Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








CHỊ TÔI







C ánh cổng nhà chùa khép lại phía hoàng hôn. Tôi rời khu nhà dưỡng lão của chùa Phổ Tịnh mà lòng luênh loang một nỗi buồn vô hạn. Không nhìn lại nhưng tôi biết cái dáng người bé nhỏ tội nghiệp, liêu xiêu của chị vẫn đang đau đáu dõi theo mình.

Cách đây sáu mươi lăm năm, vào một ngày lộng gió, chị cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc khỏe khoắn, vang dội không đem lại niềm vui cho má bởi bà đang chờ đợi một chàng quý tử! Phải nói chị là một đứa bé sơ sinh đẹp! Ba ký lô. Da trắng, mắt đen, môi đỏ hình trái tim từng nét rành rạnh. Nhưng vẻ đẹp ấy không mang lại cho chị một mảy may hạnh phúc, may mắn nào! Là đứa con gái thứ hai trong gia đình trong khi người cha gia trưởng đang mơ một đứa con trai nối dõi tông đường. Và niềm mơ ước đó vô tình trở thành gánh nặng lặc lè đè trên đôi vai tội nghiệp của má. Thế là chị bị đón nhận bằng sự ghẻ lạnh của cả cha lẫn mẹ. Chưa dừng ở đó, số phận còn giáng chị một đòn trí mạng. Chưa đầy ba tháng tuổi, chị đã bị chứng bệnh thương hàn quật ngã. Qua cơn bạo bệnh, chị ốm tong teo, da bụng mỏng tang, nhìn thấy cả ruột khoanh bên trong! Ai cũng nghĩ chị không qua khỏi. Bà con lối xóm đi xa trở về, hỏi thăm “Con Hương còn khỏe không?” (với hàm ý là “Con Hương còn sống không?”) Ơn trời, chị “vẫn khỏe” (nghĩa là vẫn sống) nhưng số phận hẩm hiu đã quấn chặt cơ thể còm nhom, héo hắt của chị. Chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng vì ốm yếu quá nên má tôi cho chị đi học cùng lượt với tôi, nghĩa là phải học trễ hai năm. Chị học rất thông minh. Năm nào cũng lãnh phần thưởng nhưng cũng chẳng được ai động viên, khen ngợi. Ngày đầy tháng chị, ba tôi chuyển nơi đóng quân, mẹ con lếch thếch đi theo, không cúng đầy tháng được đã đành. Trớ trêu thay, ngày thôi nôi cũng vậy. Cả hai ngày quan trọng nhất trong đời một đứa trẻ, chị đều không được hưởng trọn vẹn. Trùng hợp thế nào mà sau này giấy tờ gì có liên quan đến chị đều bị “trục trặc”. Mỗi lần như vậy, bà ngoại đều đổ thừa là tại má tôi không cúng đầy tháng và thôi nôi cho chị!

Nhìn thân thể ốm yếu còm nhom đó, tôi không nể sợ đã đành mà hai đứa em nhỏ hơn cũng thế. Con sông trước cửa nhà tôi “có huông”, năm nào cũng phải có ít nhất một, hai người “chết trôi”, nhất là trẻ con. Năm chúng tôi học lớp Sáu, con sông trước nhà lại ám ảnh dữ dội xóm làng. Đã có hai trẻ trôi sông. Trước khi đi dạy, má tôi dặn:

- Con Hương ở nhà giữ em. Không cho tụi nó tắm sông nghe!

Chị “dạ” nhưng lo lắng vì biết khó mà hoàn thành nhiệm vụ vì biết tụi nhỏ đâu có sợ mình! Và thương thay, điều lo sợ của chị đã thành hiện thực. Thằng Hùng và con Oanh đã vô tư lội sông tắm mặc lời răn đe, nhắc nhở của chị. Đi dạy về, biết chuyện, má tôi đã đánh chị một trận nhớ đời. Vừa đánh má tôi vừa chì chiết “Tại sao tao biểu mày không cho tụi nó tắm mà mày lại để tụi nó lội sông?” rồi “Tụi nó tắm sông, lỡ ma da kéo nó thì làm sao?” Cứ một câu hỏi là một cây roi quất xuống. Cây roi không nhắm vào bất cứ chỗ nào trên người chị nên có khi nó ghé xuống đôi vai gầy nhom, có khi nó “hỏi thăm” cái tấm lưng bé nhỏ lồi từng chiếc be sườn, lúc nó “vuốt ve” cái mông đít teo ngắt xẹp lép của chị. Mỗi cây roi quất xuống, tôi nghe đau nhói trong lòng mà sao má không đau? Tôi trốn trong góc nhà tức tưởi khóc, cảm thấy mình đớn hèn vì không dám bênh vực chị. Chị chỉ khóc và thều thào:

- Con có nói mà nó không nghe, má ơi!

- Sao mà không nghe? Mày có nói hôn mà tụi nó không nghe?

Sau mỗi câu hỏi lại một cây roi quất xuống. Roi gãy, chưa hả cơn tức, má tôi chụp cái thau mủ rửa chén gần đó đập lên đầu chị. Cái thau bể làm hai. Chị nước mắt ròng ròng nhưng vẫn lặng im. Nhưng ly nước giận dữ trong tôi thì đã tràn. Tôi hét lên:

- Má làm cái gì vậy? Thằng Hùng, con Oanh là con của má, còn chị Ba không phải con má hả? Má dòm kỹ lại cái hình tích của chỉ coi. Chỉ nhỏ còn hơn nàng Út ống tre, má nhắm hai đứa tụi nó sợ chỉ hôn? Tụi nó có chịu nghe lời chỉ hôn mà má đánh chỉ như đánh kẻ thù vậy? Con làm chứng nè. Chỉ có la mà tụi nó không nghe!

- À, con này to gan lớn mật, dám xử bỉ, lèo lái tao hả?

Nói rồi, má tôi rút một cây củi sống lá gần đấy quất tôi túi bụi. Vốn tính quật cường mà má tôi thường mắng là “hung dữ”, tôi tiếp tục hét lên “Có giỏi đánh, đánh cho chết luôn đi!” Lạ thay, không biết do sự phản kháng dữ dội của tôi hay do lời lẽ có tình có lý của tôi mà má tôi buông cây, không đánh hai chị em tôi nữa. Thế mới biết mình phải tự cứu mình trước khi trời cứu!

Sau trận đòn nhừ tử đó, tôi biết chị buồn lắm, uất lắm dù không nói ra. Tôi chảy nước mắt khi vô tình đọc được mảnh giấy nhỏ chị kẹp trong tập “Giả câm, giả điếc, giả không biết đau.” Thì ra đó là “phương châm” sống, là cách phản kháng tiêu cực của chị trước số phận đáng thương của mình!

Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng cảm nhận được những bất công mà chị phải gánh chịu. Tôi nhớ có lần chị đi bên nhà ngoại bị má tôi đánh một trận tơi bời trong khi chúng tôi cũng thường xuyên qua nhà ngoại mà chẳng bị gì!. Nhà tôi ở bên chợ, cách nhà ngoại khoảng hơn cây số. Qua nhà ngoại được lủi rừng lủi bụi, được bẻ mận, bẻ ổi … đứa nào chẳng thích mê? Thường thì chúng tôi rủ nhau hai ba đứa cùng đi. Không biết sao lần ấy chị đi có một mình. Chị đi biền biệt chẳng thấy về. Má tôi tức lắm, sai tôi đi kiếm. Qua tới nhà ngoại, tôi thấy chị đang lội mương bắt ốc đắng. Tôi nói:

- Má kêu chị về kìa. Chuyến này chị no đòn rồi.

Chị làm như không nghe, hào hứng nói:

- Mầy xuống bắt phụ đi, ốc nhiều lắm.

- Trời, bắt phụ chị về chắc bị đòn nát đít quá. Thôi lên, về lẹ đi!

Chị trèo lên mà bụng còn tiếc lắm. Rửa chân, rửa ốc sạch sẽ rồi chị vào nhà ngoại xách cái giỏ đầy rau cải trời cùng tôi đi về.

Vừa thấy mặt chị, má tôi khủng bố liền:

- Mầy đi đâu mà biệt dạng vậy? Đi trốn công chuyện phải không?

Chị phân trần:

- Dạ, con thấy cải trời non quá, bẻ về cho má nấu canh chả cá thác lác. Ra mương rửa tay, thấy ốc nhiều quá, con ham nên xuống bắt về mai nấu bán.

- Mầy đừng có lẻo lự, già mồm. Ai mượn mầy bẻ cải trời? Ai kêu mầy bắt ốc?

Chị lí nhí:

- Con biết má thích ăn canh cải trời nấu cá thác lác nên mới bẻ.

- Tao không khiến mầy.

Sau câu “Tao không khiến mầy.” Là những ngọn roi oan nghiệt quất vào chị không thương tiếc.

Má tôi chấm dứt trận đòn bằng một câu mệnh lệnh lạnh lùng:

- Từ đây về sau cấm mầy qua bển nữa!

Sau trận đòn, chị thề với lòng không qua nhà ngoại nữa. Tôi biết chị buồn lắm vì lời thề đó. Tội nghiệp mớ cải trời bị bỏ héo quắt héo queo. Má tôi thích ăn cải trời nấu canh chả cá thác lác lắm nhưng vì lỡ nói cứng rồi nên không nấu được. Còn chúng tôi cũng chẳng dám luộc ăn.

Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi biết sở dĩ má tôi không thương chị vì má tôi cực nhọc với chị nhiều quá. Qua những câu chuyện kể thường ngày, tôi biết sau trận bệnh thương hàn lịch sử đó, cơ thể chị mất sức đề kháng. Chị thường hay bị tiêu chảy. Tiền công may áo, công sức lao động của cả một ngày vất vả biến thành viên cao đơn hoàn tán mua ở tiệm thuốc bắc của “ông thầy ghiền”. Viên cao đơn hoàn tán sau khi vào bụng chị biến thành nước, chảy theo phân sống ra ngoài. Vừa tiếc của vừa tiếc công lại bị bà ngoại và ba trách móc, nặng nhẹ, má tôi ức lắm. Chẳng những thế, cứ cách vài ngày, bà ngoại lại đến nhà bảo má tôi “nấu mâm cơm cúng cho con Hương mạnh giỏi”. Lúc bấy giờ má tôi chưa đi dạy, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào cái máy may. Tiền công cái áo vừa thuốc thang vừa cơm nước đã bở hơi tai rồi, lấy đâu ra mà cúng với kiếng? Không chiều ý thì bà ngoại ngúng nguẩy, giận hờn. Má tôi chắt mót mua đồ nấu mâm cơm cúng. Cúng rồi chị cũng chẳng khá hơn. Má tôi phân giải thì bà ngoại nói “Thì từ từ rồi nó hết!” Dần dà, nguôi ngoai, vài tháng sau, bà ngoại lại “bổn cũ soạn lại”, lại biểu má tôi “cúng cơm cho con Hương mạnh giỏi”. Lại cúng. Lại bệnh triền miên. Ấy vậy mà lâu lâu ba tôi còn khủng bố “Con Hương mà có gì, tao bắn hết nhà! Đàn bà nuôi con vậy đó hả?”

Lên cấp Hai, tôi và chị cùng yêu thích môn Văn. Khi bình đoạn văn “Nhưng mọi người biết bác Lê quý con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hi hơn cả, nó là con thứ chín, và ốm yếu xanh xao nhất nhà…” trong truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” của Thạch Lam, cô giáo giảng “Trong những đứa con của mình, thường thường người mẹ thương đứa con bệnh hoạn mà mình khổ cực chăm sóc nhiều nhất!” Cả tôi lẫn chị đều nghe tê tái trong lòng. Hình như nhà văn Thạch Lam và cô đã nói sai rồi, cô ơi! Sau này, lớn lên, đọc “Lão Hạc”, tôi hết sức cảm ơn nhà văn Nam Cao đã cho tôi một cái nhìn nhân văn về con người khi cho ông giáo nói về vợ “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Có lẽ vậy. Má tôi cũng không ác. Sở dĩ bà xử sự như vậy là vì bà khổ quá rồi. Một nách năm con nheo nhóc. Chồng đi biền biệt, lâu lâu mới về nhà cho vài đồng bạc lẻ nuôi con. Tiền bạc eo hẹp. Con cái nay ốm mai đau lại bị chê trách, không một lời thông cảm, không một chút sẻ chia thì bảo sao bà không thế? Hơn nữa, lúc ấy, có lẽ nỗi hoảng sợ, lo lắng hai đứa con nhỏ trôi sông làm bà rối trí nên trút tất cả những ấm ức, hoảng hốt, lo sợ vào đứa con mà bà nghĩ là không nghe lời dặn dò của bà.

Cuộc sống chị em tôi càng cơ cực hơn khi ba tôi mất. Lâu lâu cho vài đồng bạc lẻ còn hơn chẳng có đồng nào. Học được cách làm kẹo chuối từ bạn đồng nghiệp của má, chúng tôi ra sức làm để kiếm tiền phụ má trang trải cuộc sống. Có làm mới biết chuối lá trắng không tạo được màu đẹp mà phải là chuối lá đen, kẹo mới cho màu nâu đen óng ã. Và công đoạn làm kẹo cũng rất công phu. Phải sên đều tay từ lúc bắc nồi kẹo lên bếp. Càng gần đến lúc thành phẩm, kẹo càng dẻo, càng “nặng tay”. Lúc này, phải có người ghì chặt hai quai nồi mới đảo kẹo được. Công đoạn này thật quá sức đối với một đứa trẻ mới mười một, mười hai tuổi như tôi. Có lần, vì quá đuối, quá mỏi tay, tôi đã “trét” một bệt kẹo nóng hổi lên tay em tôi khi nó đang giữ quai nồi. Nó hét lên đau đớn còn tôi cũng bủn rủn tay chân. Vậy mà khi chị Ba tôi ngồi cả ngày trên lộ, phơi nắng phơi gió bán gần hết xửng kẹo thì má tôi gom hết được ba chục đồng đem mua chiếc xe máy cày bằng mủ cho thằng Hùng, đứa con trai độc nhất chơi. Ba chị em chúng tôi lặng nhìn nhau, không nói nên lời. Con nào cũng con mà má tôi nỡ hành xử như thế, thật là bất công. Nhưng nghĩ cho cùng cũng phải thôi, đây là đứa con quý tử đã giúp cất gánh nặng nối dõi tông đường của má mà!

Mỗi người một số phận. Tôi cũng con gái. Vậy mà khi tôi ra đời lại không phải chịu sự ghẻ lạnh như chị. Nghe kể lại, tôi ba ký rưỡi, mập lù, đen thui. Đã quen với việc sinh toàn con gái, ba tôi liền lừa mình, lừa người bằng cách giả trai cho tôi. Ai đến thăm, ông cũng nói:

- Nhìn coi, con trai tui cù lự, đã hôn?

Nhìn dáng vẻ “bặm trợn” của tôi, người nào cũng tin. Báo hại, ngày đầy tháng, người ta toàn cho vải sọc.

Khi tôi và má từ nhà bảo sanh về nhà, chị Ba tôi hỏi:

- Con gì đen thui vậy ngoại?

Bà ngoại cười đáp:

- Con em.

Biết vậy thôi, chị không hề ghen tị gì với em mình cả khác hẳn con nít bây giờ: kéo gối, đạp bụng em khi thấy mình bị “ra rìa”!

Hồi cấp Một, tôi học thua chị xa lắc. Thấy chị được lãnh phần thưởng, tôi thèm lắm. Có lần, tôi “tâm sự” với má:

- Con muốn lãnh phần thưởng như chị Ba mà con học ngu quá!

Má tôi động viên:

- Vậy thì con phải cố gắng lên.

Không biết có phải nhờ vào lời động viên này không mà lúc lên cấp Hai tôi học đã tiến bộ nhưng cũng chưa được lãnh thưởng. Ngày xưa, cuối năm mỗi lớp chỉ phát có ba giải Nhất, Nhì, Ba. Năm lớp Chín, dù đã cố gắng hết sức, tôi cũng chỉ được hạng Tư. Đành ôm hận, không được chạm tay vào phần thưởng! Mãi lúc lên cấp Ba, chắc bộ não đã nở nang đúng mức, tôi được lãnh thưởng suốt cả ba năm, lại được cô giáo dạy Văn khen là “Có óc sáng tạo”!

Hồi cấp Một, dù học dở nhưng tôi không bị ở lại năm nào nên hai chị em tôi được học chung với nhau suốt cả mười hai năm. Năm chúng tôi học lớp Mười Một thì đất nước giải phóng. Năm Mười Hai, tốt nghiệp xong, chị em chúng tôi biết lý lịch mình “không trong sáng” nên chỉ chọn thi vào ngành Sư phạm. Năm thứ nhất, rớt. Năm thứ hai, tôi rủ thì chị nói “Thôi, tao không đi nữa đâu. Mầy thi một mình đi!” Tôi đi một mình và kết quả cũng như năm đầu tiên. Bẵng đi mười năm, tôi lại “vác nóp” đi thi lần nữa. May mắn làm sao, lần này trùng vào thời điểm đất nước bắt đầu đổi mới. Tôi đậu. Lúc này, tôi mới mạnh miệng rủ chị đi thi thì chị nói:

- Thi làm cái gì? Tao hết ham rồi. Mày đi học một mình đi!

Tôi nửa đùa nửa thật:

- Hơi đâu mà giận cuộc đời. Đi thi đi chị Ba ơi, lùi đầu vào mấy trái cóc, mấy trái ổi là chết cuộc đời đó!

- Kệ tao. Lương giáo viên bây giờ không đủ sống. Mày xúi tao vô chỗ chết hả, tao không nghe đâu!

Vậy là tôi vào trường sư phạm. Vui đấy nhưng hơi buồn vì không có chị. Mười hai năm trời chị em chung lớp chung trường, bây giờ đi học lẻ loi một mình, tôi cảm thấy như thiếu vắng một cái gì.

Ba năm Cao đẳng Sư phạm rồi cũng qua. Tôi về nhận nhiệm sở ở quê nhà. Tôi và chị cùng gắn bó với ngôi trường cấp Hai tại huyện lỵ. Nhưng tôi ở trong trường còn chị ở ngoài trường. Tôi đứng trên bục giảng còn chị bán cóc ổi cho học trò ngoài hàng rào. Mấy năm cuối của thập niên tám mươi, chỉ vài ngày phơi nắng phơi gió chị đã có thu nhập bằng cả tháng lương tôi! Thế cho nên chị không chịu đi làm cô giáo là phải! Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Cũng mấy đứa học trò đó nhưng với tôi thì nó kính trọng gọi “cô” còn với chị thì nó gọi “bà”, “bà Hương” với một thái độ suồng sã, xem thường. Nhiều đứa không biết bà Hương bán cóc ổi nó suồng sã hàng ngày này chính là chị ruột cô giáo dạy Văn của nó.

Lúc tôi được nhà nước cho nghỉ hưu, chị vẫn phải lao động không ngừng nghỉ. Chị vẫn là “bà Hương” gần gũi của học trò. Tấm thân gầy nhom xưa giờ vẫn vậy. Thậm chí bây giờ còn ốm hơn xưa. Vậy mà tội nghiệp, chính chị đã phải chăm sóc má tôi những ngày cuối đời. Không chị thì là ai khi ba đứa kia đã theo chồng xa xứ?

Có lần về thăm, thấy chị cực quá, tôi hỏi:

- Chị còn giận má hôn?

Chị hiền từ, xưa giờ chị vẫn hiền từ như thế:

- Chuyện gì không nên nhớ thì quên hết đi. Giận hờn làm chi cho hại tim? Tao đang bị hở van hai lá.

Nguyện vọng của chị là sau khi lo cho má tôi mồ yên mả đẹp thì vào sống trong nhà dưỡng lão. Vàng vòng chắt chiu cả đời đã cho chị em mượn xây nhà hết rồi. Lạ một điều là người đi mượn lẫn người cho mượn đều không ai buồn nhắc lại. Bất bình, có lần tôi hỏi thì chị nói:

- Thôi kệ, chắc tụi nó chưa có. Nhắc làm gì mích lòng! Với lại, vô nhà dưỡng lão ở, nhà cửa, cơm nước người ta lo hết rồi, mình cần tiền bạc, vàng vòng chi nữa?

Biết được tâm nguyện của chị, tôi cất công tìm hiểu, sau đó cho chị biết có hai chỗ dành cho người neo đơn, không chồng không con là Trung tâm bảo trợ xã hội và chùa Phổ Tịnh, chị bảo muốn vào chùa để có điều kiện tu tập, kinh kệ mong được thoát kiếp luân hồi.

Vào chùa, biết nhà chùa hàng ngày đều có làm thức ăn chay đem bán ngoài chợ để lấy tiền chi phí lo cho các cụ, chị liền hăng hái tham gia bởi xưa giờ luôn chân luôn tay, bây giờ ở không chị cảm thấy không quen. Một tháng đôi lần, tôi tranh thủ đến thăm chị. Ngoài những câu chuyện hỏi thăm hàng ngày, hôm nay tôi hết sức nhẹ lòng khi nghe chị nói:

- Sống ở chùa, nghe thầy giảng kinh, thuyết pháp mới ngộ ra nhiều điều. Trên đời cái gì cũng có nhân quả, nghiệp duyên. Từ đó suy ra chắc giữa tao và “bà Tư” (má tôi) cũng phải có oan gia trái chủ gì đây. Mỗi đêm tụng kinh, tao đều hồi hướng công đức cho bả, mong bả mau siêu thoát, chớ bả oán ba quá, tao sợ bả sa địa ngục.

Tôi ra về mà lòng cứ suy nghĩ miên man. Thương cho chị cả đời chưa có lấy một ngày vui. Tôi dẫu sao cũng được đi đây đi đó, cũng được một đôi lần ra chơi thủ đô Hà Nội, cũng được ngắm nhìn phong cảnh đẹp xứ người, cũng được thưởng thức một vài món ngon vật lạ trên đời. Còn chị thì cả đời chỉ biết bán bánh kẹo, cóc ổi cho học trò; không có thì giờ để ăn mà cũng chẳng dám ăn ngon. Lắt xắt, lắt xắt, làm lụng suốt ngày, có rảnh rỗi giờ phút nào mà nghĩ đến chuyện đi chơi, đi du lịch? Thôi thì cầu mong chị quen dần với cuộc sống mới, cầu mong chị được thanh thản bên tiếng kệ lời kinh, cầu mong chị được thoát kiếp luân hồi như nguyện ước. Không thì chí ít cũng mong rằng nghiệp duyên giữa má và chị (nếu có) chấm dứt ở kiếp này nhưng nghiệp duyên giữa tôi và chị thì mãi mãi vẫn trường tồn.