Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MÓN CANH BẦU TRONG NGÀY GIỖ TỔ




T ừ thửa còn cắp sách đến trường, trẻ con Việt Nam từ nông thôn đến thị thành hầu hết phải ê a câu ca dao thuộc lòng :

“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”…

Những câu ca dao này bắt buộc đứa trẻ nào cũng phải học thuộc lòng. Đứa nào không thuộc ca dao này khi bị gọi lên kiểm tra đọc thuộc lòng hay làm luận thì chỉ có mà xơi điểm ngỗng ( Điểm 2) hay điểm trứng gà (điểm không).

Từ nhỏ đến lớn, hầu như mẹ tôi không bao giờ nấu các món ăn từ quả bầu cả trong khi bí xanh bí đỏ thì lại là món ăn thường xuyên. Tôi dâm ra thắc mắc nhưng bà chỉ bảo là không ngon, nhạt toét ăn làm gì.Mẹ mà không cho ăn thì cũng chịu.

Tại sao món ăn dở như thế mà lại cứ tấm tắc gật đầu mà khen ngon?

Tôi thưa cô giáo dạy văn cái thắc mắc của mình.

Cô bảo ca dao là ca dao.

Người Việt Nam thường dùng ca dao để thẻ hiện cai tình, cái lí của mình.

Râu tôm” là thứ mà khi nhặt tôm người ta thường cắt vứt đi , có ai ăn cái râu tôm và cái đuôi tôm toàn vỏ cứng vô vị đâu. Người ta chỉ giã cái đầu tôm để lọc làm nước canh vì đầu tôm , nhất là tôm he là đầu vị của những món cao cấp như bún thang hay nước dùng phở..

Ruột bàu thì xốp, lại có hạt, thường khi nấu món bầu người ta bỏ nó đi. Ai lại đem hai thứ bỏ đi mà nấu canh rồi lại tự khen ngon. Có hóa điên ?

Vậy mà ca dao lại khen cặp vợ chồng dở hơi cùng nhau chia sẻ thứ món ăn thải loại nhạt toét vô vị là hạnh phúc, là thương yêu nhau.

Thật khó hiểu với cái lối tư duy kì quái ấy.

Sau này, nghe cô giáo giảng giải rằng : Đấy là cặp vợ chồng hạnh phúc vì họ biết thương yêu nhau dù trong bữa cơm quá đạm bạc, chẳng có gì mà ăn cả người ta vẫn vui vẻ mà chịu đựng. Cứ xem cái món đáng đổ đi như là một thứ cao lương mĩ vị.

Với thế hệ chúng tôi thì khó mà chấp nhận cái lối tự xuê xoa cảm giác, tự lừa dối mình như thế. Ngon thì nói là ngon, không ngon thì bảo không ngon. Không có cái lối vờ vịt xuê xoa, tự lừa cái khẩu giác của mình khen râu tôm ruột bầu là cao lương mĩ vị như thế dầu rằng người ta vẫn cố tình nhồi nhét cái chữ nghĩa cái triết lí cổ hủ chẳng biết có từ bao giờ,

Có lần tôi có dịp lên đền Hùng cùng GS. Sử học Hà Văn Tấn , thấy người ta viết chi chit các khẩu hiệu coi như văn thơ từ thời Hùng Vương dọc trên đường leo lên đền Hùng

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Thầy Tấn bảo tôi “Câu này nghe có vẻ ngang ngang”. Ông bảo trong ngôn ngữ của tiếng Việt, cai lối so sánh “Tuy mà…Nhưng” nghe nó lạ , nó không phải là lối nói của người Việt thời xưa. Tôi cũng sinh nghi không biết cái câu này có từ bao giờ và ai là tác giả.

Sau này, khi nghiên cứu về Khảo cổ học thời đại được gọi là “Thời đại Hùng Vương”, tôi có để tâm để tâm đến việc tìm hiểu cỏ cây, đồ ăn thức uống của người Việt trong thời dựng nước , đi thực địa thấy có nhiều chuyện lạ. Tôi cũng quên mất việc điều tra xem trong vườn tược có trồng xen kẽ chung giàn bàu với bí không mà bầu và bí cũng có biết bao loài khác nhau liệu chúng có chịu chung sống cùng một giàn hay không?

Theo dõi trong một số di chỉ khảo cổ người ta đã phát hiện ra những vỏ quả bầu, hạt cây thuộc họ bầu bí.

Nhiều nơi, đồng bào đã lấy vỏ quả bàu làm vật đựng nước, đựng rượu, đựng hạt giống và làm các loại đàn mà đặc sắc là đàn tính, đàn Bầu…

Trong những năm 1968 – 1969 cùng với hai Thầy tôi là GS. Nhân học Nguyễn Đình Khoa và GS. Dân Tộc học Đăng Nghiêm Vạn có điều kiện đi khảo sát, sống chung với đồng bào Xá (Kháng) là nhóm cư dân cổ còn rất ít người sống ở vùng Tà Hè, Tà Bú tận bản Thôm bản Mòn ở Thuân Châu, Sơn La tôi mới được biết thêm nhiều chuyện lạ về cuộc sống của đồng bào Xá nơi đây có lien quan đến quả bầu.

Nhóm Dân tộc Xá là cư dân bản địa sống trên một vùng đất trải dài từ vùng núi cao Tây bắc vào đến tận Trường Sơn. Bà con có nước da màu nâu mặm mòi, tóc xoăn., Đàn ông có cánh mũi khá rộng… Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian của nhóm Xá thì xưa kia khi loài nguời chưa sinh, tất cả các dân tộc trên vùng núi Tây Bắc này đều còn nằm lúc nhúc bên trong một quả bầu. Vào một ngày dẹp trời, Ông Trời mới lấy một cái que nung đỏ rồi dùi vào vỏ quả bầu một cái lỗ , que nóng đốt cháy vỏ bầu và một làn khói đậm bay lên. Người Xá chui ra khỏi vỏ bầu trước nên bị khói ám vào da khiến da có màu nâu đen. Người Xá ra trước nên là anh, người Thái và.các nhóm khác chui ra sau nên không bị da ám khói có nước da màu trăng, họ là em của người Xá. Vậy là người Xá sinh ra trên vùng này trước người Thái…

Câu chuyện thực là thú vị nhưng thú vị hơn nữa là bà con ở đây có tục uống băng mũi mà dân xá gọi là “Tu mui”. Người ta dùng vỏ quả bàu làm vặt đựng rượu hoặc nước có pha cả ớt…và tu bằng mũi chứ không phải bằng miệng.

Theo dõi lịch sử của tục này bạn có thể đọc những ghi chép tổng kết một số di sản văn hóa trong lịch sử Sơn La qua nhũng dòng ghi chép thú vị dưới đây do ông bạn thân mến của tôi TS. Phạm Quốc Quân nhà Khảo cổ học lịch sử đã ghi lại

“Từ tục "Ẩm tỵ" của người Kháng và suy nghĩ về cư dân bản địa ở vùng Tây Bắc Việt Nam

Uống nước bằng mũi – ẩm tỵ là tập tục của cư dân Lạc Việt cổ, từng được ghi chép trong Hán thư: "Dân Lạc Việt bắt chước nhau uống bằng mũi". Năm 208 TCN, sau khi Triệu Đà đánh thắng Âu Lạc của An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập nước Nam Việt, Triệu Đà đã lấy vợ và sống theo tập tục người man như các thư tịch Trung Quốc khẳng định: "… Đà theo tục của người Di phương Nam, búi tóc, ngồi xổm, ăn bằng miệng, uống bằng mũi…" [Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên, NXB Thuận Hóa, 2000].

Năm 1280, chúa đạo Đà Giang (vùng Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại nhà Trần. Vua Trần Nhân Tông phái Trần Nhật Duật lên chiêu dụ Trịnh Giác Mật đầu hàng. Mặc dù biết trước hiểm nguy nhưng Trần Nhật Duật vẫn ung dung tiến thẳng vào trại, nói chuyện với Giác Mật bằng chính phong tục và ngôn ngữ của người bản địa. Ông còn uống rượu bằng mũi và ăn bốc tay không với Trịnh Giác Mật. Người man thấy vậy tỏ ra quý mến. Sau khi Nhật Duật về quân doanh, Giác Mật dẫn cả nhà đến xin quy phục.

Theo GS.Đặng Nghiêm Vạn, khi ông thực hiện nghiên cứu ở Tây Bắc Việt Nam vào đầu những năm 1970, thì người Kháng còn giữ được tục "tu mui" là tục đã được các sách sử xưa ghi chép và gọi là "ẩm tỵ" khi viết về người Lạc Việt, người Ô hử, người Lão, người Lý... Tu mui tiếng Kháng có nghĩa là uống bằng mũi. Chỉ có đàn ông theo tục này, sau những buổi lao động mệt mỏi, nếu bữa cơm có thịt cá hoặc nấm, măng... đồng bào giã muối ớt, hành tỏi, rau thơm rồi hòa với nước, sau đó gạn lấy nước đổ vào trong bầu. Trong bữa ăn đàn ông vừa ăn thịt vừa nghiêng cán vỏ bầu đổ nước cay vào mũi... Trước Cách mạng tháng Tám, tục "tu mui" còn phổ biến rộng rãi ở vùng ven sông Đà, thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu; ngày nay tục này đã gần như không còn.

Như vậy có thể thấy qua nét văn hóa rất đặc trưng của người Kháng, rất có thể cho đến cuối thế kỷ XIII, trước khi người Thái thiên di đến, ở vùng Tây Bắc Việt Nam, dân tộc này và những cư dân khác cùng ngữ hệ như La Ha, Xinh Mun, Mảng... đã định cư ở đây từ rất sớm. ( Phạm Quốc Quân….)

Mấy hôm nay rộ lên chuyện người ta đang cố gán ghép những huyền thoại vào sử sách như một chuyện có thật trong lịch sử . Ví như tự phong Lang Liêu trong huyền thoại chăt lọc từ sách cổ chưa rõ côi nguồn “Lĩnh Nam trích quái “ để phong làm tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Thậm chí còn chọn ngày cụ thể để làm giỗ tổ nghề…Tôi đã lên tiếng về việc này. Thấy vậy, ông bạn Nguyễn Thanh Quang, thân mến của tôi tức tốc nhắn tin : Ngày mai giỗ tổ Hùng Vương, mời ông ra ngay quán bia ụ pháo tôi thết ông món bàu non nấu cá quả nhé. Món bàu này hẳn là có liên quan đến thực đơn của Vua Hùng đấy.

món bầu này do ông chủ tịch mâm ụ Pháo ngon thực là ngon.

Tất cả nhóm bạn ẩm thực trong mâm đều giơ cao ngón cái và đồng thanh “Tuyêt vời trên cả tuyệt vời “ , Đúng là tinh hoa của trời đất Việt, Cả hội nhất trí bầu ông làm chủ tịch mâm suốt đời.

Không chỉ “chồng chan vợ húp” mà còn nhai và nhâm nhi rồi thì chụp vội những tấm hình nóng hổi để “cúng Phây” cùng các bạn sành ăn trên không gian của thời đại 4.0 này..

Chỉ tiếc là chẳng có ai biết uống bia bằng mũi cả.

Môn uống này liệu đã thất truyền.

Hà Nội 22-4 – 2021 tức ngày 11 tháng mười Âm Lịch sau ngày giỗ Tổ. Viết để tặng Hội trưởng hội bia Ụ Pháo Trấn Quốc Hà Nội.

          



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com