Việt Văn Mới
Việt Văn Mới











BÀ BỐN QUẸO





- Đ ứa nào lấp ló đấy, hở?

     Nghe tiếng nội, Hùng vội chạy núp sau lò gạch. Phấn nói với bà:

     - Ai đâu mà lấp ló? Nội hoa mắt đấy thôi, con đâu thấy ai.

     - Ừ hén! Già, nên mắt yếu rồi chăng? Nhưng bà như thấy có đứa nào thập thò trước gian phòng của mấy con nhỏ ấy!

     - Không có đâu bà, con không thấy gì thiệt mà.

     - Ông Hai mà bắt được là chết với ổng.

     Phấn trấn an bà nhưng đôi mắt cứ liếc sang gian phòng mấy cô gái, nó biết anh trai nó tò mò dòm thử mấy cô ấy làm gì. Phấn an tâm khi thấy Hùng chạy trốn ra phía sau, nó an ủi bà:

     - Mắt yếu, mua thuốc dầu cá uống nha nội!

     - Kệ con ơi! Tiền bạc đâu mà thuốc với thang, tao lo cho hai anh em mày học tới nơi tới chốn, đứa nào cố gắng tao cho học miết, còn dở quá thì nghỉ ráng chịu à nghen.

     - Dạ! Con sẽ cố gắng, anh Hùng cũng vậy, không phụ lòng nội đâu.

     - Ừ! Ráng mà học kiếm cái chữ, thời buổi nào có học vẫn hơn. Người ta nói một, mình hiểu hai ba, chứ người ta nói mười mình hiểu một, thì uổng kiếp này lắm. Có được thân người không dễ đâu con!

     - Dạ! Con biết rồi!

     - Không biết bây giờ con Huyền lưu lạc chốn nào? Sống ra sao? Mà thôi kệ nó đi, cái số cả. Con chị mày số khổ, tội nghiệp!

     Phấn nghe bà nhắc đến chị, lòng đau như cắt, không biết giờ lang thang nơi nào? Ba chị em mồ côi cả ba má, sống với bà, dù bà không ruột rà, máu mủ, nhưng thương chị em nó hết mực. Tấm lòng của bà thật bao la - nó hiểu, nhưng không biết bày tỏ thế nào, chỉ biết nhìn bà với đôi mắt thương yêu, không nói thành lời. Bỗng nhiên, Phấn cầm tay bà mân mê:

     - Con thương bà! Thương quá đi!

     - Cha mày! Thương thì ráng học nghen!

     - Dạ!

     Bà có biệt danh là bà bốn Quẹo từ hồi còn rất trẻ, bởi tay bà có tật từ khi mới sinh ra. Bà mở quán nước và tạp hóa ở lò gạch ông Hai Thanh bán cho dân xóm Tre và khách qua lại trên đường. Trong xóm chỉ có quán bà nên buôn bán cũng tạm đủ cho bà cháu qua ngày.

Ngày trước, bà lấy chồng ở trên đất đỏ, mỗi lần về thăm nhà đi bộ hơn nửa ngày mới tới nơi. Chồng bà là người đàn ông góa vợ, có ba người con trai còn nhỏ dại. Bà về làm vợ ông chưa được năm năm thì ông vội bỏ bà ra đi, khi chưa có với bà mụn con nào. Bà coi ba người con chồng như con mình rứt ruột đẻ ra, thương yêu hết mực. Một tay bà nuôi nấng các con trưởng thành, lo xây dựng gia đình cho các con. Các người con của bà cũng rất mực yêu thương mẹ, coi bà như người mẹ ruột thịt đã sinh ra họ.

Cuộc sống của gia đình bà êm đềm giữa làng quê mộc mạc, yên vắng. Nhưng rồi, khói lửa bỗng tràn ngập xóm quê, tiếng súng, tiếng máy bay ầm ĩ hằng ngày; khiến người dân quê bàng hoàng, lo sợ. Mùa hè năm 1965, vợ chồng anh con trai giữa của bà chết trong một trận càng, bỏ lại ba đứa cháu nội còn nhỏ. Thế là bà trở thành “người mẹ” lần nữa, nuôi các cháu nhỏ, như đã từng nuôi cha của chúng. Cả làng ai cũng kính phục người bà tật nguyền, có tấm lòng nhân hậu, bao la như bà.

Một ngày, bà rời làng dắt theo các con cháu của chồng về quê mình kiếm sống. Bà nhờ ông Hai Thanh (người em họ của bà) nhận các con bà vào làm ở lò gạch của ông. Hằng ngày các con bà xả đất, nắn gạch, người chụm lò, người phụ đưa gạch lên xe. Cuộc sống ổn định dần.

Ba người cháu nội mồ côi - Huyền là chị lớn, bà cho vào Nha Trang học may, Phấn và Hùng đi học, một buổi ở nhà phụ giúp bà trông coi quán.    

  Huyền học may lành nghề về cùng bà chăm sóc hai em. Nàng dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, lại xinh đẹp, được nhiều người yêu mến. Trong làng, có nhiều chàng yêu thương muốn cưới nàng làm vợ, nhưng nàng không dám yêu thương ai, vì còn phải giúp bà nuôi hai em nhỏ.

Trong một kỳ nghỉ hè, Lân về thăm quê. Gặp Huyền, anh ngẩn ngơ bởi đôi mắt sâu thẳm của nàng cuốn hút. Ngày nào anh cũng tìm cớ qua tiệm may để được gặp và trò chuyện với nàng. Trong lòng nàng, một tình cảm mới lạ xôn xao làm nàng xao xuyến, rồi nàng lo sợ mình phận mồ côi không xứng với anh. Nàng cũng như anh, nỗi nhớ cứ lao xao, chờ đợi, mong được gặp mặt nhau để thỏa lòng mong nhớ.

Một hôm, anh mua xấp vải mang đến nhờ nàng may cho anh chiếc áo. Anh nghĩ, sẽ như có nàng bên cạnh khi mặc chiếc áo nàng may. Bước vào nhà, anh ngần ngại:    

  - Nhờ Huyền may giùm anh chiếc áo, được không em?.    

  Nàng cười:     

 - Huyền may anh đừng chê xấu à nghen! Em quê mùa, gốc rơm, gốc rạ, sợ may không hợp với người thị thành thì sao?   

   Anh cười:    

  - Anh cũng dân quê chứ có hơn gì ai, em may chắc chắn anh rất thích.   

   - Huyền không dám đâu! Người quê như em sao sánh với dân thị thành?.    

  Anh cầm tay nàng, mạnh dạn:    

  - Ước gì Huyền vá giùm cuộc đời anh.     

 Huyền rút tay về, giọng khẽ khàng:   

   - Cuộc đời anh làm sao mà phải vá? Anh cứ đùa!    

  - Gặp em, tự nhiên trái tim anh đập mạnh, đau chứ sao!   

   Nàng e thẹn cúi đầu nói nhỏ, như thì thầm với chính mình:    

  - Biết anh có nhớ em mãi không hay ít bữa vào thành phố rồi quên mất cô gái quê này?    

  - Anh sẽ nhớ mãi cô thợ may xinh xắn này, mãi mãi...   

   Từ đó, anh siêng về thăm quê hơn. Nỗi nhớ nàng ngày càng thắm thiết, nàng như mùa xuân mang yêu thương đến cuộc đời anh. Anh mong đến ngày ra trường và xin phép mẹ để cưới nàng làm vợ. Những cánh thư yêu thương anh gởi về, nàng trân quý cất giữ như báu vật, lòng rộn ràng mơ ước một ngày được sánh duyên cùng anh.  

    Ra trường, anh về làm việc bên thị xã, thuê một phòng trọ chuẩn bị tháng sau tổ chức cưới xong sẽ đưa nàng về cùng. Thuở ấy ở quê anh, trai gái trong làng tối tối kéo nhau lên xóm Mới ngủ nhờ nhà bà con, sáng trở về, không ai dám ngủ ở nhà.

Chiều thứ bảy nào anh cũng về thăm nhà. Buổi tối, anh lên nhà cô Ba ở xóm Mới ngủ như bao thanh niên nam nữ trong làng, sáng mới về nhà. Hôm ấy, trời chưa hừng sáng, bà Bốn đang nấu ấm nước bỗng nghe tiếng nổ lớn, liền nói:    

  - Chết cha! Đứa nào về sớm mang mìn nổ rồi không biết?     

 Một lát nghe tiếng xôn xao từ ngoài dốc Dòi, Hưng bạn của Hùng chạy vào sân la lớn:   

   - Anh Lân về sớm vướng mìn chết rồi chị Huyền ơi!    

  Cả nhà bùng dậy. Huyền lao nhanh ra dốc Dòi, mọi người chạy theo. Lân nằm bất động trên vũng còn đỏ tươi, hai chân dập nát. Nàng bàng hoàng nhìn anh sửng sốt, bỗng hét lên một tiếng rồi ngã xuống đường bất tỉnh. Mọi người vội đưa nàng vào nhà, xoa bóp, cấp cứu. Một lát, nàng tỉnh dậy, ngơ ngác như người mất hồn. Cái chết của Lân đã làm nàng như bị tâm thần khi tỉnh khi say.      

Càng ngày bệnh nàng càng nặng, thường đội nón đi trong vô thức, miệng lẩm nhẩm không ai nghe rõ nàng nói gì; đôi khi phá lên cười thật to như một con người khác, không phải là nàng. Đôi mắt ngây dại nhìn vào phía trước như nhìn vào khoảng không vô tận. Bà Bốn chạy đôn, chạy đáo, rước thầy về chữa cho cháu nhưng vô hiệu. Huyền đi lang thang dù xa hay gần chiều cũng biết đường về nhà, lâu rồi nặng hơn không về nữa, bà Bốn phải đi kiếm. Một sáng mùa đông, Huyền ra đi từ sớm và không bao giờ trở về nữa dù bà Bốn tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy bóng nàng đâu cả. Mọi người trong làng chép miệng “tội nghiệp” khi nhìn thấy bà và hai đứa cháu còn lại.    

   Phấn học lớp ba, Hùng lớp nhất trường Cơ Bản. Hai anh em học rất chăm chỉ không bỏ buổi học nào dù trời mưa hay nắng, nó biết bà cực khổ lo cho hai anh em, nên cố gắng học. Sáng nào cũng được bà khui hộp cá cho hai đứa ăn với bánh tráng rồi đi học. Trưa được ly nước chanh hoặc nước đá hột é, coi quán cho bà đi ngủ, tha hồ tám chuyện, nói nhau nghe đủ thứ chuyện đã nhìn thấy.

Phấn khuấy ly nước đá hột é hớp một miếng, rồi nói nhỏ vào tai Hùng như sợ ai nghe thấy:    

  - Hồi sáng ông có thấy người chết nằm trước cửa chùa ở ngã tư không? Eo ơi! Thấy mà ghê!     

 - Nằm ngay chỗ đi qua, có đui cũng thấy, huống chi anh mày mắt sáng quắt.   

   - Ở đâu ra mà nằm vậy ông? Lạ thiệt!     

 Hùng ra vẻ trầm tư suy nghĩ:     

 - Thì cũng ở đâu đó... - bỗng nó rùng mình, eo ơi! Lạnh cả xương sống!    

  - Tui thắc mắc ghê! Người chết như ... (giọng ngập ngừng) con gà, con vịt, thấy bắt sợ!      

- Mày đừng kể cho nội biết bà la đó, đi học thấy gì hay nấy đó nghen. Đừng có đứng nhìn, nhào vô xem về ám ảnh ngủ không được đó.     

 - Tui biết rồi. Thôi, không suy nghĩ chi, mệt!. Ông cho thêm muổng hột é vào ly uống cho đã coi.   

   - Trời ạ! Để bà bán, mày uống cho cố vào hết cả vốn của bà đó con!     

 Phấn cười khì lấy lòng Hùng:     

 - Gì mà ông nói hết vốn! Cho thêm chút nữa đi, bà ngủ rồi không sao đâu. Hột é ngon quá, nhai cứ lạo xạo thấy vui.   

   - Đưa đây bà cô! Cho chút xíu nữa nè!      

 Cuộc sống êm đềm trôi theo ngày tháng, đôi lúc hai đứa chạnh lòng nhớ đến chị Huyền nhưng rồi chỉ nhớ thương không biết phải làm gì. Ba má mất sớm hai đứa không nhớ gì nhiều những kỷ niệm về ba má, nhưng nỗi buồn lớn dần khi nhìn thấy bạn bè có một gia đình đầy đủ cha mẹ, anh chị em; còn mình thì chỉ có nội, dù nội có lo cho nó thật đầy đủ, nó vẫn như thấy thiếu. Nhiều lúc nhìn chúng bạn nó thấy tủi thân, xót xa trong lòng.

    


♣♣♣

   

  Một buổi tối nọ, bà đưa hai anh em Hùng và Phấn lại nhà ông ba Chung, mọi người xóm trong đi ngủ tập trung ở đó khoảng gần hai mươi người, toàn trẻ em và người già, bao nhiêu trai thanh niên nam nữ đi lên xóm Mới ngủ hết - để xem tốp lính Đại Hàn ca hát. Một người lính Đại Hàn thấy Phấn dễ thương, liền ẵm đặt ngồi trên đùi, miệng nói một tràng dài không ai hiểu gì. Bà Dư cười nói:

     - Nó nhớ con nó đấy, cứ ngắm con nhỏ không chớp mắt.    

  Mọi người cười theo người lính. Ông Bảy Tạo cảm thấy không an tâm:   

   - Nó nói gì vậy trời? Hay nó muốn bắt con Phấn về nuôi.     

 Bà Bốn nghe ông Bảy nói thế hoảng hốt:   

   - Nó bắt làm gì ông? Ai nuôi cho nó? Nhưng mà sao nó cứ ôm con nhỏ không thả vậy bà con? Sao tự nhiên tui sợ dữ he.    

  - Thì nó nhớ con nó chớ sao, một lát nó thả chứ giữ làm gì. Dù sao nó cũng là người, có thương có nhớ, nên khi thấy trẻ nhỏ nhớ con mình vậy thôi.     

 Bà Bốn cười nhưng trong lòng bắt đầu lo:    

  - Lạy trời như lời bà nói, một lát nó thả con nhỏ, chớ lỡ nó bắt thì chết tui.     

 Người lính Đại Hàn thích thú nhìn Phấn cười tít mắt, nói một tràng như đang nói chuyện với con mình, làm mọi người càng lo lắng. Trời tối dần, người lính vẫn không chịu thả Phấn, khiến ai cũng cảm thấy bất an. Bà Dư nói:    

  - Bà Bốn này! Có cơ hội là dắt nó chạy trốn đi nhé! Tui thấy sợ rồi đấy!    

  - Ừ! Chắc vậy!

Bà Bốn chờ hoài mà chẳng có cơ hội nào để dắt cháu chạy. Trời càng về khuya, lòng bà rối bời, thắp thỏm; bỗng bà mạnh dạn bước tới trước mặt người lính Đại Hàn vừa nói vừa khóc, vừa chỉ tay ra dấu, rằng: “Bà còn phải đưa cháu về ngủ, để sớm mai còn đi học nữa”. Người lính Đại Hàn như hiểu ra, thấu được nỗi lo lắng của bà, liền nói một tràng dài, đưa tay vuốt mái tóc Phấn và thả ra. Bà Bốn mừng rỡ vội dắt cháu chạy đi, sợ người lính kia đổi ý. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Hùng vừa chạy bên bà, vừa nói:    

  - Sao mấy chị em con gặp toàn chuyện buồn không vậy nội?.    

  Bà Bốn an ủi:     

 - Còn bà đây chi, tụi con có phước lắm mới được làm cháu bà đấy! Các con đừng lo, trời không nỡ phụ người có tâm đâu con.     

 -Thương bà quá đi!

Bà Bốn đưa cháu qua ngủ nhờ nhà ông Bảy Tạo, sợ lỡ người lính Đại Hàn đổi ý tìm kiếm thì khổ. Bà ôm cháu vỗ về:    

  - Thôi ráng mà ngủ một lát đi, mai bà cháu mình đi sớm lên xóm Mới ở tạm mấy ngày rồi mới về.     

 Hùng và Phấn nghe lời bà, cố chợp mắt. Bà Bốn nhìn các cháu co ro nằm ngủ, nghe tình thương chan chứa trong lòng, nguyện cầu cho các cháu được an bình, cháu bà đã khổ quá rồi.    

  Sáng sớm hôm sau, bà bốn Quẹo dắt hai cháu lên xóm Mới ở nhà người bà con chơi mấy ngày rồi mới về.    

  Quán nước bên đường của bà Bốn lại mở cửa. Ông hai Thanh dựng ba phòng vách ván trong khu lò gạch, cho ba cô gái phấn son lòe loẹt, móng tay móng chân đỏ chót thuê, khiến anh em Hùng thắc mắc:    

  - Mấy cô đó làm gì ở đây vậy nội? Trét thứ gì trên mặt thấy mà ghê! Móng tay móng chân dài thiệt dài nữa chứ.     

  Bà Bốn la:     

 - Làm gì hỏi chi, mày nhỏ biết gì mà hỏi? Thấy sao hay vậy, nghe chưa? Kệ người ta!.    

  Hằng ngày xe Jeep, xe GMC thường dừng lại, lính vào lò gạch một lát rồi ra. Hai anh em Hùng càng thắc mắc, theo hỏi bị bà la vẫn câu cũ “Nhỏ biết gì hỏi, kệ người ta”. Hai đứa sợ bà nên cũng không dám hỏi nữa. Các cô gái thấy anh em Hùng dễ thương thường mua cho bánh kẹo, có khi chai nước ngọt.   

   Ba bà cháu sống tạm bợ bên lò gạch ông hai Thanh, không biết sẽ ra sao với những ngày tháng sắp tới; nhưng rồi bà nghĩ, thôi cứ ra sao thì ra, người ta sao mình vậy, không lo nghĩ nhiều đau bệnh thì khổ. Những đêm nghe tiếng chó sủa ầm ĩ ở xóm Gò vọng lại, hai anh em sợ hãi nép bên bà run rẩy. Bà cười dỗ dành cháu: “Sợ gì con, một lát mấy ổng đi là hết thôi”. Đêm nghe tiếng súng hoặc máy bay, bà ẵm hai đứa xuống hầm chờ máy bay đi khỏi, tiếng súng yên ắng lại ẵm cháu ra. Hai đứa cháu quen dần, ngủ say, không còn lo lắng nghĩ ngợi chi nữa.    

  Hùng và Phấn đã lên Trung học, không ai biết tin gì của Huyền. Có người cho rằng Huyền đã chết, có người nói nàng đã lấy chồng. Dù vậy bà bốn Quẹo vẫn thản nhiên cùng hai đứa cháu còn lại, bà cho rằng “Trời cho gì nhận nấy, có số cả, giầy dép cũng có số huống chi con người”. Cho nên Huyền thế nào là số của nàng bà không làm sao phụ gánh được.


♣♣♣

       

Sau mùa xuân năm 1975, một buổi sáng Huyền trở về với cái bụng bầu gần tám tháng. Nàng thất thểu vào nhà, quỳ bên bà rồi khóc:     

 - Bà ơi! Tha lỗi cho cháu!     

 Bà Bốn khóc theo nàng, một lát rồi đỡ nàng dậy. Bà hỏi giọng chậm rãi:    

  - Con kể cho bà nghe sự tình thế nào?     

 Huyền quẹt nước mắt, thút thít:    

  - Con không biết gì hết, khi con hơi tỉnh ra thì cái thai trong con đã được ba tháng rồi. Con không dám về nhà, sợ bà xấu hổ vì có đứa cháu như con. Bà con thấy con tội nghiệp người cho gạo người cho thức ăn, có khi nấu sẵn rồi mang cho con. Con sống trong lò gạch bỏ hoang từ lúc nào con cũng chẳng rõ. Hôm nay, gần ngày sinh, con liều trở về xin bà tha thứ. Con không muốn thế, nhưng số phận đã bắt con như vậy nên con phải chịu. Xin bà giúp con!     

  Bà Bốn ôm choàng lấy đứa cháu gái khóc tức tưởi, lưng bà lại càng còng xuống cưu mang cháu rồi chắt dù không ruột rà máu mủ, nhưng bà thương yêu, che chở hết lòng. Bà Bốn lại là “người mẹ” lần nữa với “chắt” sắp chào đời.

Sau khi Huyền sinh no ngày ấm tháng, bà Bốn đưa các cháu trở về quê, dựng lại căn nhà trên nền nhà cũ đã bị bom làm sập. Căn nhà nhỏ mái tranh vách đất thôi, nhưng ấm cúng vui vẻ. Bà càng thương Huyền hơn, cay đắng không biết người đàn ông nào đã vô tâm làm cháu bà có thai khi bị bệnh không biết gì như thế? Bà thấy cuộc đời này sao có nhiều kẻ vô tình, không lương tâm như vậy, người tâm thần mà cũng hại? Bà nghĩ, có lẽ bản năng làm mẹ đã thôi thúc trong nàng, hay đó là sự linh thiêng nhiệm mầu đã làm nàng lành bệnh? Ôi, cũng là một sự sắp đặt của ông Trời, ai mà biết được sẽ ra sao trong cuộc đời này?.

Nàng vốn ít nói lại càng ít nói hơn, chăm chút con mọn mặc ai nói gì. Cuộc sống khó khăn, vất vả lắm mới đủ trang trải. Ngoài may vá, nàng phải đan áo len cho những người trong xóm kiếm tiền và làm mấy sào ruộng nên cuộc sống mấy bà cháu có phần ổn định hơn những người trong xóm. Có mấy chàng trong làng thương nàng nhờ người mai mối, nhưng nàng từ chối, muốn ở vậy nuôi con. Tình yêu đối với nàng như chắp cánh bay mất rồi, có lẽ nàng đã dành cho Lân một tình yêu quá lớn để ôm trong tim mối chân tình của người đã khuất khó mở lòng ra với ai.    

  Đứa con trai của Huyền lớn lên, bi bô ngọng nghịu là niềm vui cho cả nhà. Bà bốn Quẹo mỉm cười, miệng nhai trầu - nhìn thằng bé:    

  - Thằng nhỏ dễ thương quá! Mồ cha nó! Đứa nào vô tâm bỏ con vậy không biết, nhưng có nó vui cửa vui nhà không sao, ai nói gì kệ!.     

 Những lúc như thế Huyền buồn bã lặng thinh, nhìn con trai với ánh mắt đầy yêu thương - nàng nghĩ, đây là đứa con mà ông Trời đã cho nàng, đã giúp nàng trở về với cuộc sống bình thường như trước. Nàng xem đứa con này là của Lân, là lẽ sống để nàng tiếp bước.    

  - Con anh Lân đó bà, thấy giống ảnh không, lúc nào con cũng thấy anh ấy qua thằng bé.    

  - Trời ạ! Con còn quá trẻ, có người nào thương thì ưng đừng sống buồn như thế.     

 - Thôi bà ơi! Có đứa con nuôi được rồi, con không muốn gì hơn.     

 Bà bốn chép miệng “tội nghiệp” nhìn hai mẹ con Huyền. Cuộc đời luôn sóng gió nhưng rồi tất cả cũng qua đi, bà xem đó như là sự thử thách, khuyên cháu vượt qua để sống và nuôi con trưởng thành.   

   Huyền càng mặn mà, xinh đẹp hơn trước, gương mặt trông phúc hậu toát ra từ bên trong làm nhiều người yêu mến. Nàng giống bà, luôn giúp đỡ người neo đơn, khó khăn, sẵn sàng chia sẻ cùng mọi người, dù đời nàng luôn gặp những trắc trở khổ đau.     

 Bà Bốn ngày càng già, bệnh đau liên miên, nàng chăm bà rất chu đáo, yêu kính hết mực. Hôm cháu bà dưới quê lên thăm, thấy bà bệnh liền thưa:    

  - Cô ơi! Cháu đưa cô về quê chăm sóc cho cô tuổi già, cô nhé!. Mai mốt cô có theo ông bà con lo cho cô yên mồ yên mả. Cô không có con thì có cháu, ruột rà vẫn hơn, sợ mai mốt thất lạc.   

   Bà cầm lấy tay người cháu trai con anh Hai của bà, nói rõ ràng:     

 - Đây là nhà của cô, mấy đứa này là cháu của cô. Tuy cô không có mụn con nào nhưng cô coi chúng là ruột thịt không nỡ rời xa. Con thông cảm cho cô, cô không thể!.      

- Nhưng cô ơi! Tụi nó lớn hết rồi, tự lo cho bản thân được. Cô lo dưỡng tuổi già mai mốt có theo ông bà cũng ở nhà mình là tốt hơn.     

 Huyền quì xuống bên bà rồi khóc:     

 - Bà ơi! Lúc nào chúng con cũng xem bà là bà nội của chúng con. Bà ở với chúng con để chị em con có cơ hội trả hiếu cho bà - Quay sang người cháu của bà, chú ơi! Để bà ở đây tụi cháu sẽ lo cho bà đầy đủ. Chú đừng lo, cháu coi bà là bà nội ruột của mình; bao năm qua bà lo cho tụi con, giờ con không thể để bà ra đi như thế. Chú để bà sống cùng với chị em con, con rất biết ơn chú.     

 Người cháu bà cảm động trước tình cảm gắn bó của mấy bà cháu, đôi mắt đỏ hoe:      

- Cháu nói vậy là chú yên tâm rồi, có khó khăn gì cứ nói chú. Bà có sao thì báo liền nghe chưa!.    

  - Dạ! Con cảm ơn chú!     

 Người cháu của bà ra về. Ngày bà càng già, nhưng rất minh mẫn, luôn nhắc nhở chị em nàng mọi việc.     

 Một sáng Rằm tháng bảy, bà ngủ một giấc không bao giờ trở dậy nữa. Bà đã theo ông bà đúng ngày lễ Vu Lan. Đức Phật từ bi đã đón bà về trong tình yêu thương của Ngài, bên sự tiếc thương của tất cả mọi người và những đứa cháu mồ côi.                    

12.2016