Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


BẦY VỊT




T ôi lúi húi nhổ cỏ dại trong cái landscape trước nhà nên không thấy người hàng xóm và đứa con gái bé bỏng của anh đang theo sau đàn vịt đi băng qua sân cỏ nhà mình.

Nhưng bỗng nghe tiếng vịt con làm tôi quay lại. Thật là hình ảnh đã lâu không gặp, một con vịt mẹ đủng đỉnh dẫn đầu đàn con lông vàng óng trong nắng, chúng là giống chưa bao giờ nhanh nhẹn nên từ bé đã lạch bạch như vịt. Bầy vịt đi theo hình tam giác mà đỉnh nhọn phía trước là con vịt mẹ, thuộc loại vịt Xiêm đá vì có lốm đốm mấy cọng lông xanh lục. Nhưng con vịt mẹ này chắc mới ấp trứng lần đầu nên nó cũng chưa lớn lắm. Người mẹ trẻ với đàn con đông đúc của mẹ vịt, đếm ra hơn chục con. Chúng ung dung, tự tại, chứ không như: “một mẹ cùng hai con/ lê la trên đường mòn” mà một thời nhan nhản ở quê nhà tôi đã thấy những người chạy giặc ngoài trung vào… làm cho Sài gòn bất an, làm cho cả vùng trời ký ức trong tôi ùa về một nỗi nhớ mênh mang; nỗi vui-buồn tưởng rằng đã quên…

Đứa bé gái con người hàng xóm cất tiếng chào làm tôi sướng rơn! Tên cháu là Ann, cô bé thật mũm mĩm, dễ thương. Sáng nay lại mặc cái đầm hồng có hoa vàng li ti nên càng xinh xắn trong nắng sớm. Bé Ann cứ quơ tay múa chân như người nhạc trưởng đang điều khiển dàn nhạc giao hưởng là đàn vịt với tấu khúc an lạc.

Nhà bé Ann cách nhà tôi vài căn nên chỉ toàn bờ rào nhà này với nhà kia liền lạc, cả xóm muốn ra rừng chơi đều phải đi theo lối xi măng bên hông nhà tôi và một người hàng xóm khác, là độc đạo về với thiên nhiên vì nơi đó có rừng, có đồi bluebonnet bên kia con suối cạn.

Cha của bé là anh Roy, một người Mỹ trắng cao lớn như hộ pháp nhưng anh thật khiêm tốn, hiền lành đến đàn ông gặp anh cũng dễ có thiện cảm. Nhưng rất ít thấy vợ anh ra ngoài, hay đi cùng chồng con. Chỉ thấy anh cần mẫn chăm sóc nhà cửa, và hết mực cưng quý bé Ann. Khi anh ẵm nó trên cánh tay to lớn và cứng cáp của anh thì như người khổng lồ đang giữ lấy bảo vật của ông ấy, bất khả xâm phạm…

Anh Roy mới ngoài ba mươi nhưng phong thái hiếm có, đẹp trai cỡ Bill Clinton thời trẻ. Thậm chí anh hơn cả ông Bill ở nụ cười hiền hòa và ánh mắt nông dân xanh lơ của anh, cứ như chứa cả bầu trời Texas country trong ấy vậy. Anh dừng chân nói với tôi sau khi chào hỏi nhau:

“Chả biết con vịt mẹ từ đâu đến, nó chui vào cái nhà kho của tôi ngoài sân sau nhà, rồi làm ổ và đẻ trứng…”

“Có thể nó đi lạc từ đâu đó. Vì cái park ngoài đầu đường khu nhà này. Tôi có thấy hồ nước cảnh, nhưng không thấy vịt.” Tôi nói với anh.”

Anh nói tiếp: “Tôi cũng nghĩ vậy! Nhưng sao không thấy con vịt trống. Không lẽ chúng ở trong rừng. Rồi tôi cũng kệ con vịt lạc bầy. Tôi ẵm bé Ann ra cho nó xem. Con bé mê mẩn với sự lạ nên chiều nào cũng đòi cho được tôi ẵm ra nhà kho xem vịt đẻ. Hôm nào tôi về trễ thì khổ cho vợ tôi, vì nó khóc đòi đi cho vịt ăn. Nhưng vợ tôi không ra ngoài được với mùa hoa dại đang tràn lan sau nhà. Cô ấy dị ứng nhiều thứ đến chỉ ở trong nhà.”

Anh có vẻ hứng thú với chuyện con vịt, nên hôm nay nói hơi nhiều so với bình thường anh chỉ chào hỏi hàng xóm bằng những câu ngắn gọn. Anh lại nói với tôi,

“Nhờ vậy mà con bé nhà tôi chưa được ba tuổi đã đếm được từ một đến mười hai trên những ngón tay bé xíu của nó.”

Câu chuyện tiếp diễn cho thoả niềm hứng khởi của anh Roy đang kể cho tôi nghe:

“Rồi thì vịt ấp, cha con họ cho nó thức ăn, nước uống… đến bây giờ đàn vịt con đã cứng cáp. Anh Roy định nuôi chúng lâu dài để làm niềm vui cho bé Ann. Nhưng làm thế không được vì phạm luật của khu phố này, (không nhà nào được tự ý nuôi gia cầm, dù trong bờ rào nhà mình). Anh đã giải thích cho bé Ann hiểu. Nay cha con họ đưa bầy vịt ra suối, ra rừng…

Hình ảnh anh Roy và bé Ann đã từng làm tôi thèm muốn có được một đứa con gái bé bỏng, sao mà nó dễ thương lạ! Hình ảnh người cha với con gái bao giờ cũng để lại nhiều ấn tượng hơn thằng con trai bự như con voi, vác cái mặt búng ra sữa, nhưng ra dáng vệ sĩ của người mẹ nhỏ thó ngoài chợ Việt nam. Hay ngay trong nhà tôi cũng có hai ông vệ sĩ to đùng nhưng chỉ bảo vệ một bà mẹ nhỏ như con thỏ. Cái kiểu khinh khỉnh của mấy thằng đực rựa mới lớn chỉ làm cho người đàn ông trong nhà thấy mình già nua, vô dụng; trong khi hình ảnh đứa con gái bao giờ cũng làm nổi bật hơn sự đứng mũi chịu sào của người cha.

Thế là tôi dừng tay nhổ cỏ dại trong landscape để nhìn theo hình ảnh đã lâu không gặp: đàn vịt đi về phía rừng; người cha tận tụy với đứa con gái bé bỏng. Đàn vịt con sẽ lớn, đứa bé gái trưởng thành; mẹ vịt già nua, tàn héo, rồi biến mất khỏi trí nhớ đàn con; người đàn ông cao to kia đổ xuống như một gốc cổ thụ phải cơn lốc xoáy mạnh hơn ông, đứa bé gái một hôm chợt nhìn về rừng để tìm lại tuổi thơ, chắc buồn lắm với nỗi nhớ loáng thoáng hình ảnh người cha hộ pháp của nó.

Nhưng cũng chỉ dăm phút rồi thôi để trở về đời thường với thật nhiều lo toan của đời sống.

Biết rằng cõi tạm nhưng khi nghĩ đến ngày tới cứ thấy lòng xót xa, mà nghĩ lại ngày qua lại càng bối rối với những ăn năn chỉ chờ cơ hội là làm khó mình. Rồi cũng chẳng để làm gì hơn, (làm gì được) hơn là đi tìm một sự chia sẻ khi lòng thấy bâng khuâng một nỗi niềm…

Tôi nhìn vào trong nhà, chỉ còn cô bạn học của mấy chục năm trước, đang ngồi đọc sách. Tiếng trẻ đã vắng ngắt trong ngôi nhà theo quy luật muôn đời. Chúng cũng y như anh em tôi ngày trước, khi xủi lên mớ lông măng trên mép thì chúng thường xin đi chơi nhà bạn vài tiếng. Rồi khi đã thành râu, biết lái xe thì chúng xin đi chơi trọn ngày, rồi đến lúc đi chơi vài hôm… Chúng xa nhà với những khoảng thời gian ngày một dài để tiện việc học thì ít mà việc riêng thì nhiều.

Nhưng bỗng hôm nào đó, cha mẹ không còn trông mà ngóng chúng trở về. Bởi lễ, tết mà trong nhà vắng con cái thì không khí loãng hơn cả ngày thường. Nhà chỉ còn đôi bạn ngày xưa học chung một lớp, có bỏ kính ra để thấy nhau mờ mờ cho đỡ nản lòng chung thủy thì trong tâm thức những ngày xa đã xa, chỉ rõ mồn một những ngày sắp tới… như cái bóng cây sồi già đã ngả về tây, cái bóng dài ra, dài ra, đến tận cuối sân cỏ, ngày qua.

Dưới bóng cây sồi to cao, mát rượi trước sân nhà. Lọn gió đầu hè chưa nóng lắm làm sảng khoái tâm tư với những hồi ức vừa ghé thăm vài nơi muốn quên cũng khó như một góc quán quen ở Sài gòn; một chỗ trốn học thời “không sách vở cầm tay”; nhớ một cuộc chia ly thuở đó; một lần giã từ; một cuộc ra đi… tất cả chỉ còn lại cuộc sum họp đã già của hai người lẽo đẽo theo nhau nhtừ thời tiền sử. Và đã đến lúc bụi thời thời gian đóng trên những con chữ; những trang sách, nên em phải đeo kính đọc chữ. Em ngày nọ, có con mắt sau lưng vì biết ai đang theo ngọ về đã vĩnh viễn hồng hoang…

Tôi trở vô nhà với cái laptop đã mờ hết chữ trên keyboard. Nhưng không xài được laptop mới chỉ vì không rứt bỏ được những gắn bó hơn là ràng buộc. Có lẽ ngồi trò tchuyện với bạn bè như xưa là cái thiếu vắng đã lâu ngày trong đời sống…

…Chắc em còn nhớ những bữa trưa không tiền trong khuôn viên trường cũ. Bạn bè muôn phương về nên mỗi đứa đều có những câu chuyện đặc quánh tính địa phương của nó được kể ra - làm những đứa khác mở rộng tầm mắt!

Trẻ thành phố như em cứ tròn xoe đôi mắt theo những bước chân anh khi còn ở đồng. Những đêm mưa sụt sùi, trên căn gác nhà anh nhìn ra sông, chỉ có bóng đêm đen kịt, chỉ có bóng đèn đỏ như ma trơi của chiếc xuồng chăn vịt. Đó là chiếc đèn bão, không phải để có ánh sáng mà để máy bay trực thăng phân biệt ghe của dân với ghe của Việt cộng trong bưng, đêm về làng quấy nhiễu dân tình. Thỉnh thoảng sấm chớp, cả vùng bãi sông loé lên hoang vu, bầy vịt trắng như miếng vá trên thân áo đen là bầu trời…

Rồi đến một kỳ hè nào đó. Bọn trẻ con trai tụi anh đã lớn. Thế là ra đồng để gạt ông già chăn vịt đã già! Cho dù ông chỉ là người đi chăn vịt mướn, nhưng nhiều năm kinh nghiệm nên ông rất tự tin điều kiển cả bầy vịt hàng ngàn con trên sông. Mỗi khi ông định cho đàn vịt lên miếng ruộng nào để kiếm ăn thì ông thường phập phều điếu thuốc rê trên miệng, đứng quan sát rất lâu về miếng ruộng mà ông chọn lựa. Thứ nhất là ông đứng yên và lâu để xem miếng ruộng ấy có nhiều còng gió, rau chai… những thứ vịt thích ăn hay không. Thứ hai là ông xem trên thửa ruộng ấy có cạm bẫy hay không?

Cạm bẫy thời chiến tranh không giăng người chăn vịt, nhưng sau hoà bình thì điều đó xảy ra thường xuyên, vì đói quá thì ai cũng có thể trở thành kẻ cắp. Và bọn anh đích thị là những nạn nhân của hoà bình; những kẻ cắp một lần nhưng ăn năn suốt đời như giờ đây - anh chợt nhớ về cố thổ.

Có lần em bảo anh là tinh quái, sau khi nghe anh kể hết cả kế hoạch qua mặt ông già chăn vịt cả ngàn con chỉ để trộm một con. Nhưng người tinh quái hơn anh là kẻ luôn cho anh lòng tự tin lẫn tự hào về những trò ma quỷ của anh; người khen anh có khiếu kể chuyện… cuối cùng là sự ngốc nghếch hay lòng từ bi bất ngờ đã làm thay đổi cả đời anh.

Trong không gian phảng phất hương hoa lài; sự yên tĩnh của thư phòng quanh năm không mở đèn để có thể thấy sự kỳ ảo của những tặng phẩm nghệ thuật mà bạn bè ban cho. Nhìn ra một góc bàn ăn trông ra cửa sổ là vườn sau; rừng xa… em ngồi đọc sách yên lặng quá! Không còn huyên náo như xưa; anh thì về quê với đàn vịt của ông già trên sông, ghé thăm bạn bè nơi trường cũ… chúng ta cũng như những bầy vịt xúm xít bên nhau một thời để chia xa, tan tác theo dòng sống muôn phương. Em có thấy bầy vịt đang xuống suối cạn sau nhà. Chúng từ đó ra đi như chúng ta - không hẹn ngày trở lại. Chỉ có hôm nay là tất cả: hạnh phúc của chắt chiu quá khứ và hành trình vô định của tương lai. Anh sẽ thôi gõ nữa; em cũng bỏ cuốn sách xuống đi. Sao không làm một ly vang với nhau trước khi đêm về là bế mạc…






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com