NGỌN LỬA ĐÊM ĐÔNG
N hững cơn gió lạnh lướt qua tấm hình hài nhỏ xíu đang co rút lại của con bé, nó có cái tên gọi ở nhà là Bê, tên gọi này quá quen thuộc với mọi người trong gia đình nó, đến nổi không ai nhớ được tên thật sự trong khai sanh của nó là gì. Nếu như Bê được đi học thì chắc chắn tên của Bê ai cũng biết: Nguyễn thị Bông Vàng, Tên ngộ mà hay đó chứ. Năm nay Bê tám tuổi rồi, nhà nghèo nên không có điều kiện tới trường.
Bê ngồi bật dậy, hai tay bé quơ quào chung quanh chỗ mình ngồi, thì ra nó ngồi trên một gò đất cao, phía sau lưng bé là bãi đất bùn nhão nhoẹt, phía trước mặt bé là một giòng sông mênh mông nước đục ngâu. Bê khóc thét lên và gọi:
- Ba má ơi!, anh Hai ơi!
Có tiếng trã lời và một cánh tay gầy gò quàng qua vài Bê vỗ nhẹ:
- Anh Hai đây nè.
Bên cạnh Bê chỉ có anh Hai, ở nhà quen gọi là cu Ròm vì nó ốm cà tong cà teo, năm nay cu Ròm mười tuổi, nó cũng không được đến trường. Trong cái làng nằm chênh chếch hai bên đập nước của thủy điện thì hầu như nhà nào cũng nghèo, đó là điều đương nhiên thôi, vì nếu ai có tiền thì đã không thèm ở nơi này, một vị trí mà sự nguy hiểm luôn luôn rình rập cuộc sống của họ. Gia đình của anh em cu Ròm gồm có sáu người, ba má, cu Ròm, Bê và thêm hai đứa em nhỏ. Nhưng...
Bê dụi đầu vào nách anh cu Ròm, khóc tấm tức, hỏi anh:
- Nhà mình, làng mình đâu hết rồi anh hai? sao mà toàn nước là nước không hà?
Ròm chảy nước mắt, miệng méo xệch nhưng cũng ráng dổ dành em:
- Nín đi, chút xíu anh dẫn bê đi kiếm ba má nha, ngoan anh hai thương.
Thật sự thì cu Ròm cũng không biết phải đi tìm ba má ở đâu bây giờ? Mấy ngày trước có cơn bão yo vô tới làng của Ròm, sau đó thì gió bão dịu dần, nhưng đêm hôm qua lúc cả làng đang ngon giấc vì quá mệt mỏi sau cơn bão, thì ầm ầm tiếng nước như thác trên ngườn dổ về, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nguyên cả cái làng của Ròm bị nước cuốn trôi, nhưng không hiểu sao mà anh em cu Ròm lại ở trên gò đất này? chung quanh không một ai, cu Ròm cũng sợ và hoang mang lắm, nhưng không dám lộ ra ngoài, vì nó không muốn bé Bê nhìn thấy sự sợ hãi của nó, trong hoàn cảnh này tự nhiên nó trở thành người lớn. Bất chợt bé Bê reo lên:
- Anh hai ơi! em nhớ ra rồi...
- Nhớ gì vậy?
Ánh mắt bé Bê sáng long lanh vì vui mừng:
- Em nhớ lúc mà anh hai nắm tay em cứng ngắt, nước cuốn anh em mình trôi đi thì có một bà tiên đẹp thật đẹp đưa tay ra núi lấy tay em kéo lên gò đất này nè, lúc đó em còn nhìn thấy mặt bà tiên ấy... mặt bà sáng mà đẹp lắm anh.
Cu Ròm ứa nước mắt vì nghĩ là em mình mê sãng, nó lấy tay sờ lên trán bé Bê nhưng trán con bé mát rượi. Bé Bê đứng dậy, kéo tay Ròm:
- Anh hai ơi! mình đi kiếm ba má với hai em xíu xiu đi anh.
- Kiếm đâu bây giờ? nước lũ cuốn trôi hết trơn rồi.
- Mình đi kiếm bà Tiên, bà cứu anh em mình thì bà cũng cứu ba má luôn.
Cu Ròm nhìn quanh, dù cố gắng hết sức nhưng Ròm không thể nào dấu được sự sợ hãi của mình. khi chung quanh anh em nó là một vùng mênh mông chìm trong nước lũ, những khúc cây, bàn ghế, và bao nhiêu thứ đang cuồng cuộng trôi nhanh theo giòng nước đục ngầu, chỉ cần anh em nó thò chân xuống giòng nước dưới kia là cũng bị cuống phăng mất xác. Cu Ròm rất muốn khóc nhưng nó không dám, bởi vì bây giờ nó là chỗ dựa vững chắc của đứa em gái bé nhỏ. Bé Bê níu tay anh, nó đang lạnh vì bộ đồ còn ướt, anh nó cũng thế, hai hàm răng của cu Ròm bắt đầu đánh vào nhau lập cập, nó sắp sửa ngã gục xuống gò đất thì có tiếng máy nổ và tiếng người lao xao:
- Kìa... kìa... trên mô đất đằng kia có hai đứa nhỏ... mau lên, cho cano chạy nhanh...
Chiếc ca nô đổ xịch trước mặt hai anh em, cu Ròm tỉnh người, bé Bê nhảy nhót vui mừng, trong cơn hoạn nạn tự nhiên bé khôn hẳn:
- Có mấy chú tới cứu mình nè anh hai... mấy chú ơi! cứu tụi con với.
Một anh thanh niên nhảy lên gò đất, bế xốc bé Bê, tay kia nắm lấy tay cu Ròm, anh thanh niên trao Bê cho một người ở dưới ca nô, rồi anh nâng cu Ròm lên chuyền cho một anh khác. Chiếc ca nô tiếp tục chảy về hướng trước mặt. Mấy người định hỏi chuyện hai anh em nhưng thấy cu Ròm có vẻ mệt nên thôi.
Nước mênh mông, nước đục ngầu và nước vẫn hung hăng cuốn trôi mọi thứ. Thêm một lần nữa anh em cu Ròm được cứu thoát khỏi dòng nước lũ. Mấy anh thanh niên dưa anh em cu Ròm đến một trường học, nơi đây có rất đông người, họ cũng được cứu thoát khỏi dòng nước như anh em Ròm, và cũng như anh em cu Ròm, họ có vẻ khốn khổ, những đôi mắt buồn rầu, thất thần, người lớn thì vậy nhưng những đứa nhỏ thì vẫn vô tư hồn nhiên.
Anh em cu Ròm mỗi đứa được một gói mì tôm, bé Bê đói bụng lắm nên vội vàng xé gói mì, bẻ ra từng miếng nhỏ ăn một cách ngon lành. Bé vừa nhai vừa hỏi anh:
- Anh hai, chút nữa mình đi tìm ba má nghen anh, không chừng ba má ở trong trường học này đó anh.
Hai anh em cu Ròm đi lui đi tới quanh trường học hết một buổi nhưng vẫn không tìm thấy ba má chúng. Những ngưởi trong hội từ thiện phát cho mỗi đứa một bộ đồ và thêm một gói mì tôm. Hai anh em ngồi co ro trong góc phòng lớp học, bên cạnh là gia đình của dì Ba Hạnh; chồng dì cũng bị lũ cuốn trôi, dì và hai đứa con may mắn thoát được sự giần dữ của cơn lũ. Cành nhà dì đáng thương nhưng hai đứa bé này còn đáng thương hơn, dì hỏi cu Ròm:
- Gia đình còn có bao nhiêu người?
Cu Ròm vừa nhai miếng mì tôm, vừa lúng búng trả lời:
- Sáu người, nhưng ba má với lại hai đứa em của con đâu không thấy.
Bé Bê nói hớt:
- Hai anh em con được một bà tiên đẹp thật là đẹp cứu, bà nắm tay con kéo lên gò đất... bây giờ con phải đi tìm bà tiên để hỏi coi bà đưa ba má với hai em con đi đâu.
Dì ba Hạnh chép miệng thở dải thương cảm:
- Tội nghiệp con bé, chắc nó quá sợ hãi nên đầu óc nó bị tưng tưng rồi.
Cu Ròm cúi đầu cố dấu những giọt nước mắt đang trào ra, nó thương em nhưng không biết làm gì bây giờ. Buổi trưa có tiếng loa phóng thanh nói gì đó, cu Ròm nghe không rõ. Sau đó có mấy anh chị ăn mặc giống nhau, có lẽ họ ở trong một đoàn thể gì đó, họ đến bên anh em cu Ròm, hỏi thăm về gia đình, nơi ở, cha mẹ anh em... lung tung những câu hỏi mà cu Ròm không muốn trả lời nhưng vẫn phải trả lời. Một người trong nhóm nói:
- Nếu như hai anh em này không còn ai là họ hàng thân thích thì có lẽ phải đưa vô trại mồ côi thôi. Nguyên cả cái làng của tụi nhỏ bị nước lũ cuốn trôi hết rồi.
Như vậy là cả làng của Ròm đã bị nước lũ cuốn trôi! trong đó có căn nhà lá của Ròm, cũng có nghĩa là ba má và hai em của Ròm cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ..Ròm ôm cứng đứa em gái, tuy hiểu không nhiều nhưng cu Ròm cũng biết lờ mờ trại mồ côi là gì, tự nhiên nó run sợ và lo lắng đến nổi đầu óc choáng váng, miệng đắng nghét, gói mì tôm trên tay rơi xuống đất nhưng cu Ròm không buồn lượm lên. Bé Bê mơ hồ cảm nhận có điều gì đó không ổn đối với hai anh em, nó ghịt tay anh trai, lay qua lay lại, miệng mếu máo:
- Anh hai, mình đi tìm bà tiên đi anh, hỏi bà tiên đưa ba má mình đi đâu... nghe anh.
Dì ba Hạnh thở dài, lắc đầu chép miệng:
- Tội nghiệp con bé... nó tưng nặng rồi, mình cũng khổ quá chừng, chớ nếu không thì đưa anh em nó về nuôi.
Hai anh em cu Ròm đi mà như chạy, sáng tinh mơ khi tiếng gà vừa gáy thì bé Bê đã kêu anh dậy, con bé nóng lòng đi tìm bà tiên đã cứu anh em nó, trong sự suy nghĩ của bé thì bà tiên cũng đã cứu ba mà với hai em của nó nữa. Không tìm được ba má thì phải tìm cho ra bà tiên. Bé Bê còn nhớ rất rõ khuôn mặt đẹp hiền từ, phúc hậu của bà khi đưa tay ra cứu hai anh em, trong một thoáng con bé thấy bà đã khóc.
Hai đứa cứ đi miết, đi mãi qua khỏi con đường đất đỏ thì gặp con đường tráng nhựa, xe lớn xe nhỏ chạy qua chay lại, chạy ngước chạy xuôi nhìn chóng cả mặt. Hai anh em nắm chặt tay nhau, hết nhìn hướng này đến nhìn hướng khác, lòng phân vân không biết phải đi về hướng nào. Bé Bê thì cứ giật giật tay anh thúc hối:
- Đi anh hai, mình đi tìm bà tiên, đi tìm ba má... em nhớ ba má với hai đứa em của mình quá hà... hay là mình đi về nhà biết đâu ba má đang đợi anh em mình.
Cu Ròm cau mặt gắt:
- Nhà còn đâu nữa mà về, lũ cuốn trôi hết cả cái làng của mình rồi.
Bé Bê ngây thơ hỏi anh:
- Sao lũ ác quá vậy anh hai?
Ròm ứa nước mắt trả lơi em:
- Làm sao anh biết được, nhưng mà lũ ác thiệt.
Hai anh em còn quá nhỏ, quá ngây thơ nên không biết được rằng lũ không ác, mà chính những người đêm hôm đó xả nước trong đập ra mới thật là ác độc, vì sự ngu dốt và thiếu trách nhiệm của họ, nó đã làm cho một ngôi làng trong phút chốc bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
- Mình đi ngã nào anh hai? hay mình đi về hướng này?
- Ừ thì đi hướng này...
Bốn bàn chân nhỏ xíu với đôi cẳng chân gầy gò của hai đứa bé thất tha thất thểu lết trên con đường nhựa nóng hổi bởi sức chiếu của ánh nắng mặt trời. Hai anh em không biết mình đang đi về đâu? chỉ có cái miệng của bé Bê lúc nào cũng lập đi lập lại một câu quen thuộc: " tìm được bà tiên là tìm được ba má". Cu Ròm hỏi em:
- Tại sao không đi tìm ba má mà phải đi tìm bà tiên?
Bê Bê ngây thơ:
- Thì tìm cả hai luôn...
Đôi chân mỏi rã rời, cái đầu hâm hấp nóng, miệng khát nước khô cả cổ họng, còn cái bụng thì đói cồn cào, hình như cu Ròm chịu hết nổi, nó ngổi bệt xuống bên vệ đường, òa khóc nức nở, bao nhiêu sự gắng gượng để cố che dấu nỗi sợ hãi yếu đuối của thằng anh trước mặt đứa em gái nhỏ, nay không còn có thể cố hơn được nữa, nó mặt tình cho cảm xúc của mình tuôn trào trước mặt em. Bé Bê ngồi xuống bên anh, hai bàn tay đen đúa, khẳng khiu của Bê ôm lấy đôi vai gầy gò của anh, tự nhiên nó trở nên cứng rắn và như một người chị gái, nó an ủi cu Ròm:
- Đừng buồn, đừng khóc anh hai, mình sẽ tìm được bà tiên mà... đi tiếp nữa đi anh.
Cu Ròm lau nước mắt, đứng lên nắm tay em gái, hai anh em lại lôi thôi lếch thếch kéo lê những bước chân mệt mỏi vì mệt và đói, khát. Hình như khóc được rồi, Ròm nhẹ nhõm trong lòng nên cảm thấy dễ chịu hơn. Có chiếc xe tải nhỏ dừng lại, chú tài xế thò đầu ra hỏi:
- Hai đứa bây đi đâu mà thấy khổ quá vậy?
Ròm ứa nước mắt trả lời:
- Cả cái làng của con bị nước lũ cuốn trôi hết rồi, chắc ba má với hai em nhỏ của con cũng trôi theo luôn...
Bỗng dưng bé Bê khôn hẳn lên:
- Hai đứa con được một bà tiên cứu, bây giờ con đi tìm bà, chắc bà cũng cứu ba má con... hay chú cho anh em con đi nhờ xe chú nha.
Chú tài xế bật cười nhưng lòng thì xót xa:
- Đi về đâu mới được chớ?
- Thì đi đâu xa xa chỗ này, nơi có đông người...
Chú Tài xế mở cửa xe nhảy xuống xe, đi qua phía bên hai anh em đang đứng, chú mở cửa xe, bồng Bê lên xe, sau đó nhất cu Ròm lên, chú chép miệng:
- Tội nghiệp, hai đứa ốm nhom, nhẹ hẫng à.
Rải rác những mái nhà nằm cách xa nhau, rồi nhiều căn nhà san sát nhau. Xe dừng lại trước một ngôi chợ nhỏ, chú tài xế mở cửa cho hai anh em xuống, cho hai đứa hai chục ngàn Nhà chú cũng đa đoan, hơn nữa vì là dân tài xế, rày đây mai đó... trái tim chú có nhiều ngăn nên chú có nhiều "nhà", mỗi khi dừng chân nghỉ qua đêm, chú cũng có nhà để "ngủ", lắm khi "nhà này" tìm tới "nhà kia" uýnh lộn tưng bừng khói lửa làm chú phải chạy trốn... chính vì vậy chú không thề cưu mang hai đứa nhỏ được, mặc dù chú rất xót xa, cám cảnh... thôi thì...
Những hàng quán hiện ra trước mắt hai anh em, Mùi thơm nước lèo của hủ tíu từ trong môt cái quán nhỏ bốc ra làm cơn đói của hai enh em càng cồn cào Hai đứa đứng xớ rớ bên ngoài nhìn vào, nước miếng ứa ra tràn miệng. Chị chủ quán nhìn vẻ nhếch nhác bẩn thỉu của hai đứa, chị cau mặt khó chịu và có ý xua đuổi, nhưng ông khách đang ăn hủ tíu có vẻ chạnh lòng, ông hỏi:
- Hai đứa bây ở đâu trôi dạt tới đây vậy? trông bộ dạng thảm thương quá.
- Dạ.. làng con bị người ta xả đập đêm hôm kia làm nước cuốn trôi mất cả làng.
Bê lại kể chuyện bà tiên cứu anh em nó, nay thì anh em nó đi tìm bà tiên để hỏi bà có cứu ba má và hai em nó không? Bây giờ thì chị chủ quán lại chép miệng thương xót:
- Con bé này chắc bị khủng hoảng quá nên đầu óc nó không được bình thường, mà cái tụi nào ác ôn dữ vậy không biết nữa à, chờ đêm hôm người ta ngủ rồi xả nước trong đập ra. không báo trước ai mà trở tay cho kịp. Đói không? vô đây dì nấu cho hai anh em hai tô hủ tíu nha.
Ông khách móc ví ra:
- Cái chuyện xả nước trong đập ai cũng biết, vì quá ngu nên làm hại dân... Để tui trả tiến cho, làm cho hai đứa hai tô ngon thiệt ngon. Thôi tui đi, hai đứa ăn ngon miệng nghe.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh em cu Ròm được ăn một tô hủ tíu ngon đến như thế này. Chị chủ quán hỏi:
- Ăn xong rồi hai đứa tính đi đâu?
Bê mau miệng trả lời:
- Tụi con đi tìm bà tiên, bà ấy đẹp lắm cô ơi.
- Biết ở đâu mà tìm?
- Thì cứ đi, biết đâu gặp may.
Buổi trưa được ăn một tô hủ tíu vứa ngon vừa no, hai đứa tiếp tục đi nhưng không định hướng được là mình sẽ đi về đâu? Mặt trời buổi chiều ngã bóng ở sau lưng, hai đứa tới một ngôi chợ nhò khác, hai anh em đứng tần ngần trước cổng chợ, chợ chiều ít người mua bán nên hơi vắng vẻ, thôi thì tìm nơi ngủ tạm qua đêm. Có bác xe ôm nhìn chăm chú hai đứa bé, tự nhiên lòng bác dậy lên mối thương tình, bác kêu hai đứa lại hỏi thăm, bé Bê lại kể về bà tiên đã cứu hai anh em bé như thế nào trong cái đêm khủng khiếp đó. Hình như bác xe ôm ngờ ngợ một điều gì đó, bác không chép miệng cho rằng Bê "tưng tưng" như những người khác, mà bác nhíu mày thở dài, hỏi hai đứa:
- Hai cháu đã ăn gì chưa?
Hai anh em trả lời cùng một lượt:
- Dạ chưa.
- Để bác mua cho hai đứa hai cái bánh mì, mà này, bác tên Tư, ai cũng kêu bác là Tư xe ôm, nhưng hai đứa cứ kêu là bác Tư cho gọn.
Vừa mới đưa cho hai đứa hai cái bánh mì thì có người kêu bác chở đi, hai đứa nhỏ nhìn theo bác xe ôm tốt bụng. Người tốt thường hay bị nghèo thì phải? Đêm nay hai anh em ôm nhau nằm co ro trên sạp hàng trong chợ, đủ thứ mùi hôi trong chợ: từ cống rãng, từ những vũng nước và mấy đống rác chưa được hốt sạch, cùng với mùi hôi của phân chó, phân mèo... nói chung là không thiếu một thứ mùi hôi thúi nào, tất cả đều lọt vào trong lổ mủi cùa hai anh em. Có nhiều con mèo hoang kêu lên những tiếng "meo meo" rên rĩ, rã rời, rũ rượi, tiếng kêu của nó nghe như tiếng ma gào trong đêm, càng làm cho hai đứa bé sợ hãi thêm, rồi có tiếng chó rượt đuổi nhau dưới mấy cái sạp, chúng cắn lộn nhau, sủa nhau inh ỏi. Có mấy con chuột cống to đùng chạy qua chạy lại kiếm ăn, một con bò qua người Bê, con bé hoãng hồn khóc thét lên, cu Ròm ngồi bật dậy ôm em cứng ngắt, nó rất muốn dùng đôi tay của mình để che chở cho em nhưng đôi tay của Ròm ốm yếu quá, biết làm sao đây? hai anh em cùng khóc và thức luôn cho đến gần sáng, khi những người chủ sạp hàng bắt đầu công việc bán buôn của một ngày mới, cu Ròm và Bê bước xuống sạp, hai đứa lo lắng không biết ngày hôm nay sẽ như thế nào?. Trời chỉ mới lờ mờ; chưa sáng lắm, bọn chuột và mèo hoang vẫn còn đang lùng sục kiếm ăn, mấy con chó đầy xà mâu, hừng hực phập phồng hai cánh mủi đánh hơi và như thói quen thường có, chúng lại nhe răng muốn nhảy xồ vào nhau để tranh giành hơn thua.
Có tiếng của bác Tư:
- Ủa, hai đứa còn ở đây à?
Cu Ròm và Bê mừng rỡ chạy đến bên bác:
- Tối qua tụi con ngủ trong chợ mà không ngủ được, sợ quá chừng.
Bác Tư chạnh lòng, bác có hai đứa con nhỏ cũng bằng cở anh em cu Ròm, nhưng nhà bác nghèo, vợ bác buôn thúng bán mẹt cũng chỉ đủ phụ với bác kiếm thêm miếng ăn và cho hai đứa nhò đi học, cái nghèo làm cản trở con người ta nhiều điều lắm. Cu Ròm hỏi:
- Đây là đâu vậy bác Tư?
- Ủa... bộ không đọc được chữ sao?
Ròm buồn buồn trả lời bác:
- Nhà con nghèo quá trời, anh em con đâu có được đi học.
- Đây là An Khê, vậy chớ quê hai đứa ở đâu?
- Dạ... Quãng Nam.
Bác Tư thở dài thội nghiệp cho hai đứa nhò, bác móc trong túi ra năm ngàn đưa cho cu Ròm, chì xe bánh mì:
- Hai anh em mua hai cái bánh mì, nói người ta xịt cho chút nước tương ăn đở đói...
Lây lất ngày nọ qua ngày kia trong cái chợ nhỏ này, Ròm cũng có công việc làm để kiếm cơm nuôi mình và nuôi em, đó là xách nước cho các bà bán cá, là bưng bê hủ tíu, bún phở... nói tóm gọn lại thì ai kêu gì làm nấy, các bà trong chợ hầu như người nào cũng chạnh lòng thương hai anh em, với sự chạnh lòng của họ mà anh em cu Ròm được no bụng mỗi ngày. Tài sản của hai đứa bây giờ; nhờ lòng tốt của những người trong chợ, nên có được mấy bộ đồ để thay đổi, lại có cả áo ấm mặc nữa vì mùa này trời bắt đầu lạnh, hai đứa còn có dép mang, mọi thứ người ta cho dù đã cũ thật nhưng đó là cả tấm lòng, là sự chia sẻ, là tình yêu thương... tất cả được cu Ròm đựng trong một cái bị cói. Tắm giặt thì đã có nước máy trong chợ.
Nhưng bé Bê thì luôn ngong ngóng ngày đi tìm bà tiên; cũng như đi tìm ba má và hai đứa em nhỏ, bé luôn thúc hối anh Ròm đi khỏi ngôi chợ nhỏ này. Bây giờ thì hai đứa không phải ngủ đêm trên sạp chợ nữa, bác Tư chở hai đứa tới một ngôi chùa nhỏ không xa chợ cho lắm, lúc đầu bé Bê nhìn thấy tượng Phật bà quan âm, bé cứ ngỡ là bà tiên đã cứu anh em Bê đêm hôm đó, nhưng nhìn kỹ thì không phải, mặc dù phật bà đẹp thiệt, nhưng vẫn không giống bà tiên của cái đêm kinh hoàng đó, đêm đêm hai anh em được ngủ dưới mái hiên nhà chùa, hai đứa được bác Tư cho một cái chiếu, một cái mền cũ nên chi cũng ấm áp được phần nào. Ngũ ở hiên chùa dù sao thì vẫn sướng và đở sợ hơn là ngủ trên mấy cái sạp hàng trong chợ.
Sáng nay thức dậy, như mọi ngày hai anh em ra chợ, Bê ngồi nhìn anh xách từng sô nước, bưng từng tô hủ tíu, thế nhưng nó không phụ với anh như những buổi sáng trước kia, mà bê khóc mếu máo, nói mãi một câu:
- Anh hai ơi! đưa em đi tìm bà tiên, đi tìm ba má... đừng ở miết đây nữa. Em nhớ ba má, nhớ hai đứa em, nhớ nhà mình nữa... hu... hu...
Cu Ròm gắt:
- Biết đi đâu mà tìm chớ?
Bê càng khóc lớn, bác Tư vừa chày xe về, hỏi:
- Chi mà khóc lóc dữ vậy Bê?
Ròm gải tóc, gải tai bực dọc:
- Hắn cứ bắt con đưa đi tìm ba má với bà tiên.
Bác Tư chưa kịp nói gì thì có một anh đi xe máy dừng ngay bên cạnh bác, miệng vừa cười vừa hỏi:
- Anh Tư, khỏe không?
Bác Tư mừng rỡ:
- Úi chà, thằng Lâm... đi đâu mất biệt mấy tháng nay vậy mày?
- Đi làm ăn chớ đi đâu, kiếm tiền đặng cưới vợ chớ anh.
- Con nhỏ nào vậy? ở đẩu?... còn chú làm gì?
- Vợ sắp cưới cùa em ở Pleiku, ngay thành phố, bán hàng tạp hóa, chắc sang năm tụi em cưới đó anh. Em đang lái xe cho công-ty vận-tải, tuyến đường Quảng-Ngải, Pleiku.
Tự nhiên bé Bê xen vào hỏi hớt:
- Pleiku là nơi đâu vậy bác Tư?
Thế là câu chuyện của anh em cu Ròm được bác Tư xe ôm kể cho Lâm nghe. Lâm thở dài có chiều suy nghĩ, mắt Lâm hơi nhíu lại, anh búng mẩu thuốc lá ra xa, bác Tư hỏi:
- Anh muốn giúp hai đứa nhỏ quá nhưng giúp như thế nào bây giờ? cảnh nhà anh thì chú cũng biêt rồi đó, khó khăn chật vật lắm. Hai đứa nhỏ sống lấy lất trong chợ, ngủ hiên chùa cũng hơn tháng nay rồi, tội nghiệp hết sức vậy đó. Cuộc sống tạm bợ như một thứ cây tầm gởi, không có chút tương lai, sao mà nó thê thãm quá chừng. Chú Lâm có cách gì giúp cho tụi nó không? Nếu có thì chú ráng giúp dùm...
Lâm chạnh lòng khi liên tưởng đến... nếu một mai anh có gia đình, có con cái, rồi thì không may con anh cũng như hai đứa bé này... mới nghĩ có bây nhiêu mà Lâm đã xốn xang trong lòng, anh mạnh dạn nói với bác Tư:
- Thôi, để em lo liệu cho... gia đình vợ sắp cưới của em ở gần nhà thờ, trong nhà thờ có linh mục, có mấy ông thấy giúp xứ, có mấy bà sơ hiền lành dễ thương lắm, để em đưa hai đứa nhỏ này lên Pleiku, kêu "vợ" em lo dùm, gia đình vợ em tốt bụng, thế nào cũng ổn.
Bác Tư mừng rỡ:
- Vậy thì hay quá chừng, chú em ráng giúp cho hai đứa nhỏ, tội nghiệp quá sức, mà anh thì "lực bất tòng tâm".
Rồi bác quay qua nói với hai đứa:
- Có chú Lâm lo cho hai đứa rồi, chú sẽ chở hai đứa tới nhà vợ chú, vợ chú sẽ tìm bà tiên cho bé Bê nhen.
Bé Bê nhảy cẫng lên, vỗ tay vui mừng:
- Ôi sướng quá, chừng nào chu`chở anh em con đi?
- Ngày mốt, vì mai chú có công chuyện. Sáng ngày mốt chú ra đây đưa hai đứa đi Pleiku.
Không như bé Bê, cu Ròm có vẻ lưỡng lự phân vân , nó lo lắng trong lòng vì điều thay đổi này, chẳng biết tốt hơn hay xấu hơn đây? Hình như bác Tư hiểu được nỡi lòng của Ròm, bác nói để trần an nó:
- Đừng lo Ròm à, chú Lâm đây là người tốt lắm đó, rất có lòng thương người, hai đứa cứ yên tâm đi theo chú Lâm, thế nào cũng ổn thôi mà.
Ròm cảm thấy nhẹ lòng khi nghe bác Tư nói như vậy, vì hơn một tháng nay sống lây lất; ngày lấy chợ làm nhà, đêm lấy chùa làm nơi trú thân, bác Tư vừa là người bạn thân thiết của hai anh em, vừa giống như người ruột thịt của hai đứa, bác tốt bụng với hầu hết mọi người, nhưng riêng đối với anh em cu Ròm thì bác còn có lòng thương cảm nữa. Ròm thở ra như trút được một gánh nặng trong lòng, nó cảm động vì tấm chân tình của hai người, cu Ròm nhìn bác Tư, nhìn chú Lâm với ánh mắt đầy biết ơn.
Các cô các bà trong chợ hay biết ngày mai anh em cu Ròm sẽ theo chú Lâm đi Pleiku... tìm cuộc sống mới, ai cũng cầu mong cho anh em cu Ròm gặp được nhiều may mắn. mỗi người cho cu Ròm chút ít tiền "dằn túi", còn cho bé Bê gói bánh, gói kẹo... nói chung thì ai cũng xót thương hoàn cảnh của hai anh em. Bác Tư đứng với hai đứa để chờ chú Lâm, chị chủ quán hủ tíu nấu cho hai đứa hai tô đặc biệt: nhiều thịt; có thêm một cục giò
Lâm tới như lời hẹn trên chiếc xe tải nhỏ, hai anh em ngồi bên cạnh chú Lâm. Xe lăn bánh, cu Ròm khóc vói tay ra sau vẫy chào bác Tư và mấy bà mấy chị trong chợ. Bé Bê thấy bác Tư đưa tay áo lên chùi nước mắt, bé nói với cu Ròm:
- Anh hai ơi! mình đi mà bác Tư khóc kìa...
Xe chạy khá xa, những giọt nước mắt của bac Tư không theo kịp bánh xe lăn trên đường. Ròm thở dài đưa tay áo lên chùi nước mắt, nó cũng khóc vì trong lòng nó đang mang nhiều nỗi đắng cay.
Lâm xoa đầu Ròm, mái tóc thằng bé cứng ngắt, hoe vàng khét nắng:
- Thôi chớ, đừng khóc mà chi, sau cơn mưa trời lại sáng, ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, cứ tin như thế.
Thành phố Pleiku là đây, quê hương của vợ Lâm là đây, một thành phố dễ thương, xinh đẹp, nhộn nhịp vui tươi và trẻ trung. Nhưng cái lạnh của miền cao nguyên đất đỏ thì thật là đáng sợ đối với Bê và Ròm, hai anh em co rúm người lại trong cái áo ấm người ta cho. Lâm nói đùa:
- Sắp tới nhà cô Liên; vợ sắp cưới của chú rồi, yên tâm, thế nào hai đứa cũng sẽ có áo ấm dày cui, mặc vào rồi tha hồ mà...nóng người.
Nhà cô Liên bán tạp hóa, vừa thấy xe Lâm đậu trước cửa tiệm, Liên chạy ra mừng rỡ nhưng cô khừng lại, ngạc nhiên khi thấy Lâm bế thốc hai đứa bé gầy còm xuống xe, cô chưa kịp hòi thì Lâm nói:
- Đi vô nhà rồi anh kể cho nghe, đói bụng quá chừng... có cơm ăn không "vợ"?
Cả nhà Liên gồm: bà Tâm là mà của Liên, cậu em trai kế và cô em gái út đang học lớp mười hai, nghe Lâm kể chuyện của anh em cu Ròm, má Liên khóc thút thít, nhất là khi nghe bé Bê nói đến bà tiên đã cứu anh em bé. Bê ngây thơ nói với bà Tâm trong tiếng khóc nức nở:
- Con muốn đi tìm ba má, tìm bà tiên...hu...hu... bà tiên cứu anh em con thì cũng cứu luôn ba má con phải không bà? phải không cô?...hu...hu...
Khi khóc mà có người nghe và thương cảm thì tiếng khóc càng thảm thiết hơn, bà Tâm ôm con bé vào lòng dỗ dành nhưng... bé Bê hôi quá làm bà phải quay mắt đi nơi khác, bà kêu Loan; là con gài út:
- Con đưa con bé này ra sau tắm rửa cho nó sạch sẽ... biết kiếm đâu bộ đồ cho vừa với nó bây giờ? còn Linh thì tắm cho cu Ròm.
Bà mở cái giỏ đếm ra xem, trong đó có mấy bộ đồ vừa dơ vừa cũ mèm, Liên chợt nhớ ra điều gì đó, cô đứng lên, vội vàng đi ra cửa; ngoái đầu lại nói:
- Loan đưa tụi nhỏ ra sau tắm, chị qua nhà thờ kiếm áo quần cho hai đứa nó.
Trời ơi! lần đầu tiên trong đời hai anh em cu Ròm thấy cái máy tắm nước nóng, ngộ quá đi, nước từ trong vòi chảy ra không có lửa mà nó vẫn nòng, thích thật. Xà bông tắm là một loại nước sền sệt màu trắng đục, thơm lừng chớ không như mấy cục xà bông tắm má nó thường hay mua. Liên đã về tới nhà, cô liếng thoắng:
- Con xin sơ Hoài, đồ này ở Sài gòn vừa gởi lên cho trại trẻ mồ côi... được mấy bộ còn mới quá trời, với hai cái áo len dày cui, ngon lành luôn.
Lâm cười nhìn cô trìu mến. Anh yên tâm vì đã đưa hai đứa bé đến đúng nơi cần đến, nhưng còn ngày mai thì sao? anh nói với Liên:
- Anh nhờ em sắp xếp cho tụi nó có nơi ăn chốn ở tốt...
Liên nheo mắt, nhăn mũi chọc anh:
- Trời ơi! chưa gì mà anh đã muốn hành hạ em sao?... nhưng mà... Em nói chơi thôi, vì tình người, em sẽ giúp cho tụi nhỏ, nhưng để từ từ vài ba ngày sau hẳn tính, hôm nay là hai mươi hai tháng mười hai, chỉ còn hai ngày nữa là Noel rồi...
Lâm nói nhỏ:
- Hai đứa mình sẽ dành trọn đêm Noel cho nhau.
Liên nguýt anh:
- Còn lâu à nha; đêm Noel đi lễ về là cả nhà quây quần bên nhau ăn Reveillon... không dành riêng cho anh được đâu.
- Vậy thì cả ngày hai mươi lăm, "được chứ nhỉ"?
Liên gật đầu, mâm cơm dọn ra bàn, ông Tâm cũng vừa từ bên nhà thờ về tới, mấy bữa nay ông bận rộn với công việc trang trí nhà thờ, làm hang đá để mừng đón ngày Gíang Sinh nên ít khi có mặt ở nhà, ông ngạc nhiên khi thấy hai đứa bé lạ hoắc ngồi bên mâm cơm, Lâm kể cho ông nghe chuyện nước lũ cuốn trôi nguyên cà một ngôi làng nghèo nằm bên triền đập nước, trong đó có ba mà và hai đứa em của Ròm, sự may mắn như một phép mầu đã cứu hai anh em Ròm... chuyện kể cũng khá dài dòng vì những tiếng chép miệng, những câu kết án kẻ ngu dốt hại người... Chừng như thấy hai đứa bé đang đói, ông Tâm làm dấu Thánh giá, đọc kinh rồi mời cả nhả cầm đủa ăn cơm. Anh em Ròm ngạc nhiên quá chừng quá đổi khi lần đầu tiên thấy kiểu ăn cơm "lạ lùng" như vậy. Nhưng mà cơm nóng. canh ngon và món thịt kho hột vịt thì hết ý nên hai đứa ăn có vẻ khí thế vô cùng.
Bà Tâm dặn cậu con trai là Linh:
- Chút xíu con đưa hai đứa nhỏ ra tiệm hớt tóc cho nó gọn gàng...cũng phải cho chúng nó sạch đẹp để đón mứng Chúa giáng sinh chớ... phải không mình?
Ông Tâm gật đầu khen vợ:
- Mẹ các con lúc nào cũng đúng.
Linh cười:
- Cha khéo nịnh mẹ dễ sợ... Anh Lâm phải học chiêu bài "nịnh" của cha để sau này còn nịnh "ai kia" nữa chớ.
Cả nhà cùng cười, cu Ròm nghĩ trong bụng "sao nhà này ai cũng vui và lại còn tốt bụng nữa chớ", nó rất thích ở lại nơi này. Ông Tâm nhắc nhở cả nhà:
- Tối nay nhà thờ tổ chức đốt lửa trại, ca đoàn hát ngoài trời mừng Noel, mình với mấy đứa con nhớ tham dự cho vui.
Loan xoa đầu bé Bê:
- Tối nay cho anh em cu Ròm đi xem lửa trại và nghe ca nhạc, chịu không?
-Bê không ý tứ như anh Ròm, bé hồn nhiên vỗ tay reo:
- Thích quá, sướng quá, tụi em được đi chơi...
Buổi tối trời Pleiku thật lạnh, nhưng anh em cu Ròm thì không cảm thấy lạnh cho lắm, bởi vì anh em nó cảm nhận được tình thương của gia đình bà Tâm đối với mình, điều đó làm cho hai đứa cảm thấy ấm áp trong lòng, hơn nữa cái áo len cô Liên đem về đã phủ ấm tấm thân gầy gò của hai anh em. Đây là ngày hạnh phúc nhất cùa anh em Ròm, kể từ sau cái đêm nước xả lũ cuốn trôi cả nhà hai đứa. Nhưng riêng với bé Bê; dù mó có vui hơn nhưng bé vẫn mong ngóng được tìm thấy bà tiên, tuy rằng bé không còn thúc hối anh Ròm như trước.
Lâm và Liên đưa anh em Ròm đến nhà thờ, hang đá thật to được dựng trên một khoảng sân rộng, những dây đèn màu được treo dày đặc từ trong cho tới ngoài hang đá, không chỗ nào là không giăng đèn, trông vô củng đẹp đẽ và lộng lẩy, quanh nhà thờ cũng vậy, trong nhà thờ thì càng lộng lẫy hơn. Lữa trại được đốt lên, ánh lữa bập bùng vươn cao, nhảy múa lung linh huyền ảo, Trong máng cỏ là Chúa Giêsu, Mẽ Maria và Thánh Giuse. Bê nhỏ bé, thấp người nên không thấy được khung cảnh trong máng có, bé nhón chân lên nhưng vẫn bị che bời nhiều người chen chân lấn tới. Lâm thấy vậy bế nó đưa lên vai, bỗng nhiên con bé reo lên:
- Chú Lâm, anh Ròm ơi!... Bà tiên kìa... bà tiên cứu anh em mình đó kìa... đúng là bà tiên đẹp đó rồi...
Ròm nhón chân lên nhớn nhác hỏi:
- Đâu nà? bà Tiên nào đâu?
Bê đưa tay chỉ vào hang đá:
- Đó kìa, bà tiên đang chắp tay quì bên đứa bé đó, bên cạnh cái ông có râu nữa kìa.
Liên rùng mình, cả Lâm cũng vậy, hai người nhìn nhàu, nhìn Bê và nhìn tượng Đức Mẹ quì bên Chúa Hải Đông. Lâm hỏi bé Bê:
- Có thật không con? con không nhìn lầm chớ? đó chỉ là bức tượng làm bằng thạch cao thôi mà.
Bê nhoài người tới làm cho Lâm cũng phải bước tới gần hang đá hơn, Bé Bê vẫn nhất định nói:
- Đúng là bà ấy rồi, này nha; cái khăn choàng của bà màu xanh, bà đang quì bên cạnh cái ông có râu, đúng là bà ấy rồi... cô chú ơi!, vậy là con tìm được bà tiên cứu anh em con, mừng quá cô chú ơi! con sắp được gặp ba má rồi.
Liên ứa nước mắt nói với anh em bé Bê:
- Con ơi! đó là Đức Mẹ Maria, chính Đức Mẹ đã cứu anh em con.
Đêm lửa trại thật vui với những điệu múa của người dân tộc Tây Nguyên, cùng những lời ca tiếng hát ngân vang êm đềm, tha thiết, thánh thót của những ca đoàn các nha thờ trong thành phố Pleiku tập họp lại. Tự nhiên cu Ròm bật khóc nức nở vì tâm hồn nó có quá nhiều cảm xúc dâng tràn...
Đêm Thánh vô cùng... giây phút tưng bừng... đất với trời...xe chữ đồng...
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...Chúa sinh ra đời nằm trong hàng đá nơi máng lưa...
Anh em cu Ròm chen vào trong, hai đứa đứng gần đống lửa trại, cả hai cảm thấy thật ấm áp ví ngọn lửa bốc lên cao, phả hơi nóng vào tấm thân gầy gò bé nhỏ của chúng.
Chuyện bé Bê tìm được bà tiên cứu anh em nó trong cái đêm xã lũ kinh hoàng đó, được loan truyền cho cả nhà thờ biết, Cha cháng xứ kể chuyện này trên tòa giảng trong đêm mừng Chúa ra đời, ai ai cũng ứa nước mắt vì thương xót một cái làng nghèo khổ bị trôi hết trong một đêm, và thương hai anh em cu Ròm, đồng thời mọi người càng sùng kính mẹ Maria hơn và tin chắc rằng mẹ luôn cứu giúp những kẻ khốn cùng. Chuyện anh em Ròm được Đức Mẹ kéo lêm bờ đêm hôm đó là một phép lạ.
Đinh...đong... đinh... đong... đinh... đong... đinh... đong... Tiếng chuông của tất cà các nhà thờ trong thành phố cùng một lúc vang lên liên tục, rộn ràng, hân hoan tưng bừng. Đêm nay Chúa giáng trần để chuộc tội cho muôn dân.
Anh em Ròm được đón một mùa giáng sinh ấm áp đầu tiên trong đời mình; ở nhà ông bà Tâm,anh em nó nghĩ rằng đây chính là nơi nương thân của hai đứa, nhưng chuyện đời không đơn giản như chúng nghĩ. Người lớn đang sắp đặt cho cuộc sống và tương lai của hai anh em Ròm. Đã qua ngày Noel vui vẻ, ông Tâm bàn với gia đình:
- Phải lo cho hai đứa nhỏ một cuộc sống ổn định, mình thì không thể nảo nuôi chúng được rồi, nuôi một đứa còn khó khăn huống gì hai đứa, lại cáng không thể tách rời anh em nó. Tôi có hỏi ý cha sỡ, ngài bảo ngày mai đưa hai đứa lên Kontum, tới trài mồ côi Vinh Sơn 2. ở đó hiên đang nuôi hơn 120 đứa, nhò nhất là ba tháng tuổ, lớn thì hai mươi... đứa lớn chăm đứa nhò, tụi nó cùng hoàn cảnh nên thương yêu nhâu lắm, với lại các sơ dạy dổ tụi nhỏ rất tốt nên đứa nào cũng ngoan hiền, lễ phép và sống rất có kỷ luật.
Bà Tâm thở dài:
- Biết hai anh em nó có chịu không? thiệt tội nghiệp...
- Mình yên tâm các sơ có cách thuyết phục, nói cho tụi nó nghe và đống ý... Cứ quyết định vậy đi.
Anh em cu Ròm được cha sở nhà thờ đưa lên Kontum thăm "các bạn" Vinh Sơn 2 bằng xe hơi của nhà thờ, có ông bà Tâm đi theo nữa. Chưa ai nói gì cho hai đứa nhỏ biết về sự sắp xếp của người lớn, hai đứa cảm thấy vui vì được đi chơi xa, vậy thôi. Trại VS2 cách trung tâm Kontum khoảng 2km. Xe vừa dừng trước cỗng trại thì có một bà sơ người dân tộc chạy ra đón, đó là sơ giám đốc trại, tiếp theo là một đám con nít đủ mọi lứa tuổi chạy ra đứng dàn hàng ngang trước mặt khách, tất cả cùng vỗ tay hát chào mừng. Cha sở và mọi người đi theo bà sơ giám đốc vào nhà trong nòi chuyện, anh em cu Ròm đi theo các trẻ mồ côi trong trải tới vườn hoa, mới đầu hai anh em còn bở ngỡ vị là, nhưng sau một lúc thì chúng nó cảm thấy gần gũi và dễ dàng thân thiện với nhau, phải chăng vì chúng nó có hoàn cảnh giống nhau? giữa sân trại trẻ mồ côi là một vườn hoa, giữa vườn hoa là tượng Đức Mẹ ban ơn, Bé Bê đứng trước tượng Đức mẹ, nhìn đăm đăm không chớp mắt, một bà sơ trẻ tới đứng cạnh bé, Bê quay qua nói với sơ:
- Bà tiên này đã cứu anh em con đó sơ.
Sơ cười hiền lành:
- Đây là Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ đã cứu anh em con, con hãy cám ơn Đức Mẹ thật nhiều nha.
Anh em cu Ròm không có quyền lựa chọn cho mình nơi ăn chốn ở hay một mái gia đình như ý muốn, khi chúng nó còn quá nhỏ, số phận cùa chúng nó tạm thời được định đoạt bởi những người lớn, may mắn thay khi đó là những người tốt bụng, có tấm lòng nhân ái.
Bé Bê khóc khi biết mình phải ở lại nơi này, bé vẫn đòi đi tìm mẹ, mấy đứa nhỏ trong trại mồ côi đứng vây quanh Bê, vài đứa nắm tay Bê như muốn chia sẻ với Bê nỗi buồn của người bạn mới. Một sơ trẻ măng ôm Bê vào lòng dỗ dành:
- Nín đi nào bé, bé có biết bây giờ ba má của bé đang ở đâu không?
Bê nín khóc hỏi:
- Ở đâu vậy sơ? sơ đưa con tới với ba má con được không? con nhớ ba má con lắm sơ ơi.
Sơ chỉ lên trời:
- Ba má với hai em của bé đang ở trên trời, này nhé, má của các em ở trong này cũng đều ở trên trời, họ đang nhìn các con của mình ăn uống, chơi đùa, học hành... các bà mẹ đang nói chuyện với nhau. Nếu ba má Bê mà thấy Bê khóc như vậy thì họ buốn lắm đó.
Bê nìn khóc, hỏi sơ:
- Nhưng khi con muốn gặp ba má thì con phải làm sao?
- À... thì mỗi buổi tối con nhìn lên trời, thấy trên trời có những ngôi sao thật sáng, thì đó là ba má và hai em của con, con nói chuyện với họ, họ sẽ nghe con nói, họ sẽ rất vui mừng khi thấy anh em con được ở chung dưới một mái nhà, được đi học, được ăn no, mặc ấm, được nằm ngủ trên giường, có bạn cùng chơi đùa, có anh, chị, em nữa. Bây giờ chúng ta là người một nha rồi nên mọi người đếu là anh em của nhau và phải thương yêu nhau... Con hiểu chứ?
Bê dật đầu, một niềm vui mới len vào tâm hồn của Bê, nó cảm thấy lòng mình thật bình yên. Đêm nay bé Bê sẽ rủ anh hai cùng nhìn lên trời, cùng để ý xem những ngôi sao nào sáng nhất, anh em Bê sẽ nói chuyện với ba má và hai em. Cu Ròm không như bé Bê, nó dễ thích ứng với môi trường mới, nó đang chuyện trò thân mật với đám con trai cũng bằng tuổi nó ở phía sân bên kia. Dù sao thì anh em Ròm được ở chung trại, không phải xa nhau, đó cũng là nguồn vui lớn của anh em Ròm.
Dù bịn rịn, dù xót xa thương cảm tình cảnh của anh em cu Ròm, nhưng cũng phải chia tay thôi. Những cánh tay bé nhỏ đưa lên vẫy chào tạm biệt. Cuộc đời của anh em cu Ròm bước qua cánh cửa mới, dĩ nhiên là tốt đẹp hơn những ngày sống lây lất ngoài chợ, xách từng xô nước, bưng bê từng tô hủ túi... để kiếm miếng ăn, đêm đêm ngủ dưới mái hiên chùa... Cầu mong sao cho anh em cu Ròm luôn được hưỡng niềm vui bên cạnh những người bạn mới, được hạnh phúc bởi những người có tấm lòng luôn biết yêu thương,cảm thông và chia sẻ.
Bà Tâm thở dài, nói với cha sở và ông Tâm:
- Thưa cha, từ nay con sẽ cố nhín thời gian để mỗi tháng lên thăm tụi nhỏ một lần, mỗi lần thăm sẽ mang chút ít quá cho tụi nhỏ.
Ông Tâm nắm tay vợ, bóp nhè nhẻ:
- Mình tốt quá, tôi vui vì điều mình vừa nói, tôi sẽ đi cùng với mình.
Dù đang là mùa đông nhưng sao mùa đông lại ấm áp đến thế này?