T
ôi
cầm lên phong bì thư đề tên tôi. Những chữ O không
vòng kín, những chữ G bụng to è ạch như bụng của
những con mối chửa đang thời kỳ đẻ. Đúng là thư của
chị Hiền, chị họ tôi. Bì thư dày cộm có chỗ cứng
gồ lên. Tôi hồi hộp. Bức ảnh của Thọ, người đàn
ông mà chị Hiền hứa giới thiệu cho tôi. Tôi chưa gặp
Thọ. Thọ làm việc cùng tỉnh với chị Hiền. Tốt
nghiệp trường Quốc gia Hành chánh. Làm Ty trưởng tài
chánh. Chỉ số lương 430. Khỏi bị động viên đi Thủ
Đức. Đi làm bằng xe Jeep của chính phủ. Siêng đọc tạp
chí Quê Hương và có chân trong Tỉnh hội Khổng học. Tự
sửa lấy quạt máy và bàn ủi điện. Thật là một người
chồng hoàn toàn. "Như một hạt ngọc..", chị
Hiền kết luận như vậy.
Tay tôi run run khi xé
phong bì. Không kịp chạy đi lấy kéo cắt. Tháo vội vàng
những tờ giấy pơ-luya đầy chi chít tâm tình của chị
Hiền, tôi lôi bức ảnh ra. Mặt trái. Tôi để ảnh xuống
bàn, dỗ cho lòng mình bình tĩnh lại. Vội vàng để làm
gì? đằng nào sự thật cũng rõ ràng ra đó, chối chạy
đâu được, đổi thay gì được? Chỉ cần lật bề mặt
lên là thấy ngay.
Tôi đã 32 tuổi rồi, đã
biết thế nào là hy vọng quá cao và thất vọng xót xa.
Tôi tập hạn chế hi vọng, lúc nào cũng chuẩn bị đón
nhận những sự bất như ý thật lớn, chịu đựng những
sự thiệt thòi quá mức để mong rằng sự thật không
đến nỗi tồi tệ như vậy. Tôi tưởng tượng Thọ xấu
như thế này, xấu như thế nọ. Bộ mặt dã thú nặng nề
của Anthony Quinn. Cái trán thấp của Clark Gable. Cái môi
dưới dài ra như lúc nào cũng hờm sẵn một đĩa thịt
bít tết hoặc một bát phở tái gầu rắc đầy ớt, hành
đặt trước mặt. Đôi tai nhỏ và mỏng nắn tròn như
cái nấm mộc nhỉ, loại láu vặt.
Tôi duyệt
qua một lượt những khuôn mặt người đàn ông xấu trai
mà tôi đã có dịp gặp. Cố nhiên là vô tình đã chỉ
chọn nhằm những người đàn ông xấu trai mà có vợ
đẹp. Cũng là một lối tự khuyến khích mình, tự an ủi
mình. Ngày còn đi học tôi mê sắc đẹp của cô Chi, cô
con gái ông chủ nhà hàng Phương Mai. Màu da ngà không sáng
lắm nhưng phù hợp với đôi mắt đen dịu dàng, đôi môi
hồng nho nhỏ. Cô không bao giờ đánh phấn và bôi son.
Tóc cũng chỉ vén cao lên, không uốn. Vẻ đẹp cố ý để
mộc mạc làm tôi yêu mến say sưa như khi tôi say mê nhìn
một búp sen trắng vươn lên giữa hồ cạnh những tàn lá
màu xanh thẫm. Ngày cô lấy chồng, tôi thất vọng khi
phải nhìn một người đàn ông tầm thường như hàng
trăm hàng ngàn người đàn ông khác tôi cũng gặp trên
đường phố mà không buồn để tâm lưu ý. Mỗi lần gặp
hai vợ chồng đi phố, tôi mong tìm một nét bất mãn trên
vẻ mặt, một sự phũ phàng ghẻ lạnh trong cử chỉ của
cô Chi, nhưng ngược lại lòng mong của tôi, cô đi cạnh
chồng tươi vui và nói chuyện với chồng âu yếm. Tôi
đau xót ngấm ngầm và ghen tức như chính mình là người
đàn ông bị tình phụ. Lấy một người chồng xấu xí
và tầm thường, thật là một điều bất hạnh, tôi cứ
nghĩ thế. Nhưng mà quanh tôi người ta vẫn cứ xây dựng
hạnh phúc vững chãi trong những hoàn cảnh bất ổn như
vậy. Sắc đẹp để dành cho phần đàn bà. Người đàn
ông chỉ cần có tài. Nếu không có tài thì phải làm ra
nhiều tiền. Tuy nghĩ vậy nhưng tôi vẫn hy vọng rằng
Thọ được trên điểm trung bình.
Tôi thong thả
lật tấm ảnh, nhìn vào. Người tôi chùn hẳn lại. Bao
nhiêu không khí như thoát ra cùng một lúc, tôi xẹp xuống,
Thọ không giống một người đàn ông xấu nào mà tôi đã
nghĩ. Anh chia mỗi cái xấu một ít. Thực tế thì có gì
xấu hẳn đâu? Mắt? Tai? Mũi? Miệng? Tôi không chọn được
dễ dàng mỗi tĩnh từ dành cho mỗi bộ phận của khuôn
mặt. Lờ mờ hết sức. Trung bình hết sức. Nhàm hết
sức như hầu hết những khuôn mặt. Nhưng ghép chung chúng
vào nhau thì chắc chắn là tôi không có cảm tình với
một khuôn mặt như vậy.
Tôi bình tĩnh trở
lại, không buồn lắm, không thất vọng nhiều. Tôi can
đảm nhìn tấm ảnh thật lâu, nhìn thẳng vào những chỗ
kém cỏi, khuyết điểm. Đôi con mắt không tinh thần. Môi
dày. Ngoại trừ một khuôn mặt quá đẹp hay quá xấu còn
thì người ta chấp nhận nhau vì quen mắt. Có những khuôn
mặt mới gặp lần đầu tiên ta ghét lắm. Gặp mãi thì
thấy không đến nỗi. Gần lâu thì thấy cũng thương
được. Nguy hiểm hết sức là thói quen. Nó mài dũa mọi
cạnh gồ ghề của cá tính con người. Rồi cái gì cũng
được hết.
Tôi nhìn thật lâu khuôn mặt của
Thọ, nhìn đến nỗi con mắt tôi hoa lên. Tôi lồng ảnh
đó dưới mặt kính bàn viết. Phải cố gắng tập cho
quen đi. Đàn ông, đâu có phải đàn ông sinh ra chỉ cốt
để trang hoàng quảng cáo cho mấy tiệm chụp hình?
Tôi
32 tuổi rồi. Chưa sợ ế chồng nhưng cũng không phải là
quá sớm để nghĩ đến việc hôn nhân. Lấy chồng không
giống như đi mua một cái bàn chải đánh răng, đợi lúc
nào cần là cứ đi ngay ra tiệm tạp hóa gần nhất. Chọn
lựa. Chọn lựa. Chọn lựa. Khi đã chán chê chọn lựa,
khi mình tự nhủ mình: "Thôi, lần này không chọn lựa
nữa" thì lại đến lúc đàn ông không đến với
mình. Xe hơi chạy vụt trước cổng, xăm xăm chạy về
một cổng nào khác. Vespa, xe gắn máy không thả bớt tay
ga, không bóp còi, không ngập ngừng dừng lại. Đàn ông
thời bây giờ khan hiếm. Như sữa Hòn Núi thỉnh thoảng
phải mua giá chợ đen. Chiến trường nuốt nhiều đàn
ông. Mỗi lần mở tờ báo hàng ngày, lật sang trang tư
tôi tìm những khung cáo phó. Trung úy Nguyễn Văn X... đã
đền nợ nước. Thiếu úy Trần Ngọc Y... đã hy sinh.
Chuẩn úy Lê Đình Z... bị tử thương. Tôi lưu ý đến
những tên thân nhân của người "anh hùng" ghi ở
dưới. Cha, mẹ, anh, em. Chưa có vợ. Tôi tưởng tượng
một khuôn mặt rụt rè, tóc cắt cao, đường rẽ thẳng,
bôi đầy bi-ăng-tin Miss Dahlia mới kéo cho tóc nằm ngoan
ngoãn. Áo kaki là thẳng nếp và khi đi ngang qua nghe mùi xà
phòng Evening in Shanghai. Hành quân tảo thanh mà trí óc
phảng phất giọng ca Lệ Thanh, Connie Francis. Ngồi làm báo
cáo giữa hai khói thuốc mơ màng nghĩ đến Blaise Cendrars,
Nơbokov. Chưa có người con gái nào chít khăn để tang
anh. Người yêu của anh chưa thành đàn bà . Thế là nàng
còn nguyên vẹn để xông vào vòng cạnh tranh với tôi.
Trong vài đoạn cáo phó, có tên những người vợ đọc
lên nghe êm đềm ghi sau tên người quá cố, những là
Nguyễn Thị Lệ Thu, Trần Kiều Nga,... không có tên con
ghi ở sau. Địch thủ nguy hiểm! Thiếu nữ không dễ ăn
qua góa phụ trẻ chưa con. Người đàn ông khó thoát lưới
của những đàn bà trẻ có kinh nghiệm về tình ái. Thân
hình nở nang làm mát những cặp mắt và vỗ về, nuôi
dưỡng trí tưởng tượng. Đàn bà bạo dạn hơn thiếu
nữ. Không biết đi lui, chẳng cần chạy chốn. Đàn ông
thời bây giờ ít kiên nhẫn. Được hay không, họ nóng
biết kết quả để kịp xoay sang chiến trường khác. Lối
viết thư tình tẩm nước hoa và gửi đều đặn cho
"nàng", lối ấy chỉ còn dành cho những cậu con
trai có tật nơi mắt hoặc mắc bệnh suyễn kinh niên,
bệnh hắc lào. Đàn ông bây giờ đớp đàn bà nhanh như
lũ ăn cắp ở Đô thành đi Vespa giật xắc của người
đi đường rồi rồ ga bỏ chạy. Góa phụ có từ ba con
không đáng sợ. Họ chỉ bị đàn ông lợi dụng thôi.
Khi đã tìm được một cô vợ trẻ đẹp, giàu rồi thì
người đàn ông khéo đưa ông thầy bói ra để đoạn
tuyệt. Chẳng hạn:
- Ông thầy Huyền linh Tử
bảo anh tuổi Tý sinh tháng Giêng là phạm tháng Cô Thần.
Còn em tuổi Dậu sinh tháng Sáu thì nhằm Quả Tú.
Nam
phạm Cô Thần thê ly biệt.
Nữ phùng Quả Tú
độc phòng trung
Thế là hết lý lẽ để bào
chữa. Đàn bà chớ dại cho đàn ông biết ngày giờ sinh
của mình. Để phòng khi bị phản bội.
Tóm
lại, dù có tính đi tính lại thì số đàn bà vẫn thừa.
Đã thế, lũ đàn ông còn sống lại nhát lấy vợ. Luật
gia đình làm cho họ sợ. Từ ngày có luật ấy người
con trai nào cũng nghĩ rằng mình sẽ bị cắm sừng, phải
chạy tiền cấp dưỡng vợ mình và đứa con của vợ
mình. Nó trở thành một ám ảnh. Bên cạnh những công
thức Toán học, Hóa học, trong óc người con trai lởn vởn
thêm những đẳng thức mới: vợ = cặp sừng; ly thân =
năm ngàn đồng trợ cấp mỗi tháng. Hại uy tín của phụ
nữ ghê lắm mà người làm luật đâu có biết. Cuộc đời
quân ngũ còn làm người con trai coi thường đàn bà. Anh
hùng mà! Ngày chưa đi Thủ Đức, anh Trần quanh quẩn cạnh
mấy cô bạn, hết chép nhạc tặng, đến vẽ hộ kiểu
gối thêu mặc dù chẳng cô nào thêu gối. Áo gối thêu
máy tám chục đồng một cặp, mua bao nhiêu cũng có. Sau
chín tháng ở Thủ Đức về, sau một năm lăn lộn ở
chiến trường miền Tây, anh già từ da mặt đến tâm
hồn. Lúc nào cũng như toan tính xuất quân ra trận, thu
dọn chiến trường, ân thưởng Bảo quốc huân chương,
vinh thăng Thống tướng. Quên cả đàn bà!
Tôi
32 tuổi rồi. Phải lấy chồng để chỗ cho con em kề tôi
nó làm người lớn. Em Huệ đã 25 tuổi. Người giáo sư
dạy nó năm kia vừa đánh tiếng đi hỏi nó. Đột nhiên
tôi thành ra già đi, vì nó. Thương em, yêu em mà không
khỏi có chút ít ganh tị với em. Người con gái Tây
phương lấy chồng nhiều khi vì phòng tắm ở nhà quá hẹp
mà chị em thì đông. Đợi hàng giờ mới đến lượt
mình tắm táp, đánh răng, chải tóc. Mong lấy chồng cho
xong để có được một phòng tắm rộng, sử dụng một
mình. Người con gái Đông phương lấy chồng nhiều khi
chỉ cốt để tránh cảnh phải ngủ chung một giường
đến ba chị em. Đứa này lăn qua cạ vào lưng đứa kia,
làm mất giấc ngủ lẫn nhau. Đứa nằm ngoài thò tay thò
chân ra ngoài màn khiến muỗi chui vào từng bầy đốt lấm
tấm cả mặt. Đập muỗi suốt đêm. Cha mẹ tôi khá giả,
mỗi đứa được nằm riêng mỗi giường có nệm mút,
chỉ phiền cái lược mỗi khi tìm đến để gỡ tóc là
cứ biến đâu mất. Cây bút chì nguyên tử xanh để viết
thư cũng vậy. Con gái lớn bốn đứa, mỗi người sản
xuất trung bình bốn cái thư. Bút chì BIC lên giá hai mươi
đồng một cây, mới mua đó đã thấy cạn mực, mực
chảy ra từng vũng nhầy nhụa. Có lúc viết được nửa
cái thư rồi vừa rảy vừa cào, chỉ thấy dấu bi hằn
lên giấy. Cãi nhau rồi đổ lỗi cho nhau:
- Em
mới thấy con Lan viết thư hồi nãy, viết gì đến bốn
tờ giấy manh đặc sệt cả chữ. Phải dán bốn đồng
bạc tem mới đủ.
- Đâu phải vì bốn tờ
giấy manh đó mà hết mực? Hồi sáng chị Huệ ngồi viết
hàng nửa giờ. Viết thư mà phải viết nháp trước mới
tốn mực đến vậy.
- Viết nháp trước hay
không là tùy đối tượng. Nếu viết cho một anh thơ ký
công nhật thì tội gì tao phải viết nháp?
-
Em biết rồi, chị khỏi cần nói mỉa em. Nhưng một chứng
chỉ thì cũng đến làm thư ký công nhật là cùng nếu
chưa bị động viên đi Thủ Đức. Chị quên rằng năm
kia Công quản Chuyên chở Đô Thành cần bốn người bán
vé xe mà có đến hàng chục anh tú tài đâm đơn
xin.
Một cái gối ném vung tới. Một cái gối
ném trả lại. Tôi phải đóng vai hòa giải. Rồi cuối
cùng lại phải tự mình đạp xe ra đầu phố mua cái bút
nguyên tử mới.
Quả tình là Thọ không những
không đẹp mà còn thua xa mức trung bình. Mỗi lần bất
chợt nhìn vào ảnh Thọ tôi đều mỏi mệt mà kết luận
như vậy. Nhưng sự chán nản của tôi không đến nỗi to
lớn như khi tôi nhìn bức ảnh lần đầu. Cái gì rồi
cũng quen đi. Tôi còn hy vọng rằng ngoài thực tế Thọ
có thể có duyên hơn ở trong ảnh. Trường hợp này ít
khi xảy ra. Thường thì người nào cũng chỉ đẹp bằng
bảy phần mười so với bức ảnh chụp bán thân của họ.
Chỉ trừ bức ảnh trong thẻ kiểm tra bọc nhựa là mới
thật sự khiêm tốn mà thôi. Tuy vậy tôi cũng phải mong
rằng ngoài thực tế Thọ có thể có duyên hơn. Con người
ngoài thực tế với giọng nói với nụ cười, với tia
mắt nhìn, với cách đưa tay, với tư thế ngồi... thường
dễ gây mỹ cảm nơi người đối diện. Tôi có một tật
xất là mỗi khi nhìn những tấm ảnh quảng cáo trích ở
cuốn phim đang chiếu thì không còn thích xem phim nữa. Bức
ảnh khô khan, vô duyên, nhiều khi trơ trẽn nữa nếu nhìn
lâu. Khi xem thẳng trong phim thì thấy cũng hình ảnh đó
nhưng mà nó dịu dàng linh hoạt dễ thương làm sao. Đọc
trước truyện phim, dẫu đã lo xa để dành đoạn chót
không đọc đến nhưng vẫn mất hứng thú không muốn đi
xem nữa. Truyện nào thì đại khái cũng như nhau, có cái
khác nhau thì lại không nói được. Chẳng hạn một lời
đối thoại. Chẳng hạn một cánh bướm vụt bay lên từ
cái lá cỏ. Chẳng hạn một tiếng thổn thức xảy ra
đúng lúc. Vâng, tôi đợi gặp mặt Thọ như đợi lúc
trực tiếp ngồi trong phòng tối đem trọn tâm hồn mình
thưởng thức cuốn phim lần lượt chiếu trên màn
ảnh.
Tôi dành hai giờ để viết trả lời chị
Hiền một bức thư không dài quá một trang. Lời lẽ thật
hết sức hòa nhã vui vẻ. Ngôn từ dùng mãi biến tính đi
nhiều, rốt cuộc nó không còn biểu diễn đúng cái ý
nghĩa nguyên thủy của nó nữa. Nhất là những tĩnh từ
và trạng từ. Tôi chọn một số chữ biến tính ấy để
sự tìm hiểu của chị Hiền trượt lên chúng.
Ngày
lễ Phục sinh, chị Hiền đưa Thọ đến gặp tôi. Ba tôi
tiếp chị Hiền và Thọ ở phòng khách đợi tôi có đủ
thì giờ trang điểm rồi lấy cớ rút lui nhường chỗ
cho tôi. Ba tôi ít nói. Nhìn vẻ ngoài thì ông như không
để ý đến việc gì, vật gì xung quanh ông cả, nhưng mà
động hỏi cái gì ông cũng biết. Dường như chẳng có
gì lọt qua được mắt ông.
Thọ ngồi không
yên chỗ. Hay quay qua quay lại. Có lẽ số tuổi trên đầu
còn ít chưa đủ sức nặng để làm thân Thọ đằm
xuống. Như một chiếc ghe chở ít hàng hóa, cứ chao đi
chao lại trên sóng. Tôi thích một người đàn ông có
dáng ngồi chững chạc hơn. Má biết tính tôi nên hay nói
đùa:
- Mày đúng là "con nhà lính mà tính
nhà quan". Nhà nghèo mà muốn lấy chồng Tổng
trưởng.
Tôi cười trả lời:
- Đâu
có phải ông Tổng trưởng nào cũng có dáng ngồi chững
chạc?
Có cái gì thừa nơi khuôn mặt của Thọ.
Chắc là đôi môi quá dầy. Màu da tối. Tôi tưởng tượng
ngay, một cách tự nhiên là khuôn mặt ấy sẽ kề sát
mặt tôi và đôi môi ấy hôn tôi. Tôi rùng mình. Phải
chấp nhận tình yêu với miễn cưỡng vậy sao?
Sau
khi được chị Hiền giới thiệu, Thọ mở lời:
-
Lễ Phục sinh cô Loan không đi nghỉ mát.
- Dạ
thưa không
- Ở đây nóng.
Thọ chứng
minh rằng ở đây nóng bằng cách giật giật nhiều lần
vạt áo sơ mi. Tôi lại mở quạt trần. Tôi nhìn bóng tôi
trong chiếc gương lớn, so sánh với bóng chị Hiền. Tôi
đẹp hơn chị Hiền. Điều này làm tôi vững lòng tin
tưởng vì anh Doãn chồng chị Hiền khá trai và có địa
vị. Ít nhất tôi cũng hy vọng lấy một người chồng
như anh Doãn.
Thọ nói chuyện thời cuộc năm
châu. Loại chuyện này dễ thành nhàm và sáo như tách
nước trà tôi đón nhận mỗi lần đến thăm nhà ai, tách
nước do người ở bưng từ nhà sau lên. Nhàm nhưng vẫn
cần phải có. Chán hết sức là những công thức. Tôi ít
trả lời được gì bởi vì những điều tôi sắp nói
tôi tưởng như người ta đã biết hết rồi. Mỗi ngày
phải nghe nhiều lần những điều đó ở tờ báo hàng
ngày, ở phần tin tức của đài phát thanh Trung ương, ở
phần bình luận và câu chuyện buổi trưa, buổi tối, ở
đài phát thanh địa phương. May mà ba má tôi không gặp
lại giữa bữa ăn.
Chị Hiền đối thoại với
Thọ chu đáo hơn tôi, do đó tôi có thể ngồi nhìn Thọ
một cách tự nhiên. Tôi cố vỗ về cho mắt tôi quen với
gương mặt Thọ. Chấp nhận Thọ. Người ta hay nói "Yêu
nhau là cùng nhau nhìn về một hướng". Nhìn về một
hướng thì có lợi là khỏi nhìn lẫn nhau, quên tìm những
khuyết điểm của nhau. Nghe tiếng trẻ bán báo rao báo
mới, Thọ xin phép ra cổng gọi mua tờ báo quen của anh.
Còn lại trong phòng có chị Hiền và tôi, một lọ hoa lay
ơn trắng, mặt ghế xa lông phủ vải hoa, rèm treo cửa
màu nhạt. Và sự thoải mái dễ chịu. Tâm hồn tôi suýt
chao đi, xót xa như vừa mang những vết cắt vô hình. Sự
vắng mặt bất ngờ của Thọ trong giây lát làm tôi thấy
nhẹ nhàng. Tôi đã ngẫu nhiên nhìn rõ được trong nếp
sâu của tâm tư tôi. Tôi nên trả Thọ cho cái thành phố
của chị Hiền. Phải dành lại cho tôi cái không khí
thoải mái hiền hòa của căn phòng khách nhỏ này.
Sau
ngày chị Hiền và Thọ đến thăm, tôi sợ người đưa
thư. Tôi sợ phải gặp nét bút của chị Hiền hỏi ý
kiến dứt khoát của tôi về Thọ. Tôi sợ nói sự thật,
còn nói dối thì không quen. Ở nhà má không sai tôi đi
chợ đi phố, khỏi phải mặc cả mua bán nên không thường
nói dối. Tôi trông mong sự việc qua đi, như chưa hề có
một sự gặp gỡ, chưa có một sự dự định nào hết.
Tuy vậy, tôi vẫn không ngớt lẩm nhẩm sắp xếp trong óc
những đoạn thư để trả lời cho chị Hiền. Thật là
khó tìm cớ. Không thể bảo rằng má cứ khóc không muốn
xa con. Bốn cô gái ở tuổi lấy chồng chớ đâu phải
chỉ có một. Nhiều con gái ở tuổi lấy chồng, đó
không phải là thứ huân chương để người mẹ hãnh
diện. Lo thì lo nhưng mà vẫn chưa tìm được cớ gì để
chuẩn bị. Thỉnh thoảng tôi nhớ lại cuộc hội diện
với Thọ. Tức thì một không khí nặng nề ùa đến, đâm
sầm bao vây lấy tôi, những bứt rứt rỉa rói như có
hàng vạn mũi kim châm tới. Tôi phải vội lẩn tránh bằng
cách mở đọc một đoạn truyện nào đó ở trang 3 của
tờ báo hàng ngày hoặc vặn nút ra đi ô để nghe cái gì
cũng được: cổ nhạc Trung phần, phụ nữ với gia đình,
tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển...
Suốt
ba tháng không có thư của chị Hiền. Rồi bỗng vào một
lúc không ngờ hơn hết, tôi nhận được thư chị. Bức
thư khá dày làm tôi hồi hộp. Mắt tôi chạy nhanh qua
những đoạn thăm hỏi nhớ nhung, những đoạn nói về
khí hậu và tả cảnh. Đây rồi, chủ điểm của bức
thư:
.......
"À, Loan còn nhớ cái
thằng khỉ Thọ không nhỉ? Nó về rồi cút luôn không
đến nói gì với mình hết. Sau đó nghe nói nó đi hỏi
cô Tuyết con gái ông chủ Kho Bạc ở cùng phố với mình.
Cô này đẹp lắm, đỗ chứng chỉ Cử nhân Luật năm thứ
hai và tính nết rất dễ thương. Chả biết tại sao cô
ấy lại thương được thằng Thọ. Tháng sau đám
cưới."
.....
Quả tình là con
trai khan hiếm. Trên thị trường giá đàn ông con trai có
thể lấy vợ tăng lên nhiều. Tôi đang lo không biết nên
từ chối Thọ như thế nào thì không ngờ chính Thọ từ
chối tôi trước. Người ta tranh giành nhau cả những
người đàn ông xấu trai. Trên chiến trường, họng súng
đen ngòm lăm lăm nhả đạn vào sọ, vào óc những người
đàn ông khỏe mạnh. Ở đô thị, đàn bà nối đuôi đi
vào hiệu uốn tóc, sửa da mặt, tẩy vết tàn nhang. Phải
tranh giành những người đàn ông còn sót lại.
Cuộc
đời chỉ đẹp trong người ngày còn cắp sách đi học.
Không bận tâm lo nghĩ. Lòng tin tưởng cứ vụt phóng tới
trước như con ngựa sung sức không chịu dừng chân. Thi
đỗ. Làm việc nhiều tiền. Có người chồng xuất chúng.
Sinh những đứa con đẹp như trong tranh vẽ. Nhưng con ngựa
bất kham không chịu dừng lại ở lằn mức đó. Tôi còn
tưởng tượng tôi say mê trong phòng thí nghiệm, nghiên
cứu, tìm tòi. Phát minh ra những công thức mới. Điều
chế ra những hợp chất mới. Phải chinh phục. Phải luôn
vượt lên, tiến tới. Tôi còn tưởng tượng tôi là một
họa sĩ hữu danh. Một văn sĩ có tài. Một nhạc sĩ. Trí
tưởng tượng chắp những đôi cánh rộng, bay mãi không
biết mệt. Nhưng lần lần cuộc đời nặng nhọc và tầm
thường níu kéo tôi trở lại, đè bẹp tôi xuống. Tôi
không thoát khỏi nanh vuốt của nó. Phải âu lo và chỉ
còn hy vọng trong một chu vi hữu hạn. Chu vi ấy càng ngày
càng thu hẹp kích thước. Tôi có thi đỗ thật nhưng đỗ
không cao lắm. Tôi đi làm thật nhưng công việc chỉ tầm
thường ở một bàn giấy vô nghĩa. Người ta vạch sẵn
những con đường cho tôi đi. Những nghị định, những
qui chế, những thể lệ bao phủ tôi mỗi ngày một đầy
thêm và tôi loay hoay động chạm vào chúng thường xuyên
như đi giữa khu rừng rậm phải chạm vào những thân
cây. Chúng tạo thành bầu trời, thành vũ trụ của tôi.
Thật là thảm thương khi tâm hồn con người không bay
thoát ra được cái bầu trời, cái vũ trụ bé nhỏ nghẹt
thở ấy. Con đường đã vạch sẵn! Con đường đó dẫn
tôi đi gặp người phát ngân viên mỗi cuối tháng, đi
đến quỹ hưu bổng khi những vết nhăn chân ngỗng cày
đậm lên hai khóe mắt. Con đường bất dịch. Những ước
mơ, cuộc đời lý tưởng đang bỏ rơi tôi, bất lực, bơ
vơ như ánh nắng mặt trời sắp bỏ lại cho đêm tối
cái vũng nước hồ mọc đầy lau lác. Xa rồi buổi bình
minh có ánh nắng đùa trên gợn nước, hoa dại rung rinh
và lảnh lót chim ca. Tôi đã cố gắng hết sức mình. Tôi
đã vội vàng. Nhưng cuộc đời dẫu của tôi mà không
phải hoàn toàn tùy thuộc nơi tôi và trái đất xoay
chuyển nhịp nhàng theo quỹ đạo không vì tôi mà quay
chậm một ngày. Tôi đã 32 tuổi rồi. Bắt đầu ghét
quyển lịch năm 30 tuổi. Lịch Paramount, lịch Toshiba, lịch
Esso, lịch Chợ Lớn... tất cả đều a tòng vào nhau để
vò xé tâm hồn người đàn bà. Không thể lầm lẫn được
thời gian khi ở mọi bức tường, những tờ lịch mang
chung một con số.
Một hôm trên đường đi làm
về tôi gặp chị Trường. Từ ngày vị hôn phu của chị
bị đạn chết trong cuộc hành quân Bình Lâm, tâm hồn
của chị đắng lại. Chị không đi dạo phố, ít đi
xi-nê. Mái tóc bin-đinh cao nghễu kiểu cách đã dỡ xuống,
trở lại là mái tóc bẹt bình thường. Ba mươi sáu tuổi
mới yêu được một người thì vội vã chiến trường
cướp mất người yêu. Bây giờ, ngoài thì giờ trông
hàng cho mẹ, chị đọc tiểu thuyết đủ loại và viết
thư cho đài phát thanh yêu cầu nhạc và nghe nhạc yêu
cầu. Chị nói:
- Ngày trước, mình không thích
những giờ nhạc yêu cầu. Mỗi lần nghe xướng ngôn viên
đọc một tràng tên thính giả yêu cầu kéo dài hàng phút
đồng hồ mình phải lật đật vặn nhỏ máy phát thanh
lại. Mình chỉ cần nghe nhạc. Viết thư yêu cầu nhạc
mình cho là chỉ có những cô nữ sinh 15,16 tuổi ăn ở
không và thỉnh thoảng là những ai muốn nhắc người yêu
nhớ đến tên mình.
- Tại chị bi quan nên mới
nghĩ vậy - tôi nói.
- Bi quan thì trước sau
mình vẫn bi quan. Có điều từ ngày anh Nghiêm mất, mình
đã thay đổi quan niệm. Ngày xưa anh Nghiêm mỗi lần gọi
tên mình đều gọi cả chữ lót: Xuân Trường. Anh nói
giọng Bắc. Cô xướng ngôn viên ở đài, giờ "Nhạc
yêu cầu" cũng nói giọng Bắc, giọng nói ấm áp có
điểm gì giống giọng của anh Nghiêm. Mình thường xuyên
viết thư yêu cầu nhạc để mỗi tối thứ ba nghe một
giọng nói nhắc đến tên Xuân Trường, mình tưởng tượng
nghe lại giọng nói của anh Nghiêm.
Chị mơ
màng đưa mắt nhìn ra xa. Một lát chị tiếp:
-
Mình tuyệt vọng...
Tôi làm một cử chỉ gượng
níu. Như đứa trẻ sắp trượt xuống dốc nên níu một
chòm cỏ, một cành cây. Vì tôi cảm nghe như tiếng đó,
tiếng "tuyệt vọng" của chị Trường vang lên
trong tôi như tiếng dội nơi một hang núi thẳm sâu. Tôi
đã ba mươi hai tuổi.