Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








SAO KHÔNG NÓI MỘT LỜI





G ần mười năm anh mới trở lại chốn này, mười năm trong đời của một con người đâu phải là cái khoảng thời gian ngắn ngủi, thế mà, mười năm đời anh đã lãng phí ở một nơi xa lạ, chôn vùi tuổi thanh xuân của mình một cách oan uổng và đau thương. Mười năm nát bầm da thịt giữa núi rừng. Đói khát. Lạnh giá. Bệnh tật. Nhục nhã. Cô độc. Thương tiếc. Khổ đau. Một đời người nào có nhiều nhặn gì. Anh đã mất đi mười năm như thế.

Cõi trăm năm ! Làm gì có cái cõi trăm năm. Nhiều lắm là năm bảy chục năm. Cụ Nguyễn Du đã nói đến :” Trăm năm trong cõi người ta”, ấy là cụ chỉ nói thế, chính cụ cũng chưa đi hết được cái cõi trăm năm. Thế mà nàng Kiều của cụ đã chịu bao nhiêu tủi nhục ròng rã mười lăm naăm. Và anh, đã mất tiêu đi mười năm. Mười năm đúng vào cái độ sung mãn nhất của đời người, vào cái độ bừng nở nhất của tinh hoa.

Rồi, sau mười năm dó, anh trở về như con thú già nua, thương tật cả xác và hồn, xa lạ lạc loài như chưa từng sống, chưa từng có mặt. May mà, trong tận cùng ký ức xa xôi, anh vẫn không quên, dù nỗi nhớ rất nhạt nhoà, dầu nỗi nhớ rất mong manh, những con đường xưa cũ, những bóng dáng dĩ vãng, những âm thanh của giọt mưa chiều mùa đông vọng từ bến sông Hoài, tiếng bước chân nhẹ như chiêm bao trên sàn gỗ Lai Viễn Kiều.

Anh phải trở về chốn này, dù chỉ thấy bằng hoài niệm, dù chỉ nghe bằng hồi ức, dù tất cả không còn, dù tất cả tàn phai, dù đã đổi thay, dù đã xa xôi. Và anh đã về. Những bước chân mệt mỏi nhưng lòng anh nao nao. Anh đi xiêu vẹo trong cái gió se lạnh của mùa đông, qua những con đường vắng vẻ và nhỏ hẹp của cái thành phố cổ kính như cổ tích. Những con đường một thời thơ dại đẹp như truyện thần thoại anh đã cùng nàng đi trong hàng trăm chiều mùa đông, hàng trăm chiều mùa thu, hàng trăm chiều mùa xuân, mà lần nào con đường cũng đẹp, trời chiều nào cũng đẹp, và hương ngọc lan mùa nào cũng ngây ngất.

Và bây giờ thì anh đã về rồi, sau gần mười năm vinh nhục ê chề.

***

Anh vào một quán ven đường. Quán trống trơn, lạnh ngắt. Bàn ghế bất động không người. Cô chủ quán lạnh lùng cam chịu co người lại sau quầy như không nhìn thấy anh, như chẵng nhìn thấy ai. Đôi mắt cô nhìn vào cái khoảng kgông trước mặt nhưng anh mơ hồ như cái nhìn đó đang dõi về một quảng đời niên thiếu, của anh,đã qua.

Anh cũng chỉ muốn ngồi nhìn, đường phố vắng hoe, bầu trời xám xịt lạnh lẻo, và nhìn cô sầu não như bức tranh thiếu phụ cô đơn.

Dễ chừng cũng năm phút trôi qua, cô mới uể oải đứng lên đi khuất đằng sau quầy rồi đem ra cho anh bình trà và tách café pha sẵn, chẵng cần biết anh có uống café không, rồi cô cũng lặng lẽ quay vào, ngồi lại sau quầy, bất động, lặng yên, mắt đắm nhìn vào khoảng trời mưa bụi.

***

Anh lấy một điếu thuốc , gắn lên môi và châm lửa. Từng vòng khói tan nặng nề vướng vào mắt cay cay chảy nước mắt. Anh không còn khóc được. Mười năm tủi nhục ê chề nước mắt đã chảy xuống rát buốt những vết thương, nước mắt đã chảy xuống trên hai bàn tay chai sạn cố bịt miệng để khỏi bật ra tức tưởi, nước mắt đã nặng nề ứa ra quặn đau, cam đành. Anh đang ngồi đây. Khói thuốc làm cay cay chảy nước mắt. Nhưng anh không còn khóc được. Anh không khóc được nhưng hình như anh vẫn thấy con đường quạnh hiu này nhạt nhoà nước mắt, hình như anh thấy bầu trời xám xịt này đang nặng nề nước mắt. Và anh nhìn cô gái ngồi sau quầy cơ hồ cũng đang khóc dầu đôi mắt u buồn của nàng ráo hoảnh.

Chưa uống hết tách café, nhưng anh muốn đứng lên đi ra ngoài trời, muốn đi dưới cái laạnh se sắt và mưa bay, muốn lang thang qua hết những con đường nhỏ hẹp và vắng hoe. Anh tiến về phía quầy. Cô chủ quán hình như cũng chẵng biểu lộ một cử chỉ nào để đón anh . Anh đến bên quầy, nhìn cánh tay trần của nàng trắng như sữa và gợn những sợi lông tơ đặt yên lặng trên mặt quầy, một ít tóc của nàng rũ hai bên vai nhẹ như một giải lụa. Nàng yên lặng và thờ ơ, như chẵng cần biết có một người đang đứng trước nàng, nhìn đôi cánh tay nàng lạnh lẽo tội nghiệp đặt trên mặt quầy bằng gỗ. Anh cũng không dám phá tan sự yên lặng này. Đành trở lại chỗ cũ, ngồi xuống rất nhẹ, uống một ngụm café lạnh ngắt, châm một điếu thuốc, nhín ra đương không một bóng người.

Có lẽ cô gái chợt thấy mình lơ đng4 quá, lạnh lung quá, và có phần thất lễ với người khách xa lạ và duy nhất này, nàng nhẹ nhàng rời quầy tiến đến sau anh. Dầu cô đang bước đi rất nhẹ nhàng, nhưng anh vẫn cảm thấy cái hơi ấm từ nàng toả ra và một mùi hương rất thoảng len vào hơi thở anh. Anh quay lại ngước nhìn nàng.

_ Chào anh, em xin lỗi…

Giọng nàng nhỏ, trầm lắng và xa xôi.

_ Xin lỗi, em vô tình quá. Anh có phải là…Hình như…

_ Vâng, thưa cô, tôi là người từ xa, trở về, từ rất xa.

_ Không, em thấy anh hơi quen, mà xin lỗi, em không nhớ.

Anh kéo chiếc ghế đối diện.

_ Cô ngồi đi.

Nàng ngoan ngoãn ngồi xuống, ngước đôi mắt buồn nhìn anh, rồi nhìn vào làn khói thuốc là là mặt bàn, tan nhè nhẹ.

_ Anh từ xa về đây? Nhưng từ đâu vậy?

_ Từ địa ngục.

Nàng cười buồn.

_ Em hỏi thật đấy.

_ Tôi cũng không đùa đâu, thưa cô. Từ địa ngục đấy.

Rồi không nhìn nàng, anh nhìn đôi tay chai sạn và đấy vết sẹo của mình:

_ Tôi không đùa đâu. Hãy nhìn tôi đi. Cô thử nhìn tôi có còn giống hình hài của một con người không ? Cái hình hài mà Thượng Đế đã tạo ra, tôi có còn nguyên vẹn caí hình hàidó không?

Cô gái nhìn anh, ái ngại, dò xét, lòng nàng thấy xót xa.. Người khách lạ, kỳ lạ này, lần đầu tiên đến đây, lần đầu tiên nàng gặp, lần đầu tiên nghe anh nói. Chưa có ai nói chuyện với nàng thế này. Nàng đã ão não sầu héo thế mà nhìn anh, nàng thấy anh còn tội nghiệp hơn.

Anh ở nơi nào tới? Từ cái địa ngục nào tới? Và nơi đây, nơi cái thành phố cổ buồn hiu này, phải chăng còn có cái gì đó tốt hơn cái địa ngục của anh? Phải còn có cái gì đó để anh trở về.

Anh đã trả lời câu hỏi của nàng như thế nên nàng chẵng dám hỏi gì hơn. Nhưng nàng không muốn rời đi. Nàng ngồi im lặng ngìn anh hút thuốc và nhìn màn mưa bụi ngoài trời. Nàng nghe tiếng anh, tiếng nói như vọng về từ một nơi xa khuất:

_ Đêm nay Chúa ra đời, cô biết không? Đêm nay Chúa ra đời.

Ừ nhỉ, nàng nghĩ, đêm nay Giáng Sinh rồi. Ôi Chúa ở nơi cao xa kia, bao giờ thì trần gian bình yên đây! Nàng nhìn người khách lạ ngồi trước mặt mình, nét khắc khổ trên gương mặt anh, những đường nét gãy cạnh, sắc, cứng, chịu đựng, như một bức tượng Chúa trong ngày khổ nạn. Gương mặt này hình như cũng không phải xa lạ lắm đối với nàng. Nàng lục tìm trong ký ức mòn mỏi của mình để cố nhớ ra anh là ai, nhưng đành chịu. Hình ảnh anh hơn mười mấy năm về trước, lúc nàng còn rất trẻ, thoáng hiện ra rồi vụt tắt, nhạt nhoà như màn mưa bụi ngoài kia.

Anh nhìn đôi tay của nàng buông thỏng trên đùi, trắng như sữa, lơ thơ những sợi lông tơ, chợt anh muốn hôn vào đôi cánh tay nàng, và một nỗi quạnh hiu chạy luồng trong anh, chảy ra tận đôi môi khô của anh như một tiếng thở dài.

Anh trả tiền ly café, đứng lên, bước ra cửa, quay lại nhìn người phụ nữ như chào từ biệt và bước đi, anh nghe sau mình tiếng cô:

_ Anh chưa nói cho em biết anh là ai, anh tên gì.

Anh dừng lại, ngập ngừng, không quay lui:

_ Triều, Thuỷ Triều.

Cô gái hình như kêu lên:” Phải rồi. Đúng là anh ấy. Thuỷ Triều.” nhưng anh đã khuất nơi ngã tư, lặng lẽ như chẵng hề, trước đó, có anh

***

Anh ngồi chờ nàng nơi phòng khách cạnh văn phòng ban giám hiệu. Một cô gái, có lẽ là nhân viên văn phòng, cũng có thể là một cô giáo, rất trẻ, ăn mặc xuề xoà, đơn giản, đem đến cho anh một tách nước , đã nguội.

_ Mời anh dung nước.

Một giọng Bắc rất Hà Nội, ngọt và dịu và ân cần. Anh ngước nhìn cô và nói “cám ơn” . Cô gái quay đi, còn vướng lại trong phòng mùi hương bồ kết. Bất giác anh nhớ đến những ngọn đồi thấp thấp vùng quê ngoại mùa này bông mua nở tím, màu tím buồn và đẹp vô cùng. Nơi đây , chốn an nghỉ ngàn đời của mẹ anh, người yêu quí nhất đời anh, mà anh chỉ được cạnh người có sáu năm kể từ khi anh cất tiếng khóc chào đời, người vĩnh biệt trần gian, bỏ lại những người thân yêu, ra đi vĩnh viễn khi người chỉ mới ngoài ba mươi tuổi. Ký ức về người, trong anh, rất mơ hồ. Nếu không có cái di ảnh của người, chắc anh rất khó hình dung ra người. Quê ngoaaị là bầu trời thơ ấu của anh, một thằng bé mồ côi mẹ. Chị em anh sống nương tựa vào mấy dì, mấy cậu nơi một làng quê nhỏ. Cái làng quê rất bình yên và đẹp như một bức tranh lụa. Cái làng quê mà, sau này lớn lên, anh bắt gạăp nó trong tác phẩm nào đó của một nhà văn ở nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tác giả tả làng Từ Lâm. Anh không rõ lang Từ Lâm đó ở đâu, nhưng quê ngoại anh đây, làng Tuý Loan cũng đẹp chẵng khác nào làng Từ Lâm kia. Ở đây cũng có núi đồi “ngọn nọ ngọn kia không dứt”, nơi mà chiều chiều anh và bọn trẻ trong làng chạy nhảy nô đùa bên cạnh những con bò đang bình an gặm cỏ, trong cái hương chiều ngạt ngào hoa giủ dẻ. Nơi mà, anh và các bạn nhỏ, những buổi trưa trời trong như lọc, nằm lăn trên bãi cát trắng mịn nghe tiếng chim sơn ca cao vút trên không. Dòng sông nhỏ, mặt nước như gương, thấy rõ những con cá cấn cá mại lượn lờ, thấy rõ những viên sỏi nhiều màu sắc nằm lẫn trong cát màu vàng nhẹ.. Anh ngồi chờ mấy dì, bên bờ sông, buổi chiều, các dì đi về từ Tùng Sơn, An Ngaãi, sau những chuyến đi, về, muambán gian nan vất vã. Anh và mấy đứa em chờ dì về để được cái kẹo cái bánh, để tuổi thơ của anh chị em anh được an ủi vỗ về.

Không hiểu vì sao, nhìn cô giáo trẻ Bắc Kỳ có giọng nói rất Hà Nội ngọt ngào này anh lại lang mang nhớ về tuổi thơ mình nơi vùng trời quê ngoại. Và cái thiên đương tuổi thơ đó bây giờ ra sao, lần lược các dì, các cậu cũng theo má anh mà rđi. Còn anh, trôi nổi khắp bốn phương trời để rồi chợt một ngày rơi vào cái địa ngục, và mười năm trong chốn địa ngục đó, anh đã nghe, đã thấy, đã nếm trải bao điều, để bây giờ đây, khi đã, may mắn hơn một số người khác, anh bước ra khỏi cái địa ngục đó, trở về. Trở về với những di chứng không bao giờ chữa trị được. Không thể nào chữa trị được.

***

Ngân xuất hiện rất nhẹ ở cửa. Nàng ngập ngừng giây lát, bối rối, ngạc nhiên nhìn anh. Nàng đứng lặng yên ở cửa, hai tay ôm cặp, bàn tay gầy guộc còn bám bụi phấn trắng. Anh cũng nhìn nàng lặng lẽ. Một cơn nhói ở ngực bên trái, cơn đau buốt xoáy như một mũi dao, một luồng khí lạnh chạy nghèn nghẹn nơi sống lưng rồi đọng lại ở não. Anh không đứng dậy được. Ngồi bất đông nhìn Ngân.

Ngân bước đến trước anh, hai tay buông thỏng, chiêca cặp rơi trên sàn. Nàng cúi xuống để hai giọt nước mắt loang trên nền xi măng lạnh:

_ Anh về khi nào?

Nàng cố gắng nén nỗi xúc động, hỏi anh.

_ Mười năm nay, em không biết anh sông chết phươnjg nào. Không biết ai để mà hỏi thăm

Nàng đưa bàn tay gầy guộc bám đầy bụi phấn sờ lên má anh.

_ Trời ơi, sao anh tàn tạ thế này! Mười năm nay anh ở những đâu ?

Hình như hơi ấm nơi bàn tay gầy guộc của nàng chuyền vao anh chút hơi của sự sống, anh dần dần thấy cơn đau buốt dịu đi, anh đưa tay nắm bàn tay nàng:

_ Tôi vừa mới về, mới vừa trở lại đây, trưa nay. Ngân có khoẻ không?

Anh không dám hỏi chuyện chồng con của nàng. Anh muốn giữ nguyên hình bóng của nàng, của một thời thanh xuân xa. . Muốn giữi nguyên trong lòng anh bóng dáng yêu kiều của nàng trên con đường chiều ven biển Qui Nhơn, những đêm hgai người ngồi lặng im nghe song vỗ rì rào và nhìn những ánh đèn của các thuyền câu chập chờn ngoài biển đêm.

Ngân, sau phút bồi hồi xúc động, nàng cúi xuống ôm cái cặp lên, không nhìn anh nữa, nàng mở chiêc cặp, rút ra một tờ báo cũ , đưa cho anh bằng đôi tay gầy guộc và run run vẫn chưa sạch hết bụi phấn. Anh cầm tờ báo cũ, từ tay nàng. Anh lướt nhanh, tờ báo khổ to, in trắng đen trên một loại giấy nhật báo bình thường: TUẦN BÁO KHỞI HÀNH. Cầm tờ báo cũ trong tay, một âm vang gì đó gỏ vaào tim anh xao xuyến.

_ Anh về răng không báo trước cho Ngân ? Anh ở đâu ? Anh có nhớ tờ báo ni không ?

Anh không trả lời nàng, cầm tờ báo cũ trong tay và cả một vùng trời hai mươi mấy năm về trước hiện ra trong anh. Những Trần Hoài Thư, những Phạam văn Nhàn, Phạm Cao Hoàng, những Uyên Hà, Phạam Ngọc Lư, Hạ Đình Thao…Những ngày khoát cái áo dù rằn ri có thêu chữ press trên túi áo, lang thang khắp vùng trời khói lửa miền Trung, những chiều dăm thằng tụ tập ở quán sách Văn Nghệ của Thông để đọc những bài thơ, những truyện ngắn của bạn bè, những đêm chong đèn ngồi viết, và những chuyến đi .Những thành phố đã sống, đã ngang qua. Nơi nào cũng đầy ắp kỹ niệm, nơi nào cũng thấp thoáng bóng hồng, nơi nào cũng có những cuộc tình đẹp như nụ hoa còn đọng sương. Và những con đường đầy mìn, đầy hố , đầy ụ, đầy những chướng ngại và hiểm nguy. Nơi nào cũng thế, đến vui dăm hôm, đi ngậm ngui dăm phút. Vẫy tay từ biệt và hẹn hò. Những câu hẹn hò trở lại, không bao giờ thực hiện nổi Chiến tranh càng khốc liệt, ngăn cách càng dài ra. Thỉnh thoảng nằm ở nơi này, nhận được tin thằng bạn ở nơi kia vừa tử thương. Những người con gái, một lần gặp gỡ, một lần rung động, chua nói lời yêu thương, rồi cũng xa lắc ngàn trùng.

Cũng như anh và Ngân. Gặp nhau, chưa một lần, chưa bao giờ thốt ra một câu yêu đương, chỉ lặng lẽ đi bên nhau, lặng lẽ nhìn trời, nhìn mưa và nhìn sâu vào lòng mình, để thấy mình không thể. Không thể. Tương lai mù như khói lửa chiến tranh..

Ngân vói tay lật trang báo mà nàng đã gấp sẵn, dấu gấp hình như cũng lâu lắm, anh thấy một bài thơ, bài thơ của anh đề tặng Ngân. Kể từ cái ngày có in trên trang bìa tờ báo, đến bây giờ, lúc anh đang ngồi trước Ngân, dễ chừng hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm Ngân cất giữ tờ báo, luôn để trong cặp, và có lẽ nàng cũng thường đem ra đọc, bài thơ anh tặng nàng.

Lòng anh ấm lại, và nỗi nặng trĩu trong lòng cũng vơi đi. Anh gấp tờ báo, đưa cho Ngân.

_ Cám ơn Ngân, cám ơn.

Nàng lặng lẽ cất tờ báo vào cặp.

_ Thời gian qua anh ở những đâu, anh vừa từ đâu đến đây ?

Anh nhìn nàng, cười buồn, nhớ đến cô chủ quán café gương mặt sầu não xa xôi.

_ Từ địa ngục. Tôi về từ địa ngục.

_ Anh ? !!!

Mãi đến lúc này nàng mới nhìn đôi tay anh, nhìn kỹ khuôn mặt anh, những vết sẹo ngang dọc, trơ xương. Nàng buột miệng.

_ Anh !

Và dđôi mắt Ngân long lanh nước mắt.

_ Sao đến nông nổi này anh ?

_ Đó là chiến tranh, Ngân ạ. Đó là sự thù hằn và cách trả thù man rợ. Và đó là con người. Ngân biết không, đó là con người, con người trong thời đại. Tôi hút thuốc được không ?

Anh vừa nói vừa móc gói thuốc ra.

_ Thôi, chúng ta ra phố thôi anh.

***

Anh đứng lên , theo Ngân, chào những người ngồi ở văn phòng, và không quên đảo mắt tìm cô gái người Bắc có giọng nói Hà Nội ngọt ngào, nhưng không thấy cô ấy đâu.

Anh bước ra đường, đi bên Ngân, hướng về bờ sông. Trời đã dứt mua nhưng âm u và nặng nề. Hai người đi bên nhau, yên lặng, như đã từng, không biết bao nhiêu buyôỉ chiều mùa đông, bao nhiêu buổi chiều mùa thu, bao nhiêu buổi chiều mùa xuân, bao nhiêu dđêm mưa phùn lất phất. Họ đi bên nhau, không nói một lời, nhung đẹp vô cùng, phải không Ngân. Bây giờ thì không phải ngày xưa rồi. Mỗi người một nỗi niềm riêng. Sẽ không bao giờ còn nhìn về một vì sao, không bao giờ cùng nhìn một khoảng trời đêm có ánh đèn thuyền câu bập bềnh ngoài khơi. Và hương ngọc lan ngày nào cũng đã tàn phai.

Bây giờ, anh trở về như con thú mang đầy thương tật, mòn mỏi , già nua, và để rồi cuối cùng không thể hiểu vì đâu. Vì đâu đã mất hết.

_ Anh biết không, nàng nắm lấy tay anh, gần hai mươi năm nay, em đã đọc bài thơ đó, những lúc buồn bã cô đơn, em đọc bài thơ, và lúc nào em cũng khóc, em không hiểu vì đâu, anh viết ra chi cái điềm báo đau buồn đó.

_ Tôi có muốn viết như thế đâu. Chỉ là dự cảm. Và thơ, thơ đôi khi có cái chức năng màu nhiệm của nó..

***

Ra đến bờ sông, nàng kéo anh vào một quán café, nhưng anh giữ tay nàng lại:

_ Chúng ta lên chỗ ngã tư Lê Lợi Phan Chu Trinh, ở đó có một quán café, trưa nay tôi đã ngồi ở đó trước khi đến tìm Ngân.

Nàng nhìn anh cười buồn:

_ Sao anh không nói với em một lời gì đi anh!

_ Ngân muốn tôi nói một lời gì?

Anh dừng lại, châm thuốc, khói thuốc lan trên mặt nhoè như màn sương.

_ Một lời gì! Chúng ta mất hết rồi Ngân biết không. Tất cả anh em chúng ta còn không ngồi cùng với nhau được, thì nói gì đây. Lòng hận thù vẫn chưa nguôi. Ngân nhìn đi.Nhìn tôi.Nhìn chồng của Ngân. Nhìn anh Hai của Ngân. Còn gì. Còn gì. Lòng thù hận chưa nguôi , thì sự trả thù còn mãi.

Ngân, hai con mắt đỏ hoe, rơm rớm:

_ Không, Ngân không muốn nghe, Ngân không muốn nghe những điều đó. Sao anh không nói một lời, một lời yêu em, anh, hả anh?

Vâng, phải rồi, ngày xưa, anh chưa nói một lời yêu Ngân, Biết làm sao! Cái chết đến bất cứ lúc nào. Chỉ một tiếng nổ khô khốc và lạnh lùng, ở bất cứ đâu, dưới hào sâu, trên ruộng cháy. Tam Quan. Bồng Sơn. Sa Huỳnh. Mộ Đức. Tiên Phước. Trà Mi…Đôi khi ngay trong lòng thành phố. Một trái lựu đạn, một trái mìn. Làm sao nói lời yêu em, làm sao gắn bó số phận của nàng vào anh. Thôi đành chẵng nói gì. Đừng ràng buộc vào nhau. Còn bây giờ, dẫu có thốt lên ngàn lần, thì phỏng ích gì, sẽ thay đổi được gì, mỗi người đã được định bởi cái mệnh của mình, phải không Ngân? Mỗi người đều đã có một lối ngoặc của mình, và cam đành đi trên cái lối ngoặc đó, có muốn xoay chiều đổi hướng cũng không kịp nữa rồi, chỉ còn một chút hi vọng hão huyền là ở một cõi khác, không phải cõi trăm năm của con người, cái cõi chỉ có trong mơ ước, để tự vổ về mình, tự an ủi mình, tự đánh lừa mình, để sống, sống vì những rang buộc, những hệ lụy mà kiếp người phải chịu.

***

Cô chủ quán vẫn ngồi lặng yên sau quầy, như thể cô chỉ là một bức tượng được người ta trưng bày ơ đấy để tưởng niệm một người, một ai đó đã không còn trên thế gian này.

Anh đưa Ngân đến chỗ mà trưa nay, trước khi tìm Ngân, anh đã ngồi, tách café nguội ngắt, cốc trà uống dở, vài mẫu tàn thuốc vẫn nằm nguyên ở đó, như chính anh chưa hề rời quán bao giờ.

Cuối cùng cái bức tượng đó cũng đứng lên, uể oải, lạnh băng, tiến về chỗ anh và Ngân đang ngồi, chẵng tỏ một nét chào hỏi nào, nàng đặt một tay lên vai Ngân.

_ Chị Ngân, hai người là bạn nhau à ?

Ngân kéo nàng ngồi xuống ghế bên cạnh:

_ À, đây là anh Triều, gần mười năm rồi mình mới gặp lại.

Nàng nhìn con người “về từ địa ngục” tyrưa nay đã ngồi đây, khắc khổ và cay đắng.

_ Còn đây là Hương, bạn em, chồng chị ấy không còn, anh ấy mất đúng vào cái giờ khắc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Anh nghiêng người trước người goá phụ, không nói gì.Bên ngoài trời lại bắt đaầu rắc mưa bay bay và bóng tối nhờ nhờ dưới những ngọn đèn vàng khè bệnh hoạn.

_ Em nhớ có biết anh, nhưng không quen. Trưa nay em còn ngờ ngợ, cố lục tìm trí nhớ, vẫn không biết đã gặp anh ở đâu, cái tên thì nghe quen, vì em có đọc mấy tạp chí.

_ Cám ơn Hương.Anh nói rất nhỏ và nhìn hai cánh tay trần trắng như sữa của nàng, lơ thơ những sợi lông măng, tự dưng anh muốn hôn vào hai bàn tay gầy guộc cũa Ngân vẫn còn bám màu trắng của phấn.

***

Anh đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác.

Hương đã về ngồi lại sau quaầy, yên lặng, bất dđộng, như một pho tượng.

Ngân lại lấy tờ báo cũ từ trong cặp ra.

_ Một lần, đứa con gái của em, tình cờ, thấy em đang đọc bài thơp, cháu mượn tờ báo, đọc một lát, rồi trả tờ báo lại cho em, quay mạăt đi, dấu hai con mắt rơm rớm.Cháu không nói gì, chỉ hỏi em:” Chú ấy bây giờ ở đâu? Mẹ?” Em ôm cháu vào lòng, nghe tiếng cháu nức nở nơi ngjực em. Em bảo cháu:”Mẹ không biết conà.Mười năm nay mẹ không có tin tức gì của chú ấy”. Và em phải nói, ít ra để cháu khỏi buồn:” Mẹ vẫn luôn kính trọng ba con và yêu thương các con, yêu vô bờ, con ạ. Đừng trách mẹ.

Anh nghe cay đắng trong lòng, và một nỗi xót xa khôn cùng, hơi lạnh ngoài trời tạt vào như một nhát kim loại làm nhói đau phần ngực trái của anh, anh rung mình thở hắt ra và vội nắm tay Ngân, anh nghe tiếng Ngân mơ hồ:

_ Sao anh không nói với em một lời gì đi anh ?

Bên ngoài , ánh đèn điện vàng khè, hiu hắt qua màn mưa bụi. Anh đưa mắt về phía quầy, cô chủ quán, Hương, đã không còn ở đó, để lại một khoảng trống lạnh lẻo.

Bức tượng.Làm sao thay một bức tượng khác, anh nghĩ trong lòng, ừ nhỉ, bao giờ thì thay một bức tượng khác, ở đấy, sau quầy.

(Mùa đông 1984)