Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



MÕ NHÀ KỂ CHUYỆN




    




T huở tôi còn cắp sách đến trường, mỗi khi nhà có cỗ , mẹ thường giao cho tôi chân cắt tiết vặt lông và sau cùng là chặt thịt, đơm thịt lên đĩa cho tươm tất . Tôi là con trai trưởng nhưng trong nhà thì là một “thằng mõ” chính hiệu.  

Trải qua mấy chục năm công tác lên rừng, xuống biển, làm cái nghề khảo cổ sinh học, nghiên cứu xã hội và sau này đèo bòng thêm cái thú nghiên cứu về lịch sử ẩm thực, cái chân mõ nhà mà tôi đã kinh qua trở nên hữu ích vô cùng. Khi khai quật một di chỉ Khảo cổ, nhiệm vụ của tôi là phải thu thập những xương, răng, vỏ nghêu ,sò ,ốc hến , cua cá…để xem người xưa ăn cái gì ? Người ta chia phần cho nhau ra làm sao . Ví dụ như từ bao giờ người ta đã biết giã nhuyễn xương lươn xương cá, cua đồng để lọc nấu canh, nấu riêu. Việc chia phần sau khi săn thú, trong các bữa ăn thời cổ xưa ra sao? Người ta có tận dụng cả xương tủy của lợn chó trâu bò trong các bữa ăn hay không? Để tìm hiểu những chuyện đó, việc truy xét từ những đống xương cổ cũng chưa đủ. Tôi phải lân la vào các nhóm đồng bào miền ngược cũng như miền xuôi, đồng bào Kinh cũng như đồng bào các dân tộc để hiểu được cách chia phần của họ.  

Có lần khai quật ở trên núi, chúng tôi ở nhờ nhà dân, thời ấy thức ăn cực kì khan hiếm, có dược con gà làm thịt để cải thiện không phải là chuyện dễ dàng. Hôm ấy, anh Du, tay hòm chìa khóa của đoàn khai quật quyết định : Hôm nay mua một con gà và ta cùng liên hoan tổng kết với gia đình bác chủ. Chúng tôi nhờ bác chủ làm thịt giúp con gà, nấu chút canh để ăn bữa liên hoan.  

Thu dọn đồ đạc từ hang núi về, bước lên nhà sàn, cả nhà cùng xúm vào nhóm bếp, cắt tiết , vặt lông rôm rả. Lúc dọn mâm, con gà có 2 cái đùi được bà chủ để riêng một đĩa, thịt còn lại cùng lòng mề, chân gà đẻ riêng, tiết gà luộc trộn muối và mắc khén, ơt bột...  

Trưởng đoàn nâng chén rượu mời cả nhà và lúc aasy ông chủ nhà gọi hai cháu nhỏ dưới bếp lên, chia cho mỗi đứa một cái đùi gà mà ông giải thích theo tục lệ của đồng bào thì hai cái còng bới này bao giờ cũng để dành cho trẻ nhỏ. Lần đầu tiên tôi mới được biết đến cái lệ chia phần đặc biệt ấy. xưa trong bữa cỗ ở nhà thì thường là hai cái dùi chiêng để dành cho ông ngoại tôi, người cao tuổi và có vị trí cao nhất trong gia đình học tốc. Một lối chia phần gia trưởng và có từ thời xửa thời xưa.  

Thì ra cách chia phần ở mỗi nơi mỗi khác.  

Anh Du bạn tôi thì lại có cách chia khác. Ngày ấy chúng tôi phải khai quật trong một hang đá sâu thẳm giữa rừng Cúc Phương, cơm nước phải tự lo liệu, tự nấu lấy mà ăn. Trong đoàn, anh Du là người tháo vát, cao tuổi và điều hành. Tôi cũng chỉ là một thằng mõ trong đoàn. Anh Du sai gì thì làm nấy. Nào là nhặt rau,vo gạo đi cõng nước suối về để có nước ăn, vặt lông gà làm long, mề.…Việc dọn mâm và phân phối thức ăn cho mỗi bữa là quyền của ông Du trưởng nhóm.  

Hôm ấy, nhóm chúng tôi được anh Du bố trí cho một bữa tươi. Cả đoàn cũng chỉ nhõn một con gà. Ông trưởng nhóm tuyên bố hùng hồn: “ Anh em ta phải nghe lời Bác Hồ dạy “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” rõ chưa. Con gà luộc xong nóng hôi hổi, anh Du tay dao tay thớt chia nhỏ con gà ra làm từng miếng nhỏ và thành thạo như một nhà giải phẫu học. Anh chia các miếng ra thành sáu phần bằng nhau mỗi phần đều có đủ tí đầu, tí cánh, tí phao câu, tí lườn. Phần nào cũng đủ thịt, đủ xương. Sau đó, anh dùng mấy ngọn rau luộc làm các “ Ba ri e chia phần” trên cái mẹt thịt .Phần nọ cách phần kia bởi những sợi rau muống luộc.  

Lính tráng có suất mà. Phần ai nấy gắp. Cấm chỉ không được đụng đũa vào ô của người khác. Vào mâm, anh nọ nhìn anh kia. Cậu Su là anh tham ăn có tiếng hôm ấy cũng đành chịu theo luật. Không phải cứ và nhanh, gắp khỏe là hơn người.Lần này, vừa vào mậm, Su đảm mắt liếc thấy trên mẹt thức ăn, phần thịt cách xa vị trí của mình có miếng phao câu có vẻ nhỉnh hơn nên vội vàng chọc đũa xí phần ngay ở cái lô tuy cách xa vị trí cái lô thịt gần chỗ mình ngồi. Cả mâm liếc nhìn , một cậu trong nhóm thấy vậy cười lớn và đánh một câu ró to “Mâm cơm chứ có phải đánh cờ đâu mà chú mày lại xuất pháo sớm thế? “  

Thì ra khi đánh cờ thì quân pháo khi xuất bao giờ cũng phải vượt qua một quân đệm để tấn công đối thủ. Cả bọn cười ồ. Hóa ra cái “lí thuyết công bằng” của lão Du đầu têu cũng chẳng mấy tác dụng tuy cũng đã tạo ra một cách ăn chia công bằng hơn.  

Chuyện chia phần kiểu như thế dần dần cũng qua đi. Riêng tôi, đã ngoại thất tuần nhưng mỗi lần có giỗ mẹ, giỗ ông , bà , cụ kị về đám, bà chị cả vẫn giao cho tôi cái chân mõ . Ấy là chặt thịt bà đã luộc sẵn và xếp ra đĩa để xếp lên mâm.  

Trong gia đình tôi, lúc đói, lúc no việc nhường nhau miếng ăn đã thành truyền thống. Bố mẹ, bao giờ cũng nhường nhin cho con cái, cháu chắt. Con cái bao giờ cũng lo cho bố mẹ già yếu, cái gì ngon, qúy cũng để phần cho bố mẹ. Bố tôi răng yếu nên cái phao câu. Buồng trứng non bao giờ cũng dành riêng để cụ xơi.  

Bây giờ thịt gà cũng không còn là món đầu bảng trong cỗ tết, cỗ cưới, tiệc tùng. Không ai chia cái phao câu , đầu gà theo kiểu “Sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn đẳng cấp và ti tiện như cái Việc Làng thủa xưa mà cụ Ngô Tất Tố đã mô tả vô cùng chân thật.(1)  

Theo thường lệ, xếp thịt lên đĩa, bao giờ tôi cũng đơm vào một cái đĩa chuẩn để từng miếng thịt có phần da phủ kín mặt đĩa, phần không da thì ngửa lên trên. Mỗi đĩa đều bố trí sao cho có đầy đủ thịt đùi, thịt lường…để không đĩa nào nhiều xương hay ít xương. Sau đó, dùng một đĩa khác úp lên và lật mặt có da phủ lên bên trên rồi mới rắc lá chanh rải trên nền da gài vàng bóng khum khum mặt đĩa.  

Cháu tôi nó thắc mắc “Sao ông cầu kì thế ? Cứ đơm lên đĩa ai thích miếng nào thì ăn miếng ấy sắp xếp cầu kì làm gì cho mất công ?”  

Mõ già tôi chẳng lẽ lại kể cho cháu nghe cái thời “Câu pháo” thủa xưa mà chỉ trả lời cho nó qua đi “Cỗ bàn bày biện phải làm như thế nó mới đẹp, mới văn minh con ạ. Ông bà cụ kị nhà này xưa vẫn làm như thế. Đấy là cái nếp nhà ta nên giữ”  

Giờ mới ngẫm lại.  

Có lẽ các cụ bày ra cái lối đơm thịt gà như vậy để khi vào mâm, nhìn miếng nào cũng giống miếng nào. Kẻ tham ăn cũng không biết đâu mà lần. Đúng là cuộc “Rút thăm dân chủ” trong bữa cỗ. Gắp phải miếng nào thì xơi miếng ấy. Ai cũng như ai.Không anh nào được quy hoạch dành phần của anh nào.  

Đúng là đã đến lúc “Không sợ thiếu, Chỉ sợ không công bằng” như ông cụ đã lo lắng từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước.

Hà Nội 5 tết Tân sửu
6-2-2021
Các nhà hàng bị đóng cửa .vì Covid



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội ngày 16.2.2021 .

<