NHỮNG MÙA XUÂN CỦA MẸ
M ẹ kể rằng con sinh ra vào một ngày mùa đông lạnh giá. Mẹ nằm ấp ủ con chờ mùa xuân tới. Lần đầu tiên, mẹ đón Tết trong những bức tường vây kín. Mẹ không đươc ngắm nhìn hoa dã quỳ nở tràn ngập hai bên đường, thỉnh thoảng có những hoa anh đào, mimosa trồng đan xen, nỗi lên giữa không gian Dalat sương mờ.
Nhưng con là mùa xuân ấm áp, tuyệt vời của mẹ. Mẹ sung sướng, hạnh phúc đón một cái tết không có hoa quả, bánh mứt…
Một năm nữa sắp qua, ba đi làm xa vẫn chưa về. Cảnh nhà túng thiếu, mẹ đi giúp việc cho nhà một ông Tây-bà Đầm để kiếm tiền.
Con chưa tròn tuổi, mẹ để con ở nhà một mình, lấy bốn cái ghế dựa làm cái củi, tấn xung quanh con, đồng thời treo một bình sữa để khi nào con đói ôm bú. Chỗ mẹ làm gần nhà, nên mỗi lần rảnh, mẹ ba chân bốn cẳng chạy về chăm con.
Tết đến gần. trời Dalat se lạnh. Con bị cảm ho. Mẹ bồng con đến chỗ làm. Dấu con vào một góc bếp. Bất ngờ, bà Đầm xuống bếp, bắt gặp và thấy con tè ra nền nhà. Bà ta bực tức bồng con đem bỏ ngoài trời. Lạnh quá, con khóc. Mẹ nghe tiếng, tìm tới. Thấy con như vậy, mẹ tức giận, tranh cãi với bà Đầm và vì tủi hận, mẹ đã tát cho bà ta một cái, rồi bồng con ra đi mà không nhận được một đồng tiền công nào.
Không có việc làm, mẹ phải đi cắt cỏ ở tận những núi đồi cao, đầy bụi rậm gai góc của Dalat hoang sơ thời bấy giờ-, bán cho các đại gia nuôi ngựa để lấy một số tiền ít ỏi mua sữa, cháo cho con. Lại một cái tết khốn khó dành cho mẹ với bữa đói, bữa no…
Ba đi lính. Mẹ và con theo ba đi khắp vùng Cao nguyên, cuối cùng định cư ở Pleiku.Bấy giờ, mẹ tất tả xuôi ngược để nuôi đàn con.
Con tới tuổi đi học. Mẹ dành dụm tiền may cho con bộ đồng phục quần xanh, áo trắng để con vừa bận vào ngày tết, vừa bận đi học. Aó quần tết của mẹ cũng chỉ là những bộ đồ phai bạc theo thời gian.
Cuộc sống của gia đình cũng khá dần lên do sự tháo vát của mẹ, các con đã có những mùa xuân no ấm.Dù bận rộn công việc kinh doanh, mỗi lần đón tết, mẹ luôn tự tay gói bánh tét, in bánh, làm mứt…, coi đó là niềm vui, tấm lòng của mẹ dành cho gia đình.Những cái bánh ú nho nhỏ, quả chuối mật, mẹ luộc, luôn dành cho con trong đêm giao thừa.
Con bước vào mùa xuân 19. Chiến tranh leo thang, con phải đi lính. Năm ấy, mẹ dắt con vào chùa lễ Phật, cầu sự bình an cho con. Dẫu cái tết rộn rả, đầy đủ nhưng mẹ cứ buồn buồn vì mai đây, con sẽ đi xa.Mẹ hầu như dành hết thời gian để chuẩn bị hành trang cho con.Biết con thích món canh bí ngô, mẹ tự tay chế biến món ăn này, cho hợp với khẩu vị của con Nhìn con ăn, ánh mắt mẹ chan chứa bao yêu thương.
Rồi một mùa xuân,con ở trong trại cải tạo. Ngày mồng hai tết đươc thăm nuôi,mẹ giao lại bàn thờ tổ tiên, ông bà cho ba và các em coi sóc. Mẹ đùm bới bánh trái, thức ăn khô đi thăm con
Xe cộ thưa thớt,mẹ khi thì đi xe, khi thì lội bộ, .tay xách nách mang những quà tết nặng trĩu dành cho con. Đường vào lán trại xa hơn chục cây số.mẹ phải leo dốc, lội ngầm( suối cạn )vô cùng gian nan. Tuổi già, sức yếu nhưng mẹ cố rảo bước nhanh để mau đến nơi. Con gặp mẹ trong dáng người phờ phạt; mắt mẹ thâm sâu, đôi chân trầy xước. sưng tấy. Mẹ lả người như muốn quỵ xuống. Mẹ ôm con nước mắt chảy dài. Một mùa xuân hiu hắt, lảng đảng đến với con nhưng đầy ắp tình thương của mẹ…
Mẹ tuổi đã cao nên giảm bớt công viêc mua bán. Niềm vui của mẹ bây giờ là tìm về những khoảng lặng nơi chùa chiền, cứu rỗi cho đời bằng những câu kinh tiếng kệ.
Mỗi mùa xuân về, mẹ thường làm một chuyến hành hương khắp chùa ở Pleiku. Tâm nguyện của mẹ là cầu sự bình an cho mọi người trong đó có con cháu, đóng góp một phần nhỏ sức của cho những người có hoàn cảnh không may
Con bước vào tuổi trung niên. Mẹ ra đi vào mùa xuân một cách nhẹ nhàng…
Đưa tiễn mẹ, ngoài con cháu, còn có sư thầy, sư cô, đạo hữu và hàng hàng,
lớp lớp mọi người thương yêu mẹ đi chật kín con đường từ nhà ra nghĩa trang . Tiếng khóc, lời kinh vang động một góc trời.
Mẹ đã đi vào cõi mùa xuân vĩnh hằng, để lại cho con nỗi thương tiếc vô biên…
(Pleiku, 1/2013 )