TẾT TÂN SỬU 2021 NGHĨ GÌ ?
C ó lẽ chưa có cái Tết truyền thống nào mà tôi lại có những ý nghĩ mâu thuẫn nhau như cái Tết Tân Sửu này. Phải chăng trước đây tôi ít phải suy nghĩ, hoặc cũng có mà nay quên rồi. Điều này thì không chắc lắm. Bởi vì dựa vào một tập thơ tôi đã làm, có ghi lại ngày tháng, thì không thể nói là ngày đó, cách nay đã 58 năm, mình không suy nghĩ hoặc ít suy nghĩ, trái lại, là rất nhiều, rất khổ tứ là khác. Một là thế, hai là nói như thiên hạ thường nói : khi một thi sĩ sáng tác thơ, là ông “xuất thần”. Chữ này hiểu như thế nào ? “Xuất thần” là cách nói một thi sĩ làm thơ rất nhanh mà lại hay? Nghĩa là ông ta không mất nhiều thời giờ suy nghĩ, tìm chữ và ý thơ, tự trong cõi lòng ông bùng lên ý tưởng là phải ngồi xuống viết ngay, dù lúc đó là đêm khuya.Tôi chỉ có thể nói được một điều, ấy là trước kia, nghĩa là thời gian này đã lâu, rất lâu, có thể tính được gần một nửa thế kỷ, hoặc hơn, tôi ưu tư đấy mà cũng “quên” ngay sau đó. Thế cũng có nghĩa từ đó đến nay, tôi không thể “đóng đinh” thời gian này vào 1,2 con số được. Nó mông lung, chập chờn như giữa hai cõi thực và hư. Nó không chắc như có người hỏi tôi con Covid-19 hiện nay có thực hay không ?
Đoạn văn trên đây, tôi chắc làm cho độc giả khó chịu. Vì viết gì mà quẩn quanh, rắc rối, lủng củng. Vâng, nó là biểu hiện của tuổi già, một người già đã trải qua hai cuộc chiến tranh, sống dưới ba chế độ chính trị, xã hội. Nhưng đoạn văn trên có dính dấp gì tới chiến tranh hay mấy chế độ chính trị, xã hội đâu ? Có đấy. Nó nhập vào toàn bộ con người tôi, nó ẩn sâu trong mọi tế bào, trong mọi khúc ruột gan và trong suốt chiều dài của mạch máu, một chiều dài hơn 160.000 km, đủ để cuốn 4 vòng quanh xích đạo trái đất. Điều này cũng cho thấy tôi sắp hết ưu tư rồi, tức là sắp trở thành người đi câu cá mà không cầu được cá, hay sắp trở thành một cây thông lặng lẽ giữa trời. Chắc chắn lúc ấy, tôi mới có thể buông bỏ, đi sâu hơn vào cõi sâu của hồn mình (Một cõi sâu không thể đo bằng chiều dài). Trong những bối cảnh và những sự kiện của ba thời kỳ và hai cuộc chiến tranh, tôi ngán ngẩm, “buồn tênh mọi nỗi”. Tôi đọc được câu này trong cuốn Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập đấy, tôi mua nó tại Nhà sách Vĩnh Bảo ở đường Nguyễn Huệ Sài Gòn năm 1957. Không biết hồn ông chủ nhà sách Vĩnh Bảo bây giờ ở đâu?
Một người thân trong gia đình tôi, hiện sống tại một quốc gia giáp biên giới với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, một đất nước với thể chế liên bang, vừa trải qua một cuộc bầu cử với biết bao dấu hiệu của những bàn tay thuộc bày hội kín nhúng vào, chúng sợ thiên sứ, sợ lẽ phải, nên chúng phải dùng ma thuật bày bàn cờ quỷ để hại đối thủ, một đối thủ cô đơn, có thể nói như vậy. Nhưng thời buổi của chúng chưa đến. Chúng cần học bài học ông Gióp trong Kinh thánh. Trong cuộc sống ở trần thế này, từ Gióp cho đến hôm nay, vẫn không thiếu bài học như của ông, chỉ có điều những kẻ thuộc bè hội kín chưa chịu thua đấy thôi. Người thân ấy, hôm gần tết có gọi điện thoại về nói đủ thứ chuyện trên đời, hết biển Đông đến Ấn Độ, hết Kim Jong Un đến Tập Cận Bình, hết Mỹ đến Việt Nam, hết thực phẩm chế biến này tốt sang đến món chế biến khác tốt cho cơ thể. Rồi người này quay qua cái dịch bệnh Vũ Hán xảy ra cuối năm 2019. Vòng quanh một lượt từ Mỹ đến Pháp, rồi từ Ý đến châu Phi v.v…Cuối cùng đặt một câu hỏi cho tôi, nghe rất lạ, rất ngớ ngẩn hay có thể đúng. Hỏi thế này:
-Dịch Covid-19 có thực hay không?
Tôi quên giới thiệu người này. Ông chưa già, khoảng hơn 60 tuổi thôi, cái tuổi còn rất tốt ở thời buổi y khoa tiến bộ. Tôi hỏi lại:
-Anh bình thường về tâm lý đấy chứ?
-Vâng. Rất bình thường. Mà sao anh lại hỏi tôi về cái khoản này?
-Vì câu hỏi của anh không bình thường.
-Tôi rất bình thường mà.
-Người bình thường không ai hỏi câu ấy. Covid-19 đã xảy ra hơn một năm nay, nhưng tôi không nghe ai nói, hay viết và hỏi như anh cả. Bởi vì nó cụ thể và tôi đã thấy trên Internet, người chết không kịp chôn hay thiêu cũng như không còn chỗ để đặt những chiếc quan tài chứa người chết, nên người ta phải đem những chiếc quan tài này để tạm trong nhà thờ. Hơn 200 quốc gia và cả triệu con người đã là nạn nhân của nó. Họ đã chết trong cô đơn không một người thân nào ở bên cạnh lúc lâm chung. Tôi đã thấy người ta đem xác người chết chỉ quấn một mảnh vải trắng hay bọc xác bằng một tấm nylon rồi liệng ra ngoài biển. Giáo hội cũng mất những Giám mục, linh mục, tu sĩ. Chỉ tính số người chết cũng cả trăm người. Còn số bị lây nhiễm không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng có một dòng nữ, số người bị nhiễm con Coronavirus Tàu được ghi nhận là hơn 50 người trên tổng số 100 hay hơn. Vậy mà anh lại hỏi là nó có thật hay không. Ý của anh là thằng Tàu hay thằng Mỹ bày ra để choảng nhau à? Hay là chỗ anh ở vẫn bình thường như mọi ngày ? Anh không nghe nói tới hay anh không tin qua các phương tiện truyền thông? Anh đang đứng ở đâu trên trái đất này? Một hoang đảo chăng? Một sa mạc hoang vu? Một khu rừng vắng trên đỉnh một ngọn núi cao? Hay một thôn bản chưa ai biết tên?
Tuy trả lời người bạn vong niên của tôi như thế, đấy cũng là một biểu hiện tâm tư tôi bình thường trong những câu viễn thoại như vậy. Nhưng chưa hẳn thế đâu. Sau khi kết thúc cuộc viễn thoại, hình như qua một vài cử chỉ hay bộc lộ trên nét mặt già nua của tôi, một điều tôi cũng thường có những khi có điều tôi không vui hay bắt phải suy nghĩ mà suy nghĩ rất lung, làm người bên cạnh có tính kỹ lưỡng hay có những quan tâm quá đáng, nhất là với một người tuổi tác như tôi, khiến người ấy có lúc nhìn tôi rất lâu và khác thường, ngầm hỏi “Có gì thế?”
“Dịch Covid-19 có thực hay không?”
Tất nhiên là thực. Hoài nghi về nó là một cách thiếu tính liên đới giữa người với mình. Nền giáo dục nào hay nền văn hóa nào còn có những cá nhân như vậy thì xã hội đó còn nhiều bất hạnh. Tuy nhiên, chưa chắc người hỏi tôi “Dịch Covid-19 có thực hay không” là người vô cảm hay thiếu tính liên đới với người khác. Biết đâu ông là một người đã biết quá nhiều những cái giả dối nhưng người đời vẫn nói là thực. Cho nên ông cho cái thực này cũng chỉ là một thứ giả tạo như những cái giả tạo khác mà ông biết. Đấy mới thực sự là điều bất hạnh, là tai họa cho xã hội, cho con người.
Cuối năm 2019, một bác sĩ trẻ làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán bên Tàu, chết một cách mờ ám vì ông đã lên tiếng báo động sự nguy hiểm của con Coronavirus. Đến cuối năm 2020, tức một năm sau, dịch bệnh chưa có dấu hiệu ngừng lây lan thì tại Anh quốc, một chủng loại mới xuất hiện, tức virus SARS-CoV-2 hiểm nguy hơn con virus cũ rất nhiều. Việt Nam cũng đã thấy xuất hiện loại mới này, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Tp.HCM… Đến nay đã có hơn 10 thành, tỉnh có người bị nhiễm. Lần này, chỉ phong tỏa ở phạm vi nhỏ nơi có người dương tính với virus trên. Nhưng Hải Dương bị phong tỏa toàn tỉnh, bắt đầu từ ngày 16-2-2021, kéo dài hai tuần lễ. Ngoài những nơi này, người ta vẫn cứ “vô tư” đi lại, tụ tập trong dịp Tết con trâu. Nhưng có những biểu hiện thừa dịp này người ta hạn chế tối đa việc đi chúc Tết những người thân trong gia đình cũng như thân hữu mà bình thường như những năm trước không ai muốn bỏ qua. Còn ở nông thôn thì xem ra, như quê tôi gần Hà Nội, tin tức cho tôi hay là “bình thường”. Đối với người có đạo, người ta tuân thủ thông cáo của Tòa Giám mục về việc phòng ngừa covid mới có thể nói là khá chặt chẽ. Trước kia, các giờ có thánh lễ, chuông nhà thờ đổ hai lần trước lúc cử hành, nay không đổ chuông nữa, cổng chính nhà thờ đóng, cửa lớn vào trong nhà thờ cũng đóng, chỉ mở 1, 2 cửa bên hông thôi. Đấy là tại chỗ tôi ở. Còn có những Đền thánh, người đến hành hương phải kê khai tên tuổi mình, địa chỉ cư trú, số điện thoại, giờ đến giờ về, để một khi có người nhiễm Covid-19 từ Đền thánh này, thì ngành y tế địa phương sẽ thông báo hay kêu gọi những ai đã đến đó để đi kiểm tra. Cũng có cơ quan yêu cầu nhân viên của mình các ngày trong dịp Tết nếu có đi tới đâu cũng phải báo cáo về cơ quan. Đợt Covid-19 năm ngoái không có việc này, chứng tỏ con virus chủng mới này nguy hiểm.
Dịch bệnh xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán, nên người ta nghỉ sớm, lại không dám về quê vì sợ ngày đi làm trở lại không vào thành phố được, hay sợ lây lan bệnh trong cộng đồng, một điều nguy hiểm của virus chủng mới. Các sạp ăn uống nhỏ và bình dân hai bên hông nhà dọc theo con đường đến nhà thờ cũng nghỉ sớm vì vắng khách. Các cửa nhà đều đóng, ít thấy ai ra ngoài. Đường đến nhà thờ, bình thường tôi đi bộ cũng rất sợ xe qua lại đụng chạm tới mình. Còn những ngày này thì vắng lắm, thỉnh thoảng mới có chiếc từ từ đi qua, chứ họ không hối hả, vội vã như trước kia.
Người ta chỉ trưởng thành về nhân cách trong nghịch cảnh sao?
Năm nay, đồng hương quê tôi trong Sài Gòn, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, chúng tôi không có buổi họp mặt vào chiều ngày Mồng 2 Tết, tại ngôi nhà thờ mang tên làng xã thuộc tổ quán mình, để dự thánh lễ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Dịp này, các linh mục đồng hương về cử hành thánh lễ với họ hàng, sau lễ ở lại trao đổi vài ba câu chuyện, một vài tin vui tin buồn trong dòng họ, ở quê hay Sài Gòn. Năm nay, Tết con trâu không có cuộc hop mặt đồng hương, họ hàng, tôi thấy có một khoảng trống trong cõi lòng mình.
Tôi chưa trở thành một cây thông lặng lẽ giữa trời được, cũng chưa hoàn toàn buông bỏ sự đời được. Đấy là một bất hạnh cho tôi. Nhưng tôi phải có cách làm biến đổi nỗi bất hạnh này trở thành con đường đi sâu vào cõi tâm tư, để được an nghỉ trong đó. Chỉ đến khi tôi đã thực sự ở lại chốn riêng tư này, tôi mới có những sám hối thật sự, sám hối và buồn phiền tựa như Đức Giêsu khi vào vườn Cây Dầu trong đêm chịu nạn, “Người lâm cơn xao xuiyến bồi hồi…và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, 44)
Chỉ khi ấy tôi mới không vấp phạm những lỗi lầm mà tôi đã gây ra cho người khác nữa, kể cả người thân trong nhà. Còn bây giờ tôi biết mình vẫn vấp phạm, vẫn làm cho người khác buồn phiền vì mình, vẫn có thể trở thành kẻ quấy rối sự bình yên cho người khác.
Tôi biết mình là một lữ hành, một kẻ lữ hành biết mình đang đi trên một con đường và con đường này đưa tôi về đâu.