Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







TRẢ NGHIỆP




C ó một gia đình vừa tan rã, chia lìa. Tôi là đứa con duy nhất của gia đình đó.

Năm tuổi. Tôi đã phải rời khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ để ra đi với bà nội - người thân duy nhất của tôi bấy giờ. Ba tôi ngoảnh mặt bỏ tôi, mẹ tôi cũng ngoảnh mặt bỏ tôi. Làm như một khi tình yêu đã hết, họ xem tôi là chứng tích của một sự lầm lỡ khó tha thứ. Họ ghét nhau và ghét luôn cả tôi. Bà nội đưa tôi về nuôi. Từ đó tôi sống với người bà nghèo khó nhưng giàu lòng thương yêu. Bà tôi gửi tôi vào một trường mẫu giáo nhỏ hơn, nghèo hơn trường cũ tôi đã từng học khi còn sống với ba mẹ. Dĩ nhiên rồi, vì bà nội tôi chỉ là một bà già đơn chiếc làm nghề bán vé số, không khá giả như ba mẹ tôi. Hồi ấy còn nhỏ quá, tôi chỉ biết khóc mỗi chiều khi các bạn quanh tôi đều có ba mẹ đón về, còn mỗi mình tôi ở lại sau cùng với cô giáo, vì bà đi bán chưa về kịp. Tôi nhớ quay quắt ba mẹ nên hay khóc thầm những đêm lên giường cùng bà trong căn nhà nhỏ xíu đơn chiếc của hai bà cháu.Trong bóng đêm, bà tôi đưa tay vuốt dòng nước mắt trên mà tôi và bà cũng lặng lẽ khóc. Lớn lên một chút có lần bà kể cho tôi nghe về cuộc đời bà. Lấy chồng năm hai mươi tuổi, bà sống hạnh phúc bên ông nội được năm năm. Năm bà hai lăm tuổi, ông nội mất đột ngột trong một tai nạn lao động. Năm ấy ba tôi mới lên năm.

Chôn cất chồng xong, bà một mình lặn lội thân cò nuôi con trai học hành. Rồi con lập gia đình, làm ăn thành đạt và bà cũng bắt đầu sống riêng từ đó, nguyên nhân từ những xung đột mẹ chồng nàng dâu. Bà lại một mình lặn lội mưu sinh cho đến khi ba mẹ tôi ly hôn, ba tôi lại dắt tôi về giao cho bà nuôi nấng. Và lịch sử lại lặp lại một lần nữa, chỉ khác lần nầy tuổi bà đã cao, sức bà đã yều mà phải cưu mang thêm một thằng cháu mới tí tuổi đầu đã gặp bất hạnh lớn của đời người: bị cha mẹ từ bỏ.

Ba mẹ tôi từ ngày bỏ tôi không hề đến thăm. Riêng tôi vẫn nhớ ba mẹ quay quắt.Thời gian cứ ảm đạm trôi trong quạnh hiu. Bà tôi vẫn hằng ngày miệt mài với công việc bán vé số. Mỗi chiều về, bà ngồi lặng lẽ bóp đôi chân mỏi nhừ rồi âm thầm nấu cho tôi bữa cơm. Là con trai, nhưng tôi được bà dạy cho chuyện cơm nước rất sớm. Mới mười tuổi tôi đã biết nấu cơm và nấu những món đơn giản. Chắc là bà nghĩ nhỡ bà có mệnh hệ nào tôi cũng có thể bương chải với cuộc sống. Mười lăm tuổi, tôi đi học buổi sáng, buổi chiều đi bán vé số phụ bà. Có lần đi ngang qua ngôi nhà mà mẹ tôi đang sống cùng cha dượng, tôi lén nhìn vào. Thấy mẹ đang ngồi lột chuối cho đứa em nhỏ của tôi ăn. Nhớ mẹ quá, tôi liều lĩnh bấm chuông. Người làm ra mở cổng, lạnh lùng nói mẹ tôi không có nhà. Tôi đau đớn như có ai vừa tát vào mặt mình. Rõ ràng là mẹ tôi ngồi đó mà sao nỡ dứt tình ? Tôi có làm gì nên tội đâu mà bà căm ghét tôi đến thế? Tôi chỉ có lỗi vì đã sinh ra làm con của một gia đình không hạnh phúc. Tôi thấy thèm được như đứa em cùng mẹ khác cha của tôi, được mẹ lột trái chuối bón cho ăn. Mỗi đứa bé sinh ra đều có mẹ, sao tôi lại không có hạnh phúc đó?

Từ đó tôi không hề dám nhìn vào nhà mẹ tôi nữa. Tôi cũng nghe nói bây giờ ba tôi giàu lắm, ông kinh doanh thành đạt và ở nhà lầu, đi bằng xe hơi. Nhưng ông chưa bao giờ đến thăm bà nội tôi. Bà tôi ngày càng già và vẫn lầm lũi đi bán vé số trên các nẻo đường. Chắc cũng không ít lần bà lặng lẽ đi sau làn khói bụi mà xe hơi của ba tôi vừa tạt lại. Có lần tôi bệnh nặng, sốt li bì suốt đêm. Bà tôi thức suốt đêm chăm sóc tôi. Trong cơn đau, tôi thấy bà khóc và nói một mình:

Tội nghiệp cháu tôi, nó có làm gì nên tội đâu mà khổ đến thế.

Thương bà nội quá, tôi cố gắng học thật giỏi. Có lẽ cuộc đời tôi bất hạnh nhiều rồi nên ông trời cũng thương, vì thế con đường học vấn của tôi thật suông sẻ. Thật ra, kết quả học tập của tôi được như vậy một phần cũng nhờ ông Ba - người thầy, người hàng xóm tốt bụng của tôi trong xóm nghèo nầy. Tôi nghe mọi người trong xóm nói ngày xưa - trước biến cố 1975 - ông là giáo sư dạy Toán trung học đệ nhị cấp ( giáo viên cấp 3 bây giờ ). Sau 1975 ông đi cải tạo vì tội “ Giáo sư biệt phái ” nên sau khi được trả tự do ông phải đi xe ôm nuôi vợ con. Ông chỉ có một cô con gái duy nhất là cô Hạnh. Cha đi cải tạo, cô Hạnh không được học đại học, mặc dù cô học rất giỏi, đành bỏ ngang phụ buôn bán với mẹ. Ông Ba cũng không được đi Mỹ diện H.O. vì thời gian ở tù thiếu vài tháng nữa mới đủ 3 năm. Các bạn cùng hoàn cảnh với ông bây giờ đều ở Mỹ. Riêng ông vì có hai ông chú đi tập kết về có chức vụ lớn can thiệp nên được về sớm. Thì ra trong cái may cũng có cái rủi.Thấy hoàn cảnh của tôi, ông bảo buổi tối đến nhà để ông kèm cặp môn toán cho tôi. Nhờ vậy mà tôi thường đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Bà nội tôi nhớ ơn ông Ba, lâu lâu mua biếu ông vài cân trái cây. Nhưng lần nào ông cũng tìm cách thoái thác. Cô Hạnh thì thỉnh thoảng có gì ngon cũng mang qua biếu bà tôi. Sống bên cạnh những người hàng xóm tốt bụng như vậy bà cháu tôi cũng thấy ấm lòng. Và tôi thường so sánh sao người không huyết thống với mình thì lại tốt như vậy, còn ba mẹ ruột của mình thì...Nghe tôi kể chuyện mẹ tôi lánh mặt tôi, cô Hạnh an ủi:

- Không phải là mẹ con không muốn gặp con đâu, có thể dượng con không muốn như thế nên mẹ con phải chìu. Làm phụ nữ khổ lắm con à. Nhiều khi gặp ông chồng ích kỷ, gia trưởng thì bị lệ thuộc đủ điều.

Tôi không biết mẹ tôi có ở trong hoàn cảnh mà cô Hạnh nói không, nhưng thực lòng tôi vẫn thấy buồn và vẫn thấy oán trách ba mẹ.

Một lần vào năm 15 tuổi, trong khi đi bán vé số ở một đoạn đường hơi vắng, tôi bị một bọn lưu manh toan giật cả xấp vé số và tiền bạc. May mắn có anh thanh niên đi làm về thấy vậy dừng xe, đánh tan cả bọn cướp giật và lấy lại được xấp vé số và tiền bạc trả lại cho tôi. Tôi biết anh có võ nên mới làm được điều ấy. Anh an ủi tôi và nói:

-Làm con trai thì phải biết võ để tự bảo vệ mình và bảo vệ người thân của mình. Có võ thì không ai bắt nạt được mình hết. Bây giờ đang nghỉ hè, thỉnh thoàng tới nhà anh, anh bày cho vài miếng võ phòng thân.

May mắn đã mĩm cười với tôi. Tôi vừa có người giúp đỡ về việc học tập, vừa có người dạy võ không công. Cuối năm 12, tôi thi đỗ vào một trường đại học lớn với điểm số khá cao. Cũng vào năm nầy, bà nội tôi bệnh nặng. Suốt trong thời gian bà bệnh ba tôi vẫn không hề đến thăm. Một đêm, khi mở mắt nhìn thấy tôi đang ngồi bên giường, bà lần trong túi áo đưa cho tôi một gói nhỏ và bảo:

-Đây là bảy chỉ vàng nội dành dụm một đời đi bán vé số. Con hãy cầm lấy để phòng thân. Nội mất rồi con hãy cố học cho xong đại học để có nghề nghiệp mà nuôi thân. Bà biết con là đứa có nghị lực, con có thể vừa học vừa làm được. Bà không thể sống đến ngày con thành tài nhưng bà sẽ ở bên con suốt đời để phù hộ cho con.

Tôi vừa khóc vừa gọi: “ Bà nội ơi!” trong khi bà nhắm mắt lìa trần. Đám tang bà nội tôi có những người láng giềng tốt bụng đến giúp đỡ nên số vàng bà nội để lại tôi vẫn còn giữ nguyên. Tôi cũng không ngờ bà tôi lại dành dụm được đến chừng đó. Ba tôi là người đến sau cùng. Ông đưa tôi mười lăm triệu và ra về. Tôi căm hờn ném trả ông số tiền ấy và nói:

-Bà nội tôi không có đứa con như ông.

Ông không nói gì, lẳng lặng nhặt số tiền và ra đi không hề ngoảnh lại. Tôi thương xót bà nội bao nhiêu lại càng căm ghét ông bấy nhiêu. Tôi không hiểu sao ở đời lại có loại con cái bạc bẽo đến thế. Tội nghiệp vong linh bà nội tôi, giá ông đừng đến viếng chắc bà dễ thanh thản ra đi hơn. Lo xong đám tang bà nội, thấy nhà cửa quạnh hiu, sợ tôi buồn ông Ba bảo thằng cháu ngoại đến ngủ với tôi cho vui. Nhìn bức hình trên bàn thờ bà, tôi nghĩ thương cuộc đời bà bất hạnh quá, có con trai giàu có nhưng suốt đời bà cơ cực đi mòn gót chân kiếm từng tờ bạc lẽ. Cầu mong kiếp sau nếu được sinh ra làm người bà sẽ có những đứa con hiếu thảo hơn.

Sau khi bà qua đời, tôi làm đủ nghề để sống. Ban đầu tôi làm phục vụ trong một tiệm cơm. Nhiều lần bị chủ la mắng thậm tệ vì chưa quen việc. Có lần vì chậm chạp vụng về mà tôi bị một bà khách hắt cả chén nước mắm cay vào mặt. Nước mắt tôi chảy ròng ròng vì ớt cay nhưng cũng vì tủi cực. Sau đó tôi đi làm phụ hồ, lương có khá hơn nhưng nhọc nhằn cũng nhiều hơn. Nhiều lần đuối sức quá tôi bị cai thầu tát tai vì không vác nổi bao xi măng leo lên mấy tầng lầu. Buổi trưa có khi đạp xe về không kịp ăn cơm, tôi đành mang bụng đói đi học. Cơ cực đến thế nhưng đêm về mỗi lần đứng trước bàn thờ bà nội để thắp hương, nhìn vào khuôn mặt nhân từ của bà tôi lại thấy lòng bình yên và quên đi bao nỗi đắng cay của cuộc đời.


♣ ♣ ♣

Vị sư già ứa nước mắt im lặng nghe cậu thanh niên kể về cuộc đời mình bằng một giọng căm hờn và những dòng nước mắt đau đớn. Là Trụ trì một ngôi chùa lớn, sư đã từng có nhiều đệ tử lui tới và đã từng nghe họ tâm sự biết bao nhiêu nỗi oái oăm của cuộc đời để mong người cho một lời khuyên bảo. Nhìn người thanh niên tuổi đời chỉ chừng hơn hai mươi, vừa tốt nghiệp đại học ra trường, cũng vừa mới nhận một công việc với mức lương khá hậu hĩnh. Vóc người mảnh khảnh, khuôn măt cương nghị, hai bàn tay chai sạn vì lao động dãi dầu khi còn lứa tuổi vị thành niên . Trong những tâm sự mà sư từng được nghe của nhiều đệ tử đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, cũng có nhiều nỗi đau đớn, căm hận, nhưng chưa thấy ai căm hận như em. Ngọn lửa căm hận trong em đang bùng cháy với khao khát muốn trả thù. Trong mắt em, trong tim em đang bị thiêu cháy bởi ngọn lửa ấy. Mà trả thù ai? Trả thù hai kẻ sinh thành ra mình. Em muốn làm sao cho cha mẹ em phải phá sản, phải trở thành những kẻ tay trắng, phải sa cơ lỡ vận để thấu hiểu nỗi cơ cực mà em và bà nội đã trải qua.

Nhìn sâu vào đôi mắt em, sư Giác Tâm chậm rãi nói:

-Nếu muốn nghe lời khuyên của thầy trước hết con phải bỏ cái ý định muốn trả thù kia đi. Lòng sân hận nặng nề như vậy sẽ đốt cháy cuộc đời con. Con sẽ chẳng làm được gì hết. Phải biết buông bỏ tất cả cho nhẹ lòng để hướng tới một cuộc sống có ích cho mọi người. Con có nghe câu danh ngôn nầy chưa : “ Căm giận là đem tội lỗi của người khác để trừng phạt chính mình”.

Cậu thanh niên cúi đầu. Vị sư già nói tiếp:

-Con có biết mọi người sinh ra đều mang nghiệp từ nhiều kiếp trước ? Tại sao có người chào đời trong nhung lụa vàng son, lại có kẻ mới sinh ra đã bị chính mẹ mình vất vào thùng rác. Có kẻ ra đời là hoàng tử, công chúa hoặc con nhà danh giá cao sang, nhưng có kẻ sinh ra là con của một kẻ ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ. Điều đó do thân nghiệp của chính họ mà kiếp nầy họ đang trả nghiệp. Tại sao con lại bị cha mẹ hất hủi từ khi mới lên năm tuổi, trong khi những đứa trẻ khác lại sống trong tình thương của cha mẹ. Con có tin là trên đời nầy bất cứ chuyện gì cũng có nhân quả của nó không? Triết lý Phật giáo thì cao siêu nhưng có thể tóm gọn vào hai chữ “ Nhân quả ”. Bây giờ con có sự nghiệp trong tay, thầy nghĩ con nên làm một công việc từ thiện nào đó để tạo nghiệp tốt cho cuộc sống mai sau của mình.Thầy nói ít nhưng mong con hiểu nhiều.

Cậu thanh niên như người tỉnh ngộ. Lần nầy thì cậu cũng khóc, nhưng là những dòng nước mắt ân hận. Cậu chắp tay lễ phép nói:

-Mô Phật. Con xin nghe lời khuyên của thầy.


♣ ♣ ♣

Tôi gặp lại sư Giác Tâm vào một ngày cuối năm, trong dịp từ nước ngoài về Việt Nam ăn tết. Trong cái lạnh của gió mùa đông bắc một ngày cuối đông, lá cây vườn chùa rụng xao xác, đuổi nhau lăn tăn trong sân chùa. Tiếng chuông chùa vang lên trong buổi chiều lạnh lẽo, âm ba như lan rộng thành những vòng xoáy trong không trung tĩnh mịch. Câu chuyện về cậu thanh niên sáu năm trước sư thầy đã kể cho tôi nghe trong một lần viếng thăm chùa vẫn còn đọng trong tâm trí tôi những trăn trở về số phận một con người. Lần nầy gặp lại sư, sau những hàn huyên, tôi hỏi:

-Cậu thanh niên ngày xưa bây giờ ra sao rồi thưa thầy ?

Sư “ à ” lên một tiếng, nét mặt đang trầm lắng bỗng trở nên vui vẻ, linh hoạt:

-Tốt rồi con à. Cậu ấy bây giờ là một người thành đạt, khá giả đúng như khát vọng của cậu ấy. Bây giờ cậu ấy đã có công ty riêng. Nhưng cậu không dùng tiền bạc để thực hiện âm mưu trả thù cha mẹ mình, mà cậu cùng một vị Mạnh Thường Quân mở được một mái ấm, nuôi mấy chục trẻ em lang thang cơ nhỡ. Thầy rất mừng vì những lời giáo huấn của thầy đã có tác dụng.

Tôi cũng vui mừng vì một con người mang nặng tâm sự u uất như em bỗng nhiên trở thành một người giàu lòng vị tha, biết hy sinh cho người khác. Tôi hứa với lòng mình một ngày nào đó tôi sẽ đến thăm mái ấm của em. Bà nội em bây giờ trong cõi hư vô nào đó chắc sẽ mĩm cười vì đứa cháu đã biết làm điều lành để trả nghiệp.

( Highlands Ranch – CO – USA )