N ghe tin anh tử trận, chị bàng hoàng, sững sờ, chị không khóc, chị chưa cảm nhận nỗi đau, nỗi mất mát quá đột ngột đến với chị trong một phút quá bất ngờ, chị chưa tin đây là sự thật. Nhưng rồi những ngày sau đó, chị đã nhận ra nỗi hụt hẫn, nỗi đau sâu thẳm từ trong trái tim chị bung ra. Anh hy sinh ở mặt trận Bình Long nơi xa xôi, gần cuối vùng trời của đất nước. Lúc ấy là mùa thu năm 1972 thời buổi chiến tranh, đạn bom khói lửa, sự di chuyển rất khó khăn. Người anh chồng, khuyên chị an táng anh tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, vì nơi nào cũng quê hương đất nước Việt Nam mình. Nhưng chị quyết đưa anh về quê hương yêu dấu, nơi mảnh đất ông cha tận DX Quảng Nam, mặc dù người anh chồng khuyên can, chị vẫn không đổi ý. Chị nghĩ anh về nằm tại quê hương là được gần chị, gần các con, chị và các con sẽ thường xuyên viếng thăm anh, an ủi hương linh anh phần nào...và đây cũng là di ngôn của anh. Chị nhớ cách đây không lâu anh đã nói cùng chị " Em à đời lính ngắn ngủi, mong manh, nếu mai sau anh có mệnh hệ nào, dù nơi đâu em cũng đưa anh về quê hương, nơi ngày xưa chúng mình thường hò hẹn, nơi có cánh đồng lúa vàng, có lũy tre làng xanh mát bóng lối đi. Nhớ em nhé" mỗi lần nhớ lại lời anh nói là nước mắt chị trào ra, trong sâu thẳm trái.tim chị nhói đau...
Tại nhà tang lễ ở Bình Long, rất đông các chị quả phụ, gục bên những chiếc quan tài có phủ cờ tổ quốc, trên đầu có bát nhang và ảnh của chồng mình, ai cũng khóc nức nở, cảnh tượng thật não lòng. Còn chị ngồi bên quan tài của anh, tuy bên trong có bì ni lông, rồi bọc kẽm, rồi mới đến lớp gỗ, nhưng đã năm ngày qua, thân xác anh đã bắt đầu phân hủy, một thứ nước bốc mùi rỉ ra, nhưng chị không còn tâm trí để nhận định, để quan tâm, chị chỉ nghĩ làm sao đưa được anh về với quê hương, của anh và cũng là quê hương của chị, nơi hai người đã từng sống những năm tháng thơ mộng hạnh phúc bên nhau....
Ngồi trên chiếc C 130, đưa anh về quê hương, giờ đây chị đã cảm nhận nỗi đau xé lòng, nỗi hụt hẫn vô bờ bến, chị nhìn ra bầu trời, mây trắng bàng bạc đang trôi, chị liên tưởng đến cuộc đời mình từ đây sẽ trôi về nơi vô định nào, buồn thương cho số kiếp....
An táng anh xong, chị lo ổn định cuộc sống, chăm lo cho năm đứa con, vì đứa đầu mới tám tuổi và cháu út mới hơn ba tháng, chị nghĩ từ đây tối lửa tắt đèn, có một mình chị, cuộc sống trước mắt, biết bao điều phải lo toan, chị vừa làm cha, làm mẹ, làm thầy để dìu dắt các con. Ôi, cả một bước đường khó khăn, gian nan trước mắt, biết chị có kham nổi không?
Ba năm đầu con dễ thở, đến khi biến cố 1975 xảy ra, chị mới lặng người, chị chỉ là công chức trong ngành Y tế, đồng lương ít ỏi, sẽ sống sao đây với một mẹ năm con. Nhưng chị cương quyết, chị tự dặn lòng dù khó khăn vất vả mấy chị cũng phải đưa các con mình đến bến bờ. Thời bao cấp một người lo cho một người còn thiếu thốn, huống chi chị phải lo cho năm con, chị quyết định xin đổi về trạm y tế phường Hải Châu, thành phố Đà nẵng, mua đất, đi làm thêm. Hàng đêm 1 giờ sáng chị mới ngủ, 5 giờ chị đã dậy, lo thức ăn cho heo, thức ăn cho các con, buôn bán thêm, rồi mới đi làm. Nhiều lúc quá thiếu thốn chị chỉ uống miếng nước đường qua bữa, dành tất cả những gì kiếm được cho các con. Chị còn phải đấu tranh với bản thân, tránh bao cám dỗ bên ngoài vì chị còn trẻ đẹp vẫn một lòng sắc son..
Chị chữa bệnh cho những gia đình nghèo trong xóm, với tình thương bao la, chị đã giúp đỡ nhiều người, cứu sống nhiều người, miễn phí, nghèo quá chị còn tặng thêm thuốc men. Bây giờ nguồn vui của chị là dạy dỗ các con, giúp người, cuộc sống đã khó khăn mà nhìn xuống chị bắt gặp nhiều hoàn cảnh còn thê thảm, thương tâm, đôi lúc chị không cầm được nước mắt.
Một ngày con trai đầu của chị thi đậu vào ba trường đại học, không được đi học vì lý lịch của của ba, ( ngày xưa ba các cháu nguyên quận trưởng quận DX, đơn vị cuối cùng là Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1/Trung đoàn 46 thuộc sư đoàn 25 bộ binh ở Bình Long. Anh xuất thân k18 VBQGVN Trường võ bị Đà Lạt, một trường sĩ quan danh tiếng thời bấy giờ )
Lúc này chị đã vào được biên chế, chị làm đơn xin khắp nơi, nhưng mãi đến khi, đất nước mở cửa, các cháu mới được đi học lại. Các cháu theo ngành y. Giờ đây năm cháu đã thành đạt, gia đình có hai tiến sĩ, ba thạc sĩ đó là niềm vui, niềm tự hào không những của gia đình chị, mà của cả bà con làng nước quê hương..
Thỉnh thoảng chị và gia đình con dâu mở những cuộc từ thiện giúp đỡ học sinh nghèo, gia đình khó khăn. Tại phòng mạch của con trai đầu lòng, phòng mạch có tên Thiện Phước, cháu cũng dành ngày thứ bảy khám bệnh miễn phí tặng người nghèo
Chị sống với những kí ức đã qua, với hình ảnh của anh trong ngày tháng cũ. Đêm đêm chị thì thầm cùng anh " Anh ơi! Có linh thiêng hãy về chứng dám, em đã đưa các con của chúng ta đến bến bờ trí tuệ, học vị công thành, làm rạng rỡ tổ tông " Chị mơ về hình ảnh tuấn tú của anh năm nào, thời VBQGVN, thời làm quận trưởng quận D X, oai phong, nhưng đầy lòng nhân ái, một thuở....