Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










ÁNH ĐÈN BÊN CỬA SỔ








H uy lột tờ lịch của ngày hôm qua xuống, hôm nay là ngày thứ ba của tuần thứ hai Huy và mẹ dọn về căn nhà này, căn nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách, phía sau là cái bếp liên thông với phòng ăn và một phòng vệ sinh, bên hông nhà có lối đi riêng rộng chừng một mét, phía trước là cái sân đủ để mẹ anh mở một tiệm bán tạp hóa hay quán cà phê cóc, phía sau nhà còn một khoảng đất trống. Dù chỉ là căn nhà nhỏ nhưng đó là cả một tài sản lớn của mẹ và anh đã chắt chiu dành dụm bao nhiêu năm trời mới có được.

Kể từ ngày cha anh đi theo tiếng gọi của "con tim không ngủ yên", từ khi nhân vật thứ ba xuất hiện, nó như một trận bão lớn, hay như cơn sóng thần, hoặc như một giòng thác lũ, nó cuốn phăng và làm tan nát mọi thứ trong gia đình anh, nó xóa sạch những ngày hạnh phúc, đầm ấm, yên vui, nó đẩy mẹ con anh ra khỏi ngôi nhà mà gia đình anh đang sống, nó đẩy cha anh và người chị gái hơn anh hai tuổi đi theo nhân vật thứ ba đến tận chân trời góc bễ nào đó, nói chung là nó đã hủy hoại hạnh phúc gia đình anh không một chút xót thương.

Bằng tất cà nghị lực, ý chí và tình thương đối với đứa con trai, mẹ anh đã đứng dậy, cố quên đi nỗi đau đớn, bà không từ chối làm bất cứ một công việc gì - miễn là lương thiện - bà vất vả, chịu đựng biết bao khổ nhọc để có tiền cho con trai đến trường. Anh không phụ công lao và tình yêu thương, sự kỳ vọng của mẹ. Ngày anh tốt nghiệp đại học là ngày mẹ anh sung sướng ngất trời, bà tự hào về anh nhưng lại chạnh lòng xót xa khi nghĩ và nhớ tới đứa con gái của mình, nó phải xa bà khi tòa phán quyết cho cha nó được quyền nuôi nó.

Huy được nhận vào làm ở một xí nghiệp cơ khí theo ngành anh đã học. Ngoài giờ làm việc ở công xưởng, thình thoảng Huy nhận thêm việc về nhà. Tiền lương của anh, anh đưa hết cho mẹ, còn tiền làm thêm thì anh dùng để tiêu vặt, ước mong của hai mẹ con là mua một căn nhà nho nhỏ... Nhưng rồi... trong một lần bất cẩn anh đã để cho cái máy tiện nó tiện đứt luôn hai ngón tay của anh.

Sau khi mua căn nhà này, hai mẹ con đã bỏ ra rất nhiều thời gian công sức để tu bổ, sơn phết, làm mới lại, nay thì trông nó rất xinh đẹp, dễ thương và ấm cúng. Mẹ anh nhìn cơ ngơi của mình, sung sướng mãn nguyện nói với anh:

- Chưa bao giờ mẹ cảm thấy hạnh phúc như bây giờ, mẹ con mình được làm chủ một căn nhà, thoát cảnh phải ở mướn nhà người ta, chỉ còn một điều này nữa thôi là mẹ... không còn ao ước gì hơn. Nhưng đều do ở con hết đó.

Huy ngạc nhiên hỏi mẹ:

- Điều gì mà do ở nơi con?

Mẹ anh cười cười, ướm lời:

- Thì... chừng nào con chịu cưới vợ, sanh con để mẹ có cháu nội ẳm bồng, thì coi như lúc đó tâm nguyện của mẹ được hoàn thành.

Huy cười ra tiếng:

- Mẹ ơi! mẹ thấy tay con đây không? bị cụt mất hai ngón; ngòn trỏ với ngón giữa... cô nào mà thèm ưng người con trai "thiếu ngón"? mấy cô thích kiếm mấy anh chàng "thiếu gia", không ai đi thương một người "thiếu ngón" như con đâu.

Mẹ anh thở dài nhìn đứa con trai của mình, năm nay Huy đã hai mươi bốn tuổi rồi, ở thành phố thì con trai tuổi này cũng đã có một hai mối tình vắt vai, còn ở thôn quê thì cũng đã hai ba mặt con, còn con trai bà lúc nào nó cũng mang mặc cảm về bàn tay trái mất hai ngón. Nhớ lại cách đây hai năm, khi Huy bị cái máy tiện cùa xí nghiệp "cắn" đứt của anh hai ngón tay "ăn nói". Huy buồn chán đau khổ lắm, kể từ ngày mất đi hai ngón tay, anh không còn cầm đến cây đàn guitar để dạo những khúc tình ca, vì Huy đàn guitar rất hay. Cây đàn như là một người bạn vô cùng thân thiết của anh, nó hiểu tâm tư tình cảm của anh, nó biết rõ lúc nào anh vui, lúc nào anh buồn hay đau khổ, nó an ùi anh mỗi lúc anh ôm nó vào lòng, bàn tay trái của anh với những ngón dài bấm từng note nhạc, lướt từng phím, năm ngón tay phải của anh gảy vào sáu sợi dây đàn phát ra những âm thanh khi trầm buồn chơi vơi, khi vui tươi nhảy nhót. Lúc đó anh và cây đàn trở nên một, tiếng đàn hòa với tiếng lòng của anh, cả hai hiểu nhau, gần gũi với nhau hơn ai hết.

Nhiều khi anh đưa bàn tay thiếu mất hai ngón của mình lên ngắm nghía, anh khát khao được ôm cây đàn vào lòng như ôm người yêu, anh ước ao bàn tay anh vẫn còn nguyên vẹn năm ngón, để anh làm rung lên những nốt nhạc của lòng mình qua từng âm thanh của cây đàn. Nhưng anh nhìn mãi nhìn hoài bàn tay mình, nó vẫn thiếu hai ngón, mỗi lẫn như vậy thì anh bật lên tiếng khóc đầy xót xa tiếc nuối.

Mất hai ngón tay nhưng cuộc sống của mẹ và anh vẫn phải tiếp tục, không thể ngồi đó để mà khóc thương mãi. Nhờ khéo tay và có khiếu thẫm mỹ cao, anh học nghề điêu khắc trên những khúc cây, những tấm ván gỗ, sau đó anh nhận hàng về nhà làm, bàn tay ba ngón của anh không làm giảm đi những nét tinh tường của tranh gỗ hay những khúc cây. Anh say mê thổi hồn và sức sống vào những tác phẫm của mình, có một điều là những đôi mắt trên tranh hay những bức tượng gỗ lúc nào cũng mang một vẻ buồn mênh mang sâu lắng, còn nét mặt thì luôn trầm tư, khắc khoải.

Nhờ công việc khắc tranh và đục tượng gỗ, nên anh dần quên đi nỗi đau không được ôm cây đàn để gảy lên những khúc nhạc lòng, cũng với công việc này mà anh kiếm được khá nhiều tiền, rôi cơ duyên đến với mẹ và anh, hai mẹ con anh đã mua được căn nhà với giá vừa phải, tuy không ở gần thành phố, nhưng cũng không hẳn là vùng ngoại ô, có được một căn nhà như thế này; đối với mẹ con anh thì không còn gì sánh bằng. Gần hai tuần sơn phết sửa sang căn nhà cũ để nó trở nên vừa xinh xắn đẹp đẽ, vừa mới mẻ khang trang, tất cả đều do công lao của hai mẹ con, nhất là của Huy, vì anh vốn là một người có đầu óc nghệ sĩ, đồng thời với khiếu thẩm mỹ tinh tế, anh đã biến căn nhà tầm thường xấu xí thành một căn nhà mới và đẹp như ý, anh trang trí trong nhà bằng những bức tranh và tượng gỗ do chính tay anh tạc thành, cây đàn guitar anh treo trên vách. ở một nơi mà anh cho là đẹp nhất của phòng khách, nhìn chung thì thật là hài hòa, nhìn riêng thì nó thật có hồn, khoàng đất trống ở sau nhà; Huy dự định dựng mái che để làm nơi đục tượng và khắc tranh gỗ.

Vì quá bận rộn trong việc tu sửa căn nhà của mình nên anh không để ý gì đến những ngôi nhà ở chung quanh, nói đúng hơn là anh không để ý đến hàng xóm láng giềng của mình, dù bên cạnh nhà anh là một ngôi nhà lầu hai tầng nằm giữa một khu đất khá rộng, trồng nhiều cây cảnh. Suốt ngày mãi mê với công việc, đêm về mệt nhoài nên anh lăn đùng ra ngủ, anh không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài việc làm đẹp căn nhà của hai mẹ con anh.

Đêm nay có trăng, trăng mười hai nên còn hơi méo. Huy thả lỏng tâm hồn mình theo gió theo trăng, anh ước gì bàn tay mình còn đủ năm ngón, anh sẽ cùng với cây đàn guitar hòa vào nhau bằng những âm thanh, những nốt nhạc, anh và tiếng đàn sẽ bay bổng lên cao... lên cao... Nhưng... thật ngạc nhiên chưa kìa? lạ lùng chưa kìa? khi có tiếng đàn piano từ đâu đây vẵng lại, không xa mà cũng không gần, tiếng đàn nhẹ nhàng, trong sáng, khoan thai, chắc chắn đây là tiếng đàn của một người con gái. Huy ra sân nhìn quanh, rồi anh đi dọc theo lối nhỏ của hông nhà mình, và anh thấy ở bên ngôi nhà lầu, từ ánh đèn trong phòng ở tầng trên, bên cửa sổ là một cô gái đang ngồi trước cây đàn piano, đôi bàn tay của cô gái mềm mại nhẹ nhàng lã lướt trên những phím ngà, mái tóc dài buông xõa ngang vai, thật tiếc là Huy chỉ nhìn được một bên mặt của cô gái; nhưng anh cũng thấy được nét thanh tú từ cái lổ mủi dọc dừa và dáng người mảnh mai của cô.

Huy đứng đó, anh ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ phòng cô khá lâu, vì bản nhạc cô gái đàn khá dài, có nhiều tiếng muỗi bay vo ve trên đầu anh, những con muổi còn cắn vào tay, vào mặt anh nhưng Huy không dám đập, sợ rằng bên kia cửa sổ cô gái nghe và biết có người đang nhìn lén mình thì cô sẽ ngưng đàn. Tiếng đàn vẫn nhảy nhót tung tăng, nó hồn nhiên xoáy vào tâm hồn anh làm cho anh xao xuyến ngẩn ngơ, tự nhiên Huy đưa bàn tay thiếu ngón của mình lên ngắm nghía, rồi anh thở dài một tiếng nghe buồn đến nảo nề.

Suốt đêm Huy trằn trọc không sao ngủ được, anh lăn qua trở lại trên giường rỗi thở dài liên miên. Đêm dài lắm mộng, Huy ngồi dậy ra ngoài phòng khách châm điếu thuốc, anh rít một hơi dài rồi nhã ra từng vòng khói tròn. Hút thuốc cũng không làm cho tâm hồn anh được quân bình, Huy lấy cây đàn treo trên tường xuống, anh muốn nắn nót từng phím, gảy từng dây để nói lên tiếng lòng của mình, nhưng bàn tay thiếu ngón của anh nó nhìn anh bất lực, Huy gục đầu xuống cây đàn, bàn tay phải của anh khảy trên sáu sợi dây tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp không giống bất cứ thứ âm thanh nào. Phải chi bàn tay anh đủ ngón, biết đâu mai kia mốt nọ anh và cô gái bên khung cửa sổ sẽ cùng nhau hòa tấu một bản tình ca, một người ngồi trước cây đàn piano, còn một người ôm đàn giutar, cả hai tiếng đàn sẽ hòa quyện với nhau, tan vào nhau... đâu phải cứ là đàn violon thì mới hòa hợp được với đàn piano kia chứ. Mẹ anh nhìn thấy hết những ưu tư buồn rầu của con trai, bà hiều hết nhưng không biết phải làm gì, nói gì để an ủi và làm vơi bớt nỗi dằn vặt trong anh.

Huy bắt đầu để ý nhiều đến ngôi nhà bên cạnh, đáng tiếc là ban ngày anh chỉ được nghe tiếng đàn vào buổi sáng, nhưng không được nhìn thấy cô gái vì cửa sổ buông màng, còn buổi chiếu thì im vắng, không hiểu lý do gì mà buổi chiều cô gái không chịu đàn nhỉ? Nhưng buồi tối thì khác, khi đèn bên trong phòng của cô gái bật lên, qua khung cửa sổ; mắt của Huy được nhìn thấy cô gái ngồi đàn, còn tai của anh được nghe tiếng đàn của cô. Bây giờ mỗi buổi tối khi bên kia tiếng đàn piano trổi lên cùng với ánh đèn màu hồng dịu nhẹ chiếu ra ngoài cửa sồ, thì bên này Huy đem ghế ra kê sát hiên nhà, anh ngồi trong bóng tối để nhìn lên khung cửa sổ nhà bên kia, tâm tư tình cảm của anh bị cuốn hút bởi vẻ mếm mại dịu dàng của cô gái, cùng với tiếng đàn piano thánh thót ở bên tai.

Không thể không làm quen với cô ấy, nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện làm quen anh lại ngần ngại khi nhìn vào bàn tay thiếu ngón của mình. Bản thân anh cùng với căn nhà nhỏ, tuy xinh đẹp nhưng khiêm tốn, thì làm sao anh có thể xứng đáng với người con gái giàu sang nhà bên kia chứ? Nhưng... ước muốn của anh ngày càng lớn, nó thôi thúc anh, nó làm anh ăn không ngon ngủ không yên, cuối cùng thì anh đánh liều.

Anh đón đường chị hai là người giúp việc trong ngôi nhà bên cạnh, anh làm quen:

- Chị à... em tên Huy, là người hàng xóm của chị.

Chị hai coi bộ cũng vui tính:

- À... tui biết cậu rồi, ngày nào tui mà không thấy má cậu với cậu, tui cũng muốn qua chơi làm quen với má cậu nhưng còn ngại... có hàng xóm thì vui quá chừng luôn.

- Chị nè; nếu chị không từ chối, em xin được mời chị vô quán uống cà phê hay nước ngọt nha chị.

Chị hai không ngại ngùng gì khi nhận lời mời:

- Ừa, tui cũng đang khát nước quá trời.

Ly cam vắt đưa ra là chị hai uống một hơi hết sạch, sau đó chị cầm bình trà chế vô ly, cầm muỗng quậy quậy rồi hỏi Huy:

- Tui cũng biết lý do cậu mời tui uống nước, muốn biết về cô chủ của tui chứ gì?

Huy không dấu ý muốn của mình, anh nói:

- Dạ, em thắc mắc là tại sao không thấy cô ấy đi ra ngoài? tại sao cổ không đàn vào buổi chiều mà chỉ đàn vào buổi sáng và buổi tối? và...

Chị hai cười cười, nói đùa như chọc quê chàng trai:

- Tên cổ là gì phải không? chà; uống có một ly nước cam thôi mà phải trả lời nhiều quá. Nhưng thôi, tui thấy cậu cũng hiền lành, đẹp trai nên trả lời cậu đây: Cô tên là Tóc Tiên, mười chín tuổi, buổi sáng có thầy tới dạy đàn, buổi chiều có thầy thuốc tới châm cứu...

Huy trố mắt ngạc nhiên:

- Cô ấy bị bịnh gì mà phải châm cứu?

- Thì cổ bị liệt một chân, còn một chân thì yếu xìu. Cổ ngồi trên xe lăn không hà, tội nghiệp lắm cậu ơi! Tối nào cổ cũng ngồi đàn. Cậu có nghe cô đàn chớ gì? hay không?

Huy gật đầu:

- Hay lắm chị à... Chị có thể cho em biết số điện thoại của cô ấy không chị?

Chị hai cười, nụ cười có vè "mánh mung" khi trả lời Huy:

- Thôi để hôm nào đã, bi chừ tui còn phải đi chợ.

- Vậy ngày mai cũng cở giờ này, ở quán này em mời nước chị uống; nghen chị.

Chị hai đứng lên gật đầu rồi đi nhanh về phía chợ.

Khung cửa sổ sáng đèn, Huy chờ đợi tiếng đàn cất lên, hôm nay anh mua một cái ghế đá về kê bên hông nhà, ngồi ở chỗ này thật dễ dàng và tiện lợi để anh nhìn lên cửa sổ phòng Tóc Tiên, ánh đèn trong phòng của cô không sáng trắng như đèn néon, mà nó có một màu hồng nhẹ rất dịu dàng dễ thương. Tóc Tiên đến bên cây đàn, nghiêng nghiêng dáng người, hai bàn tay mười ngón đưa lên hàng phím và rồi tiếng đàn piano ngân lên, thánh thót vui tươi. Huy giật mình khi cô gái quay đầu nhìn ra phía cửa sổ, cô đẹp quá đi thôi. Hình như cô hơi cúi xuống nhìn anh thì phải? Chắc chắn đêm nay Huy sẽ không ngủ được, chắc chắn đêm nay Huy sẽ mơ tưởng chuyện mình cùng với cô ấy hòa tấu những bản tình ca, và chắc chắn từ nay trái tim anh không ngủ yên. anh bâng khuâng xao xuyến quá.

Chị hai dõng dạt kêu:

- Làm cho tui một ly cà phê sữa đá đặc biệt. Còn cậu Huy uống gì?

Huy cười nhẹ:

- Một ly cà phê đá, một gói thuốc lá con mèo.

Chị hai liếng thoắng:

- Hôm qua tui kể chuyện cho cô chủ tui nghe rồi, cô Tóc Tiên la tui sao nhiều chuyện, bị vì cô không thích ai biết là cô bị tật nguyền phải ngồi xe lăn, cậu không biết đó chớ; cổ khóc hoài, cũng may mà cô đàn dương cầm hay, với lại cổ mê đàn dương cầm lắm nên cũng nguôi ngoai.

Huy đưa bàn tay thiếu ngón ra cho chị hai coi, anh kể:

- Em cũng bị mất hai ngón tay nè chị, ngày trước em đàn guitar hay lắm, em cũng rất mê đàn, nhưng từ ngày bị tai nạn mất mấy ngón tay, em không đàn được nữa nên buồn lắm... chị cho em số điện thoại của Tóc Tiên được không chị?

- Trời ơi!, cũng phải từ từ chớ, làm sao mà gấp được, tui còn phải hỏi ý cổ nữa chớ cậu. Thôi thì để ngày mai vậy, cũng ở quán nước này nghen.

Thêm một lần uống ly cam tươi, lại thêm một lần uống cà phê sữa đá, chị hai mới cho anh số điện thoại của Tóc Tiên. Mẹ anh từng ngày thấy sự thay đổi nơi con trai mình, bà mừng ví trông anh có vẻ tươi vui hơn trước, bà cũng có phần ngạc nhiên khi thấy anh chuyển tay ôm cây đàn guitar. Trước kia khi chưa bị mất hai ngón tay, anh cầm cần phím phía bên này, bây giờ anh chuyển qua phía bên bàn tay phải, nó còn đủ năm ngón để bấm những note nhạc. Anh miệt mài say mê tập luyện mỗi khi không cầm búa, cầm đục để khắc tranh, tạc tượng. Khoảng trống phía sau nhà anh mua tole, cây để dựng lên một "xưỡng" làm việc. Bà không biết rằng chính nhờ những lời khuyến khích nhắn gởi qua điện thoại của cô láng giềng Tóc Tiên mà con trai bà chí thú tập luyện, mặc dù không dễ dàng gì, nó cũng khó khăn như lúc khởi đầu. Nhưng anh đã thành công.

Những tin nhắn, những lời hẹn hò không giống như bao nhiêu người yêu nhau hò hẹn, vì họ chỉ gặp nhau, nhìn thấy nhau qua khung cửa sổ khi ánh đèn trong phòng Tóc Tiên được bật sáng. Với hai người thì những tin nhắn qua điện thoại là niềm vui, là hạnh phúc. Sáng nay Huy nhờ chị hai đưa tặng cho Tóc Tiên một bức tranh gỗ do anh khắc, bức tranh rất đẹp, loại gỗ cũng rất đẹp, đó là tất cả tâm huyết và tình cảm cùa anh. Tối nay anh thấy Tóc Tiên đến sát bên cửa sổ, tất cả đèn trong phòng được bật sáng, bên hông nhà của anh, Huy cũng bật đèn, anh ngồi trên ghế đá nhìn lên cửa sổ phòng cô, hai người thấy nhau qua ánh đèn, hai trái tim rung động hòa chung một nhịp. Huy đưa cây đàn guitar lên cho Tóc Tiên thấy, cô gật đầu quay trở lại ngồi vào trước cây đàn piano, dạo lên một khúc nhạc khởi đầu. Huy ngạc nhiên sung sường vì đây là bản nhạc mà anh rất thích và thường xuyên đàn mỗi khi có tâm trạng vui buồn. Anh đã luyện tập thành thục bàn tay mình khi chuyển cần bấm phím. Hai người đang hòa tấu bản Ballade pour Adeline. Khi vừa hết bản nhạc thì Tóc Tiên chuyển ngay qua bài Turkish Rondo, đây cũng là bản nhạc anh thích, nhưng Huy hơi luống cuống vì bản nhạc này có tiết tấu khá nhanh, anh hết sức cố gắng để tiếng đàn guitar của anh bắt kịp được tiếng đàn piano của cô. Và cả hai tiếng đàn đã hòa cùng một giai điệu.

Bên kia, ở trên tầng lầu cao là tiếng đàn piano thánh thót, bên dưới này là tiếng đàn guitar trầm lắng, tiếng đàn của anh nương theo tiếng đàn của Tóc Tiên để cả hai cùng hòa chung với nhau nên một.

Bây giờ thì nỗi mong chờ của Huy là: mỗi buổi tối khi ánh đèn bên trong phòng Tóc Tiên chiếu ra cửa sổ, tiếng đàn piano thánh thót vang lên, cũng là lúc mà niềm vui và hạnh phúc cùng ập vào tâm hồn Huy, nó cuốn phăng mọi ưu phiền mệt nhọc trong lòng anh, rồi khi anh ôm cây đàn guitar ra ngồi trên ghế đá bên hông nhà mình, nhìn lên cửa sổ phòng Tóc Tiên... ấy là lúc con tim anh ngất ngây... ngất ngây...

Huy trồng cây hoa Tóc Tiên dọc theo hàng rào, nó mọc rất nhanh, khi mùa mưa đến thì Tóc Tiên đã phủ xanh hàng rào nhà anh, lá tóc tiên thanh mảnh, hoa Tóc Tiên màu đỏ bé xíu, momg manh nở đầy trên cây làm đẹp thêm bờ rào.

Chuông điện thoại của Huy reo khúc nhạc báo hiệu, anh mở máy, sung sướng khi thấy số điện thoại của Tóc Tiên, anh áp máy vào tai, nghe giọng nói của cô mà như uống giòng nước suối mát ngọt:

- Alô... Anh Huy ơi! là Tóc Tiên...

- Anh nghe đây.

Hình như Tóc Tiên vừa khóc xong vì giọng nói của cô buồn và trầm lắm:

- Xa em... anh có nhớ có buồn không?

Huy nhảy nhỗm:

- Sao? cái gì? em nói...

- Sáng nay một ông bạn của ba mẹ em ở bên Nhật qua Việt Nam, đến thăm ba mẹ rồi nói là cái chân của em nều đưa qua Nhật thì hy vọng được chữa lành. Ba mẹ quyết định cho em qua Nhật chữa bịnh. Em phải đi thôi...

Huy im lặng, anh không thể nói được gì vì cái tin này, Có tiếng Tóc Tiên bên kia đầu dây:

- Alô... anh ơi!... sao anh làm thinh vậy?

- Bất ngờ quá làm anh... không nghĩ gì được nên không biết nói gì.

- Em buồn lắm khi phải đi xa, nhất là không được cùng anh hòa tấu những bản nhạc mà anh và em cùng yêu thích. Nhưng cái chân bị liệt của em... em vẫn luôn ao ước nó trở lại bình thường như xưa, suốt ngày ngồi trên xe lăn khổ lắm anh à.

- Anh biết chứ, xa em anh cũng đau khổ vì buồn nhớ, nhưng đành chịu vây. Em đi chừng bao lâu?

- Cũng không biết... nhưng... anh hứa là sẽ chờ đợi em?

- Anh hứa.

- Vậy thì nhất định em sẽ về.

Tóc Tiên đi được bao nhiêu lâu rồi nhỉ? lúc đâu anh còn đếm từng ngày, sau đó nhìn lên lịch anh đếm từng tháng, Nhưng bây giờ thì anh đếm từng năm. Anh không sao liên lạc được với Tóc Tiên, anh cũng không gặp được chị hai để có thể biết chút ít tin tức của Tóc Tiên, vì bên nhà cô lúc nào cũng cửa đóng then gài. Một sáng thức dậy Huy thấy có nhiều người lạ dọn đồ đạt vào nhà của Tóc Tiên. Họ là chủ mới!

Cửa sổ phòng của Tóc Tiên ngày đó, nay không còn ánh đèn màu hồng nhạt mỗi đêm, mà là ánh đèn neon sáng trắng. Không còn âm thanh của tiếng đàn piano nhe nhàng thánh thót, mà thay vào đó là tiếng nhạc ồn ào chát chúa...

Huy biết sẽ không bao giờ anh còn được nhìn thấy ánh đèn màu hồng nhạt dịu nhẹ bên cửa sổ phòng của Tóc Tiên, không bao giờ được thấy dáng người mảnh mai, nét mặt thanh tú của cô, nhưng điều làm cho tâm hồn anh đau đớn nhất; ấy là anh không bao giờ còn được nghe tiếng đàn piano của cô, và cây đàn guitar cùa anh sẽ mất đi phân nữa tiếng tơ lòng.

Tâm hồn anh đang chết từng ngày... từng ngay... cho đến bao giờ?

Tóc Tiên ơi!...