Việt Văn Mới
Việt Văn Mới











DÒNG THỜI GIAN

CÓ DUYÊN
NHƯNG KHÔNG CÓ NỢ


MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE: ĐIỆU BUỒN của cố nhạc sĩ Đào Duy qua tiếng hát của cố danh ca Sĩ Phú





                            Dòng thời gian, cuốn xoay trong hồn ... người ơi
                                     Từng thu chết, lá xanh thay màu, vàng úa tả tơi
                                     Từ miền xa xôi, bỗng dưng tơ sầu, gọi thương nhớ
                                     Lối cũ bơ vơ, tình đã xa xưa, hay còn trong mơ ......

Như 2 nén hương thắp cho
Trần văn Chiểu và Nguyễn Văn Mỹ
đã nằm xuống trước và sau 75.

Thân tặng 2 nhà thơ : Trần Vấn Lệ - Phương Tấn (TrườngSơn)


C ùng lúc với chiến dịch của sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, lần đầu tiên Phương được chỉ định đi Lai Khê với các đồng đội khác : Lam người chỉ huy toán biệt phái, Trân, Vũ bằng chiếc zíp của đơn vị do hạ sĩ Chúng lái. Chúng cũng vừa từ binh nhất được thăng chức hạ sĩ .

Suốt đường đi từ xa lộ căn cứ Dĩ An, qua Phú Lợi, ngang Bình Dương, trên xe mọi người ngủ gà ngủ gật tựa đầu vào những chiếc ba lô cá nhân ôm trong mình, chỉ còn Phương ngồi ngay sau lưng anh Lam vẫn thức. Một lát sau xe vẫn đều đều lăn bánh trên quốc lộ 13 mà Mỹ mới tráng nhựa ngang Bến Cát. Sau khi đã ngáp một hơi dài, sốc lại bộ binh phục cho chỉnh tề, vẫn nhìn phía trước xe Lam lên tiếng:

- Vài phút nữa Phương sẽ biết Lai Khê!. Tại Lai Khê, chúng ta có hai "cảm tình viên": Một là hai Các, thợ hớt tóc ở làng, thực tế anh là một cảnh sát chìm của chi cảnh sát quận Bến Cát. Người thứ hai là bác Bình. Bác Bình rất tốt. Bác là người Bắc, trước đây làm việc cho đồn điền nhưng bây giờ thì không còn làm gì nữa.

- Phương cũng sẽ biết mặt cô Lan con gái bác Bình. Cô Lan là "cảm tình viên đặc biệt" của anh Lam.

Anh Trân, lúc này đã tỉnh táo lúc nghe tiếng Lam nói, vừa đưa khủyu tay thúc nhẹ vào bẹ sườn Phương vừa nói chen vào châm chọc Lam.

- Cô Lan đẹp lắm anh Phương ơi !. Tuy chăm chú giữ tay lái, hạ sĩ Chúng cũng cười cười chêm tiếp.

- Đẹp ! Đẹp gì mà đẹp ! Mày biết cái gì mà lắm chuyện. Lam càu nhàu đáp lời hai người vừa chọc ghẹo anh tuy nhiên nụ cười thoải mái cùng lúc nở ra trên mặt đã phản lại hẳn điều anh vừa thốt ra.

Vũ cũng đã tỉnh. Năm người trên xe cùng cười.

Xe ngừng lại trước trạm kiểm soát. Hai người Việt, một cảnh sát một trung sĩ quân cảnh với huy hiệu của quân đoàn 3 trên chiếc áo nhà binh ngắn tay . Cạnh hai người Việt là hai M.P. Mỹ - quân cảnh Mỹ - huy hiệu số 1 Đỏ.

Sau thủ tục chào hỏi, xe tiếp tục chuyển bánh rồi rời đường chính, luồn lỏi dưới những tàng lá cao su trên một con đường nhỏ, được vun lên khá cao bề ngang chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe zíp qua mặt nhau, cũng trải nhựa đường nhưng đã bong tróc vì sự lưu thông. Khỏang 10 phút sau xe đậu lại trước văn phòng dành cho toán biệt phái ở gian cuối một căn nhà gạch dài,nền khá cao tuy rằng cũ nhưng vẫn còn vững chãi, chung với các bộ phận chỉ huy của Lữ đoàn Mỹ.

Mọi người lục tục xuống xe, vào phòng xếp đặt bầy biện vị trí làm việc của mình rồi theo Lam, sau khi anh qua văn phòng đồng nghiệp Mỹ để thông báo sự có mặt của toán, trở ra xe với những chiếc ba lô cá nhân lúc này đã nhẹ bớt được một chút để tới khu lều mà người Mỹ đã dành cho những đồng nghiệp Việt Nam tạm trú trong những khoảng thời gian cộng tác tại đây.

Xế trưa, mặt trời đã lên cao, lấp loáng chiếu, ập xuống xuyên lách qua những tàn lá cây cao su khá rậm không đủ để che ngược lại còn hầm nóng thêm bầu không khí.

Khu lều qúa quen thuộc với những người cũ của toán nhưng mới cho Vũ và Phương.

Phương thấy không có gì khác biệt giữa lều Việt Nam và những chiếc lều dã chiến lớn gấp ba, bốn lần của các đơn vị Mỹ đóng gần đó. Tất cả cũng chỉ một lớp vải kaki dầy xám đậm thoang thoảng khen khét mùi dầu.

Như đã có thói, Trân và hạ sĩ Chúng bước lại vạch cửa lều qua rồi buộc sang hai bên .

- Hầm qúa mày ơi!. Nóng qúa xá!. Mày ra vén hẳn một bên cho đỡ nóng chứ điệu này làm sao mà nằm. Trân vừa ra lệnh cho hạ sĩ Chúng vừa ới gọi:

- Vũ ơi, Phương ơi, phụ thằng Chúng một tay!.

Hai người bước nhanh lại, cùng với Chúng vén buộc một bên lều mé một chiếc hầm. Trên nền xi-măng, trong lều đã có sẵn 6 chiếc giường dã chiến bằng vải bố kê thành hai hàng, ngoài ra không có thứ gì khác.

Chúng chỉ tay về chiếc hầm nói với Vũ và Phương :

- Hầm trú bom đạn của toán mình đó nhưng chưa bao giờ phải sài tới.

Hầm trú được đắp bằng nhiều lớp bao cát thật dầy; gù cao hẳn lên; phất phới mấy bụi cỏ vàng vọt, nhu nhú mọc. Vũ và Phương tò mò, kẻ trước người sau theo nhau bước xuống chui vào hầm. Ở trong, nóc hầm cao nên cả hai vẫn đứng thẳng người đi tới đi lui được. Một tấm ván ép Mỹ dầy ba , bốn lóng tay là tấm phản thay giường khá rộng ba bốn người cũng có thể nằm dài ra được.

Cả hai leo lên, bước ra khỏi hầm. Vũ bước vào lều còn Phương vẫn đứng ngoài dõi mắt nhìn qua hàng xóm, đại đội thám kích Mỹ theo lời anh Trân. Lều của những người hàng xóm được vén cao gọn hẳn cả bốn phía nên Phương có thể nhìn thấy rõ ràng đồ đạc bầy biện bên trong. Những chiếc giường dã chiến kê thành hai hàng, hai đầu những chiếc giường đều nằm sát mé ngoài lều. Những chiếc ba lô, súng ống lỉnh kỉnh nằm ôm gọn ở đầu mỗi chiếc giường nên lối đi giữa lều cũng thật rộng rãi . Các vị chủ nhân của lều người nào người nấy đều trần trùng trục, da đỏ như tôm luộc, trên người họ chỉ còn chiếc quần trây-i. Một số đang cắm cúi nhìn vào tấm gương nhỏ xíu nằm lọt trong lòng bàn tay, tay kia một chiếc dao cạo hoặc một chiếc khăn để cạo rửa râu tóc mặt mũi tẩy cho hết những vết đỏ, vết đen còn chằng chịt mà họ đã quyẹt vẽ trên mặt mũi, đầu cổ, tay chân lúc ngụy trang chuẩn bị đi phục kích bên ngoài căn cứ vào mỗi buổi chiều.

Mọi người ra xe lục tục mang ba lô vào lều, đập phủi lớp bụi đất đỏ đóng trên mặt giường, lôi đồ đạc ra sửa soạn chỗ ngủ. Xếp đặt xong xuôi thì tới giờ đến mess-hall - nhà ăn - ăn trưa. Ăn xong, ngoại trừ hạ sĩ Chúng ở lại làm mấy việc cần thiết cho toán, ba người còn lại nhẩy lên xe do Lam lái tới văn phòng tiếp nhận tài liệu từ bên lữ đoàn chuyển sang rồi cùng phân chia việc phải làm .


♣ ♣

Lữ đoàn 2 Sư đoàn 1 bộ binh Hoa Kỳ đặt trong một đồn điền cao su của người Pháp cũ. Những ngôi nhà gạch trong căn cứ là đầu não chỉ huy của các đơn vị. Những khu "bàn cờ" được chia cắt khá đều đặn vẫn nguyên vẹn những hàng cây cao su ngay hàng thẳng lối kỷ luật vươn lên cao nhưng không đớn đau vì bị cắt cứa tới chảy máu chảy mủ. Những chiếc lều lính màu kaki lớn, nhỏ chen chúc dưới các gốc cao su bên cạnh những ụ, hầm và những chiếc xe nhà binh. Quốc lộ 13, quốc lộ mang tên là “Con Đường Sấm Sét” dẫn từ Bình Dương lên tới Lộc Ninh vào căn cứ được bao che chặt chẽ bằng những lớp hàng rào kẽm gai.

Căn cứ nhìn xuống một thung lũng rừng cây rậm rạp kéo dài nối lên chiến khu D. Ngay trên thung lũng, nằm lấp lửng trong căn cứ, một cánh cổng xe gắn máy có thể chạy qua được, là một khu dân sự gọi giản dị là làng với một tiệm hớt tóc, những nhà giặt ủi quần áo, một ngôi chợ nhỏ và những dãy nhà gạch cũ phần lớn những người cư ngụ trong nhà khi trước họ làm việc cho đồn điền cao su nay đã đổi sang nghề thầu giặt quần áo Mỹ hay làm việc trong các messe-hall, PX ... cư trú.

Bên tay phải cổng ngõ vào làng là một khu mới với những mái tranh thấp nhỏ tiếp đó là những căn nhà khác lớn hơn nằm kề nhau dựng bằng tôle và gỗ thông sơn phết màu mè cho bắt mắt. Khu mới lừ đừ, gậy gừ ngủ vào ban ngày nhưng khi mặt trời vừa xuống bóng là đèn đuốc sáng chưng, mùi phấn son nồng nực, tiếng chai tiếng ly va chạm lách cách cùng sự xuất hiện của các cô gái tứ xứ qua những giọng nói còn đậm nét mộc mạc của các vùng quê. Đây là khu đặc biệt, nằm dài bao vây gần hết một góc căn cứ, chỉ phân cách bằng một hàng rào kẽm gai mà người ta có thể dễ dàng bước qua.

Khu đặc biệt dành cho các người lính chiến Mỹ xa nhà giải khuây sau những cuộc hành quân chết sống và cũng là nơi nương náu của những người con gái trẻ buộc lòng từ bỏ quê hương ra làm nghề bán bar tìm sự sống.

Việc ra vào làng được sự kiểm soát chặt chẽ của quân cảnh Mỹ với sự tiếp sức của cảnh sát Việt Nam từ Bến Cát vào nhờ thế nên từ ngày có mặt Lữ đoàn 2 ở đây không một biến cố quan trọng về an ninh trật tự nào sảy ra.

Buổi chiều sau khi tháp tùng trung úy Lam tới thăm gia đình ông Bình, Phương và Vũ, khoác áo giáp, tay ôm nón sắt có lưới ngụy trang rủ nhau làm một vòng khám phá khu đặc biệt có ánh đèn xanh đỏ huyền ảo mà anh em trong đơn vị đã nói.

Nửa đêm đó, khi đã làm một vòng viếng thăm các bar bia rượu, cả hai đều cũng chán định tìm đường về lều ngủ .

May mắn cho cả hai, Vũ và Phương không ai phải nằm trên lớp vải dầy của chiếc giường dã chiến mà được ngả lưng trên hai chiếc nệm êm ả ... lúc gặp được hai cô gái miền tây, không son không phấn, hình như làm việc tại một mess-hall nào đó trong căn cứ.

Người em được người chị gọi là Tư thân hình mảnh mai còn người chị được cô Tư gọi là "chế" Hai tròn trịa hơn.

Tư, cô em tỏ ra có cảm tình với Vũ, hai người sáp lại rủ rỉ rù rì. Trái lại, "chế" Hai kín đáo hơn người em, ít cười nhưng nụ cười lại rất có duyên với hai đồng tiền nho nhỏ lúm nhẹ trên đôi má. "Chế" Hai chỉ nói để trả lời Phương, câu trả lời không gượng gạo nhát gừng mà êm đềm nhẹ nhàng.


♣ ♣

Dù đã ở cái tuổi 23; mặt mũi sáng sủa, thân thể cao ráo, kể vào loại điển trai, lại thêm tài ăn nói; nhưng Phương chưa hề thực sự biết thế nào là yêu, một thứ tình yêu đam mê say đắm mà Phương được đọc trong truyện ngắn, những tiểu thuyết văn chương . Khi còn đi học anh chọn ban C, ban văn chương; anh cũng đã từng làm thơ nhưng anh chỉ làm thơ một cách tài tử để thỉnh thoảng gởi báo Tiếng Chuông, Sóng Thần ... rồi tự hãnh diện rằng mình cũng có thơ được báo đăng. Nhưng phần lớn mấy bài thơ Phương làm, gởi cũng chỉ được người phụ trách mục thơ của tờ báo trích đoạn một hai câu lồng trong bài "phân tích" cùng lúc với những câu thơ cũng trích một hai dòng của các "mầm non thi sĩ tương lai" khác, những người trẻ có giấc mơ làm thi sĩ chuyên nghiệp.

Ngoài chuyện lâu lâu ngồi tưởng tượng loáy hoáy làm thơ và việc bài vở của trường Phương chỉ khoái được nghe anh Trịnh kể chuyện. Ban đầu Phương chỉ "thích một tý" dần dần Phương "thích mê" nghe cả giờ không chán cho tới khi từ nhà dưới mẹ phải ới gọi:

- Mời hai "ông" xuống ăn cơm !.

Anh Trịnh, một người gọi cha anh là "anh kết nghĩa" đang trong tình trạng "thất nghiệp thường trực" vì đào ngũ trước khi di cư vào Nam năm 53 lúc anh vừa tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt ra, nên không một cơ sở công hay tư nào nhận anh làm việc. Lúc này cha Phương còn trong Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung nhà không có người lớn nào ngoài Phương ra nên anh Trịnh tới ở thường trực với Phương trên căn lầu.

Anh Trịnh kể cho Phương nghe chuyện chính trị chính em, hết chuyện ông Tổng Thống Diệm, nhóm Caravelle, Tướng Nguyễn Chánh Thi, Phan Lạc Tuyên ... lại tới chuyện Tướng Nguyễn Sơn, Tướng Vương Thừa Vũ, đại tá Hồ Hán Sơn ... những "huyền thọai", những "thần tượng" đó đã mê hoặc Phương nên chuyện trai gái chỉ là chuyện nhỏ nhặt lẻ tẻ không đáng kể gì.

Lần gọi tạm là "yêu" đầu tiên của Phương khi gia đình anh còn ở cổng xe lửa số 6 lúc anh đi học trung học Trường Sơn.

Nhà Phương nằm về mé khu trại định cư Tân Sa Châu. Trước mặt nhà, con đường xe lửa chạy từ chợ Bến Thành, qua Hoà Hưng tới, mé bên kia nằm sát đường xe lửa hơn, có ba bốn căn nhà. Một trong số này, với một cây trứng cá um tùm lá, là nhà bà Đại Nam, gọi như thế vì chồng bà làm việc tại rạp chiếu bóng Đại Nam ngoài Sài Gòn. Bà Đại Nam và mẹ Phương hay qua lại giao thiệp vì cả hai đều có chung một sở thích hàng ngày mà họ không tài nào quên, ăn trầu.

Ông bà Đại Nam có hai người con, một trai một gái. Sinh là chị lớn, một cô nữ sinh 15,16 tuổi thân mình cao ráo mảnh mai dáng đi lại còn ẻo lả nên nhìn thấy "vui vui". Cô Sinh theo học trường Trung học Lê Bảo Tịnh. Cứ sáng sáng tới giờ đi học Phương đạp xe lên Trường Sơn còn cô Sinh bó mình trong chiếc áo dài trắng đôi chân sáo nhẹ nhàng trên vỉa hè Trương Minh Giảng xuống Lê Bảo Tịnh bên cạnh một cô bạn.

Mọi việc diễn ra rất bình thường không có gì đáng nói cho tới một buổi tối.

Phương cho đứa em gái mượn chiếc xe đạp đi một vòng. Nó không đi một vòng như lời nó nói mà đi lâu cả tiếng đồng hồ. Vì lo sợ xảy ra chuyện tai nạn lưu thông nên Phương phải đi bộ ra ngã tư ngoài đường chính để tìm. Nơi đây, vào mỗi buổi tối, ở giữa ngã tư cổng xe lửa và góc một con đường dẫn vào khu cư xá kiến thiết, đèn đuốc sáng chưng, hàng chục gánh hàng, đứng có ngồi có cùng hàng chục xe bán thức ăn nước uống hủ tíu, sâm bổ lường, ... đủ món ăn chơi buổi tối. Khách hàng phần lớn từ các khu quanh đó ra vừa mua ăn vừa đi dạo chơi tối.

Trong đám đông người lớn trẻ con lẫn lộn Phương len lỏi tìm, một hồi sau anh cũng gặp được đứa em gái đang lúi húi múc ăn một chén chè sôi nước, chiếc xe nằm chỏng gọng dưới đất. Anh cúi xuống, dựng xe lên để mặc đứa em với chén chè, dắt xe lách ra khỏi đám đông.

Chợt Phương có cảm giác như có người đang nhìn anh ... một cặp mắt đen nhánh...  Sinh cũng có mặt trong đám khách hàng, đúng là cô Sinh đang chăm chú nhìn anh. Hai người cùng nhìn nhau rồi cùng cười trước khi  thực sự ngoảnh mặt đi chỗ khác.

Những ngày tiếp theo, bằng sự qua lại tích cực của cô em gái "liên lạc viên" Phương và Sinh trao đổi tâm tình. Tình yêu cũng chỉ gọn gàng nằm trong vài chục tờ thư rồi ngừng lại vì buổi hẹn hò đầu tiên mà Phương có cảm nghĩ là anh bị cô Sinh cho anh "leo cây". Hai ngày sau Phương gói ghém tất cả những tờ thư cô viết cho anh kể cả những cánh hoa ướp tuy đã khô nhưng vẫn còn mùi thơm, bảo em gái ôm sang giao trả cho cô Sinh (theo lời em gái anh thuật lại thì khi cầm gói thư cô Sinh đã khóc và căn dặn về nói là cô xin lỗi anh Phương vì cô cũng ... quên bẵng đi cuộc hẹn hò ngày hôm đó).

Tình yêu, nếu gọi như thế là tình yêu, lại tới với anh khi anh lui tới thăm bác anh và các cô chị họ. Nhà bác anh nằm trong một dãy phố ba tầng, ở sát bên cạnh chợ Thị Nghè, trên con lộ từ cầu xuống nhìn ra sông. Những chuyến thăm của Phương, thường xuyên hai hoặc ba ngày một lần, vì hai bác thương anh như con ruột còn ba người chị thì rất thân, thân ngay từ khi còn 4,5 tuổi. Đến nhà bác, anh có thói quen, bắc một chiếc ghế gỗ thấp ngồi trước nhà quan sát sinh hoạt nhộn nhịp của chợ.

Một người con gái cao, mảnh mai, xinh xắn nếu không muốn nói là đẹp, gánh hai chiếc thùng nước cho nhà cô, nhà chỉ cách nhà bác của Phương bốn căn.

- Con Liên, cái con nhỏ làm tàng !. Chị Bé, một trong hai chị họ của anh nói với anh.

Cô Liên vừa gánh qua, gánh lại cặp thùng vừa nhìn anh, anh chàng lạ mặt từ đâu tới ngồi hoài ở đây ... ban đầu chưa có những đổi trao bằng nụ cười mà chỉ qua những cái nhìn dò dẫm, lúc đầu còn liếc sau đó nhìn sơ sơ để theo cuối cùng thì cả hai cùng nhìn cùng cười thiệt tình. Về phần Phương thì cô gái đó cũng "hay hay" nhưng cứ "để đó" có mất đi đâu mà vội mà vàng. còn về phía cô gái thì thực tế hơn: Hai người chị họ của Phương ngạc nhiên vì "trước đó nó làm tàng lắm, không bao giờ con Liên nó lại chịu nói chuyện, chịu qua nhà mình chơi, chịu mượn món này hay món kia như bây giờ ..." , lời Thu, chị họ lớn của Phương.

Cô "gánh nước" đã qua lại giao thiệp với hai người chị họ của Phương để một ngày chị Bé, cười cười cầm đưa cho Phương một lá thư nhỏ. Phương mở đọc mấy giòng chữ ngắn gọn của Liên gởi anh:

Em hẹn anh ở đầu cầu Thị Nghè 6 giờ sáng ngày ... .
Nhớ tới đó nghe !.

Liên.

Nhận lá thư, sau khi đọc Phương cũng không bận tâm cho lắm vì ... sáng sớm mà phải thức để đạp xe từ Cổng xe lửa tới Thị Nghè thì ... thà chết còn hơn .

Phương không tới điểm hẹn vì Phương không muốn chết.

Phương cũng quên Liên cho tới ... ngày đó gần 11 giờ trưa tình cờ Phương "bị" gặp lại Liên ở đường Trương Minh Giảng trước cổng một trường trung học nhỏ khi anh cùng Kiêm người bạn "cúp cua" vừa đứng tán gẫu vừa nhìn ông đi qua cô đi lại trên lề đường cạnh một cô bán thuốc lá lẻ.

Bỗng chợt từ xa, Phương nhìn thấy một chiếc xích lô đạp, hai người con gái ... đẹp ngồi trên xe. Kiêm, bạn Phương thúc vào bẹ sườn Phương nói to: Hai con nhỏ này "láng" qúa mày ơi ! Phương chăm chú nhìn. Một khuôn mặt quen quen nào đó.

- Chết rồi mày ơi !.  

Phương chỉ vừa buột miệng nói với bạn thì ... "bị" Liên nhẩy từ trên chiếc xích lô vẫn còn đang lăn bánh... xuống đường chạy nhào tới ôm cứng người Phương.

Kiêm hoảng hốt bỏ đi. Cô bán thuốc lá lẻ cũng quay mặt nhìn chỗ khác. Chiếc xích lô ngừng bên lề chỗ Phương và Liên đứng. Đang loay hoay suy nghĩ không biết phải ứng phó thế nào thì tiếng cô gái còn ngồi trong xe gọi Liên đã vô tình kịp thời cứu Phương:

- Liên ơi, lẹ lên mày ! Gần tới giờ rồi!.

Nghe tiếng gọi của bạn, Liên bỏ hai tay ra không ôm ghì Phương nữa mà nói nhanh với Phương:

- Em ở tại số 40 hẻm 260 trên đường này. Anh kiếm dễ lắm. Bây giờ em phải đi làm. Em làm trên Olympia. Em đợi anh đó nghe !.

Dứt câu nói, không đợi Phương trả lời, Liên nắm chặt bàn tay Phương giật giật rồi bỏ tay anh quay chân bước lên xe.

Khi chiếc xích lô đã đi xa, Kiêm từ mé trong bước ra gằn hỏi Phương :

- Mày đã làm gì con "người ta" mà con "người ta" lại ôm chầm mày như bắt được ăn trộm vậy ?

- Tao đâu có làm cái gì ! Tao đâu có làm cái gì !.- Qủa thực như thế, Phương chưa có  "làm"   bất cứ một "cái gì" với Liên.

Phương vừa trả lời bạn, vừa hối hả bỏ đi. Đi để chạy trốn những ánh mắt lạ lùng nghi hoặc của Kiêm và của cô bán thuốc lẻ.

Rồi Phương cũng không bao giờ đi tìm gặp Liên mặc dầu anh biết Liên  thương  anh.

Phương "yêu" ba lần, yêu bởi quen quen, yêu vì bị "người ta" nhìn và nhìn "người ta" ... Anh "yêu" nhưng anh vẫn ăn ngon ngủ yên tuy đôi khi lòng có đôi chút bâng khuâng.


♣ ♣ ♣

Tối đó Phương ôm nón sắt tới nhà "chế" Hai. Mặc dù không được mời nhưng Phương cứ tự nhiên ở lại vì "chế" Hai không bảo anh ra khỏi nhà hơn nữa bên kia Vũ cũng vẫn đóng trụ trong nhà cô em gái "chế" Hai. Đêm Lai Khê tối đen một mình lần mò về chưa chắc đã tìm ra được lều ngủ mà có thể còn đi lạng quạng gặp chuyện rắc rối với đám lính canh Mỹ.

Suốt đêm, Phương nằm chung với chế Hai trên giường. Lúc đầu hai người chuyện trò bâng quơ.

- Anh là  bắc kỳ  thì chắc là anh ca hay ? "chế" Hai nói với Phương.

Môn gì chứ nói đến môn ca hát thì Phương được xếp vào loại cừ. Cứ thế lần lượt Phương "mở máy"  ca  cho "chế" Hai nghe . Sau mỗi bài hát là lời phê bình tất nhiên   "Phương ca hay quá xá"  rồi cả hai cùng cười. "Chế" Hai được nghe Phương ca (hát)  hết Sơn Nữ ca , Tiếng đàn tôi, Lá Thư, ... tới   Em tôi, Biệt ly, Tiễn Em ...

Bài hát "chế" Hai thích nhất mà Phương cũng phải   ca   nhiều nhất là Điệu Buồn.


.....................................................................
Trời còn giăng mưa, bến xưa ai đợi ... chờ ai
Thuyền xa bến, có mong quay về, hay đã phôi phai
.................................................................


Cứ như thế cho tới rạng sáng, chương trình "văn nghệ" được "tạm thời chấm dứt tại đây" với sự tưởng thưởng của "chế" Hai cho Phương là một ly cà phê nóng.

Sáng ngày sau, không một lời hẹn hò, Chế Hai đi làm còn Phương khoác lại chiếc áo giáp trên mình, tay ôm chiếc mũ sắt đứng đợi Vũ từ căn nhà tranh của Tư bước ra, cả hai cùng thả bộ quay vào căn cứ tới mess-hall ăn sáng.

Vài đêm sau Phương lại đi với Vũ ra làng. Phương lại thức cùng "chế" Hai một phần thì Phương nghĩ rằng "chế" Hai đang thử thách anh, mà "À vaincre sans péril, on triomphe sans gloire." - chinh phục không hiểm nguy thì chiến thắng cũng chẳng vinh quang , phần khác nữa thì thức đêm bên cạnh "chế" Hai còn hơn nằm một mình trên chiếc giường dã chiến mà rất có thể là lều trống không có ai về ngủ.

Một vài đêm Phương cũng muốn "tiến xa, tiến sát hơn" với "chế" Hai nhưng Phương không đạt được mục tiêu. Tuy thế mỗi buổi chiều sụp tối "chế" Hai như chờ đợi, niềm nở đón Phương.

Nửa tháng sau Phương lại theo mấy anh em trong toán biệt phái quay về Dĩ An không báo trước sự ra đi của anh với "chế" Hai. Phương cũng không bao giờ thắc mắc mỗi buổi tối "chế" Hai có còn đợi chờ Phương hay không nữa ?.


♣ ♣ ♣

Sáu tháng qua đi, Sinh biệt phái Lai Khê trở về đưa cho Phương một tờ giấy xếp làm tư, theo lời Sinh thì Sinh đã nhận tờ giấy này được hơn nửa tháng rồi. Phương mở tờ giấy, giản dị chỉ với vài hàng chữ nắn nót viết:

Em muốn được gặp anh.
Em,

Hai.

Sau khi đọc mấy hàng chữ của Hai viết Phương cũng muốn gặp lại Hai xem có điều gì quan trọng mà Hai muốn nói với Phương rồi Phương tự nhủ sẽ đến gặp Hai khi mình trở lên Lai Khê nên Phương không bận tâm tới tờ giấy gấp 4 đó nữa.

Thời gian trôi nhanh. Chuyến công tác lên Lai Khê lần này chỉ có Vũ và hạ sĩ Chúng tháp tùng. Trên đường đi, Vũ nhắc tới cô Tư làm Phương chợt nghĩ đến "chế" Hai. Ngoài "chế" Hai ra Phương đâu có quen biết một phụ nữ nào khác nữa ở đây.

Căn cứ Lai Khê đã đổi thay.

Khu đặc biệt ngoài làng biến mất. Những mái nhà tranh nho nhỏ trong đó có nhà của Tư và nhà của "chế" Hai cũng không còn. Sinh hoạt trong làng trầm hẳn xuống.

Hai ngày Vũ theo Phương lái xe truy tìm hai chị em "chế" Hai ở các mess-hall, ở những nơi khi trước có người Việt làm với hy vọng một trong hai chị em Hai vẫn còn hiện diện tại Lai Khê. Phương hỏi hai Các người thợ hớt tóc cảnh sát chìm, Phương hỏi mấy anh em thông dịch viên làm việc ở các đơn vị của Lữ đoàn ... Không một ai biết Hai, giản dị vì Hai có thể không phải là tên trên giấy tờ vì có rất nhiều người đàn bà con gái được gọi là Hai theo thứ bậc gia đình tại miền Nam. Tất cả mọi người đều chỉ cho Phương biết một chi tiết: Trong thời gian gần đây nhiều cô gái Việt Nam trong căn cứ phải nghỉ việc và đã rời bỏ Lai Khê.

Khi Phương quay về Dĩ An, Phương đã không nói cho Hai biết.

Hai đi, Hai vĩnh viễn đi khỏi Lai Khê để về lại một vùng nào đó ở hậu giang quê hương của Hai hay Hai đi đâu không bao giờ Phương biết được!.

Hai đi, trước khi phải đi, Hai đã cho Phương một chứng tích duy nhất, cuối cùng thay lời vĩnh biệt:

Em muốn được gặp anh.
Em,

Hai.

"Chế" Hai để lại trong tâm trí Phương một điều gì đó rất khó diễn tả bằng lời, một thoáng buồn nhớ, một thoáng nuối tiếc, một thoáng bâng khuâng, nhất là hai chữ   "tại sao".

Tại sao Phương không hỏi tên tuổi rõ ràng của Hai? Tại sao Phương không hỏi quê quán của Hai ? Tại sao Phương không hỏi gì về chuyện chồng con của Hai ... trong lúc Phương có quá đủ thời gian để hỏi. Gương mặt đầy đặn với hai đồng tiền nhỏ trên gò má rất "duyên" của "chế" Hai không thật rõ nét trong tâm trí Phương. Thân thể đầy đặn của "chế" Hai, thịt da chưa thật quen mùi đến ngay cả một nụ hôn cũng còn chưa có. Tiếng nói, nụ cười nhẹ nhàng của "chế" Hai... tất cả đều phảng phất, nhạt nhoà, bàng bạc như một mùi hương, bảng lảng như một đám mây, như những làn khói thuốc Phương hút... hờ hững quyến cuộn tỏa lên để tan biến.

Phương đã     "có"    "chế" Hai,     Phương cũng    "không còn"    "chế" Hai .

Phương chỉ như một người yêu chuộng hoa. Yêu hoa Lan, hoa Cúc, hoa Thạch thảo, hoa Mẫu đơn, hoa Thược dược, hoa Hồng ... yêu tất cả các hoa nhưng yêu cũng chỉ để yêu, yêu theo mùa, yêu theo tháng, yêu theo hoàn cảnh ...

Phương yêu hoa nhưng lại không chú tâm  thăm nom, chăm sóc hoa.

Phương    yêu hoa một hơi,  yêu hoa một hồi ,  yêu hoa một chập   .  Yêu xong Phương    gác hoa qua một bên ,   gói kín hoa lại trong ký ức   để bất chợt một giây phút nào đó  khi tình yêu đã bay xa  anh hồi tưởng, anh bâng khuâng tiếc nuối.

Phương nghĩ tới hai câu của bản nhạc nhiều lần "chế" Hai yêu cầu Phương ca cho "chế" Hai nghe trong hơn mười đêm "không ngủ" của hai người:


Tàn một cơn mê, ái ân chỉ còn ... là tê tái
Nước mắt thôi rơi, tình đã xa xôi, sầu kín khung trời.


Phương chưa kịp   rơi nước mắt   nhưng Phương có muốn tìm "chế" Hai cũng sẽ chỉ như hai câu cuối của bản Điệu Buồn:

Và còn gì đâu, dáng xưa êm đềm, mùa xanh đó
Gió cuốn tả tơi, sầu đắng lên môi, mộng vỡ tan rồi.

Vĩnh biệt "chế" Hai !.

Vĩnh biệt một loài hoa suốt đời Phương không bao giờ biết được tên !.

Kể từ ngày đó không có gì làm Phương hăm hở, không còn gì làm Phương rạo rực mỗi khi nhận lệnh biệt phái lên Lai Khê .

Troyes, Pháp ngày 15.01.2021

trong bản thảo tiểu thuyết DÒNG THỜI GIAN của Từ Vũ.