Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NGẮM HỒ GƯƠM KHI XUÂN VỀ







N gày mồng 2 tết tôi đi lang thang quanh Hồ Gươm Hà Nội để chơi xuân .

Tôi chụp hình những cấu trúc riêng của các loại hoa được trưng bày ở nơi đây. Những mảng hoa, những lẵng hoa, những bông hoa đang tự đùa chơi trong gió xuân, chúng rì rào như đang nói chuyện với du khách. Tôi ngắm từng bồn hoa, bồn thì dáng hình thoi, bồn thì hình chữ nhật, bồn thì hình tròn…khuôn lấy những hàng cây hoa cúc, hoa cẩm chướng, hoa hồng, hoa phong lan… Riêng hoa đào thì vẫn đứng riêng từng cây tuy chúng được xếp thành hàng chạy dọc theo bờ hồ. Hoa đào vẫn sắc thắm, hoa cúc vẫn tươi rói, hoa bướm rung rinh uốn lượn khi gió xuân nhè nhẹ bay qua. Bờ hồ Gươm được trang điểm bằng nhiều loại hoa. Mấy năm gần đây, ngày tết, hoa trang trí cho Hồ Gươm đẹp hơn và trang trọng hơn, có bàn tay con người thiết kế, trang trí, trưng bày khiến cho Hà Nội hiện đại bên cái cổ kính. Tuy hoa ở quanh Hồ Gươm Hà Nội chưa được bề thế như hoa được trưng bày trên đường Nguyễn Huệ của Sài Gòn, nhưng lại mang dáng vẻ rất riêng bởi hoa chỉ dùng tô điểm cho hồ Gươm, điểm nhấn đẹp nhất của Hà Nội thêm rực rỡ đón xuân. Vành đai hoa đủ màu sắc quanh hồ song hành cùng các hàng cây cổ thụ rủ bóng xuống hồ. Những hàng lộc vừng cổ thụ trổ bông thơm ngát, những hàng liễu mượt mà , những hàng bằng lăng thay lá đang xanh mướt làm Hồ Gươm thêm sống động.

Người ta vừa dạo chơi vừa ngắm nghía cảnh quan quanh hồ mà thấy Hà Nội xưa khi xuân về. Hồ Gươm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu .

Trên đường Đinh Tiên Hoàng, nơi Bưu điện Bờ Hồ tọa lạc vẫn như thấp thoáng bóng ngôi chùa Báo Ân xưa. Chùa Báo Ân từng tồn tại ở Hà Nội trong khoảng 5 thập niên của thế kỷ 19. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, doTổng Đốc Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng trên khu đất gần 100 mẫu ở bờ Đông hồ Gươm. Mặt trước chùa quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ.( Ảnh tư liệu do bác sĩ Hocquard thực hiện năm 1884).

Ngoài tên gọi chính thức, chùa Báo Ân còn có nhiều tên gọi khác như chùa Liên Trì (ao sen) vì nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chùa Nguyễn Đăng Giai – tên vị tổng đốc cho xây chùa, chùa Quan Thượng – chỉ hàm Thượng thư của quan Tổng đốc. Người Pháp thì gọi đây là chùa Khổ Hình (Pagode des Supplices) vì thấy ở chùa có hai bức ván vách chạm nổi cảnh hàng loạt khổ hình dành cho những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia (Cảnh thập diện Diêm vương).

Theo các tư liệu được lưu lại, chùa Báo Ân có kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, có tới 180 gian và 36 nóc. Các chi tiết kiến trúc của chùa được tạo tác rất tinh tế. Ngoài ra chùa còn có một quần thể tượng lớn, nhiều bức được sơn son thiếp vàng hoặc khảm xà cừ, tạo hình sinh động.

Bác sĩ Hocquard, người đã chụp nhiều bức ảnh về chùa Báo Ân đã mô tả tỉ mỉ về ngôi chùa như sau: “Từ xa, tầm mắt khách thập phương đã bị những cái tháp chuông, cột trụ, tiểu tháp thu hút. Bước vào chánh điện, quy mô rộng lớn, giữa những hàng cột vàng son lộng lẫy, có đến trên hai trăm pho tượng thần Phật sắp hàng. Chính giữa là bàn thờ Đức Phật Thích Ca, cao 1m50, dát vàng từ đầu đến chân, ngồi trên tòa sen, đôi mắt lim dim nhìn xuống lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối. Hai đại đệ tử đứng hầu hai bên.

Phía sau chùa Báo Ân có tháp Hòa Phong, là ngọn tháp cao 3 tầng, tầng 1 có 4 vòm cửa nên còn gọi là tứ môn tháp, một kiến trúc thường thấy trong các công trình của Phật giáo, tầng 2 có bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía Đông, tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô…

Theo đề án qui hoạch lại Hà Nội đầu năm 1886, viên toàn quyền người Pháp là De Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm, khiến khu vực quanh chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn. Tới năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa phong được giữ lại là dấu tích kiến trúc duy nhất của chùa Báo Ân còn tồn tại đến nay.

Nhiều di tích quanh hồ như Tháp Rùa, nằm ở trung tâm hồ, được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, trên gò Rùa và chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Đền Ngọc Sơn do nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra trên nền cung Thuỵ Khánh cũ (bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh)[13]. Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo. Cầu Thê Húc: dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm". Tháp Bút: trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm bảy tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí. Đài Nghiên: trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, là phần không thể thiếu của Tháp bút. Ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán. Tháp Hoà Phong: trên bờ hướng Đông hồ, là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân (bị dỡ bỏ năm 1898) [14]. Tháp cao ba tầng, cửa theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, có các chữ Hán như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp, ứng với mỗi cửa của tháp. Tầng một to và cao hơn hai tầng trên cùng. Bốn mặt của tầng hai hình Bát quái. Tầng ba ghi "Hòa Phong Tháp".Đền Bà Kiệu: trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, là một di tích hoàn chỉnh nhưng do việc mở đường nên đã tách làm hai phần, Tam quan ở sát bờ hồ, còn Đền thờ ở về phía bên này đường. Toạ lạc theo hướng Nam. Tam quan và Đền thờ (Nhà đại bái) đều có kiến trúc ba gian xây gạch, lợp mái ngói ta. Ngôi đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ. Nhà Thuỷ Tạ: trên mặt bờ hồ hướng Tây Bắc, là một loại hình kiến trúc quan trọng và đặc sắc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, là địa điểm diễn ra các lễ của Hoàng triều hoặc thờ cúng Thần linh hay các vị Hoàng đế. Ngoài ra, Nhà Thuy Tạ còn là chốn phục vụ nhu cầu ăn chơi cho tầng lớp thống trị, hậu cung, ly cung, biệt cung... có kiến trúc tương đối đơn giản, được xây dựng bên bờ mặt nước như hồ, ao, sông, suối. Đền thờ vua Lê: ở bờ Tây hồ, áp với đình Nam Hương. Đền có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.

Gắn với di tích lịch sử còn có loài Rùa lớn sinh sống trong Hồ Gươm. Ngày trước rùa Hồ Gươm rất hiếm khi nổi lên mặt nước. Truyền rằng mỗi lần rùa nổi đều liên quan đến những việc quốc gia đại sự. Là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử và văn hoá linh thiêng từ hàng ngàn năm nay, hiện rùa hồ Gươm thuộc diện động vật quý hiếm đang được nhà nước bảo vệ. Năm 2011, rùa hồ Gươm, được biết chỉ còn một cá thể sống sót, thường được gọi là "Cụ Rùa" đã được trục vớt và trị chữa các vết thương.

Tuy không phải là hồ lớn nhất trong thủ đô, song hồ Gươm, còn gọi là hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ có nhiều cảnh đẹp, gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình ( Hoàn kiếm- trả lại gươm khi chiến tranh kết thúc).

Đi quanh Hồ Gươm, qua cầu Thê Húc, vào đền Ngọc Sơn, đoàn người ra vào tấp nập. Nhiều cảnh sinh hoạt văn hóa ven hồ khiến tôi rất thích, như cảnh các họa sĩ vẽ tranh truyền thần ven hồ. Nhiều người nước ngoài trầm trồ và ngạc nhiên xem họa sĩ vẽ tranh tại chỗ, bức họa hoàn thành rất nhanh, từ 10 đến 20 phút. Mỗi bức họa chân dung bằng chì chỉ có giá 100 000 VNĐ. Người được họa ngồi trên ghế nhựa cao chừng 20dm, còn họa sĩ ngồi ngay trước mặt, họ cầm giá vẽ đơn giản để trên đùi mình mà họa. Những bức truyền thần trông khá giống người thật. Có gia đình trẻ, truyền thần cả gia đình, bố mẹ và con trai. Tôi cũng ngồi để có tranh truyền thần mình. Tôi nói với họa sĩ vẽ tranh, những bức họa này biết đâu rất được giá khi họa sĩ nổi danh, các chủ nhân phải giữ lấy tranh, vừa để kỷ niệm vừa để lưu bút của nhân tài.

Người đến để truyền thần khá đông. Tôi hỏi một cậu họa sĩ, ngày tết cháu vẽ được bao nhiêu bức hình. Cậu trả lời, có hôm cháu vẽ được hơn 20 hình. Tôi thấy , cách kiếm tiền này rất hay, rất nghệ sĩ , thu nhập cũng khá cao. Cái hay nhất là người vẽ lẫn người được vẽ hòa đồng, bên nhau trong cái nghệ thuật vừa giản dị, gần gũi nhưng rất thanh tao. Nhiều người ngồi cho họa sĩ vẽ, người Hà Nội rất thích nghệ thuật vẽ truyền thần.

Quanh hồ có nhiều người ngồi bán đồ chơi, phần nhiều là đồ chơi dân gian. Người bán dạo cũng biết được rằng, khách đến du lịch thường thích những quà lưu niệm mang tính dân tộc. Những đồ chơi bằng tre, trúc, gỗ, những chú tò he bằng bột màu ngộ nghĩnh được bày bán và được người mua ưa chuộng.

Hà Nội những ngày tết không ồn ào. Đoàn người nối đuôi nhau nhìn ngắm cảnh đẹp hồ Gươm, chụp ảnh kỷ niệm. Họ chọn những góc nhìn đẹp mắt, có hoa, có cây, bên những di tích cổ kính của Hà Nội… để chụp ảnh.

Cảnh đẹp, thời tiết đẹp, nắng vàng rực rỡ, trời ấm áp sau những ngày đông lạnh giá. Bờ hồ càng về chiều càng đông đúc.

Lâng lâng trước sắc xuân đầy mộng mơ, bên hồ Hoàn Kiếm, trong tâm tưởng của tôi, bài ca Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao bỗng bay lên trong không gian trong trẻo:

Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông…

( Bài viết có sử dụng tài liệu và ảnh trên Google.com.vn).