Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh “Thiếu Nữ Dâng Trà” của Lê Phổ










GIÓ NGÀN





3

Nghe tiếng nói: Nhà số 8 đây, Nhân bước ra cửa, vừa lúc Điệp và Dũng bước lên thềm. Nhân nắm tay Dũng: Năm ngoái Điệp ước được lên Quảng Yên thì nay điều ước đã thành. Câu nói đã giúp Nhân che bớt sự lúng túng trước cái nhìn của Điệp. Mới một năm mà Điệp đã thay đổi nhiều, cao lên với những đường nét mềm mại, thuôn thả, mặc dù Điệp vẫn mặc chiếc áo lụa cổ tròn.

Vừa ngồi xuống ghế, Điệp nói:

- Chỉ ở cách nhau khoảng 400 mét mà hai tuần không nhìn thấy nhau. Điệp ở trong nhà không nói làm gì, còn Dũng có mấy khi ở trong nhà.

Nhân cười nói:

- Dũng ở ngoài sân, nên chiều qua tôi mới nhìn thấy. Gần thế chớ cũng khó gặp, vì tôi ở phía sau và từ đầu phố Hoàng Hoa Thám có thể băng qua sân vận động để ra phố chợ mà không cần đi ngang qua phố Lê Lợi trước dinh. Vậy mà gặp được nhau cũng là nhanh rồi.

Điệp mở cái xách lấy ra 1 hộp bánh Petit Beure và 1 cuốn sách để lên bàn:

- Từ Hà Nội xuống mà đi như chạy loạn, nên Điệp không kịp mua cho anh quà Hà Nội. Em và Dũng đem cho anh hộp bánh và cuốn truyện.

- Cám ơn Điệp và Dũng, chạy loạn mà vẫn nhớ đến bạn. Nhân nhìn bìa tập truyện, rồi nói:

- Cuốn Nắng Đào của Nguyễn Xuân Huy, tôi đã đọc bài phê bình trong báo từ lâu, nhưng nhà sách ở đây không có.

- Còn Điệp thì có người bạn giới thiệu, đọc thấy hay nên mua thêm một cuốn dành cho anh - Điệp nói rồi hỏi:

- Chỉ có một mình anh ở nhà thôi ư?

- Có hai em, chúng nó đang chơi với chị người làm ở phía sau. Còn mẹ tôi bán hàng ở chợ, mãi đến tối mới về. Ba tôi đã về Quảng Yên, nhưng đã đi làm từ sáng. Nghe Dũng nói ông Bang đã về Quảng Yên từ tháng trước.

- Sau Hiệp Định Đình Chiến, ba Điệp lên Hà Nội đón gia đình xuống đây.

- Hà Nội như thế nào mà Điệp nói là chạy loạn?

- Người ta hoảng sợ, bỏ nhà cửa, lũ lượt chạy xuống Hải Phòng để di cư vào Nam. Gia đình Điệp cũng bỏ nhà chạy như thế.

- Hiệp Định có ấn định thời gian cho từng tỉnh. Hà Nội thì Việt Minh được tiếp thu sớm, nên dân Hà Nội phải chạy. Quảng Yên thì còn thời gian. Bây giờ người ta gặp nhau chỉ để nói chuyện đi chuyện ở với nhiều lo lắng tương lai.

Nhân đứng dậy tới kệ sách lấy ra cả chục cuốn để xuống bàn:

- Có mấy bộ kiếm hiệp hay, tôi tặng Điệp bộ Giao Trì Hiệp Nữ, còn Dũng bộ Nhất Chi Mai – Rồi chỉ lên mấy kệ sách: Trên này hầu hết là truyện kiếm hiệp, trinh thám và tiểu thuyết. Điệp và Dũng cần đọc cứ qua lấy.

Thấy Điệp và Dũng xếp gọn bộ truyện cầm trong tay, Nhân nói:

- Cứ để truyện lại đây, lúc về sẽ lấy, bây giờ mình đi ăn sáng. Năm ngoái ở Cát Bà, Điệp và Dũng cho tôi ăn nhiều thứ: mì, bánh bao, phẳn, cháo gà ở mấy hiệu Tàu. Hôm nay đến phiên tôi mời lại, Quảng Yên có nhiều thứ như mì, phở, xôi, bánh bao, bánh tôm và bún riêu cua đồng…, Điệp và Dũng chọn thứ gì, tùy ý.

- Điệp ăn bánh tôm.

Dũng lưỡng lự một lát rồi nói:

- Em ăn bún riêu.

Nhân cười:

- Bánh tôm và bún riêu đều là món đặc biệt của Quảng Yên. Bây giờ chúng ta tới một quán có cả hai thứ đó.

Nhân ra sau, đóng cửa lại, dẫn hai người đi hết phố Hoàng Hoa Thám, rồi đi dọc phố Lê Lợi bên Sân Vận Động.

Dũng chỉ sân vận động:

- Sân rộng và có tường đẹp thế mà như bỏ hoang.

- Sân này dài hơn cây số, chiều rộng cũng tới 7 hay 800 mét. Do chiến tranh không được tu sửa, nhưng vẫn đẹp, vì có nhiều loại cây như phượng vĩ, đại và bàng.

Dũng nói:

- Chiều nay em đãi anh và chị Điệp thạch găng ở quán Cây Bàng.

Điệp cười, nói:

- Không biết thạch găng quán Cây Bàng ngon thế nào mà từ chiều qua Dũng nói mãi về cái quán này.

- Quán lụp sụp, nhưng món thạch găng thì ngon. Chiều tới sẽ biết – Nhân nói, rồi ra dấu cho Điệp rẽ vào một cái cổng gỗ đầy hoa giấy màu tím. Quán ở trong sân, ngay cổng một ngôi nhà gạch lớn kiểu cổ. Nhìn thấy Nhân, bà chủ quán nói:

- Cậu Nhân hôm nay lại có bạn nữa.

- Thưa bà, bạn cháu từ Hà Nội xuống đấy ạ.

Nhân ngồi xuống chiếc bàn ở ngoài sân, rồi nói:

- Bà cho hai đĩa bánh tôm, mỗi đĩa 3 cái, và một bát bún riêu.

Điệp nói lại:

- Bà cho 1 đĩa 2 cái thôi.

Dũng lưỡng lự, rồi nói với Nhân:

- Em đổi, anh cho em bánh tôm luôn.

Nhân hướng về phía bà chủ quán:

- Chú em tôi đổi ý bỏ bún riêu, lấy bánh tôm. Bà cho thêm một đĩa bánh tôm. Khi bà quán đem bánh đến, Nhân cắt bánh cho Điệp và Dũng. Đẩy đĩa bánh đến trước Dũng, Nhân nói:

- Ngày khác mình sẽ ăn bún riêu, xem bún riêu Quảng Yên hơn thua bún riêu Hà Nội ra sao.

Trong khi ăn kẹo chè lam và uống nước chè tươi, Điệp nói:

- Về Hà Nội sau kỳ nghỉ hè năm ngoái, Điệp và Dũng cứ nhắc lại việc anh dẫn đi thả thuyền, đi đáp cá, đi vào làng mua hồng, và những lần đi trên con đường đá sát biển từ Bang vào làng chài, đường dài trên cây số mà nước đập vào những khe đá, bắn tung tóe lên chân, lên quần và nao nức nghĩ đến hè năm nay… Thế là vĩnh biệt Cát Bà. Nhân nói:

- Không ra Cát Bà thì xuống Quảng Yên. Ở đây cũng có nhiều chỗ, nhiều thứ đặc biệt, chẳng hạn đê sông Chanh, buổi chiều trong những ngày nắng đẹp có thể nhìn thấy những ngọn núi của Vịnh Hạ Long. Làng La Khê có nhãn, hạt nhỏ như hạt bắp. Làng Quỳnh Lâu có những đồi ổi, từ dưới đồi đã dậy mùi thơm. Có hai rạp ciné là Lido và Majestic. Có phở Bạch Đằng, kem Á Đông, và gần chúng ta hơn là một gia đình chuyên làm bánh dầy, bánh giò và bánh khoai sọ có tiếng. Có thể đêm nay Điệp và Dũng sẽ nghe tiếng rao: Bánh dầy, bánh giò… bánh khoai… Đó là tiếng rao của cụ Nhâm đẩy xe đi bán ba thứ bánh đã gần 40 năm.

- Hè năm ngoái đi với anh, Điệp mới biết nhiều nơi đẹp và những thú vui ở Cát Bà, còn trước đó chỉ biết khu bãi biển trước Bang, khu phố chợ và những ngọn núi giữa biển.

- Tôi đi chơi với mấy người bạn ở làng chài nên mới biết được nhiều nơi. Bây giờ ở Quảng Yên, tôi lại làm hướng đạo.

4

Ciné Majestic đã đầy người khi Nhân, Điệp và Dũng tới. Người dẫn ghế đưa 3 người tới khoảng giữa, chỉ vào 3 ghế trống, Dũng vào trước, đến Điệp rồi Nhân. Chương trình đang chiếu phim phụ. Chợt nhớ mấy gói lạc rang mua của ông già Tàu khi Điệp và Dũng vào mua vé, Nhân đưa cho Điệp và Dũng mỗi người một gói. Gần 2 tuần, sau khi Nhân gặp lại Điệp, ngày hôm qua chị em Điệp tới Nhân cho biết là gia đình Điệp sẽ qua Hải Phòng để đi vào Sài Gòn bằng máy bay. Chuyện di cư vào Nam là chuyện người ta nói hàng ngày sau Hiệp Định Đình Chiến Geneve, và qua báo chí, Nhân biết là Hiệp Định Geneve đã chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, phía bắc tỉnh Quảng Trị. Chính phủ Quốc Gia Bảo Đại và Pháp được phần lãnh thổ từ phía nam vĩ tuyến 17 trở vào nam. Còn chính phủ Việt Minh được phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở ra bắc. Theo Hiệp Định, các tỉnh phía Bắc và phía Nam đều có thời gian ấn định để quân và dân chúng ở hai miền có thời gian chuẩn bị vào Nam hay ra Bắc theo ý muốn. Với miền Bắc thì Hải Phòng là địa điểm tập trung quân và dân và cũng là địa điểm cuối cùng để người dân tới và đi vào Nam bằng tàu thủy hay máy bay.

Việc gia đình Điệp xuống Quảng Yên để di cư là chuyện Nhân đã biết, nhưng không ngờ lại đi sớm như thế. Khi gặp Điệp và biết chuyện, Nhân nghĩ là gia đình Điệp sẽ ở lại Quảng Yên lâu, vì thời gian ấn định còn tới bốn tháng và nghĩ thầm là biết đâu hai gia đình sẽ cùng đi trên một chiếc tàu.

Chương trình đã đi vào phim chính. Đó là một phim Cao Bồi miền viễn tây Hoa Kỳ. Nhìn lên màn ảnh, nhưng Nhân không để ý gì đến phim mà chỉ nghĩ đến ngày Điệp vào Nam và sẽ không cách nào gặp lại. Năm ngoái ở Cát Bà, hơn một tháng biết Điệp đã đem đến cho Nhân một cái nhớ và một niềm vui khi nhìn thấy Điệp. Những lúc ấy nhìn ánh mắt Điệp, Nhân cảm được là Điệp cũng ở tâm trạng như mình, nhưng chỉ có thế. Và hàng ngày nguồn vui sẽ kéo dài trong một buổi thả thuyền, một buổi đi vào thôn xa, một buổi đi ăn mì ở phố chợ, bên bờ vách đá nước xanh của biển. Điệp về Hà Nội một năm Nhân không biết tin, cả hai trong ngày từ giã không có lời hẹn, tuy vậy Nhân vẫn nghĩ là tới hè sẽ gặp lại. Hè là một lời hẹn. Nhưng lần này thì muốn hẹn cũng không được, vì người đi trước, người đi sau, đều không biết mình sẽ tới đâu. Vì thế Nhân nghĩ lần này là lần gặp cuối cùng của người mới lớn đi vào vòng hệ lụy.

Nhân tựa đầu vào nệm ghế, đặt cánh tay sát cánh tay Điệp. Hai đầu gần nhau. Người Điệp toát ra một mùi thơm, mùi hương Nhân đã gặp theo làn gió biển khi ngồi với Điệp trên một tảng đá hay đi trên đường ven biển. Nhân nhìn ngang và bắt gặp ánh mắt Điệp. Trong bóng tối của màn ảnh trong đêm trăng mờ, ẩn hiện đàn ngựa đi dưới chân đồi. Điệp ngồi thẳng và mùi hương vẫn phảng phất. Một nỗi sợ cùng với sự khao khát bỗng dâng lên đưa bàn tay Nhân nắm lấy bàn tay Điệp và cảm thấy bàn tay Điệp ấm lên trong tay mình theo nhịp đập của tim. Nhân buông tay Điệp khi ánh sáng bừng lên trên màn ảnh. Điệp cúi xuống lâu. Khi màn ảnh đi vào bóng đêm, Điệp ngồi thẳng lên, nắm bàn tay Nhân một lúc và để lại trong tay Nhân chiếc khăn tay. Nhân bỏ chiếc khăn tay gấp nhỏ vào túi, rồi tìm bàn tay Điệp và hai bàn tay không rời nhau nữa.

Trên màn ảnh trận chiến giữa hai phe trải rộng trên một cánh đồng mênh mông với những dẫy đồi thấp. Ngựa phi từng lớp băng qua cánh đồng, tiếng súng và những kỵ mã trúng đạn, thân bật về phía sau. Qua trang phục và phụ đề, Nhân hiểu đây là một trận chiến giữa một bộ tộc Da Đỏ và những người da trắng trên đường lấn chiếm.

Nhân nhắm mắt lại nghĩ đến dụng ý của Điệp trong việc mời Nhân đi ciné và khi đi vào cửa Điệp đã đi giữa Dũng và Nhân. Hôm nay, lần đầu tiên Nhân thấy Điệp mặc áo dài lụa màu mỡ gà. Tà áo vàng nhạt vời quần trắng mỏng đã biến Điệp thành một giải lụa mềm khi bước nhẹ trên hè đường và Nhân đã ngẩn ngơ bên mái tóc xõa trên giải lụa ấy. Còn những ngày ở Cát Bà và tuần vừa qua đi đâu cũng chiếc áo cánh cổ tròn. Trưa nay hai chị em qua Nhân sớm và Điệp đã nói với Nhân là cho Điệp đi qua một con đường đẹp nhất Quảng Yên để nhớ một thành phố chỉ đến được một lần. Nghe thế, Nhân bảo Quảng Yên có mấy con đường đẹp, theo cảm quan của mình, nhưng không thể nói con đường nào là đường đẹp nhất, vì mỗi đường có cảnh sắc và nét riêng của nó. Chẳng hạn con đường đê ở Bến Ngự, đi về phía phố Khê Chanh, quanh bước đi là sông, ao đầm, còn phía xa tít mù tắp là những dãy núi của Vịnh Hạ Long. Con đường đó Điệp đã đi và khen là đẹp. Con đường thứ nhì, Điệp cũng đã đi và khen là đường Lam Sơn, chạy dọc một bên Sân Vận Động, nhà nào cũng cổng xây theo lối cổ với bờ tre, dậu dâm bụt, và trong sân nhiều nhà có hàng chục gốc hồng, hoa nở quanh năm. Và trưa nay Nhân đã dẫn hai chị em Điệp đi qua con phố Yết Kiêu, đường dài khoảng hơn cây số, hai bên đường có những ngôi nhà cổ, nhà mới xây và cả những nhà lợp tranh, nhưng nhà nào cũng có dàn hoa giấy đỏ tím lan theo bờ tường hoặc bờ dậu. Cạnh đó là những cái ao nhỏ nuôi bèo và thả rau muống. Đi hết con đường sẽ vào giữa phố Độc Lập, con phố thương mại, trung tâm thị tứ của thành phố. Khi ngồi ăn kem ở Á Đông để chờ tới giờ vào Ciné, Điệp nói là trong ba đường Điệp đã đi thì đường hôm nay đẹp nhất.

Nhân cười hỏi:

- Đẹp nhất, tại sao?

- Con phố yên tĩnh, đơn sơ mà đậm đà. Điệp chưa thấy ở đâu nhiều hoa giấy như ở phố Yết Kiêu, hai bên đường như hai tường hoa tím thẫm.

Nhân gật đầu:

- Mấy năm ở Quảng Yên, khi nào ra phố Độc Lập tôi cũng đi theo phố Yết Kiêu và nhận ra rằng từ sự ồn ào, người xe và bụi bặm của Độc Lập mà rẽ vào Yết Kiêu sẽ thấy nhẹ người.

Qua mấy lời yên tĩnh, đơn sơ mà đậm đà, Nhân chợt nghĩ đến chiếc áo cánh lụa Điệp thường mặc. Lâu nay Nhân cảm một điều gì đó, nhưng không nghĩ ra thì hôm nay Điệp đã nói lên thành lời. Cảm nghĩ ấy đã dấy lên trong lần đi với chị em Điệp vào một thôn sâu trong đảo mua hồng. Dũng chạy tung tăng từ cây này qua cây kia, hình như cậu ấy không biết dừng ở đâu vì cây nào cũng trĩu quả. Còn Nhân ở trên cây hái hồng đưa xuống cho Điệp, và lúc ấy mỗi lần Điệp giơ tay đỡ túi hồng, Nhân chỉ nhìn thấy đôi mắt đen sắc và cái cổ áo tròn bọc khuôn cổ Điệp, và rồi cái cổ áo cũng biến mất chỉ còn cái cổ và đôi vai.

Bây giờ không như ở Cát Bà, người trên cây kẻ dưới đất, mà tay trong tay, nhưng Nhân lại cảm thấy bâng khuâng lo sợ. Gặp lại sau một năm, Điệp tặng cuốn Nắng Đào, có ý nghĩa sâu đậm hơn là Nhân tặng lại bộ Giao Trì Hiệp Nữ, vì mỗi trang Nắng Đào đượm tình, còn Giao Trì Hiệp Nữ chỉ là những trang giấy mua vui, tiêu khiển. Tặng rồi mới nhận ra là với Điệp, Nhân đã hiểu sau và đi sau.

Nhân buông bàn tay Điệp khi trên màn ảnh bừng lên với đoàn kỵ mã đi thành hàng bên rừng, còn phía sau là ánh lửa dài cả cây số của ngôi làng bị đốt.

  .... CÒN TIẾP .... .





| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com