Việt Văn Mới
Việt Văn Mới











NHÂN DUYÊN

TRONG CÕI LUÂN HỒI





T ừ mỏ đá Hoàng Mai ngay sát quốc lộ 1A, theo con đường nhỏ đi về hướng Tây, đoạn đầu đường quốc lộ 1A đi vào khá bụi, vì xe chở đá qua lại suốt ngày, lại thêm là mùa hanh khô. Đi được khoảng 1km thì có một ngã ba, muốn vào được Hang Hỏa Tiễn thì rẽ tay phải. Con đường nhỏ sâu hun hun, cây cối không rậm rạp, không cao to mà chỉ là những lùm cây dại nhưng với những người chưa quen đi ở đây một mình thì có lẽ sẽ không dám đi nếu không có người đi cùng. Bởi vì từ ngã ba, rẽ phải ở đây chỉ còn nghe tiếng gió, tiếng lá lao xao, thi thoảng mới thấy thấp thoáng bóng người qua lại.

Thị xã Hoàng Mai nơi địa đầu xứ Nghệ, nơi điệp trùng núi, mềm mại sông, bao la biển… Nơi mà, ngày 27/4/1965 Bộ Giao thông vận tải đã thành lập đơn vị C271, đội 27 “ba sẵn sàng” gồm 150 cán bộ, chiến sĩ và chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt để bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch khu vực Thanh Hóa-Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai.

Sau khi tiếp nhận quân số Thanh niên xung phong chi viện cho ngành Giao thông vận tải của Trung ương đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, những thanh niên nhiệt huyết còn ở độ tuổi mười tám đôi mươi tràn đầy sức sống đến từ các tỉnh: Hải Dương, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế... đã được phân thành nhiều tổ đội, mỗi tổ đội đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như: nạo vét kênh nhà Lê, bốc dỡ hàng hóa tại ga Hoàng Mai, bảo vệ an toàn đường sắt, đường bộ từ khe Nước Lạnh vào cầu Hoàng Mai,… trong đó, Tổ 4 có 36 đồng chí, 22 nữ và 14 nam với nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường vào ga Hoàng Mai, san lấp, khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường sắt khi bom Mỹ đánh phá để cho những đoàn xe ra trận... được bố trí trú tại hang Khỉ nằm trong dãy núi Eo Kin (núi Nhọn), nay thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cách đường quốc lộ 1A khoảng 2km.

Hang Tổ 4 hay hang Khỉ được đổi tên là hang Hỏa Tiễn ngay sau cái ngày định mệnh cách đây 54 năm. Đó là, khoảng trưa ngày 28/4/1966, Tổ 4 đang làm nhiệm vụ trên công trường, không khí làm việc khẩn trương thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom, 36 Thanh niên xung phong đang làm việc cách đó 30m được lệnh vội chạy vào hang trú ẩn. Sau khi chạy được vào trong hang thì một quả rốc-két bắn từ phía biển vào đúng miệng hang khiến hàng trăm khối đất đá đổ sập xuống, một tiếng nổ vang trời, cửa hang đã bị đánh sập. Sau khi biết tin, lực lượng chi viện và công nhân mỏ đá đã nỗ lực tìm kiếm, đào bới. Khi mới tìm được 6 đồng chí ngay phía ngoài cửa hang thì máy bay Mỹ lại tiếp tục quay lại ném bom, lực lượng tìm kiếm phải rút về nơi an toàn, đến chiều tối, khi Mỹ ngừng ném bom, các đơn vị Thanh niên xung phong, bộ đội, dân quân, công nhân khai thác đá, tập trung về đây quyết tâm nỗ lực tìm kiếm với hy vọng còn đồng đội nào sống sót, với những dụng cụ thô sơ như cuốc chim, xẻng,… tích cực đào bới suốt đêm, sáng hôm sau mới khơi thông được cửa hang thì một cảnh tượng đau lòng hiện ra trước mắt, tất cả mọi người nằm bất động, người bị đá đè nát tay chân, có người cơ thể không được nguyên vẹn. Trong số các đồng chí được tìm thấy thì có 3 đồng chí vẫn còn thở, được đưa đến bệnh viện cứu chữa, 2 đồng chí bị mất ngay sau đó, còn đồng chí Trần Thị Loan thì mất sau đó khoảng 4 tháng vì vết thương quá nặng đã được gia đình đưa về an táng tại quê nhà huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Còn đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm bị kẹt ở sâu trong đá, vì thời kỳ đó dụng cụ quá thô sơ mà cho đến bây giờ mà vẫn chưa đưa lên được. Đúng lúc chuẩn bị đến giờ làm lễ truy điệu thì bỗng nhiên có một tiếng kêu nhỏ phát ra từ chiếc quan tài, khi ấy mọi người cũng rất sợ, nhưng tiếng kêu ngày một lớn, mọi người lại mở nắp quan tài ra thì thấy bà Nguyễn Thị Toán, mọi người vội đưa bà ra ngoài. 36 Thanh niên xung phong thời kỳ ấy nay chỉ còn hai người sống, đó là bà Nguyễn Thị Toán ở Hà Nam “người sống dậy từ áo quan tài” và bà Đặng Thị Doanh người đã không nghe lời chị gái của mình là Đặng Thị Châu chạy vào trong hang mà ở ngoài vì vậy mà đã may mắn thoát chết.

Thứ 2, ngày 30/11/2020 Hang Hỏa Tiễn bao trùm một không khí thâm u, đã là mùa đông, ít người qua lại, bên trên là dãy núi đá cao vì thế càng làm cho khung cảnh ở đây càng thêm vắng lặng. Cảm giác đi ngang qua Nghĩa trang đường sắt nơi yên nghỉ của các chiến sỹ Thanh niên xung phong ở Hang Hỏa Tiễn khiến cho tim tôi đập mạnh hơn, cảm giác như có ai đó đang mong ngóng, cứ rạo rực, cứ bồn chồn, chỉ mong được đến đây, thắp nén hương tri ân với tất cả những người con ưu tú từ Hải Dương, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế,… đã quên đi tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.

Xe của Đoàn văn nghệ sỹ Tao đàn Mùa xuân Nghệ An dừng lại trước một dãy núi đá vôi cao lớn, sừng sững. Chuyện đi vào những nơi tôn nghiêm, linh thiêng thì ai cũng có một lễ nhỏ bao gồm: tiền vàng, hương hoa, trà thuốc, bánh kẹo… ít ai mang nước. Nhưng kỳ lạ là, nửa đêm về sáng ngày 30/11/2020 tôi nằm mơ, nghe thấy tiếng nói ngay sát bên tai: “Đi Hang Hỏa Tiễn thì nhớ mang nước nhé!” Tôi giật mình tỉnh dậy và thức luôn cho đến sáng. Khi đoàn chuẩn bị lên xe đi đến Hang Hỏa Tiễn, tôi nói với dì Đinh Hải Lợi là có mua đồ lễ thì mua thêm chai nước lọc. Vì vậy, mà khi mọi người bắt đầu xuống xe, anh Hồ Văn Tình người của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thị xã Hoàng Mai là người dẫn đoàn và cũng là người quay phim, ghi lại những hình ảnh Đoàn văn nghệ sỹ đi thực tế ở thị xã Hoàng Mai 3 ngày (từ 29/11 - 01/12/2020) đưa cho tôi mấy thẻ hương, dì Đinh Hải Lợi đưa cho tôi 2 chai nước.

Vừa bước vào khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia Hang Hỏa Tiễn, tôi quay lại đưa cho nhà thơ Vân Anh một chai nước và nói:

- Cô ơi! Cô cầm lấy một chai nước này lát nữa mang vào phía trong hang để làm lễ. Còn chai nước này thì để làm lễ ở đài tưởng niệm chung bên ngoài.

Đang thắp hương ở Đài tưởng niệm chung ở bên ngoài, tôi cảm giác như có một luồng gió mạnh vừa đi ngang qua, tôi nghĩ: “chắc là do mình ăn mặc phong phanh trong khi mọi người lại mặc áo ấm”. Sau khi thắp hương ở đài tưởng niệm phía bên ngoài xong, tôi quay ra để nói nhà thơ Vân Anh mang chai nước lọc vào bên trong hang làm lễ nhưng không nhìn thấy nhà thơ Vân Anh ở khuôn viên, mà lại nhìn thấy chai nước để trên bờ tường bao quanh đài tưởng niệm, tôi cầm chai nước và thẻ hương đi vào trong hang. Vừa vào đến bên trong Hang thì cũng thấy nhà thơ Vân Anh, nhà thơ Cẩm Thạch đi vào, tôi đưa cho nhà thơ Vân Anh thẻ hương và nói:

- Cô thắp hương, còn cháu mở chai nước này ra để làm lễ.

Không khí quanh tôi lúc này thật ngột ngạt, tim đập liên hồi, đôi bàn tay bắt đầu tê từ nhẹ đến mạnh hơn, cảm giác cơ thể rất nhẹ (nếu ai đã từng đi máy bay thì sẽ thấy khi máy bay chuẩn bị hạ độ cao để xuống đường bay thì sẽ thấy một cảm giác như bị rơi tõm xuống một hố sâu rất nhẹ, rất nhẹ). Một mùi hương lạ đang bao quanh lấy tôi, tôi ngửi thấy rất rõ, đó là mùi hương trầm tôi vẫn thường thắp hàng ngày ở ban thờ Mẫu trước sân nhà tôi. Tôi bắt đầu mở chai nước, tôi cảm thấy không chỉ hai bàn tay mà cả đôi chân tôi cũng bắt đầu tê, vừa rải nước quanh nấm mộ một vòng tròn, vừa khóc vừa nói:

- Đêm qua bác báo với cháu bác khát nước lắm. Cháu rải nước dâng bác đây, cháu rải nước dâng bác đây, cháu rải nước dâng bác đây!

Sau khi rải nước xong tôi đi vòng ra phía sau nhà thơ Vân Anh, vì lúc đó tôi đứng một mình một hướng. Tôi bắt đầu cảm thấy rất chóng mặt, không thể trụ được, tôi chạm tay rất mạnh vào một ai đó đứng trước mình, tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã nói:

– Anh ơi! Em chóng mặt quá!

Sau câu nói này thì tôi không biết gì nữa.

Nghe nhạc sỹ Đinh Sóng Hồng kể lại thì, nhạc sỹ đứng ngay sau lưng tôi, tự nhiên thấy tôi ngã xuống, nhưng thật lạ là giữa mênh mông đá to, đá nhỏ mà tôi lại không bị chạm đầu xuống đất.

Anh Lê Vĩnh Hòa kể lại với tôi rằng:

- Anh đang thắp hương tự nhiên thấy ai đó vỗ mạnh vào vai anh. Anh quay lại thì thấy em đã bị ngã rồi. Anh vội vàng đưa em ra khỏi hang.

Lúc này nhà thơ Nguyễn Thị Kim Cúc cũng trầm ngâm nhìn tôi nói: - Khi ấy mọi người rất lo cho em, một số người hỏi xem có ai mang dầu gió không để thoa cho em, vì nghĩ có lẽ em bị tụt huyết áp hoặc bị bệnh gì đó, nhưng lúc này nhà thơ Phạm Hùng nói, có lẽ bị vong của ai nhập, chứ không phải bị cảm đâu. Không hiểu sao lúc đó chị lại chạm vào em và hỏi:

- Là vong ở đây phải không?

- Vâng!

- Quê ở đâu? Ở Vinh à?

- Không!

- Ở Hưng Nguyên à?

- Không!

- Hay ở Diễn Châu?

- Không?

- Vậy quê ở đâu nói cho mọi người để mọi người còn biết.

- Ở…ở… Hải… Hải… Hải… Dương.

- Ở Hải Dương, vậy tên là gì?

- Tên… La…â….m… Lâm!

- Tên là Lâm, quê Hải Dương?

Nghe nhà thơ Nguyễn Thị Kim Cúc kể lại thì tôi không nói là dạ hay vâng mà chỉ gật đầu xác nhận. Và nói tiếp:

- Ở đây một mình, buồn lắm!

Nhạc sỹ Đinh Sóng Hồng kể tiếp:

- May mà trong đoàn có nhà thơ Thạch Quỳ am hiểu chuyện tâm linh này, vì thế anh đã nói nhà thơ Thạch Quỳ vào trong hang thắp hương, xin cho vong thoát ra.

Nhà thơ Trần Hà lúc này cũng lại gần tôi nói:

- Sau khi nghe Thảo nói tên và quê, mình có ra bia tưởng niệm xem thì trong danh sách các liệt sỹ ở đây có tên Nguyễn Ngọc Lâm, sinh 1944, quê quán Trường Thanh, Thanh Hà, Hải Dương. Mọi người cũng định hỏi thêm mấy câu nữa nhưng thấy Thảo lúc đó im lặng vì vậy thôi không hỏi nữa, chắc là khi ấy vong thoát ra rồi.

Nhà thơ Nguyễn Viết Lợi tiếp ngay sau khi nhà thơ Trần Hà, nói:

- Khi thấy anh Lê Vĩnh Hòa bồng Thảo ra khỏi hang, Thảo đã khóc rất to và tiếng khóc đúng là của một người đàn ông, khi nhà thơ Nguyễn Thị Kim Cúc hỏi thì không khóc nữa.

Đó là tất cả những gì tôi được nghe mọi người kể lại sau khi tôi bị ngất đi ở Hang Hỏa Tiễn.

Khi tỉnh lại, tôi rất mệt, cảm giác dường như có một thứ gì đó vừa trôi tuột khỏi cơ thể, mặc dù biết cơ thể này đã là của tôi nhưng vẫn chóng mặt, đầu vẫn ong ong, tai chỉ nghe thấy tiếng ù ù và tôi có cảm giác rất buồn - một nỗi buồn không thể nói thành tên là nó buồn như thế nào.

Có lẽ chuyện về liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lâm cũng sẽ dừng lại ở đây và tôi sẽ trở lại cuộc sống hàng ngày như trước đây vẫn diễn ra. Nhưng, mọi chuyện không bao giờ xảy ra như mình muốn, không biết được những gì sẽ, đã và đang xảy ra với mình. Sẽ không phải hồi hộp, sẽ không phải chờ đợi, sẽ không phải hy vọng, sẽ không phải nghĩ đến chuyện mình ở hiền sẽ gặp lành, sẽ không phải nghĩ rằng… chắc là do nhân duyên từ trong tiền kiếp mà liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho tôi có cơ hội gặp ở thời điểm hiện tại này. Nếu không có nguồn năng lượng tỏa ra giống nhau thì chắc gì tôi và liệt sỹ đã bắt được tần sóng của nhau, mặc dù tôi và liệt sỹ ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau.

Hai ngày sau, tôi nằm mơ, vẫn là giọng người con trai nhẹ nhàng của lứa tuổi 20, đúng chất người quê tôi, nhưng tôi lại chỉ nhìn thấy anh từ phía sau, tự nhiên tôi buột miệng hỏi:

- Là anh à?

- Phải gọi là chú hoặc là bác.

- Dạ, em xin lỗi… à… quên… cháu xin lỗi bác ạ! Bác vẫn ở dưới đó bao nhiêu năm chưa lên được là thật ạ?

- Chưa cháu ạ!

- Mọi người đang có ý định làm một lễ cầu siêu cho bác. Ở dưới đó, bác thiếu gì không?

- Nếu được, bác chỉ xin một bộ quần áo bộ đội, một chiếc mũ cối, một đôi giầy… Tôi thấy bác ngập ngừng trong giây lát, liền hỏi:

- Bác chỉ cần có ngần ấy thôi à?

- Không… nếu được nữa… bác xin một chiếc đồng hồ đeo tay, và một chiếc xe đạp. Nhưng hai thứ này thì để bác và mọi người dùng chung. Trước đây bác cũng hay đọc sách, bao nhiêu năm rồi không được đọc, may mà năm ngoái có nhà văn gửi xuống dưới này một cuốn sách.

- Bác muốn cháu gửi sách xuống nữa không? Mà ai gửi sách xuống cho bác ạ…?

Tôi định hỏi thêm bác, nhưng miệng cứ ú ớ không nói được gì nữa. Tôi chợt bừng tỉnh và chưa biết được là ai đã gửi sách xuống cho bác. Tôi trằn trọc mãi cho đến sáng. Hỏi ai để biết được rằng có người đã gửi sách xuống. Ngay lúc này tôi nghĩ ngay đến anh Võ Văn Dũng – Nguyên Bí thư thị ủy Hoàng Mai nay đã chuyển về làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An mà tôi đã có duyên đi cùng anh tới Hang Hỏa Tiễn hai lần vào ngày 4/8/2018 và ngày 10/11/2019. Tôi mong mỏi cho đến sáng để gọi điện hỏi anh, tôi nói qua với anh về chuyện tôi bị nhập ở Hang Hỏa Tiễn, cả giấc mơ khi đêm tôi được bác Lâm cho biết. Tôi hỏi anh và đã được anh xác nhận là đúng: năm 2019, chính anh đã cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi, tác giả cuốn tiểu thuyết Đá Xanh Máu Đỏ nội dung chính là viết về Hang Hỏa Tiễn đã làm lễ và đốt cuốn sách ở tại đây. Tôi biết cuốn tiểu thuyết này, đó là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi đạt giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác về đề tài Giao thông – Vận tải do Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp với Hội Nhà văn phát động năm 2014 và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đặt hàng năm 2019, được Nhà xuất bản Nghệ An in 600 cuốn, khổ 14.5 x 20.5, bìa cứng. Tôi thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) vì vậy cũng được Nhà xuất bản Nghệ An tặng 2 cuốn.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện của bác Lâm. Tôi và bác không họ hàng thân thích, càng không phải là đồng đội, có chăng tôi và bác chỉ là người cùng quê khi chưa chia tách tỉnh (trước năm 1997 khi chưa chia tách thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thì là Hải Hưng). Tôi đã tự mình đưa ra 2 câu hỏi: - Một là, bác Nguyễn Ngọc Lâm, lâu rồi chưa có thân nhân vào thăm vì vậy mà mượn thân thể của tôi nhập vào nói, để có thể qua tôi truyền đạt mong muốn gia đình vào thăm. - Hai là, bác Nguyễn Ngọc Lâm, chưa có thân nhân gia đình đến nhận, vì vậy mà qua tôi để mong tìm được thân nhân của mình. Nhưng tôi đã bác bỏ ngay suy nghĩ thứ 2, bởi vì: trong danh sách 33 liệt sỹ ở Hang Hỏa Tiễn đều có tên tuổi, năm sinh, quê quán rõ ràng, lý nào 54 năm đã trôi qua mà bác chưa có người thân vào nhận?

Mặc dù tôi đã bác bỏ suy nghĩ thứ 2 này, nhưng trong lòng tôi luôn cồn cào, luôn bị thúc giục phải làm một điều gì đó mà tôi chưa biết mình phải làm gì và bắt đầu từ đâu.

Và cũng như nhân duyên, như là sự chỉ dẫn của bác. Đã rất lâu rồi tôi chưa nhắn tin nói chuyện với em Hoàng Thị Nết – Phó Giám đốc Đài PTTH huyện Thanh Miện (học cùng lớp Viết văn K8 – Trường Viết Văn Nguyễn Du với tôi) tự nhiên tôi lại nghĩ đến em. Tôi nhắn tin nói chuyện với em về trường hợp của bác (liệt sỹ) Nguyễn Ngọc Lâm. Em bảo:

- Chị vào trang Facebook của người Thanh Hà, sau đó viết bài lên đó để hỏi, hoặc chị viết trên Facebook của chị để em có thể chia sẻ về trang Facebook của em để những ai ở Hải Dương có thể đọc, và biết đâu sẽ tìm được thân nhân chị ạ!

- Nhưng chị ngại viết những chuyện như thế này trên Facebook, sợ sẽ bị hiểu lầm. Em có quen biết ai là Lãnh đạo ở huyện Thanh Hà không, cho chị xin số điện thoại, chị sẽ liên hệ.

- Em không biết ai chị ạ. Mà em Biên, học sau chị em mình, em ấy ở Thanh Hà đấy, chị hỏi em ấy xem.

Tôi và Facebook tra tìm mà không thấy Facebook của em Biên đâu, tôi nghĩ đến những người bạn học cùng lớp Viết Văn K8 của mình ở Hải Dương, còn có em Vũ Thị Sang, anh Đinh Ngọc Hùng trước làm báo Hải Dương nay chuyển sang bên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Tôi nhắn tin, kể lại toàn bộ sự việc với anh Đinh Ngọc Hùng và xin anh số điện thoại của em Biên. Anh đã nhắn cho tôi số điện thoại của em Biên nhưng tôi gọi điện thoại toàn ở ngoài vùng phủ sóng không gọi được. Tôi nhắn lại cho anh:

- Anh ơi! Anh có số điện thoại của Lãnh đạo ở huyện Thanh Hà không, em gọi cho em Biên toàn ngoài vùng phủ sóng.

- Vậy, em vào trang Cổng thông tin điện tử của huyện Thanh Hà, em liên lạc với Lãnh đạo ở đây xem như thế nào nhé!

Tôi vào ngay đường Link mà anh Đinh Ngọc Hùng đã gửi cho tôi. Xem qua một lượt, trang điện tử có đầy đủ số điện thoại, địa chỉ Email của tất cả lãnh đạo từ huyện cho đến xã nhưng không thấy xã Trường Thanh, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tôi phân vân một hồi, rồi cũng quyết định nhắn tin hỏi anh Trịnh Văn Thiện - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà

Là sáng thứ 2 (ngày 7/12/2020) ngày đầu tuần, nhiều việc phải họp bàn vì thế tôi đợi đến 11h trưa mới nhắn tin gửi Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, nói rõ tình hình và ngỏ ý muốn nhờ anh tìm hiểu về liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lâm. Anh đã cảm ơn tôi, anh nói là sẽ cho tìm hiểu ngay. Sau đó anh nhắn cho tôi số điện thoại của Chủ tịch UBND xã Thanh Quang, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện và của Ban chỉ huy quân sự huyện Thanh Hà để tiện liên lạc.

Đầu giờ chiều, tôi liên lạc tới số điện thoại của Chủ tịch UBND xã Thanh Quang là anh Phạm Đức Ban, tôi cũng nói rõ tình hình với anh thì được anh cho biết là đã được anh Trịnh Văn Thiện Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà đã truyền đạt lại cuối giờ làm việc buổi sáng và đã bắt đầu cho người kiểm tra. Tôi có hỏi anh là không thấy tên xã Trường Thanh thì được anh cho biết là đã sát được sát nhập từ năm 2019 thành xã Thanh Quang.

Sáng hôm sau (thứ 3, ngày 8/12/2020) đợi cho đến cuối giờ làm việc buổi sáng tôi nhắn tin hỏi anh Phạm Đức Ban – Chủ tịch UBND xã Thanh Quang.

- Anh ơi! Tình hình thế nào rồi anh?

- Em đã cho người tìm hiểu nhưng chưa ai biết, chỉ sợ sai xã, không đúng địa chỉ.

- Nhưng bia đá ghi rõ là Trường Thanh, Thanh Hà, Hải Dương mà anh!

- Vâng! Em đã hỏi một số người ở xã cũ còn đang công tác ở đây mà không ai biết. Em cũng nhờ người tra cả hộ khẩu rồi mà không thấy.

- Anh cố gắng giúp em nhé. Vì chỉ còn mình bác ở trong hang chưa lấy lên được.

- Vâng. Em vẫn đang yêu cầu tìm người nhà đó!

Tôi bắt đầu thấy bất an, dường như mọi chuyện không dễ dàng, không đơn giản như tôi dự tính.

Sáng hôm sau (thứ 4, ngày 9/12/2020) vì luôn thấy bất an tôi lại nhắn tin hỏi anh Phạm Đức Ban ngay đầu giờ làm việc buổi sáng,

- Anh ơi! Mọi chuyện thế nào rồi ạ?

Tôi chờ mãi không thấy anh trả lời, bắt đầu lo lắng, bồn chồn không yên, chẳng lẽ là sai địa chỉ? Cũng vì quá bận tâm tới chuyện chưa tìm được thân nhân của bác Nguyễn Ngọc Lâm mà buổi trưa ngày 9/12/2020 tôi cứ chập chờn mãi mà không ngủ được nhưng rồi tôi cũng ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy mình nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ gần bờ đê hay ở ngoài sông gì đó và có người lúi cúi đi lại trên sân nhưng tôi không nhìn rõ đó là đàn ông hay đàn bà (vì cái dáng đi ấy không còn trẻ nữa). Tôi choàng tỉnh giấc! Cơ thể cảm giác rất mỏi mệt. Bả vai và hai cánh tay mỏi nhừ. Tôi chưa hiểu rõ ý nghĩa của giấc mơ ấy như thế nào thì tiếng chuông điện thoại, đó là cuộc gọi của anh Phạm Đức Ban – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Quang:

- Chị ơi! Em đã trực tiếp tìm hiểu và cũng cho người tìm hiểu. Em có chuyện muốn trao đổi lại với chị. Tình hình là: Thứ nhất, trong danh sách các liệt sỹ có tên ở huyện Thanh Hà không có tên liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lâm, có lẽ chưa được công nhận là liệt sỹ hoặc chưa có giấy gửi về. Thứ hai, bác Nguyễn Ngọc Lâm không phải quê quán ở đây, em đã về lại xã Trường Thanh, đây là một xã sát ngoài đê của sông Thái Bình, ngày 16 tháng 10 năm 2019 đã sát nhập 3 xã là Trường Thanh, Thanh Bính và Hợp Đức thành xã Thanh Quang để tìm hiểu thì được biết, trước đây bác làm nghề đánh cá, chài đáy trên sông. Sau khi có chủ trương đắp lại đê thì cũng có chủ trương đưa những người ở ngoài đê vào bên trong đê, lúc này gia đình nhà bác lại chuyển về Quảng Ninh sống. Sau một thời gian vợ có về lại đây thăm lại, nhưng bây giờ nghe nói vợ đã mất, có một người con giờ cũng không biết ở đâu chị ạ! Mà em nghe mọi người nói lại là quê gốc của bác ở huyện Nam Sách.

- Mọi chuyện cũng phức tạp quá anh nhỉ! Giờ mà tra ra được thì cũng khó! Để em hỏi lại Lãnh đạo ở mỏ đá Thị xã Hoàng Mai xem còn cất giữ giấy tờ gốc của tất cả các bác TNXP thời đó không, có gì em sẽ liên lạc lại với anh. Em cảm ơn anh nhiều nhé!

Nhờ một số người quen, tôi đã xin được số điện thoại của bác Đặng Văn Tiến – Nguyên là cán bộ Tổ chức kiêm việc Y tế của Xí nghiệp mỏ đá Hoàng Mai giờ đã nghỉ hưu. Tôi cũng nói sơ qua về chuyện ở Hang Hỏa Tiễn và có hỏi bác một số chuyện, thì được bác cho biết thêm là: Theo giấy tờ gốc thì liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lâm không phải là họ Nguyễn mà là họ Phạm – Phạm Ngọc Lâm. Tôi hơi bất ngờ, rõ ràng cả hai bia đá ghi danh sách tên các liệt sỹ tại hang Hỏa Tiễn đều ghi là Nguyễn Ngọc Lâm, tôi thắc mắc thì được bác Tiến cho biết, có lẽ là do người đánh máy sai, mà từ trước đến giờ cũng có ai tìm đến bác để hỏi đâu, trước đây có nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc tìm đến bác để hỏi là lần đầu tiên. Tôi thiển cận nghĩ: Tại sao lại có thể có một sự sai sót bất cẩn như vậy sau 3 lần Hang Hỏa Tiễn được cải táng, tu sửa vào các năm 1966, 1996, 2001? Liệu rằng sai họ như vậy nên mới không tìm được thân nhân của liệt sỹ? Có lẽ phải trả lại họ cho liệt sỹ theo đúng như hồ sơ gốc là Phạm Ngọc Lâm dù là khắc ghi trên bia đá? Và có lẽ việc quan trọng nhất là làm sao để cầu siêu cho vong hồn bác được đoàn tụ với đồng đội, được về với gia đình. Còn về mặt chính sách, phải tác động cho các cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sỹ và ghi công bác ở địa phương.

Tôi gọi điện nói lại ngay với anh Phạm Đức Ban – Chủ tịch UBND xã Thanh Quang về việc sai tên họ của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lâm (giờ là Phạm Ngọc Lâm). Sau đó, được anh gọi điện nói lại là, cũng đã kiểm tra lại nhưng không có ai là Phạm Ngọc Lâm.

Vì bận công việc của cơ quan, tôi chưa gọi điện cảm ơn anh Trịnh Văn Thiện – Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà được. Đến sáng thứ 2, ngày 14/12/2020 (tức ngày 01/11/2020 âm lịch), đầu buổi sáng làm việc tôi nhắn tin cảm ơn anh, và ngỏ ý xin anh số điện thoại của Lãnh đạo huyện Nam Sách.

Tôi không mê tín, cũng không bác bỏ chuyện tâm linh nhưng hôm nay là ngày mồng 1 tháng 11 năm 2020 (âm lịch), sau khi xin được số điện thoại của anh Lê Quang Thụ - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, tôi đã gọi điện nói rõ tình hình về liệt sỹ Phạm Ngọc Lâm, anh hứa là sẽ cho người tìm hiểu rồi sẽ báo lại với tôi.

Sau khi gọi điện cho anh Lê Quang Thụ - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, tôi lấy 3 nén hương thắp trước ban thờ Mẫu nhà tôi, khấn xin, nếu quả thật tôi có duyên với bác Phạm Ngọc Lâm theo giấy tờ gốc (còn bia đá ghi là Nguyễn Ngọc Lâm) thì mong bác linh thiêng phù hộ cho tôi và mọi người sớm tìm được thân nhân của bác. Tôi không khóc mà nước mắt cứ tự trào ra, tôi biết là bác đã biết được những gì tôi nói, tôi sẽ, đã và đang làm để Hang Hỏa Tiễn ngày càng trở thành nơi tâm linh, để không những ngày lễ, ngày Tết, ngày Rằm, mồng Một mà bất cứ ngày nào trong năm ở nơi đây cũng luôn luôn có một mùi hương theo gió lan tỏa, không chỉ lan tỏa lên cao mà còn có thể theo những kẽ đá đi vào sâu trong lòng đất mẹ, để những anh, những chị còn một phần thân thể nằm yên trong lòng đất sẽ ấm nồng hơn khi bất chợt gặp một cơn gió lạnh tràn về. Và cũng là để cho những bông hoa nở trên đá xanh máu đỏ này sẽ mãi mãi là những bông hoa bất tử trong mọi thời đại. Nơi mà tuổi 20 hóa thành bất tử. Nơi mà, dòng máu yêu nước không ngừng chảy theo thời gian.

  Ngày 01 tháng 11 năm 2020 (âm lịch)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ Thanh Hóa ngày 05.01.2021 .