THỜI HOA MỘNG
T hị xã Tân Thanh nhỏ và đẹp. Nó nằm sát biển, cạnh một đồng bằng rộng, màu mỡ. Tôi đã sống ở đó ngoài hai năm. Sau này được ở nhiều nơi, nhưng không đâu tôi yêu thích bằng Tân Thanh. Đây là nơi tôi có những người bạn thân nhất, có nhiều kỷ niệm khó quên, và có Duyên.
Năm 1970 từ trường Sư phạm ra tôi được bổ về dạy tại một vùng heo hút cách quê tôi trăm rưỡi cây số, cách Tân Thanh mười sáu cây số. Dù xa như vậy, tuần nào tôi cũng có mặt ở thị xã một hai ngày, bởi tôi ghiền xi-nê, phở, và lũ bạn vui nhộn. Ban đầu, nhờ sợi dây thơ văn tôi quen Bạch Hải, anh Duyên. Qua Hải tôi nhanh chóng thân thiết nhóm văn nghệ sĩ của thị xã.
Tôi hòa nhập vào gia đình Hải khá êm xuôi. Nhà này có máu văn nghệ, ai cũng thích đọc sách báo. Ông bà Mạnh (cha mẹ Hải) là độc giả lâu năm của các báo khoa học kỹ thuật, thể thao. Duyên mua Phụ nữ, Thời mới. Còn Thu Tâm – em Duyên – mua một lúc ba bốn tờ, gồm cả văn nghệ, văn hóa và sân khấu. Thu Tâm còn đi học, sắp thi tú tài, rất yêu thơ. Cô bé mến phục tôi, ngưỡng mộ cái Thi đoàn vang danh La Hoa. Cô đa sầu, giàu tình cảm, mỗi khi đọc truyện gặp những đoạn buồn là khóc đỏ mắt. Tâm khen thơ tôi ngọt ngào, sâu sắc. Cô nàng thường nằn nì nhờ tôi ngâm thơ cho nghe. Tâm chịu những bài ướt như vớt dưới nước lên, và trong đó có nhiều “gió trăng”, “hò hẹn”, “thiếp chàng”. Tôi ăn chực, mọc rễ ở nhà Hải. Người lạ có thể tưởng lầm tôi là con trong nhà. Không chỉ tốn cơm, nhiều lúc ông Mạnh còn cho tôi tiền để tiêu vặt.
Ít lâu sau tôi và Duyên “cảm” nhau. Nói cho trung thực, tôi chưa hề tán tỉnh Duyên câu nào. Đây chỉ là mưa lâu thấm đất. Dạo đó gặp dịp Tết, được nghỉ dạy nửa tháng, tôi về thăm nhà. Nhưng mới bảy ngày tôi đã trở ra. Duyên ngạc nhiên: “Ô kìa, ông thi sĩ, ra chi sớm vậy?” Lúng túng một chặp, rồi tôi thú thật: “Buồn, buồn không chịu được… nhớ ai quá!” Duyên hiểu ngay, nàng xúc động, mặt hồng lên, bối rối chớp lia đôi mắt Tân Thanh to đen, ươn ướt… Ngay tối ấy chúng tôi đến trụ sở ban Ly Tao “trình làng”. Lũ bạn tôi không ngạc nhiên mấy, tỏ ra rất hoan hỉ. Ông bà Mạnh và Hải phớt lờ, làm như chẳng biết gì, và chúng tôi coi thái độ đó là đồng tình. Thu Tâm nhận xét nhẹ nhàng: “Bà Duyên sống trong môi trường trần tục – Duyên làm ở ngân hàng – mà lại kết cặp với người của trăng sao, kể cũng lạ”.
Nhóm nghệ sĩ tinh hoa của thị xã này, (có tôi vào nữa là sáu người), đứng chủ trương Thi đoàn La Hoa (núi Hoa Sơn, sông La), và nắm luôn ban Ly Tao, chuyên ngâm - bình thơ trên đài phát thanh địa phương. La Hoa chào đời trước Ly Tao nửa năm, có đường hướng cụ thể: “Sáng tác thơ ca và trợ lực nhau cùng tiến bộ trên đường phục vụ nghệ thuật”.
Ở đây tôi được bốc lên thành thi hào, vì là người có nhiều thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn, và đã xuất bản một tập thơ: tập “Tưởng là tình lớn”. Các thành viên khác đều còn mò mẫm, lận đận. Ngay như nhà thơ Lê Tưởng, trưởng ban Ly Tao, cũng chỉ có sáu bài thơ được đăng báo. Tính trung bình, anh phải gởi đi hăm bảy bài thì đám chủ bút thiển cận đáng ghét ở Sài Gòn mới chấm một bài. Với thi sĩ Bạch Hải, nhân vật thứ nhì của La Hoa, kết quả còn khiêm nhường hơn. Sau bốn năm múa bút, Hải chỉ có ba bài được lên báo. Nhưng điều này không hề làm Hải nhụt chí, lại càng khiến anh mạnh tay hành hạ những trang giấy trắng, và giọng thơ vốn đã phẫn càng thêm phẫn.
Người viết khỏe, có số lượng thơ ra lò nhiều nhất là Mai Phong. Anh lãnh hai chức danh: đầu tàu Thi đoàn La Hoa và ủy viên giao tế của ban Ly Tao (chúng tôi cũng mắc bệnh háo danh, chứng bệnh buồn cười của loài người, nên tên nào cũng khoác vào mình nhiều chức tước tự phong).
Mai Phong là người duy nhất trong bọn có vợ. Trước kia, do một sự “sai lầm đáng tiếc” Phong cưới vợ hơi sớm, nên nay mới hăm ba tuổi anh đã có ba con. Vợ Phong chất phác, rất kính phục chồng, tuy chị không hề sờ đến sách báo… Mai Phong sống theo lối “phiêu bồng”. Bề ngoài trông anh nhếch nhác, bẩn thấy rõ. Về cái ăn, thì bạ đâu sà vào đấy, chủ yếu ăn nhờ nhà Tưởng và Hải. Tiền lương Phong thường tiêu vèo trong năm, bảy ngày, chi trọn cho mấy quán cà phê, bún bò, tiết canh vịt. Vợ Phong cần mẫn làm lụng nuôi con, cam chịu túng thiếu, không trách chồng tiếng nào. Nhưng ông cụ thân sinh Phong thì tích cực bày tỏ thái độ phản đối. Bữa nọ cụ khăn gói ra phố, leo lên tận hang ổ ban Ly Tao, hùng hổ dạy cho ông con nhà giáo – nhà thơ một bài sấm sét. Quá giận nên cụ mắng rất thô: “Này, mày như con heo đực, xổng chuồng là cùi cũi đi mất, chẳng lo gì nữa. Lâu nay vợ con mày thế nào? Chắc chắn không biết. Sống như thế, tao không hiểu mày dạy trẻ con ở trường những gì. Muốn làm ông gì cứ làm, nhưng chớ quên mình là ông - người”. Nói bấy nhiêu lời xong ông cụ quay trở xuống, về thẳng. Mai Phong thở dài, than: “Đầu và mắt các cụ đã hình thành trước đây hơn nửa thế kỷ, nên không hy vọng các cụ nghĩ và thấy điều gì hay ho được!” Rồi phải nhờ ông Vạn Thọ – cha Lê Tưởng – đứng ra thu xếp, sự vụ mới ổn. Ông bảo Phong cứ ăn tại nhà ông, không phải trả tiền, còn lương thì cắt một nửa gửi về cho vợ.
Hai người sau chót của nhóm, sự nghiệp văn chương mới khởi đầu, chưa có gì nhiều: Võ Hoàng, họa sĩ kiêm ủy viên kỹ thuật, thi sĩ lãng mạn của thế kỷ 19 còn sót lại – và Thái Huyền, phụ trách tài chánh kiêm thư ký. Chúng tôi thường âu yếm gọi Huyền là ủy viên du hí. Anh sành về rượu, giỏi chạy tìm đồ nhậu, nấu nướng khéo tay.
Chúng tôi sống mạnh được phần lớn nhờ nơi cái bụng quãng đại của ông Vạn Thọ, một người vui tính, rất giàu, tốt ít có. Ông dành cho chúng tôi một căn phòng trên lầu, kế phòng ngủ Tưởng, làm trụ sở. Phòng thênh thang, có một tủ sách lớn, một bộ ghế bành to kềnh, hai cái giường bằng gỗ quý đóng kiểu cầu kỳ, và hai bàn làm việc dài ngoẵng. Trên hai chiếc bàn này chúng tôi đã bình văn, ăn nhậu, tán phét về mọi sự đời, và làm thơ. Chúng tôi ca ngợi những áng mây chiều nằm xoãi trên đỉnh Hoa Sơn; những con sò huyết, đặc sản của xứ dừa, ngon và bổ, chắc trời sinh ra để đi kèm với rượu nếp; những đôi mắt của những người con gái Tân Thanh (ôi, đôi mắt đen láy, tình tứ, long lanh, từ mấy trăm năm trước đã bước vào thơ phú, ca dao: “đa tình con mắt Tân Thanh”). Không ai tính được chúng tôi đã tiêu phí bao tạ giấy mực, và hóa kiếp mấy ngàn con sò huyết. Chỉ riêng hòn Hoa Sơn cũng đã làm hao tốn biết bao tâm trí. Đó là hòn núi đơn độc đứng chắn ở cửa ngõ phía Tây thị xã. Chúng tôi mổ xẻ, phân tích đủ các mặt của nó: dáng núi trầm ngâm (vì rằng chưa ai nghe nó nhiều lời bao giờ) – cái vẻ cao vút hiên ngang (cao hơn mặt biển 620 mét) – nỗi buồn kinh niên của núi (đứng trơ chõng một mình, vui sao được) – nỗi đau triền miên khó dứt (thiên hạ ủi sạt một khoảng lớn dưới chân núi, lấy đất làm phi trường)… Đọc số thơ này, người ta có thể tưởng chúng được viết ra từ một xứ nào vốn thanh bình từ ngàn năm nay, chớ không phải ở đây, nơi mà nhiều đêm súng đã nổ thảng thốt ngay tại xóm Gò Dứa (sát nách thị xã), tiếng đạn đuối rơi xèo xuống đại lộ Nguyễn Huệ. Có lần Duyên nói: “Đời có lắm chuyện vô lý, nhưng vô lý nhất là người ta chịu chi tiền để các ngài viết lách khóc thương vô bổ”. Nhưng chính nàng cũng “vô lý”, vì đã để con tim mình chạy rông: Duyên yêu tôi, khác gì yêu cái món thơ văn làng nhàng?
Hơn hai năm sau, bất ngờ tôi được đổi về một tỉnh phía nam, cách Tân Thanh ngoài bốn trăm cây số, theo ý muốn của cha tôi. Ở đó cha tôi có một người bạn thân vừa được thăng lên một chức khá lớn bên giáo dục. Cha tôi nói, thời này muốn sống vững phải quen biết rộng, nếu không thì suốt đời sẽ nằm trong bóng tối. Tiền đồ của tôi muốn sáng lóa phải nhờ ông quan bự ấy đỡ cho một tay. Dù không muốn, tôi cũng phải đi. Cha tôi rất cứng rắn, khi ông đã bảo thì vợ con phải coi như pháp lệnh, đừng mong cưỡng chống.
Vô đến nơi tôi được hưởng ngay cái thuận lợi đầu tiên: dạy tại một trường nằm trong thị xã. Nhưng tôi vẫn buồn không nguôi, vẫn nhớ Tân Thanh đờ đẫn cả người.
Mỗi tuần một lần, tôi và Duyên gởi cho nhau những bức thư dày cộp, trong đó chứa đầy buồn khổ, nhớ nhung. Nhưng tình trạng ấy chỉ kéo dài được vài tháng, sau đó nhịp thư thưa dần, rút xuống còn nửa tháng một lá, rồi mỗi tháng một lá. Trong tôi nỗi nhớ tuy không vơi nhưng hình như đã “nhẹ” đi. Và thư Duyên thì lá sau luôn ngắn hơn lá trước… Đến tháng thứ tám tôi được các bạn ở Tân Thanh báo cho tin buồn: Duyên quen người khác. Tôi sửng sốt, và không tin. Sao Duyên hời hợt, đổi thay nhanh đến thế! Nhưng cái tin nản lòng đó cứ được lặp lại đều đặn. Không có cách nào kiểm chứng nguồn tin, tôi thấy mình bất lực, đáng thương. Đúng lúc ấy tôi gặp Hiếu – vợ tôi hiện nay. Té ra trên trái đất còn có những cô gái khác cũng có miệng cười làm ấm lòng người, giọng nói ngọt lịm, và những cử chỉ làm duyên nho nhỏ, ngồ ngộ, đáng nhớ! Ngẫm lại, tôi thấy khối tình trước đây của mình không lớn nặng như lâu nay mình vẫn tưởng!
Chiều hôm đó – mười một năm tròn sau ngày ấy – tại thị xã Thới Bình (quê Hiếu) trên đường đi làm về, tránh một cơn mưa bất chợt, tôi chạy vào trú trong một quán nước bên đường. Duyên và con gái đã ngồi trong đó. Duyên nhận ra tôi trước. Chúng tôi hét toáng lên vui mừng, chào hỏi rối rít, làm bà chủ quán ngạc nhiên. Kéo tôi tới bàn, Duyên gọi cho tôi một ly chè đá, (dù trời lạnh), và hỏi dồn hàng chục câu.
Khi bình tĩnh trở lại chúng tôi mới nói chuyện rành mạch, có đầu đuôi. Duyên hiện có hai con. Bé gái đây tên Ngọc, sáu tuổi, còn bé trai ở nhà vừa biết đi. Chồng Duyên tên Yên quê ở Huế, làm bên hải sản, mới đổi vô đây non hai năm. Vậy là đã ở gần nhau khá lâu nhưng chúng tôi không biết. Theo lời Duyên, bé Ngọc giống bố từ nước da, đến cái tai cái tóc. Dựa theo đó, tôi phác thảo ra Yên là một anh chàng đẫm thấp, mắt to, trán hơi vồ. Trông qua cách ăn mặc tôi đoán mức sống của vợ chồng Duyên dư dật. Duyên nhận xét: “Anh gầy, và hơi già đấy nghe.” Tôi nói, nửa thật nửa đùa: “Một người không giàu, cõng một gia đình cồng kềnh thừa miệng ăn, thiếu tay làm, chưa chết là mừng”. Duyên không khác trước mấy, trông như trắng và cao hơn chút ít. Duyên hỏi liền năm câu về vợ tôi. Bất giác, tôi nhìn lại bộ quần áo thảm hại mình đang diện, cái mũ như miếng giẻ nằm ở góc bàn. Chắc Duyên đã thấy rõ chúng.
Qua những lời Duyên kể, tôi thu tóm được những điểm chính của người và cảnh Tân Thanh. Các thành viên của nhóm thơ cũ đã tản mát mỗi người một nơi. Có thể thấy xa, nhiều người trong số đó, từ nay về sau tôi sẽ không còn gặp nữa.
Bé Ngọc tới hiên đưa tay ra ngoài nghịch nước mưa. Duyên nói:
“Anh quên hỏi một người”.
“Thu Tâm?”
“Tâm vẫn chưa chồng, nhưng đã có một con trai ba tuổi”.
Duyên kể chuyện Tâm. Những năm vừa rồi có nhiều chỗ khá tốt đến dạm hỏi, Tâm chẳng chịu ai, rồi đùng một cái nàng dan díu với một anh y sĩ cùng làm chung chỗ. Anh này có vợ. Năm ngoái Tâm bị đánh ghen một trận khá nặng.
Tôi đã thấy và hiểu tình yêu thường đem đến cho người ta nhiều chuyện ngoài y muốn, đau xót, trớ trêu, nhưng việc tai tiếng này của Thu Tâm cũng làm tôi buồn. Tôi không hình dung được gương mặt hiện nay của em. Trong trí tôi Tâm vẫn còn là cô bé xinh xinh, hay cười, thích kem ly, ya-ua, những lúc đọc truyện hoặc xem phim buồn thảm thường khóc.
Tôi bổng nảy ra ý muốn về thăm Tân Thanh.
“Tháng tới có phép, tôi sẽ về thăm chú thím và Tâm”.
“Thật không, hay nói qua đường cho vui?”. Duyên hỏi.
Tôi vội nói, như cam kết: tôi sẽ bỏ ra ba ngày về thăm Tân Thanh, thăm ông bà Mạnh và Tâm. Không hiểu sao bỗng dưng tôi lại sốt sắng như thế.
Ngoài đường, một đôi trai gái che chung dù đi chậm dưới mưa. Cái dù xanh. Cô gái trang phục toàn xanh, từ quần áo đến cái xách tay. Tuổi trẻ. Một hình ảnh đẹp, như tôi đã từng xem trong một phim nào đó… Đêm ấy về, nghĩ lại, tôi thấy nổi lên một điểm: suốt buổi gặp mặt không lúc nào tôi nhớ ra là mình đã từng ôm con người thơm tho này trong tay, nựng nịu như nựng mèo con, hôn hít hàng trăm lần.
“Anh chuẩn bị gà vịt sẵn nhé, mấy hôm nữa bọn này sẽ ra chơi. Vậy là nay chúng ta chỉ còn cách nhau có bảy cây số!”. Duyên nói.
“Không gần đâu bạn ơi. Con số 7 này cũng như số 5 tấc đất, cự ly xa cách giữa người chết và người sống”.
“Thảm quá!… Nay anh còn làm thơ không?”
“Tôi nghỉ. Đến khi nào làm được theo cách mới, tươi vui, khỏe khoắn, có ích cho đời, tôi sẽ cầm bút lại… Nhóm thơ chúng tôi thời đó, Duyên biết không, nếu được đưa ra đứng trước mặt thi hào Gơt (J.W. Goethe, 1749 – 1832) sẽ bị ông gọi là “những thi sĩ của bệnh viện”, vì chuyên ca tụng những thứ ốm đau bệnh hoạn”.
Duyên cười. Một chiếc xe đò bật đèn phóng vút qua. Mưa nặng hạt thêm, kiểu này thì khó biết đến lúc nào mới dứt.