Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










VÀ, THỜI GIAN VẪN CỨ TRÔI !



N hật bảo, thế kỷ 21 sẽ là của phụ nữ. Nó giải thích: Phụ nữ giờ chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Vậy nên, dứt khoát phụ nữ phải chứng minh được vai trò quan trọng của mình ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng tôi không phản đối nó. Bởi, trên đời này, có cái gì mà không thể xảy ra? Trong lũ con gái của Khoa chúng tôi, có đứa nào dám khẳng định, cái Hồng, dốt nhất Khoa, giờ lại là Vụ trưởng một vụ thần thế ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn cái Huyền, hồi xưa học chỉ ở mức tầm tầm. Có một vài tài lẻ là hát hay, chơi ghi ta được. Nhiều năm nay chuyển làm công tác phụ nữ một quận nội thành. Nghe bạn bè rỉ tai nhau, nó đang dòm ngó cái chức Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố. Còn cái Hạ, học "siêu" nhất nhì cả lũ con gái trong Khoa. Giờ đang lặng lẽ đứng sau quầy bán thuê hàng thuỷ sản. Lại còn cái Nhung nữa. Khi cầm trong tay tấm bằng kỹ sư được hai năm rồi, còn hỏi tôi: Mày ơi, thiết kế cái thanh gá chịu lực của máy tiện nhỏ thì bắt đầu từ đâu? Vậy mà, nó nay là tiến sĩ, Phó giám đốc một công ty cơ điện lạnh tầm cỡ của Bộ Công nghiệp. Trải hơn hai chục năm, chỉ điểm đôi ba gương mặt điển hình trong lũ nữ sinh đại học chúng tôi xưa, mới thấy danh phận nào có gắn với chữ tài!

Khoa Cơ khí chúng tôi có ít con gái lắm. Riêng cái tên gọi cũng đủ thấy không phù hợp với phái được gọi là chân yếu tay mềm. Hồi ấy cứ nghe nói con gái học Khoa Cơ khí là nhiều người lắc đầu lè lưỡi. Cả Khoa, chỉ đếm được hơn chục mạng con gái. Vậy nên, hơn chục đứa cũng tương đối gần nhau. Tôi, Nhật và Thu thân nhau hơn cả. Bọn tôi hay có những cuộc túm tụm một chỗ bàn "thế sự". Cũng có khi rủ nhau lang thang hiệu sách Tràng Tiền, ăn bánh tôm Hồ Tây, hay dạo lòng vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Tôi và Thu hay nói. Còn Nhật, lại thường im lặng nghe.

Tôi là một đứa sống an phận. Nét mặt nhờ nhạt của tôi không mấy gây ấn tượng cho người tiếp xúc. Cũng chẳng hiểu duyên nghiệp thế nào, nghe chúng bạn rủ rê, tôi thi vào Bách khoa và trúng ngay vào Khoa Cơ khí. Cầm giấy báo đỗ, tôi tặc lưỡi: Ừ, thì học! Vì lúc đó, đỗ vào Đại học Bách khoa là niềm tự hào ghê gớm. Lại vào hẳn Khoa Cơ khí. Chứ nào tôi có biết gì đến cái được gọi là chiến lược hay chiến thuật gì gì đó của Đảng và Nhà nước, lấy khoa học kỹ thuật là then chốt, là chiếc chìa khoá vàng, mở ra cánh cửa công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đâu. Với tôi, học và đỗ, thế là được. Vậy nên, điểm thi các môn của tôi cứ bình bình, luôn ở mấp mé cái ngưỡng nguy hiểm.

Còn Nhật, nó có dáng người cao, chăm chỉ, cần mẫn, học vào loại thông minh. Nhìn những bản vẽ thiết kế sạch bong, tỉ mỉ, sáng sủa của nó mà phát thèm. Thèm lắm. Nhưng tôi chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn để bắt chước. Hồi đó, chúng tôi vẫn phải vẽ trên giấy cùng những dụng cụ vẽ còn thô sơ lắm. Sai một tí là tẩy tẩy xoá xoá, đen nhẻm đen nhèm cả giấy. Chỉ một chi tiết máy, có khi thay đi thay lại giấy nhiều lần, còng lưng trên bàn vẽ cả buổi. Chứ không có máy tính hiện đại để mà thiết kế như sinh viên bây giờ. Họ cứ thoải mái di "chuột", cứ thoải mái ấn phím. Sai thì chỉ cần một cái nhấn nút Delete là xong. Còn đúng hả, thì OK và Save rồi in ra. Đẹp đẽ. Nhẹ nhàng làm sao. Có lẽ, những bản vẽ của Nhật xưa cũng chẳng thua là bao, so với cách thiết kế trên máy tính bây giờ. Còn kết quả các môn kiểm tra của nó là tấm gương mẫu mực, mà các bậc phụ huynh luôn lấy đó để yêu cầu con em mình soi vào.

Thu thì lại tài tử trong cách học. Điểm kiểm tra các môn học của nó rất thất thường. Khi thì cao chót vót. Lúc phải thi đi thi lại không dưới hai lần. Nó hầu như chẳng có khả năng tập trung vào một việc gì đó cụ thể. Nhiều khi nó giương đôi mắt to đen, ngơ ngác đến tức cười giữa lúc chúng tôi nói về một vấn đề gì đó. Chẳng hiểu sao nó lại vào học cái ngành cơ khí này cơ chứ. Chắc cũng đã bật ra một cái tặc lưỡi như tôi, hoặc tương tự! Nghe tôi thắc mắc, nó bảo: Tao chẳng "tặc" cái gì cả. Mày không thấy đấy à, chủ trương "đốt cháy" giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa của Đảng, cần lắm những con người có trình độ khoa học kỹ thuật cao, để đưa đất nước tiến thẳng, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, tao thấy mình phải học chuyên ngành này. Có vậy thôi! Nghe cũng có lý đấy chứ. Ôi, nhưng mà cái kiểu ngơ ngơ của nó, không biết khi thiết kế chi tiết máy, có để quên một yêu cầu kỹ thuật nào trên mây dưới gió không. Lỡ ra, máy không đảm bảo độ an toàn, gây tai nạn lao động e có ngày phải ra trước vành móng ngựa. Tôi không dám nói ra suy nghĩ này, sợ nó phật lòng. May quá, qua dăm bảy năm ra trường, nó lại chuyển nghề làm báo, cái nghề mà theo con mắt của tôi lúc ấy, khó gây tổn hại trực tiếp cho ai. Sau này, tôi hiểu ra mình suy nghĩ thật nông cạn. Thực ra nghề làm báo mới là nghề đem lại nhiều mặt tích cực, cũng như có thể gây ra những tổn hại khôn lường cho xã hội. Và, chính Thu sau này cũng có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, cách sống, nên nó mới tìm cách vào nghề báo. Có lẽ, trong nó đã xảy ra một quá trình vật lộn để lột xác chăng?

Ra trường, chúng tôi chia tay mỗi đứa một ngả. Tôi nhận công tác ở một nhà máy sản xuất văn phòng phẩm. Công việc của một kỹ sư cơ khí tại đây chẳng có gì nặng nề. Một số đồ dùng học tập của học sinh mấy chục năm không thay đổi mẫu mã. Chỉ rặt những mẫu mã, chủng loại cũ còn chưa đủ để phân phối, chưa đáp ứng nổi cho một xã hội ăn chẳng đủ no, mặc không đủ ấm thì cần chi nhiều những kỹ sư cơ khí phải thiết kế chi tiết, thiết kế khuôn mẫu. Tức, cũng chẳng mấy cần đến kiến thức năm năm đại học của tôi. Sản xuất thì theo chỉ tiêu, theo kế hoạch Bộ giao. Vật tư, nguyên nhiên liệu cấp trên rót về. Sản phẩm ra đời có ngay những đơn vị làm nhiệm vụ phân phối đem đi. Sau này, khi thay đổi cơ chế quản lý, lúc sản xuất phát triển và cần nhiều hàng hoá có mẫu mã, chủng loại phong phú để cung cấp thị trường, cũng là lúc tôi đì đẹt ngoi lên được cái ghế trưởng phòng cỏn con. Hai chục năm chỉ tĩnh tại một đơn vị, chẳng lẽ cái sự “sống lâu” lại không được tính đến để lên “lão làng”, chứ có phải tiến bộ gì đâu!(?) - đấy là cách đánh giá của mọi người về tôi. Mà chính tôi cũng nghĩ vậy. Ngoài tôi, còn có một cấp phó và ba kỹ sư ở cùng phòng. Với cách sống an phận, cùng với độ tuổi U bốn nhăm, tôi chỉ làm cái nhiệm vụ “lãnh đạo” chung chung. Về chuyên môn, tôi đặt hết vào tay cậu phó phòng. Được cái, chúng tôi sống trong không khí hoà thuận thực sự. Chẳng kèn cựa, ganh ghét. Chẳng tranh chấp chỗ ngồi hay quyền uy. Tôi cũng chẳng bao giờ có ý nghĩ “ra oai” với cấp dưới bằng cái ghế trưởng phòng cỏn con mà mình tự nhiên được đặt vào. Biểu tượng con công nổi bật trong một đàn gà không bao giờ là của tôi, nên tôi ít có kẻ đố kỵ, tỵ hiềm. Vì thế, cuộc sống riêng tư của tôi mấy chục năm qua êm ả trôi, đơn giản và nhẹ nhàng. Chồng tôi là kỹ sư điện. Anh giống tôi, chả hề ham hố tiền bạc và quyền lực. Nhưng nhận thức về trách nhiệm làm chồng, làm cha, đủ cho tôi yên tâm với những gì tôi và các con nhận được từ anh. Với tôi, vậy là đủ!

Thu nhận công tác ở Bộ Quốc phòng. Hôm tiễn nó đi huấn luyện quân sự trên Sơn Tây, tôi buồn não ruột. Nhiều lúc sống mũi cay xè, tay luôn lén lau mắt. Còn Nhật, nó vẫn lặng lẽ. Đôi lúc, tôi bắt gặp nó nhìn Thu chăm chắm. Khi xe chuẩn bị chuyển bánh, Nhật dúi vào tay Thu một gói ô mai nhỏ. Nó biết Thu đi ô tô hay say. Khuôn mặt của Thu lúc đó tôi còn nhớ như in. Đôi mắt đen to không nước mắt. Vẻ bình thản thoáng chen nét cười. Có lẽ, nó lên đường nhận công tác vẫn với cái tinh thần: làm chiếc chìa khoá vàng mở tung cánh cửa khoa học kỹ thuật, góp phần đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Nó là đứa “ghiền” đọc. Thu bước chân ra đời với ý nghĩ, cuộc sống sẽ sôi động như chính những gì mà nó đọc được từ sách vở, báo chí tuyên truyền về chiến lược xây dựng đất nước trong tương lai. Vì thế nó hồ hởi lắm. Nó chấp nhận chia tay với một Hà Nội mà ở đó, nó đã sinh ra, đã lớn lên, được sống yên ả trong vòng tay chăm sóc yêu thương của mẹ; trong sự dạy dỗ nghiêm khắc chu đáo của cha. Nó vô tư rời xa những sáng hè vui nhộn ở bể bơi, bao chiều thu nơi Tây Hồ lộng gió, trong bầu không khí bè bạn thân thiết quấn quýt cùng chúng tôi. Nhìn chiếc ô tô từ từ lăn bánh khuất tầm mắt, tôi tặc lưỡi (lại một lần tặc lưỡi nữa, nhưng là vì bạn): Âu cũng là quy luật cuộc sống. Quy luật của sự vận động và phát triển. Tôi thầm nghĩ: Ừ, Thu ơi cứ vận động đi. Và mày sẽ phát triển. Chúc cho mọi ước mơ của mày bay xa, bay cao.

Nhưng rồi, cuộc sống riêng tư của Thu không xuôn xẻ. Mà đã vậy thì... liệu có bay xa, bay cao được không?

Sau khoá huấn luyện quân sự bốn tháng, nó được phân công về một đơn vị kỹ thuật của Bộ, Phòng Quản lý khoa học, chuyên theo dõi mảng tiêu chuẩn áp dụng trong lĩnh vực cơ khí, luyện kim. Hai năm sau, Thu gắn bó với một anh cùng đơn vị, học nghề xây dựng, phụ trách mảng kiến thiết, thuộc Phòng Hậu cần. Chỉ được vài năm đầu yên ấm, sau đó cuộc sống gia đình của nó bắt đầu vẹo vọ, liêu xiêu. Người chồng tuy không phải loại đốn mạt, nhưng anh ta sống nhờ nhờ, nhàn nhạt, được chăng hay chớ. Cái giai đoạn của nền kinh tế bao cấp, khi đã có gia đình, ai mà chẳng phải chổng mông kiếm thêm ngoài giờ làm việc. Thậm chí lăn lưng tối ngày mà vẫn trong tình trạng, vặt mũi không đủ đút vô miệng là chuyện thường tình. Nhưng anh ta thì cứ tằng tằng mà qua ngày. Lương tháng đấy, tôi đưa đủ còn gì. Hôm nay có mớ rau, ăn một nửa, mai còn một nửa ăn nốt, có gì lo sau... Đấy là cái lý của một “trụ cột gia đình” thuộc “sở hữu” của Thu. Lại còn thêm cái thói khề khà rượu chè sau giờ làm việc của anh ta nơi quán xá nữa. Khi lên thăm “tổ ấm” của nó, tôi đã phải xót xa thốt ra: Tao thương mày quá Thu ơi! Đầu giường chai rượu. Cuối giường chai bia! Phần Thu, lo việc cơ quan. Lo việc nhà. Lo kiếm thêm để bù đắp chi phí ăn học cho hai đứa con còn bé xíu. Cuối cùng, Thu hết chịu nổi, Thu bỏ cơ quan, bỏ chồng, ôm con về Hà Nội. Đây là hành động cực kỳ “dũng cảm” của Thu giai đoạn bấy giờ. Tuy nhiên, người chồng mới chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến Thu từ bỏ vai trò “làm chiếc chìa khoá vàng mở tung cánh cửa khoa học kỹ thuật, góp phần đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Là kỹ sư mới ra trường, Thu luôn hăm hở và nhiệt tình với công việc được giao. Để hoàn thành tốt, Thu chịu khó đọc nhiều sách tham khảo. Thu còn cặm cụi tự học ngoại ngữ để có thể trực tiếp tra cứu sách ngoại ngữ. Sau này nghe Thu kể, tôi thấy rõ ràng khi bước ra đời, đã có một Thu khác hẳn với cái Thu khi còn ở trong trường, ngây thơ và tài tử trong cách học. Tại đơn vị công tác, với sự thấu đáo trong suy nghĩ, với cung cách chín chắn khi đưa ra một phương án xử lý, Thu lại nhận được không mấy thiện cảm của những kẻ cùng mảng công việc. Có nhiều ý kiến, nhiều phương án của Thu khi tham gia nghiên cứu đề tài khoa học bị xếp xó. Một thời gian sau, Thu phát hiện ra lãnh đạo phòng, lãnh đạo đơn vị đưa kết quả nghiên cứu của mình vào cái gọi là công trình hoặc đề tài của chính họ. Kinh tởm hơn, mấy kẻ đố kỵ Thu còn cố tình gài bẫy nó trong một chuyến đi công tác. Chúng chuốc cho Thu uống rượu say và dựng lên một câu chuyện tình mùi mẫn giữa nó và Đồng, một gã cùng phòng nó, cũng là kẻ hay đọc sách, thích thơ phú văn chương. Gã này mê Thu ngay từ khi nó mới bước chân về đơn vị. Chuyện vào Đảng của Thu vì thế mà bị gác lại. Mà đã chẳng là đảng viên thì đừng có mong gì sẽ ngồi được vào một cái “ghế” nào đó, dù ở cấp nhỏ nhất. Đấy là với Thu, một kỹ sư không quyền chức. Cũng thời gian đó, ông Viện phó đơn vị nó, một đêm tranh thủ đến ngủ với cô tạp dịch, khi chồng cô ta đi công tác. Chẳng may, giữa đêm anh ta về, bắt quả tang hai người đang hú hí dưới bếp, trong bộ y phục của A Đam và Ê Va. Anh ta bắt cả hai phải viết bản kiểm điểm để nộp lãnh đạo. Chuyện ầm ĩ trong đơn vị đã đành, còn vang xa lên cả Tổng cục, cả Bộ. Vậy mà, cái “ghế” của ông Viện phó kia chẳng hề lung lay. Năm tiếp sau, ông ta vẫn lên lon, lên chức. Còn chuyện của Thu với gã tên là Đồng, thì tình ngay lý gian. Thu đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Cái gia đình nhỏ của Thu thêm lung lay sau khi được “đồng đội” bổ sung những “cơn sóng gió ngoại biên” như thế. Nhân chuyện này, người chồng lại càng sinh hoạt bê trễ hơn, vô trách nhiệm hơn. Thế là, Thu quyết định rời bỏ vai trò “chiếc chìa khoá”, ôm hai nách hai đứa nhỏ về Hà Nội. Sống thế nào, Thu chưa thể biết! Nhưng nó viết thư bảo tôi, không thể tiếp tục vỡ mộng hơn được nữa.

Sau hôm tiễn Thu đi, Nhật cũng nhận công tác tại Đại học Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Vậy là, chỉ còn lại mình tôi trong lòng một Hà Nội đầy ắp kỷ niệm của một thời con gái. Cũng lạ, những năm trong trường đại học, cả ba đứa chúng tôi đều chưa bước qua một ngưỡng cửa mới lạ nào của tình yêu. Có lẽ vì thế mà chúng tôi gắn bó với nhau khá chặt chẽ. Và, khi hai đứa bạn thân đi nhận công tác nơi xa, tôi đã bị chống chếnh một thời gian dài.

Nhật tốt nghiệp loại giỏi. Tác phong chăm chỉ, miệt mài của nó rất phù hợp công tác giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng với Nhật, vài năm sau gặp lại, tôi thấy nó thay đổi hẳn. Dường như có một Minh Nhật nào đó, khác hẳn Minh Nhật đằm tính kín đáo thuở trước. Nhật xưa ít nói, không mấy khi tuyên bố quan điểm trước mọi người. Ngay cả lúc chỉ có mấy đứa thân nhau, Nhật thường lặng lẽ nghe. Nếu có đứa nào truy: Ý kiến mày thế nào, nó cũng trả lời theo kiểu cầm chừng, dè dặt. Tôi lý giải sự thay đổi của Nhật: Nó đứng trên bục giảng, nói là nghề của nó, nên nói nhiều cũng phải thôi. Nhưng, sao tôi còn cảm nhận trong giọng nói của nó, có gì đó như hiếu thắng, như thoả mãn, như để khẳng định phần đúng về mình. Có lúc tôi đã trêu nó: Nhật ơi, mày đang bị mắc bệnh nghề nghiệp với bạn bè rồi. Nó cười. Cái cười không dễ hiểu chút nào! Nhật ra trường một thời gian dài mới lấy chồng. Chồng Nhật là tiến sĩ vật lý cùng trường, hơn Nhật mươi tuổi. Cả hai vợ chồng đều mê mải lao đầu vào công việc; hết đứng trên bục giảng lại tham gia nghiên cứu đề tài khoa học; hết đóng vai uỷ viên hội đồng khoa học, đi nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài của một đơn vị nào đó, lại tham gia hội đồng thẩm định dự án đầu tư; rồi thì hội thảo, hội nghị khoa học cấp thành phố, cấp bộ... Nhật bảo tôi, lịch của nó cứ triền miên vậy; chẳng còn thời gian để dành cho con cái, để sưởi ấm cho một mái nhà nhỏ. Đứa con gái bé xíu của Nhật thường xuyên không được mẹ ôm ấp; chẳng được cha chuyện trò. Mọi việc bếp núc, đưa đón con đi học, đều đặt vào tay “Oshin”. Một lần Nhật ra Hà Nội dự hội thảo khoa học, chúng tôi gặp nhau. Tôi nghe nó kể bằng cái giọng vừa khoe, vừa phàn nàn khéo về sự quá bận rộn và quan trọng của mình, mà thực tâm cũng không hiểu, nó sống như thế để làm gì. Trong câu chuyện của Nhật, tôi còn biết, chồng nó hiện là Phó khoa; đang trong danh sách đề cử lên cấp trưởng. Nghe chừng, mục tiêu của chồng nó không chỉ dừng ở đó. Thế còn mày, Nhật ơi, bao giờ mày ngồi vào cái ghế điều hành hàng mấy trăm con người đấy. Tôi hỏi vậy, Nhật chỉ cười, cái cười không phủ nhận câu tôi hỏi. Tôi cảm nhận, hai vợ chồng Nhật mê mải công việc, để nâng cao trình độ chuyên môn chỉ là phần nhỏ. Dường như họ còn muốn nhảy lên vị trí cao hơn, nhằm làm điểm tựa vững chắc cho chỗ đứng trên bục giảng của mình, và cho cả cuộc đời của họ nữa.

Giống như chồng, phía trước của Nhật là cái ghế Trưởng khoa Cơ khí. Để đủ tiêu chuẩn và thắng được hai đồng nghiệp khác, tất nhiên là những tiêu chuẩn công khai thôi, Nhật phải bỏ lại sau lưng đứa con gái bé xíu chưa đầy ba tuổi cùng người chồng ham hố quyền lực giống mình, để đi Pháp lấy bằng tiến sĩ. Cái bằng là tiêu chuẩn quan trọng, làm sức bật cho Nhật tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc hơn nữa trên con đường thăng quan tiến chức. Rõ ràng, động cơ phấn đấu của Nhật khác hẳn Thu. Cái đích để Thu vươn tới khi ra trường mới cao đẹp, mới rạng rỡ làm sao, mặc dù giờ đây Thu đã vỡ mộng! Còn Nhật?... Thật khó nói ra. Mấy năm trời đằng đẵng, Nhật có viết cho tôi vài ba lá thư. Vẫn cái giọng phàn nàn và khoe khéo về sự bận bịu tối ngày. Chẳng hiểu sao, khi tôi đọc thư nó, mừng cho sự tiến bộ của bạn thì ít, mà buồn thì thật nhiều. Trong tôi, hình ảnh một Minh Nhật lặng lẽ, đằm tính, kín đáo vẫn còn đậm nét lắm... Vì thế mà tôi buồn. Thật buồn!

Thu mang hai con về Hà Nội ở với bố mẹ đẻ. Không việc làm. Không tiền lương. Vật vã vài tháng đầu ăn nhờ bố mẹ, Thu quyết định mở một quán bán cháo tim gan. Trước đó Thu cũng phải qua đủ các công đoạn. Đi phụ giúp cho một người bà con bán loại đồ ăn này. Thu cố học lỏm cách nấu nướng của người ta. Rồi Thu xin được đứng nấu chính. Sau một vài tháng, Thu được khen nấu ngon không kém người lâu năm trong nghề. Thế là Thu đi thuê cửa hàng bán riêng. Hôm bán hết hàng cũng có. Hôm xui xẻo, ế cả nồi tướng. Đem về, cả nhà ăn mãi không hết. Bố mẹ Thu vừa ăn, vừa lau nước mắt xót con, thương cháu. Lại có cả những lần, bước vào hàng ăn của Thu là mấy người bạn trai cùng lớp. Học cùng đại học, có. Cùng phổ thông, cũng có. Mấy lần đầu đụng mặt họ, Thu thấy sường sượng, tủi tủi. Rồi nó cũng phải “chai” đi. Thu bảo tôi: Để sống được trước mắt, phải vậy thôi. Nhưng tao không có ý định bán cháo tim gan lâu dài đâu. Mày đừng lo. Tao sẽ bán tim gan, nhưng là bán theo kiểu khác. Mãi đến một lần, nó cho tôi xem một bài đăng trên báo Hà Nội mới, có tên tác giả: Phan Thanh Thu, tôi mới hiểu ra rằng, đấy là kiểu bán “tim gan” của nó. À, mà phải nói rằng, đấy là kiểu Thu moi gan ruột của mình để “bán” cho thiên hạ! Tôi ôm chầm lấy nó, nước mắt ràn rụa. Thu ơi, tao thương mày quá. Cố lên. Thế là mày có thể hãnh diện sống thực sự bằng trái tim và khối óc của mày rồi... Sau vài năm, bài vở của Thu đã có mặt ở nhiều tờ báo tên tuổi. Thu bỏ hẳn quán bán cháo tim gan. Thu chuyên tâm với nghề làm báo. Nó còn viết cả văn nữa. Những trang văn đầy ứ nỗi niềm về cuộc đời, về nỗi đau nhân thế... Và, Thu đi bước nữa ở độ tuổi U bốn mươi. Cho đến giờ, mỗi lần gặp nó, tôi cảm nhận nó hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Sau ba năm tu nghiệp đất người, Nhật trở về nước. Nhật mang về tấm bằng tiến sĩ để đổi lại một mái ấm không còn. Mấy năm trời xa nhau, cho dù mải mê với việc thăng quan tiến chức thì chồng Nhật vẫn là một gã đàn ông. Anh ta không thể sống vò võ một mình khoảng thời gian dài để tu thân tích cái của quý ấy được. Anh ta vẫn cần có một mụ đàn bà để hằng ngày có chỗ trút nỗi cô đơn trống trải. Mà chỗ trút tiện nhất là người phụ nữ U ba mươi có chồng ở quê và một đứa con trai gần mươi tuổi, đã làm Oshin cho nhà Nhật mấy năm nay. Những ngày đầu mới về, Nhật đã ngờ ngợ về mối quan hệ của chồng với cô người ở. Chỉ sau vài tuần, Nhật đã bắt quả tang hai kẻ trai trên gái dưới ở ngay căn buồng của vợ chồng mình. Ly hôn là hệ quả tất yếu của bài toán cuộc đời với những bước giải sai lầm. Nhật tê tái bế con về nhà mẹ đẻ, chờ ngày toà chấm dứt cái “hợp đồng” hôn nhân tưởng như rất bình đẳng của mình. Nó “bình đẳng” bởi, hai vợ chồng đều có học vị cao, đều có “chỗ ngồi” khá, cùng gánh vai trò cao quý của người thày là đào tạo thế hệ tương lai cho đời sau!(?) Nhật day dứt hỏi, vậy đâu là nền tảng lâu bền cho một mái ấm. Chúng tôi đều lắc đầu chịu, không trả lời được nó. Nền tảng ư? Với hoàn cảnh của mỗi người trong chúng tôi, cái nền tảng ấy khác chuẩn nhau lắm. Tôi và Thu có trả lời, e cũng không trúng ý nó! Ngay cả tôi và Thu, cũng không thể thống nhất hoàn toàn với nhau được. Tôi sống an phận, thoả mãn với những gì mình có. Thu lãng mạn hơn, tài tử hơn, chính vì thế mà nó đã bị sụp đổ nhanh chóng trước một thực tế phũ phàng, để dẫn đến sự lột xác trong tư duy. Và thật mừng, nó đã kiên cường để tự khẳng định lại giá trị đích thực của mình. Còn về Nhật, chắc chắn chúng tôi chẳng giúp gì được trong tình trạng bấp bênh của cuộc đời nó lúc ấy. Chẳng có lẽ, viết thư động viên nó “hãy vượt khó” để vươn lên? Hay gọi điện để nhắc lại với nó những kỷ niệm đẹp đẽ, trong sáng, không thể quên của một thời con gái? Tất cả đều vô nghĩa. Và suy cho cùng, Nhật sẽ chẳng cần đến bất cứ một sự an ủi “cải lương” nào. Với tính cách Nhật, việc ly hôn chỉ là cơn sóng gió nhất thời. Chính nó sẽ tìm ra, đâu là “nền tảng” cuộc đời mình!

Sau ly hôn, Nhật “đóng băng” trong cuộc sống riêng tư. Đứa con gái nhỏ nó gửi bà ngoại nuôi. Ngoài những giờ lên giảng đường, Nhật chúi mũi suốt ngày ở thư viện. Bên cạnh đó, vẫn là công việc muôn năm của các giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam mà nó thường xuyên tham gia: uỷ viên phản biện, uỷ viên hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học; thành viên ban thẩm định dự án đầu tư; hướng dẫn sinh viên làm tốt nghiệp; tham gia hội đồng xét thầu; tham dự hội thảo, hội nghị khoa học... Ngoài ra, Nhật còn phải gánh vác trọng trách của một Trưởng khoa nữa chứ. Nghĩa là trăm thứ bộn bề, bận rộn của một người sống cho khoa học, vì khoa học!(?) Phải chăng, Nhật coi đó là “nền tảng” của cuộc đời mình? Tôi và Thu thường nói chuyện về nó. Chúng tôi đều không hiểu nổi, sao nó có thể lặng lẽ, đơn côi trong một mái nhà thiếu vắng hơi ấm của hạnh phúc lứa đôi. Liệu có một lúc nào đó nó ngộ ra rằng, sự cô độc sẽ giết dần giết mòn tâm hồn mỗi người? Một năm, hai năm, ba năm... Thời gian vẫn cứ trôi. Còn tôi và Thu, cũng theo đó để chờ đón tin tức mới mẻ của Nhật. Vẫn chẳng có gì, ngoài những dòng tin cụt lủn nó nhắn qua Mobi cho chúng tôi mỗi khi tết đến, xuân về: Cầu chúc mọi sự tốt lành!

Nhật ơi, vẫn biết rằng con người sống cần phải làm việc. Nhưng con người còn cần một điều khác nữa, cũng quan trọng vô cùng. Đó là tình yêu. Nhất là đối với những phụ nữ chúng mình. Sao đến cái tuổi U bốn nhăm rồi mà Nhật không hiểu ra điều đó. Đã đành, khẳng định vai trò phụ nữ trong sự phát triển chung của xã hội là cần, nhưng có nên cứ nhất thiết phải sống như Nhật bây giờ? Cho dù lúc này, Nhật đã cầm trong tay chứng chỉ tiến sĩ. Cho dù sắp tới, Nhật sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường công danh. Và, Nhật đang cố chứng minh vai trò của phụ nữ trong thế kỷ này, như Nhật từng tuyên bố, thì liệu cái cái cảnh thui thủi, trống vắng riêng một mái nhà là hạnh phúc hay bất hạnh đây!(?)

Ngẫm về cuộc sống của Nhật giờ, chính Thu và tôi thực sự bối rối, hoang mang, trước một Minh Nhật, mà lại không phải là Minh Nhật xưa của chúng tôi nữa rồi! ./.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HàNội ngày 26.03.2021