Việt Văn Mới
Việt Văn Mới











XÓM GIỀNG






C ô Ba đến sống ở xóm Bàng đã hơn ba năm rồi, nhưng mọi người trong xóm không ai biết gì về thân thế của cô. Họ chỉ biết rằng cô mua lại căn nhà bỏ không của ông Tám (đã theo ở với con trai ngoài thị xã), nhờ một người quen. Cô có hai đứa con gái nhỏ - Su 9 tuổi học lớp 4, Na 6 tuổi, mới vào lớp một.

Căn nhà cô Ba mua lại rộng chừng 50 mét vuông, cô làm thêm một mái che phía trước để ai đến chơi có chỗ mà ngồi. Cô quét vôi, tráng nền, sửa sang ngôi nhà lại, tuy nhỏ, nhưng trông sáng sủa, ấm cúng. Phía trước sân cô trồng một hàng rào dâm bụt, cắt xén thẳng hàng; những khóm hoa Cánh bướm mong manh mầu hồng, vàng, khoe sắc phía ngoài cửa sổ; và những chậu hoa nhỏ, cây cảnh đặt dọc thềm sân, làm ngôi nhà thêm tươi mát xinh xắn.

Cô đắp lò nấu rượu - cái nghề mà trước kia cô chỉ phụ giúp mẹ ngoài giờ đi học, nay lại giúp cô kiếm sống, nuôi con. Chục cái thạp ủ rượu xếp hàng ngay ngắn dưới gian bếp, mùi cơm rượu thơm thơm; khiến ai vào nhà cũng trầm trồ “thơm quá”, muốn ăn thử một chén, Cô Ba luôn giở nắp thạp ủ cơm đã chín (chưa đổ nước) múc đãi khách.

Hằng ngày, cô dậy thật sớm, bắt nồi lên bếp, giở thạp cơm ủ chín đã đổ nước, múc bỏ vào nồi, đậy nắp lại; dùng cám trộn nước cho dẻo trám vào những kẽ hở giữa nắp và ống thông, rồi chụm lửa. Cô Ba vừa chụm lửa, vừa nấu cơm ủ; cô thoăn thoắt chạy ra, chạy vào làm mọi việc rất sành thạo. Rượu bắt đầu chảy, nồi cơm cũng đã chín tới; cô Ba dỡ cơm ra nia cho nguội, bóp rời cơm, trộn men vào cho thật đều, rồi đổ cơm vào thạp. Cô phả cho bằng mặt cơm, khoét lỗ từ đáy thạp lên miệng, để thông khỏi bị chua rượu; rồi lấy một miếng vải (hay bao chỉ xanh) đậy trên miệng thạp, xong mới đậy nắp. Buổi sáng cô phải nấu hai nồi rượu, mới đủ rượu bỏ quán và bán lẻ ở nhà. Một, hoặc hai tháng, cô vào xưởng cưa, mua củi và mụn cưa một lần, tìm xe chở về chất đầy sau chái bếp.

Cô xem việc học hành của các con như việc phải dậy sớm nấu rượu, nên dù mệt nhọc thế nào, cô vẫn luôn dành thời gian để dạy thêm cho con học. Làm bài tập về nhà xong, còn phải chuẩn bị trước bài học cho ngày mai, cô mới yên tâm cho các con nghỉ. Không những chăm chút cho các con học, cô Ba còn hướng dẫn, dạy thêm cho các cháu xung quanh xóm - cháu nào muốn học cô đều vui vẻ gọi đến, dạy dỗ tận tụy như hai con của mình. Cô sẵn lòng gát bỏ công việc nhà, chạy đến với bà con quanh xóm khi họ gọi đến cô.

Cô Ba chở rượu bỏ cho quán vừa về, mở cổng dắt chiếc xe đạp vào nhà, thì nghe tiếng bà Thư ngoài cổng:

- Cô Ba đi bỏ rượu mới về hả? Nãy giờ tui chờ cô về, có chút chuyện muốn nói với cô. - giọng bà ngập ngừng, Tui vào nhen.

Cô Ba vui vẻ:

- Mời thím cứ vào đi, chuyện gì mà phải chờ tui nãy giờ vậy?

Bà Thư vào nhà, ngồi xuống chiếc ghế nhỏ cạnh bàn - ái ngại:

- Cả đêm tui không thể nào chợp được mắt, tui nghĩ không ra cô Ba à. Tui nói để cô nghĩ giúp tui phải làm gì, sắp xếp thế nào cho ổn, chứ tui đau cái đầu mà chẳng biết phải làm sao, thiệt là con cái nó làm mình khổ quá, cô ơi.

Cô Ba nhìn bà Thư, gịọng thân tình:

- Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết, thím đừng quá lo lắng đau buồn, sẽ ảnh hưởng sức khỏe và công chuyện làm ăn, thím à! Cô Ba khẽ cười - Mọi việc rồi cũng sẽ qua, không sao đâu. Cô nhìn thẳng lên mặt bà Thư - Thím nói đi, thử tui có giúp được gì không.

Bà Thư ấp úng, ngượng ngùng:

- Con Nồng nhà tui nó có thai, giờ tui biết thì cái thai đã tám tháng rồi. Tui xấu hổ không dám nhìn ai, cô coi, tui phải làm gì, cái kiểu này chắc tui chết sớm quá cô ơi.

Nghe bà nói, cô Ba thoáng bàng hoàng, ngỡ ngàng, bởi mới hôm trước đây con Nồng cùng đi với cô ra thị xã mua đồ, thấy nó bình thường, mà sao bây giờ nghe đã có thai tám tháng.

Cô Ba ái ngại nhìn bà Thư, cảm thông nỗi lo âu của người mẹ; lòng thương yêu con, và nhất là sự hổ thẹn đã làm đôi mắt bà Thư thâm quầng. Cô đến ngồi bên cạnh bà Thư, cầm tay bà - giọng nhỏ nhẹ:

- Thím bình tĩnh đi, hỏi nó để biết cha đứa bé là ai, ở đâu, làm gì, để có thể tác hợp cho chúng nó.

Bà Thư chảy nước mắt:

- Người ta đã có vợ con rồi cô ơi, nó theo mấy đứa vào Sài Gòn phụ hồ, thằng đó là thợ xây, nghe nói nhà ở đâu dưới miền Tây lận; biết nó có thai là thằng kia trốn biệt, không lên Sài Gòn làm nữa – bà chép miệng, Có bao giờ thấy đứa con trai nào tới nhà chơi đâu, nên tui đâu có ngờ như thế này; nó nịt cái bụng làm sao mà cả nhà không ai hay biết gì; giờ nó không nịt nổi nữa, mình mới biết. Suốt đêm giờ nó đòi chết nữa chứ, tui chịu hết nổi rồi cô ơi.

- Chuyện đã xảy ra rồi, thím có chết sống cũng chẳng giải quyết được gì đâu thím ạ. Thím dạy nó, mình làm mình chịu, ai chịu giùm cho mà kêu than, đòi sống chết? Lỡ vậy, cứ đẻ ra nuôi, con mình, mình thương, thiên hạ nói gì kệ họ. Họ chỉ chờ có dịp là chê cười người khác thôi, đâu có ai thiệt lòng thương, đùm bọc mình.

Nhìn thấy bà Thư vẫn ngồi im lặng như gỗ - cô Ba cầm lấy bàn tay bà:

- Thím là chỗ dựa cho nó, thôi đừng có la mắng nó thêm làm gì; thím nên lựa lời an ủi để nó vượt qua bất hạnh mà sinh nở cho được mẹ tròn con vuông nhé!

Gương mặt căng thẳng, đăm chiêu của bà Thư như dãn dần ra, linh động hơn đôi chút -bà cầm tay cô Ba bóp nhẹ:

- Cảm ơn cô Ba nhen, lát nữa rảnh cô qua nói giùm với con Nồng ít câu đi.

- Dạ! Để chút nữa tui qua.

Cô Ba lấy nồi đong hai lon gạo vo rồi cắm điện, bật nút. Cô dọn dẹp nhà cửa sơ sài chỗ các con ngồi học, rồi vội qua nhà bà Thư. Nhìn con Nồng đang nằm khóc rấm rức trên giường, bụng đã lớn, sắp đến ngày sinh, cô thấy thương nó vô cùng. Một phút lầm lỡ, có hối tiếc cũng đã muộn màng, vừa mang nỗi đau, không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả gia đình, lại vừa gánh chịu sự lỡ làng cả cuộc đời.

Cô Ba ngồi xuống giường:

-Em đừng khóc nữa! Cô đặt bàn tay lên má Nồng - em hãy can đãm, vui vẻ chấp nhận để làm một người mẹ tốt nhé!

Nồng ôm lấy bàn tay cô Ba, khóc nức nở: “ Em cảm ơn cô! Em sẽ gắng…”

Quay về, lúc đi ngang qua nhà ông Phải, cô Ba bỗng nghe tiếng roi, tiếng ông la hét giận dữ, lẫn tiếng kêu khóc của thằng Tí và thằng Từ - con trai ông.

Tiếng khóc ngất của hai đứa nhỏ làm cô xót ruột - cô bước vội vào nhà ông Phải. Hai đứa nhỏ vừa khóc, vừa mếu máo “Con không biết, con không biết…”; dù ông Phải đang giận dữ, hét la: “Đứa nào lấy tiền trong ổ bịp rồi nhét giấy vào, hả?”.

Cô Ba ái ngại, đến gần bên ông Phải - giọng thân tình:

- Chuyện đâu còn đó, bớt giận đi anh - cô lo lắng, anh đánh chúng bầm cả mình vầy thì có lợi gì?

Ông Phải ngừng tay, giọng còn tức tối:

- Không giận sao được, cô Ba? Trong nhà này, hai anh em nó chứ ai vô mà nhất định không chịu nhận. Hũ bịp của con Hà, em chúng nó; ngày nào nó cũng nhịn ăn nhét tiền vào, vậy mà giờ đập ra toàn giấy không hà, tức điên lên được!

Cô Ba cười, dịu dàng:

- Đúng rồi, hai đứa nó chớ ai vô nữa. Thôi để đó tui hỏi nó cho - nói xong, cô quay qua nhìn hai đứa nhỏ, dỗ dành - tụi con lỡ làm như vậy thì nhận đi, mình làm mình chịu, phải can đãm, mới là con trai chứ! Cô hứa, sẽ không để ba con đánh nữa đâu. Không ai vào làm chuyện này cả. Nhận đi, để ba giận đánh chết không ai can được đâu.

Thằng Tí nói lí nhí:

- Nhận cho ổng đánh chết na cô Ba?.

- Ổng giận vì các con không chịu nhận nên mới đánh, nếu nhận là biết lỗi, hứa không làm như vậy nữa, thì ổng sẽ không đánh đâu. Có ai đi đánh người biết nhận lỗi bao giờ - cô hứa lần nữa nè, sẽ không để ba đánh hai con đâu.

- Thiệt hả cô Ba?

- Trời ơi! Sao không thiệt? Hồi giờ có thấy cô Ba hứa sai với ai chưa?

Thằng Tí ngập ngừng - lo sợ nhìn ông Phải:

- Ba ơi! Con lỡ lấy, ba đừng đánh con nữa nhen, từ rày về sau con không dám nữa.

Ông Phải xúc động, đôi mắt ứa đỏ - thoáng nhìn thằng Tí, thằng Từ. Ông cố nén cơn xúc động, nghiêm mặt, giọng dằn từng tiếng:

- Được rồi, từ nay không được làm như vậy nữa nghe chưa? Tao nể lời cô Ba, tha cho hai đứa.

- Dạ! Con biết rồi, con cảm ơn ba.

- Mầy cảm ơn cô Ba kìa, không có cổ là tụi mầy chết với tao.

Thằng Tí, thằng Từ quay sang cô Ba:

- Dạ! Con cảm ơn cô Ba.

Cô Ba cười vui, xoa đầu cả hai đứa:

- Các con nên nhớ là phải biết nhận lỗi thì mới trở thành người tốt được; không ai là không có lỗi, dù lớn hay nhỏ. Nhớ nhen! Cô bước ra cửa - Thôi, các cháu chạy xuống nhà sau tắm rửa cho sạch sẽ đi - quay qua ông Phải, Thôi, tui về nhen anh Phải.

Ông Phải cười, giọng ngập ngừng:

- Cảm ơn cô Ba nhiều nhen, thiệt tình tui có muốn đánh chúng nó đâu cô, may mà có cô giúp, nếu không - ông ngần ngại, không biết chúng sẽ ra sao nữa.

- Dạ! Không có gì đâu anh, bà con xóm giềng mà.

Một hôm, đã gần khuya, mẹ con bà Chín An chạy qua nhà cô đập cửa dồn dập:

- Cô Ba ơi! Mở giùm cửa, cho mẹ con tui gặp một chút.

Cô Ba vừa chợp mắt, thiu thiu ngủ, nghe tiếng gọi - lật đật ngồi bật dậy, bước ra mở cửa:

- Chuyện gì vậy bà Chín? Khuya rồi gọi tui chi mà gấp gáp vậy?

- Cô qua nói giùm với ông Hai Lân một tiếng, cho ổng mở cửa để con Hằng - vợ thằng Tú về, giúp tui với. Mẹ con tui qua năn nỉ nãy giờ mà ổng bảo, phải là cô Ba nói ổng mới nghe.

- Sao phải là tui? Tui là gì mà ổng nghe tui chớ.

Tú năn nỉ:

- Kệ mà cô Ba, tui lỡ tay đánh vợ mấy cái, không ngờ nó bỏ chạy vào nhà ông Hai Lân trốn trong đó. Con tui khóc quá chừng, nãy giờ mẹ con tui năn nỉ mà ổng không mở cửa, biểu có cô sang nói ổng mới chịu mở. Ổng sợ tui lại đánh vợ. Cô giúp giùm cho mẹ nó về chớ thằng nhỏ khát sữa khóc dữ quá, tui dỗ không được.

- Vậy, nó về cậu có đánh nó nữa không?

- Không đâu cô, tui biết rồi, lỡ tay thôi mà.

- Vợ chồng có gì đóng cửa dạy nhau, khi đánh đập là phải nhớ tới lúc chung chăn chung chiếu chớ? Con người ta về với mình, lo phụng sự gia đình mình, sinh con đẻ cái nối dõi cho mình, lại đánh đập rồi kêu lỡ tay; như vậy là thiếu hiểu biết, không hay đâu nhé - cô bỗng nhỏ giọng - thôi được, đi với tui.

Cô Ba cùng đi với mẹ con bà Chín An qua nhà ông Hai Lân. Cô gõ cửa:

- Anh Hai ơi! Mở cửa, tui có chút chuyện.

Nghe tiếng cô Ba, ông Hai Lân cùng vợ ra mở cửa. Ông cười chào:

- Cô Ba đấy à? Con vợ thằng Tú bị nó đánh chạy qua đây trốn nãy giờ, nó với mẹ nó qua kêu tui để con vợ nó về chớ con khóc. Cô biết đấy, nó cộc cằn, thô lỗ, lỡ để con nhỏ về, nó đánh nữa thì sao; cho nên tui nói nó qua nói với cô, có cô tui mới tin. Cô thông cảm nhen, đã làm cô mất ngủ.

Cô Ba cười:

- Không sao, anh chị nghĩ vậy thì tui nghe vậy, mong là tụi nó tốt với nhau, chớ đánh đập hoài cũng mệt. Thôi, anh chị để vợ nó về cho con bú chớ tội, chắc không sao đâu.

Bà Hai Lân gọi lớn vào trong:

- Hằng đâu, về cho con bú đi, nó không dám đánh nữa đâu, có cô Ba nói rồi.

Hằng từ nhà dưới bước lên, nhìn lấm lét:

- Dạ! Cảm ơn ông bà Hai, cảm ơn cô Ba!

Cô Ba nhìn Tú dặn dò:

- Về nhà dạy dỗ nhau, vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe, đừng có mà đánh nhau nữa nghe không? Thôi, về đi chớ thằng nhỏ khóc khô cổ bây giờ.

Tú lí nhí:

- Cảm ơn cô Ba! Cảm ơn ông bà Hai!

Chờ mấy mẹ con bà Chín An ra về, ông Hai Lân nói:

- Tụi tui cảm ơn cô Ba nhiều nhen! Hôm qua nhờ cô cho mượn mấy chục ký gạo cũng đỡ lo. Còn tháng nữa mới cắt lúa, ăn không giáp hạt, không biết mượn đâu. Tui biểu má sắp nhỏ xuống nhà con Thắm kêu bán lúa non, nhưng bã tiếc, nói là còn chưa được tháng cắt lúa rồi; bán hết, mai mốt càng thiếu nữa, chưa biết xoay sở ra sao. Cảm ơn cô nhiều lắm.

- Có gì mà cảm ơn anh chị ơi! Tui xoay sở được, mua gạo nấu rượu hằng ngày nên đôi khi mua thiếu người ta cũng bán. Coi như giúp nhau, mai mốt cắt lúa, anh chị đong lại có lúa mới nấu cho sắp nhỏ nhà tui vậy mà.

Bà Hai Lân cầm tay cô Ba, giọng trìu mến:

- Không ai như cô, mới nghe tui lo lắng nói thiếu ăn không biết chạy đâu, liền đưa mấy chục ký gạo liền. Thiệt tình xóm mình rất may mắn được cô về ở, không phải mình tui nói đâu nhen, ai cũng nói vậy cả. Hồi trước, xóm mình, cãi kình nhau suốt; giờ thì vui vẻ, thương nhau, ai thiếu gì thì chạy sang hàng xóm mượn. Cảm ơn cô Ba nhiều lắm đó.

- Không có gì đâu anh chị! Anh chị nói vậy tui ngại, mắc cỡ lắm à.

Nói xong, cô chào ông bà Hai Lân ra về, cảm thấy vui vui, bởi vừa nghe được những lời chân tình dịu dàng; bất chợt cô hát khẽ một bản tình ca của Phạm Đình Chương “Đường về canh thâu, đêm đêm ngõ sâu như không mầu...”. Nhìn lên bầu trời cao, ánh trăng dịu dàng rọi xuống lối đi, trên hàng dâm bụt một mầu vàng óng ả.


Cô Ba gỡ nồi rượu vừa xong, nghe tiếng chó sủa, tiếng người ồn ào ngoài ngõ. Tiếng bà Năm - nhà ở ngoài đầu đường, rổn rảng:

- Anh vào thử xem có phải người anh cần tìm không? Ở đây, chỉ có cô Ba như người anh tả, chớ có cô Hương nào như vậy đâu. Cô Ba có hai đứa con gái nhỏ, chắc là cổ đó - bà Năm nói vói vào - Cô Ba ơi! Xem có phải người quen của cô không?

Cô Ba bước ra sân, nhìn mọi người, cười thân tình, chợt có tiếng nói như reo:

- Chị Hương! Trời ơi, lâu nay tui hỏi thăm, tìm chị miết mà không biết chị ở đâu; may nhờ ông Hải chỉ mới tìm được đến đây. Ổng nói, ổng là người giới thiệu cho chị mua căn nhà nầy.

Cô Ba ngỡ ngàng nhìn người đàn ông vừa nói - thì ra là anh Tuấn, người cùng làng ngày xưa. Vợ chồng anh Tuấn và vợ chồng cô Ba là bạn chơi chung với nhau từ thời trẻ. Không biết vợ chồng Tuấn làm ăn thua lỗ thế nào mà nợ nần phải bỏ làng vào lập nghiệp ở Trãng Bom. Ngày ấy, cô Ba giúp vợ chồng Tuấn cách nấu rượu và cho mượn 300 ký lúa làm vốn khi lập nghiệp ở xứ người, chưa biết làm gì để sống. Từ ngày ấy, cô Ba không gặp lại vợ chồng anh nữa cho đến hôm nay.

Cô Ba nhìn kỹ, thấy anh hơi mập và trắng trẻo; có lẽ anh đã ăn nên làm ra, không còn vất vả, nghèo khó như trước. Cô mừng rỡ:

- Chào anh! Lâu quá, chắc hơn mười năm rồi thì phải. Chị Đào thế nào rồi? Mấy cháu khỏe chứ anh?

Tuấn vui vẻ:

- Mẹ con bã bây giờ sướng lắm chị ơi, có làm gì đâu. Đào ở nhà lo cơm nước và đưa đón mấy đứa nhỏ đi học thôi. Ngày ấy, nhờ chị giúp vốn và dạy cho cách nấu rượu, vào đó mới sống được. Tụi tui nấu rượu nuôi heo, ai thuê gì cũng làm. Rượu bỏ rất chạy, bán lẻ cũng rất đắt, nên tụi tui nuôi một lứa cũng trên chục con heo. Nhờ trời, mạnh giỏi không bệnh đau gì; bán lứa heo sắm cũng ba, bốn chỉ vàng; cứ thế tụi tui dành dụm, rồi mua được mẫu đất. Tui trồng chôm chôm và sầu riêng, vất vả ít năm, giờ đã thu hoạch rồi. Tụi tui bán cho họ tự hái, mình không làm gì cả.

- Tui mừng cho anh chị, vậy là tốt quá rồi.

Bà Năm cười thật to:

- Thì ra là người quen của cô Ba - quay qua Tuấn bà nói, chú biết không, ở đây không ai biết tên thật của cổ là gì, già trẻ ai cũng gọi cổ là “Cô Ba” lâu rồi quen, như tên người thân trong nhà.

Tuấn vui vẻ:

- Chị ấy rất tốt bụng. Chị đã giúp vợ chồng tôi “cần câu cơm” khi chúng tôi bỏ nhà ra đi ở nơi xứ lạ; chúng tôi mới sống được mà làm nên cửa nhà, vườn tược như ngày hôm nay đấy - quay sang cô Ba anh nói, năm ngoái vợ chồng tui có về tìm thăm Thanh và chị, thì mới hay chị đã không còn sống với Thanh nữa mà đã xa quê, đi đâu không ai biết. Đào cứ xuýt xoa, tội nghiệp chị mãi. Năm nay, tui về cố tìm cho được để thăm chị và các cháu, gởi lại “món nợ” năm xưa. Đã mười năm rồi, tui có gởi bao nhiêu cũng không vừa “món nợ ân tình” nầy; thôi thì chị cũng vui vẻ nhận cho vợ chồng tui vui, chị nhé. Mai mốt tui về nữa, có khó khăn gì chị cũng đừng lo, chúng tôi sẽ có dịp giúp cho mẹ con chị.

Cô Ba khẽ cười, ngại ngần:

- Anh nói hơi quá, gì mà “cần câu cơm”, gì mà “món nợ ân tình”? Tui xem Đào như chị em của mình, gặp cảnh khó khăn giúp nhau vậy thôi. Tui biết cách nấu rượu thì hướng dẫn giúp cho Đào vào trong ấy có việc làm kiếm sống chớ không nghĩ ngợi gì xa xôi đâu.

- Chị nghĩ vậy, chớ ai lại chỉ việc làm cho người khác - người xưa có nói “thà cho tiền, không dại cho nghề người khác”. Tui biết ơn chị nhiều lắm.

Bà Chín An, Ông bà Hai Lân nghe nhà cô Ba có khách lạ phương xa tìm thăm, lật đật chạy qua xem. Nghe Tuấn kể lại, bà Chín An góp chuyện:

- Ở đời, không ai dại gì truyền không nghề của mình cho người khác cả, chỉ mình cô Ba đấy. Nhưng mà ông anh đây là người trọng tình nghĩa, tìm thăm và biết ơn cũng rất hiếm.

Tuấn kể lể:

- Năm ngoái tui về có gặp Thanh, anh có vẻ buồn và hối hận lắm. Bà mẹ cũng vậy.

Bà Hai Lân cắt ngang lời Tuấn:

- Ôi cái thứ đó quên phắt đi cho nhẹ đời, hơi sức nào mà nhớ, mà buồn chi cho mệt.

Cô Ba - giọng ân cần:

- Tui quên hết rồi anh Tuấn ạ, chuyện qua thì để cho nó qua, “nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi” - nói xong cô cười phá lên, vui vẻ.

Ông Hai Lân ngồi nghe nãy giờ, góp chuyện:

- Đúng đó cô Ba, quên đi cho nhẹ người.

Mọi người có mặt đều cảm thấy vui vẻ, cười nói rổn rang. Ngoài kia, bầu trời trong xanh, tươi sáng hẳn lên. Mặt trời lên cao, nắng đã gắt. Cơn gió nồm từ hướng biển thổi vào, mát rượi, khẽ rung những cánh hoa Cánh bướm bên cửa sổ. Bầy chim kéc chợt từ đâu rủ nhau bay về đậu, chuyền cành, gọi nhau ríu rít trên cây khế sai trái.

04/2018