Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






MÙA GIÁNG SINH




M ấy ngày này đi ra đường đã thấy khắp nơi là cây thông Nô ên với đèn, chuông, trái châu rực rỡ. Ở các siêu thị lớn, cây thông giáng sinh được chưng bày rất hoành tráng đẹp đẽ để mọi người đến chụp hình, đặc biệt là lứa tuổi teen và trẻ em. Dù bên lương hay bên giáo ai cũng muốn có những tấm hình đẹp, hot trong ngày lễ này. Một số cửa hàng lớn còn có ông già Nô Ên đứng làm cảnh trước cửa tươi cười, sẵn sàng chụp hình với các em nhỏ.

Và, bất chấp những cơn mưa bão đang cày nát miền Trung, thời tiết Nam Bộ lúc này như đang chiều người. Những cơn mưa dầm rả rich đã qua, đường xá khô ráo, nắng đã phủ vàng, óng mượt trên cành cây ngọn cỏ. Buổi sáng mở cửa bước ra đường trời se se lạnh, chỉ một chút thôi để lòng ta mát dịu, ngây ngây trong những làn gió xuân phây phẩy thổi về, vuốt ve mặt mũi như câu thơ tuyệt vời của Xuân Diệu:

Đã thấy xuân về với gió gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng…
(Xuân về)

Chưa hết, trên đường phố ta còn thấy những ông già Nô Ên áo quần đỏ rực, râu bạc phơ cùng chiếc mũ chóp quen thuộc trên đầu đang tất bật chạy khắp nơi trao quà. Thời đại công nghiệp rồi, ông già Nô Ên đâu còn chui ống lò sưởi xuống nữa. Vả lại, đám trẻ giờ cũng đâu có tin về sự có thật của ông Nô ên. Đó chỉ là nơi chúng gởi đi những ước mơ mà cha mẹ và người thân chúng bằng tình yêu thương sẽ có gắng đáp ứng đó thôi. Một người bạn tôi mới hôm rồi đã viết “Hóa ra con người tạo ra huyền thoại để làm dịu đi những cơn đau của con người và nuôi những ước mơ chân thành từ trái tim con người…” . Dù sao sự giả bộ tin về ông già Nô Ên ấy cũng là sự giả bộ đầy tràn tình yêu thương. Nó vẫn tạo ánh hào quang rực rỡ cho ngày lễ hội tưng bừng cuối năm này.

Sắp tới Nô Ên, tôi cũng phải lo quà cho mấy đứa cháu nhỏ dù mình chẳng đạo gì. Cả nhà hay nói đùa là “mình đạo dòng”, tức vòng vòng nhà thờ đêm lễ đó mà. Còn nhớ nhà tôi trước đây ngay đường Phan Đình Phùng, con đường xuống nhà thờ chánh tòa. Hằng năm, chỉ cần bắc ghế ngồi trước nhà nhìn thiên hạ lũ lượt đi qua đã thấy hết sự tưng bừng, náo nhiệt rồi. Chưa kể những người đi xem lễ còn trình diễn một màn thời trang đến sớm cho năm mới nữa. Thôi thì mốt miếc gì cũng lần lượt trẫy ngang qua, xem chóa mắt luôn. Nhà thờ làm lễ khuya, đúng giờ chúa sinh ra đời nên gần nửa đêm tôi mới xuống dưới xem lễ rồi về nhà cũng bắt chước réveillon như người bên đạo, kỉ niệm vui còn nhớ mãi đến giờ. Tiếc là mấy đứa cháu giờ không được xem rước lễ khuya nên chỉ xuống nhà thờ xem hang đá, máng cỏ, hình tượng chúa hài đồng rồi về. Dù sao vẫn được an ủi là tối về đi ngủ sớm, sáng mở mắt dậy đã có món quà của ông Nô Ên (Ba mẹ) để kế bên. Niềm vui trẻ thơ trong ngày lễ Nô Ên là vậy thôi! Tôi nghĩ, có lẽ vui nhất trong đêm lễ là những cặp tình nhân. Tay trong tay, mắt trong mắt với áo quần đẹp đẽ đúng mốt, đi trong cái lạnh ngây ngây của mùa xuân vừa chớm mà nghe xuân đã đến trong lòng. Cảm giác vui sướng, hạnh phúc ấy trong đời “Hồ dễ mấy ai quên”!*

Những đêm giáng sinh sau này, tôi ít khi đi chơi với con cháu nữa. Phố phường đông nghẹt, ồn ào không thích hợp với tuổi tác, tôi chỉ muốn ngồi nhà mở những bài nhạc giáng sinh kinh điển để thả hồn vào đó, nhớ lại từng mùa giáng sinh đẹp đẽ mình từng trải qua. Lại chạnh lòng nghĩ về những ông già Nô ên đang tất bật trao quà cho trẻ ở những nhà cây thông rực rỡ, đèn đuốc sáng choang. Không biết ở những nơi xa xôi nghèo khổ trên đất nước này, có ông Nô Ên nào chạy tới phát quà không? Và những nơi mà bao nhiêu trẻ em đang chống chọi với từng cơn bão lũ để được sống còn nữa? Liệu còn có ông già Nô Ên nào tìm đến với túi quà trên vai? Bởi ước mơ của trẻ thì dù ở nơi nào cũng giống nhau phải không?

Lại nghĩ đến những lời tôn vinh Chúa trên cổng nhà thờ “Vinh danh Thiên chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Mong sao những người “thiện tâm” vẫn còn nhiều trong cuộc đời này để bài hát yên bình nhất, thiêng liêng nhất đêm giáng sinh tiếp tục được vang lên: “Silent night, holy night. All is calm, all is bright…(Bài silent night).

*Thơ Hồ Dzếnh