Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






THĂM MIỀN CAO NGUYÊN CỰC BẮC





C ao nguyên Đá Đồng Văn là một vùng đồi núi gồm bốn huyện thuộc tỉnh Hà Giang, đó là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc đã được Tổ chức Giáo dục Xã hội Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Cao nguyên đá có diện tích là 2356,8 km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 – 1.600 m. Có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn. Các thung lũng, sông, suối bị chia cắt rất nhiều. Nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400 - 600 triệu năm. Là một vùng núi đá có tuổi khác nhau được bao quanh bởi các núi đất. Ở đây có mưa từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng thiếu nước vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4.

Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam, trong đó ngoài người H'Mông, Dao, Tày, Nùng còn có các dân tộc như La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô duy nhất sinh sống tại đây. Từ tháng 4 năm 2010, hồ sơ cao nguyên đá Đồng Văn được đệ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn có đủ các yếu tố hội tụ để trở thành công viên Địa chất toàn cầu: diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá cũng hết sức độc đáo và ấn tượng như văn hoá của dân tộc H'Mông, Người Lô Lô, Pu Péo, Dao. Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, v.v.

Nằm trong vùng Đông Bắc gồm: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Giang và Bắc Kạn. Hai vùng còn lại là Tây Bắc có 6 tỉnh và Đồng Bằng Sông Hồng với 10 tỉnh, thành phố thuộc trung ương.

Năm 2000 tôi đã có dịp về thăm quê vợ ở Nam Định khi nhận làm chủ hôn cho đứa cháu lấy vợ ở Thái Thụy, Thái Bình ; Năm 2007, trong một chuyến hành hương xuyên Việt cũng đã ghé thăm Tam Cốc Bích Động, cố đô Tràng An, rồi nhà thờ Chánh tòa Phát Diệm ở Ninh Bình, Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, qua Vĩnh Phúc và Yên Bái để đến Sa Pa ở Lào Cai, Phố chợ Kỳ Lừa, Động Tam Thanh và Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn trước khi qua thành phố Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung quốc rồi loanh quanh khắp Hà Nội từ nhà thờ chánh tòa, tòa tổng giám mục, tòa khâm sứ (cũ), Chùa Hương, Hồ Gươm với Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên đến Văn Miếu Quốc Từ Giám, Chùa Một cột và Ba Đình… Năm 2012, trong dịp tham dự Đại hội Giới Trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 10 ở Nhà thờ Chánh tòa và Tòa Giám Mục giáo phận Lạng Sơn có ghé lại Bắc Giang, cửa khẩu Hữu Nghị và lòng vòng một lượt khắp thủ đô Hà Nội trước lúc bay về.

Chớm mùa Đông năm nay, khi đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông Bắc bộ mới ùa về và những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch chín mùi sắp sửa úa tàn, tôi lại có cơ hội cùng với nửa kia của đời mình đi một vòng vùng Đông Bắc trong những ngày gần kề kỷ niệm khánh nhật Vàng của gia đình.

Rời Sài Gòn trên chiếc Airbus A-350 của Vietnam Airline vào đầu giờ chiều, sau 1 giờ 45 phút bay, con chim sắt khổng lồ nghiêng cánh, xuống thấp dần và đáp xuống phi trường Nội Bài lúc 4 giờ chiều, xe và hướng dẫn viên đón chúng tôi về khách sạn ở đường Phan Đình Phùng trong khu phố cổ, bầu trời Hà Nội mờ đục như sương mù Đà Lạt, nhưng khônng phải sương mà là bụi do ô nhiễm môi trường, trên đường vào thành phố có một sự va quẹt nào đó trên cầu Nhật Tân gây nạn kẹt xe nên về đến khách sạn thì phố xá đã lên đèn, mọi người thấm mệt và đói nên sau khi nhận phòng, chúng tôi đặt grabcar để đi ăn, đến một vài quán ăn được giới thiệu nhưng đã đóng cửa nên đành chọn một nhà hàng sân vườn bán các món ngon ba miền gần bờ hồ Gươm và tự chọn món mà mình thích với giá cả dành cho khách du lịch vãng lai. Ăn xong trở về khách sạn nghỉ ngơi dành sức cho ngày hôm sau phải di chuyển một quảng đường dài.

Sáu giờ sáng hôm sau, chúng tôi lên đường đi Đông Bắc sau khi dừng chân điểm tâm món Phở gia truyền ở gần sân bay Nội Bài, theo đường cao tốc Nội Bài Lào Cai một đoạn rồi rẽ vào QL 2, con đường này uốn lượn theo bờ của dòng sông Lô lịch sử để qua Tuyên Quang và kéo dài đến tận Hà Giang, từ đây bắt đầu địa hình miền núi với những quảng đường quanh co đèo dốc cao dần lên Công viên địa chất Đồng Văn sau khi dừng chân ít phút chụp hình với di tích lịch sử thành nhà Mạc ở thành phố Tuyên Quang, di tích còn lại là một công trình nhỏ nằm giữa một ngả tư có quy mô như một bùng binh và hình thù trông giống cái lò gạch, thật đáng buồn cho lịch sử khi một địa chỉ có hơn năm trăm tuổi (từ năm 1522) phải nhường bước cho tốc độ phát triển và đô thị hóa (!). Con đường đèo dốc quanh co làm tôi nhớ đến một con đường liên quốc gia ở Châu Âu, từ Pháp qua Thụy sĩ và đến Italia men theo triền dốc dãy núi Alps, chỉ khác một điều là con đường đó có rất nhiều đường hầm xuyên qua núi, và khi đến núi tuyết Mont Blanc băng giá – ngã ba biên giới - thì bên kia là miền Bắc Italia nắng ấm khác với khí hậu giá rét ở Pháp và Thụy Sĩ đang lúc chớm đông.

Băng qua thành phố Hà Giang đến Quản Bạ thì xe chạy lên những cua tay áo vào giữa những đám mây trắng dày đặc che khuất tầm nhìn của lái xe, tất cả phương tiện qua đây đều phải mở đèn, dù vậy mỗi khi qua những đoạn cheo leo người lữ khách vẫn không khỏi thót tim với cảm giác rờn rợn… Dừng chân ngay tại cao điểm được cho là cổng trời Quản Bạ, có vài chục em gái nhỏ và người già dân tộc H’mong mặc quần áo sắc màu sặc sỡ, mang những gùi hoa cải vàng, hoa tam giác mạch… cho du khách chụp hình và nhận lại chút kẹo bánh hay tiền lẻ… từng đám mây trắng che phủ trên một vùng núi non trùng điệp, che khuất những đoạn đường đèo dốc quanh co nên không ghi lại được hình ảnh hùng vĩ của núi đồi.

Điểm dừng chân kế tiếp là núi đôi Cô Tiên ở thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, du khách phải bước qua hàng trăm bực cấp để lên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng nơi có hai ngọn núi tròn trịa song đôi như cặp nhủ hoa nàng tiên nữ.

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người H’Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi…Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín mọng. Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh đẹp. Lúc này Ngọc Hoàng đã biết được chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho được ở lại nuôi con nhưng vô vọng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ. Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.

Trên đường từ Quản Bạ đi Đồng Văn và Mèo Vạc, chúng tôi may mắn gặp được hai phiên chợ rất đặc trưng, một là ở bản Phố Cáo huyện Đồng Văn và một ở Bảo Lạc ện Mèo Vạc cùng ngày.

Chợ lùi ở đây họp theo phương thức lùi ngày, bởi vậy nếu khách tuần trước đã dự phiên chợ đầy náo nhiệt vào ngày Chủ nhật, thì tuần sau nếu đến để tìm trong đám đông cô gái H’Mông xinh xắn bán hàng, hay thưởng thức món thắng cố bên chén rượu ấm nồng thì nhớ đi vào ngày thứ 7, và tuần sau nữa, chợ sẽ họp vào ngày thứ 6.

Cách Đồng Văn khoảng 25 km, chợ Phố Cáo họp ngay rìa ngoài thị trấn Phố Cáo, mang đậm chất hoang sơ của núi rừng miền sơn cước, dễ làm say đắm lòng người. Không khắc nghiệt như Cao nguyên đá Đồng Văn, không xa xôi cách trở cheo leo bên sườn núi như Ma Lé, khu Phố Cáo mang dáng dấp của vùng đồng bằng màu mỡ hiếm hoi giữa rừng đá lởm chởm khô cằn như một ốc đảo bình yên... Sự phồn thịnh và nét nguyên sơ của thung lũng Phố Cáo đã tạo nên một phiên chợ rất sầm uất, ở đó mùi rượu ngô thơm nồng bên những cô gái với nụ cười tươi với áo váy sắc màu sặc sỡ và ánh mắt thân thiện ngây thơ.

Đi chợ không chỉ để mua, bán, đổi chác nông sản và hàng gia dụng mà còn là nơi giao lưu văn hoá nên nơi đây sự rộn ràng đa sắc đã thành một nét riêng quyến rũ. Cho nên các sạp bán hàng ăn ở đây như dài hơn, nồi thắng cố như bốc hơi thơm ngát. Chợ họp ngay từ ngoài Quốc lộ, theo lối đi qua cổng mở ra một khoảng đất trống, với miên man sản vật núi rừng bày bán cùng hàng gia dụng và đồ nông cụ. Nào là những chõ xôi ngũ sắc của người Tày bán cạnh nồi xôi tím của người H’Mông, quần áo may sẵn bán cùng măng tre, sáp ong, củ rừng chữa bệnh...

Đông đảo và vui mắt nhất phải kể tới khu bán vải đủ mầu sắc, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại vải dệt các họa tiết hoa văn của phụ nữ H’Mông đều đặn những dải hình quả trám chạy ngang dọc, hình chéo hay ziczac... Ngày xa xưa khi giao thương còn cách trở, phụ nữ Mông từ khi còn bé đến khi về già tay không rời que dệt...gần với hàng vải là chỗ bán thịt cộng thêm đám gà, vịt kêu inh ỏi mỗi khi có ai đó nhấc bổng chúng lên. Cái danh từ “lợn cắp nách” cũng ra đời từ đây, đó là những chú lợn bé khoảng 10 – 12 kg được chủ của chúng ôm đi chợ từ sớm. Nếu mua bán may mắn, sẽ có một số tiền kha khá để mời bạn bè uống một trận rượu cho đến khi phiên chợ tàn, còn không bán được cũng chẳng sao, lại ôm về và đợi cho đến phiên chợ sau.

Cái hay của người miền cao là đi chợ để gặp bạn bè, để uống rượu, để hàn huyên. Những món ăn nào có sang trọng gì đâu, thông dụng nhất vẫn là món thắng cố “danh bất hư truyền”.

Chợ Phố Cáo họp từ sớm tinh sương cho đến khoảng giữa trưa,nếu muốn gặp lại phiên chợ sau nhớ phải chọn cho đúng ngày. Phiên chợ lùi ngày ngộ nghĩnh này tạo cho Phố Cáo một nét riêng không hề có ở miền xuôi, để nhớ mãi kỷ niệm nơi những rặng núi cao chất ngất và những con đường ngoằn ngoèo dốc đứng quanh co và bóng dáng của chàng trai cô gái H’Mông.

Cũng trên cung đường quốc lộ 4C ngoằn ngoèo đèo dốc được đặt tên là Đường Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn không thể nào không dừng chân ghi mấy pô hình ở những con đèo vô cùng hùng vĩ là dốc Thẩm Mã và Đèo Mã Pía – còn gọi là dốc 14 tầng trên đường từ thành phố Hà Giang qua Mèo Vạc.

Từ thành phố Hà Giang đến Đồng Văn là 150 km, sau Núi Cô Tiên chúng tôi còn hai điểm dừng nữa, một là là ngôi nhà dùng làm phim trường để thực hiện hai bộ phim khá nổi tiếng chiếu trên VTV.giaitri đó là ‘Chuyện của Pao’ và ‘Lặng yên dưới vực sâu’, ngôi nhà phản ánh rõ nét đời sống, sinh hoạt, tập tục của người H’Mông. Tọa lạc tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn là nơi có nhiều cảnh quan kỳ vĩ, hoang sơ và có hơn 63 hộ dân tộc Mông và Hán sinh sống lâu đời. Đặc biệt ngôi nhà truyền thống dân tộc H’Mông được xây dựng cách đây 80 năm đã được chọn đóng “Chuyện của Pao” như đã nói ở trên. Bộ phim này đã đoạt giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006. Cổng vào nhà Pao được làm bằng gỗ, chân cột và tường rào bằng đã, mái ngói âm dương phủ kín vết thời gian, ngay phía trong cánh cổng là một cây đào rừng tạo nên không gian trầm mạc và đẹp tựa một bức tranh thủy mạc. Rời nhà Pao, vài giờ sau chúng tôi lại có mặt tại Dinh thự Vua Mèo.

Nằm ở phía sau con đường bên hàng cây sa mộc cao vút, chiếc cổng đá bề thế của Dinh Thự Họ Vương hay còn gọi là dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức - vị vua duy nhất được người H’Mông nơi đây suy tôn, và cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn ở Sà Phìn hiện ra ngay trên đỉnh đồi. Tương truyền vào năm 1913 có một thuộc hạ của Vương Chính Đức tên là Cư Trồng Lù gợi ý thủ lĩnh nên thay đổi nơi ở. Theo ông này thì nơi đang ở chân núi cao, cạnh hẻm núi không hợp tuổi của vua nên bất lợi cho hậu thế sau này. Nghe vậy, họ Vương đã đi sang Trung Quốc để tìm thầy phong thủy sang Việt Nam. Vua đã dẫn thầy phong thủy đi qua cả 4 huyện trong khu vực cai quản của mình, cuối cùng thầy quyết định dừng tại thôn Sà Phìn, với địa thế nằm giữa thung lũng Sà Phìn. Nơi đây có một khối đất nổi lên cao ví như mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy, nếu xây dinh tại đây thì sự nghiệp sẽ thành công.

Dinh thự này có tuổi đời gần 100 năm, chi phí tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương thời ấy, tương đương với 150 tỷ đồng hiện nay. Được xây dựng từ những thợ giỏi tay nghề và hàng vạn nhân công miệt mài vất vả trong ròng rả 9 năm, xây từ 1919 đến 1928 thì hoàn thành. Trước cổng vào Dinh thự du khách sẽ thấy hai hàng sa mộc đứng uy nghiêm, rắn chắc như những lính gác bảo vệ sự an toàn cho vua ở ngay lối dẫn vào dinh. Bao quanh khu dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ ngôi nhà. Toàn bộ quần thể có diện tích gần 3000m vuông, mang ảnh hưởng 3 nền văn hóa kiến trúc khác nhau: Trung Quốc, người H’Mông và Pháp. Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh. Mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lạc lối trên những phiến đá hoa cương có chạm khắc hoa văn ngay lối dẫn vào Dinh thự, mái nhà cong uốn lượn, chạm trổ tinh xảo với những hoa văn họa tiết rất đẹp mắt. Du khách sẽ được lần lượt khám phá khu tiền dinh - nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tỳ. Ở giữa khu Tiền và Trung có một sàn gỗ, được cho là vực xét xử của cụ Đức. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương. Khu Trung hiện nay còn lưu nhiều bức ảnh của gia tộc, cũng là nơi thờ cúng tổ tiên.

Từ đỉnh đèo nhìn xuống rồi khi đến nơi thì Dinh họ Vương vẫn nổi bật với lối kiến trúc đặc sắc giữa một thung lũng heo hút. Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993, là địa điểm khám phá thú vị cho du khách.

Đêm nay, chúng tôi sẽ lưu trú tại một khách sạn ở Thị trấn Đồng Văn, đây là khu phố nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Khu phố cổ vỏn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.

Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ cao cao...

Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng kèn môi của chàng trai H’Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên...Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Một khu dân cư chủ yếu là người Tày với hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê và được xem như một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn. Theo tài liệu từ một cuộc hội thảo về phố cổ Đồng Văn thì tại khu vực này còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày và được xây dựng từ khoảng năm 1860.

Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 "đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.

Nhưng trước khi rời Đồng Văn phải đi theo QL 206 vào điểm cao cực bắc của tổ quốc là Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia trên đỉnh núi Lũng Cú hay còn gọi là Long Sơn (Núi Rồng) cao 1.470 mét so với mực nước biển thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn nơi đài vọng cảnh cực bắc Việt Nam chỉ cách điểm biên giới phía Bắc 3,3 km đường chim bay. Từ trên đỉnh núi có cột cờ nhìn xuống, có hai hồ nước ngọt hai bên quanh năm không bao giờ cạn cung cấp nước sinh hoạt cho hai bản làng địa phương gọi là Mắt Rồng, góp phần xanh tốt cho nương rẫy trù phú trong vùng.

Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành một chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo vĩ độ là A Pa Chải, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.

Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng núi rừng địa đầu phía Bắc.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc . Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam

Rời cột cờ Lũng Cú, chúng tôi trở lại QL 4C để đến Mèo Vạc, qua những cung đèo vô cùng ngoạn mục, cheo leo và dừng chân trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng để chiêm ngắm và trải nghiệm những phút giây hoàn toàn thư giản trong ngập tràn cảm xúc khi ngồi thuyền dạo chơi trên dòng sông Nho Quế dưới vực sâu.

Quốc lộ 4C là con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc thuộc Cao nguyên Đồng Văn. Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km, vượt núi Mã Pí Lèng ở sườn phía đông với độ cao vùng đỉnh đèo khoảng 1.200 - 1.400 m.

Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Mã Pí Lèng được du khách xếp vào nhóm "tứ đại đỉnh đèo" của vùng núi phía Bắc Việt Nam, cùng với Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Màu nước xanh của dòng sông Nho Quế ở sâu dưới vực lượn lờ, mời mọc chúng tôi vượt qua khoảng 8 km đường đất ngoằn ngoèo từ đỉnh đèo xuống bến thuyền, ngồi sau chiếc Honda ôm, thót tim, nín thở qua những khúc cua tay áo để lao sâu xuống gần đến bờ sông và đi bộ thêm hơn 100 mét nữa để lên thuyền đi một vòng từ bến thuyền qua dọc theo những vách núi cheo leo thẳng đứng để vào hẻm núi Tu Sản và cảm nhận thân phận mọn hèn của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Cả một biển mây, ôm ấp những ngọn núi nhấp nhô, thấp thoáng dòng sông Nho Quế, những con đường, những ngôi nhà ẩn hiện, bên sườn núi rất nhiều cây gạo khẳng khiu đang sắp nở hoa đứng hiên ngang đón gió, đón nắng. Hãy cứ yên tâm là những người lái xe ôm chính là những hướng dẫn viên du lịch dạn dày kinh nghiệm. Họ sẽ dừng xe để khách chụp ảnh và ngắm cảnh ở những điểm có góc nhìn hay khuôn hình đẹp nhất. Nhưng với tôi, ngay cả khi ngồi trên xe máy đang lao xuống dốc, cũng cố để có được những tấm ảnh mà sợ rằng sau này khó mà có được.

Xuống đến bến thuyền, ngữa mặt ngước nhìn lên con đường mòn quanh co mà xe máy vừa đưa mình mình xuống in trên rừng núi ngoằn ngoèo lúc ẩn lúc hiện trong làn mây mỏng nên thơ, trên nền là vách núi đá với biết bao hình thù kỳ lạ, xa xa là những bản làng của người dân tộc… trên mặt sông màu nước trong xanh lặng như tờ, thi thoảng có vài chiếc thuyền máy nhỏ đưa du khách đi qua kéo theo đàng sau cái là cái rẽ quạt sóng gợn li ti đẹp tựa một bức tranh đầy quyến rủ, dọc theo bờ sông thỉnh thoảng chìa ra những cành cây gạo chưa kịp đâm lộc nẫy mầm, chỏng chơ trong tiết trời se lạnh. Vài chiếc ghe nhỏ chèo tay của người dân bản địa thả lưới, nhẹ nhàng lướt đi trên mặt nước theo nhịp tay chèo…

Thuyền đưa chúng tôi vào hẻm núi Tu Sản, tha hồ tạo dáng để ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên trên mũi thuyền giữa hai bên vách đá thẳng đứng trên nền trời xanh thẳm.

Tạm biệt dòng sông Nho Quế, tạm biệt hẻm núi Tu Sản với miên man cung bậc cảm xúc đến nao lòng, ngồi lên yên sau xe ôm để trở lên đèo và tiếp tục theo đường Hạnh Phúc, vượt đèo Mã Pía 14 tầng hiểm trở để sang Mèo Vạc rồi đến thành phố Cao Bằng để đi thăm Bản Pác Bó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia - đặc biệt của Việt Nam, thuộc xã Trường Hà huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, là điểm đầu (Km 0) của đường mòn Hồ Chí Minh. Khu di tích bao gồm: nhà tưởng niệm, hang Cốc Pó – tiếng địa phương có nghĩa là "đầu nguồn" và hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài nằm trên núi Các Mác với dòng suối dưới chân núi đặt tên Lê nin.

Sau khi ăn tối chúng tôi về khách sạn nghỉ đêm sau một ngày dài thấm mệt, cần nghỉ ngơi lấy sức để sáng hôm sau đi thăm Thác Bản Giốc.

Thác Bản Giốc, Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên - Bản Ước là một nhóm thác nước trên dòng sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.. Địa điểm du lịch này được tạo hóa ban tặng phong cảnh hùng vĩ, núi rừng bạt ngàn cho nên không khí tại đây rất trong lành và thoáng đãng. Thác nước Bản Giốc thuộc dòng chảy của sông Quây Sơn, ở khu vực biên giới Việt Trung do đó thu hút được rất nhiều du khách. Đứng dưới chân thác du khách dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Hai bên bờ là cỏ xanh mướt tạo thành khung cảnh vô cùng lãng mạn, hấp dẫn người xem.

Bây giờ là đầu tháng 12, tại đây đang là mùa khô, dòng nước chảy hiền hòa và nhẹ nhàng khiến cho đất trời trở nên yên bình. Cũng vừa hết mùa lúa chín nên du khách không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang vàng ươm, mùi lúa thoang thoảng bay trong gió làm xuyến xao lòng người.  

Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung quốc, thác này cách huyện lỵ Trùng Khánh, Cao Bằng khoảng 20 km về phía đông bắc.

Ra khỏi thác Bản Giốc, trở lại thành phố Cao Bằng để theo QL 34 đi Bắc Kạn, gần 200 km nữa mới về tới Hồ Ba Bể nhận phòng nghỉ đêm tại một nhà khách dạng homestay bao gồm phòng nghỉ và ăn uống ngay trên bờ hồ đúng với tên gọi Lake View Homestay mặt tiền hướng r5a bờ hồ, phía sau tựa lưng vào vách núi. Nhà nghỉ homestay Lake View ở bản Pác Ngòi – nằm dưới chân núi Phù – Phia – Miang, soi mình xuống dòng nước xanh ngắt, như nét chấm phá giữa bức tranh sơn thủy nơi đây. Bản Pác Ngòi vẫn giữ nguyên trong mình nét văn hóa bản địa, những mái nhà sàn truyền thống, nghề thổ cẩm dệt vải, cùng với văn hóa của người Tày. Đến với bản Pác Ngòi, chúng tôi sẽ được thưởng thức những món ăn vặt của người bản địa và trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người Tày như dệt vải, chài lưới trên sông, làm nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đi thuyền máy dạo chơi quanh các nhánh sông dẫn nước vào mặt hồ và ghé vào các đảo với các đền, miếu và hang động.

Ba Bể là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và cũng là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Với tuổi đời hơn 200 triệu năm, trải qua nhiều cuộc kiến tạo vĩ đại, tự nhiên đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu mét khối và chiều dày hơn 30 m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể của ngày hôm nay. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Năm 2012, lại được xếp hạng Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt. Hồ ở độ cao khoảng 145m so với mặt nước biển. Hồ có diện tích mặt nước là hơn 650 ha, chiều dài gần 8 km, có thắt nút ở giữa. Hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều hang động và những suối ngầm.

Với thảm thực vật đa dạng và động vật hoang dã phong phú, nghe đâu môi sinh hồ Ba Bể nay bị đe dọa nặng vì việc khai thác khoáng sản, nhất là mỏ sắt ở lưu vực hồ. Mặc dù Vườn Quốc gia Ba Bể đã quy định hơn 10.000 ha dưới sự bảo vệ của cơ quan này, việc thi hành vẫn còn nhiều thiếu sót khiến một số nhà khoa học đã báo động rằng hồ đang "chết dần"

Tạm biệt bến thuyền, tạm biệt hồ Ba Bể mênh mông im sóng nên thơ, tạm biệt Vườn Quốc gia Ba Bể xanh thẳm núi rừng và mặt nước…, chúng tôi lên xe trở ra quốc lộ 258 để vào quốc lộ 3 đến Tuyên Quang và theo đường cao tốc 07 trở lại phi trường quốc tế Nội Bài đáp chuyến bay đêm về lại Sài Gòn. Dù lòng còn lưu luyến không gian huyền ảo, mộng mơ của núi rừng đông bắc, dù những khoảnh khắc êm đềm khi ngước nhìn mặt nước trong xanh không gợn sóng của dòng sông Nho Quế dưới vực sâu chân núi Mã Pì Lèng, thả hồn bay bổng theo những chùm mây trắng ôm lấy những vòng cua trên đèo Thẫm Mã, hay chãy theo thác bạc trắng xóa nơi Bản giốc…

Kết thúc một chuyến đi ngót một tuần qua một vòng hầu hết các tỉnh thành miền cao vùng Đông – Bắc quê hương.

Saigon, 12-2020