T ôi đã gặp và quen Onathbabou trên một toa tàu lửa.
Hôm đó tôi tới Raghounathpour để đổi gió. Tôi làm việc tại toà soạn một nhật báo ở Calcutta. Trong mấy tháng gần đây, áp lực công việc khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, hơn nữa tôi là người thích viết lách. Trong đầu óc tôi bao giờ cũng lởn vởn vài ba cốt truyện đang hình thành. Nhưng, giữa đống công việc bề bộn như vậy thì thời giờ đâu mà viết? Đó là lý do khiến tôi lợi dụng mười ngày nghỉ phép để làm một chuyến đi nho nhỏ, và không quên mang theo giấy để có dịp là viết.
Tôi chọn Raghounathpour không phải là không có lý do. Chính vì tôi có cơ hội đi nghỉ mát khỏi tốn tiền. Ngôi nhà thờ tổ mà ông bà để lại cho Biren Bischash, bạn tôi, nằm ở Raghounathpour. Trong một quán cà-phê, lúc đang bàn luận về việc tìm chỗ đi nghỉ mát thì Biren vui vẻ bảo tôi: “ Tôi sẵn sàng để anh sử dụng ngôi nhà của tôi ở miền quê. Lẽ ra tôi nên đi cùng với anh, nhưng anh biết hiện tôi đang gặp nhiều chuyện rắc rối…, mong anh thông cảm. Anh sẽ gặp đủ mọi thuận lợi vì người giúp việc lâu năm của gia đình tôi, ông Bharaddahj đã ở đó từ năm mươi năm nay. Ông ta sẽ lo cho anh. Đồng ý nhé!”.
Cuộc hành trình bằng tàu lửa khá dài. Onathbabou ngồi cùng một ghế băng sát cạnh tôi. Ông ta trạc tuổi ngũ tuần, dáng người vạm vỡ, với đôi vai to bè. Dưới mái tóc muối tiêu chải ngôi giữa là cặp mắt sắc bén, mũi to gồ ghề, và cái nhếch mép cho thấy ông ta lúc nào cũng như đang có chuyện vui trong lòng. Trang phục của ông ta rất kỳ cục: nếu mới gặp người ta có cảm tưởng ông ta là một diễn viên trong vở tuồng cách đây năm bảy chục năm, vừa mặc xong quần áo để ra trình diễn. Cái áo choàng cổ bẻ, cổ cồn sơ-mi, nhất là cặp kính và đôi giày cao cổ, tất cả đều rất cũ kỹ không còn hợp thời trang.
Bắt chuyện với Onathbabou, tôi được biết là ông ta cũng đi Raghounathpour. Khi tôi hỏi ông đi chơi hay đi việc gì, ông tảng lờ như không nghe thấy. Nhưng cũng có thể do tiếng ồn ào trên tàu lửa mà ông ta không nghe lời tôi hỏi.
Tôi rất sung sướng khi thấy căn nhà của Biren rất rộng, rất thoáng, phía trước có vườn trồng cây và trồng hoa. Đặc biệt nhất là chung quanh lại không có căn nhà nào kế cận, như vậy đỡ bị quý vị hàng xóm dòm ngó.
Mặc dầu Bharaddahj phản đối, tôi vẫn chọn căn phòng nhỏ xinh xắn trên sân thượng. Ánh sáng, gió mát và sự yên tĩnh là ba yếu tố hội tụ đầy đủ nơi đây. Sau khi đã nhận phòng và trong lúc sắp xếp các đồ dùng cá nhân, tôi chợt thấy mình quên không mang lưỡi dao cạo mới. Khi nghe tôi nói, Bharaddahj bảo tôi: “ Không sao đâu, xin ông đừng lo. Cách đây mấy trăm thước có cửa hàng tạp hoá của Kundoubadou, ở đó cái gì cũng có”.
Bốn giờ chiều hôm đó, sau khi dùng trà, tôi đi ra phố, tìm đến tiệm tạp hoá của Kundoubadou. Vừa là tiệm tạp hoá, nơi đó còn là chỗ cho mọi người tụ họp để tán gẫu. Trong tiệm, tôi thấy có hai băng dài. trên có sáu- bảy người đều đã trên bốn mươi tuổi đang ngồi bàn cãi. Trong bọn họ có một người, như bị kích thích mạnh, đang nói lớn tiếng:
- Nhưng, các bạn ơi, đây không phải là vấn đề thiên hạ đồn đại. Chính tôi đã nhìn thấy anh ta tận mắt. Phải chăng sự việc đã lu mờ trong trí óc tôi vì xảy ra từ ba mươi năm trước? Không! Người ta không dễ quên một kỷ niệm như vậy, hơn nữa nạn nhân, Holodhor Datta lại là bạn thân của tôi. Cho tới tận hôm nay. tôi vẫn còn tin rằng tôi có phần trách nhiệm trong cái chết của anh ta.
Tôi mua một gói thuốc lá, một bịch dao, và một vài vật dụng khác. Người kia tiếp tục:
- Các bạn hãy tưởng tượng xem! Chỉ vì tôi đánh cá mười đồng ru-pi mà anh bạn tôi đã tới ngủ tại căn phòng phía tây- bắc. Sáng ngày hôm sau, anh ta không trở về… Cuối cùng, Jiten Bokshi, Horicharan Shah và một vài người nữa mà tôi quên tên đã cùng tôi đi đến lâu đài cổ Haldar để tìm Holodhor. Tới nơi, chúng tôi thấy anh ta nằm sóng soài trên mặt đất, chân tay dang ra như cây thập giá, chết ngắc, cặp mắt mở trừng trừng ngó lên trần nhà. Và trong đôi mắt ấy là vẻ sợ hãi đến kinh hoàng… Còn ai biết nghĩ gì hơn ngoài việc nghĩ đến con ma? Trên thân thể anh ta không hề có một thương tích nào, không có vết bị hổ vồ hay rắn cắn – tuyệt đối không có một vết thương nào. Vậy, các bạn nghĩ sao?
Năm phút sau, tuy nghe câu được câu chăng, nhưng tôi cũng đã hiểu câu chuyện đại khái như sau: Ở phía nam tỉnh Raghounathpour có một toà lâu đài cổ, xây khoảng hai trăm năm trước, đã bị hư hỏng, bỏ hoang. Toà lâu đài này được dân chúng trong vùng gọi là Haldar. Ở trong toà lâu đài, chính xác hơn là ở lầu một, có một căn phòng nằm kẹt ở góc tây-bắc mà người ta đồn rằng có ma, một con ma rất già. Và đương nhiên kể từ ba mươi năm nay, sau cái chết của Holodhor Datta, người bạn của Bhobotosh, tuyệt đối không ai dám cả gan tới ngủ một đêm trong căn phòng đó. Dân chúng ở Raghounathpour vừa sợ con ma già nua đó, vừa lấy làm khoái trá vì sự hiện hữu của nó, vì họ có nhiều lý do để tin rằng chuyện đó có thật. Ngoài cái chết bi thảm và bí mật của Holodhor Datta, người ta còn đồn đại rất nhiều về nhiều vụ giết người, nhiều vụ tự sát khác trong lịch sử dòng họ Haldar.
Tôi từ trong tiệm tạp hoá đi ra, đầu óc tràn đầy những câu hỏi tò mò về dòng họ Haldar, và đúng lúc đó, tôi trông thấy người bạn mới gặp trên tàu lửa, ông Onathbabou. đang tươi cười đứng đợi tôi.
- Ông có nghe câu chuyện họ nói không? – Ông ta hỏi tôi khi trông thấy tôi.
- Có, có nghe lõm bõm. – Tôi trả lời.
- Ông có tin không?
- Tin gì? Tin có ma ấy à?
- Vâng, phải.
- Thật ra thì tôi đã nghe rất nhiều chuyện nhà có ma nhưng tôi chưa hề thấy ai đã thật sự trông thấy ma tận mắt. Tuy nhiên…
Onathbabou mỉm cười:
- Ông có dám đi cùng tôi tới xem căn phòng đó, dù chỉ một lần không?
- Sao? Ông nói sao?
- Tôi nói về căn phòng trong toà lâu đài cổ.
- Tới xem có nghĩa là…
- Đương nhiên là xem ở bên ngoài thôi. Ở gần đây lắm, khoảng hai cây số. Đi thẳng lối này, và sau khi qua ngôi đền có hai bức tượng thần Shivas thì rẽ sang bên trái. Chỉ còn vài trăm thước nữa là tới.
Tôi bỗng thấy thinh thích người bạn mới. Hơn nữa, về nhà sớm cũng chẳng biết làm gì. Do đó tôi quyết định đi cùng ông ta.
Lâu đài Haldar không thể trông thấy từ xa vì nó nằm giữa một khu đất thật rộng, cây cối rậm rạp như rừng. Từ cửa chính phía bên ngoài phải đi mười phút mới tới toà lâu đài. Một cái cửa to như cửa một toà thánh, bên trên có một chỗ dành cho các nhạc công chơi nhạc. Sau khi vượt qua cửa lớn và đi một đoạn đường, người ta tiến đến con đường chính đưa vào lâu đài. Khi nhìn thấy một vài pho tượng đổ nát và vài cái giếng cạn nước, tôi hiểu rằng khu vực này, từ cửa chính vào tới toà lâu đài, trước kia là một vườn hoa. Kiến trúc toà lâu đài rất kỳ lạ: nó là một hình vuông nhiều tầng và tuyệt đối trần trụi, không có vết tích hoa văn hay tượng đài trang trí gì cả. Ánh nắng chiều trải trên những mảng tường đầy rong rêu.
- Theo tôi biết ma rất ít khi xuất hiện khi còn ánh mặt trời. – Onathbabou nói, sau khi đã ngắm nghía cặn kẽ toà lâu đài trong vài phút.
Rồi ông ta quay lại phía tôi, nháy mắt:
- Hay chúng ta rảo qua xem căn phòng đó một chút?
- Căn phòng phía tây-bắc? Chính căn phòng mà…
- Vâng, căn phòng mà Holodhor Datta nằm chết.
Ông ta lộ vẻ đặc biệt hăng hái. Có thể Onathbabou đã đoán được ý nghĩ của tôi vì ông ta bảo: “ Thực kỳ lạ phải không? Thực ra, tôi có thể không ngần ngại mà nói thẳng với ông rằng lý do khiến tôi tới Raghounathpour chính vì toà lâu đài này”.
- Thật không?
- Thật chớ. Tôi đã nghe nói về căn nhà có ma này ở Calcutta, và mục đích của tôi tới đây là để gặp con ma đó. Bữa trước, trên tàu lửa, ông đã muốn biết lý do tại sao tôi tới đây. Tôi tỏ ra thô lỗ khi lơ không trả lời ông. Nhưng tôi thực sự nghĩ trong lòng rằng nếu gặp lại, và có dịp hiểu biết ông hơn một chút, cũng như vào lúc thích hợp, tôi sẽ không ngần ngại cho ông biết lý do.
- Nhưng ông đi từ Calcutta tới đây chỉ để săn đuổi một con ma thì…
- Xin hãy từ từ, để tôi kể. Xin đừng mất kiên nhẫn vì tôi chưa hề nói cho ông biết nghề nghiệp của tôi. Tôi là một chuyên gia nghiên cứu về ma từ hai mươi nhăm năm nay. Tôi còn nghiên cứu cả về ma cà rồng, về ác quỷ, về phù thuỷ, về các quyền lực huyền bí, về ma sói v.v… Tôi hầu như đọc hết tất cả mọi tài liệu sách báo có bài viết về chúng. Tôi phải học đến bảy thứ tiếng để có thể đọc được các tài liệu sách báo đó. Đã từ ba năm nay. tôi trao đổi thư từ thường xuyên với Giáo sư Norton ở Luân Đôn về cuộc sống sau cái chết. Tại sao lại tự khoe khoang trước mặt ông? Không phài tôi nói quá nhưng tôi có thể xác định với ông rằng trong xứ này, không ai biết nhiều về lãnh vực này hơn tôi.
Tôi không hề nghĩ trong đầu là ông ta nói xạo hoặc nói ngoa, ngược lại tôi còn cảm thấy tin tưởng và kính phục ông ta.
Sau một lúc im lặng, Onathbabou bảo tôi:
- Ở Ấn Độ này tôi đã ngủ trong hơn ba trăm căn nhà có ma.
- Thật vậy sao?
Onathbabou từ từ gật đầu nói:
- Nhưng bọn ma né tránh tôi ông ạ! Và chính những người sợ ma, không muốn gặp chúng thì lại bị chúng theo đuổi. Tôi đã bị thất vọng rất nhiều lần ở Trichinapoli, gần Madras, có một câu lạc bộ của người Anh, xây đã hơn một trăm năm mươi năm trước và bỏ hoang; ờ đó tôi đã chạm trán với một con ma đã muốn lại gần tôi. Ông biết không? Hôm đó, tôi đang ở trong một căn phòng tối, tuyệt nhiên không có một tí gió nào. Và mỗi lần tôi bật diêm đề châm nến là mỗi lần có người thổi tắt que diêm của tôi. Cuối cùng, sau khi đã châm hết mười ba que diêm, tôi cũng châm được ngọn nến và dưới ánh sáng nhập nhoè, tôi thấy bóng “ông bạn” ma lỉnh mất một lèo, không hề quay đầu trở lại. Một lần khác, ờ Calcutta, tôi đã trải qua một kinh nghiệm khá thích thú trong một căn nhà có ma. Ông có thấy mớ tóc rất dày của tôi không? Vâng, hôm đó tôi ngồi trong căn phòng tối bình tĩnh chờ đợi con ma. Bất thần, một con muỗi nhè ngay trán tôi mà đốt. Chuyện gì xảy ra vậy? Trong bóng tối dày đặc, tôi đưa tay lên sờ đầu: không còn lấy một sợi tóc! Đầu tôi trọc lóc, nhẵn thín! Sao? Đây có phải là cái đầu tôi không, hay là tôi đang sờ đầu một người nào khác? Tôi bật đèn pin và nhìn vào trong gương thì lạ thay, không hề có chuyện đầu bị trọc vì mớ tóc dầy của tôi vẫn còn nguyên! Ngoại trừ mấy trường hợp kể trên, tôi chưa bao giờ chạm trán với lũ ma mặc dầu tôi đã cất công tìm kiếm chúng. Tôi hầu như đã vứt bỏ hẳn mọi hy vọng sẽ gặp ma, nhưng khi bất ngờ giở chồng báo Probashi cũ, tôi đã bắt gặp bài viết về căn nhà ma ở Raghounathpour.
Mải nghe Onathbabou nói. tôi không ngờ rằng chúng tôi đã đi đến cửa chính của toà lâu đài.
- Ngày hôm nay, mặt trời sẽ lặn lúc năm giờ ba mươi mốt phút. – Onathbabou vừa nhìn đồng hồ vừa nói – Chúng ta nên đi ngay trong lúc hãy còn ánh mặt trời.
Sự thu hút của lũ ma có lẽ đã trở thành dễ lây lan, vì tôi không hề cò một lời phản đối đề nghị của Onathbabou. Trái lại, tôi cảm thấy bồn chồn khi nghĩ tới chuyện bước vào toà lâu đài và căn phòng có ma ở lầu một.
Sau khi bước qua cổng chính, tôi trông thấy cái sân lớn và phòng khiêu vũ. Khoảng một trăm năm mươi năm, hay một trăm năm trước, ở đây chắc đã diễn ra không biết cơ man nào những buổi khiêu vũ. tiệc tùng, ca kịch nhưng giờ đây th chả còn gì, tất cả đã tan biến vào hư không! Sân được một hành lang đã đổ vỡ bao bọc ỏ ba phía. Phía bên tay mặt, trên một phần hành lang còn sót lại, có một cây dù bị gãy. Cách đó độ hơn chục thước là cầu thang đưa lên lầu một.
Cầu thang tối om nên Onathbabou phải lấy một cái đèn pin từ trong túi áo ra đề soi đường. Chúng tôi lên lầu một sau khi đi xuyên qua một hệ thống mạng nhện gần như vô hình. Tôi chợt nghĩ một con ma ở trong căn nhà như thế này thì chẳng có chi lạ.
Khi lên đến lầu một, tôi nghĩ thầm nếu quẹo trái rồi đi thẳng thì chúng tôi sẽ đến được căn phòng – căn phòng hướng tây-bắc.
- Đừng để phí thì giờ. – Onathbabou vừa tiến lên vừa nói.
Điều đáng chú ý là trên hành lang này chỉ có một đồ vật duy nhất: một đồng hồ cỡ lớn. Đồng hồ nay đã hư. kính bị bể nát, kim chỉ phút đã mất, và quả lắc bị hư nằm quẹo về một bên.
Cánh cửa căn phòng tây-bắc đóng kín. Nhưng khi Onathbabou chỉ đụng ngón tay trỏ đẩy khẽ cũng đã mở ra được, tôi bỗng vô cớ rùng mình.
Sau khi bước vào phòng, tôi không nhận thấy có gì lạ. Căn phòng khách cổ: ở giữa là một chiếc bàn thật lớn, mặt bàn đã mất, chỉ còn trơ lại bốn chân. Một chiếc ghế bành để gần bàn bên ngoài phía cửa sổ. Một bên tay của ghế đã bị gãy và một phần đệm bị thủng.
Ngước mắt nhìn lên trần, tôi thấy có treo một chiếc quạt kéo bằng dây, sợi dây đã mất và một bên cánh quạt bị gãy. Ngoài ra còn có một giá để súng, một điếu không còn xe điếu, và hai ghế nhỏ cũ nát.
Onathbabou đứng im lặng một lúc, ông ta hình như đang cố gắng tập trung để xem có ngửi thấy gì, có cảm giác thấy gì không. Vài phút sau ông ta hỏi tôi:
- Ông có ngửi thấy mùi gì không?
- Mùi gì?
- Một sự pha trộn giữa mùi hương trầm ở Madras, mùi mỡ chiên cá và mùi xác chết bị thiêu.
Tôi hít vào rất mạnh và sâu hai lần nhưng ngoài mùi ẩm mốc của căn phòng bị đóng cửa lâu, tôi không ngửi thấy mùi gì khác. Vì vậy tôi nói:
- Đâu? Tôi chả ngửi thấy gì cả.
Onathbabou giữ im lặng thêm một lúc, rồi bất thình lình ông ta nắm bàn tay phải đấm vào lòng bàn tay trái, kêu lên:
- Rồi! Đây là một mùi rất quen thuộc với tôi. Chắc chắn nơi này có ma nhưng nó có cho mình gặp hay không thì phải chiều mai, ít nhất là chiều mai, tôi mới biết được. Thôi, chúng ta về đi.
Onathbabou quyết định đêm mai sẽ ngủ trong căn phòng này. Trên đường về, ông ta bảo tôi:
- Tôi không tính ở lại đêm nay vì đêm mai là đêm không trăng – một đêm thích hợp nhất với loài ma. Ngoài lý do đó, tôi còn cần phải mang lại đây dăm ba thứ. Các thứ này ở nhà có, ngày mai tôi sẽ mang tới. Hôm nay coi như chúng ta đi thám sát hiện trường.
Ông ta đưa tôi về tận nhà. Trước lúc tạm biệt, ông ta nói nhỏ với tôi:
- Xin đừng nói với ai về các dự tính của tôi! Tôi đã nghe thấy những lời họ nói trong ngày hôm nay. Họ đều sợ mất vía và đều đầy thành kiến; nếu biết các ý định của tôi, họ sẽ ngăn tôi lại và làm hỏng hết mọi chuyện. À, còn một điều này nữa, xin ông đừng giận tôi vì không rủ ông đi cùng. Trong những công việc này, tôi chắc là ông hiểu, nếu không làm một mình thì hư bột hư đường hết!
êêêTrưa ngày hôm sau, tôi lấy giấy bút ra ngồi viết. Nhưng tôi chẳng viét được gì cả, đầu óc tôi luôn luôn nghĩ tới căn phòng tây-bắc trong lâu đài Haldar. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy đến với Onathbabou. Câu hỏi này làm tôi cảm thấy lo lắng, sợ hãi.
Đến chiều, tôi đưa Onathbabou tới tận cổng chính lâu đài Haldar. Ông ta mặc một cái áo choàng cổ cao, chân đi giày cao cổ, lưng đeo chai nước. Trước khi bước qua cửa, ông ta thọc tay vào túi áo choàng, lấy ra hai cái chai nhỏ, bảo tôi:
- Ông nhìn xem! Chai này đựng một thứ dầu nếu ông bôi vào người thì sẽ không sợ bị muỗi cắn. Trong chai thứ hai là axít các-bô-ních, rắc xuống đất sẽ không sợ rắn bò vào quấy rối.
Nói xong, ông ta nhét hai chai vào túi, giơ đèn lên đầu ra dấu tạm biệt, và tiến vào lâu đài Haldar, tiếng giày của ông ta sột soạt trên đường đi.
Đêm hôm đó tôi trằn trọc ngủ không yên giấc.
Trời vừa hửng sáng tôi đã bảo Bharaddahj đổ đầy trà vào bình thuỷ, đủ cho hai người uống. Lấy xong nước trà, tôi vội vác bình thuỷ trờ lại lâu đài Haldar.
Cảnh vật thật vắng vẻ và im lặng. Khi tới cửa chính toà lâu đài, tôi tự hỏi không biết có cần gọi Onathbabou không, hay là cứ đi thẳng lên lầu thì bỗng nghe tiếng gọi:
- Này ông! Tôi ở đây này!
và tôi thấy Onathbabou bước ra từ đám bụi rậm bên cạnh toà nhà. Khi thấy ông ta bước lại gần, tôi tuyệt nhiên không có cảm tưởng là ông ta vừa trải qua một đêm hãi hùng kỳ quái.
Ông ta chậm rãi tiến về phía tôi, trên tay cầm một nhánh cỏ bạc đầu:
- Ông biết không? Tôi lẩn quẩn ở trong bụi cây này mất cả nửa giờ mới kiếm được nhánh cỏ bạc đầu này. Tôi có thói quen hay dùng nó đề đánh răng.
Tôi ngần ngại, không dám đòi ông ta kể ngay câu chuyện hôm qua.
- Tôi có mang trà theo này. – Tôi nói. Ông muốn ta uống ở đây hay vào trong nhà hãy uống?
- Chúng ta hãy ra chỗ bờ giếng uống.
- Ông nhâm nhi từng ngụm nhỏ, thỉnh thoảng lại “hà” một tiếng ra chiều thích thú, rồi ông nhìn tôi, nhếch mép cười và hỏi:
- Chắc ông rất nôn nóng muốn biết chuyện gì xảy ra đêm qua phải không?
- Vâng, tôi rất muốn biết.
- Được rồi, đề tôi kể cho ông nghe. Tôi có thể nói ngay “mọi việc đã diễn ra như ý muốn”, cuộc viếng thăm căn nhà ma này của tôi đã mang lại kết quả.
Onathbabou vừa uống cạn chén trà, ông rót thêm một chén nữa và bắt đầu kể:
- Chiều hôm qua, lúc ông từ biệt tôi ra về là năm giờ. Trước khi vào lâu đài, tôi đi một vòng chung quanh để xem có động tĩnh gì không. Nhiều khi kẻ lén đến ban đêm lại có thể là một người, hay là một con vật thay vì con ma. Nhưng dù sao đi nữa, tôi đã không thấy có gì khả nghi ở khu vực chung quanh.
Khi lên đến lầu một, tôi đi quan sát tất cả mọi căn phòng, cửa để mở không đóng, và chẳng tìm thấy gì ở bên trong, việc này cũng chẳng có gì lạ khi căn nhà đã bị bỏ hoang từ lâu năm. Tôi thấy trong một phòng rất nhiều rác rưởi: ở một phòng khác, ngoài bốn con dơi đeo ở trên tường, không còn bất cứ thứ gì khác.
Vào lúc sáu giờ rưỡi, tôi tới căn phòng tây-bắc và thu dọn để sửa soạn chỗ ngủ. Tôi có mang theo một cái chổi và trước hết tôi phủi bụi đọng trên chiếc ghế bành, một lớp bụi dầy cộp!
Không khí trong căn phòng rất ngột ngạt, tôi mở toang cửa sổ. Tôi cũng mở sẵn cửa đi ra hành lang, đề phòng trường hợp “ngài ma” muốn tới dưới thân xác một người bình thường.
Tôi đặt đèn và bình thuỷ xuống đất trước khi ngồi vào chiếc ghế bành cũ. Tôi cảm thấy khó chịu nhưng sự khó chịu cũng không là bao, so với nhiều căn nhà ma khác mà tôi đã qua đêm.
Vào tháng này mặt trời thường lặn lúc năm giờ rưỡi chiều. Rất khó nhìn rõ trong bóng tối ngày càng dày đặc. Ngoài ra còn có cái mùi của buổi chiều hôm trước ngày càng toả ra rõ rệt, dễ ngửi thấy hơn. Tôi luôn luôn là một người trầm tĩnh, và không dễ mất bình tĩnh. Nhưng đêm qua, từ trong đáy lòng, tôi cảm thấy bị kích thích rất mạnh.
Tôi khó xác định được đúng giờ nhưng lúc đó, khoảng chín giờ hay chín giờ rưỡi, thì có một con đom đóm bay vào theo ngã cửa sổ. Nó bay đảo đi đảo lại vài vòng rồi bay ra.
Sau đó tôi cũng không thể nhớ rõ vào lúc mấy giờ thì những tiếng hú của chó rừng và tiếng kêu của giun dế ngưng, cũng như vào lúc nào thì tôi ngủ thiếp đi.
Một tiếng động làm tôi thức dậy. Tiếng đồng hồ báo nửa đêm. Tiếng chuông nghe êm ái nhưng lại rất lớn vang lên ở ngoài hành lang. Đây phải là tiếng chuông của một chiếc đồng hồ mới và tốt.
Trong nháy mắt, tôi tỉnh ngủ hẳn, và khi ấy tôi nhận thấy có hai chuyện lạ đã xảy ra: tôi không còn ngồi trong chiếc ghế bành cũ và rách, mà chiếc ghế tôi ngồi nệm rất êm và dày, rồi có ai đó đã đệm vào sau lưng tôi một cái gối dựa. Chuyện lạ thứ nhì là ở trên đầu tôi chiếc quạt trần kéo bằng dây cũ kỹ hư nát đã được một chiếc khác mới tinh thay thế, sợi dây kéo cũng mới tinh, đưa qua một lỗ hổng ở trên tường ra ngoài, và không biết ai ở ngoài đang kéo dây làm cho quạt chạy, mang lại luồng gió mát dịu.
Tôi sửng sốt khi thấy những chuyện lạ đó nhưng lại cảm thấy thích thú. Vào lúc đó, tôi mới để ý thấy là – mặc dù đêm nay là đêm không có trăng – căn phòng, tôi không biết tại sao, được chiếu sáng bằng một thứ ánh sáng rất dịu, thứ ánh sáng của trăng. Cùng lúc đó, tôi ngửi thấy mùi hương rất thơm. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy ai đó đã để một cái điếu ống đang toả hương thơm nghi ngút, chứng tỏ đó là một thứ thuốc lào hảo hạng.
Onathbabou ngưng nói một lúc, rồi ông ta mỉm cười và bình luận:
- Một trạng thái tuyệt vời phải không ông?
- Chuyện nghe dễ thương quá, tôi trả lời. Vậy là ông đã trải qua một đêm rất êm dịu phải không?
Nghe tôi hỏi, Onathbabou bỗng có vẻ mặt rất nghiêm nghị. Tôi đợi vài giây, rồi không thể không mất kiên nhẫn, tôi nói lớn tiếng:
- Vậy là không có sự sợ hãi gì xảy ra à? Ông không gặp con ma à?
Onathbabou nhìn tôi chăm chăm. Nụ cười mỉm biến mất, ông ta hỏi tôi bằng giọng khàn khàn:
- Ngày hôm kia, khi vào trong căn phòng ông có nhìn kỹ trần nhà không?
- Không, không kỹ lắm, tôi trả lời. Tại sao?
- Ở trên đó xảy ra những điều rất kỳ quái, Onathbabou nói. Nếu không tới nhìn, ông sẽ không thể hiểu được phần sau của câu chuyện. Chúng ta đến đó đi.
Trong lúc lên cầu thang, Onathbabou chỉ nói thêm mỗi một câu:
- Từ nay tôi không bao giờ đi săn ma nữa ông Shitten ạ. Không bao giờ nữa. Nỗi đam mê đó đã chết đối với tôi.
Đi qua hành lang, tôi để ý thấy chiếc đồng hồ cũ vẫn nằm đó, vẫn đổ nát như cũ. Tới trước cửa phòng tây-bắc, Onathbabou bảo tôi:
- Ông vào đi.
Tôi lấy tay đẩy cửa, bước vào bên trong. Tôi bước thêm hai bước và nhìn xuống đất, một nỗi sửng sốt, và một sự sợ hãi đến kinh hoàng làm tôi lạnh xương sống và dựng tóc gáy.
Ai là kẻ mặc áo choàng cổ cao, đi giày cao cổ đang nằm sóng soài trên mặt đất?
Và ai ở đàng sau tôi đã bất thần phá lên cười? Tiếng cười ma quái như âm vang trong toà lâu đài Haldar âm u, làm cho máu trong người tôi như đọng lại và tôi thấy mình ngất đi. Thế là thế nào đây?
Tôi không nhớ những chuyện gì xảy ra sau đó.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy Bharaddahj đứng ở dưới chân giường và Bhobotosh đang ngồi quạt cho tôi. Khi thấy tôi mở mắt, Bhobotosh thốt lên:
- Rất may là Shidhouchorone đã trông thấy ông đi vào toà lâu đài đổ nát đó. Nếu không thì số phận của ông sẽ ra sao? Mà tại sao ông lại lẩm cẩm đi vào đó?
- Onathbabou, đêm hôm đó…, tôi bắt đầu kể.
- Lại Onathbabou! Bhobotosh ngắt lời tôi. Hắn chẳng chịu tin một câu nào những gì tôi kể mấy bữa trước. May là ông đã không đi cùng với hắn tới ngủ tại toà lâu đài đó. Ông có biết chuyện gì xảy ra với hắn chưa? Hắn đã chết ngắc, y như Holodhor. Chết cứng ngắc, trong mắt cũng có ánh nhìn sợ hãi kinh hoàng, cả hai mắt trợn trừng nhìn lên trần nhà…
Tôi thầm nghĩ – không chết ngắc đâu, còn lâu mới cứng ngắc! Tôi biết ông ta đã trở thành cái gì sau khi chết.
Nếu tôi đi lại chỗ đó ngày mai, tôi sẽ lại thấy ông ta mặc áo choàng, đi giày cao cổ, từ bụi rậm cạnh lâu đài Haldar bước ra,
miệng mỉm cười, tay cầm nhánh cỏ bạc đầu…