Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NỖI BUỒN THƯỜNG DÂN




N gày rời quân ngũ trở về làm thường dân, thời còn trong cơ chế bao cấp, đến giờ hai đứa chúng tôi mới gặp lại, thoáng cái đã hết hai phần đời người.

Cuộc sống thường dân ngày ngày xô đẩy, dập vùi mưa nắng đã đành, tình người nông thôn phố thị càng xa, kẻ có tiền, có quyền thế chèn ép giật giành, ăn cướp vật chất cả ý tưởng sáng tạo của người một nắng hai sương. Thường dân thấp cổ bé họng nhọc nhằng cam chịu, lịch sử xưa nay chỉ khác nhau nền kinh tế còn lòng tham của con người thì hơn chứ làm gì bằng!.

“Nói có sách mách phải có chứng” chuyện buồn của người bạn thân xảy ra khá lâu, chuyện thật trăm phần trăm không chỉ có người dân trong Xã, trong Huyện biết mà cả Tỉnh thậm chí cả người trong Nước, ngoài Nước đều hay, báo chí làm rùm beng về anh nông dân Sáu Tiềm bị lấy mất đất, mất luôn ý tưởng sáng tạo biến đồi trọc thành khu sinh thái.

Mỗi lần thấy cái tên nông dân Sáu Tiềm xuất hiện trên Báo, trên TiVi trình bày bức xúc của mình, ai nấy đều thương. Thương vì năm này qua năm nọ, bỏ công ăn việc làm đi thưa, đi kiện kẻ có tiền chèn ép, kéo dài mười mấy năm trời người ta bàn ra tán vào chuyện đời “con kiến đi kiện củ khoai”.

Rót cho tôi ly rượu ngâm mấy con tắc kè chống bệnh nhứt xương, Sáu Tiềm buồn buồn nhìn xa xăm :

-Ông nâng ly để…chia…buồn.

Sáu Tiềm nhấc ly rượu mệt mỏi đưa lên mời, làm tôi cũng chẳng chút hứng thú gì cuộc hội ngộ. Tôi miễn cưỡng.

-Thôi cứ uống đi chuyện đâu sẽ ra đó.

Tôi nói để Sáu Tiềm bớt đi nỗi buồn hiện tại nhưng tôi biết vết thương lòng khó lành.


Mỗi đứa mỗi nơi cũng vì kinh tế khó khăn. Sáu Tiềm xin vào làm công nhân tổ máy nước sinh hoạt của xã, lương tháng vài trăm bạc không đủ để lo cơm áo cả một gia đình. Sáu Tiềm phải ra sông chài cá, thả câu, lưới cá kiếm thêm tiền chợ. Dòng sông Ông ghềnh thác hiền hoà, con nước hung dữ theo mùa, nghề chài lưới cá có khi cũng thất nghiệp.

Ngày cơ cực ấy đã nảy sinh sự khám phá thiên nhiên trong con người cần cù Sáu Tiềm. Ngồi châm điếu thuốc hút vài hơi cho đỡ lạnh, đặng lội tiếp vài con lạch nhỏ ném chài, thả lưới Sáu Tiềm thấy mình lọt thỏm dưới một thung lũng nơi hai con sông nhập có cái tên thân thiện Suối Thương chung quanh là núi đồi bao bọc. Nhìn về phía làng những ngôi nhà nhấp nhô treo quanh trên gò đất đồi trọc. Ngược dòng con sông Ông nước chảy bậc thang không bao giờ cạn như vài nhánh sông suối trên vùng đất trung du nắng thiêu quanh năm. Mấy mùa rẫy ăn nước trời, cây mì cây mía không bị rớt giá thì cũng bị cháy đen. Đói và đói...Sáu Tiềm mơ thấy một khu vườn rừng sinh thái hồi sinh trên vùng đất chết.

Nghĩ là làm, lính là vậy thời buổi đất hoang đồi trọc không một ai tranh giành, mà dân trong làng cũng chẳng có ai điên điên đi làm cái chuyện đội đá ngăn sông để dẫn con nước lên đồi. Sáu Tiềm mặc cho thiên hạ cười chê cứ âm thầm lao vô chặn dòng con nước. Bao nhiêu khối đá gom lại đóng thành rọ thả xuống sông giữa mùa khô hạn, đến mùa nước lũ lại bị cuốn trôi tuồn tuột. Không nản chí vì mục đích của mình, Sáu Tiềm đợi đến mùa khô thứ hai xây con đập kiên cố bằng pêtông. Nguồn vốn thiếu trước hụt sau phải đi khắp nơi vừa học hỏi vừa kêu gọi bạn bè người thân giúp sức. Mùa nước lũ thứ ba đã bị chinh phục tạo nên hồ chứa, cuối cùng thì con nước cũng chịu thua. Sáu Tiềm dắt con nước đi quanh khu đồi trọc làm ao lớn, ao nhỏ trên cao dưới thấp nuôi heo, thả cá, trồng cây lập vườn. Với ý tưởng tạo dựng một khu vườn sinh thái, Sáu Tiềm nuôi dưỡng các rừng cây tự nhiên lên cao xanh tốt bằng hệ thống nước tự chảy. Rồi cũng từ nguồn nước chinh phục này, Sáu Tiềm xây dựng nhà máy thuỷ điện thắp sáng cho cả khu vực dân cư chung quanh. Không dừng lại ở đó, Sáu Tiềm xây dựng luôn nhà máy sản xuất nước đá cây vận hành bằng sức nước. Sáu Tiềm thành lập Doanh nghiệp, hàng năm đóng thuế cho nhà nước cả trăm triệu đồng. Sáu Tiềm đương nhiên trở thành ông chủ, làm Giám đốc nghe ra oách thế chứ tối ngày phơi lưng cho nắng, bán mặt cho đất chỉnh tu cảnh vườn cho đẹp lên.

Báo Đài từ địa phương đến Trung ương nghe chuyện kỳ lạ kéo nhau về viết bài “ca ngơi”. Tiếng tăm đồn thổi có một nơi lý tưởng trên vùng đất quanh năm khô khốc, nắng thiêu vừa được tái sinh “Khu Du Lịch sinh thái Suối Tiềm”. Các Doanh Nghiệp…ông lớn đổ về chiêm ngưỡng, rồi cũng có kẻ tham lam chen vào, dựa người có thế quyền địa phương, núp bóng danh nghĩa Nhà nước lệnh thu hồi đất của Sáu Tiềm giao cho Công Ty Cổ Phần làm Dự Án Du Lịch sinh thái lớn hơn, to hơn hoành tráng hơn, trong lúc dân lao đông trung vùng không đủ nước uống, gạo ăn. Họ cũng ngăn dòng sông Ông làm nhà máy thuỷ điện để bán điện, mở nhà hàng, xây dựng khu nghỉ dưỡng để các đại gia có chỗ vui chơi.

Xoay đi xoay lại chắc chỉ có người nông dân mới thấu hiểu cơ cực đoạ đày của trời, của đất của kẻ giàu cậy tiền cậy thế bon chen xô đẩy số phận thường dân. Cán bộ Huyện, Tỉnh và cả Trung ương dường như không thấy, họ hết ra lệnh này đến lệnh nọ quyết thu hồi bằng được công trình của Sáu Tiềm. Có hôm họ cho Công An cùng đến ép gia đình Sáu Tiềm giao đất cho Doanh nghiệp. Vợ con Sáu Tiềm xót xa “ăn vạ” nằm bò lê lết ôm chân người khóc lóc, thế là bị “hốt” về đồn Công An để giáo dục vì không hiểu Pháp Luật.


Lâu nay tôi mải miết với căn chồi trên rừng, làm bạn với nương khoai rẫy bắp, chẳng ham hố chốn thị thành nên gặp cảnh ngộ này thấy mọi điều tréo ngoe cẳng ngỗng. Thương bạn, thương cho cái phận thường dân đồng loại.

Từ ngày ấy bộ mặt nông thôn tiến bộ, con người nông thôn vẫn lao đao chuyện công ăn việc làm. Người khám phá kiếm tìm làm tái sinh môi trường sống Suối Thương trên vùng đất quê hương đã bị ăn cướp bởi những kẻ đang có tiền và có quyền chung nhau làm kinh tế. Chắc gì họ nhớ câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trải qua “cuộc bể dâu” Sáu Tiềm đã ngoài năm mươi tuổi chịu không ít cay nghiệt, bệnh tật hoành hành vẫn còn viết đơn đi thưa kiện “con kiến kiện củ khoai” sẽ còn mãi mãi khi lòng tham con người đang có quyền thế và đồng bạc.

Dù có hiểu hết nỗi buồn của bạn. Đã là thường dân, tôi chỉ biết ngồi cùng bạn nâng ly rượu đắng./.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com