NGÔ NƯỚNG
HÀ NỘI MÙA ĐÔNG
B uổi tối mùa Đông, khi tôi có việc phải ra ngoài, nhìn thấy ở góc tối con phố lập lòe ánh than hồng của hàng bán Ngô nướng; Ký ức của tôi lại ùa về…
Hồi ấy tôi mới chỉ là một cậu thiếu niên, nhưng có lẽ do tôi khỏe mạnh lại nhanh nhẹn, nên chị tôi đi đâu cũng dắt tôi đi theo nhất là vào buổi tối, hình như chị tôi thấy vững tâm hơn. Nhà tôi ở cuối phố Lê Lợi ( sau năm 1954 đổi tên thành Bà Triệu ), quãng phố này tối om om bởi không có đèn đường. Nên chị tôi thỉnh thoảng lại bảo tôi đi với chị, ăn Ngô nướng ở góc phố Lê Lợi-Thể Dục (sau gọi là Lê Đại Hành).
Bà bán Ngô nướng ngồi trên chiếc ghế con, thấp, sát tường nhà, trước mặt là chiếc đèn dầu, một thúng ngô nếp non, bánh tẻ, to bé khác nhau; Chiếc “lò” nướng là một chiếc hộp sắt chữ nhật-hình như là vỏ hộp bánh Bích quy-chứa đầy than Tầu hồng rực, một chiếc quạt nan, “đồ nghề” chỉ đơn giản vậy thôi. Chị tôi chọn Ngô và ngã giá xong, bà ta nhanh nhẹn một tay đặt bắp ngô lên trên miệng “lò” chốc chốc lại quay cho chín đều, một tay quạt liên tục thật dẻo!
Tiếng than kêu lách tách, tiếng ngô nở lép bép nghe thật vui tai; Đặc biệt mùi thơm lừng tỏa ra, từ xa cũng thấy, hấp dẫn vô cùng! Khi ngô vừa chín tới, bà lấy bẹ ngô lau cho sạch muội than rồi đưa cho khách. Chị tôi khoan thai tẽ từng hột ra nhai thong thả, còn tôi vừa thổi phù phù vừa gặm lấy gặm để, vừa xuýt xoa. Mồm miệng và cả hai bên má đen nhẻm trông thật buồn cười!
Có lần các chị bạn chị tôi đến chơi nói rằng hôm nào rét lắm, các chị mua ngô nướng về, chui vào trong chăn trùm kín mít nhấm nháp , thấy như ngon và ấm hẳn lên, khoái vô cùng. Chị em tôi lại không bao giờ dám như thế vì mẹ tôi bảo ăn ra ăn, ngủ ra ngủ, chứ mẹ tôi chúa ghét kiểu ấy!
Từ bé đến nay ăn ngô nướng, tôi chỉ cảm nhận được cái ngon, ngọt thơm lừng chứ cố gắng mãi mà không sao có được cái cảm giác thật tinh tế của cố nhà văn Vũ Bằng viết trong “Miếng ngon Hà Nội”:
“Ôi, có ai nhấm nháp mấy bắp ngô nếp thật non, nướng vừa chín đến, hãy bảo cho tôi biết có phải là nó ngọt thoang thoảng y như sữa một thôn nữ lành mạnh không? Hơn thế, nó lại âm ấm, dìu dịu, thỉnh thoảng lại gợn lên mấy cái vỏ mong mỏng, nhai kỹ có một thú kín đáo lạ cho những hàm răng cứng rắn.” Đúng là “Miệng kẻ sang có gang có thép”!