tranh “Thiếu Nữ Dâng Trà” của Lê Phổ
Đi sông bến lạnh lên ngàn
Khóc thời xa cũ đã tàn thanh âm.
(Hoài Khanh)
PHẦN II
1
Dựng chiếc xe đạp trước nhà sách Phú Nhuận, Nhân cầm xấp báo đi vào, vừa nói: Chào bà - vừa đặt tờ Tự Do trên quầy. Bà chủ tươi cười: Chào cậu - Rồi như chợt nhớ ra, bà nói: A, hôm nay cuối tháng rồi, để tôi đưa cậu tiền báo – Bà mở ngăn kéo lấy tiền đưa cho Nhân.
- Cám ơn bà, chào bà.
Nhân bỏ tiền vào túi, vừa định bước ra thì có người cầm tay kéo lại. Nhân ngước nhìn chưa kịp nói thì người kéo tay hỏi:
- Anh còn nhớ em không?
- A, Dũng! Nhân vừa nói vừa choàng tay qua vai Dũng kéo ra ngoài.
Dũng nói:
- Nghe tiếng “chào bà”, em nhìn lại, nhận ra anh ngay.
- Thời buổi loạn ly mà chúng ta vẫn gặp lại nhau. Ở Quảng Yên thì tôi nhìn thấy cậu trong dinh phó tỉnh, còn ở Sài Gòn thì cậu nhận ra tôi trong tiệm sách.
Dũng giơ cuốn “Kim Chỉ Nam Của Học Sinh” ra trước mặt Nhân:
- Nhờ vào nhà sách tìm cuốn này mà gặp được anh, thật may.
Nhân nói:
- Cậu ghi cho tôi địa chỉ. Bây giờ phải đi, ngày mai tôi sẽ tới.
Dũng nói:
- Nhà gần đây, anh ghé nhà ít phút cho biết, rồi hãy đi.
- Nhà gần đây ư, vậy thì tốt quá – Nhân cười, bỏ xấp báo vào cái giỏ ở trước ghi đông, rồi nói: Cậu ngồi lên đây, tôi chở đi cho nhanh.
Dũng nói:
- Em cao lớn thế này, ngồi lên sợ gẫy xe mất. Thôi đi bộ, anh ạ.
Buổi chiều, giờ đi làm về, đường Võ Di Nguy, dưới mặt đường là những dòng xe đạp, xe gắn máy đi sát nhau, còn trên lề thì người đi bộ, có chỗ gần như chen nhau. Dũng muốn đi ngang Nhân, nhưng rừng người cứ đẩy Nhân với chiếc xe về phía sau, nên Dũng phải đi trước.
Tới ngã tư Phú Nhuận, Dũng quẹo trái đường Võ Tánh, đi chừng hơn 300 mét thì dừng lại trước một ngôi nhà lầu có giàn hoa giấy trên cổng.
- Nhà đây anh – Dũng nói rồi đẩy cánh cổng cho Nhân dắt xe vào sân.
- Chị Điệp ơi, chị Điệp. Ra đây em cần nói chuyện này.
Điệp xuất hiện ở cửa, chợt sững người lại khi nhìn thấy người đứng với Dũng ở giữa sân.
- Chị nhận ra ai không?
- Anh Nhân! Điệp bước vội ra như muốn ôm chầm lấy Nhân, nhưng Nhân đã giơ tay cầm tay Điệp cùng đi vào nhà.
Điệp kéo Nhân tới ghế salon:
- Anh ngồi đây, để Điệp đi lấy nước.
Điệp đi vào đem ra một chai cam vàng và một cái ly có nước đá, rồi rót nước vào ly để trước Nhân.
- Anh uống nước.
- Cám ơn Điệp.
Điệp ngồi xuống ghế đối diện với Nhân:
- Đường phố đông người mà nhận ra nhau. Sao lại có chuyện ngẫu nhiên như vậy nhỉ?
Dũng nói:
- Không phải gặp ngoài đường. Em vào nhà sách Phú Nhuận tìm cuốn “Kim Chỉ Nam Của Học Sinh” của Nguyễn Hiến Lê và gặp anh trong nhà sách.
Nhân nói:
- May mà cùng vào nhà sách, chớ ở ngoài đường Võ Di Nguy thì khó có thể nhận ra nhau. Dũng cao lớn, mập mạp, thay đổi nhiều.
Điệp nhìn Nhân:
- Anh cao lên, nhưng gầy đi, khuôn mặt thì vẫn vậy.
Bà mẹ Điệp bước ra, Nhân đứng dậy:
- Chào bác, con là bạn của Dũng ở Quảng Yên.
Bà nhìn Nhân một lát, vui vẻ:
- Tôi nhớ rồi. Ngày chúng tôi rời Quảng Yên sang Hải Phòng, cậu đã ra bến xe tiễn chúng tôi với một gói bánh giò và một gói bánh khoai sọ …, Mấy năm rồi mới gặp lại, ai nhận ra ai trước.
- Thưa bác, Dũng nhận ra con trước.
- Vào Sài Gòn, bây giờ gia đình cậu ở đâu?
- Dạ, con ở khu ngã ba Ông Tạ.
- Vậy thì cũng không xa đây, nhưng khu Ông Tạ với khu Phú Nhuận trái đường nên gặp được nhau cũng khó lắm. Mới đó mà đã 3 năm, người nào cũng cao lớn cả rồi. Thôi, cậu ngồi chơi với các em. Đã gặp lại nhau, nhớ năng đến chơi.
- Dạ, cám ơn bác. Con sẽ đến luôn ạ.
Sau khi mẹ Điệp vào nhà được một lát, Nhân uống cạn ly nước, rồi nói:
- Bây giờ tôi phải đi có việc. Để hôm khác sẽ đến chơi.
Điệp và Dũng đi với Nhân ra đường. Khi Nhân ngồi lên yên xe, Điệp nói:
- Anh nhớ đến chơi, đến buổi sáng. Buổi chiều Điệp đi học.
- Tôi cũng học buổi chiều – Nhân gật đầu cười nói, rồi đạp xe trở lại ngã tư Phú Nhuận, ngược lên đường Chi Lăng, vào mấy hẻm bỏ nốt những số báo Tự Do, Ngôn Luận còn lại.
Trên đường về, khi qua nhà Điệp, Nhân nghĩ hơn một năm đi bỏ báo qua con đường này mà không bao giờ gặp Điệp hay Dũng. Đêm nào Nhân cũng dừng lại chiếc xe chiên bánh tiêu và dầu cháo quẩy gần phía đối diện với nhà Điệp, mua một cái bánh tiêu, rồi vừa đạp xe vừa ăn. Gặp lại Điệp lòng Nhân trĩu nặng và giao động vì thấy sự cách biệt giữa hai đời sống.
Vào Sài Gòn ba Nhân giải ngũ và thất nghiệp. Mẹ Nhân buôn tần bán tảo ở chợ Ông Tạ. Có cái may là được bạn hàng chỉ dẫn, cha mẹ Nhân mua được một mảnh đất diện tích trên 500 mét vuông trong ấp Cả Trắc. Với cây, gỗ, ván tạp, ba Nhân và một người bạn đã làm được ngôi nhà lá 3 gian. Thế là yên được chỗ ở, nhưng còn sinh kế thì khó khăn, nên Nhân đã phải theo mấy người bạn đi bỏ báo tháng để tìm cách tự túc cho việc đi học.
Còn gia đình Điệp, chỉ nhìn bề ngoài qua ngôi nhà hai tầng lớn ở mặt tiền đường phố và qua nét đài các của mẹ Điệp và Điệp, Nhân thấy là dù di cư, nhưng gia đình Điệp vẫn ở tầng lớp giàu có hay trung lưu như ngày còn ở ngoài Bắc. Gặp Điệp Nhân sửng sốt trước sự thay đổi của Điệp, vì Điệp đã trở thành một thiếu nữ khuê các lồ lộ đường nét căng đầy. Nhìn lại mình, quần một manh áo một mảnh, mỗi tối đi bỏ mấy chục tờ báo với chiếc xe đạp để ở đâu cũng không cần khóa, Nhân cảm thấy Điệp đã quá xa cách. Gặp Nhân, Điệp mừng cũng như Dũng đã cầm tay Nhân kéo lại, nhưng Nhân thầm nghĩ có lẽ giờ này Điệp đang nghĩ về mình cũng như mình đang nghĩ về Điệp. Đừng để cho Điệp phải khó xử về chuyện gặp lại - Nhân lẩm bẩm: Phải giải thoát cho cô ấy. Và lòng Nhân bỗng chùng xuống khi đi đến quyết định là cứ đến Điệp một, hai lần, rồi sẽ đi luôn không trở lại nữa.
2
Sáng chủ nhật Nhân đến cà phê Gió Bấc ở đường Phan Đình Phùng được chừng 15 phút thì Điệp tới. Điệp mặc áo dài màu xanh dương, khóa chiếc Velo Solex, rồi xách một gói lớn đi vào quán. Điệp cười khi nhìn thấy Nhân và thản nhiên trước những cái nhìn của khách cà phê.
- Anh đợi em có lâu không?
Nhân cầm tay Điệp khi nàng ngồi xuống ghế:
- Không lâu, anh cũng mới đến – Nhân đáp, rồi nói: Bên cạnh đây có quán bánh cuốn. Em ăn bánh cuốn?
- Em ăn ở nhà rồi, uống cà phê thôi anh ạ.
Cô tiếp viên đến, Nhân hỏi Điệp: Em uống cà phê sữa?
- Dạ.
- Cô cho tôi hai cà phê sữa.
Khi cô tiếp viên bước đi Nhân nói:
- Mấy năm, anh vẫn nghĩ là gia đình chúng ta đều sống ở Sài Gòn cả, loanh quanh ở những khu tập trung nhiều dân di cư như Phú Thọ, ngã ba Ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền, đường Trương Minh Giảng, đường lê Văn Duyệt, khu Bàn Cờ và vẫn hy vọng là một buổi chiều nào đó sẽ gặp em trên đường Lê Lợi.
Điệp nhìn Nhân một lúc:
- Em cũng nghĩ như anh, nhưng thời gian cứ đi, nên hy vọng cũng nhạt dần.
- Có một điều, sau khi gặp em, anh mới chợt nhận ra là nếu anh thông minh, nhanh trí một chút thì anh đã gặp em từ lâu. Đầu óc quá chậm nên đến nay mới nhờ cái đụng đầu Dũng trong nhà sách mà tìm lại được cô Điệp Cát Bà.
Điệp bật cười, rồi nói:
- Anh nói em không hiểu.
Nhân cười:
- Có gì mà không hiểu. Ở Hà Nội em là học sinh Trưng Vương thì vào đây em cũng học Trưng Vương. Nếu nghĩ ra sớm, anh đến đứng ở trước cổng Trưng Vương thì sẽ thấy Điệp. Một việc đơn giản như thế mà mấy năm không nghĩ ra.
Điệp ngẩn ra một lúc, nhìn Nhân:
- Không nghĩ ra nên mới mất ba năm... Nhiều lần đi ăn kem với Dũng ở Mai Hương, em thường ngồi lâu vì hy vọng sẽ trông thấy anh trên hè đường Lê Lợi. Thật tiếc, khi chạy khỏi Hà Nội, mọi người hoảng loạn cả, em đâu biết Trưng Vương sẽ di cư. Nếu biết Trưng Vương cũng vào Sài Gòn thì em đã dặn anh. Khi từ giã, em sợ mình sẽ lạc nhau, vì chúng ta cùng đi tới một nơi không có địa chỉ.
Nhân hỏi:
- Gia đình em ở lại Hải Phòng bao lâu?
- Trên hai tuần, anh ạ. Gia đình em vào Sài Gòn bằng máy bay, ở trại tạm cư Bình Đông 2 được hơn hai tháng thì ba em vào và đi làm ở Bộ Nội Vụ, nên me em thuê nhà ở đường 20, nay là đường Phan Thanh Giản.
- Gia đình em lên đường Võ Tánh từ năm nào?
- Khoảng giữa năm 1955, chỉ thuê nhà mấy tháng thôi. Me em mua nhà ở mặt tiền để bán gạo.
Nhân cười:
- Vậy là trên một năm qua, ngày nào anh cũng đi qua nhà em mà không bao giờ thấy người.
- Anh không thấy ai cũng phải, vì mặt ngoài là cửa hàng bán gạo. Em ít khi ra đó. Hơn nữa anh lại đi vào buổi tối khi nhà đã đóng cửa.
Thấy phin cà phê đã chảy hết, Nhân bỏ phin ra, đổ thêm nước vào 2 tách, khuấy cho sữa tan đều rồi đặt tách cà phê trước Điệp.
Nhìn Điệp hồn nhiên như những ngày ở Cát Bà và Quảng Yên, Nhân băn khoăn về những điều mình nghĩ về Điệp. Chủ nhật tuần trước đến Điệp, Nhân đã ngạc nhiên trước những lời ân cần của nàng: Em đã lớn và được phép giao du bạn bè. Ở nhà khách ra vào mua gạo, rồi có me em, mình chẳng nói được gì. Có chỗ nào, thỉnh thoảng mình đi chơi với nhau. Em vẫn nhớ những ngày ở Cát Bà và Quảng Yên. Nhân bảo: Chỗ đi chơi trong thành phố có Ciné, công viên và những quán cà phê yên tĩnh, còn ngoài thành phố ở đâu anh không biết mà mình cũng không có phương tiện đi xa. Nghe thế, Điệp đã chọn quán cà phê và Nhân đã hẹn Điệp ở Cà phê Gió Bấc, đường Phan Đình Phùng, nơi thỉnh thoảng Nhân đã tới để làm quen với hương vị cà phê miền Bắc, cả mùi thơm lẫn phong cách uống.
Nâng tách cà phê uống mấy hớp, rồi Nhân nói:
- Gia đình em may mắn, đi sớm, lại đi máy bay. Rồi vào đây, gia đình vẫn giữ được nếp sống ở ngoài Bắc. Còn gia đình anh khó khăn hơn. Mãi tháng 10 mới qua Hải Phòng, 3 tuần sau đi tàu Mỹ vào Sài Gòn, ở trại tạm cư Bình Đông 3 được chừng một tháng thì ra ngoài thuê nhà ở cho thoải mái và phải tính chuyện làm ăn.
- Từ Bình Đông 3, gia đình di chuyển thẳng tới ngã ba Ông Tạ?
Nhân lắc đầu:
- Đâu có nhanh và gọn vậy em. Từ Bình Đông 3 tới Phú Thọ trường đua, rồi Phú Thọ Hòa. Cuối năm 55 mới tới khu Ông Tạ. Đó là chuyện ở, còn chuyện sống thì vào Nam, ba anh thuộc quân đội nên phải giải ngũ và thất nghiệp. Cách đây mấy tháng ông mới xin được một việc trên tàu đánh cá biển. Mẹ anh vào đây phải tần tảo ngay sau khi ra khỏi trại tạm cư. Tới chợ Ông Tạ, khởi đầu bán bún riêu, sau đó kiếm được một chỗ tốt, bà đổi sang bán cơm.
Nhân dừng lại, nâng tách cà phê uống mấy hớp:
- Trước hoàn cảnh gia đình như thế, anh may mắn xin được vào trường Chu Văn An, vì là học sinh trường trung học Trần Quốc Tuấn, và là con binh sĩ, nhưng phải tìm cách tự túc đỡ cho cha mẹ, nên anh đã theo mấy người bạn, xuất thân từ Trại Học Sinh Phú Thọ, đi bán báo Tự Do và Ngôn Luận vào buổi tối. Khởi đầu phải bán rao, nhưng sau đó nhiều gia đình mua thường xuyên nên chuyển thành mối. Cứ 7 giờ chiều tới nhà in lấy báo, rồi đi bỏ mối. Bỏ mấy chục mối báo mất nhiều thì giờ, vì phải đi nhiều đường. Trước kia anh lên cả Xóm Mới, nhưng xa quá nên phải bỏ…. Thời gian đầu đi rao báo, thường thì đi vào mấy ngõ hẻm, anh nhớ lại tiếng rao “bánh dầy, bánh giò, bánh khoai” của cụ Nhâm ở Quảng Yên. Tiếng rao của cụ lanh lảnh, nhất là trong những đêm mưa. Anh không biết tiếng rao của mình ra sao trong những đêm mưa, nhưng vào mấy ngõ sâu, anh nghe tiếng rao như lạc mất trong mưa.
Nhân nâng tách cà phê lên, rồi lại bỏ xuống:
- Buổi chiều gặp được Dũng là do anh tới đưa báo cho nhà sách Phú Nhuận. Anh bỏ báo ở đó cả năm rồi. Và khu vực anh bỏ báo là đường Võ Di nguy, Chi Lăng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ, vòng trở lại Võ Di Nguy nối dài. Hơn năm nay, anh thường đi lại đường Võ Tánh và đêm nào khi bỏ báo xong, anh cũng phải đi qua Võ Tánh để về nhà.
- Vậy từ ngày mai anh bỏ báo Tự Do cho nhà em, có Văn Nghệ Tiền Phong thì bỏ cho em luôn.
- Hiện tại em lấy báo của ai?
Điệp lắc đầu:
- Không, nhà không lấy báo của ai. Hàng ngày mua ở sạp báo đối diện trước nhà. Rồi em sẽ giới thiệu cho anh mấy mối nữa trên đường Chi Lăng.
- Em phải hỏi những gia đình đó là đang lấy báo của ai. Nếu họ bảo đã có người bỏ báo thì thôi. Vì số anh em đi bỏ báo không nhiều mà cũng biết nhau cả.
Nhìn mấy ông đọc báo Tự Do với tách cà phê và điếu thuốc, Nhân nói:
- Quán này là của dân Bắc, chắc là đồng hương Hà Nội với em, và khách cũng toàn dân Bắc. Ở Quảng Yên, mấy tiệm ăn đều có ghi cà phê, nhưng cà phê hình như không thông dụng, thành ra mấy năm ở Quảng Yên anh chỉ được uống ít lần, loại cà phê sữa bột Nestlé của Pháp. Vào đây chỉ một thời gian ngắn là quen vị cà phê đen, quán cà phê ở khắp nơi.
Điệp hỏi:
- Nhà ở khu Ông Tạ mà sao anh lên tận đây uống cà phê?
- Chỉ thỉnh thoảng thôi, nhưng tới đây vì cà phê có hương vị đặc biệt, quán của người lớn tuổi và yên tĩnh. Mình bỏ miền Bắc vào tuổi mới lớn, chưa được sống nhiều, nhưng hai chữ Gió Bấc có âm hưởng quyến rũ gợi nhớ gió biển Cát Bà, gió bấc mưa phùn Quảng Yên và những rặng núi xanh, xám mùa đông.
Thò tay vào túi quần, Nhân lấy ra chiếc khăn tay màu hồng lợt và từ túi áo lấy ra tấm ảnh nhỏ kẹp trong mảnh giấy vuông. Vừa nhìn thấy chiếc khăn tay, Điệp xúc động:
- Anh vẫn còn giữ được…
Nhân nhìn Điệp: Cả cuốn Nắng Đào – Nhân cũng xúc động nên yên lặng một lúc lâu mới tiếp: Mảnh giấy nhỏ trong khăn tay em ghi ít chữ với địa chỉ ở Hải Phòng. Tháng 10 qua Hải Phòng, anh đã tìm đến hiệu bánh Phúc Châu, nhưng tiệm đóng cửa và nhà bên cạnh cho biết là gia đình Phúc Châu đã di cư vào Nam.
- Gia đình em đi với gia đình Phúc Châu. Căn nhà ở Võ Tánh cũng do người em của Phúc Châu giới thiệu.
Điệp nhìn tấm ảnh bán thân nàng chụp cuối năm 1953, gói trong chiếc khăn tay tặng Nhân buổi đi coi Ciné ở Quảng Yên:
- Bây giờ em khác nhiều, anh nhỉ?
Nhân không để ý đến điều Điệp hỏi mà tiếp tục theo dòng ý nghĩ của mình:
- Hy vọng gặp em ở Hải Phòng sẽ có địa chỉ ở Sài Gòn, nhưng em đã đi, nên chỗ cuối cùng anh bấu víu là ba anh, vì hy vọng ông sẽ biết ba Điệp ở đâu. Nhưng anh đã sai, vì hành chính và quân đội không có liên hệ gì với nhau, vào Nam thời gian cũng khác nhau. Rồi ba anh giải ngũ, thế là hết dấu vết.
Điệp gấp lại chiếc khăn với tấm ảnh và rót cho Nhân chén nước:
- Anh uống nước, rồi mình về. Chẳng cần dấu vết mà mình vẫn gặp nhau, ngẫu nhiên như ở Cát Bà và Quảng Yên.
Quán còn ít khách, Điệp nhìn lên những bức tranh treo trên tường, và chú ý bức ảnh chụp Hồ Hoàn Kiếm trong mưa phùn và Tháp Rùa như lẫn vào màn mưa. Điệp bồi hồi nhìn bức ảnh, nhớ lại những ngày mưa phùn trắng thành phố, nàng đã đi qua đây. Giờ thì đã xa quá, nhưng mỗi lần nàng nghĩ đến Hà Nội thì hình ảnh tháp rùa lặng lẽ trong nắng, dưới mưa, uy nghi mà thân tình lại ập trở về…
Khi Nhân uống cạn chén trà, Điệp cầm gói giấy mà nàng đã đem theo đưa cho Nhân:
- Em mua cho anh một ít vải để may quần áo và tập truyện “Trăng Nước Đồng Nai” của Nguyễn Hoạt.
Nhân nhìn Điệp một lúc lâu:
- Em còn là học sinh, sao lại cho anh nhiều thế?
- Ba và me cho, em để dành. Vải quần áo cũng như mì, bánh bao, phẳn ở Cát Bà hay bún riêu, thạch găng, kem Á Đông ở Quảng Yên.
Nhân cầm gói giấy: Cám ơn em - Rồi đứng dậy nói: Mình về, Điệp.
Nhân đứng lại quầy trả tiền, rồi theo Điệp ra chỗ để xe, dắt chiếc Solex xuống đường cho nàng. Dưới ánh nắng gắt, Điệp đưa tay cho Nhân nắm một lúc, rồi xỏ tay vào đôi găng trắng:
- Thôi em về.
Chiếc Solex lao đi với tà áo xanh trong dòng xe đạp trên đường Phan Đình Phùng.
3
Nghe tiếng xe Solex dừng ở cổng, Nhân đi vội ra đỡ xe cho Điệp:
- Em tìm nhà dễ dàng chứ?
- Em theo những điều anh ghi và vẽ trên giấy.
Nhân dựng xe ở sân, rồi dắt Điệp vào nhà.
Ngồi xuống ghế Điệp hỏi:
- Ở nhà chỉ có mình anh thôi ư?
Nhân đáp:
- Hai em đi học, ba anh đi biển đánh cá, còn mẹ ở chợ tới 2, 3 giờ mới về.
Điệp nói:
- Nhà rộng, vườn rộng, lại ở giữa một cái làng đầy cây thế này thì yên tĩnh và mát. Nhà trên phố quạt máy suốt ngày đêm, đến gió từ quạt cũng nóng lên.
Nhân vừa rót nước trà ra tách, vừa nói:
- Cái làng này cũng gần giống con phố Yết Kiêu, con phố em bảo là đẹp nhất Quảng Yên, phần lớn nhà cửa vách ván, lợp lá, chừng 1/3 lợp tôn và ngói. Đường đất nhỏ, nhưng chỉ ra khỏi làng là gặp những con đường lớn, xe và người tấp nập.
Điệp hỏi:
- Nhờ ai chỉ dẫn mà ông bà lại mua được đất nhà trong làng, một chỗ tốt như thế này?
- À, khi mới tới khu Ông Tạ, phải ở nhà thuê và mẹ anh sang được một cái sạp nhỏ ở chợ Ông Tạ bán bún riêu. Sau đó chuyển qua bán cơm, chính khách ăn cơm đã chỉ cho bà khu đất này – Nhân ngừng một lát, rồi tiếp: Gia đình anh là dân di cư vào làng này đầu tiên. Hồi mới tới, con đường vào đây, hai bên là lũy tre với những khu vườn trồng hoa và rau. Ở đầu đường là một tiệm mì và cà phê vợt mà anh đã làm quen với cà phê ở tiệm này. Bây giờ thay đổi khá nhiều. Dân di cư mua đất, đã phá bờ tre ở phía đầu đường để làm nhà và mua tiệm mì, rồi phá đi xây thành nhà hai tầng, mở lò bánh mì Hạnh Phúc.
Điệp nói:
- Con đường đất cát lồi lõm, nhưng đi vào thấy mát mắt với màu xanh của bụi tre, vườn và cây cối.
Nhân gật đầu:
- Ngày đó em vào tới đây là thấy những vườn hoa cúc, hoa huệ, hoa mào gà và vườn rau cải, sà lách và rau thơm bao quanh những ngôi nhà nhỏ. Dân Bắc di cư tràn tới, dân Nam bán đất đi chỗ khác. Bây giờ chỉ còn một số dân Nam sống về nghề trồng hoa, trồng rau ở mãi phía trong – Nhân chỉ qua cửa sổ: Nhà bên cạnh kia vách ván, lợp ngói cong, tiêu biểu cho nhà cửa của ấp này, họ buôn bán và chạy xe ngựa đường Ông Tạ - chợ Cầu Ông Lãnh.. Những buổi sáng dậy sớm, anh thường nghe tiếng chặc lưỡi gọi ngựa và tiếng vó ngựa lịch kịch kéo xe ra đường.
Điệp nói:
- Cách đường lớn không bao xa mà điện vẫn chưa vào tới đây. Ban đêm tối tăm quá, đúng là cảnh thôn dã chớ không như đường Yết Kiêu, thôn dã mà có điện, có nước máy và đường trải nhựa.
Nhân chỉ ra sân:
- Trước bếp là cái giếng sâu trên 3 mét, nước ngọt và rất trong. Em thấy đời sống ở đây là nước giếng, rau vườn và đèn dầu. Những đêm mưa gió thì mịt mù với tiếng ễnh ương, ếch nhái. Còn những đêm trăng thì mờ ảo.
Nhân chỉ lên kệ sách:
- Anh có bộ Liêu Trai Chí Dị do Đào Trinh Nhất dịch. Đọc Liêu Trai trong những đêm mưa bên ánh đèn dầu mới cảm được sự huyền ảo ma quái trong Liêu Trai. Em có đọc Liêu Trai không?
- Dạ, em mới đọc một số truyện do Nguyễn Hoạt dịch – Như chợt nhớ ra, Điệp hỏi: Anh đã đọc “Trăng Nước Đồng Nai” chưa?
- Đọc rồi. Trăng Nước Đồng Nai bắt mình nghĩ nhiều về cái làng cù lao giữa sông Đồng Nai, ở giữa 2 cây cầu dài… sông nước, trăng, người và hoa bưởi. Có dịp nào, chúng ta thử tới cái làng đó hái bưởi cũng như đi vào sơn thôn có mấy chục nóc nhà hái hồng ở Cát Bà. Có thể em không để ý, nhưng do anh thường đọc Liêu Trai, lại đọc trong khung cảnh làng quê, tối tăm đèn dầu với tiếng giun dế, nên anh để ý đoạn Nguyễn Hoạt nói về tính chất Liêu Trai của những cái cổng và những cái tháp trong mấy nghĩa trang ở bên đường đối diện với núi Châu Thới. Con đường Sài Gòn - Biên Hòa, mình đã đi biết bao nhiêu lần, nhưng không để ý đến những cái cổng và tháp nghĩa trang – Nhân cười – Có lẽ Nguyễn Hoạt dịch Liêu Trai Chí Dị nên ông đã bắt được khung cảnh ấy để đưa vào Trăng Nước Đồng Nai.
Điệp hỏi:
- Ngoài Trăng Nước Đồng Nai, Nguyễn Hoạt còn có tác phẩm gì khác nữa không anh?
- Xuất bản thì hình như chỉ có Trăng Nước Đồng Nai, còn truyện đang đăng báo thì có Tỵ Bái trên Tự Do. Ông còn viết mục Đàn Ngang Cung trên Tự Do với bút hiệu Hiếu Chân.
Nhân tới kệ sách lấy một cuốn bìa nâu đưa cho Điệp:
- Đây là quà tặng của một người Hà Nội.
Nhìn mấy chữ: Nắng Đào - Nguyễn Xuân Huy, Điệp cười với ánh mắt lung linh nồng nàn:
- Anh đóng bìa đẹp thế này ư? Em giữ được bộ Giao Trì Hiệp Nữ, và thường đọc lại nhiều đoạn, nhưng em đã quên việc đóng bìa.
Nhân đặt tay lên vai Điệp:
- Thấy Nắng Đào cũng như thấy em, cảm được điều em muốn nói. Vì thế, ba năm em biệt tích anh đã sống với Nắng Đào, tấm ảnh và cái khăn tay. Ông bà mình kiêng tặng nhau khăn tay, vì khăn tay để lau nước mắt… Từ Nắng Đào anh nhớ Cát Bà với những ngày đi trên con đường lát đá cạnh núi với sóng biển dạt dào, nhìn em kéo quần tránh nước đập vào đá tung tóe lên đường, nhìn sóng biển leo núi ngoài khơi, với ngày đi hái hồng, anh nhớ cổ áo tròn với đôi mắt sắc mà nồng nàn ngước lên đỡ túi hồng. Từ Nắng Đào, anh nhớ Quảng Yên. Hôm đi coi Ciné, anh không để ý đến phim mà suốt buổi chỉ nghĩ đến việc em đi. Buổi sáng từ giã ở bến xe, anh dõi theo chiếc xe hàng màu vàng cổ dụt chạy ra đường, rồi mất hút trên đường Khê Chanh. Trên đường về, anh đi theo phố Yết Kiêu, nghĩ là giờ này, chiếc xe vàng đã dừng lại ở bến Rừng, qua phà sông Rừng, rồi đi qua dãy núi Tràng Kênh. Đến trưa anh nghĩ giờ này xe đã qua núi Đèo tới bến đò Bính, qua phà, vào bến. Em xuống xe và mất hút, vì anh không còn …
Điệp bật khóc:
- Anh đừng nói nữa – Nàng lấy khăn tay lau nước mắt, yên lặng một lúc lâu, rồi nói:
- Khi vào Nam em sợ, nhưng mấy năm qua em vẫn tin là mình sẽ gặp lại nhau, niềm tin mơ hồ, nhưng em vẫn tin như thế. Chúng ta còn đi học, hoàn cảnh của anh khó khăn hơn em. Đêm đêm lăn lộn với mấy chục tờ báo, nhưng đó là cách thích nghi với hoàn cảnh. Và bây giờ, nhà chỉ mình anh mà khu vườn tươi tốt thế kia.
- Cám ơn Điệp đã nghĩ như thế. Ai cũng bận nên vườn không có gì nhiều. Cây ăn trái có ổi, đu đủ và chuối, còn rau thì chỉ có mồng tơi, rau đay và rau thơm.
Nhân để cuốn Năng Đào lên kệ sách, rồi nắm tay Điệp:
- Bây giờ mình đi hái ít ổi và đu đủ.
Ra tới sân, Nhân đi nhanh xuống bếp lấy một cái rổ và một cái túi xách bằng cói. Đưa cho Điệp cái túi xách và chỉ mấy cây ổi, Nhân nói:
- Em hái ổi, còn anh đi coi mấy cây đu đủ xem có trái nào chín.
Nhân bưng 3 trái đu đủ trở lại hàng ổi, trong khi Điệp vẫn đang đứng nhìn từng cây, ngắm nghía những trái ổi vàng bóng.
- Em hái được nhiều chưa?
- Dạ, được chừng hơn chục trái, anh ạ, mà sao trồng cùng thời gian mà có những cây lớn nhỏ khác nhau?
Nhân cười:
- Mấy cây lớn là do chủ cũ trồng, còn những cây nhỏ mình trồng và phải 2 năm nữa mới có trái.
Nhân tới một cây cao, vin cành, chỉ: Em hái mấy trái này - Rồi cứ thế vin cành cho Điệp hái.
Thấy giỏ đã nặng, Điệp nói:
- Thôi anh ạ, nặng rồi. Em sợ cái giỏ này không đựng hết 3 trái đu đủ.
- Có thể đủ, để thử coi – Nhìn trái thứ ba, gần sát miệng giỏ, Nhân cười: Em thấy chưa, vừa vặn. Rồi một tay xách giỏ, một tay dắt Điệp vào nhà.
Nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 11 giờ, Điệp nói:
- Em về, anh ạ.
- Trưa rồi, phải kiếm cái gì ăn. Đi ăn phở với anh.
Nhân đang loay hoay buộc giỏ ổi vào cái giỏ sắt sau xe Solex thì nghe tiếng:
- Thưa anh, em đi học về.
- Chào chị.
Nhân nhìn lên, nói:
- Phượng, em gái út - rồi chỉ Điệp: Chị Điệp, bạn của anh.
Điệp cầm tay Phượng:
- Phượng học trường xa hay gần em?
- Dạ, em học trường Khuông Việt gần đây.
Điệp lấy trong sắc tờ 20 đồng đưa cho Phượng:
- Chị cho em để mua sách, mua quà.
Phượng nhìn anh.
Nhân nói:
- Chị cho, em cầm lấy.
- Em cám ơn chị.
- Anh đi với chị Điệp ra ngã ba Ông Tạ. Em hâm cơm và đồ ăn, chờ Thanh về ăn một thể - Nhân dặn em, rồi nói:
- Thôi, mình đi, Điệp.
Nhân dắt xe đạp đi trước, Điệp dắt Solex theo sau. Ra tới cổng, Nhân chỉ khu vườn đối diện:
- Kiểu nhà với vườn trồng hoa và rau kia là tiêu biểu của ấp này. Nhà mình lúc mới mua cũng thế, chỉ khác là nhà lợp tranh.
Điệp nhìn một lúc:
- Người ta trồng rau cải, hoa cúc và hoa huệ.
- Vào sâu một đoạn nữa, vườn nào cũng rau, hoa cúc, huệ và mào gà.
Đi hết đoạn đường nhỏ, tới đoạn có bờ tre, đường rộng hơn, Điệp dắt xe đi song song với Nhân.
- Bố mẹ mua nhà ở ấp này, nên anh được sống giữa làng hoa, huệ và cúc, nhưng chỉ có thế. Anh không biết làng hoa Nghi Tàm ở Hà Nội đẹp thế nào mà nhiều nhà văn đã viết về cái làng hoa đó. Thời ở Hà Nội, em đã tới Nghi Tàm chưa?
- Em đã tới những làng hoa này nhiều lần. Nghi Tàm ở bên Hồ Tây, nên là một thắng cảnh. Làng hoa ở Nghi Tàm trồng nhiều thứ hoa như cúc, hồng, lay ơn, cẩm chướng, mẫu đơn, hoa ly…, đặc biệt là đào và quất. Cuối tuần dân Hà Nội thường xuống đây chơi, nhất là vào dịp Tết, người ta xuống Nghi Tàm để mua đào và quất. Em có một ít ảnh chụp trong mấy làng hoa Nghi Tàm, hôm nào em đưa anh coi. Anh sẽ thấy, vào đến làng hoa Nghi Tàm là vào rừng hoa với màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng - Điệp cười - Chớ không chỉ một màu xanh của lá cây và rau như làng hoa của anh.
- Đó là ban ngày, còn ban đêm em vào đây thì chỉ thấy một màu đen với đom đóm lập lòe và thỉnh thoảng đôi ánh đèn dầu leo lét từ mấy căn nhà vườn.
- Thế những đêm mưa tối tăm, đường lồi lõm thế này thì đi làm sao?
- Ở đâu quen đó, em ạ.
Đến đầu ngõ ra Thoại Ngọc Hầu, Nhân nói:
- Bây giờ em đi trước, Solex theo sau anh sẽ khó đi. Tới ngã ba Thoại Ngọc Hầu – Lê Văn Duyệt thì quẹo trái chừng hơn 200 mét sẽ thấy phở Thiên Thai ở bên trái.
Điệp gật đầu, lên xe, gài tà áo dài vào sau xe, đạp chừng chục mét rồi hạ máy, chiếc xe lao đi.
Nhân đạp xe theo sau và thấy tà áo dài xanh của Điệp bung lên như cánh buồm no gió.
4
Nhân dừng xe bên đường đối diện với núi Châu Thới, nhìn vào cái cổng mái cong và mấy cái tháp. Điệp chỉ vào phía cổng mái cong gần nhất:
- Khu này là khu Liêu Trai của Nguyễn Hoạt. Đồng hoang chỗ thấp, chỗ cao bát ngát màu xanh, xám, giờ này chớ buổi chiều thì đúng là miền đất của hồ ly, ma qủi.
- Em lên xe, mình vào chỗ cái cổng kia tìm chỗ nghỉ chân – Nhân nói rồi đạp máy, cho xe đi chậm khoảng 300 mét thì quẹo vào con đường đất đỏ, hai bên đường là những bụi cây thấp. Nhân dừng lại trước cái cổng mái cong. Đó là khu nghĩa địa với những ngôi mộ xây. Ở phía dưới chừng 500 mét có một cái cổng mái cong nhỏ hơn.
Nhân dựng xe:
- Mình ngồi đây một lúc. Thật may, đi chơi lại gặp ngày nắng nhẹ, chớ ngày nắng gắt thì cái mũ không che kín hai má em đâu. Nhân lấy bình nước đưa cho Điệp. Hai người ngồi trên bực xi măng của cái cổng gạch mái cong.
- Khu này người Tàu mua làm nghĩa trang, nhưng họ không xây qui mô như nhiều nơi ở ngoại ô Sài Gòn – Nhân chỉ lên mấy chữ Hán ở Cổng: Anh đọc được hai chữ Triều Châu, chắc là nghĩa trang của Bang Triều Châu thuộc Biên Hòa.
Điệp ngả người tựa vào vai Nhân:
- Họ làm nghĩa trang theo từng Bang chớ không làm chung hả anh?
- Người Tàu ở Việt Nam có tổ chức chặt chẽ với những Bang Hội, qui tụ những người cùng tỉnh thành một Bang, như ở Sài Gòn anh thường nghe Bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu. Có lẽ dân ở mấy tỉnh này qua Việt Nam nhiều. Họ sống theo Bang để trợ giúp nhau và khi chết thì cùng nằm một chỗ, thành ra mỗi Bang có nghĩa trang riêng - Vừa nói Nhân vừa nắm tay Điệp để lên đầu gối mình.
Từ ngày Điệp tới nhà Nhân tới giờ, nàng đã tới 3 lần nữa, một lần đi với Dũng để ăn giỗ, và lần nào nàng cũng xin phép mẹ. Còn Dũng đã kể lại chuyện gặp Nhân ở Cát Bà và ở Quảng Yên mà theo Điệp nói thì bà vui vẻ, khen Nhân chững chạc và có chí. Còn Nhân và Điệp sau lần hẹn nhau ở Cà phê Gió Bấc thì hai người còn hẹn nhau nhiều lần nữa, nhưng chỉ loanh quanh ở trung tâm thành phố như đi Ciné, nghe nhạc, vào Sở Thú hay công viên Tao Đàn. Mới đây mượn được chiếc xe gắn máy Capri của người bạn thân, Nhân đã chở Điệp xuống Nhà Bè ăn ở nhà hàng bên sông. Hôm nay đi núi Châu Thới, đi tới vùng đất Liêu Trai của Nguyễn Hoạt và dự trù vài tuần nữa sẽ đi tới làng cù lao giữa sông Đồng Nai ở Biên Hòa. Thấy Điệp yên lặng, Nhân đặt tay vào trán vào cổ Điệp.
- Em có sao đâu – Nàng ngồi thẳng lại rồi nói: Buổi sáng mà ở đây vắng quá.
Nhân cười:
- Khu nghĩa địa, ai tới làm gì, ngoại trừ những người đi tìm hồ ly, ma quái.
- Buổi chiều, buổi tối ai dám vào đây?
- Có Bồ Tùng Linh, nếu ông ấy tái sinh ở Việt Nam.
Điệp cười rồi hỏi:
- Anh có nhớ bài thơ Cô Vọng Ngôn Chi gì đó của một nhà văn, viết cảm đề cho Liêu Trai Chí Dị?
- A, bài tứ tuyệt của Vương Ngư Dương, mỗi lần giở tập Liêu Trai của Đào Trinh Nhất đều đọc nên nhớ:
Cô vọng ngôn chi, vọng thính chi
Đậu bằng qua giá vũ như ti
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ
Ái độc thu phần quỷ xướng thi.
Nghĩa của 4 câu này:
Nói lời lảm nhảm, nghe lời lảm nhảm
Mưa như tơ trên giàn dưa, giàn đậu
Giọng đời đã chán không muốn nhắc tới nữa
Chỉ thích nghe quỷ dưới mồ mùa thu ngâm thơ.
Bài thơ hay nói lên được tâm sự của Bồ Tùng Linh qua Liêu Trai Chí Dị, đã có nhiều người dịch, nhưng anh chỉ nhớ bài của Tản Đà, có thể nhớ sai vài chữ vì lẫn bài nọ qua bài kia:
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lất phất hạt mưa rơi
Chuyện đời âu hẳn ta đà chán
Thơ thẩn nghe ma hát mấy lời.
Điệp nói:
- Như vậy chắc Vương và Bồ là hai bạn tâm giao.
- Không phải. Họ Vương đậu tiến sĩ, làm quan tới thượng thư và là nhà thơ, nhà văn. Còn họ Bồ chỉ dạy học ở tư gia và nghèo. Khi Vương làm quan ở Sơn Đông, quê của Bồ Tùng Linh, đọc Liêu Trai Chí Dị, khen và viết Liêu Trai đề từ gửi cho Bồ Tùng Linh – Nhân ngừng lại nhìn ra xa một lúc rồi nói: Cả một đời lận đận thi cử và nghèo, nhưng Bồ Tùng Linh đã giàu và phong lưu trong thế giới hồ ly, ma quỷ. Ông tung hoành múa bút trong thế giới này thành ra ông muốn lià thực để sống trong mộng:
Chuyện đời âu hẳn ta đà chán
Thơ thẩn nghe ma hát mấy lời.
- Bây giờ đi được chưa cô? Nhân nâng cằm, nhìn vào mắt Điệp hỏi, rồi đứng dậy cầm tay Điệp kéo lên, nhưng Điệp đã quàng tay qua cổ Nhân, đu người khi Nhân bước xuống mấy bực xi măng.
Con đường đi vào núi Châu Thới khoảng hơn một cây số, cũng đất đá, đầy cỏ nhưng rộng. Đến chân núi, Nhân dừng xe trước cổng đá, có mấy chữ: Châu Thới Sơn Tự bằng chữ Việt và chữ Hán, rồi nhìn lên những bậc đá của đường lên chùa với cây rợp bóng và cỏ mọc lan vào đá. Dắt xe đến một cây lớn, Nhân chỉ vào mấy tảng đá:
- Ngồi đây một lúc em ạ.
Điệp chỉ con đường lên chùa:
- Nhìn những tảng đá mòn với rêu phong kia có thể đoán tuổi của chùa Châu Thới.
- Thế em đoán bao nhiêu?
- Trên trăm năm.
Nhân lắc đầu:
- Em đoán thế thì chùa này còn mới quá. Theo tài liệu anh đọc nhân câu chuyện mình nói về vùng đất Liêu Trai của Nguyễn Hoạt và núi Châu Thới thì chùa Châu Thới được xây dựng từ cuối thế kỷ 17 và là một trong nhưng ngôi chùa cổ nổi tiếng của đất Gia Định ngày xưa. Núi cao trên 80 mét và con đường kia phải trên dưới 200 bậc. Đi bộ thì thú vị đấy…
- Em tưởng ở đây có đường cho xe hay có chỗ gửi xe.
- Anh cũng nghĩ thế, nhưng chỉ có con đường bậc đá kia. Có lẽ vào những ngày lễ như Phật Đản, Vu Lan hay Tết, người ta mới làm bãi giữ xe ở những khu đất dưới chân núi. Muốn viếng chùa thì phải đi vào mấy ngày lễ đó.
Điệp nói:
- Thôi để dịp khác, Sài Gòn tới đây đâu có bao xa. Hôm nay mình đi vòng dưới chân núi rồi tìm chỗ nào mát ngồi chơi anh ạ.
- Phải vậy thôi.
Nhân đạp máy xe, nhìn con đường đi vào phía trong vắng vẻ, cây cối rậm rạp như rừng, nên đi trở ra và vòng theo chân núi ở phía ngoài. Nhưng chỉ đi được khoảng hơn nửa cây số thì con đường đi vào khu rừng cao su, Nhân thầm nghĩ, phía ngoài này là rừng cao su thì không đi thêm nữa và cho xe đi vào giữa rừng phía gần chân núi. Gặp một vùng cỏ xanh dưới bóng mát của cây cao su, Nhân dừng lại một khu nhiều bóng râm.
- Ở đây có thể ngồi chơi được, mát mà có thể nhìn xa – chàng nói, rồi dựng xe cạnh một cây cao su lớn.
Sau khi lấy cái túi xách đựng đồ ăn, nước uống để trên tấm vải nhựa trải trên cỏ, Nhân đi quanh ra phía bờ ranh rừng cao su, vừa để vận động chân tay, vừa quan sát khu nhiều cây cối rậm rạp dưới chân núi. Khi trở lại, chàng thấy Điệp trong tà áo dài nâu, đang đi giữa những hàng cây. Lần đầu tiên nàng mặc áo dài nâu, nâu thẫm, còn lâu nay Nhân chỉ thấy nàng mặc áo màu xanh, màu trắng và vàng nhạt. Sáng nay thấy Điệp mặc áo nâu, Nhân nghĩ, đi chơi xa và lên chùa nên nàng mặc áo nâu, nhưng Điệp có biết đâu là áo dài nâu cổ thấp đã nâng khuôn cổ cao và làm nổi lên làn da trắng như ngó cần ở cổ và ở hai chỗ xẻ tà.
Khi đến gần thấy Nhân nhìn mình đăm đăm, Điệp đi nhanh, vừa ngả người vào Nhân, vừa nói: Quanh núi Châu Thới, chỗ nào cũng vắng quá.
- Núi xa làng thì lấy đâu ra người, ngoại trừ những người đi tìm Bồ Tùng Linh – Nhân cười, đỡ Điệp rồi cầm tay đi đến chỗ tấm vải nhựa:
- Lên chùa không được thì vào rừng. Bây giờ ăn, khoảng 1 giờ mình về.
Điệp ngồi xuống tấm vải nhựa:
- Sáng ăn phở còn no, anh cho em trái quít.
Nhân lấy trái quít, dùng con dao nhỏ bóc quanh phần trên rồi đưa cho Điệp.
Điệp hỏi:
- Anh ăn pâté chaud hay croissant?
- Anh cũng còn no, thôi theo em ăn quít.
Điệp cười, đưa trái quít đã bóc vỏ cho Nhân:
- Vậy anh ăn trái này, đưa em trái khác. Quít lớn quá, em ăn nửa trái thôi.
- Thế mỗi người một nửa, khỏi phải bóc thêm.
Ăn xong nửa trái quít, uống mấy hớp nước, Điệp ngồi tựa vào vai Nhân:
- Mẹ em và Dũng quí anh lắm đó. Nghe Dũng kể chuyện đi đáp cá, hái hồng ở Cát Bà và chuyện đi ăn bánh tôm, bún riêu ở Quảng Yên, bà bảo là sao ở Quảng Yên không cho bà đi theo.
Nhân nói:
- Như thế may cho chúng ta. Bà vui tính và phúc hậu, còn gặp những bà mẹ khó tính thì rất khó.
Từ thế tựa, Điệp xoay người nằm gối đầu lên đùi Nhân. Ánh mắt nồng nàn với đôi môi hồng đã kéo Nhân cúi xuống. Rừng cây im lặng như tờ, đây đó ánh nắng xuyên qua kẽ lá thành những vệt sáng trên cỏ. Nhân ngước đầu lên nhìn cổ Điệp và phần căng lên ở ngực, núm vú hằn lên dưới lớp vải nâu mỏng. Cái cổ áo lụa tròn biến mất ngày đi hái hồng ở Cát Bà đã theo Nhân suốt mấy năm, bây giờ hiện hình, chỉ cách mặt Nhân một gang tay. Chàng cúi xuống đặt môi mình lên hai phần căng ở ngực. Điệp vòng tay qua ngực kéo khuy áo. Mấy tiếng kêu nhẹ và phần áo ở ngực bung ra và Nhân đã tìm thấy chỗ biến mất theo cổ áo lụa ở Cát Bà. Nhân ngạt thở và ngước lên. Bụng Điệp mịn trắng lồ lộ trên phần vải ở đùi trong căng ra theo thế chân duỗi. Chàng cúi xuống, bỗng giật mình ngồi dậy với ý nghĩ xẹt qua đầu: Còn là học trò nghèo. Nhân không dám nhìn xuống dưới mà kéo lại vạt áo dài, cài lại khuy.
- Anh xin lỗi em.
Điệp nhìn Nhân một lúc, rồi ngồi dậy bật khóc. Nàng khóc nức nở, hai vai rung lên từng hồi.
- Đừng khóc nữa, anh xin lỗi em – Nhân nói như van xin, nhưng tiếng nói đã đưa tiếng khóc lên cao hơn.
Nhìn Điệp cúi đầu trên gối nức nở với quần áo xộc xệch, Nhân cũng bật khóc và chàng muốn lấy tiếng khóc để chuộc cái lỗi đã gây ra tình cảnh này, nên để cho nước mắt dàn dụa cho đến khi thấy vai Điệp thôi rung mới lấy khăn lau mặt. Nắm chiếc khăn ướt đẫm, Nhân ngồi yên lặng nhìn những hàng cây cao su và không dám nói vì sợ Điệp khóc nữa.
Chừng nửa giờ sau, Điệp đứng dậy nói:
- Cho em về.
Nhân gấp miếng vải nhựa để vào túi xách, quàng lên xe, rồi không biết nói điều gì nên lặng lẽ ngồi lên xe đạp máy. Trên đường về chàng dừng lại ở Thủ Đức để đổ săng và vào một tiệm kem để Điệp có chỗ lau mặt.
Đêm ấy Nhân nghĩ là chỉ một, hai ngày mọi chuyện sẽ qua và Điệp sẽ lại vui cười đón Nhân khi chàng đến đưa báo. Nhưng mấy buổi tối kế tiếp không có Điệp đón chờ. Rồi đêm thứ tư, Dũng đưa cho Nhân bức thư của Điệp. Nóng lòng muốn biết Điệp nói gì, Nhân đã dừng xe bên một cột điện, nghĩ là Điệp sẽ viết nhiều để bày tỏ nỗi lòng, nhưng không, cả một tờ giấy chỉ có mấy hàng:
Anh Nhân,
Em không ngờ anh lại như thế. Anh coi thường và xúc phạm em. Em ân hận và xin nói với anh một điều là chuyện của chúng ta kết thúc ở đây.
Vĩnh biệt anh.
Nhân
bỏ tờ giấy vào túi, rồi lảo đảo đạp xe đi. Trời
đêm gió mát, nhưng Nhân toát mồ hôi ướt áo. Chuyện
đến thế kia sao? Tình cảm trai gái, nếu là lỗi thì đâu
phải lỗi một người… Ánh mắt nồng nàn đắm đuối
của Điệp ngày gặp lại ở Quảng Yên, tiếng kêu “anh
Nhân” như reo lên khi gặp lại ở Phú Nhuận và tiếng
khóc giữa rừng cao su Châu Thới, tất cả đều là sự
biểu lộ tình cảm… Nhưng sao tình cảm ấy lại có thể
lấy kéo cắt như cắt sợi dây… Nhân không hiểu và mải
nghĩ nên quên rẽ vào con đường ấp Cả Trắc. Chàng
quay lại, đi vào con đường hai bên bờ tre tối tăm, từ
xa chỉ có những ánh đom đóm lập lòe.