Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






XÓM ĐẠO MÙA DỊCH





    C ơn đại dịch Coronavirus xảy đến bất ngờ đối với thường dân như tôi, nhưng chắc là không bất ngờ đối với một số nhà chuyên môn về dịch bệnh, bởi nạn dịch hầu như xảy đến luôn cho con người, có khi qua các loài động vật. Cho nên, họ sẽ luôn phải tỉnh táo, trông chừng khác chi những viên công an và mật vụ phải luôn soi mói các ngõ ngách trong xã hội để nếu có “kẻ thù” là có thể tóm ngay. Chả vậy mà khi dịch Covid-2019 lan rộng, có dư luận bảo nó từ loài dơi ở một chợ động vật gần Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc bên Trung Quốc. Hơn nữa người ta vẫn nói đến các dịch bệnh như SARS, MERS, Ebola v.v... Nhưng Coronavirus không phải từ loài dơi mà từ một phòng thí nghiệm do con người điều khiển. Điều này có lẽ chắc là như vậy. Nó trở thành một phương tiện cho một cuộc đối đầu giữa con người và satan, một cuộc chiến hãi hùng phi nguyên tử chưa từng xảy đến cho nhân loại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được Liên Hiệp Quốc thành lập vào năm 1948 để điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên toàn thế giới, cũng là sự kiện thế giới luôn luôn phải lo ứng phó với dịch bệnh.

Chiến tranh cục bộ hay rộng lớn bao trùm khắp thế giới như ở thế kỷ XX, có hai cuộc thế chiến là 1914-1918 và 1939-1945, cũng như các dịch bệnh, đều có nguyên nhân trước đó. Trong Kinh thánh, ôn dịch gây tai họa cho con người và các loài động vật cũng đã được nói đến. Tuy nhiên, ở Tân ước, Đức Giêsu có ý cảnh cáo con người khi thấy họ dửng dưng trước các phép lạ do Người làm, như chữa lành các bệnh tật, cả việc cho người chết dống lại.

“Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: mưa đến nơi rồi, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ?” (Lc 12, 54 - 56)

Hay,

“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ, gọi lũ trẻ khác, và nói:

“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không đấm ngực khóc than.”

Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11, 16-19)

Vậy, tôi sẽ hành động thế nào đây trong cơn đại dịch này? Một chứng nhân đã chết cách mờ ám. Tiếp theo là hàng ngàn nạn nhân ở khắp nơi trên mặt đất này, tin tức nêu lên cả trăm quốc gia. Nó chẳng từ một nơi nào, kể cả Tu viện của những Nữ tì Chúa ! Nơi hang ổ của nó, chẳng phải là tại cái phòng nghiên cứu chật hẹp ở Vũ Hán kia. Người ta bảo thế vì đấy là cách nói của một ý thức hệ đối kháng với một ý thức hệ khác. Không ai biết được, trừ satan và bộ hạ của nó. Cửa âm phủ đã được Thiên Chúa mở ra, satan được trỗi dậy và được phép hành động như nó đã được phép hành động trên thân thể của Gióp, trên gia đình và gia nhân của Gióp, trên các đàn súc vật của Gióp nữa. Tai họa xảy ra liên tiếp cho ông. Vợ con ông chết, bạn hữu bỏ ông, họ còn chống lại Chúa.

Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, phục lạy, và nói:

“Tôi đã trần truồng lọt khỏi lòng mẹ
tôi cũng sẽ trần truồng về lại nơi đó
Yavê đã cho, Yavê đã lấy lại
Đáng chúc tụng thay Danh Yavê !”

Trong tất cả các sự ấy, Gióp không hề lỗi phạm và không nói điều gì xúc phạm đến Thiên Chúa. (Gióp, 1, 20-22)

“Thiên Chúa hẳn có lý do riêng của Người khi để cho ôn dịch xảy ra, nhưng nhiều khi bệnh tật, thậm chí là đại dịch toàn cầu, đơn giản chỉ là kết quả của lối sống trong một thế giới sa ngã. Không có cách nào để xác định liệu một cơn dịch có lý do siêu nhiên nào không, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm chủ mọi sự như thánh Phaolô quả quyết: “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36) và “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

“Dịch bệnh cũng được coi như một điềm báo về thời sau hết. Trong diễn từ cánh chung, Đức Giêsu đã đề cập đến các tai ương trong những ngày cuối cùng: “Nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21,11).

Là Kitô hữu, tôi biết mình phải làm gì.

Có đến 365 lần Kinh Thánh nói với chúng ta “Đừng sợ!”

“Hãy nhìn ra điều tích cực. Chúng ta nên coi đây là cơ hội để hy sinh, phục vụ, chia sẻ và yêu thương nhau nhất là giữa những người đồng cảnh ngộ.

“Ngay trong cơn hoạn nạn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy bình an và hy vọng “nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau” (Ep 2,1). (Theo Đài Chân Lý Á Châu, Ban Việt Ngữ ngày 19-3-2020)  

Khi xóm đạo của tôi nổi lên những xôn xao về nạn dịch Coronavirus, là khi ấy một thanh niên ở một xứ đạo rất gần với xứ đạo chúng tôi, mắc dương tính về dịch này. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”. WHO thông báo trên twitter vào ngày 11 tháng 2 năm 2020 về tên gọi COVID-19 của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCOV gây ra. Nhưng trước đó, mạng xã hội đã loan đi bài thơ tuyệt mệnh của một bác sĩ trẻ, công tác tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc. Đó là Lý Văn Lượng.

Tôi đọc bài thơ tuyệt mệnh của bác sĩ họ Lý mà lòng xôn xao, đứt đoạn:

Tôi đã ra đi rồi
Tôi thấy họ lấy cơ thể của tôi
Đặt nó vào một cái túi
Ở đó có nhiều đồng bào
Cũng ra đi giống như tôi
Bị đẩy vào trong lò thiêu
Lúc bình minh
Xin tạm biệt những người tôi yêu mến
Xin chia tay Vũ Hán, quê hương tôi
Tôi hy vọng sau cơn thảm họa
Có ai đó sẽ một lần nhớ đến
Có người đã cố gắng cho họ biết sự thật
Càng sớm càng tốt.

Những câu thơ trên đây là một trong nhiều đoạn trong bài thơ Tuyệt mệnh của Bác sĩ Lý Văn Lượng – Li Wenliang. Bài thơ được phổ biến bằng ba thứ tiếng: Tiếng Hán, tiếng Anh và tiếng Việt. Bác sĩ Lý Văn Lượng là một Kitô hữu, làm việc trong một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, TQ. Ông là người phát hiện và công khai báo động về dịch Covid-19. Ông lây nhiễm Virus Corona và mất sau đó một cách mờ ám vì sự lên tiếng báo động của ông (Theo Bản tin Tổng hợp ngày 15/02/2020 gửi cho người viết).

Và rồi Chính phủ Việt Nam ban bố tình trạng “giãn cách xã hội”, hạn chế tối đa việc ra ngoài của mọi công dân, trừ trường hợp người bệnh. Trường học đóng cửa, Nhà thờ dừng các thánh lễ cộng đồng, tuy nhiên cửa nhà thờ mở để giáo dân đến cầu nguyện trước Thánh Thể. Trước cửa vào bên trong nhà thờ, cha xứ để một bình nước rửa tay để khử trùng. Xóm tôi có xôn xao. Lo lắng. Một gia đình đi mua vài bao gạo, mấy thùng mì ăn liền, mấy chai nước tương, mấy cân đường v.v...Những gia đình khác cũng chạy vội ra chợ hay tới các cửa hàng mua mấy món thực phẩm đó. Chỉ 1, 2 ngày sau, dư luận chung quanh ồn lên vì “hết hàng!”

Đã từ rất lâu, khi tôi về xóm đạo này, tôi vẫn thường được nghe những tiếng rao của những người bán hàng rong. Họ thường là người miền Bắc vào, ở độ tuổi trên dưới 50, trẻ thì 30, 40 tuổi. Tất cả đều có chồng có con, đứa khôn lớn, đứa còn đi học. Họ là những người lao động chân chính, vất vả, nhọc nhằn một mình gánh vác. Vào Sài Gòn mướn nhà chung với người cùng cảnh ngộ, sáng sớm trở dậy nấu nồi xôi hay ra chợ đầu mối mua mấy món rau, củ v.v...rồi gánh vào Sài Gòn, tới các chợ, chợ tan thì tới các ngõ, hẻm rao bán. Nhà nào chưa ra chợ thì đã có họ mang tới tận cửa nhà, nào là rau, bí đao, bí đỏ, chanh, cà chua, bó hành tươi..., đơn giản thế thôi. Có người khá hơn thì mua được cái xe đẩy, chất chứa được nhiều món thực phẩm tươi, trái cây... Có bà, sau mấy năm ngược xuôi trong Sài Gòn đã dành dụm được một món tiền mang về sửa sang lại nhà cửa. Một bà bán xôi đậu xanh, đậu đen mà bà xã tôi rất hay nói chuyện khi bà đội thúng xôi trên đầu đến trước cửa nhà thì dừng lại, bỏ thúng xôi xuống, nhà tôi ra là bà kể chuyện gia đình, cách sinh sống ở quê nhà bà. Khổ lắm cô ơi! Nhà tôi kể lại cho tôi nghe, có lần bà kể cảnh khổ trong gia đình thời chưa “giải phóng”, bà đã khóc...

Bây giờ là mùa dịch, người ở đâu ở đấy. Các quán hàng dọc hai bên đường trong ngõ hẻm quanh khu vực tôi ở, đều đóng cửa. Nhà nào cũng thế, lặng lẽ lạ thường, thỉnh thoảng mới thấy có người mở cửa ra ngoài, vội vã.

Tôi nhớ đến những tiếng rao. Có tiếng rao vào đầu giờ chiều của một cô gái bán 3, 4 món xôi, tôi đoán thế vì giọng rao hàng nghe còn rất trẻ. Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng gần 15 giờ, lúc đó tôi đang ngồi trên gác, đã nghe tiếng rao của cô gái này. Hình như có một gia đình nào đó gần đấy đợi cô đến là mua xôi, nên cô cứ đến đúng giờ, sớm là 15 hay 20 phút chứ không bao giờ trễ hơn.

Nhưng trong mùa dịch bệnh, tôi không còn được nghe tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng mời khách mua vé số của một ông lão, tiếng những người đàn bà đi mua ve chai...Sài Gòn như mất đi một nét đặc trưng trong đời sống thường ngày, mất đi những tiếng nói chân thực của người lao động.

Bây giờ là thời điểm của dịch bệnh, nó đã lan tràn tới nhiều nước, con số người nhiễm bệnh tăng lên mỗi ngày ở khắp các vùng lãnh thổ và quốc gia, nó cũng xâm nhập vào cả Vatican! Có nơi, số linh mục, tu sĩ ngã xuống vì dịch bệnh đã lên cao, cả trăm vị. Một nhà thờ ở Ý, xếp đầy quan tài người chết trong lòng nhà thờ, chỉ có một linh mục, một giáo dân đi với ngài xông hương trên các quan tài này. Số người chết không kịp chôn, nên phải quàn tại nhà thờ. Có cảnh người ta mang xác người chết, bó vải rồi liệng xuống biển.

Đã 30 ngày qua, kể từ ngày 26 tháng 3 năm 2020, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn ra thông báo tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn, chúng tôi không có thánh lễ tại nơi mình cư trú, chỉ hiệp thông qua thánh lễ trực tuyến.

Đối với cái tuổi ngoài 80, tôi đã quen “sống chậm”. Bạn hữu cũ đã dần vơi, vì người thì hóa thân tro bụi, người thì mất khả năng di dịch, hay giao tiếp. Tôi trở nên lẻ loi, không biết ví mình như cái gì có tên gọi trên cõi trần này, một cái tên gọi ẩn chứa một ý nghĩa “có-như-không”. Vì có lúc tôi biết mình đang hiện hữu, lại có lúc tôi thấy mình như đang ở đâu, không thuộc cõi vi trần này mà cũng không phải nơi lưu đày khổ ải, cũng không phải là chốn thanh cao. Tuy nhiên đã hai lần tôi nghe một người đồng đạo gần nhà nói với tôi: “kín cổng cao tường”. Tôi cũng chẳng muốn suy nghĩ xem câu nói của người này có ngụ ý gì không, chỉ biết rằng đã lâu rồi tôi rất ngại ra ngoài. Anh Nguyễn văn Xưởng là người bạn cao niên của tôi, xuất thân từ Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, trên đường Nguyễn Du. Ngày trước anh nổi danh là một tay hòa âm trẻ điều khiển những ca đoàn lớn tại những giáo xứ đông người. Anh vẫn có ý tôi nên đến một vài điểm văn nghệ bỏ túi “Hát với nhau” mà anh thường có mặt, hát với anh em, chẳng tiền bạc gì. Thính giả toàn thân quen, trên dưới mười người. Mục đích là gặp mặt, giải tỏa căng thẳng. Nghe anh em hát, rồi nói với nhau vài câu tâm sự, uống một ly nước giải khát, cà phê...như thế là đã quý nhau rồi. Đi đến những nơi như vậy, tôi có nhiều vốn để mà suy nghĩ rồi viết. Vâng, 40 năm trước, sau khi tôi về thăm quê nhà lần đầu sau ngày miền Nam đổi chủ, một buổi tối, tôi đã đi với anh Thế Phong đến một điểm độc tấu dương cầm ở khu Tân Định, có ca sĩ, nhạc sĩ. Tôi hỏi anh Thế Phong:- Tôi có thể đề nghị họ hát một bài theo yêu cầu được không? Anh trả lời là được. Thế là tôi lên ngỏ lời với họ cho nghe bài “Trở về mái nhà xưa”. Và tôi đã được đáp ứng. Tôi vẫn không quên buổi tối hôm đó. Sao êm ả, thanh thoát và thanh cao, lại rất ấm cúng. Chúng tôi quên cảnh bên ngoài xã hội, sáng hôm sau hai anh em chúng tôi phải ra công trường lao động trong thời bao cấp, ăn bobo.

Không, tôi rất thong dong mà cũng có nhiều rào cản trong cuộc sống. Những lúc như thế này, may mà tôi còn ý thức, tôi vào nhà thờ, lên tận Cung thánh quỳ. Lần nào cũng khóc. Tôi biết, Chúa đã đếm những giọt lệ của tôi và Người đã tích lũy nó trong một cái lọ rất quý, thế gian chẳng thể có được. Những giọt lệ tôi đã khóc tại nhà thờ, cũng như ở nhà khi tôi cầu nguyện vì biết mình nhơ uế quá đỗi, vì biết mình được Chúa yêu thương quá đỗi. Chúa rất thích những giọt nước mắt này của tôi. Lẽ ra, tôi đã không còn ở chốn này từ rất lâu rồi! Cho nên tôi vẫn suy gẫm về điều này. Tôi còn ở lại cõi đời này để làm gì, trong khi tay chân tôi đã mỏi! Hay, nước mắt của tôi chưa đầy lọ. Tôi còn phải khóc bao lần nữa. Tôi chẳng thể biết được.

Ở gần xóm đạo tôi có một cư xá, trước kia nó là của những người có địa vị trong xã hội. Tại cư xá này có một ngôi nhà nguyện nhỏ, có linh mục tuyên úy phụ trách mục vụ. Sau này, các nhà nguyện nhỏ, thuộc một khu giáo trong khắp vùng ở Sài Gòn, được nâng lên thành giáo xứ, như nhà nguyện tại cư xá này, mặc dù số giáo dân chỉ có hơn 700 người. Đang là cao điểm của mùa dịch, nhưng nhà nguyện này vẫn có thánh lễ hàng ngày, ai biết thì vào cổng sau. Đúng giờ lễ thì cửa đóng lại. Tôi đã đi lễ ở nhà nguyện này, vào buổi chiều.

Trước lúc cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế nhắc nhở giáo hữu nhớ mấy việc giãn cách, như mang khẩu trang, giữ khoảng cách.

Sau lễ, tôi ra về theo lối vòng ra phía trước cổng chính của nhà thờ. Đang là mùa dịch, đường rất vắng xe cộ và người qua lại, thỉnh thoảng mới có chiếc vụt qua, thỉnh thoảng lá trên cây hai bên đường rụng xuống chạm nhẹ vào chân, làm tôi giật mình. Số người dự lễ cũng thưa thớt, có mấy người ở giáo xứ tôi biết nhà nguyện trong cư xá có lễ, nên cũng có người đi lễ vào giờ chiều như tôi, nhưng họ đi lối khác về nhà gần hơn lối đi vòng ra phía trước cổng chính. Chẳng có ai như tôi, lối gần nhà không đi, lại đi đường vòng. Đây là dịp hiếm hoi tôi mới có, sao lại bỏ được. Tôi đang có một khoảng không thời gian rất cần được giữ lại cho riêng mình.

Tôi không nghĩ mình đang trên đường về nhà. Tôi cũng chẳng mong sớm về nhà, mặc dù lúc này trời cũng chẳng còn sớm. Ở trong nhà thờ ra, cũng không nhìn rõ mặt người quen. Tôi chợt nhớ hồi chuông tắt lửa trước đây vẫn có khi thánh lễ chiều kết thúc. Mùa dịch cũng làm mất đi một nét đặc trưng văn hóa của nhà thờ Công giáo.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn ngày 27.11.2020 .