Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VỢ CON NHỌC NHẰN




K hâm chán ghét em, đã bốn hôm anh ấy không về, chẳng rõ đi đâu. Tối thứ bảy vừa rồi, lúc đưa tiền cho Khâm đi mua chiếc xe gắn máy, thế chiếc mất tuần trước, em đùa: “Từ nay anh nhịn ăn sáng và uống cà phê trong sáu tháng, bù vào số tiền này.” Anh ấy gầm lên: “Sáu tháng! Tính kỹ chưa, sao không phải ba hay sáu năm?” Từ lúc đó Khâm không nói gì với em nữa. Anh thấy đấy, em đùa thôi mà. Khổ thực, đây đâu phải giáo đường, cười cợt tí chút cũng không được!… Hai đứa sống với nhau đã tám năm, dĩ nhiên hiểu rõ tâm tính nhau… Có một cái gì đó vừa xảy ra, dường như Khâm đổi khác. Tháng trước, trong lúc xem phim truyện trên truyền hình, gặp một chuyện tình buồn, Khâm nói: “Tình đẹp phải buồn, các cuộc tình vui đều lãng xẹt… chúng ta sống chung tám năm hai tháng hai ngày, chưa buồn!” Em sợ, anh ạ! Khâm tính lúc nào để có ngay con số tháng năm đó. Rõ ràng đây chẳng phải vô tình. Anh ấy tính làm gì? Em mất ngủ mấy tuần… Sao lại có thể lập luận như vậy? Muốn chuyện ngoài đời giống hệt trong sách truyện, phim ảnh, thật vô lý.”

Lượng ngồi nghe Hằng nói, chỉ nghe, không bình phẩm. Đối với Lượng, hai bên đều là bạn, đồng cân. Hơn nữa, anh từng đoán trước chuyện này sớm muộn cũng đổ bể, và sắp tới sẽ còn nhiều màn ly kỳ khác nữa… Khâm có một mối tình mới, đã khá lâu. Bạn bè đều biết, Khâm hiền, không đào hoa trăng hoa, anh chỉ muốn kiếm một đứa con, muốn chứng minh tình trạng hiếm muộn lâu nay của vợ chồng anh do “lỗi” của Hằng. Mấy năm qua, hai người đã đi thăm hàng chục thầy lang vườn, bác sĩ Tây, áp dụng nhiều phương pháp trị liệu, vẫn chưa thấy kết quả. Chờ đợi, trông ngóng khiến cả hai phờ phạc. Trẻ cậy cha, già cậy con. Ai cũng muốn những năm tháng cuối đời được sống đầm ấm bên con cháu.

Khâm gặp Quyên, là một cuộc tái ngộ. Thời còn nhỏ anh chị đã biết nhau. Lớn lên, Quyên lấy chồng xa, đi biệt gần mười năm, nay quay về, đem theo một đứa con gái… Trong thành phố nhỏ người ta dễ quen nhau. Không ai rõ phải mất bao lâu để từ chỗ quen biết sơ sài Khâm, Quyên tiến đến mức yêu thương. Khi sự việc này biến thành một tin nóng, anh chị đã là vợ chồng hờ hơn cả năm dài. Chỉ có Hằng, ngủ kỹ trong cái “tổ ấm” ở đầu bắc thành phố, không biết. Khâm như con chim thiên di, đêm ở chiếc tổ phía bắc, ngày về với tổ đầu nam thành phố, khoảng cách năm cây số đường chim bay.

“Em đoán chuyện này liên quan đến vụ con cái. Từ lâu em coi đây như việc đã an bài, nên chấp nhận, chẳng chống chọi nữa. Mình không sinh thì kẻ khác sinh, cõi đời luôn thừa người! Nhưng chắc Khâm nghĩ khác. Vẫn là nối dõi, có hậu, thừa tự thừa kế!… Dễ gì giũ bỏ nếp nghĩ đã ăn sâu trong máu thịt hàng ngàn năm, dù ai cũng biết kiểu nghĩ đó xuất phát từ người Tàu trung cổ… Nói thực với anh, lúc đầu em cũng buồn, em không phải thánh. Nhưng sau nhiều đêm trăn trở, nghiền ngẫm, em đã tìm thấy, chọn cho mình cái đáp án “chấp nhận”… Ở đây, chưa nói lỗi phải về ai. Không khó lắm đâu, anh ạ. Thời nay, loại bệnh này chẳng còn là vấn đề quá phức tạp… Em trọng tình nghĩa. Hai đứa sống với nhau từng ấy năm, chưa hề xích mích lớn, nói theo lối văn hoa: vẫn mặn nồng như thủa ban đầu! Nên em thấy rằng, có thể xí xóa châm chước cho nhau mọi lỗi lầm… Con người sống trên đời ai cũng gặp trục trặc, phải gánh chịu lắm điều bất ưng, không ở mặt này thì mặt khác. Nghĩ cho rốt ráo, đây là thứ lỗi ta vô tình mắc phải, đúng không anh? Vậy, nếu có gì đáng kể, đó là cách ta đánh giá, nhìn nhận nó. Em coi nó như món nợ lớn số phận dành sẵn cho mình… Em sẵn sàng sống tiếp với Khâm, như từng sống hơn tám năm qua.”

“Hai bạn nghĩ tới việc xin con nuôi chưa?” Lượng hỏi.

“Em đã đưa ra giải pháp đó, nhưng Khâm bác bỏ. Anh ấy bảo, chỉ dùng đến nó vào phút cuối, khi hết cách, bởi nó nhão lạt như đồ hộp hư, gượng ép giả tạo như ca kịch vụng.”

Hằng pha cà phê mời khách. Lượng uống cà phê, và kể cho Hằng nghe một chuyện cổ: “Ngày xưa, trong dãy núi Phổ Đà trùng điệp có ngọn núi lớn hình thù kỳ dị, chứa đầy hùm beo, dày đặc cổ thụ và hoa thơm cỏ lạ, tên là núi Cấm. Vị thần cai quản Cấm Sơn tướng mạo phương phi, giỏi phép thuật, có nhiều vợ, đông con. Thiên hạ đồn, ông có mười con. Ông chia lãnh thổ của mình ra thành nhiều khu vực, để các con trấn giữ. Đứa làm chủ những con suối, đứa giữ rừng, đứa chăm nom hang động, đứa phụ trách muông thú, rất rành mạch. Nhưng Cấm Sơn thâm u, rừng thiêng nước độc nên khá hoang vắng, xóm làng dân cư gần nhất cũng ở cách đó ngoài ba mươi dặm. Chỉ có một vị thường tới lui thăm hỏi Thần Núi, là Thần Gió. Thần thánh mới lọt được vào xứ sở này… Thần Gió tính xuề xòa, nghệ sĩ chính tông. Ông sống lang bạt, không nhà, không vợ con, sớm đón bình minh ở đầu non chiều nằm ngắm trời cuối biển. Thấy bạn loay hoay, bận rộn, chìm ngập trong hàng ngàn việc tủn mủn, ông chán ngán. Ông hỏi Thần Núi:

“Ta ngủ đâu cũng được, không ăn cũng sống, tội gì ông làm khổ thân xác mình như thế?”

Thần Núi đáp:

“Vì con. Phần ta khỏe rồi, nhưng phải lo cho chúng nó… chúng có thể gặp nhiều bất trắc. Ta cần hướng dẫn, chỉ bảo chúng trong mọi việc.”

Thần Gió bĩu môi:

“Lúc nào cũng con… cứ đẻ cho lắm, rồi khổ phờ râu! Hãy xem tôi đây.”

Thần Núi cười khì:

“Ông thấy gần, chẳng biết nghĩ xa. Trước mắt sướng đấy, nhưng về lâu dài… Tôi hỏi nhé, sống cô độc như ông, mai sau lỡ gặp rủi ro, như bị phạt bị đọa, thì lấy ai giúp đỡ; khi đi đứt ai thương nhớ, hương khói cầu nguyện?”

“À, ra vậy! Ông lo quá xa, nghĩ đến ngày thần qua đời, thần cũng có thể gặp này nọ mà chết!”

Đến đây họ không bàn luận nữa. Mấy ngày sau, gặp lại nhau, Thần Gió nói:

“Về chuyện chúng ta tán hôm trước, tôi đem kể cho Thần Sông nghe, ông ấy bảo: “Cúng kính, tưởng nhớ ư? Vài chục năm, trăm năm cúng, còn đến năm trăm năm, ngàn năm sau ai cúng? ... Ta có nhiều phép, bất tử, người trần tu mãn kiếp chưa chắc được thế. Nên ta phải cố giữ lấy các ưu thế đó, không để dính vào những ràng buộc nhùng nhằng.”

Hằng nói, buồn rầu: “Chúng ta không phải thần. Em không muốn nhiều con như Thần Núi. Em thích ràng buộc với một đứa bé, chỉ cần một thôi.”


Về đến nhà, Lượng thấy Khâm ngồi đợi ở phòng khách. Lạ, ngẫu nhiên lý thú. Vừa nói chuyện với nàng, giờ lại gặp chàng! Hình như Khâm mới ở quán nhậu ra. Mặt anh đỏ kè, quần áo luộm thuộm, mắt luôn nhìn xuống. Lượng vừa ngồi, Khâm đã nói, tỉnh khô:

“Có một chuyện khó giải quyết, đến xin thỉnh giáo ý ông anh… Lẽ ra tôi phải về ngủ một lúc cho khỏe người, nhưng ngại gặp Hằng. Nay cô ấy khó tính, theo dõi tôi gắt lắm! Hôm nọ tôi mặc cái áo hoa xanh đỏ, Hằng hỏi ngay: dạo này sao anh bỏ áo trắng, siêng xài đồ sặc sỡ vậy? Tiếp đến: sao bỗng dưng anh thích nhai kẹo cao su, sao đôi giày còn tốt lại vứt vào giỏ rác, và hàng chục sao này sao kia… Suốt ngày nay tôi giải sầu với mấy thằng bạn ở Quận 2. Lâu lâu gặp nhau, mừng, đãi nhau ít ve!… Anh còn nhớ thằng Nhàn không, Nhàn trước ở gần chợ An Đông ấy? Giờ nó xìu, đang đà xuống chó, vướng phải đủ thứ trở ngại, khó khăn. Thằng gian nan đụng đầu đứa cực khổ, tha hồ than thở, tâm sự! Trong trường hợp này vai trò của bia bọt rất quan trọng, nếu không có nó thì chẳng hiểu ta sẽ trôi giạt về đâu?… Tôi đã kể chuyện Quyên cho Nhàn nghe, nó chịu thua, chẳng góp được ý nào đáng giá… Quyên đẩy tôi vào ngõ cụt. Cô ấy buộc tôi phải chọn lựa, chấm dứt tình trạng chàng ràng lâu nay. Nhưng làm sao chọn? Quyên yêu tôi nồng nàn, điều này không phải bàn cãi. Quyên bảo, nếu lấy nhau hẳn tôi sẽ được nuông chiều như ông hoàng, chẳng phải làm gì cả, chỉ ăn ngủ đánh cờ nuôi cá kiểng thôi, mọi việc cô ấy bao giàn tất! Nhưng anh biết đấy, tôi bỏ Hằng sao được… Chúng tôi lấy nhau vì tình. Trước kia Hằng đã từ chối nhiều đám thơm tho danh giá, tôi không thể… Và còn điều lằng nhằng này: tôi kết Quyên đã ngót hai năm, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì, Quyên vẫn trơ xác ra… Có nghĩa rằng, có thể chính tôi là thủ phạm của vụ không đẻ đái!… Người ngoài cuộc thường minh mẫn, anh hãy giúp tôi vài lời khuyên.”

Khâm ra nhà sau rửa mặt và giải tỏa “sức ép” cho cái bụng. Khi trở lên, trông anh chàng tươi tỉnh hơn trước.

“Phiền anh quá, đi làm về chắc anh cần nghỉ… Vào những lúc như thế này mới thấy tình bạn cũng cần thiết như các nhu cầu khác.”

Khâm moi túi quần lấy ra một viên kẹo que. Kẹo xanh, khá to, có cây để cầm.

“Gần đây, gặp nhiều chuyện bấn bíu, đầu óc mình rối tung, chẳng lúc nào yên, bỗng đâm ra muốn hút thuốc. Nhưng Quyên ghét mùi thuốc, cô ấy bảo nên mút kẹo, thế là mút!”

Khâm cười, làm một động tác hài hước: “Buồn cười, đời lắm chuyện!”

Nghĩ sao, Khâm không ăn, lại bỏ kẹo vào túi.

“Tuần trước tôi mất hai ngày đi lại, chờ chực ở trường mẫu giáo quận, nộp đơn xin cho bé Tâm – con Quyên – vào học. Đông lắm, như xem hội, ngày hai buổi, chen lấn, hồi hộp. Ở đó tôi nghe được một chuyện mới, nói về vợ con: Vợ chồng ông bảo vệ ở một trường trung học có ba con gái, đều là con nuôi. Ông bà không con, đến cô nhi viện xin một bé gái. Vài năm sau, bà vợ lượm được một lúc hai bé gái nữa. Cặp sinh đôi này bị ai đó đem bỏ gần thùng rác trước trường… Đến nay ông bà đã lớn tuổi, ông gác cổng, giữ xe, bà quét trường. Ba đứa bé cũng lớn, trắng đẹp, sáng sủa... Trăm người trăm cảnh. Cùng rơi vào hoàn cảnh tương tự như mình, nhưng những người lao động tay chân không suy nghĩ mông lung, xa vời; họ làm ngay những gì họ cho là đúng, hợp đạo lý.”

Khâm hỏi xin ly đá chanh. Nhà không có sẵn chanh, Lượng nhờ vợ pha cà phê mời khách. Khâm uống cà phê, hớp từng ngụm nhỏ, mặt nhăn rúm. Lượng uống trà, vừa uống anh vừa kể Khâm nghe một chuyện cổ. Cổ tích này chưa xưa lắm, không có ma quỷ phù thủy thần tiên: “Cách đây hơn trăm năm, ở miền Trung, trong một làng nhỏ nghèo nằm dưới chân núi, có đôi vợ chồng trẻ độc đáo. Đôi này được dân làng quý mến. Anh chồng tên Đen, vì da anh đen sạm. Hai người chịu khó, cần kiệm, nên tuy chưa giàu nhưng cũng có đủ trâu ruộng nhà cửa. Họ chỉ thiếu một thứ, là con. Cưới nhau đã lâu, từ lúc tuổi mới hai mươi, đến gần bốn mươi họ vẫn son rỗi. Dĩ nhiên, anh chị buồn… Sau khi thử qua nhiều cách chữa trị không hiệu quả, anh Đen nghĩ ra một kế. Anh cho rằng việc muộn con chắc do lỗi ở mình, vợ anh to khỏe mập tròn thế kia không thể “sai” được… Dạo đó, trong làng có anh chàng khố rách, tên Tới, ở miền xa đến, chuyên đi làm mướn. Anh ta hiền hậu, sống một mình, ai thuê gì làm nấy. Anh Đen gọi chàng Tới về nhà, bảo anh ta sửa cái chuồng trâu, đào ao, lên núi kiếm củi, và phụ giúp việc đồng áng, trong hai chục ngày. Chị Đen và anh chàng tội nghiệp không thể biết được ý đồ của anh Đen. Một hôm, anh Đen mua rượu thịt về, cùng Tới ăn uống. Anh chuốc cho chàng trai trẻ say, rồi đẩy vào buồng, buộc vợ ngủ chung. Chị Đen khiếp đảm, nhưng anh chồng thuyết phục, giảng giải, hăm dọa đủ đường, nên chị phải nghe theo. Thủa đó, quyền hạn của đàn ông to lắm, chỉ kém vua và trời thôi… Sáng ra, anh Đen chất vấn vợ một lúc lâu, làm như đó là chuyện chị muốn, không phải do anh bày ra. Chốt lại, anh ta hỏi: “Được, tao hiểu cả, nhưng… nó có hun mày không?” Chị Đen gật. “Mấy lần?” – “Chín, mười lần.” – “Nhiều vậy! Mày có hun nó không?” Chị vợ khóc: “Đừng tra hỏi nữa, chính anh xúi, bây giờ lại… tui không thương, nên không hun nó!” Anh Đen vui vẻ bỏ đi: “Tốt, nếu mày hun là bậy!”. Anh coi hôn hít như cái thước đo tình cảm tốt nhất… Sau đó, hai người toại nguyện, họ có được một bé trai… Chàng Tới về quê. Không ai nghi ngờ gì về nguồn gốc đứa bé. Nhưng khi nó vừa tròn một tuổi, chị Đen bỏ nhà ra đi. Chị không chịu được tính ghen tuông của chồng. Cứ vài hôm anh ta lại khui chuyện cũ ra, hành hạ vợ. Lúc hỏi về khoản hôn ra sao, lúc về các cử chỉ âu yếm thế nào, hỏi mãi, lòng vòng như cối xay cùn…Chuyện còn kể cặn kẽ, chị Đen đi một mình. Dù rất thương con, chị vẫn để đứa bé lại cho chồng. Là người nhân hậu, chị thấy rõ, anh nhắm mắt để sự việc diễn ra như thế, đủ cho biết lòng mong muốn có con của anh rộng lớn như đất trời!”

Khâm nói, như giáo viên phân tích bài thơ:

“Tay Đen hơi khùng, nhưng nghĩ lại có lẽ ta cũng nên thông cảm cho anh chàng… Anh ta như đứa bé nổi giận, đáng thương, tội nghiệp… còn tôi thì sao? Tôi cũng đáng thương!”

Sau ngày đáng nhớ này, trong nhiều tháng, Lượng không sao quên được dáng đi liêu xiêu, cái bóng đen u ám trên mặt Khâm, và lời Hằng nói: “Em muốn ràng buộc với một đứa bé, chỉ cần một thôi.” ./.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com