Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SÀIGÒN VÀ
CĂN NHÀ QUÉT VÔI MÀU GẠCH



             (Ở bài viết này, tôi quên đi tư tưởng về một “cõi tạm” của kiếp nhân sinh trong các câu kinh Phật mà tôi chưa kịp cho thấm nhuần vào trí não, chỉ viết lên một góc cạnh sâu lắng từ trái tim một người Sàigòn nghĩ về một vùng trời thân yêu mất hút rồi kể từ ngày 30/4/1975 sau khi toàn thể VNCH bị cưỡng chiếm vào tay bọn Cộng quân.)
[]

I

        Nhiều khi muốn quay về
             Ngồi im dưới hiên nhà…

Hai câu hát TCS vẫn dày vò đầu óc. Suy ngẫm nhiều ngày, ray rứt nhiều đêm, tôi luôn tự hỏi “hiên nhà” đời mình là ở đâu? Sàigòn, Nha Trang, Dalat, Bruxelles, Paris, New York, San Francisco, Califor- nia.…và nhiều nhiều nữa… những địa danh tôi từng đi qua và từng có thể có được một “hiên nhà” cho mình “ngồi im” xuống.

Khuya hôm trước, đọc xong bài thơ Ôi Sàigòn! của Uyên Thao mới chợt nhận ra nỗi nhớ thương dằng dặc chính đã dành cho Sàigòn, trong có căn nhà be bé xinh xinh, quét vôi màu gạch, nằm ở đầu một con hẻm trên đường Yên Đổ Quận III.

“Sàigòn của tôi!” và “Căn nhà của Mẹ!”

Hai cụm từ chỉ vỏn vẹn 8 con chữ mà gói ghém thật đầy những nỗi niềm sâu thẳm. Trong lâu đài ký ức bị lấp vùi bởi lớp bụi Thời Gian, Sàigòn và căn nhà vẫn được dành cho một vị trí bất biến, dấu yêu.  

Thuở thiếu niên, sự việc cắp sách đến trường chỉ là bề mặt thường khi của cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, mà thật thì từ những buổi chiều một mình lang thang trên phố Lê Lợi tìm mua các tác phẩm chữ nghĩa, trái tim non dại đã thấy mang mang xúc động theo những tia nắng vàng xuyên suốt các tàng cao, rụng rơi trên tóc; những tối trường Nhạc, tiếng côn trùng ngoài sân lẫn cùng tiếng đàn giáo sư trong các bài viết chính tả đã làm dậy lên trong tim nỗi rung động kỳ quái.

Sâu tận đáy lòng, tôi như đang ấp ủ cho mình một thứ tình còn thắm thiết hơn hai mối tình dành cho Văn Chương & Âm Nhạc. Tình yêu Quê Hương nồng nàn cảm xúc được khởi đi từ nếp nghĩ “rồi một ngày sẽ bị mất hết” những cái gì của hiện tại hôm nay.

Sàigòn và căn nhà của Mẹ được yêu nhiều hơn từ ý hướng đó.   

Theo tuổi lớn, gần cuối thập niên 1960, đất nước trải qua quá nhiều biến động, những đêm tháng Năm không chỉ làm đậm nét tình yêu cho một thành phố, một ngôi nhà thôi, mà tiếng mưa rả rích rơi trên mái ngói đã làm thành những giòng tê dại trái tim theo bước chân người tình, người bạn ở khắp các trận địa sôi bỏng.

Chiến tranh đã cất đi gần trọn mơ ước tương lai của rất nhiều người trẻ. Tôi cũng nằm trong số ấy. Một thiếu nữ  “con nhà” chẳng những không màng đến thời trang tân tiến, lại cũng không ưa các lời ca “phản chiến”, các hành động “xuống đường lên đường”, “biểu tình chống chính phủ” của đám người cùng tuổi... Tôi tự thấy có “cái gì sai sai” trong các điều vừa nói. Thế vào, chỉ là cúi đầu nghiền ngẫm những trang Lịch Sử, Địa Dư để lần hồi từng chút hiểu ra nguyên nhân từ đâu đã tạo nên cho tôi cảm nghĩ “sai sai” kia.

Căn nhà quét vôi màu gạch là nơi âm thầm dung dưỡng cho cái tâm hồn “lệch lạc” như thế. Mọi nỗi niềm riêng kết thành thứ tình thấm đẫm dành cho Sàigòn. Theo thời gian, càng nhận biết ra sâu sắc hơn những điều dày vò trái tim thuở vừa mới lớn. Loại xúc cảm đã được Scarlette ghi giữ cho ngôi nhà gọi tên Tara và cho luôn cả một Miền Nam bại trận trong Gone With The Wind.    

II.

Quả là điên khi cứ nhớ hoài về Dĩ Vãng! Tôi biết vậy, và cũng đã bị nhiều người trách chê như vậy. Nhưng, có phải Dĩ Vãng là nhịp cầu nối liền với Hiện Tại để dẫn tới một Tương Lai nào đó? Tại sao phải quên cho dù không hằng nhớ? Càng với những Dĩ Vãng xứng đáng của một Dân Tộc, một Xã Hội, Gia Đình thì điều “nhớ” này càng phải nên được quý trọng hơn.

Gần bốn mươi năm đi qua trên nhiều vùng đất, nỗi ao ước “quay về” vẫn nhiều đêm quấy rầy giấc ngủ. Để, cũng rất nhiều khi, hiện ra trong đầu câu hỏi “Tại sao có điều muốn ấy trong một định mệnh không ngừng trôi nổi?”.

Thì câu trả lời rõ ràng như một đáp số:

“Chỉ DUY NHẤT ở căn nhà quét vôi màu gạch có tình thương bao la của Mẹ, tôi mới không sợ bị đuổi xua mỗi bận muốn quay về ngồi im trước mái hiên.”  

Căn nhà quét vôi màu gạch bây giờ không còn là của Mẹ. Sàigòn của tôi cũng đã thuộc về giống nòi những kẻ cướp từ bụi rậm chui ra. Không còn một Sàigòn thanh lịch với những con người thanh lịch. Tất cả đều biến thể tận cùng trước những gì được gọi là “tinh hoa Sàigòn”. Cái lệch lạc của Lịch sử nhận biết từ khi mới lớn giờ đây càng nhận biết rõ hơn sau 44 năm Miền Nam bị Việt Cộng cưỡng chiếm.  
 

III.

Tôi có anh bạn, thuở xưa là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát 302 nổi tiếng. Anh có căn biệt thự rất đẹp xây theo lối kiến trúc Pháp, tọa lạc ngay đầu Bờ Hồ Xuân Hương Dalat. Một lần nghe anh kể:

“Tôi về VN, có lên Dalat. Lúc bước ngang qua căn nhà cũ, thấy bộ đội cầm súng đứng gác, không dám nhìn vào mà bỏ đi nhanh.”

Giọng anh thản nhiên, nhưng còn tôi, tự dưng ngay lúc ấy cảm nhận được hơn bao giờ nỗi mất mát sâu đậm mà vô số người dân VNCH đã từng thấm trải. Căn nhà riêng nhỏ bé, hoặc mái nhà quê hương lớn lao đều đã bị kẻ thù ngang nhiên xông vào chiếm đoạt; để rồi từng ngày trôi qua, nhìn những dấu vết xéo dầy trên các luống hoa do tự tay mình cấy trồng thuở trước, làm sao mà không đứt ruột đau lòng cho được? Cái tư tưởng “ghét người ngoại quốc hiện diện trong đất nước” đã sẵn có trong đầu từ khi mới lớn, bấy giờ càng dầy đặc hơn trên sự đồng hóa CSBV và đám “ăn cơm Quốc Gia thờ ma CS” vào hai chữ “ngoại bang” kể từ ngày 30/4/1975.

* * *

Dạo tháng 8/2018 về VN, tôi được chú em họ chở cho đi thăm núi Hòn Bà ở Cam Lâm (Nha Trang), nơi có đặt mộ phần bác sĩ Yersin từ hơn thế kỷ trước.

Buổi chiều lãng đãng mây giăng, núi rừng lặng câm, buồn bã. Sự xúc động tràn đầy tâm thức theo dáng hình chịu đựng, đôi mắt khô hai giòng lệ của bà mẹ Âu Cơ (tôi đang vẽ hình trong trí). Giơ tay chỉ dãy núi lam sương mù quyện thành từng khối, trái tim quặn thắt, tôi nói với Diêu Cự:

“Bà Mẹ Quê Hương là đây! Tấm thân gầy bị xé ra từng mảnh; bây giờ lại sắp lọt hết vào tay Tàu Cộng, thử hỏi còn điều nào đáng gọi rằng đau-lòng-trong-bất-lực hơn?”

Cự đưa nhận định:

“Độ rung của trái tim chị nhậy quá!”

Điều đó có lẽ đúng. Cũng chính vì điểm “nhậy” này mà luôn luôn tôi vẫn nghe đau khổ khi nhớ về Sàigòn và căn nhà quét vôi màu gạch.

Nghĩ, con người nào cũng cần có một mái ấm để quay lui những khi chùng bước. Loài chim nào cũng cần có một cái tổ bay về mỗi lúc chiều rơi.

ấm của một-bản-chất-nhà-văn-nghệ-sĩ-tôi đã không còn hiện hữu theo cuộc đổi đời đầy thống hận.

Vòng tay mẹ hiền đã mãi mãi khép rồi để Sàigòn không còn lôi kéo được bước quay về của cái tâm-hồn-chim-cuốc-mãi-hoài-nhớ-nước trong tôi.  

         Nhiều khi muốn quay về
             Ngồi im dưới hiên nhà

bây giờ chỉ là tiếng ru nhè nhẹ cho giấc ngủ cô đơn từng đêm trên đất khách.

[]
 

(San Jose, California,  Mar. 22/2019, thứ Sáu 8:55 PM)
[]

                 



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com