Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








LÃO VỀ HƯU







ất đai là công thổ, sở hữu toàn dân, bà biết không?" - ông lão quát lên với vợ vậy. Chả là mảnh đất nhà ông đang ở, nằm trong dự án xây tòa chung cư cao tầng. Thực là ước mơbao đời của dân ta.Ông nghĩ: Ngày trước, dân quê phải bò ra tận thành phố, ngó xem nhà tầng. Từng có chuyện hài, ông nhà quê kia ra phố đếm tầng, bị thu tiền.Phong thanh, dự án có mức bồi hoàn rồi. Bà vợ ngắn dài ca cẩm:

- Chỗ tiền ấy, đủ di chuyển không ông?

Ông gằn mắt, nhìn vợ:

- Bà lạc hậu, ích kỷ lắm! Chỉ được giỏi cái thói vun vén. Đầu óc tiểu nông! Hãy học tập ông Ăng ghen ấy, từ bỏ của cải, nhà xưởng, làm cách mạng.

- Làng mình có ai là ông Ăng ghen nhẩy? Tôi chửa nghe thấy tên tuổi ông ta bao giờ. Thể ông ta góp trâu, hay đóng tiền sửa đình làng mình?

Vợ ông ấm ớ hỏi thế. Chán cho cái bà vợ đã non yếu về lập trường, lại chả biết tí tẹo nào về gốc gác, lịch sử cách mạng thế giới. Chả trách, từng có ông cán bộ kia, gọi người thầy vĩ đại của các mạng vô sản thế giới là ông Vờ I Lê nin. Rõ chán là chán quá mất thôi!Có lần ông hỏi vợ:

- Tôi về hưu dễ đến...?

- Mười lăm năm rồi

- Lâu thế cơ á. Hì hì, thì cũng sắp lễ thượng thọ bảy lăm, ra đình trình giầu. Chả hiểu con Tuyết có về không?

- Cái đó, thì tôi chịu.

Bà thở dài. Người già thường vậy, hay tủi thân, yếm thế, nặng về chiều ngẫm ngợi. Nghĩ mà bà còn dỗi và ngầm trách chồng. Cũng tại ông, mà con gái đâm lận đận, vào  tận Tây Nguyên sinh sống. Giá như ngày ấy…Nhà có mụn con gái, con bé học đại học, đưa người yêu về, chỉ tại cái tội lập trường của thằng người yêu không cưng cứng, đâm ra trượt làm rể nhà bà. Đấy là sau buổi chồng bà thẩm tra. Qua cuộc thẩm tra, ông phán câu xanh rờn:

- Thằng này lập trường, quan điểm non yếu lắm!

Dù con gái báo cáobố:“Anh ấy đang diện cảm tình”, ông vẫn chê, vẫn chảưng ý. Con gái khóc sưng mắt, bố lập trường vẫn cứng, chả mềm lòng tí tẹo nào, còn dọa,“Mày lấy nó, tao từ”. Tủi phận, ra trường, gái của ông vào Tây Nguyên công tác, rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái. Giá mà, giá như ngày ấy, ... Bà thở dài.

Là giảng viên đại học, dạy chính trị,nay về hưu sống chốn quê. Cả tháng nay ông chuẩn bị bộ com lê, gắn huân, huy chương, nào dũng sỹ diệt Mỹ, nào chiến công hạng Hai,Ba lên ngực áo, mỗi phần thưởng gợi lên trong ông một thời oanh oanh liệt liệt. Chỉ vài tuần nữa, ông sẽ vinh dự là đảng viên duy nhất của xã, nhận kỷ niệm chương năm mươi năm tuổi Đảng và tiếp đó làm lễ khao thượng thọ. Vinh dự quá! Cả làng xã nhìn vào!

Thời còn công tác, ông nghiên cứu và trên giảng đường, từng giảng dạy cho sinh viên: "Liên xô, Đông Đức - trong các nước Đông Âu phe ta, giờ sung sướng lắm! Đấy mới là bây giờ, chứ đôi, mươi năm nữa, lên Cộng sản, sướng nữa! Bên ấy ấy, ông Nhà nước chuyên lên kế hoạch xây nhà - tập chung, kế hoạch hóa mà - cứ từng dãy,từng dãy nhà cao tầng. Thành phố xây, nông thôn xây; xây xong, dân chỉ việc kéo nhau vào đó ở. Rồi sau này ở ta cũng thế, cả nông thôn, nhà caochục tầng;nhà cửa sẵn thế, nông dân tha hồ mà ở.”

Thực ra, đây chỉ là ý nghĩ lạc quan do ông tự tưởng tượng ra. Moi móc trong giáo trình, kể cả tuyển tập từng tra cứu, ông chưalần mò ra dòng nào, trang nào, mô tả viễn cảnh đó, thậm chí trong nghị quyết các kỳ Đại hội, cũng chả thấy. Ông từng giảng giải: “Trong khối các nước anh em phe ta, dân số chiếm một phần tư thế giới, vật chất sản xuất ra, đóng góp tới ba phần tư, tức là năng suất phe ta, gấp đôi bọn tư bản."Nghe vậy, dưới giảng đường, vọng lên tiếng trò:

- Thày ơi, gấp chín lần chứ.

Chả đáp lời, đâu dạy toán, ông cần gì con số chính xác.Bên ấy sướng, chả cần ông mách bảo, mọi người biết cả:dân ta tranh đua nhau sang đó lao động, khuân vác về xe máy mô kích, sim sơn; xe đạp pha vô rít; quạt tai voi - quạt phành phạch ra gió.Giảng dạy, ông luyện sao cho ngữ điệu, âm lượng lên bổng xuống trầm, thi thoảng chốt một từ rõ to; giảng thế, sinh viên ngủ gật sao nổi. Mắt ông cứ chạy lướt hết loạt học trò, từ đầu chí cuối giảng đường, không phảikiểu rình mò mật thám và chúa ghét những đứa trò ngủ gật, chơi cờ ca rô, hay đút tay vào gầm bàn, đan len, đuổi ngay, tức thì, đừng mơ thi cử môn ông dạy dỗ nhá!

Điều ông nghĩ ra, ông giảng, làm ông vui. Căn phòng đang sống trong khu tập trường, rộng chừng chục mét vuông, nhà cấp bốn, lợp ngói tây non, mưa xuống là ngập dột; còn bà vợ ở quê, ngự trên ngôi nhà và mảnh đất hương hỏa, có từ thuở ông nội ông truyền lại, vẫn nguyên y, sửa chữa được gì đâu, trừ trát vá vài ba chỗ tường bong tróc. Là ông giáo dạy đại học, dịp đó về quê nghỉ phép, xã mời ông ra nói chuyện thời sự. Khi nghe ông mô tả ở ta thời kỳ ấy, nông thôn xây nhà cao tầng, dồn nông dân vào đó sống, một cán bộ đứng lên:

- Lúc đó trâu bò, lợn gà nuôi nhốt ở đâu? Cho leo hết lên tầng sao?

Rất nhanh trí, ông nghĩ ngay ra hướng trả lời:

- Có rồi. Lúc đó chả cầnchăn nuôi trâu bò, có mày cày máy kéo.

Ông kia vẫn chưa chịu thôi, hỏi tiếp:

- Còn lợn gà. Thời kỳ nào thì thời kỳ, người ta vẫn phải ăn thịt cá chứ?

Ông đâm bí, đành trả lời thế này:

- Thì... vẫn chăn nuôi, như trại lợn hợp tác của xã ta bây giờ ấy.

Nghe thế, mọi người ồ lên cười. Ông đâu biết rằng, lâu nay, trại chăn nuôi tập thể quê ông, nuôi toàn ra lợn què cụt, ốm đau, quặt quẹo. Đâm ra mấy năm nay, chả thiết nuôi nấng tập trung nữa, trại đắp chiếu, chỉ còn tấm biển: "Trại chăn nuôi..." Cha chung, chả ai thiết hạ nó xuống.Hồi cầm sổ hưu, ông đến ngay chi bộ thôn, nộp hồ sơĐảng và xung phong tiếp tục cống hiến, nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, như lời tuyên thệ tại mặt trận, sau chiến dịch Mậu Thân, vinh dựông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tiễn khách về rồi, lòng ông vừa ấm ức vừa phân vân,  cái này có thuộc phạm trù vi phạm đạo đức không? Nhưng ông làm bộ trước bà, khi nghe vợ nài nỉ:

- Ông ơi, nghe cậu ấy đi. Thấy đồn, giờ cậu ta giàu có lắm, doanh gia, doanh nghiệp gì ấy. Gì thì gì, cậu ta cũng từng là học trò cũ của ông.

- Bà thì biết gì. Đầu óc tiểu nông!

Đúng như vợ ông nói,doanh nhân kia từng là học trò cũ của ông, nhưng ông vẫn còn tức,nó dạng “học trò trượt, khoác ba lô rời trường, loại vứt vào sọt rác” – ông nghĩ thế. Làm cách mạng, không kiểu họ hàng, làng xóm,láng giềng, thân quen, ông cứ thẳng ruột ngựa. Thằng học trò kia vốn là người cùng làng,cùng xã và chính ông  từng xử lý nó. Ai đời có thứ sinh viên đầu óc phản động.

Giữa ngay Ba mươi tháng Tư, ông hùng dũng tiến vào Sài Gòn, tận mặt chứng kiến bộ mặt xấu xa của chế độ cũ, một lũ lĩsống trụy lạc. Trong căn biệt thự nguy ngacủa gã trung tá ngụy, trên tay khẩu súng, ông lia hết cả băng đạn lên tường, lên chùm đèn pha lê xa hoa, lên tranh ảnh lõa lồ và sau này ông từng tham gia cuộc Cải tạo công thương, đánh đổ hoàn toàn bọn tư sản, từ tư sản mại bản đến tư sản thương nghiệp, trưng thu, tịch thu, trưng mua hết.Đâu chỉ thằng học trò lỏi con kia, ông từng trị một kẻ gần ra bã. Đó là thằng lính trong đơn vị cũ của ông, dân sinh viên văn khoa. Hồi ấy, nhìn cảnh ông lia loạt đạn vào bức hình khỏa thân, lúc đơn vị ăn sáng, thằng ấy nhăn nhở khoe giấc mơ của nó về tầm hình ấy. Ngay tối đó, ông triệu tập đại đội, lôi ra kiểm điểm. Phải làm gương, làm điểm, để không lây lan ý nghĩ đồi trụy. Thằng này cậy học văn, cứ dài dòng văn tự, con cà con kê, dấm dớ miêu tả nọ kia, ông điên tiết, diện này không thể nhu nhơ được:

- Đồng chí cho biết, kết thúc giấc mơ là hành động gì của mình?

- Báo cáo thủ trưởng,… em căm giận! Trong mơ, em lôi ngay nó đi đốt.

Nó trả lời thế, ông còn biết kiểm điểm thêm gì nữa, dù biết thừa là trí trá. Đời nào nó mơ, mang bức tranh đi đốt!

Tiết giảng kinh tế chính trị, thằng sinh viên oắt conchưa ráo máu đầu,đồng hương làng với ông, giơ tay và trước lớp, dám phê phán “Cải tạo công thương” sau năm Bảy lăm; cay cú nhất nó đưa ra ví dụ về hợp tác xã ở quê mình: nào công điểm ngày chả nổi mấy lạng thóc, cánh đồng trồng toàn ra rơm rạ, nông dân chán... Nó dám đưa ra con số ghi trong nghị quyết của mấy kỳ Đại hội, bảo phấn đấu kiểu tụt lùi, chỉ tiêu lương thực củaĐại hội sau, tụt hơnĐại hội trước, tức khí quá, ông đã định sừng cồ lên, song cố kìm giữ. Nghe nó đọc vè:

Xã viên làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm sắm đài, sắm xe.

Phản động không? Giữa giảng đường, trước con mắt cả trăm sinh viên, đỏ mặt tức, nó dám bỡn cợt thày giáo của nó. Không còn giữ nổi bình tĩnh, ông cầm viên phấn, ném thẳng vào mặt thằng học trò loạn ngôn kia.

- Cút... cút ra khỏi lớp.

Và kỳ thi, khi vấn đáp, ông xoay nó như chong chóng, cho con ngỗng to đoành. Trượt, thi đi lại, sao qua nổi tay ông - trưởng bộ môn. Đúp, nó dỗi, khoác ba lô về quê. Đấy, học trò cũ thế đấy. Vậy thì ân huệ gì giống đó. Ông đoán, nó âm mưu phá dự án của xã hội đang tiến lên, định biến ông thành kẻ tiêu cực, làm việc khuất tất - tham nhũng, lợi dụng. Nó dám huyênh hoang, can thiệp, giúp đỡ, chỉ cần ông làm tờ đơn,sẽ có khoảnh đất trong dự án, chả phải bỏ ra đồng nào. Phản động, tiêu cực thế cơ chứ! Ông còn cay nữa, chính ra nó phải thâm thù ông, đằng này, nghe người nọ nói, nó khen ông, “đức độ, ngay thẳng,người dám theo lẽ sống,…” Thà nó cứ thù hằn, nói xấu ông, lại đi một nhẽ.

Đầu những năm sáu mươi, khi ấy ông là chàng thanh niên phơi phới, đầy chí hướng, háo hức với khí thế cách mạng, nhất là trong công cuộc hợp tác hóa, làm ăn tập thể. Bí thư đoàn thanh niên thôn, thư ký đội sản xuất,… Cưới vợ đôi năm, ông làm đơn tình nguyện tòng quân vào chiến trường miền Nam, để lại hậu phương cô vợ trẻ và đứa con gái đầu lòng.Với ông, biết bao kỷ niệm chiến trường. Chính tay ông từng bê, bốc xác đồng đội, những cánh tay,chân… Nhớ đồng đội kia. Đơn vị hành quân, ông và đồng đội lên cơn sốt rét. Hai đứa nằm chung cánh võng, người nóng lạnh,sốt run cầm cập. Sáng sau tỉnh giấc, đồng đội cơ thể lạnh ngắt rồi.Ông cứ khâm phục,kể mãi câu chuyện cho sinh viên, về cậu lính trẻ ấy. Lần hành quân, nghỉ đêm trong cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Giữa đêm khuya, uỵch một cái, đồng đội xung quanh cuống cuồng. Bất chợt nghe tiếng cậu lính trẻ hô:

- Chiến đấu đến giọt máu… cuối cùng!

Và không gian lặng đi. Kìa, mãi chảnghe tiếng nổ. Hóa ra dưới tán rừng, đúng chỗ giăng võng ngủ có trái cây rừng rụng xuống. Tưởng là bom đạn,cậu lính hô hoán lên. "Tấm gương hy sinh đó. Nó ở quanh ta." Kết thúc câu chuyện,bao giờ ông cũng kết luận vậy.Ông nhớ, từ Căm Pu Chiatàu cặp đảo Phú Quốc, trên tàu,các túi ni lông đựng xác đồng đội xếp thìa, xếp úp, mùi xú uế xông ra nồng nặc. Tàu còn chở những người dân Căm Pu Chia. Cặp bến, họ rờ rẫm lên bờ, ăn uống xong, khi no nê, nhảy múa quanh đống lửa.

Nằm trên giường –sau cả tuần lử đử ốm, đang đợi vợ về - bà đi lĩnh tiền bồi thường giải tỏa– ông đâm ra nghĩ ngợi. Chả phải đến lúc này, mà thi thoảng, chắc có lẽ cả năm rồi, xem ti vi, nào phát động chống tham nhũng, nào học tập gương sáng nọ kia, mà tham nhũng cứ tiền tỷ, tiền ức. Nhẩm lý thuyết, vẫn đúng. Vậy nó ra làm sao? Trói bằng thừng, bằng sợi, có khi mục mủn, còn bằng thứ vòng kim cô tư duy, bền chặt lắm. Trong một bữa cỗ, ông nghe mâm bên bàn luận chuyện xã hội, ai đó cất lời, “Năm nay được mùa tù nhá, hết quan lớn đến quan bé”. Rồi câu chuyện xoay qua hướng khác, việc giải tỏa mặt bằng dự án quê ông và rồi có kẻ xa gần chĩa mũi nhọn vào ông:“Lão ấy tốt thế cơ á? Tấm gương giả vờ đấy. Bao năm dạy đại học, ăn bẫm của sinh viên. Giàu có, chôn giấu vàng, nay làm bộ làm tịch hăng hái rời nhà.Chắc kiểu như gã chủ tịch huyện!”

Uất quá, họ lại so sánh ông với tay chủ tịch huyện mới ra tù, mắc tội tham nhũng. Tay đó trước vốn huênh hoang với dân làng, nay sống ngang con chuột chũi, chả dám ló mặt khỏi nhà. Tốt xấu, vàng thau giờ lẫn lộn. Lòng tốt, sự thanh liêm, đâu còn là thứ đem ra để tự hào.Từ hôm vợ buột miệng ra, làm ông nghĩ ngợi. Hóa ra, con gái vừa về thăm nhà, là để xin tiền. Mẹ  không có. Chục năm rồi, bị điều động dạy học vùng sâu, nay chỉ cần dăm chục triệu, chạy được về gần nhà. Ông đau. Thảo nào, lúc chia tay, mắt mũi mẹ con đỏ hoe, lại nghĩ, mẹ con bịn rịn.Vợ ông nghĩ nhiều, đâm ra mấy tháng nay, như người lẩn thẩn. Có bữa ông đi đâu đó về, nhìn chồng, bà lão hỏi:

- Ông hỏi nhà ai?

- Bà bảo, tôi hỏi nhà ai a?

Đến mươi giây, bà mới hay, hóa ra là chồng mình.Nằm trên giường, nghe bước chân vợ, ông nghển nghển cổ dậy. Kìa, từ ngoài sân, bà lão đã nức nở, ông thều thào gắt vợ:

- Bà… lập trường non yếu, ích kỷ, đầu óc tiểu nông...

Bà lão vẫn khóc và ngắc ngứ:

- Ông ơi, lạ lắm! Chẳng hiểu ra làm sao. Họ dẫn và chỉ cho tôi, căn nhà của mình, xây rồi, to rộng. Nghe bảo, ai ấy, người ta giúp.

Lặng đi và lờ mờ ông hiểu, kẻ ấy là ai.     

 (Lại Đà, Đông Anh, Hà Nội, ngày 1/2/2020)