Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh “Thiếu Nữ Dâng Trà” của Lê Phổ










GIÓ NGÀN





Đi sông bến lạnh lên ngàn
Khóc thời xa cũ đã tàn thanh âm.


(Hoài Khanh)
PHẦN I

1

Nhân đang theo chiếc thuyền lớn bằng 2 bàn tay chạy vào bờ thì nghe tiếng nói: Anh ấy đấy. Anh Nhân ơi… Nhìn lên, nhận ra người gọi là Dũng, người bạn đi thả thuyền với Nhân hơn một tuần nay, Nhân cúi xuống vớt chiếc thuyền cầm tay, bước lên bãi cát, cười gật đầu chào lại cô gái đứng cạnh Dũng, rồi nói:

- Tưởng hôm nay cậu không đi, tôi ra đây cả tiếng rồi.

- Em đi hơi trễ, vì chị Điệp em đây cũng muốn đi coi thả thuyền, rồi lại tìm anh ở phía bên kia mất khá lâu.

- Mình thay chỗ coi xem sao, phía này gió dìu hơn – Nhân nói, rồi nhìn cô gái: Điệp đã đi thả thuyền bao giờ chưa?

- Dạ chưa. Mấy hôm nay nghe Dũng nói nhiều về chuyện thả thuyền với anh, nên Điệp muốn đi coi cho biết.

- Vậy Điệp xuống nước thả thuyền với chúng tôi hay đứng trên bãi cát.

- Điệp ở trên bờ coi thôi.

Trong khi Nhân và Dũng lội ra xa, Điệp nhìn cảnh tượng xao động dưới nước, cả trên trăm người thả thuyền với những tiếng gọi và tiếng cười. Những con sóng nhỏ trào vào bãi cát vàng thoai thoải, nhưng những con thuyền nhỏ lại không bị sóng cuốn theo. Chúng dập dềnh chạy ngang hay chạy theo vòng tròn. Thỉnh thoảng có chiếc bị lật úp thì chủ chiếc thuyền bị lật vội vớt thuyền lên, dốc cho nước chảy hết, điều chỉnh lại buồm và bánh lái, rồi lại thả cho thuyền đuổi theo những chiếc đang chạy trước. Theo những lượn sóng, những chiếc thuyền dài chừng 2 hay 3 gang tay với những cánh buồm nâu, trắng, xanh, đỏ tỏa rộng khắp khu vịnh nông, đã đem đến nguồn vui trong buổi chiều lộng gió cho cả người trẻ lẫn người già.

Ở phía xa, nước sâu quá đầu gối, Dũng nhập vào một toán cả chục cậu ngang tuổi, còn Nhân đang thả thuyền một mình. Nhìn chiếc thuyền chạy vát quanh mình mấy vòng, Nhân vớt thuyền lên, điều chỉnh bánh lái và buồm cho thuyền chạy vát vào bờ, rồi bước theo con thuyền cho tới khi những con sóng sắp trào lên giải cát thì Nhân vớt thuyến lên đi đến chỗ Điệp.

- Vui nhỉ, anh Nhân. Ra Cát Bà mấy hè mà hôm nay Điệp mới biết trò chơi thả thuyền.

Nhân nói:

- Điệp ra đây mà không vào khu vịnh làng chài thì làm sao thấy. Chỉ vùng vịnh này, biển nông, bãi cát thoai thoải chạy ra xa, mới có thể lội xuống nước thả và đi với thuyền. Hè năm ngoái ra đây, đi lang thang gặp mấy cậu cỡ tuổi Dũng, mỗi cậu cầm một chiếc thuyền, tôi hỏi đem thuyền đi đâu? Mấy cậu ấy trả lời là đi thả thuyền. Tôi đi theo, thấy trò chơi thú vị nên kết. Rồi mấy ngày sau tôi tới đây nhập bọn với chiếc thuyền tôi làm.

- Làm thuyền có khó không, anh?

- Tôi đi coi hai buổi, quan sát những chiếc thuyền lớn nhỏ, chiếc nào cũng làm bằng một khúc gỗ thông khô. Phải gọt thành thuyền, rồi đục khoang, làm bánh lái, làm cột buồm và buồm. Khó thì không khó, nhưng phải làm tỉ mỉ. Rồi tới lúc thả, phải tập điều chỉnh bánh lái, buồm, cho thuyền chạy thẳng, chạy vòng, chạy vát theo gió, theo sóng – Nhân cười: Điều chỉnh khó, tôi phải quan sát người thả điều chỉnh ra sao, phải hỏi mấy cậu thành thạo, rồi tự tập một mình cả tuần mới có thể nhập toán đua. Mấy tháng hè, sẵn gỗ, tôi làm cả chục chiếc thuyền lớn, nhỏ, thay đổi hình dáng theo ý mình.

Điệp đưa tay:

- Anh cho Điệp coi chiếc thuyền.

Cầm chiếc thuyền, nhìn trên dưới, bánh lái và buồm, Điệp nói:

- Anh khéo tay, chiếc thuyền này đâu có thua gì những chiếc thuyền bày bán trong mấy cửa hiệu đồ chơi ở Hà Nội.

Nhân cười, lắc đầu:

- Không bằng thuyền của cửa hiệu đâu. Tôi chưa thấy những chiếc thuyền đó, nhưng biết chắc là nó đẹp và tinh sảo hơn, vì do thợ chuyên môn làm. Họ làm nhiều và có đủ dụng cụ. Còn mình thì làm bằng mấy con dao nhà bếp với chiếc đục cùn.

Điệp cười, đưa lại Nhân chiếc thuyền:

- Cả tuần nay, ngày nào Dũng cũng say sưa nói về chuyện đi thả thuyền và đang làm một chiếc lớn hơn chiếc này. Mê thuyền đến độ quên cả sách vở.

- Nghỉ hè mà sách vở gì.

- Nghỉ nhưng vẫn phải ôn toán cũ và học toán mới để khi vào lớp mới, học cho dễ.

- Điệp và Dũng chăm chỉ đến vậy đấy hả. Còn tôi thì hè chỉ đi chơi và đọc truyện.

- Anh đọc loại truyện gì?

- Kiếm hiệp, tiểu thuyết và trinh thám... Ngày ở tiểu học thì chỉ đọc kiếm hiệp, còn bây giờ đọc thêm tiểu thuyết và trinh thám. Điệp có đọc truyện không?

Điệp đáp:

- Ở tiểu học không đọc, nhưng lên trung học Điệp đọc tiểu thuyết của một số nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan và Hoàng Công Khanh.

Có tiếng cười reo hò ở phía xa. Nhân quay nhìn bật cười. Cả mấy chục người lớn nhỏ đang đua thuyền. Họ reo hò, hình như để trợ lực cho thuyền của mình. Điệp nhìn chăm chú xuống đám người đua thuyền, bỗng hỏi:

- Dũng thả thuyền thạo chưa anh Nhân?

Nhân cười:

- Học rất nhanh. Bây giờ đua thuyền với Dũng, tôi thua luôn, nên Dũng kết với mấy người khác để thi có hào hứng hơn. Tôi ít đua, thường chỉ cho thuyền chạy một mình để xem sự điều chỉnh bánh lái và buồm được chính xác tới đâu. Quê tôi cũng đảo, nhưng không có trò chơi làm thuyền, thả thuyền. Ra đây mới biết thú vui này.

- Quê anh ở đảo nào?

- Đảo Vạn Hoa.

- Tên hay quá, Điệp chưa nghe.

- Tên hay nhưng không hùng vĩ, ngoạn mục bằng đảo Cát Bà.

- Bây giờ anh vẫn ở Vạn Hoa?

- Không, tôi đã theo ba tôi vào Quảng Yên để đi học. Đảo Vạn Hoa nhỏ, ít dân, nên trường học chỉ có tới lớp ba. Muốn học lên, phải vào thành phố như Cửa Ông, Cẩm Phả.

Điệp hỏi:

- Ở Quảng Yên có mấy trường trung học?

- Một trường, trường Trần Quốc Tuấn và chỉ có tới lớp đệ tứ. Muốn học lên phải qua Hải Phòng hay lên Hà Nội. Ở tỉnh lẻ đi học khó lắm, chứ không có sự thuận lợi như Điệp là gia đình ở Hà Nội.

Nhân ngừng lại, quay nhìn đám đông đang reo hò. Họ reo hò cho những chiếc thuyền đang trên sóng nước hay sắp tới mức đến. Cả một bên bầu trời ngoài biển vàng đỏ chói chang. Những dãy núi cao như những lớp trường thành của đảo biến thành xanh, xám và tím. Dưới biển đã bớt người thả thuyền, nhưng những tiếng reo hò xa gần vẫn vang lên. Để ý tìm Dũng không thấy, Nhân nói: Mải tranh đua, Dũng quên cả về - Rồi hỏi: Lên trung học, Điệp học trường nào?

- Trưng Vương, anh ạ. Thi vào đệ thất khó lắm, nhưng Điệp may mà đỗ được.

Nhân nói:

- Chăm chỉ và thông minh như chị em Điệp thì thi đỗ là chuyện thường. Nghỉ hè, tôi chỉ cầm mấy cuốn truyện, còn Điệp vẫn cặm cụi với sách vở.

Điệp cười:

- Điệp cũng đọc truyện, nhưng đọc vào buổi tối, còn ban ngày học ôn. Anh bảo học chăm thì đúng, còn thông minh thì không. Điệp học toán, lý, hóa chậm lắm. Có điều đặc biệt là mấy năm nay, từ ngày ba Điệp ra đây làm việc, cứ đến hè là Điệp háo hức nghĩ đến cái vui đi nghỉ hè xa. Bạn bè đa số ở lại Hà Nội, còn Điệp ra biển mà biển đó lại là biển vịnh Hạ Long.

Nhân hỏi:

- Từ Hà Nội ra đây, đi như thế nào, mất bao lâu?

- Mất hai ngày, anh ạ. Một ngày xuống Hải Phòng, sáng hôm sau đi tàu từ Hải Phòng ra Hòn Gai. Rồi từ Hòn Gai đi tàu hoặc thuyền ra Cát Bà. Tàu Hải Phòng – Hòn Gai dừng lại Bến Ngự cả tiếng, nhưng Điệp chưa lên phố Quảng Yên lần nào.

- Ông còn làm việc ở Cát Bà thì Điệp sẽ có dịp biết Quảng Yên. Tỉnh nhỏ, chỉ có mấy con phố, nhưng buổi chiều thì đầy lính, vì Quảng Yên có nhiều trại lính với mấy trung tâm huấn luyện lính mới.

Điệp hỏi:

- Học xong ở Quảng Yên, anh sẽ tiếp tục học ở đâu?

- Hải Phòng, vì tôi có gia đình ông chú ở Hải Phòng. Nhưng hy vọng một, hai năm nữa trường Trần Quốc Tuấn sẽ có những lớp tam, nhị, nhất thì khỏi phải đi xa.

Nhìn chiếc thuyền trên cát, Nhân cười thầm là mê mải chuyện trò, quên cả việc thả thuyền. Nhân tính lên bảo Điệp xuống gần nước để chỉ cho Điệp thấy việc điều chỉnh bánh lái và buồm cho thuyền chạy theo ý muốn ra sao, nhưng Điệp đã dẫn Nhân đi xa, và Nhân cũng bỏ mất ý định ban đầu. Điệp hồn nhiên và phong phanh chiếc áo cánh lụa trắng và chiếc áo đã làm nổi lên khuôn cổ cao tròn với nét mặt tươi rạng rỡ ở đôi môi và đôi mắt đen sắc. Theo những điều Điệp hỏi cùng với sự hồn nhiên, Nhân cảm thấy một nguồn vui dâng lên khi thấy Điệp tự nhiên như đã quen biết Nhân từ lâu.

Bỗng nhớ lại việc đọc truyện, Nhân hỏi:

- Từ ngày đọc truyện, Điệp đã đọc truyện kiếm hiệp bao giờ chưa?

- Chưa, anh.

- Tôi có đem theo mấy bộ. Muốn đọc thử thì ngày mai qua tôi, lấy một bộ về đọc cho biết.

- Vâng, ngày mai anh cho Điệp mượn một bộ - ngừng một lát, Điệp hỏi: Lại sắp hết hè, hôm nào anh về Quảng Yên?

- Khoảng cuối tháng, về trước ngày tựu trường một tuần.

- Vậy Điệp về Hà Nội trước anh một tuần. Anh cũng đi tàu thủy?

- Không, tôi đi xe hàng từ Hòn Gai về Quảng Yên.

Điệp trầm ngâm một lúc, rồi nói:

- Tàu thủy hay xe thì anh cũng chỉ mất một ngày, còn Điệp phải mất hai ngày. Nhưng về Hà Nội lại nhớ trời xanh, biển xanh buổi sáng và nhớ những con sóng lóng lánh leo lên những ngọn núi chơ vơ giữa biển.

- Cát Bà ở giữa núi non trùng điệp, uy nghi hùng vĩ, nhưng tôi nhớ nhất là những cánh buồm ở ngoài khơi vào buổi chiều, vì nghĩ đến con thuyền cô độc giữa biển trong đêm – Nhân nhìn ra biển một lúc – Dũng đua thuyền quên cả về. Bây giờ phải qua bên kia tìm cậu ấy.

Bỗng Điệp chỉ tay nói:

- Dũng đang chạy tới kia.

Nhìn theo hướng tay Điệp, Nhân bật cười:

- Từ đây mà đưa thuyền đua tới bên kia.


2


Trên đường về nhà, Nhân dừng lại coi toán lính chơi bóng chuyền trước sân dinh Phó Tỉnh Trưởng Quảng Yên, bỗng nhận ra một người:

- Dũng ơi.

Cầu thủ nhỏ nhất trong đội bóng quay lại, vẫy tay cười vui, chạy băng ra đường, ôm lấy Nhân:

- Em tìm anh cả tuần nay.

- Không biết địa chỉ, tìm ở đâu?

- Em hỏi mấy ông lính.

- Bằng tên anh hay tên ba anh?

- Cả tên anh và tên ba anh.

Nhân cười nói:

- Anh không quen mấy người lính gác dinh phó tỉnh trưởng, còn ba anh mấy năm nay đều làm việc ở các quận, nên họ không biết đâu.

- Vậy nếu anh không qua đây thì phải chịu chớ làm sao tìm.

- Rồi cũng sẽ gặp, vì anh ở phía sau dinh phó tỉnh, trên phố Hoàng Hoa Thám. Cổng sau dinh đi ra Hoàng Hoa Thám, gần căn nhà anh.

Nhân nắm tay Dũng băng qua đường đi tới một quán nước lộ thiên dưới một cây bàng lớn. Đến trước chị bán quán, Nhân nói: Chị cho 2 cốc thạch găng - Rồi cùng Dũng ngồi xuống hai cái ghế thấp, bên chiếc bàn gỗ tạp.

- Quán này gọi là quán Cây Bàng, chỉ bán thạch găng và nước chanh. Không biết thạch găng ở Hà Nội thế nào, chớ ở Quảng Yên thì thạch găng quán này đứng hạng nhất - Chủ quán nghe khen, cười nhìn Nhân - Thấy thế Nhân hỏi:

- Thạch găng ở đây làm bằng lá găng trên rừng hay găng trong vườn, chị?

- Phần lớn làm bằng găng trên rừng, khi nào không đủ mới phải dùng găng vườn. Lá găng trên rừng xanh trong và ngon hơn như em vừa nói.

- Nhà chị có trồng không?

Chủ quán lắc đầu:

- Không, trồng găng phải có nhiều đất. Chị không có đất. Chị có mối lá găng rừng, người ta cung cấp khá đều.

Dũng khuấy cốc thạch găng, rồi xúc uống mấy thìa:

- Ở Hà Nội chỉ có thạch đen, thạch trắng, chớ em không biết loại thạch này.

Nhân nói:

- Thạch găng tự nó có mùi thơm của lá găng, còn mùi thơm của thạch đen, thạch trắng là mùi thơm của dầu chuối… Cũng có người cho thêm vài giọt dầu chuối vào thạch găng. Còn anh thì không. Em thử ăn không dầu chuối xem sao…. À, thế gia đình em xuống đây ngày nào, còn ba em vẫn ở Cát Bà?

- Không, anh. Ba em về Quảng Yên từ tháng trước, còn gia đình em xuống đây đã hơn 2 tuần rồi.

Nghĩ đến cái mê thả thuyền của Dũng, Nhân cười hỏi:

- Về Hà Nội có thả thuyền không?

Dũng cười:

- Dạ, có. Em thả thuyền trong ao nhà, chỉ mình em. Chị Điệp ở Cát Bà thì đòi đi xem thả thuyền, còn ở Hà Nội thì không để mắt tới.

- Ở Cát Bà, mấy trăm người thả mấy trăm chiếc thuyền, đông vui như ngày hội. Còn ở Hà Nội chỉ một mình cậu, một chiếc thuyền trong ao tù thì có gì vui mà coi.

Dũng gật đầu:

- Hai năm trước ở Cát Bà về Hà Nội, em không có gì nhớ. Còn năm ngoái về thì nhớ những buổi chiều thả thuyền và cứ mong tới hè ra Cát Bà. Nhưng từ nay thì hết được ra đó. Ở đây có chỗ nào thả thuyền không anh?

- Ở đây có sông, có những hồ nước cạnh sông, nhưng không thể thả thuyền như ở biển, vì sông hồ sâu, mình chỉ đứng trên bờ chớ không lội xuống được. Thả thuyền ở sông hồ thì thuyền đi luôn hay mình phải xuống bơi theo nó.

Ăn hết cốc thạch găng, Dũng đặt cốc xuống nói:

- Thạch găng ngon hơn thạch đen, thạch trắng.

- Vậy ăn thêm một cốc nữa.

Dũng lắc đầu:

- Thôi anh ạ, để lần khác. Em còn ở đây lâu.

Nhân đứng dậy vào quán trả tiền, mượn cây bút ghi địa chỉ đưa cho Dũng.

- Sáng mai tới anh chơi. Đi cổng sau tới nhà gần hơn. Bây giờ mình về.

CÒN TIẾP ...........................

. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HoaKỳ ngày 21.03.2021.