Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









NỬA ĐÓA HOA CẨM CHƯỚNG









Ô ng Tư khẽ nghiêng người, nheo nheo mắt ngắm cái chậu kiểng. Nửa cánh hoa nở xòe trên nền xi măng. Mảnh chén kiểu bể màu hồng được bàn tay khéo léo của ông mài dũa đã biến thành những cánh cẩm chướng tuyệt vời. Chỉ còn ghép vào ba cánh nữa là hoàn thành cả đóa hoa. Ông sẽ gắn vài cái lá cho thêm sinh động. Vừa chọn xong mảnh chén kiểu mang màu lá thì cơn ho bất chợt nổi lên. Ông gập người lại, mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại. Những tiếng ho ằng ặc liên tục khiến lồng ngực ông muốn vỡ tung. Hai bên hông đau thắt lại. Cổ như bị cào xé. Ông mệt rũ người, buông rơi cái dao gạch.

Một tiếng “rổn” vang lên làm ông giật thót người. Cây dao gạch rơi trúng những mảnh chén mài dũa sẵn khiến ba cánh hoa còn lại vỡ nát. Nước mắt ông ứa ra. Có một bàn tay vô hình bóp chặt trái tim khiến ông nghẹt thở. Ông ngồi bệt xuống đất, gục đầu trên hai cánh tay đặt vòng quanh gối.

Đang học bài, thấy vậy, Trà hốt hoảng chạy đến bên nội:

- Trời ơi! Nội có sao không, nội?

Khẽ lắc đầu, ông lại ho dữ đội. Tiếng khùng khục vừa dứt, ông khạc mạnh, bãi nước miếng văng ra có lẫn chút máu. Choáng váng, ông gục đầu vào ngực Trà. Cậu hét lớn “Nội!”

Bà Tư từ trong vườn trầu bước ra, nghe tiếng thét của Trà, nhìn thấy chồng lả người, bà đánh rơi thúng trầu mới hái. Những lá trầu vàng bay lả tả xuống mặt đất như những trái tim tan tác, oằn oại dưới gót chân vội vã của bà. Chỉ kịp kêu lên một tiếng “ông”, nước mắt bà ràn rụa tràn xuống má.

Trà thẫn thờ nhìn mấy chậu kiểng của nội. Cái nào cũng đẹp và lạ mắt. Ông đã tự đúc lấy chứ không hề mua ở một cửa hàng nào. Có những chậu chỉ bằng cái chén. Các mặt hông của nó được ông cẩn toàn đá cuội hoặc vỏ ốc trắng óng ánh, sắc tím xanh. Khi có tia sáng chiếu qua lại ngã sang hồng, sáng lấp lánh, bên kia được ông dùng mảnh chén kiểu bể cẩn vào thành những bức tranh với hồ sen trầm mặc dưới cầu vọng nguyệt . Vài cánh mai đào khoe sắc. Cả những vị bát tiên cũng được ông nội miệt mài tạo hình lên mặt chậu.

Ông nội của Trà còn chọn nhiều loại hoa kiểng độc đáo để trồng trong những cái chậu ấy. Những gốc mai trồng như hai con rắn quấn lấy nhau núp dưới tán lá xanh mơn mởn. Nhưng Trà thích nhất là hai cây ngâu đã được ông cắt xén , uốn nắn từ bé. Chúng trở thành hai con cò xanh mướt cứ lớn dần, Trà vừa thích thú vừa có một ý nghĩ trẻ con là đến một lúc nào đó chúng sẽ duổi thẳng chân ra rồi nhúng mình bay vút lên không, mãi mãi không trở lại vuông sân nầy nữa. Các bạn học của Trà thì mê tít mấy chậu xương rồng bé xíu. Nhóm con gái cứ vuốt ve, trầm trồ “Xương rồng gì mà có chút xíu. Chắc rồng suy dinh dưỡng!” Gai nó cũng lạ ghê, nó dịu dàng, mềm mại không như những loại xương rồng trồng làm hàng rào . Các bạn trai của Trà kháo nhau:”Xương rồng nầy giống bàn tay nắm lại hoặc xòe ra của tụi mình, còn mấy cây kia lại mọc thẳng, chẳng khác gì bọn mình đứng xếp hàng, chen chúc, lấn áp nhau giành chỗ một cách tinh nghịch.”

Những chậu kiểng của ông nội Trà còn quyến rũ những người giàu có tìm tới hỏi mua. Trà ngạc nhiên vô cùng khi thấy ông cương quyết không bán dù họ tự đưa ra những giá rất cao. Có khi lên đến cả chỉ vàng. Với số tiền này, nội có thể mua vật liệu để làm năm bảy cái chậu tương tự hoặc trị dứt căn bệnh đã kéo dài cả tháng nay. Ông giải thích :

- Mấy chậu kiểng nầy nội xem như con đẻ của mình. Không ai bán con bao giờ, huống chi nội…

- Vậy sao nội cho bạn con hết mấy chậu ?

- Vì chúng là bạn con. Nội không cần tiền sao?

- Cần lắm chứ ! Nhưng để có tiền mà phải đánh đổi những gì mình yêu thích thì nội đành chịu nghèo vậy.

Chợt nhớ tới vợ phải mua bán vất vả để nuôi cả nhà, ông quay sang bà:

- Tôi không bán cặp kiểng , bà có giận tôi không?

Bà nội của Trà mỉm cười:

- Không! Trả hai chỉ vàng tôi cũng không cho ông bán, miễn ông vui là được rồi.

Ông nội Trà không nói gì nữa nhưng Trà hiểu ông đang vui. Ánh mắt ướt của ông cho Trà biết ông xúc động. Tâm hồn bà đẹp không khác gì những chậu kiểng trong vườn nhà. Chính vì thế mà dù ăn ở với bà mấy mươi năm, bà không sinh đứa con nào, ông cũng không có ý nghĩ bỏ bà, cưới một người đàn bà khác để có con nối dõi. Nhưng, ông cũng có được một đứa con.

Sáng hôm đó, khi vừa mở cửa, bà giật nẩy mình vì trông thấy một cái thúng đặt trước hiên nhà. Trong đó, chú bé sơ sinh còn đỏ hỏn đang say ngủ. Bà gọi ông inh ỏi. Hai ông bà đem đứa nhỏ vào nhà, nâng niu như giữ gìn báu vật. Đứa bé ấy chính là cha của Trà.

Cũng bất ngờ như lúc đến, cha Trà đã vĩnh viễn rời khỏi nơi nầy sau một lần bệnh nặng. Bỏ lại Trà mới vừa hai tuổi. Khi Trà lên ba thì mất cả mẹ. Mẹ Trà không chịu nổi cảnh phòng không chiếc bóng nên đã tìm một tổ ấm khác. Bây giờ, Trà không thể nào hình dung được khuôn mặt mẹ. Trà chỉ tưởng tượng mẹ là một trong những tố nữ mà nội đã tạo hình lên mặt chậu.

Có lần, Trà đã hỏi bà nội:

- Người ta bảo mẹ con đẹp người mà không đẹp nết phải không nội?

- Bậy nà, mẹ con đẹp cả người lẫn nết đó chứ.

- Vậy sao mẹ bỏ con theo trai?

- Không đâu con. Mẹ con cũng buồn lắm khi phải xa con nhưng…vì thương nội, không muốn nội xa đứa cháu duy nhất đó thôi.

- Chắc không phải vậy đâu. Nếu thương con sao mẹ không trở lại thăm con lần nào hết?

- Chắc tại…mẹ bận . Mà sao con nhắc mẹ hoài vậy? Lỡ mẹ con quay về bắt con theo thì nội sống làm sao nổi đây?

- Con sẽ không bao giờ đi theo mẹ.

- Mẹ con giàu lắm đó!

- Kệ! Con cũng không bao giờ bỏ nội.

Đến lúc này, Trà cũng chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nội nếu mẹ trở về rước Trà…Dù nơi nầy đêm đêm chỉ có ánh đèn dầu leo lét, cả ba người quây quần trên bộ ván. Trà nằm gối đầu lên đùi ông nghe kể chuyện lúc ông còn trai trẻ hoặc nhắc đi nhắc lại câu chuyện sự tích cái bình vôi hay sự tích trầu cau để trêu bà nội. Không biết vì ánh đèn hay vì cảm động mà bà cứ cúi xuống ngoái trầu để dấu hai gò má hình như hồng lên từng chặp. Không bao giờ Trà bỏ đi, dù nơi đây mỗi bữa ăn chỉ có vài con cá rô nhỏ xíu hay vài con tép nằm trơ vơ trên dĩa. Làm sao Trà có thể quên được cảnh bà nội giả đò đau bụng, ăn cơm không được. Còn ông nội thì ngán cá tép để nhường lại cho Trà. Khi thấy Trà đã no cành bụng thì bà mới vét nửa chén cơm còn lại đem đi nấu cháo. Nhưng chuyện ngán cá tép và đau bụng của bà cứ diễn đi, diễn lại cả tuần khi bắt đầu mùa mưa, thời điểm bà nội Trà bán ế ẩm. Điều nầy làm Trà chợt hiểu. Thế là Trà cũng làm bộ thèm kho khô kho quẹt cho bà đỡ rầu lo.

Trà không bao giờ bỏ nơi mà mỗi dịp tết Trung thu, Trà được nội làm cho cái đèn ông sao lớn nhất xóm và đêm rằm thì cả nhà tha hồ giả bộ không thích ăn bánh trung thu để cho cái bánh duy nhất nằm tủi thân trên đĩa cho tới khuya. Cuối cùng, bà bắt hai ông cháu phải chia đôi cái bánh. Không thôi nó sẽ…thiu mất. Còn bà thì ngày rằm phải ăn chay.

Nhưng Trà chưa bỏ đi mà người sắp xa nơi nầy vĩnh viễn là nội. Trà thương ông lắm! Cậu không biết làm sao giúp ông toại nguyện là hoàn thành đóa hoa cẩm chướng đang làm dang dở.

- Bạn Trà làm thơ đó hả?

Trà quay lại, các bạn học đã đến tự hồi nào đang vây lấy Trà cười cười nói nói:

- Sao hai bữa nay Trà nghỉ học vậy? Cô chủ nhiệm bảo tụi nầy tới thăm đó. Thanh nhanh nhẩu nói.

Trà than thở:

- Nội mình trở bệnh nặng lắm, làm sao học cho vô!

Quân nhìn bạn, cậu lo lắng hỏi:

- Hôm nay, nội đã khỏe chưa?

Trà buồn bã lắc đầu. Hân liền nhắc nhở:

- Gần đến ngày thi rồi đó. Bạn không vào trường ôn thi, sợ…

Chợt nhìn thấy cái chậu làm mới được nửa chừng, Hân hỏi:

- Sao chỉ có nửa đóa hoa vậy bạn?

- Đang làm thì ông trở bệnh.

- Bạn làm thay không được sao?

Mắt Trà sáng lên niềm vui:

- Ừ, phải rồi, mình sẽ làm thay ông.

Trà chợt nhớ:

- Nhưng làm sao có vật liệu đây? Làm sao có những mảnh chén kiểu bể màu hồng để mài thành ba cánh hoa còn lại. Mình đâu có tiền mua chúng.

- Trước đây ông nội bạn làm sao có?

- Bà nội mình đã làm bộ đánh rơi mấy cái chén có màu sắc ông cần. Đến khi trong tủ không còn cái nào bà nghĩ ra một cách để giúp ông là khi đi phụ đám cưới, bà xin những cái chén vỡ. Nhưng ít khi có lắm vì người ta tin dị đoan, họ cố gắng giữ cho chén đĩa nguyên vẹn. Có khi phụ cả chục đám cưới mà chỉ đem về được một cái đĩa bể. Nhưng rồi cũng chưa chắc xài được vì kích thước của nó không đúng với mẫu ông đã chọn sẵn hoặc là màu không thích hợp. Nên làm một cái chậu lâu lắm.

- Tội nghiệp bà nội quá ! Lân nói.

Hân lặng thinh suy nghĩ rồi chợt bảo:

- Tụi mình về đi , để bạn Trà vào chăm sóc ông nội.

***

- Trà ơi! Mở cổng cho Hân với!

Trà ngừng tay quét sân, ngẩng lên. Hân đang kiểng chân nhìn vào. Cô bé cười khoe cây răng khểnh, trông thật dễ thương. Nắng mai lấp lánh vờn trên bím tóc thắt nơ vàng. Trà chạy vội ra cổng:

- Bạn đi đâu sớm vậy?

Hân nguýt dài:

- Đi thăm ông nội được không? Sẵn dịp tặng bạn mấy cái chén kiểu bể nè.

Trà nhìn cái gói trên tay Hân. Thì ra là mấy mảnh chén vỡ:

- Cảm ơn bạn. Ở đâu bạn có vậy?

- Hỏi lãng xẹt! Ở nhà Hân chớ đâu. Hân làm bể hôm qua đó.

Trà nhìn Hân, mắt cô bé long lanh như những giọt sương buổi sớm. Cô quay mặt đi, đưa tay kéo bím tóc ra phía trước rồi cắn nhè nhẹ vào đuôi tóc. Trà ấp úng mãi mới nói được:

- Hân làm bể chén đó hả?

Cô bé phì cười:

- Ừ đó, mai mốt chắc còn làm bể vài cái nữa.

Trà vội gạt đi:

- Thôi, Trà không nhận mấy mảnh chén nầy đâu. Hân cũng đừng làm bể chén nữa. Đập phá những cái chén quí giá để trang trí chậu kiểng , cho dù có đẹp đến đâu cũng không nên. Phí lắm! Lỡ mẹ Hân đánh đòn Hân thì Trà ân hận biết bao!

Cô bé chớp mắt:

- Hổng có đâu! Mẹ quí Hân hơn những cái chén nầy nhiều. Mẹ chỉ la hân vụng về quá! Rồi bảo Hân quăng mảnh chén vào sọt rác.

- Nếu vậy, Hân càng không nên làm mẹ buồn.

- Trà nói đúng lắm. Mai mốt , Hân không làm bể cái chén nào nữa.

Còn mấy mảnh vụn nầy thì bạn hãy nhận đi. Nếu không, Hân không tới đây nữa đâu!

Hân đặt cái gói giấy lên tay Trà rồi chạy vội ra cổng. Trà mỉm cười thầm nghĩ:

- Ông nội tặng mấy cái chậu cho các bạn của mình là phải. Ông quả có mắt tin đời.

Trà sẽ cố gắng mài những mảnh vụn nầy thành mấy cánh cẩm chướng còn thiếu. Một việc làm hai kết quả. Chắc nội mừng lắm. Biết đâu nội hết bệnh. Còn Hân, hẳn là sẽ hài lòng. Trà sẽ mời Hân tới ngắm những cánh hoa mà có cô bé góp phần vào việc tạo hình, giúp nó nở trọn vẹn.

Trà chạy vội vào nhà tìm cái dao gạch. Trà muốn tạo hình một nửa đóa hoa cẩm chướng còn lại. Công việc phải bắt dầu và kết thúc ngay ngày hôm nay. Lòng Trà tràn ngập niềm vui như Chúa Xuân đã đặt chân vào mảnh sân nhỏ bé và thì thầm với Trà rằng còn biết bao điều thú vị chờ đợi ở phía trước!