DUYÊN RƠI CỬA PHẬT
K hi thái tử Tất đạt đa ra đời, có lụa quý của trời lót đỡ, lọng báu giương che, rồng phun dòng nước ấm tinh khiết tắm rửa, thân thể Người có ba mươi hai tướng tốt, phát ánh sáng vàng, chiếu rọi ba ngàn đại thiên thế giới. Nay Đạo của Người lưu truyền tới hai ngàn sáu trăm năm có dư.
Một ngày nọ có đứa trẻ đỏ hon hỏn, ai đó để lại cổng chùa làng. Khi thầy thọ giới, bé mới năm, sáu tuổi. Bập bẹ từ ngữ đầu tiên không phải tiếng cha... cha, mẹ... mẹ, mà cất lên:Thầy… thầy ơ; thay lời ru ầu ơi, bằng tiếng mõ lốc cốc, cùng ngân nga chuông chùa sớm chiều vọng.
Ngôi chùa cổ nằm ven làng, trên thế đất dương cơ ái hổ, trông ra đồng lúa mênh mông, nghe nói có tới ngàn năm, mãi tận thời Lý. Bà Nguyên phi Ỷ Landựng, ân hận vì vụ án năm Quý Sửu (1073), bức tử bà hoàng Thượng Dương, cùng bảy mươi sáu cung nữ. Thuở bé, hàng ngày ngoài sư ông, hay vào ngày sóc vọng, có thêm các bà vãi, tiểu ta không được phép ra ngoài nô đùa cùng đám trẻ trong xóm, chỉ dán mắt qua khe cổng, nhòm lũ cùng trang lứa chạy nhảy. Nhìn, lắm khi tiểu ta nghĩ ngợi, đời có gì mà chúng vui vẻ thế? Chắc là khác lạ so với ranh giớitrong khuôn viên chùa. Tiểu ngại ra ngoài, vì hễ gặp, lũtrẻ lại ê ê:
- Thằng chú tiểu! Thằng đầu trọc.
Và ngại nữa, khi lơn lớn rồi, mỗi khi vào làng phụ giúp thầy những buổi lễ, thôn nữ gặp, cười cười, nhanh tay xoa cái đầu nhẵn thín của tiểu. Tiểu ta đâu biết rằng, làng nơi mình tu hành, thôn nữ thầm thì vụng trộm xuýt xoa, chú tiểu làng ta đẹp quá, cứ trắng nõn nà. Có ai nói điều đó cho tiểu đâu, mà nghe thế, chắc ngượng chết đi ấy!
Tiểu cô đơn lắm, cửa Phật mà. Đến cái tên ngày nhỏ của mình - Trai, chẳng mấy ai còn gọi nữa, tiểu gần như lãng quên mất rồi, chỉ nhớ pháp danh của mình do thầy bancho. “Đất vua chùa làng” - thế giới của tiểu loanh quanh, luẩn quẩn trong khoảng sân chùa, vườn chùa,… với cây đại, cây si. Buồn bã, tiểu hay chơi trò, nói chuyện với tượng: Phật A Di Đà, Thập Điện Diêm Vương và nhất là hai ngài Hộ Pháp ở bái đường, cùng mười tám vị La Hán bày dọc hành lang. Chỉ duy nhất lần ấy tiểu được chuyến đi xa, theo hầu thầy lên đất Phật, miền Yên Tử Cực Lạc.
Tuổi thơ của tiểu trôi qua buồn tẻ, lặng lẽ, thánh thót buông rơi như tiếng chuông chùa. Thực ra cũng có vài điều, vài chuyện đáng nhớ, như tiểu từng ăn vụng lễ dâng cúng Phật. Thường lễ dâng chay tịnh. Lần ấy, tín chủ kia biện mâm lễ mặn, gồm con gà luộc vàng ươm, nằm chổng mông trên chiếc đĩa, rồi xôi, chuối và nhất là có đĩa bày một khoanh tròn tròn, sau này tiểu ta mới hay, ấy là khoanh giò lụa.
Thầy trò tiểu thì quanh năm suốt tháng xơi cơm rưới tương, thức ăn chủ đạo là đậu kho, luộc – gọi là ăn chay trường, thanh tịnh. Bữa ấy, sau khi gia chủ đặt lễ, thắp hương, thỉnh chuông,khấn vái Phật xong xuôi, gia chủ ra sân chùa, đàm đạo cùng sư ông. Ngay khi nhìn mâm lễ, tiểu ta ngạc nhiên về con gà luộc, ngạc nhiên cả đĩa đựng khoanh tròn tròn, nom giống y đậu phụ nhà chùa thường dùng, nhưng khác một tẹo, không thái, xắtvuông vức. Tiểu lẩm nhấm đếm, thấy sáu miếng xếp liền khít cả thảy. Tiểu cứ ngắm nghía, nghĩ ngợi. Tự dưng thôi, thấy thèm thuồng, nước miếng tứa ra trong miệng. Đầu óc not nớt của tiểu, nảy ra suy nghĩ… Nếm thử con gà luộc, thì không xong, chã nhẽ dùng răng cắn xé. Và thế là rất nhanh trí, thử cái khoanh tròn tròn kia xem sao, tiểu ta bốc vội một miếng.Đĩa giò đâm ra khuyết một góc.
Tiểu lùi nhanh vào góc khuất, kín đáo bỏ nhanh vào miệng. Tận đến lúc ấy, tiểu mới nhận ra, chả phải đậu phụ đâu, nó là thứ gì đó, chưa bao giờmình được thưởng thức “ngon lắm cơ”. Nhai nuốt vội vàng xong, tiểu vẫn còn thấy ngon và ý nghĩ lại lóe lên, thử thêm miếng nữa đi. Đúng lúc ấy tín chủ bước vào. Hết tuần nhang, họ hạ lễ. Khi hạ mâm xuống, tín chủ trố mắt ngạc nhiên, thấy khoanh giò khuyết một góc, bối rối nghĩ ngợi, chả lẽ Phật lại ăn giò sao? Ai xơi vào đây nhỉ? Sư ông thì ngoài sân chùa, đàm đạo cùng mình. Vậy là thí chủ đoán ngay ra thủ phạm. Thật chả tiện tố ra, nhà chùa có kẻ ăn vụng.
Thái độ sững sờ của thí chủ không qua nổi con mắt sư ông. Lúc ấy nhà sư nhìn nhanh về phía học trò, tiểu ta vội vàng cụp ngay mắt xuống. Khi thí chủ rời bước, cổng chùa vừa khép, mặt sư ông đanh lại, gằn giọng, chỉ tay vào tiểu. Biết mình mắc tội lỗi gì, hình phạt ra sao, tiểu lũn cũn bước vào một góc, quỳ gối, úp mặt vào tường. Hình phạt thầy áp dụng, mỗi ngày được xơi một bữa và quỳ đó cả tháng, tối khuya mới được đi ngủ. Tiểu nhớ mãi, cảnh muỗi đốt, hai đầu gối ê ẩm,…cứ dấm dứt khóc. Kỷ niệm tuổi thơ đó!
Rồi một ngày cha của tiểu – sư ông,ấy là tiểu trộm nghĩ, đón nhận tiểu từ tấm bé, Người thanh thản nhập tịch, xấp xỉ như Thích Ca nhập cõi Niết bàn xưa. Khi ấy tiểu vừa bước vào tuổi mười tám. Nắm bàn tay sư ông, bàn tay người cha bao công dưỡng dục, môi thầy mấp máy, tiểu nhớ câu thì thào Người trăng trối:
- Con… là người… có duyên… với Phật, nhưng…!
Sau tang lễ, các vãi tôn xưng tiểu thành sư trụ trì.Từ tấm bé, tiểu hiển nhiên nghĩ, nó thấm vào tâm can, tâm khảm - tâm tâm niệm niệm: mình sinh ra để làm sư quét lá đa, ăn mày cửa Phật; những đứa trẻ trong làng, sinh ra để cày cuốc. Thế là tiểu yên phận làm sư, ngày ngày chăm chỉ thắp nhang, gõ mõ, tụng kinh niệm Phật. Phẩm cấp Nhà chùa giờ là đại đức, Sư không còn xưng tiểu tôi nữa; các vãi già đều một thưa, hai gửi: “Bạch thầy” và Nhà sư đáp lại: “Bần tăng tôi...” Sư gõ mõ, tu hành bao năm nhỉ? Chỉ nhớ và lẩm nhẩm tính đếm, đại đức ở tuổi hai nhăm, sống dưới mái nhà Phật tròn một phần tư thế kỷ và kém Phật bốn tuổi, khi Thích catừ bỏ hoàng gia, từ bỏ cuộc xa hoa, cung vàng gác tía, sống cảnh không nhà không cửa, Ngài tìm đến bậc giác ngộ.
Chiều ấy đã muộn, muộn lắm, mục đồng cuối cùng vội vã xua trâu về chuồng; tiếng móng trâu lốp cốp gõ khua trên đường làng; rặng tre kẽo kẹt uốn mình, sốt ruột chờ trăng lên; bếp núc nhà ai đó đỏ lửa xong, nồng nàn tỏa mùi cơm ghế khoai khô và quây quần quanh mâm cơm, lũ trẻ tranh nhau dọn, chia bát đũa.Trong sân chùa, nhà sư thẫn thờ, lặng dõi nhìn cuộc sống trần tục vọng vào chốn thiền tự.Những rễ si buông buông; con sóc loắt choắt nhảy nhót; con ốc sên bò uể oải. Cuộc đời kỳ lạ, kẻ thì cuống cuồng, kẻ lại đủng đỉnh, nhởn nha... Trầm luân, tới chín vạn kiếp cơ mà. Nhìn lá đề bay bay, lả tả rơi rụng xuống sân chùa, sống là gửi, thác là về, kiếp người ta phù du chìm nổi – nhà sư thoáng nghĩ - dưới tán cây bồ đề, Phật từng bốn chín ngày thiền định. Nhà chùa nghĩ, “Rồi ta cũng như kiếp lá bồ đề kia, một ngày nào đó, rụng rơi về cội nguồn”.
Đại đức biết con đường tu hành lên chính quả sẽ lắm chông gai, vất vả. Như cái chuyện ngày xưa mình từng ăn vụng, nó là bản ngã, bản năng, thòm thèm của dục vọng - tham sân si. Đơn giản thôi: khi ta đói, ta có sẵn lòng san sẻ suất ăn cho kẻ khác còn đói lòng hơn ta; trước một kẻ rét mướt, có chịu cởi tấm áo cà sa quàng lên cho người ta ấm áp, giành phần rét mướt về mình; trước một nỗi oan ức của người, ta có dám nhận vào mình chăng? Sống là ta làm những gì ta muốn, ta thích và nghĩ là đúng, như thành bậc chính quả chẳng hạn? Nhà sư cứ tẩn mẩn nghĩ ngợi, triết lý.
Nhà chùa ngẫm nghĩ chuyện vừa xảy ra trước cổng chùa, vụ dân làng đánh đấm kẻ trộm chó. Cùng một kiếp người, sao nỡ xuống tay với nhau thế. Kẻ trộm chó mặt mũi sưng vêu. Chứng kiến, đại đức xót xa, nhất là cảnh người ta quàng lên cổ kẻ trộm, xác con chó. Nhà sư chầm chậm từ tam quan bước ra, trước đám người quây rong kẻ trộm, chắp tay niệm Phật.
Đại đức thoảng nghe, hình như cổng chùa có tiếng gõ khẽ khàng. Vãi già cuối cùng đã rời bước sau khóa lễ rằm. Hay là gió, là trăng; hay âm thanh cuộc sốngquê vòng vọngtới chốn thiền tự? Trăng rằm tròn như cái đĩa, mọc lơ lửng rồi. Đúng là cổng chùa có tiếng gõ ngập ngừng. Giờ khắc muộn mằn này, ai còn đến nữa? Phân vân, Nhà chùa bước ra cổng.
- Nam mô A Di Đà Phật!
Trước mặt Nhà chùa là nữ tín chủ trẻ, bàn tay thành kính chắp trước ngực, trên vai người ấy đeo tay nải nhỏ.
- Nam mô A Di Đà Phật!
Nhà chùa đáp lễ và kín đáo quan sát thí chủ. Trông dáng vẻ có vẻ mệt nhọc, chắc sau chặng đường xa. Hình như người ấy lần đầu tới chốn chùa làng này. Chùa quê, lâu nay thường là các vãi già, thoảng hoặc mới đón khách phương xa. Với nhà chùa, thiện nam tín nữ bước vào Phật tự, cửa chùa luôn rộng mở. Trước nữ tín chủ lạ, nhà chùa đâm ra lúng túng tới mươi giây, mới cất nổi lời mời khách vào cúng Phật. Cũng đến tận lúc đó, tín chủ mới ngẩng mặt và vụt như là biến sắc, đâm ra nhà chùa càng thêm bối rối.
Nàng Ngọc, bông hoa núi rừng, cô thôn nữ xinh đẹp dưới chân núi Yên Tử. Rừng núi như ngôi nhà lớn của nàng, có mây ngàn gió núi, có suối nước trong veo, tháp mộ những bậc tù hành ẩn mình dưới tán thông già vi vút. Nàng đinh ninh, trời đất gửi gắm, cho mình đầu thai tạm vào nhà cha mẹ. Mẹ nàng từng than thở:
- Số rồi sẽ khổ. Người đâu cứ mơ mơmàng màng, ngơ ngơ ngác ngác!
Trong làng, đàn bà, con gái lên rừng, chiều chiều gùi địu về gùi măng trúc nặng, còn nàng "chỉ mơ màng, hão huyền rừng trúc đẹp, rặng thông già” - mẹ nàng thường chép miệng, cằn nhằn, trách cứ con gái vậy.Bệnh mơ màng của nàng có từ cái đận kia đó, nàng sa duyên, để rồi mặc những lời đàm tiếu của dân làng, ngăn cản của mẹ cha, cứ dăm ba tháng, tay nải khoác vai, viễn du vãn cảnh khắp các chùa chiền. Người ta, như bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm?
Truyền thuyết rằng, khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành nơi Yên Tử, cung tần mỹ nữ kéo theo xin Người hồi cung. Nài nỉ không được, họ gieo mình xuống suối. Nàng Ngọc tin, ấy không phải là truyền thuyết, mà thật. Trong mây mù bảng lảng, nàng kể, tận mắt chứng kiến những bóng hình mỹ nhân ẩn hiện, chao lượn, lung linh trên suối Giải Oan. Mẹ nhất quyết không tin vào câu chuyện u u mê mê của con gái, nhìn nàng bằng ánh mắt lo âu và bà chỉ còn biết than thở:
- Khổ thân con tôi.
Hội Yên Tử năm ấy nàng trẩy hội, đông lắm, toàn nam thanh nữ tú, tao nhân mặc khách, thiện nam tín nữ. Đã bảo, nàng nghĩ, nước suối Giải Oan làm lênnàng đẹp, đẹp như cung tần, mỹ nữ xưa. Mỗi lần lên núi, nàng thường dừng chân bên suối, ít thì khỏa chân, vục nước thoa thoa lên mặt, nhiều thì đầm mình xuống dòng suối trong, nước suối làm da dẻ nàng thêm trắng ngần.
Trẩy hội, nàng dừng chân, vục nước thoa thoa lên mặt, chải tóc, soi bóng hình mình. Mặt nước lung linh, phản chiếu bóng nàng. Kìa, nàng cười, đôi mắt trinh nữ mơ màng… Bất chợt ánh mắt nàng chạm va vào ánh mắt người ta. Thoáng bâng khuâng, người ở đâu ta, đẹp đẽ thế. Tĩnh tâm, nàng thẹn thùng, vội đánh mắt lang lảng. Khi kịp ngoái lại, bóng người ta kìa, chỉ còn thấp thoáng áo nâu sồng của bậc tu hành. Ô kia, người ta cũng đang ngoái lại. Ánh mắthọ giao nhau, cả hai vội lảng tránh. Và rồi nàng chỉ còn thấy dòng người trẩy hội. Thế là từ buổi ấy, như mẹ nói: “Người đâu cứ mơ mơ màng màng”.
Tín chủ đặt lễ lên ban gian chính điện, thắp nhang; nhà chùa thỉnh chuông. Sao nhà sư nghe tiếng chuông khác lạ, vừa ngập ngừng buồn, vừa thấp thoánghân hoan; không ngân nga, thanh tịnh như mọi khi. Cuộc đời sư có những khoảng lặng buồn, như ngày bé chỉ quẩn quanh nhặt trái si chín vàng, chín đỏ, bé li ti, rụng kín sân chùa; lặng nghe tiếng trẻ í ới nơi làng quê vọng lại; rồi những đêm đông giá rét, hằng đêm ngồi sau sư ông gật gù tụng niệm khóa lễ tịnh độ, khuya khuya lủi thủi bước về trai phòng, thao thức canh trường, nghe tiếng thạch sùng khắc khoải canh trường.
Nhà sư liếc nhanh tín chủ, cũng đúng lúc “người ta”đánh mắt ngước nhìn sư. Ánh mắt họ va chạm nhau, rồi cùng đâm ra bối rối. Và nhà sư kịp nhìn trọn khuôn mặt người đẹp - đẹp và buồn. Ô hay, đời trần tục cũng có nỗi buồn sao - như nữ tín chủ đây? Khuôn mặt ấy, hình như mình từng gặp ở đâu đó rồi? – nhà sư thoáng nghĩ. Ở đâu nhỉ? Trong ký ức xa xưa chợt “vọng về”, nhà sư sững sờ, gương mặt thôn nữ năm nào bên suối Giải oan. Hồn ma các mỹ nhân hiện về chùa chăng?
Nữ thí chủ vẻ như mải miết niệm Phật.Không gian chùa vắng lặng, tưởng như nghe thấy cả tiếng buông rơi của làn khói nhang cuốn lượn, bay bay. Ý nghĩ nhà sư chập chờn, lúc như chìm vào cõi Phật hư vô, lúc chống chếnh, chông chênhchốn trần tục. Bên dòng suối Giải Oan năm nào, mỹ nhân đang soi mình…
Sư thoảng nghe trong lời thỉnh cầu của thí chủ, mới hay rằng, nàng ta tên Ngọc. Thoáng bối rối, trong tâm thức nhà chùa bồng bềnh trở về miền ký ức thơ. Rất vô thức, nhà sư ngước nhìn Phật Cửu Long - bức tượng thuở ngài còn là hài nhi, chợt thấy hiển hiện trước mắt mình, đứa trẻ đỏ hỏn năm nào, cất tiếng oa oa khóc trước cổng chùa. Đầu óc Nhà chùa bật hiện lên cái tên tuổi thơ của mình: tiểu Trai. Lâu lắm rồi nó chìm theo thời gian, ẩn sâu trong ký ức. Vô thức, hay hữu thức, nhà sư chợt liên tưởng đến cái tên Ngọc kia của thí chủ.
Ngày thầy đi xa, tiểu nhớ lời trăng trối: "Con là người có duyên với Phật,… nhưng..." Từ “nhưng” đứt quãng, ẩn ý, thầy còn dạy dỗ gì con chăng, thầy ơi? Hay con còn vương vấn, nặng duyên trần tục? Tay đại đức đều đều nhịp mõ, bàn tay kia lần lần lật mở trang kệ, mà sao vẫn cảm nhận ánh mắt của người ta đau đáu nhìn mình. Ánh mắt ấy như xuyên vào tâm thức của bậc tù hành - giằng giằng xé xé giữa cõi Phật và chốn nhân gian. Phật dạy: “Hãy tự mình mà đi.” Sư ngẫm, hay mình chỉ là kẻ ăn tạm gửi nhờ. Trời, đất, phật ơi! Người hãy nói cho con hay!
Tiếng mõ dập dồn, như là cầu xin, hay bước chân loạn nhịp của con tim ai thổn thức – Phật cũng dạy: “Đừng cầu xin Người”.
Sân chùa, trăng rằm sáng vằng vặc. Gió khuya từ đồng làng lồng lộng, lạnh lùa ùa ạt đến rùng mình.Làng quê, sáo diều vi vút: “U u u ù… u!”