Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









HOA TRÀ



                           

H ôm nay con gà trống của tôi lại bị tấn công thêm một lần nữa. Sự kiện này xảy ra ngay sau bữa ăn trưa, lúc tôi vừa từ trên núi kiếm củi trở về.

Con gà của con Bích Xuân (con nhỏ đó có cái đầu thật to, cứng cỏi như đầu một con chim ưng) đang nhẩy chồm lên bám trên lưng con gà của tôi chẳng chút e ngại nào.

Đó là một trận đấu không bình thường chút nào: con gà trống của Bích Xuân mổ vào mào con gà của tôi thật hung tợn; Hai cánh nó phùng lên trong tư thế tấn công, rồi lùi lại lấy đà nhào tới cứ thế liên tục đánh con gà của tôi, chẳng chút thương tình con gà trống tội nghiệp của tôi. Còn con gà của tôi cái đầu vừa chúi xuống tận mặt đất vừa kêu nho nhỏ những tiếng "kích, kích, kích..." như rên rỉ van xin. Những vết thương cũ trên người nó chưa đủ thời gian để lành bây giờ lại rỉ ra những giọt máu.

Khi chứng kiến cảnh tượng con vật đáng thương của tôi phải hứng chịu, tôi có cảm tưởng rằng chính tôi đang bị rỉ máu như nó, cơn giận dữ bốc lên trong đầu tôi. Tôi dơ chiếc gạy mà tôi thường dùng để chống chiếc giỏ đeo lưng, kiểm soát cho thật chính xác cử động của tôi ... nói cho ngay thì thực tâm tôi cũng chỉ muốn đẩy hai con gà ra mà thôi...

♣ ♣

Nhất định là Bích Xuân đã tung gà của cô ta ra để đánh gà của tôi với mục đích làm tôi phải tức giận. Nhưng tại sao nhỉ ? cớ sự gì mà mấy bữa nay cái con qủy cái đó lại thường xuyên gây hấn với tôi ?.

Suy đi xét lại, tôi thấy rằng tôi chẳng làm gì để cô ta phải thù hằn tôi như thế .

Tôi tự hỏi: phải chăng là vụ mấy củ khoai tây xảy ra cách đây bốn ngày. Mà trong cái vụ này tôi thấy mình chẳng sơ sót điều gì : Lúc đó, tôi đang cắm cúi chăm chú hết sức để đặt lại cái hàng rào nhà tôi. Phần cô ấy, Bích Xuân , cô ấy lúi húi như người đang tìm một cây thuốc trong núi, nhưng thực tế, có lẽ cô ta đang theo dõi rình mò tôi. Cuối cùng, cô ta lại gần tôi với những bước đi như một con cáo từ mé sau lưng tôi, rồi lên tiếng với giọng điệu như để chọc ghẹo :

- Anh làm việc một mình hả ? .

Từ trước đến lúc đó, hầu như tôi và cô ấy chẳng bao giờ nói chuyện với nhau ngay cả những lúc bắt buộc phải chạm mặt , cả hai đều làm như không ai nhìn thấy ai. Còn bây giờ, nguyên cớ gì mà đột ngột cô ta lại đến bắt chuyện với tôi nhỉ?

Một người con gái đã lớn, tồng ngồng như một con ngựa cái đang vào tuổi "nhẩy đực", sao lại dám đến quấy rầy đàn ông con trai giữa lúc người ta đang làm việc được nhỉ ?

- Bộ cô ngạc nhiên khi tôi làm một mình hử? Bộ làm việc này phải cần có nhiều người hay sao chứ ? Tôi vặn ngược lại cô ta.

- Anh, anh thích làm việc nhỉ ? Anh đã làm sắp xong hàng dậu rồi chưa ? Anh có thể chờ đến hè...

Sau đó cô ta tiếp tục kể với tôi vài chuyện tầm phào, chuyện nào chuyện nấy y hệt như nhau : nhạt như nước ốc. Bất thình lình cô ta đưa tay lên che miệng ra dấu như sợ người khác nghe được rồi ngay sau đó ngặt nghẽo cười thật là vô duyên. Trước cảnh tượng này tôi tự hỏi có phải là những sợi giây thần kinh trong đầu Bích Xuân đang bị "chạm điện" hay không nữa. Lạ lùng nhất là sau khi đã nhìn trước ngó sau về hướng nhà cô ta, bất thần, cô ta chià ra dưới mũi tôi, mấy củ khoai tây hình như đã dấu sẵn trong bụng dưới tấm áo che ngoài cô đang mặc, những củ khoai to tướng vừa mới luộc.

- Ở nhà anh nhất định không to được như thế này ! Bích Xuân hãnh diện nói.

Rồi cô ta bảo tôi phải ăn ngay đi nếu không thì người bên nhà cô sẽ biết được ra là cô ta đã lấy, sau đó cô còn nói rõ thêm :

- Anh biết không khoai về muà xuân bao giờ cũng ngon.

- Tôi không ăn đâu. Cô hãy ăn đi!

Không quay đầu lại nhìn, tôi từ chối giản dị bằng cách đẩy tay cô ta ra. Nhưng Bích Xuân lại tỏ vẻ không muốn đi. Tôi có cảm tưởng là hơi thở của Bích Xuân trở thành khàn nặng.

Vì không biết chuyện gì đang xảy ra nên tôi ngoảnh lại nhìn: mặt Bích Xuân đang đỏ lên như quả gấc chín, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng như thế từ 3 năm nay khi đến cư ngụ ở cái làng này. Đôi mắt Bích Xuân toé ra những tia giận dữ. Cô ta đứng sững một hồi lâu, rồi (thật khó tin như thế) cô ta khóc. Khóc xong, Bích Xuân thu xếp, đôi môi mím chặt lại và rút lui. Tôi đứng nhìn cô ta chuồn theo mé đường đê phía sau nhà, rồi len lỏi trên những bờ ruộng. Cô đi thoăn thoắt đến độ gần như bị vấp ngã ít nhất cũng vài ba lần.

Mỗi khi những bậc bô lão trong làng cười khảy bảo Bích Xuân :

- Đã đến lúc mày phải kiếm một tấm chồng chứ !

Bích Xuân đáp lại chẳng chút thẹn thùng :

- Ông đừng lo, rồi cũng sẽ đến lúc đó...

Cô ta chẳng chút e thẹn nào đặc biệt gì với tôi và cô ta cũng lại chẳng phải như những cô gái khác dễ dàng bật khóc trước một điều "có" hay một điều "không". Nếu cô ta có gì bực dọc tôi thì tôi đoan chắc rằng cô ấy nhất định sẽ không ngần ngại gì mà chẳng giơ chân lên đá ngay vào người tôi mấy cú.

Thôi đúng thật rồi!.

Đúng là ngay sau khi việc "cho ăn khoai tây" này xảy ra thì cô ta khởi sự kiếm hết chuyện này sang chuyện khác để làm cho tôi phải bực mình.

Thì cứ cho là tôi không được lịch sự trong vụ này, tôi chấp nhận như thế, khi không nhận khoai tây của cô . Nhưng lại thử hỏi về phần cô ta : cái gì đã cho phép cô ta bảo chắc là bên nhà tôi không có được những củ khoai tây to như bên nhà của cô ấy ? Mà câu chuyện xảy ra chắc sẽ giản dị nếu cô ta chỉ việc cho tôi khoai mà đừng thêm thắt bình phẩm "khoai to" "khoai nhỏ" gì .

Cha mẹ cô ta là quản lý đất ruộng cho chủ điền, còn chúng tôi, chúng tôi phải lao động trên phần đất mà cha cô ta giao cho. Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi luôn phải tỏ ra "biết điều" với họ.

Lúc vừa mới đến cái làng này chính họ là người đã cho chúng tôi mượn một khoảnh đất để cắm dùi và họ đã giúp đỡ chúng tôi dựng một mái tranh che mưa trú nắng. Cha mẹ tôi nhiều khi trong nhà chẳng có gì ăn cũng thường sang bên họ vay mượn. Cha mẹ tôi luôn luôn bảo rằng trên đời nay rất ít người tốt như cha mẹ của Bích Xuân, tuy thế mẹ tôi cũng thường nhắc nhở tôi đừng nên quá thân mật với Bích Xuân vì như vậy sẽ làm cho người trong làng ghét bỏ gia đình tôi. Thiên hạ có thể bàn ra tán vào, dè bỉu khi thấy những cập thanh niên, thanh nữ quá thân cận nhau vả lại nếu có điều gì xảy ra giữa tôi và Bích Xuân mà làm cho cha mẹ cô ấy bực bội thì cả nhà chúng tôi sẽ chẳng còn nơi nương náu làm lụng sinh sống gì được nữa. Như vậy thì thử hỏi lý do gì mà cái đồ qủy cái đó lại cứ la cà bên tôi? Chắc hẳn là cô ta muốn làm cho tôi phải khổ sở ?

Hôm sau, tôi như một con lừa, đang khiêng củi trên lưng từ núi xuống, về đến gần nhà của Bích Xuân, bất thình lình nghe tiếng đập cánh và tiếng la hét. Tôi tự nhủ rằng chắc có người đang làm thịt gà. Nhưng khi đến hàng rào nhà Bích Xuân thì tôi phải khựng lại, mở mắt thật to để chứng kiến một cảnh tượng khó có thật : Ngồi trên ngưỡng cửa nhà bếp, Bích Xuân đang bắt một trong những con gà mái, con gà đẻ mắn nhất của nhà tôi rồi cứ thế vừa đập con gà mái vừa lớn tiếng hét: "Này, tao cho mày chết, đồ qủy cái, chết..."

Cô ta dập con gà nhưng không đập lên đầu mà lại đập ở phao câu chắc chắn với ý đồ là làm cho con gà không còn có thể đẻ được nữa...

Thế là tôi điên tiết lên, rồi khi nhận ra được rằng cả nhà cô ta đều đi vắng, tôi vừa hét vừa cầm cây gạy đập vào hàng rào nhà cô ta :

- Ê con qủy cái ! mày không muốn gà của tao còn đẻ trứng được nữa phải không ?.

Cô ta chẳng tỏ ra chút ngạc nhiên nào mà còn ngồi thẳng dạy rồi say mê tiếp tục đập con gà mái của tôi làm như cô ta đã sắp đặt đợi đúng lúc tôi từ trên núi về để làm trò này. Tôi tin chắc rằng Bích Xuân đã bắt sẵn con gà của tôi từ trước chờ lúc tôi về đem ra để đánh đập nó.

Tôi, tôi không thể vào được sân nhà cô ta để cho cô ta một cái bạt tai nên chỉ còn có nước ở ngoài lấy cây gạy đập mạnh vào hàng rào sân nhà cô ta. Mỗi một cú tôi đập là một mảnh ván bay ... cuối cùng hàng rào chỉ còn lại mấy cây cột trụ. Tính ra thì tôi quả cũng chỉ là một thằng ngốc.

- Cái con qủy cái, mày nhất định giết con gà của tao hả ? Tôi trợn mắt thét lớn .

Cuối cùng, ở bên trong hàng rào, Bích Xuân chạy lại phía tôi vừa quẳng con gà vào mặt tôi vừa gân cổ hét :

- Trả cho mày cái con gà ghê tởm này.

- Nếu nó ghê tởm thì vì lẽ gì mà mày bắt nó ? Con khốn kiếp kia !

Điều làm tôi không còn kiềm chề được nữa vì khi Bích Xuân ném con gà vào mặt tôi, con gà đập cánh và để vãi ra trên trán tôi một bãi cứt nhão nước...với tình hình như thế, ruột gan con gà của tôi hẳn đã bị dập nát.

Chưa hết,cái con qủy cái này lại còn hạ thấp giọng nói để chọc giận :

- Ê! thằng đại ngu ơi, hình như mày bị tàn tật bẩm sinh phải không ?

Nếu chỉ như thế cũng đã qúa quắt lắm rồi, cô ta còn tiếp tục :

- Còn cha mày, hình như ông ấy cũng bị bất lực thì phải?

- Sao ! Cha tao hả, bất lực ! Tôi hét lên rồi quay đi - nhưng, vừa lúc nãy cô ta đứng bên cạnh hàng rào mà bây giờ thoắt một cái đã biến mất. Tôi đành phải bỏ đi nhưng rồi cô ta lại hiện ra để tiếp tục nguyền rủa tôi ... Cơn điên bùng bùng trong người tôi, nhưng tôi cũng chẳng làm được gì khác nữa để đối đầu. Tôi không còn là tôi nữa, lảo đảo vấp phải cục đá đầu ngón chân tôi rỉ máu, nước mắt ràn rụa vì tức.

Bích Xuân chẳng thèm đếm xỉa gì đến những điều đó mà vẫn tiếp tục rình rập lúc bên nhà tôi không có ai là cô ta ôm con gà trống của cô đến thả đánh con gà trống của tôi. Cô ấy thừa biết rằng con gà của cô thuộc loại chiến và lần nào cũng như thế, con gà của tôi luôn bị "sứt đầu, đứt tai", nếu gà của tôi không ra khỏi chuồng thì cô ta rải thóc để nhử nó đi ra ...

Trong tình trạng như thế, tôi bắt buộc phải làm thử một điều gì chứ!

Bữa đó, tôi ôm con gà của tôi đến cạnh cối giã ớt và cho nó nuốt ớt vì tôi nghe người ta thường bảo gà nuốt ớt cũng như bò rừng nuốt rắn độc khi đánh nhau sẽ như không có đối thủ.

Tôi lấy một đĩa ớt rồi đặt dưới mỏ nó. Hình như nó cũng thích nên đã nuốt gần hết một nửa đĩa. Sau đó, tôi nhốt con gà của tôi trong lúc đợi ớt ngấm.

Tôi tải phân ra ruộng, được khoảng hai, ba chuyến gì đó, trong lúc tạm nghỉ, tôi lại xem con gà của tôi ra sao.

Xung quanh lúc đó chẳng có ai, tôi ôm con gà ra... để thử xem kết qủa ra sao. Bích Xuân ở trong sân nhà , có lẽ đang chồm hổm xếp quần áo hay làm gì đó tôi cũng không biết nữa.

Thật nhẹ nhàng, tôi tiến lại gần nơi con gà trống của cô ta đang ăn rồi thả con gà của tôi xuống. Hai con gà lao vào nhau. Lúc đầu chẳng có điều gì khác lạ xảy ra : con gà của tôi bị lãnh mấy cú và bị chảy máu. Nó vỗ cánh, chồm lên... nhưng không mổ được con gà của Bích Xuân . Rồi như tập trung sức lại, nhẩy lên mổ một cú ngay trên đầu và mắt đối thủ. Con gà của Bích Xuân như ngạc nhiên, lùi lại trong lúc con gà của tôi lợi dụng tình thế cho thêm một cú vào mào . Mọi lần gà của Bích Xuân rất dữ tợn nhưng lần này cũng phải đổ máu.

Tôi đã tìm ra được phương thức cần thiết, nước xốt ớt. Chưa bao giờ tôi hài lòng như vậy. Cũng ngay đó, Bích Xuân xuất hiện ở bờ rào, đôi chân mày nhíu lại: cô ta ngạc nhiên khi nhìn thấy chính tôi lại là người khởi xướng trận đấu gà. Nhìn thấy cô ta, tôi thực sự hài lòng rồi vỗ đùi khuyến khích chú gà của tôi: " Tiến lên ! tiến lên ! Hoan Hô !".

Nhưng một lúc sau...tôi phải tự dịu xuống, ngậm họng lại: bất thình lình con gà trống to của Bích Xuân trở lại tình trạng hung dữ rồi bắt đầu tấn công trở lại . Con gà của tôi chẳng còn đánh đá được gì nữa, nó đang bị đè bẹp. Bích Xuân khởi sự lớn tiếng trêu chọc.

Tôi chẳng còn thể chịu đựng gì được nữa, nhào vào ôm gà của tôi rồi lủi thủi ra về.

Chắc là tôi chưa cho gà tôi ăn đủ nước xốt ớt và lẽ ra tôi phải chờ lâu một chút. Tôi lại cho nó ăn nhưng có lẽ còn bị khích thích nên nó không muốn ăn thế là tôi đè nó xuống đất, lấy phểu đổ vào miệng nó. Nó nghẹn họng ,sặc sụa, có vẻ như khốn khổ chịu đựng song tôi tự nhủ rằng chẳng thà như thế để tránh cho nó hàng ngày khỏi phải tiếp tục trả giá đắt .

Sau khi đã cho nó ngốn hết hai đĩa ớt, tôi thấy rằng thực sự đã đủ cho công việc cần phải làm. Con gà của tôi sau trận đấu đã lừ đừ khởi sự quẹo đầu quẹo cổ rồi...nằm ngất đi . Hoảng hồn hoảng viá, tôi vội vàng ôm nó đem dấu trong chuồng gà để cha tôi không trông thấy. Sáng hôm sau nó mới tỉnh táo đứng được dạy.

♣ ♣

Ấy thế mà cái con Bích Xuân qủy quái này lại lợi dụng lúc mọi người đều đi vắng, dẫn thân đến để kiếm chuyện trong khi con gà của tôi còn ngoặt ngà ngoặt nghẹo.

Mặc dù tôi có lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của con gà của tôi thì tôi vẫn còn phải vào núi kiếm củi. Vừa chặt những cành cây khô tôi vừa có ý nghĩ là phải tìm dịp vặn cổ con Bích Xuân cho nó biết tay. Vừa nghĩ vừa rảo bước, trên lưng tôi một giỏ củi thật đầy. Tôi tự nhủ, lần này, khi về, tôi sẽ phải giáng cho cô ta một cái bợp tai nếu cô ta đem gà của cô ấy sang đánh gà tôi.

Về gần đến nhà, tôi nghe có tiếng thổi còi. Tiếng đập cánh đồm độp... Tôi dừng lại.

Quanh tôi đầy những cây hoa trà nở bông vàng rực mọc lên từ kẽ những tảng đá lớn.

Bích Xuân, con qủy cái đang ngồi ở đó, chính cô ta là người thổi còi. Con qủy cái này muốn chọc tức tôi đây mà, nó cố tình ngồi đấy, giữa đường, cho hai con gà đánh nhau, để đợi tôi!. Quái qủy hơn, cô ta lại gỉa bộ như không nhìn thấy tôi cứ thế tiếp tục thổi còi .

Chẳng còn kềm hãm được nữa, tôi nổi điên, mắt loé lửa. Tôi không đặt mà quẳng cái gùi củi xuống đất , cầm cây gạy chồm tới.

Con gà của tôi, tôi đã biết chắc như thế mà, mình mảy đầy máu đang quằn quại dưới đất. Điều tệ hại hơn nữa là Bích Xuân vẫn ngồi tỉnh bơ. Thật quá quắt ! Tôi, tôi đã tưởng rằng (cả làng đều nói thế) cô ta là một thiếu nữ gương mẫu, xinh xắn, cần cù...nhưng lúc này , khi nhìn kỹ , thì đôi mắt của Bích Xuân giống hệt như một cặp mắt cáo.

Thế rồi tôi lao tới, và , trước khi nhận được ra mình làm điều gì thì con gà trống của Bích Xuân đã lăn quay nằm không nhúc nhích trên nền đất. Nó đã chết thực , chẳng còn cựa quạy gì nữa.

Tôi, lúc đó, đứng chết trân. Bất thình lình tôi bị ngã chỏng quèo: Bích Xuân, đôi mắt trợn tròn vì tức giận, nhẩy chồm lên người tôi :

- Đồ đểu giả! Sao mày lại đánh chết con gà của tao?

- Tại sao không ? tôi vừa đáp lại vừa ngồi dạy.

- Mày có biết con gà này là của ai không ? Vừa hét Bích Xuân vừa đạp tôi thêm một cú nữa .

Khi tỉnh táo lại được thì tôi vừa tức mà lại vừa mắc cở. Một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu tôi: chúng tôi có thể sẽ bị trục xuất ra khỏi nhà, sẽ bị thu hồi lại đất...vì tôi vừa làm một việc quá sức ngu xuẩn: đánh chết con gà của nhà Bích Xuân. Tôi cố đứng lên, che úp mặt vào hai ống tay áo rồi cứ thế tôi nấc nở khóc.

♣ ♣ ♣

Rồi ... Bích Xuân tiến lại gần tôi và thật nhỏ nhẹ lên tiếng :

- Anh đừng làm như vậy nữa nghe?

Tôi có cảm tưởng như cô ta vừa đưa cho tôi , kẻ đang sắp bị chết đuối , một tấm ván. Lau nước mắt, chẳng kịp suy nghĩ về điều mà cô ta vừa nói là "đừng làm cái gì nữa" tôi gật đầu đáp lại : "Ừ".

- Nếu mà anh còn khởi sự thì Bích Xuân cũng sẽ tiếp tục chọc ghẹo anh đó.

- Đồng ý, tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa.

- Đừng lo về vụ con gà bị chết, Bích Xuân không kể lại gì với cha mẹ Bích Xuân đâu.

Tiếp đó, vì xô đẩy tôi hay như thế nào cũng không rõ ... Bích Xuân ngã ngửa xuống đất hai tay níu giữ hai vai tôi nên tôi cũng bị ngã đè lên trên người Bích Xuân và bắt buộc tôi phải ôm chặt thân thể cô ta.

Mũi tôi nằm chúi trong đám hoa trà và mái tóc của Bích Xuân. Mùi hoa hay mùi tóc của Bích Xuân đã làm tâm trí tôi hoàn toàn bay bổng. Tôi có cảm tưởng thế giới đang đổ ụp xuống tôi .

- Đừng nói lại chuyện này nghe ?

- Em xin hứa! Bích Xuân nhẹ đáp

Ngay khi đó một giọng réo gọi vang lên từ mé dưới :

- Bích Xuân ơi ! Bích Xuân ơi ! mày ở đâu rồi ? Đã khâu vá xong chưa ?

Đó là giọng của mẹ Bích Xuân. Chắc bà vừa về đến nhà , chẳng hài lòng khi không thấy cô con gái nên đã gọi tìm .

Vẻ lo lắng nhưng cũng thật dịu dàng, Bích Xuân gỡ tay tôi ra, bàn tay âm ẩm , nhẹ đẩy tôi dạy, không nói một lời, nàng trèo qua những đám hoa rồi khuất dạng trên con đường mòn dẫn xuống làng.

Phần tôi, tôi leo lên những tảng đá, đi ngược chiều để trở vào núi.