Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










SÁNG THÁNG TƯ





S áng tháng Tư, nhiệt tâm hữu tình với anh em, chú bác ngoài quán cà phê. Cái bàn tròn ngoài sân với mấy chiếc ghế nhôm của tiệm Lee's Sandwiches. Có gió tháng Tư thổi về từ quê xa, mang theo những câu chuyện lòng nghe như cổ tích, - thật gần như những giấc mơ. "Mùa này nha, quê tôi cày ải...mưa đầu mùa, đêm đi soi ếch biết mê…"  Người kia nhớ biển như nhớ người yêu, ngồi thèm con mực một nắng của biển Nha Trang ngọt lừ đêm qua mộng mị. Ông già Nam bộ từ dáng ngồi rút chân mùa nước nổi, thèm miếng khô sặc trộn nhống với dưa leo, chuối chát, khế chua, rau mùi… đưa cay sau chung rượu đế. "Ngậm mà nghe vậy nghen!"  Ông già "từ bên này sông Tiền/ qua bên kia sông Hậu/ mang theo chiếc độc huyền/ điệu thơ Lục Vân Tiên…" thời dọc ngang sông nước miền Tây nghe như huyền sử. Ông già, "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả", kể tới chuyện thời Tây thời Nhật. Hình như chẳng ai nghe vì mỗi khi ông hỏi, "biết không?" Nửa đám hậu bối ngớ ra, chuyện thời Tây thời Nhật thì hơi đâu mà biết trong lớp người trôi dạt muôn phương từ tấm bé. Nửa đám tóc hai màu, còn mê bấm điện thoại càng chưng hửng như trên trời rơi xuống. Không biết bác Hai, ông Ba đang nói chuyện gì…   

Mấy người già háp như trái chín héo, chắc là lính ngày xưa. Quay qua rầy tụi nhỏ không biết gì hết! Nhưng khi bác Hai, ông Ba phân trần với quý ông, thì quý ông cũng không thông cho lắm! Những quý ông chào đời trên lưng cha cõng mẹ bồng chạy giặc thời Tây thời Nhật, lớn lên dìm đời trong cuộc nam-bắc phân tranh… hoa dừa thơm mùi thuốc súng, chuông chùa sứt mẻ đạn bom, nhà thờ loang lổ vì pháo kích thì biết.    

Đám trẻ con lạc bụi quên giàn, tìm vui trên iPhone, iPad qua ngày đoạn tháng. Đi học ư, đến trường ngang xương ở tuổi mười lăm hai mươi khi đến đây đâu phải dễ, làm sao hội nhập. Tài chánh gia đình và nghị lực bản thân như bức tường cao hơn ý chí. Đi làm dễ hơn, ngồi quán dễ nhất. Thì thôi, cỏ dại sống theo mùa. Người ta dở sống dở chết theo dòng lịch sử sang trang.    

Bữa nào rảnh rỗi ra quán, hầu như cũng vậy. Thỉnh thoảng lại nghe một người hết buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người. Chết già, chết bệnh, chết tự tử khi tuổi đời chưa cao mà đường đời đã tận. Nghe lòng mình buồn vui không rõ. Nếu ngày mai chưa sống của một đời người mà đã biết trước không có gì khác hơn hôm nay, thì người ấy chết hôm qua cũng không khác gì ngày mai. Đứa con nít của đầu thế kỷ trước, sống sót qua mấy cuộc chiến tranh, thành đứa con nít sống lâu năm. Vô ưu tùy người, vô tâm tùy tính. Cóc chết ba năm quay đầu về núi.   

Cái xe chạy ngang, mở toang kiếng cửa nên nghe văng vẳng, "Tin buồn, từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người..." nên những tin buồn còn lại trong đời từ từ đến. Ngồi nghe Hội đoàn chơi nhau, chủ tiệm phá nhau, con bé bỏ nhà đi đâu không biết, thằng nhóc bị cảnh sát vịn đêm qua vì lái xe không có bảo hiểm. Băng nhập nha xui xẻo, kẻ cắp gặp bà già… Sáng tháng Tư, tháng tưởng niệm đã gắn vào lịch sử từ ba mươi lăm năm qua. Đã mấy thế hệ mang thân phận người lưu vong. Bao nhiêu phần trăm thành đạt trên xứ người? Và bao nhiêu người thành đạt chỉ ở cách cửa nhà hàng xóm vài bước chân như người nghèo trong apartment. "Khu nhà càng giàu có, cánh cửa nhà hàng xóm càng xa." Người đồng hương đi bỏ Menu hay triết gia lưu vong mà thông kim bác cổ. Ông nói tiếp, "Hôm đi bỏ Menu trong apartment thì kiếm được 50 đô la, vì xoay người một vòng là có ba, bốn cánh cửa khác số nhà. Bỏ được ba, bốn tờ Menu. Nhưng không được bỏ ở apartment hoài vì chủ nhà hàng, tiệm tóc, tiệm nail không tin người nghèo có khả năng bằng người giàu. Nhưng đi bỏ Menu trong khu nhà giàu thì mỗi ngày còn có 35 đô la, vì cánh cửa nhà giàu cách nhau xa hơn nhà nghèo. Càng giàu càng xa. Giàu vừa, một block đường có mươi căn nhà. Giàu dữ, một block đường còn có 4, 5 căn…  Giàu xụ, mua riêng cho mình một cái đảo, không bị mấy thằng bỏ Menu, quảng cáo dán băng keo, cột dây thun lên những cánh cửa không bao giờ mở."    

Nắng lên, các cụ mệt sớm về sớm, tới giờ qúy ông kể chuyện Sư đoàn, Binh chủng, hào khí ngất trời, đánh đâu thắng đó. Người nghe bán tín bán ghi. Ông nọ có bạn là sĩ quan mới ra trường chứ không phải ông, về nhận đơn vị, gặp lính già không nể mặt. Họ bỏ đi chơi ba ngày thì khi về ông đá cho ba đá, hộc cơm. Coi thằng nào còn coi thường sĩ quan?   

Bàn bên kia chắc lính chứ không phải quan nên chuyện ngụ ngôn rôm rả. "Thằng bạn tui bị ông thầy nó đá ba đá, hộc cơm. May mà không chết hay tàn phế. Nhưng quản giáo trong trại tù cải tạo, đá ổng có một đá đã gãy xương sườn. Chưa tới sáu mươi đã phải chống gậy. Thiệt là tội nghiệp…"    

Tiệm cà phê bánh mì Lee's Sandwiches nơi tôi ở, như một xã hội thu nhỏ của người Việt lưu vong. Cảm giác thích đến ngồi trong tiếng ồn đầu hẻm, cuối phố nơi Sài Gòn trong niềm thương nỗi nhớ. Tôi đã quên đi những điều đã nghe, những gì đã thấy, trong tiếng hát ngọt lùi của ông già lau dọn khu thương xá này, "…ghe chiếu Cà Mau cặm sào ngã Bảy, mà cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra chào… chiếu này tôi chẳng bán đâu/ tìm em không gặp tui gối đầu mỗi đêm…" Như người tha phương nhớ về Sài Gòn, gối đầu lên kỷ niệm đến đêm cuối đời viễn xứ xa xôi… 

………………………………………………………………   

Hương Rừng Cà mau  

Trong khói sông mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả,
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi, đốt lữa giữa rừng thiêng...
Muỗi, vắt nhiều như cỏ,
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn,
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút...,
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút
Điệu Hò... ơ theo nước chảy, chan hoà
năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thở
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê... 

      

  Sơn Nam 

Tin buồn, từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…
      

 Trịnh Công Sơn .






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com