh mục vẫn chưa hiểu.

"Nó là thằng ăn trộn bị giết chết tại đây tuần rồi," người đàn bà nói cùng một giọng và cùng âm điệu dùng nảy giờ. "Con là mẹ nó."

Vị linh mục ngó bà châm bẩm. Bà nhìn thẳng vào ông, lặng yên nhưng đầy tự chế.

Vị cha xứ đỏ mặt. Ông cúi gầm xuống, bắt đầu viết. Khi điền mẫu giấy, ông kêu người đàn bà xác định về mình, bà ta trả lời lưu loát, với nhiều chi tiết tỹ mỹ như là đang đọc những điều viết sẵn trên giấy. Vị cha xứ đổ mồ hôi hột. Đứa con gái cỡi khoen chiếc giày bên trái rồi rút gót ra để lên thành gát chân của băng ghế. Rồi cũng làm như vậy với chân mặt.

Chuyện xảy ra Thứ Hai tuần trước, vào lúc ba giờ sáng, cách đây chỉ mấy khu nhà thôi. Bà Rebecca, một bà già góa, sống đơn độc trong căn nhà chứa đầy đồ lục-cục lòn-hòn của mình, nghe lẫn trong tiếng mưa bụi trên nóc còn có tiếng ai đó bên ngoài đang cố mở cửa vào nhà. Bà ngồi dậy, lục lọi cùng khắp tủ áo kiếm cây súng sáu cũ từ thời Đại Tá Aureliano Buendia tới giờ chưa được bắn lần nào. Bà đi thầm trở ra phòng khách, không vặn đèn. Tiếng động từ khóa cửa không ảnh hưởng trong vụ nầy bằng nỗi kinh hoàng sinh ra trong hai mươi tám năm sống lẻ loi đơn chiết. Bà tưởng tượng trong trí không phải chỉ vị trí cái cửa mà thôi, còn cả cái chiều cao chính xác của ổ khóa. Hai tay nắm chặt cây súng, nhắm mắt nhắm mũi bà bóp cò. Trong đời bà, đây là lần đầu tiên bà bắn súng. Ngay sau tiếng nổ bà không nghe gì hết ngoài tiếng mưa thì thầm trên mái nhà. Rồi bà nghe tiếng kim loại rớt trên thềm mái hiên tráng xi-măng, và một giọng thì thào vô cùng yếu ớt, như là phều-phào: "Ôi, mẹ ôi!" Sáng ra người ta thấy một thanh niên nằm chết trên hàng ba, mặt mũi nát bấy. Gã mặc chiếc áo nỉ mỏng có những lằn sọc màu, cái quần đã cũ, thắc lưng bằng một sợi dây luột, đi chưn trần. Không ai trong thành phố nầy biết gã.

"Vậy thì tên nó là Carlos Centeno," vị Cha Xứ nói nhỏ khi ông viết xong tờ giấy.

"Centeno Ayala," người đàn bà nói. "Nó là con trai độc nhứt của tôi."

Vị linh mục đi về phía tủ hồ sơ. Sau cánh cửa tủ có treo hai cái chìa khóa thiệt bự đã rỉ sét; đứa con gái, cũng như mẹ nó ngày còn nhỏ -- và đôi khi vị linh mục nữa -- từng tưởng tượng đây là chìa khóa của thánh Peter dùng mở cửa thiên đàng.

Ông đem chìa khóa xuống, đặt lên quyển sổ mở được để trên lan can, chỉ vào chỗ vừa mới viết trong khi ngó thẳng vào mặt người đàn bà.

"Ký vào đây nè."

Người đàn bà viết ngoằn ngoèo tên mình, cái túi xách được cặp vô nách. Đứa con gái cầm bó hoa lên, đi đến gần mẹ, chân kéo lê trên mặt đất, nó nhìn mẹ chăm chú.

Vị linh mục thở dài.

"Con có bao giờ khuyên nó đi vào đường ngay nẽo chánh không?"

"Nó là một người tốt." Người đàn bà trả lời khi ký tên xong.

Vị linh mục nhìn bà ta rồi nhìn đứa con gái, rất kinh ngạc khi thấy họ không có vẽ gì muốn bật khóc. Người đàn bà tiếp theo bằng giọng nói như khi nảy:

"Con biểu nó đừng bao giờ ăn cắp những gì người ta cần để ăn, nó nghe lời. Mặt khác, trước đây, khi nó đã chôm thành thạo rồi, nó thường nằm liệt giường ba bốn ngày liền, bị đánh đập nhừ tử ấy mà!"

Đứa con gái xen vô:

"Răng cỏ ảnh rụng hết trơn hết trọi hà!"

"Thiệt đó," Người đàn bà xác nhận. "Những lúc đó, mỗi miếng ăn tôi đều nghe mùi vị con mình bị đánh đập trong những đêm Thứ Bảy."

"Ý muốn của Thượng Đế thật khó hiểu." vị cha xứ nói.

Ông nói câu nầy với lòng xác tín không được bao nhiêu, một phần vì kinh nghiệm cho ông đôi chút hoài nghi, một phần vì trời oi bức quá. Ông khuyên họ che đầu để tránh ngã nắng. Ngáp dài, và bây giờ buồn ngủ tột độ, ông chỉ cho họ cách tìm tới chỗ nấm mồ của Carlos Centeno. Ông dặn họ khi trở lại, không cần gỏ cửa, cứ việc để chìa khóa dưới cửa, và nếu có thể, hãy cúng cho Nhà Thờ chút ít. Người đàn bà chăm chú nghe ông chỉ dẫn, nhưng cám ơn mà thiếu vắng nụ cười.

Vị Cha Xứ thấy có người đang nhìn vào, mũi hắn áp sát vào chấn song, ngay cả trước khi ông mở cửa ra đường. Bên ngoài là một nhóm trẻ con. Khi cửa mở rộng thì chúng chạy tán loạn. Thường ngày vào giờ nầy, đường phố không một bóng người. Bây giờ thì không phải chỉ trẻ con thôi, có cả người lớn tụm năm tụm ba dưới mấy gốc hạnh. Vị Cha Xứ đảo mắt qua con đường đang lượn lờ trong hơi nóng.

Ông hiểu ngay. Nhẹ nhàng ông đóng cửa lại.

"Đợi đây một lát," ông nói mà không nhìn mặt người đàn bà.

Người chị của ông hiện ra nơi khung cửa đằng đầu kia, với một cái áo jacket đen mặc ngoài cái áo ngủ, tóc bà để xỏa xuống vai. Bà ta im lặng nhìn Cha Xứ.

"Chuyện gì vậy?" ông hỏi.

"Dân chúng để ý rồi," bà chị thì thầm.

"Tốt hơn là bà đi ra theo cửa đằng patio," vị Cha Xứ nói.

"Phía đó cũng vậy thôi. Cửa sổ nào cũng có họ," người đàn bà kia nói.

Tới đây thì hình như người đàn bà kia đã hiểu. Bà ngó ra đường, xuyên qua chấn song. Bà đưa tay đở lấy bó hoa từ đứa con gái rồi bước ra phía cửa. Đứa con theo sau mẹ.

"Đợi mặt trời xuống đã nào!" vị Cha Xứ nói. "Hai người sẽ bị chảy thành nước đó," bà kia tiếp theo trong khi vẫn đứng bất động từ phía đầu kia của gian phòng.

"Đợi! Tôi sẽ cho mượn cây dù."

"Cám ơn," người đàn bà trả lời. Chúng tôi đi như thế nầy cũng được. Không sao.

Bà nắm tay con, đi thẳng ra đường.

(Tháng 04/99, dịch theo bản tiếng Anh của J.S. Bernstein)






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com