Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










TÌNH QUÊ XA KHUẤT



                           

M ột chiếc xe ngựa mui trần chở đầy dưa hấu đến dừng trước cổng nhà ông An. Người đánh xe là một cô gái khá xinh, vóc dáng đẹp, trông nhanh nhẹn mạnh mẽ như đàn ông. Cô gái xách mấy trái dưa đựng trong chiếc giỏ mây vào, nói với Duy Ninh:

“Em gởi giỏ dưa cho chú Tám”.

Thấy cô gái hay hay, Duy Ninh ghẹo:

“Dưa này tặng hay biếu đây, cô em?”.

“Dạ, tặng đấy ạ”.

“Nhưng phải biết của ai, tôi mới nhận”.

“Của hàng xóm, nhà kia – cô gái chỉ ngôi nhà ngói mới ở kế vườn ông An – của em, em là Son”.

“Son, chị thằng Hưng, tôi biết rồi. Thế mà tưởng ai!”.

Cô gái cúi chào: em về.

“Cảm ơn cô Son. Hôm nào tôi sẽ qua chơi, nhờ cô dạy đánh xe ngựa”.

“Không dám dạy đâu, nhưng em chẳng giấu nghề, trong một buổi biết ngay, dễ ợt, anh Ninh à! – Son cười, hàm răng đều, trắng bóng, nụ cười mặn mà”.

“Vậy ra cô cũng biết tên tôi. Thế là chúng ta quen nhau rồi nhé!”.

… Qua những lần trò chuyện với cậu bé Hưng, Duy Ninh biết ông Mới – cha Son – làm nghề đánh xe ngựa. Son có một chị đã có chồng. Hưng là em út, kém Son bảy tuổi. Những việc đồng áng của nhà ông Mới như trồng mía, mì, sắn nước đều do Son đảm trách. Cô gái cày cuốc, khuân vác gọn gàng, khỏe không thua trai tráng.


♣ ♣ ♣

Làng cận sơn Mậu Lâm nằm trên bờ sông Bương, một con sông nhỏ, đẹp. Sáu mươi ngôi nhà ẩn mình dưới bóng tre, mít, khuất sau những ruộng mía um tùm. Lặng lẽ, yên tĩnh, ở đây ít khi nghe được tiếng động gì lớn. Đất thổ cư, vườn cây ăn trái rộng, nhà cửa cất cách xa nhau, nơi nào gần nhất cũng trăm mét… Ban ngày, trên các thửa ruộng mía, đất mì thanh niên nam nữ đội nón lá, khăn che mặt, cặm cụi xới đất, cuốc cỏ. Trẻ em tụ tập chơi trước sân trường, hoặc tắm dưới bến đò… Làng hẻo lánh, cách núi chỉ một cây số, cách quốc lộ I và đường xe lửa đến ba mươi cây số, chưa có điện, xa ánh sáng văn minh. Hưng nói, xưa giờ em mới được lên chợ huyện có ba lần. Tuy thế, về vật chất dân làng không nghèo lắm, sống khá ung dung, nhàn hạ, nhờ đất nhiều và màu mỡ… Mậu Lâm không có nhà tranh, tất cả đều lợp ngói. Hộ khá giả xây tường gạch, hộ yếu hơn thì trét vách đất. Có thể xếp khoảng một phần ba số gia đình vào hạng giàu, chủ yếu nhờ mía đường, và nhờ đức tính sống cần kiệm. Nhiều người nói, giọng tự hào: tuy nhiều năm chưa được ra phố vào quán “kéo ghế” lần nào, nhưng nếu có dịp thì ta cũng sẽ ăn xài mát tay không thua bất cứ ai!


♣ ♣ ♣

Duy Ninh nghiện ma túy một thời gian, tuy chưa lâu lắm nhưng cũng đã khiến cơ thể anh suy nhược, người xanh xao gầy còm. Khi Ninh ở trường cai nghiện ra, theo lời khuyên của các bác sĩ, ông Đăng – cha Duy Ninh – tính đưa anh về vùng quê tĩnh dưỡng. Suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng ông chọn nhà ông An – một người em họ – ở làng Mậu Lâm, “một làng quê không đâu quê hơn, một nơi xa không đâu xa hơn” để Duy Ninh có cơ hội hồi phục sức khỏe, được hít thở không khí trong lành, xa cách hẳn phố xá với đám bạn bè xám xịt.

Lúc mới đến, Duy Ninh nghĩ chắc mình không thể trụ lại đây quá một tuần! Heo hút, buồn rớt! Phía tây núi cao chập chùng chắn tầm mắt. Ba bên đất mì, ruộng mía vây bọc, xanh tốt, như rừng rậm. Nhà thưa thớt. Không thấy bóng xe hơi, không điện đài chợ búa. “Ái chà, sao trên mặt đất lại có cái làng rầu rĩ thế này… sao người ta có thể sống suốt đời ở một nơi như nơi này?” Chiều xẩm chim công trên núi rộ lên tố hộ, sầu thảm khắc khoải, nghe rõ như kêu ngay sau hè. Đêm đến, thỉnh thoảng lại nghe bầy ngỗng la quàng quạc như bị ai chộ, rồi tiếng chim te te đột nhiên kêu giật giọng, lảnh lói ma quái. Sau trước tối om. Những ngọn đèn dầu nhỏ nhoi vàng vọt, tù mù. Chưa đến 9 giờ mọi người đã lục tục vào giường, đi ngủ!

Nhưng về sau Duy Ninh đã nghĩ khác. Thì ra, không phải chỉ có vậy. Ở đây không hẳn là ốc đảo, chẳng phải chỉ toàn ảm đạm với buồn vắng. Làng quê này còn có một mặt khác, cái mặt thứ hai, trong sáng, đậm đà, đáng yêu… Dân làng hiền hòa, chất phác. Họ ít nói, và nói chuyện có vẻ ngập ngừng, thiếu mạch lạc. Không thấy họ to tiếng, cãi vã nhau. Không có những vụ gian lận, trộm cắp. Không thấy cảnh thanh niên đàn đúm nhậu nhẹt rồi quậy phá, đánh đấm nhau ngoài đường. Trong việc làm ăn họ thường dùng hình thức vần công đổi công, giúp nhau qua lại, ít thuê mướn. Khi một nhà có đám tiệc, hiếu hỉ những người cùng xóm tự động đến góp mặt, góp tay, chẳng cần mời mọc… Duy Ninh thích con sông nhỏ lặng lờ, nước trong vắt; mê cái cầu tắm dưới bóng cây vú sữa trước nhà chú An. Trưa nào anh cũng cùng Thanh – con chú An – đùa giỡn thỏa thích trong dòng nước mát. Bà con ở đây biết anh là cháu ông An, ở Tân Phú về dưỡng bệnh, chỉ như vậy, họ chẳng hỏi gì thêm. Duy Ninh nói với họ anh là thợ điện, không nhắc tới chuyện đá bóng. Anh nghĩ, chắc dân làng không coi đá bóng là một nghề, chẳng tin người ta có thể sống bằng cái việc phập phều là đi “đánh banh”. Họ quen gọi “trái banh”, không gọi “quả bóng”… Nhờ chiếc máy ảnh Duy Ninh nhanh chóng làm quen, thu được cảm tình của cánh thanh niên và những người lớn tuổi… Không đợi ai đốc thúc, anh lao vào “tham gia” lao động tay chân, làm những việc xa lạ xưa nay anh chưa hề biết. Nhà ông An làm đường thì anh cầm rựa phát mía, rồi vác mía vào che, ôm bã ra phơi. Lúc thu hoạch khoai mì, anh cuốc, nhổ, vác cây, đánh cộ bò chở củ từ ruộng về nhà. Anh mặc áo vá, đội nón cời, làm hăng say, cật lực. Rất được việc. Đặc điểm của nông dân ở đây khi làm ăn là chậm rãi, chắc chắn, không thuyết lý. Làm bằng mắt và tay chân, không bằng miệng… Trong tháng Mậu Lâm bước vào vụ thu hoạch mía, nấu đường, xóm làng có cái mùi riêng, đặc biệt, một mùi thơm ngọt dịu, bao trùm khắp nơi, ngoài ruộng, trong nhà, trên tóc tai, giường chiếu. Từ đó người ta dễ tưởng mọi thứ đều thấm đẫm hương vị ngọt, tiếng chim ngọt, gió ngọt, giọng cười ngọt. Duy Ninh nghĩ, chắc mình sẽ không khi nào quên cảm giác này… Rất nhanh, bà con xóm giữa của Mậu Lâm yêu thích “anh chàng công tử trắng trẻo, vui tính”. Duy Ninh chụp hình thật nhiều, không chán. Cảnh các cô gái phát mía, ôm bã. Cảnh các chàng trai nấu đường, nhổ mì, đánh xe bò. Cảnh bọn trẻ đá banh, câu cá, bơi đùa trên sông. Chụp xong anh nhờ ông Mới đem ra chợ huyện rửa, rồi tặng cho mỗi người vài tấm. Ảnh màu, sáng rỡ, sinh động, đẹp hơn “ngoài đời”. Ai nấy thích mê. Xưa giờ, “từ thuở cha sinh mẹ đẻ” chưa thấy ai chơi đẹp như thế!


♣ ♣ ♣

Ngay từ những ngày đầu, qua chiếc cầu nối là quả bóng da, Duy Ninh được băng thiếu nhi Mậu Lâm yêu thương. Thanh giới thiệu anh với đám bạn của nó. Sân bóng nằm sau trường học. Bằng phẳng, thênh thang. Có điều lạ, giới đứng tuổi và thanh niên làng này không yêu bóng đá, chỉ ham mê nuôi chim mồi và gà chọi, trong khi bọn trẻ suốt ngày chạy theo “trái banh” hệt như trẻ em ở thành phố… Trước tiên Duy Ninh chỉ các cậu bạn mới sửa lại sân bóng cho đúng quy cách. Sau đó anh gởi mua hai quả bóng da loại xịn, và một chiếc còi. Rồi chiều nào anh cũng ra sân, làm huấn luyện viên kiêm trọng tài, điều khiển các trận đấu! Khỏi phải nói, bọn trẻ sướng phát điên, chúng mê Ninh ngay tức khắc! Chưa khi nào chúng được sờ đến một trái banh tốt như vậy, gặp một người rành về trò chơi này như vậy. Nếu biết ông trọng tài cao lòng khòng này nguyên là tuyển thủ quốc gia, bốn năm trước đây còn là tiền vệ phải xuất sắc của đội tuyển tỉnh T.P chắc các cầu thủ trẻ Mậu Lâm hoảng hồn! Duy Ninh dạy các chú cách đá, cách đi bóng, tranh bóng; kỹ thuật tấn công, phòng thủ; phân tích vai trò nhiệm vụ của hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo, thủ môn. Thế nào là việt vị, phạt trực tiếp gián tiếp, lỗi nặng, lỗi nhẹ… Dần dà, sau vài tháng, hai đội bóng – U14, và U10 – của Mậu Lâm đã đi vào nề nếp, chơi có nét, tiến bộ rõ rệt.


♣ ♣ ♣

Đêm không trăng, tĩnh mịch, mát mẽ. Bà An, Duy Ninh và Son ngồi xắc khoai mì bên gốc mít trước sân. Công việc có hai khâu, lột vỏ và xắc củ khoai ra thành những lát mỏng. Đơn giản, dễ làm, nhưng nếu không quen thì không ngồi lâu được, mau mỏi lưng, buồn ngủ. Bà An kể chuyện ma cho hai bạn trẻ nghe đỡ buồn. Bà có một kho chuyện loại này, tình tiết phong phú, như thật, ly kỳ, rùng rợn. Ông An ngủ trên thềm, ngáy to, lúc trầm lúc bổng, nghe buồn cười.

“Ông ấy vô tư, đói không lo no chẳng biết, đặt lưng xuống là ngáy! – Bà An nói”.

“Làng này làm sao đói được, mía mì là gạo, cá có sẵn dưới sông, lo gì… Sống ở Mậu Lâm sạch đẹp thanh thản tuổi thọ con người dễ cao, thím à” Duy Ninh cười.

“Con dám lấy vợ, ở luôn đây không?”.

Son trả lời thay:

“Dân phố phường ăn nói đẩy đưa khéo lắm… dì Tám chớ tin…”.

“Đừng nghĩ lệch lạc. Thế còn nông dân tốt hay xấu?”.

“Cũng có kẻ không tốt, con người mà… Theo anh, đặc tính của bà con miền quê là gì?”.

“An phận, quen nhìn gần, không mơ ước cao, ít thích tranh đua… Có lẽ anh sẽ xin ở đây luôn, để trở nên người trong trắng!”.

“Anh lại chọc quê em!” Son nói lảng sang chuyện khác “Mai cháu đánh xe, lên chợ huyện, dì gởi gì không?”.

Bà An nghĩ ngợi một lúc.

“Mua giùm gì cái nón, một lưỡi cuốc, một ký hột rau muống”.

“Anh gởi gì? – Son hỏi Duy Ninh”.

“Mua giùm anh hai cuộn phim”.

Cây đèn hết dầu, ngọn thu nhỏ lại, chấp chới muốn tắt. Bà An bưng đèn vào nhà rót dầu. Duy Ninh chồm tới hôn lên má Son.

“Coi chừng, thằng Thanh!”. Son chỉ ra cổng.

“Thanh?”

“Nó họp đội banh ở nhà em”.

Duy Ninh hôn tới tấp lên cả hai má cô gái.

“Bợm, giỏi chưa!”. Son cười “Dì Tám ra kìa!”.

“Cơ hội tốt, cho anh tranh thủ!… Không sợ. Thím Tám thích em lắm. Em biết thím nói sao không”.

“Nói sao?”.

“Thím khen em giỏi, hiền, chín chắn… Thím muốn anh ở luôn đây, đừng về”.

“Thím thương thì nói vậy, làm sao anh ở Mậu Lâm này lâu được, buồn chết”.

“Hôm mới đến anh tưởng chắc chỉ ghé chơi vài bữa, vậy mà…”.

“Hết buồn?”.

“Hơn sáu tháng rồi, nhanh chi lạ… Giờ thấy vui, nhờ cảnh đẹp, nhờ tụi nhỏ, và em.”.

“Chúng mình quen nhau bao lâu rồi?”.

“Anh không nhớ”.

“Chắc bốn tháng”.

“Mới quen, nhưng anh yêu em thì đã khá lâu, hồi anh mới đến đây một tuần, ngay lần gặp đầu, trong buổi chiều em đánh xe chở dưa…”.

“Gớm, ông kẹ, mồm mép ghê chưa!… Sáu tháng… Nhưng thời gian cũng có giới hạn… Trong các tuồng hát có một câu ngắn mà rất đúng, rất buồn, anh biết không?”.

“Câu gì?”.

“Sinh ly tử biệt”.

“Ờ, buồn lắm!”.

“Mỗi khi nghĩ tới nó là em chảy nước mắt!”.

“Đừng ủy mị, mít ướt như thế… Nhìn qua cứ tưởng em cứng cỏi”.

“Coi vậy chớ em mềm yếu, hay mủi lòng… nghe kể chuyện sầu thảm là em ủ dột luôn mấy ngày! Xem hát thấy đào kép khóc em cũng khóc!”.

“Người ta bảo như thế là đa cảm”.

“Đa cảm tốt hay xấu?… Sinh ly cũng buồn như tử biệt! Em nghĩ tới ngày anh trở về tỉnh…”.

Yên lặng một lúc.

“Em chớ nghĩ xa… còn lâu… anh sẽ ở đây nhiều tháng nữa. Sau đó tất nhiên anh sẽ về Tân Phú. Nhưng có điều chắc, mai này dù làm gì, ở đâu anh cũng không bao giờ quên đất nước và con người Mậu Lâm đã giúp anh mạnh khỏe, trở lại vui sống, yêu đời”.

Mười ngày sau

Đúng vào đêm trăng đẹp, tại nhà ông Mới diễn ra một cuộc hội họp nhộn nhịp, tưng bừng. Đây là tiệc liên hoan, ăn mừng chiến thắng đội bóng U14 vừa giành được ban chiều. Với lần ra quân đầu tiên, trên sân làng Cao Phong láng giềng, đội Mậu Lâm đã lập thành tích bằng trận thắng thuyết phục 4 – 1… Út Hưng là đội trưởng, ông Mới là cổ động viên tích cực của Mậu Lâm. Trong buổi chiều, dù nắng gắt, chiếc xe ngựa ông Mới đã chạy như con thoi, đi về tám chuyến, đưa đón cầu thủ và cổ động viên Mậu Lâm. Giống hệt ngày hội. Bàn tán, bình luận xôn xao, mọi người háo hức, vui vẻ. Cánh thanh niên vốn mê chọi gà nay cũng đi xem gần đủ mặt. Bóng đá có không khí, sức hấp dẫn riêng, rất đặc trưng.

Ông Mới đãi khách đủ vị mặn, lạt: cháo vịt và chè đậu xanh. Người lớn ngồi bệt xuống sân. Cầu thủ và tốp trẻ trải chiếu ngồi dưới gốc mít. Huyên náo, rộn ràng không kém đám hát cúng đình. Chưa bao giờ người ta được hưởng một niềm vui rạo rực, ngây ngất như vậy. Đám thanh niên tranh nhau điểm lại diễn biến trận đấu, trầm trồ khen những đường chuyền chuẩn xác, mấy cú đánh gót thần sầu, mấy bàn thắng tuyệt đẹp của quân ta; những tình huống gay cấn, các nhược điểm sơ hở chết người của đối phương; tài chỉ đạo, cách điều quân khéo léo của “ông bầu” Duy Ninh. Ai cũng nói, rõ ràng đội Mậu Lâm trên chân Cao Phong, lấn lướt ở mọi tuyến. Ai cũng nghĩ, với những gì đã phô diễn trên sân chiều nay, nếu được tiếp tục nuôi dưỡng luyện tập tốt, đội bóng thiếu niên Mậu Lâm sẽ còn lớn mạnh, tiến xa.

Lúc cuộc vui sắp tàn Son kéo Duy Ninh ra sau bếp, hỏi nhỏ:

“Nghe nói hồi sáng anh nhận được thư nhà?”.

“Ba bảo anh về, có chuyện gì đó cần bàn”.

“Chừng nào anh đi?”.

“Mai”.

Son nín lặng. Duy Ninh cầm tay cô gái, bóp nhẹ.

“Gấp vậy?”.

“Mốt đi cũng được… Về coi chuyện gì, vài hôm anh lại xuống… cho anh hôn…”.

“Đừng, người ta thấy. Vui sướng gì mà hôn hít!”.

Duy Ninh cười.

“Em như cô bé dỗi hờn… Sao không vui, lâu rồi anh chưa được hưởng một ngày vui nào như hôm nay”.

“Anh về…”.

“Ờ, thì về, ít bữa thôi”.

Có tiếng gọi “Anh Ninh ơi, anh Ninh”, rồi nhiều tiếng “ông bầu ơi!”.

“Em đi với anh, lên Tân Phú thăm chơi vài hôm, nghe?”.

“Đâu được, kỳ lắm!”. Son cười.

“Anh xin phép chú thím cho Hưng đi với em, lên nhà anh chơi cho biết”.

“Không được đâu” Son lắc đầu quầy quậy “Em vụng về, quê kệch, đen đúa, thiên hạ cười”.

“Đừng nói vậy, em đẹp, chẳng thua kém ai”.

“Mới nghĩ đến thôi em đã sợ!… Rồi biết nên ăn mặc thế nào, nói năng đi đứng ra sao… Trước tới nay em lên tỉnh mới hai lần, mỗi lần hai ngày. Ở đâu quen đó!… Hơn nữa, đi như thế bà con sẽ coi là không đứng đắn”.

“Em nghĩ xưa lắm”.

Son ấp úng:

“Sợ thực!… Mà kỳ lạ, lâu nay em quên biến anh là dân Tân Phú!”.

Đây chính là điểm khiến Duy Ninh quý mến Son. Son yêu anh như anh yêu dòng sông Bương, đồng mía Mậu Lâm, không hơn thiệt tính toán. Son không cần biết đến cái nhãn nổi tiếng, giàu có của anh.

“Anh, để mốt hẵng đi, mai em còn nói mấy chuyện”.

Duy Ninh đùa:

“Chúng mình xa nhau vài hôm, chưa ly biệt đâu mà dặn dò”.

Son nói, có vẻ ngậm ngùi:

“Sinh ly”, vừa nhắc đến nó đã thấy hiện ra cảnh tượng tối tăm, như ngày không có mặt trời!


♣ ♣ ♣

Xe đã đầy khách, ông Mới xách giỏ cỏ đem treo dưới gầm xe, chuẩn bị khởi hành. Trời chưa sáng. Như thường ngày, mỗi sáng xe ngựa ông Mới chạy hai chuyến lên chợ xã, cách làng năm cây số, đây là chuyến đầu. Các cô, các bà cười nói lớn tiếng. Gồng gánh, thúng mủng, trái cây, gà vịt. Son nấp bên gốc mít gần cổng nhìn ra bến xe ngựa. Một chuyến xe đi chợ, như mọi ngày, xưa cũ, quen thân. Nhưng nay có khác, có một khách đàn ông. Duy Ninh về tỉnh. Anh ngồi phía trước, bên cạnh ông Mới, gần cây đèn chai. Son nhìn ra. Duy Ninh ngồi yên, đầu không đội mũ, hai tay đặt trên gối. Bỗng nghe một bà hỏi:

“Chú Ninh về thăm nhà ít hôm hay về luôn?”.

Duy Ninh đáp, nghe không rõ.

“Ở lâu thành thân quen, nếu chú không xuống nữa thì buồn lắm”.

Một bà khác:

“Thằng Cảnh nhà tôi thích banh bóng, nó mê chú, chú mà về hẳn trên đó chắc nó khóc”.

Duy Ninh cười.

“Nhiều đứa khóc… trước lạ sau quen, chú đã thành dân làng”.

Gà gáy rộ. Ông Mới rút cây roi trên mui xe, đó là dấu hiệu lên đường. Duy Ninh đập muỗi. Tiếng một cô gái – con Hạnh – hỏi Duy Ninh:

“Cho em hỏi thiệt, khi về lại trên ấy, anh nhớ Mậu Lâm được bao lâu?”.

Duy Ninh nói gì đó, Hạnh cười giòn.

“Anh nói khéo lắm, cũng mong rằng anh không quên mau như gió qua thềm”.

Son nhìn ra. Xe chạy, chậm chạp, nặng nhọc, chìm khuất vào bóng đêm ./.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ KhánHòa ngày 21.03.2021 .