Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








CON MỌT SÁCH 




X e đi trên Quốc lộ 2A từ Hà Giang về Hưng Yên thay đổi hành trình từng giờ. Vừa được báo: thông đường lại phải quay trở lại! Mới phân luồng đi theo hướng này lại yêu cầu phải đi lối khác! Tất cả các cầu dọc đường về: Vĩnh Tuy, Việt Trì, Cầu Đuống, cầu Long Biên đều đã dính bom.Tất cả các bến phà lớn: Bình Ca, Trung Hà, Phà Đen, Yên Lệnh đều bị oanh tạc suốt ngày đêm. Đường xá bị cầy xới. Xe ca không vượt nổi phải dùng “zin ba cầu” chở khách mới bò qua được những cung đường bị chặt băm thành từng khúc.         

Hơn một tuần, ngày vạ vật, tối bó gối thu lu trên xe. Đêm tối mà xe chỉ đi bằng đèn gầm, Không ai nhìn được phía trước, Hơi người, hơi thức ăn đã qua dạ dầy tạo thành cái mùi “Xe chở lợn” ngột ngạt… Kể ra vẫn còn may mắn hơn bao người còn đang phải ăn chực nằm chờ…           

Xuống bến sơ tán cạnh Chùa Phố Hiến Anh giáo thấy người nhẹ nhõm. Mới năm giờ sáng mà trời mùa hè của quê nhà đã chan hòa ánh sáng. Không khí như vừa được gột rửa:

Hai dòng sông hợp lưu
Bồi nên miền đất lạ
Doi đất hình chiếc lá
Thơm hương vị nhãn lồng


(Ngõ quê – Đồ Cóc)      

Phố Hiến cách trung tâm Thị xã Hưng Yên chừng 2 cây số. Vành đai xanh các xã Hiến Nam, Quảng Châu, Tân Hưng là khu vực sơ tán của các cơ quan trong thành phố. Nhãn rợp bóng đường đi. Nhãn phủ kín triền đê. Nhãn che khuất các mái đình, Tam quan chùa, nhà cửa, đường thôn, ngõ xóm…Mọi sinh hoạt diễn ra dưới tán lá nhãn xanh rì. Bên cạnh màu phòng không, màu vàng của mũ rơm vẫn có những tà áo hoa, áo trắng. Giữa lúc “chiến tranh phá hoại” đang ác liệt khắp nơi mà dưới bóng nhãn nơi đây, cuộc sống không thiếu vẻ thanh bình.                 

Thấy cửa hàng “Mậu dịch quốc doanh” sơ tán về chùa Phố Hiến mở cửa. Hắn rẽ vào định mua mấy thứ làm quà. Hai cân chè Pó Đướt Thống Nguyên và một bình-tông mật ong đã bị Công an, Thuế vụ, Kiểm lâm, tịch thu hết ở bến phà Bình Ca. Đang ngơ ngác, ngó nghiêng hắn giật mình:

-  A…n…h…! Anh vừa xuống xe?

Hắn chững người xem ai gọi.  

-  Anh đi đường có mệt lắm không? Vào chỗ em nghỉ đã!    

“Một người con gái đẹp! lại có nét quen thân. Hắn chưa nhận ra nên hỏi lại:

-   Sao em cũng ở đây?

-  Em làm kế toán của cửa hàng. Em biết anh đi nhận công tác ở Hà Giang qua thằng Bùi Thế Vinh nhưng không có địa chỉ liên lạc! Anh về nghỉ hè phải không? Hắn nhớ ra: Nguyễn Thị Tính người làng Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân thi.

- Tính thay đổi nhiều quá! Làm cán bộ thương nghiệp có khác!  

-  Bố em xin cho vào làm kế toán hai năm nay rồi!  

-  Gia đình các cụ, các em có khỏe không?  

-  Gia đình em vẫn nhắc tới anh! Đưa ba lô đây ! Vào phòng em đã! Nó kéo ba lô đặt xuống giường:  

-  Ở vùng cao về có đem được ít “cơm đen” nào không mà ba lô lép thế?!

-  Mấy cân chè và tí mật ong còn bị thu. Làm sao mà vận chuyển được cái thứ cơm đen, gạo trắng!

-  Em đùa cho vui chứ lạ gì tính anh! Thôi! Anh đi tắm giặt đi! Có nước máy và xà phòng thơm đấy!     

“Hình như nó phát hiện ra cái mùi “đường trường” tỏa ra từ chàng trai ngố rừng thì phải?” Hắn ngượng ngùng nên chỉ rửa mặt, chân tay và lấy bộ “mốt” đang thịnh hành thời chiến  ra thay.

- Anh kiếm đâu ra bộ cánh đẹp thế?  

-  Của thằng Duyên cùng học lớp 10B với anh, cùng xã với em đấy! Đỗ Y khoa nhưng phải lên đường nhập ngũ, trước khi đi B nó gửi tặng cho mình.              

Hắn dè dặt ngồi nhìn cái phòng ở của cô kế toán. Ngăn nắp, gọn gàng, có quạt máy, đèn điện, bàn tính, sổ sách và Những chiếc áo cánh đủ mốt treo trên mắc phía sau cái xe đạp nữ sơn màu đồng thau. Hắn nghĩ tới các cô giáo vùng cao…Cả bốn mùa chỉ mặc một màu chàm! Suốt đời “Mũi ngửi đầu gối”…          

Chúng biết nhau qua thằng Bùi Thế  Vinh, người Hồ Tùng Mậu Ân Thi cùng học cấp III thị xã Hưng Yên, cùng trọ ở Dốc đê An Vũ với hắn. Khi ấy Tính mới học cấp II trường xã. Bạn bè thường đi bộ 7-8 km đến nhà nhau chơi trong những ngày nghỉ hè. Con bạn đẹp nhất trong số các bạn gái của hắn, nhưng hắn chưa bao giờ mơ ước…Chưa khi nào để ngỏ một góc tâm hồn riêng cho nó. Thời còn học cũng như ra công tác một năm rồi mà hắn chẳng có một lá thư tình. Mấy đứa bạn thỉnh thoảng vẫn đến thăm nhà hắn, xin địa chỉ, gửi thư nhưng cũng chỉ là những lá thư hỏi thăm xã giao rồi thôi. Hắn chỉ để tâm tới chuyện học hành. Bọn cùng trang lứa gắn cho hắn cái biệt danh: “Con mọt sách”. Hắn không giận mà vẫn tiếp tục làm điều hắn yêu thích.                  

Tính đưa hắn sang hàng bún thang bên cạnh. Nhìn bát bún thơm ngon (món đặc sản của Hưng Yên) hắn lại nghĩ về mẹ và các em ngồi bên nồi cơm độn rau muống cục ở nhà mà không nuốt được.  

-  Anh ăn đi! Sắp đến giờ cao điểm rồi. (8h sáng - 5h chiều theo nhịp sống thời chiến tranh phá hoại)        

Tính lấy xe đạp đưa hắn về.       

Trên đường đi nó mới bảo:  

-  Em đã chuẩn bị quà biếu Bố, Mẹ, cho các em…! Hắn bối rối: “Con mọt sách bây giờ lại trở thành chú nai rừng ngơ ngác mất rồi”!


 



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com