CÓ MỘT
ĐÊM GIÁNG SINH TRONG MƯA
C huyến xe buýt chiều tối ngày lễ đông nghẹt người, Chiêu phải khó nhọc lắm mới chen lên được. Và khi xe tới chợ Bến Thành, Chiêu bước xuống, hòa vào dòng người lũ lượt đi trên phố. Thời tiết cuối năm đã chuyển mùa, một chút hơi lạnh trong không khí đủ làm lòng người nôn nao. Chiêu đi qua khu phố bán đồ chơi Giáng Sinh cho trẻ em và cô gần như chóa mắt trước những món đồ chơi đủ kiểu, đủ màu sắc. Cuối cùng, Chiêu vẫn chỉ biết lựa mua cho bé Trâm một con búp bê khá đẹp. Con búp bê mắt xanh, tóc vàng, mặc áo đầm, cổ đeo một chiếc vòng màu vàng và khi lên giây cót, búp bê sẽ phát ra một bản nhạc vui vẻ, rất quen thuộc của đêm Giáng Sinh.
Tới lui một lúc trước những cửa hàng bán hoa tươi, Chiêu chọn mua thêm một bó hoa hồng thật đẹp, thật tươi để mang vào bệnh viện tặng thím Phiến- vợ chú Trường. Chiêu không biết người bệnh ước mong điều gì trong đêm Giáng Sinh, nhưng Chiêu nghĩ một bó hoa hồng sẽ là món quà ý nghĩa, nó tượng trưng cho hạnh phúc, một mơ ước vui vẻ, hoan lạc. Hoa hồng đêm Giáng sinh sẽ đem lại hy vọng cho thím Phiến. Hy vọng bao giờ cũng là một điều cần thiết. Ở đâu và trường hợp nào cũng vậy.
Bỗng dưng Chiêu cũng nảy ra ý nghĩ mua tặng cho chú Trường một món quà gì đó, nhưng quanh quẩn mãi mà Chiêu vẫn không biết mua thứ gì để phù hợp với sở thích của chú. Chiêu chưa tặng quà cho một người đàn ông nào, kể cả bạn trai của Chiêu. Cuối cùng, Chiêu nhớ chú Trường hút thuốc bằng những que diêm chứ không có bật lửa, Chiêu vừa trông thấy ở một cửa hàng người ta bày những chiếc bật lửa rất đẹp. Chiêu vào hỏi giá và mua một chiếc bật lửa kiểu nhỏ, xinh xắn với lớp vỏ bọc da màu đen. Chiêu đi ngay tới chỗ khắc tên và khắc vào lưng chiếc bật lửa một chữ “Chiêu”. Ngày hôm nay, ngày lễ Giáng sinh đầu tiên trong đời Chiêu có những bận rộn và có những phút giây hạnh phúc như thế này khiến Chiêu rất vui. Sau đó, Chiêu đón taxi tới nhà chú Trường. Đường phố đã lên đèn.
Bé Trâm reo lên khi thấy Chiêu tới, nó gọi chú Trường rối rít:
- Bố ơi, dì Chiêu tới! Dì Chiêu có mua quà cho con nữa.
Chú Trường đi ra. Thấy Chiêu, chú nhìn Chiêu đăm đăm khiến Chiêu rất ngượng vì bữa nay Chiêu mặc chiếc áo dài mới, chiếc áo màu xanh da trời có những cây thông khô màu trắng in nơi vạt áo, kiểu áo rất hợp với mùa Giáng Sinh.
Khi Chiêu bước vào, chú Trường nói:
- Chiêu có chiếc áo đẹp quá!
Chiêu đỏ mặt. Cô đưa món quà cho bé Trâm. Nó ôm lấy với vẻ thích thú. Nhìn bó hoa hồng trong tay Chiêu, chú Trường hỏi:
- Mua hoa làm gì nữa đây, cô bé?
- Mang vào bệnh viện tặng thím chứ không phải tặng cho chú đâu- Chiêu lấy cái hộp nhỏ gói bằng giấy màu xinh xắn nói tiếp- Còn cái này thì tặng chú, nhưng cấm coi bây giờ. Đúng nửa đêm hãy mở ra coi và không được cười cháu gì hết nhé!
Bé Trâm ôm chân Chiêu, nó ngước cặp mắt đen láy hớn hở nhìn Chiêu nói:
- Dì Chiêu bữa nay đẹp ác luôn!
Chú Trường cười lớn làm Chiêu càng ngượng. Chiêu mở gói giấy lấy búp bê ra cho Trâm, hỏi nó:
- Trâm thích không?
Nó toét miệng cười:
- Ồ, đẹp ghê hồn bố ơi! Một con búp bê tóc vàng.
- Nó biết hát bài hát mừng Giáng Sinh nữa đấy.
Chiêu vừa nói vừa lên giây cót và con búp bê vừa chớp mắt vừa hát bài Jinle bells làm bé Trâm sáng mắt, sung sướng cười hoài. Nó ôm lấy búp bê và quay ra với trò chơi lên giây cót để nghe bài hát rộn rã phát đi phát lại vang cả phòng.
Chiêu ngồi xuống ghế, thở ra một hơi dài:
- Phố bữa nay đông ghê, Chiêu chen chân không lọt.
- Tối nay Chiêu định đi đâu?
- Vào thăm thím rồi đi đâu thì đi.
- Dĩ nhiên, nhưng phải có chương trình gì hay ho chứ, không lẽ cứ chen nhau đi dạo phố, chú ngán lắm! Bây giờ chú đề nghị một chương trình như thế này.
Chiêu mỉm cười:
- Chú nói thử xem.
- Trước hết đi dạo phố cho bé Trâm xem đồ chơi, giờ này tương đối còn thưa người. Khi thấy đông người mình sẽ chuồn vào Diamond Plazza xem phim, tan xuất phim tới nhà thờ Đức Bà xem lễ và sau đó ra một quán ăn ngoài bờ sông.
Chiêu háy mắt:
- Chương trình có vẻ không ổn rồi chú ơi!
- Sao thế?
- Giáng sinh người ta đi chơi chứ ai chui vào ciné, vả lại cũng chẳng có phim nào hay đâu. Chiêu đề nghị một chương trình tự do. Tới đâu hay tới đó, mình không bị ràng buộc gì cả, thế thích hơn!
- Cũng được.
- Vậy sửa soạn rồi đi, cháu thấy mình có rất ít thì giờ đó chú!
- Chiêu chờ chú một lát.
Chiêu gọi bé Trâm lại và loay hoay sửa soạn cho nó đến khi chú Trường trở ra.
- Xong chưa?
- Xong rồi chú.
Bé Trâm khoe:
- Dì Chiêu sửa soạn cho con đẹp không bố?
- Dĩ nhiên là phải đẹp, dì Chiêu của là số một mà.
- Bố có thương dì Chiêu không hả bố?
Cả hai không ngờ bé Trâm hỏi một câu như vậy. Chiêu cũng nhận ra nét bối rối trên khuôn mặt chú Trường. Chú khẽ liếc nhìn sang Chiêu. Dĩ nhiên là Chiêu đỏ mặt quay đi để tránh cái nhìn của chú. Bé Trâm ngơ ngác trước câu hỏi của mình mà chả được ai trả lời. Cuối cùng, chú Trường nắm tay bé Trâm bảo:
- Thôi mình đi.
Chiêu đi bên cạnh hai bố con. Khoảng sân đã dày đặc bóng tối. Cùng với không khí se lạnh, Chiêu nghe thấy hương thơm của hoa mận tỏa ngát chung quanh mình.
Lên xe, chú Trường hỏi:
- Đi đâu bây giờ?
Chiêu mân mê những đóa hoa hồng ôm trong vòng tay nói:
- Vào bệnh viện thăm thím trước đã chú.
Chú Trường lái xe ra ngõ và nói:
- Quà của Chiêu có ý nghĩa lắm, chắc Phiến rất vui khi thấy Chiêu vào thăm.
- Chiêu cũng hy vọng thế, nhưng Chiêu vẫn thắc mắc không biết thím đau gì mà có vẻ trầm trọng thế hả chú?
Đôi mắt chú Trường tối lại một cách buồn bã:
- Một chứng bệnh không thể chữa trị.
- Chú có buồn không?
Trường ngẩn người một chút nhưng chàng vội cười:
- Chú không có quyền buồn.
Từ đó, chú Trường giữ im lặng mãi cho đến khi tới bệnh viện. Lúc bước xuống xe, chú Trường nói:
- Phiến nằm trên lầu 1, đi ngõ kia.
Chiêu nắm tay bé Trâm dắt nó đi theo chú Trường. Đây là lần đầu tiên Chiêu bước vào một bệnh viện như thế này. Những con đường được tráng nhựa đen bóng và giữ sạch sẽ gần như không có một mảnh giấy vụn, ngoại trừ đám lá nhỏ li ti vàng úa rụng xuống từ hàng cây mọc dài theo ven đường. Rải rác khắp nơi là những chiếc băng đá, một vài ngọn đèn ở các góc đường soi rõ màu xanh của những bãi cỏ, bóng của các khóm cây rung rinh.
Phòng thím Phiến ở cuối dãy hành lang. Chú Trường đẩy nhẹ cánh cửa đi vào. Chiêu và bé Trâm bước theo. Bà vú cũng đang có mặt trong phòng. Phiến nằm trên giường đắp chăn, vẻ mặt bình thản và xanh mướt. Chiêu không ngờ thím Phiến lại có thể khác xa hồi gặp ở Đà Lạt đến như vậy. Bây giờ người đàn bà đang nằm đó, Chiêu không thể nào ngờ rằng chính là người đàn bà mình đã gặp cách đây không lâu. Nụ cười gượng gạo nở trên môi thím Phiến khi thấy Chiêu bước vào. Bé Trâm nhảy lên ngồi bên cạnh mẹ. Nó nói rối rít và khoe đã được Chiêu tặng quà, Chiêu đứng tần ngần không biết làm gì vời bó hoa ôm trong tay.
Cuối cùng, Chiêu đặt bó hoa trên chiếc bàn nước kê ở đầu giường, nói nhỏ nhẹ:
- Chiêu tặng thím bó hoa hồng ngày lễ Giáng sinh.
Thím Phiến cười, nắm bàn tay Chiêu kéo tới gần. Chiêu ái ngại ngồi xuống chiếc ghế thấp đặt sát bên giường thím.
Giọng nói người đàn bà yếu ớt:
- Không ngờ tối nay Chiêu vào thăm tôi.
- Thím khỏe nhiều chứ?
Cũng chỉ với một nụ cười gượng gạo nở trên môi, người đàn bà chớp mắt trong một sự xúc động nào đó. Chiêu không biết nói gì hơn là ngồi nhìn gương mặt tái nhợt của thím Phiến.
Bé Trâm nói:
- Tối nay dì Chiêu đưa con đi xem lễ, ngoài đó vui lắm!
- Con có thương dì Chiêu không?
- Dạ thương.
- Nhiều không?
- Dạ nhiều.
Đôi mắt người đàn bà như sắp khóc, Chiêu bối rối trước đôi mắt ấy hướng về phía mình. Chú Trường nãy giờ im lặng, bây giờ bỗng nhiên chú lên tiếng:
- Tôi đi xuống dưới mua một bao thuốc lá.
Chú Trường mở cửa đi ra. Thím Phiến nhìn quanh căn phòng và vẫn dùng bàn tay lạnh giá nắm lấy tay Chiêu:
- Chiêu đẹp lắm!
- Thím khen làm Chiêu ngượng.
- Thấy bé Trâm thương mến Chiêu làm tôi sung sướng. Nó rất cần tình thương, tôi đau hoài nên không ở nhà chăm sóc được cháu được, Chiêu biết không, một tháng tôi nằm bệnh viện hết hai mươi ngày. Đời sống kéo dài như thế mấy năm rồi, bây giờ tôi mong được giải thoát...
Chiêu nói:
- Rồi thím sẽ khỏi bệnh, thím sẽ về nhà. Bé Trâm sẽ vui.
Người đàn bà cười một cách cay đắng, tuyệt vọng:
- Tôi có cảm tưởng mình chẳng bao giờ trở về nhà nữa!
Chiêu không biết nói gì. Những câu an ủi nói ra trong lúc này có thật sự cần thiết không hay lại mang đầy vẻ khách sáo giả tạo. - Chiêu bao nhiêu tuổi nhỉ?
Ngạc nhiên không hiểu thím Phiến hỏi để làm gì nhưng Chiêu cũng nói:
- Chiêu sắp sửa hăm mốt tuổi.
- Chiêu học gì tôi quên mất?
- Dạ... làm nghề gõ đầu trẻ.
Chiêu cười cho câu nói đùa của mình. Thím Phiến cũng cười và không hiểu sao người đàn bà nói một cách đầy xúc động:
- Tôi mến Chiêu lắm! Và chắc Trường cũng mến Chiêu.
Chiêu thấy se lòng vì câu nói đó. Chiêu ngượng nghịu mân mê vạt áo dài của mình.
- Tối nay Chiêu không đi chơi đâu à?
- Dạ không. Vào thăm thím, đưa bé Trâm đi chơi một lúc rồi về nhà.
- Chiêu có đạo không?
- Dạ không.
- Chiêu tin định mệnh chứ?
Chiêu gật nhẹ đầu. Chú Trường trở lên, chú cũng bắc một chiếc ghế ngồi trước thím Phiến.
- Em có cảm tưởng đêm nay sẽ không ngủ được. Bác sĩ vừa chích cho em mũi thuốc ngủ.Thôi anh đưa con đi chơi với dì Chiêu đi, em nằm đây để chờ giấc ngủ tới.
Chú Trường hỏi:
- Em có cần gì không?
- Không. Em chỉ cần ngủ. Em mệt quá.
Sau khi đưa bé Trâm về nhà để bà vú cho nó ngủ, chú Trường đưa Chiêu về. Bây giờ chưa nửa đêm, không khí thấm lạnh cùng với những cơn gió xao xác thổi qua các tán cây trên đầu. Chiêu ngước nhìn lên một bầu trời đen đặc. Có lẽ trời sắp mưa. Quang cảnh vẫn nhộn nhịp trên các con đường gần trung tâm thành phố.
Chú Trường bỗng hỏi:
- Chiêu muốn đi đâu chơi nữa không?
Chiêu nói:
- Chú phải vào bệnh viện với thím. Chúng ta đi nhiều rồi, hơn nữa hình như trời cũng sắp mưa.
Chú Trường ngước mắt nhìn ra bên ngoài chép miệng:
- Ừ, trời sắp mưa thật! Tối nay Chiêu đẹp lắm!
- Chú cho Chiêu đi tàu bay giấy chi vậy?
- Thật. Chú khen thật lòng, không phải nịnh Chiêu đâu.
Chiêu bị xúc động trước lời khen của chú Trường. Dĩ nhiên Chiêu hiểu chú khen thật và buổi tối hôm nay cũng tràn đầy xúc động. Nhớ lại bữa ăn tối trên một chiếc tàu nổi ngoài bờ sông, gió mát và lần đầu tiên Chiêu uống một ly rượu khai vị. Chất rượu trắng, trong suốt, vừa chua vừa ngọt và mùi thơm quyến rũ làm sao! Chiêu có cảm tưởng hai gò má cô như hơ nóng trên ngọn lửa, nóng bừng. Ngồi giữa đám đông nhưng không ồn ào, chú Trường và bé Trâm, Chiêu thấy có một cái bóng hạnh phúc nhẹ nhàng phủ lên chung quanh Chiêu. Người Chiêu lâng lâng, tâm hồn như mở rộng ra cùng với đêm, tiếng sóng êm đềm phía dưới, gió mát, niềm vui. Chú Trường không nói gì nhưng hình như cả hai đều hiểu rõ ý nghĩ của nhau trong lúc đó? Chiêu vừa sung sướng vừa bàng hoàng run sợ trước ý nghĩ ấy.
- Chiêu đang nghĩ gì?
- Về chú.
- Chú làm sao?
- Không biết, nhưng Chiêu đang nghĩ rất nhiều về hoàn cảnh của chú.
Chiếc xe quẹo vào một con đường vắng. Chiêu nhìn ra hai hàng cây xanh đen chạy dài hun hút về phía trước. Bóng đèn đổ xuống một thứ ánh sáng nhạt và lạnh như mặt đường đen bóng lướt đi phía dưới. Chiêu vẫn nghĩ tới gương mặt thím Phiến, đôi mắt đó đã nhìn Chiêu bằng một cái nhìn vừa thân mật vừa trách móc, vừa cởi mở vừa bí ẩn. Chiêu có cảm tưởng mình đã phạm một tội lỗi nào đó đối với vợ chú Trường, ít nhất cũng bằng mặc cảm ngồi cùng xe, đi dạo phố, đi ăn và cả khi vào nhà thương thăm thím Phiến. Chiêu không ngờ mình rơi vào trường hợp này một cách dễ dàng. Chiêu như người bị hấp lực của dòng nước khi đứng trên một chiếc cầu cao và dòng nước chảy xiết, sâu thăm thẳm ở phía dưới. Chiêu dễ dàng chóng mặt và dễ dàng rơi xuống mà không chống cự lại được.
Chú Trường hút thuốc, chú châm lửa bằng cái bật lửa của Chiêu vừa tặng chú. Khói thuốc thơm vờn trong lòng xe.
- Chắc giờ này bé Trâm đã ngủ?
Chú Trường nói:
- Tội nghiệp con bé! Chẳng hiểu rồi sẽ ra sao? Nó gần như mất mẹ.
- Thím Phiến sẽ khỏi mà chú!
Trời bắt đầu mưa. Những giọt mưa lạnh bắn vào mặt Chiêu, tuy nhiên mưa có vẻ không lớn lắm.
Chiêu nói:
- Lễ mà mưa chắc hết vui!
Hai người ngó nhau cười. Xe chạy dưới cơn mưa thật thú vị. Gió lạnh và nước mưa không ngớt thổi vào mặt, Chiêu có cảm tưởng đang đứng trên một tảng đá gần mặt biển.
Về tới trước cổng, Chiêu hỏi:
- Như vậy chú không vào nhà chơi một lúc sao?
- Chú về, phải vào bệnh viện ngay.
- Chúc chú ngủ ngon!
Chú Trường cười:
- Chúc cái gì lạ vậy?
- Chúc chú một Giáng sinh vui vẻ.
Chiêu mở cửa nhảy xuống và chạy ngay vào dưới khóm cây để tránh mưa. Chú Trường tắt đèn xe phía trước nhưng chú chưa quay xe ra ngõ, chú vẫn ngồi yên trên xe. Cơn mưa ào ạt đổ trên lá. Có lẽ tóc Chiêu đã ướt đẫm nước. Con ngõ vắng tanh, đầy bóng tối.
Chiêu hỏi lớn:
- Sao chú chưa chịu về?
- Sao Chiêu chưa chịu vào?
- Chú về Chiêu sẽ vào ngay.
- Chú ở đây chờ Chiêu vào rồi chú về.
Chiêu mỉm cười và chạy lốc thốc dưới những giọt mưa vào nhà. Chiêu đi tắm, thay quần áo khô rồi nằm lăn ra giường nhìn lên trần nhà hồi tưởng lại những gì đã trôi qua trong đêm Giáng Sinh. Tiếng mưa gõ bên ngoài cửa sổ ngày càng lớn. Một lúc Chiêu choàng dậy đi pha trà rồi mở mở nhạc. Chiêu vẫn có cái thú ngồi một mình nghe nhạc lúc nửa đêm.
Vô tình trong đĩa nhạc đang hát có một bản nhạc nói về Giáng sinh. Những câu hát êm đềm vang khắp căn phòng yên tịnh.
“Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn mênh mang.
Giây phút như ngừng trôi. Tiếng kinh muôn lời.
Dáng xinh xinh bao tiên kiều.
Quỳ nâng thánh kinh ban chiều.
Trong giáo đường đêm Noel ấy. Ngàn đời tôi mến yêu...”.
Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang một cách bất ngờ. Chiêu nghe máy và nhận ra giọng nói của chú run run của chú Trường:
- Alô! Tôi muốn nói chuyện với cô Chiêu.
- Chiêu đang nghe chú đây.
- Chiêu...
Giọng chú Trường bỗng yếu hẳn đi, đầy xúc động:
- Chú phải gọi cho Chiêu ngay vì có chuyện bất ngờ. Chiêu biết không, Phiến vừa trở bệnh, ngất lịm. Bác sĩ trực tới ngay để cấp cứu nhưng không cũng bất lực thôi, Phiến đã chết!
Chiêu kêu lên:
- Trời ơi!
- Bây giờ khuya lắm và trời đang mưa lớn, Chiêu không thể đi được rồi. Sáng mai Chiêu tới với bé Trâm... được không? Hơn bao giờ hết, nó cần Chiêu.
- Dạ, sáng mai Chiêu sẽ tới. Còn gì nữa không chú?
- Thôi, chú lo được.
Chú Trường đã cúp máy. Chiêu thẫn thờ một lúc rồi cũng gác máy. Sao lại như vậy được nhỉ?
Chiêu như muốn òa lên khóc.
“ Chú Trường kính mến!
Khi chú nhận được thư này, Chiêu đã rời khỏi Sài Gòn. Chiêu đi Đà Lạt thăm nhỏ bạn. Đó là một lý do không chánh đáng bên cạnh lý do chánh của Chiêu mà chỉ có một mình Chiêu hiểu hoặc một người khác có thể hiểu được, là chú! Chiêu biết chú sẽ ngạc nhiên, nhưng Chiêu không thể nào sống ở Sài Gòn bên cạnh những biến cố đã xảy ra cho chú và cho cả Chiêu nữa. Chiêu phải đi vắng một thời gian, ít nhất là một thời gian để đủ tạm nguôi lòng mình trước khi trở về tiếp tục việc học.
Chiêu xin lỗi đã không tới chơi với bé Trâm trong những ngày buồn bã của bé vì mất mẹ. Chiêu cũng không làm sao an ủi được chú bởi Chiêu tin là chú chịu đựng được. Vả lại, mọi chuyện rồi cũng qua. Thím Phiến bây giờ chắc đã được thanh thản với thế giới riêng của thím rồi.
Chiêu viết thư này vào lúc sáng sớm, trước giờ ra bến xe và Chiêu không ân hận điều gì cả, chỉ cảm thấy hơi có lỗi với người đã chết. Nhưng Chiêu đã làm gì? Có thể Chiêu đã hiểu tình cảm của mình ra sao nhưng giữa Chiêu và chú đã có một khoảng cách, Chiêu và chú chỉ có thể tới gần nhau, nhận ra người này cách người kia bằng một bức tường trong suốt, thấy nhau mà không thể bắt tay nhau được. Chiêu có xem một phim tình yêu. Trong phim, nhân vật chính đã nói với người yêu của mình rằng: “Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói hối hận”. Chiêu cũng muốn nói với chú như thế đó.
Hai năm nữa có phải là một khoảng thời gian quá dài để nói một chuyện quá sớm? Nhưng Chiêu dự định khi ra trường sẽ xin đổi đi tới một thành phố miền cao nguyên, không phải Đà Lạt đâu, một thành phố nào khác càng xa xôi hẻo lánh càng tốt, hoặc là một thành phố vùng biển. Chiêu sẽ dạy học, sống bình thản với những ngày tháng đó để chờ đợi một thay đổi cho đời mình. Không biết sẽ là vui hay buồn, nhưng bao giờ mà người ta chả mong một niềm vui tới, chú nhỉ?
Nhưng đó là tương lai, hiện tại Chiêu vẫn còn là một người đeo đuổi một mục đích, Chiêu vẫn còn là học trò. Đố chú biết Chiêu ăn sinh nhật hai mươi mốt tuổi của mình vào tháng nào, ngày nào? Nó mới đây thôi, sau đêm Giáng sinh và trong ngày hôm nay. Chú ngạc nhiên?
Thôi, Chiêu ngừng. Có lẽ Chiêu ra bến xe ngay bây giờ. Chúc chú gì nhỉ? À, vẫn là một lời chúc đẹp nhất kèm theo nhiều may mắn đến với chú và bé Trâm.
Cháu của chú
Chiêu “
Chiêu đọc lại bức thư một lần nữa rồi mới bỏ vào trong phong bì dán kín lại. Chiêu đề tên chú Trường, địa chỉ của chú và rồi bức thư sẽ tới nơi mà nó cần tới.
Sáng nay trời mù đục như sắp sửa có mưa, nắng không thể nào xuyên qua những đám mây nặng trĩu đó được. Chiêu đã sửa soạn xong hành lý và sẽ rời thành phố này trên chuyến xe tốc hành vào lúc tám giờ.
Ngay trong chiều nay, Chiêu sẽ tới một thành phố khác. Ở đó chắc chắn những cơn mưa sẽ không giống những cơn mưa ở đây, Chiêu sẽ chỉ còn lại bằng một hồi tưởng lạnh của mình về những cơn mưa ào ạt tới trong thành phố này, cùng với những kỷ niệm ngậm ngùi vương theo mỗi bước chân đi trong một mùa Giáng sinh đáng nhớ của thời con gái!
Hôm nay Chiêu trưởng thành, Chiêu hăm mốt tuổi. Ngày sinh nhật buồn tênh, âm thầm trên một chuyến xe rời thành phố đi trong mưa.