Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










ÁO THƠM MÙI NẮNG






S ài Gòn chỉ có hai mùa: sáu tháng của mùa mưa và sáu tháng vào mùa nắng, không có Xuân Hạ Thu Đông như ở Huế hay là Hà Nội.

Nhà của bà quay mặt về hướng Đông, người ta nói đó là hướng đẹp nhất vì được đón ánh nắng mặt trời buổi sáng, mà nắng ban mai thì thật là tốt cho sức khỏe, nó làm chết mọi thứ vi khuẩn bám quanh người, quanh nhà… Bà rất quí ánh nắng mặt trời dù đó là thứ ánh nắng của tạo hóa chỉ đem cho không, biếu không mà lại còn rất hào phóng trong việc ban phát cho con người và vạn vật.

Vào sáu tháng của mùa nắng nhưng đôi lúc cũng có những ngày hơi âm u, về phần sáu tháng của mùa mưa thì cũng có những ngày rực nắng như để bù qua sớt lại cho nhau. Nắng không có màu gì nhất định vì có thể nắng không có màu, nhưng những người có tâm hồn thơ ca lãng mạn đã tặng cho nắng đến hai màu; mỗi khi diển tả màu nắng sáng người ta ưa ví nắng có màu HỒNG, và lúc chiều về thì nắng có màu VÀNG hanh. Nhưng tuyệt nhiên không ai biết và cũng chẳng ai thèm quan tâm là nắng có mùi hay không? Nhưng với riêng bà thì bà biết rằng thật sự nắng có mùi; bởi vì bà là người đã rất thường “hôn” mùi nắng.

Ngày trước lúc còn trẻ; đối với bà thì nắng mang mùi khét trên mái tóc của những đứa con khi chúng chơi đùa ngoài nắng, và bây giờ khi về già thì nắng đọng trên tóc của những đứa cháu, bà thích hôn vào mái tóc khét nắng của các cháu và mắng yêu rằng

- Cha bây, lại đi dang nắng nữa rồi.

Đứa cháu ngoại chối:

Đâu có, con chơi trong mát mà.

Bà cười:

- Còn chối hả? Tóc con có mùi khét nắng đây nè.

Khi tóc đội nắng rong chơi thì nó có tên là mùi tóc“khét nắng”, nhưng ngoài mùi khét ấy ra nắng còn có thêm một mùi nữa thật là dễ thương; đó là khi áo quần được đem phơi ngoài nắng, đến chừng khô rồi nó có một cái mùi thật dễ thương, rất lạ lùng; bà gọi đó là mùi thơm của nắng.

Mỗi buổi sáng bà thường thức dậy rất sớm, như một chiếc đồng hồ báo thức không cần có dây cót. Khi những sợi nắng đầu tiên của một ngày vừa chiếu vào những ô cửa kiếng là bà thức dậy, làm vệ sinh đâu vào đó rồi thì nấu một ấm nước sôi châm bình thủy, pha một ly G7 loại “ba trong một”, thích thú tận hưởng mùi cà phê thơm ngào ngạt. Khi các con rục rịch đi làm thì bà cũng làm công việc của mình: đó là phơi quần áo.

Không biết từ lúc nào bà đã có thói quen thích phơi quần áo, nói đúng ra là vì bà thích hôn mùi nắng trên cái áo cái quần của những người trong gia đình. Mỗi khi mớ áo quần đã được phơi khô bởi ánh nắng của mặt trời, bà đem vào nhà rồi úp mặt mình vào từng cái áo của từng người trong gia đình để hít thật dài, thật sâu mùi của nắng bám vào trong đó, một cái mùi thật dễ chịu, một mùi thơm nồng nàn, lạ lùng đầy quyến rũ, sau đó bà ngồi tẩn mẫn vuốt vuốt từng cái rồi xếp lại cho ngay ngắn. Mỗi người trong gia đình bà có một mùi riêng biệt của thân thể nên áo quần của từng người khi được thấm đẫm mùi nắng thì cũng có một mùi thơm khác nhau.

Sáu tháng nắng của Saigon đáp ứng trọn vẹn sự yêu thích của bà, ngày nào bà cũng được hít mùi thơm nồng của nắng đọng trên vải áo. Những người con của bà lớn lên theo ngày tháng và màu nắng vẫn nồng nàn trên áo của các con vì luôn có bàn tay bà trăn trở chăm sóc.

Đứa con gái lớn lấy chồng xa xứ, rồi tiếp đến đứa con gái kế cũng đi theo chồng, bà nhớ quay quắt từng đứa con gái với cái mùi riêng biệt của chúng nó khi nắng đọng trên áo của con gái mình.

Bây giờ nhà chỉ còn lại hai người con: một trai một gái và vợ chồng bà.

Rồi đứa con trai cưới vợ, dù bây giờ nhà đã có con dâu nhưng bà vẫn dậy sớm để làm công việc mình yêu thích; đó là phơi áo để lấy mùi nắng cho áo con thơm nồng. Không có mùi thơm nào cho bằng mùi nắng, bà luôn nghỉ như thế, bà không muốn bỏ phí một chút nắng nào của trời cho, với bà đó chính là món quà tặng mang một giá trị vô cùng to lớn.

Cùng một lúc hai đứa con gái xin đem chồng con của chúng nó về nhà ở chung với ông bà cho tiện việc làm ăn, như ngày xưa khi chúng chưa đi lấy chồng…Bà nghỉ trong lòng “hình như hai đứa con gái của mình rủ rê nhau quay về?...mặc dù đứa nào cũng có nơi chốn riêng tư. Ông vui lắm vì nhà đông con đông cháu là phước lộc trời ban. Mọi chuyện ngỡ rằng vui nhưng rồi bắt đầu lộn xộn vì chuyện “chị chồng em dâu”, các cô con gái không cam lòng khi nhìn cảnh mẹ già mỗi sáng sớm đi phơi áo quần cho con dâu – dù trong số đó có luôn áo quần của vợ chồng con cái nó - con gái lớn nói với bà, vẻ không vui:

- Nhà đã có con dâu rồi, mọi chuyện mẹ phải để cho “mợ ấy” làm. Mẹ phải nghỉ ngơi cho khỏe, áo quần của đứa nào đứa đó tự phơi lấy…

Đứa con gái kế nguýt cô em dâu, mát mẽ:

- Mẹ đừng làm gì cả, áo quần của tụi con thì để tối đi làm về tụi con phơi, con dâu không lo cho mẹ thì thôi chứ có đâu mẹ phải lo cho tụi nó…

Bà cười hiền lành:

- Mẹ tiếc nắng trời cho con à, phơi áo quần được nắng…thơm lắm.

- Mẹ ơi, con mua Comfort để ngăm xả áo quần thì thơm phức đi ấy chứ.

- Nhưng làm sao bằng mùi của nắng hả con, ngày xưa làm gì có Comfort mà áo quần của các con vẫn thơm lừng đó thôi, ấy là nhờ có mùi nắng của trời cho.

Cô con gái lớn bực mình nên vùng vằng với bà:

- Mẹ thương con dâu, thích “làm ôsin” cho nó nên giả bộ nói thế chứ mùi nắng có gì mà thơm…

Bà ứa nước mắt vì con mình nó không hiểu mình.

Dù mấy cô con gái khó chịu can ngăn không muốn bà “làm tôi mọi” cho con dâu, nhưng lòng bà rất xót xa, tiếc rẽ khi thấy nắng phủ đầy sân trống trong khi áo quần của các con, các cháu sắp lớp từng thau ở trong phòng giặc đồ. Lòng không đành…bà lại đem ra phơi.

Hai cô con gái lớn thôi không ngăn mẹ nữa mà quay lại dồn hết chuyện phơi phóng quần áo cho bà. Bây giờ mỗi buổi sáng bà lại phải phơi đến bốn sào đồ của bốn gia đình trong một đại gia đình.

Năm tháng qua đi, tuổi già đọng lại trên hai cánh tay run, đôi khi cố gắng hết sức nhưng đôi tay bà không thể nào với cao lên tới tầm sợi dây phơi, bà thường xuyên nằm trên giường vì đôi chân nhức mỏi, lòng bà không đành; cảm thấy như rằng mình đang để lãng phí ánh nắng trời cho. Chẳng cần đứa con nào ngăn cản, tự tuổi già và sức khỏe của bà ngăn bà làm cái việc mà bà rất thích. Nhìn nắng nhảy nhót ngoài sân mà bà thèm lắm, bà nói:

- Phải chi bắt được một chút nắng vào trong phòng cho phòng mình thơm mùi nắng sáng.

Ông kê một ghế nắm ở gần cửa cho bà; nơi đó có nắng.

Các con của bà lúc nào cũng lụp chụp mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà, thật tình nếu có chút cố gắng chúng nó cũng có thể dậy sớm hơn chừng mười phút để phơi phóng áo quần, nhưng đối với tuổi trẻ bây giờ thì…mười phút nắm nướng trên giường là mười phút vàng ngọc sung sướng nhất của một ngày, nên chi…các con bà chỉ rảnh vào chiều tối, hể đi làm về là tranh nhau mạnh đứa nào đứa nấy dồn hết đồ vào trong máy giặt, bấm nút để đó, chừng nào nhớ thì đem ra phơi, vậy nên áo quần chúng nó chỉ phơi lấy được chút ít gió chiều, có khi vì không nhớ chúng nó để đến hai ba ngày sau mới đem phơi nên áo quần có mùi khăm khẳm dù đã được ngâm với Comfort.

Chiều nay cũng như mọi buổi chiều khác đứa cháu ngoại vào chơi với bà, bà ôm nó vào lòng và hôn vào lưng áo cháu, áo có mùi phèn. Bà nói:

- Bà không phơi áo cho các cháu nên áo các cháu không còn thơm mùi nắng nữa, tiếc quá.

Đứa cháu dụi đầu vào ngực bà, nó cười:

- Bà ơi, áo bà vẫn thơm mùi nắng đó kìa. Ai đã phơi áo cho bà vậy?

Bà vuốt tóc nó:

- Ông phơi cho bà đấy.

- Bà ngoại ơi, cháu cũng thích mùi nắng như bà, lâu rồi áo cháu không còn được thơm mùi nắng bởi vì bà không còn phơi áo cho cháu, cháu cũng tiếc như bà.

Cháu chỉ mới sáu tuổi thôi nhưng cháu đã hiểu được bà, cháu ơi, điều này làm cho lòng bà ấm lại.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã gởi từ SàiGòn .