KÍ ỨC NHỮNG THÁNG NGÀY TÂY BẮC
Xin được coi đây là nén tâm hương tưởng nhớ hương hồn các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ Công nhân viên, anh chị em Sinh viên của trường đã về cõi vĩnh hằng.
Kính tặng các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ Công nhân viên, các thế hệ Sinh viên trường Sư phạm (7+3), Sư phạm 2 Tây Bắc
(sau là trường Sư phạm (10+3)
Tây Bắc, sau này là CĐSP Tây Bắc, nay là Đại học Tây Bắc) nhân 60 năm ngày thành lập trường thân yêu.
K í ức Tây Bắc ùa về...
... Bỗng nhớ cái Lê Hoa (Thái Bình), bố mất (từ những năm 80 của thế kỉ trước), không thể về chịu tang được vì bảo học ở mãi tận Chiềng Ly, Thuận Châu, Sơn La. Nó khóc hết nước mắt. Hoa làm mâm cơm đạm bạc thắp hương bái vọng bố, ngay tại khu tập thể giáo viên Cao đẳng sư phạm Tây Bắc, trong một căn phòng nhà torxi độ 7, 8 mét vuông, bát hương là một lon sắt tây vốn là hộp sữa bò. Nó mời mình với cái Nụ (Thái Bình) ăn trong nước mắt. Không biết hai bạn Nụ, Hoa còn nhớ chăng?
Các bạn Cao đẳng sư phạm Tây Bắc thân yêu còn nhớ chăng?
Một thời tuổi trẻ, với những kỉ niệm buồn vui, đói khổ, mà trong sạch, với cả những vô tư, ngây thơ, dại dột, ngang tàng, những sai lầm, vấp ngã... ngày ấy.
Các bạn còn nhớ chăng?
Chúng ta thiếu thốn nhiều thứ, nhất là vật chất, nhưng chúng ta thương yêu nhau. Chúng ta đã góp sức mình đưa ánh sáng tri thức, ánh sáng văn hoá đến với đồng bào các dân tộc Tây Bắc thân yêu.
Chúng ta không hèn.
Xin mọi người hãy khắc sâu điều này.
Ôi chao!
Sao mà nhớ cái hương vị của xôi nếp tan, nhớ cái bùi ngon ngọt của bát canh khoai sọ Chiềng Pấc nấu với cải Mèo trồng cạnh nương cây hoa anh túc đến thế. Nhớ cả cái rùng mình khi nhìn thấy bát canh rau cải xoong, nước rời rợi xanh như nước hồ Hoàn Kiếm. Nhớ cái gió lào khô không khốc nóng kinh hoàng ở trại bò Co Mạ. Nhớ những bữa liên hoan với tài nấu nướng của các bác, các cô, các chị nhà ăn tập thể, đặc biệt là cái đẹp mê hồn, hương vị ngọt ngon của khoanh giò trứng… Ngon có lẽ vì đói. Ngon còn vì tấm lòng thơm thảo yêu thương của cô Hoà, chị Dịu, chị Khôn… đã gửi vào trong đó. Nhớ hàng tháng trời thầy trò được “thưởng thức” trường ca cơm nếp gạo đỏ với canh bí ngô. Cái mùi sắn khô mốc vẫn còn đậm nét trong kí ức. Những bữa ăn đạm bạc kham khổ đến nỗi anh Khanh toán (Ninh Bình), biệt danh Lạ Thế Khanh gần 40 năm sau, vẫn còn kể:
- Chỉ một nắm chim chim cơm nếp gạo đỏ ăn loáng đã hết, uống bát nước canh cải xoong để nó nổi… phân lên cho no bụng, ra gốc đào ngoài sân vặt lấy cái tăm xỉa răng là xong bữa... Lại vọng về tiếng gió thổi qua rừng lát xạc xào, tiếng rả rích triền miên của mưa rừng, tiếng hoãng cô đơn gọi bạn tình trong những đêm trở trời trên núi Khâu Tú, những con đường đất đỏ uốn lượn nhễ nhại trăng xanh... Nhớ, nhớ quá chao ôi !Tôi bỗng giật mình thức giấc giữa trưa tập thể im ắng vì tiếng của tay Sang (giáo viên thể dục, quê Hà Bắc) dõng dạc như tiếng ông Phó phòng tổ chức cán bộ Phan Thế Chế (Nghệ An) cất lên vào giờ chào cờ mỗi sang thứ hai:
Nghiêm! Chào cờ, chào!
Sau đó là giai điệu quốc ca vang lên từ cây đàn arcordeon đã quá tuổi hưu, nhưng chưa được “nghỉ chế độ”. Hàng mấy chục nam thanh nữ tú khu tập thể giáo viên miên man giấc ngủ trưa choàng tỉnh, bật dậy ngơ ngác… Một chuỗi cười giòn tan của mấy nàng...
Nhớ lắm tiếng ghi ta cổ điển cất lên trong đêm đông của Giang lùn/ Giang sứt qua giai điệu Polonie, Giọt lệ, Dân vũ Ả rập, Lới lơ, Bài ca hi vọng.., của Luyên Jô (giáo viên KTCN,Thanh Trì, Hà Nội) qua bài Người Hà Nội, Du kích sông Thao...,của Tuấn cốt (giáo viên KTCN, Hà Tây) qua bài Roman (Khúc tình ca của Gomex)…Vẳng vẳng đâu đây giọng hát Quyền Chế, cất lên ám ảnh, nức nở não nề:
"Em mình gặp nhau lần cuối đi em…
Mai xa cách rồi còn gì nữa đâu.
Anh chắc không bao giờ gặp lại bóng dáng em xưa.
Anh chắc không bao giờ gặp lại để hôn em lần cuối…
Trao nhau nụ hôn cuối cùng, nghe sao đắng chát trên môi,
Rưng rưng giọt lệ, xót xa tình người còn nhiều đớn đau...
… Mai xa cách rồi, nhớ nhau nhiều hơn…
...Mai... xa... cách... rồi..., nhớ... nhau... nhiều... hơn..."
Chợt nhớ đến dáng đi tập tễnh giả vờ của Thành Kịch (giáo viên hóa, Mộc Châu, Sơn La) như ngọn lửa bập bùng diễu trên con đường đất nằm giữa khu nội trú, khiến ai cũng phải bật cười. Nhớ đến hội tổ tôm với Thịnh cục (giáo viên toán, Hà Nội), Hạnh trâu (giáo viên thể chất, tay hậu vệ thép của đội bóng đá nhà trường,Thanh Hóa), Hồi cốt (giáo viên toán, Hà Nội), Hạnh tó (giáo viên toán, Đông Anh Hà Nội), Hoà thổ (giáo viên địa, Nghi Lộc Nghệ An, Anh đã mất), Quyền Chế (giáo viên vật lí, Hưng Yên), Giang lùn (giáo viên toán, Tuệ Tĩnh, Hà Nội)… với bài Tổ tôm ca "bất hủ" cất lên qua điệu hát xẩm cùng tiếng ghita bập bùng:
Đoàn tàu đã đến Ninh Bình,
Bà con cô bác nhiệt tình giúp em.
Năm xu cho chí một hào,
Bà con cô bác cho vào túi em.
Rồi:
Đèn năm trăm oát sáng choang
Năm ông năm góc đàng hoàng ngồi kia.
Vơ bài kẻ xếp người chia,
Sao mà lâu thế? Ô kìa! Đánh đi.
Hết thập hồng đến chi chi.
Khi thì kính cố khi thì thông tôm.
Gặp nhau từ buổi chiều hôm,
Bốn giờ rưỡi sáng còn ôm cỗ bài,
Năm giờ đứng dậy vươn vai,
Mắt cay ngáp ngắn ngáp dài hẹn nhau:
- Vơ bài dành đến hôm sau,
Về mà ăn sáng mau mau đi làm.
Phòng văn ngáp sái quai hàm,
Còn mơ phỗng tứ ăn tam làm gì?
Hay:
Mèo khen chó ngáp ruồi tài nhỉ!
Chó bảo mèo:
- Mày chỉ cười tao,
Há mồm ruồi nó bay vào,
Tao đem ngậm lại chứ tao tài gì!
Hoặc:
Ở đâu cũng có người tài,
Ở đâu cũng có một vài thằng hâm…
Rồi:
Đàn ông phải có đàn bà,
Điếu cày phải có lông gà mới kêu.
Hay:
Chổi cùn cắp nách khăng khăng,
Đứa nào động đến ông văng chổi cùn.
...
Nhớ những vần thơ tếu táo vui nhộn mà anh Công Tho (giáo viên văn, Thái Bình) đến nay vẫn thuộc nằm lòng. Bài thơ có tên: Hội nghị tổng kết khoa Văn Sử:
Anh Lê (anh Nguyễn Lập Lễ giáo viên sử, quê Thái Thuỵ Thái Bình, Anh đã mất), Anh Quạng (anh Phạm Ngọc Quang giáo viên văn, Phó khoa Văn - Sử, quê Vụ Bản Nam Định), Anh Màu (anh Đặng Văn Mậu, giáo vụ khoa, quê Thái Bình, Anh đã mất), Ba anh thuộc hạng đứng đầu của khoa.
Bên dưới thì có anh Na,
Nguyên là thủ trưởng của khoa về vườn.
Bác Tâm phát biểu một chương,
Chúng tôi dự tính đến hơn một giờ.
Thầy trò Văn Sử mệt phờ.
Anh Tư mạnh dạn lên sờ vào tay,
Bác Tâm chưa kịp hiểu ngay.
Thầy trò bên dưới vỗ tay một hồi.
Bác Tâm biết ý liền thôi.
Anh Mâu đứng dậy đọc lời phân công:
- 3 A ở lại dọn phòng,
Dứt khoát công việc phải xong mới về.
Nếu có thắc mắc đề huề nói ra,
Cấm tiệt không được kêu ca,
Giám hiệu nghe thấy, các khoa chê cười.
Hay bài:
Tưởng đâu cháy cửa cháy nhà,
Hoá ra hố xí nhà bà Hương Cung,
Giữa trưa lửa bốc đùng đùng
Trẻ con đốt giấy lung tung đó mà…
Nhưng nhớ nhất vẫn là những đêm trường hội diễn văn nghệ, nhân một sự kiện gì đấy.
Anh Đoàn Văn Tĩnh, biệt danh chú Chánh, sau nhiều năm về Xuân Thuỷ, Nam Định làm chuyên viên văn của phòng giáo dục huyện nhà, khi gặp lại nhau tại hội nghị thay sách Ngữ văn THCS Đồ Sơn, tay vẫn xách điếu cày, miệng đọc câu thơ:
Thanh Kim đánh trống bùm bùm
Vén màn đã thấy Thanh Sùm bước ra.
Lời thơ của nhà giáo nhà thơ Đinh Văn Lành (Phó phòng giáo vụ, giáo viên văn, Nam Định) quấn quýt cùng giai điệu tuyệt diệu tài hoa mang đậm chất dân ca Mèo trong ca khúc "Anh nhớ về quê em" của người Anh kính mến thân thương, nhà giáo, nhạc sĩ Vũ Gia Thuỵ, (Anh đã mất, quê Hải Phòng, lên Tây Bắc từ 1959, (khi nhiều người trong chúng ta mới chập chững biết đi hoặc chưa chào đời) và công tác tại trường cho đến lúc nghỉ hưu mới hồi hương) bỗng trở về trong hồn tôi qua tiếng hát tuyệt vời của nhà giáo ca sĩ Trần Quốc Thư (giáo viên KTNN, người phố Bát Đàn Hà Nội, Anh đã mất.), từ một đêm hội diễn văn nghệ của trường, mãi tận những năm 80 của thế kỉ trước:
Ngọn gió Pu Luông xoa trên má em.
Ánh nắng Pu Luông vàng ươm mái tóc.
Bầu trời Pu Luông xanh trong ánh mắt.
Anh nhận ra em cô gái Mèo.
Đường lên Pu Luông vách đã cheo leo,
Anh hiểu chân em cứng hơn đá núi,
Màu tím hoa mua bên đường chỉ lối,
Đưa anh về bản em.
Lùm cây trên đỉnh núi,
Che nắng che sương.
Vách đá cao chắn gió mùa đông bắc.
Chim hót gọi bầy xanh trong núi biếc.
Hoẵng kêu tìm bạn,
Ấm những đêm đông.
Khẩu súng trên vai,
Nặng chiến công.
Tiễu phỉ, giữ làng, giữ xóm bản...
Cái cuốc trên tay,
Bao năm bầu bạn,
Theo em lên rẫy lên nương…
Giữa đêm vui phố Thuận,
Anh nhớ về quê em.
Nhớ cây cao đầu ngõ,
Vẫn treo chùm sao đêm.
Anh nhớ cô tiên nữ
Trong vườn Gin giăng ca...
Nhớ bóng em trên núi
Giữa trời mây bao la...
Bài hát sau đó được Phó giáo sư Thành Thế Thái Bình, (thầy của tôi ở ĐHSP Hà Nội I), lúc ấy là Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội II (Xuân Hòa), bạn học của anh Thụy ở khu học xá Nam Ninh Trung Quốc (thời chống Pháp) mang về trường Xuân Hòa phổ biến rộng rãi trong sinh viên.
Đêm diễn kết thúc khá muộn, các thành viên tham gia hội diễn bao giờ cũng được trường bồi dưỡng mỗi người một bát phở đêm khuya. Thật thoả mãn bần cố nông. Một lần nào đó, lớp Văn cao đẳng bồi dưỡng khoá 1 do anh Nguyễn Công Lư (giáo viên văn, Nam Định) làm chủ nhiệm tập một vở kịch ngắn gì đó lâu quá, nay quên mất tên, nhờ mình góp ý khi tập. Diễn viên toàn U40, U45 như chị Loan, chị Hạnh (vợ anh Phan Tất Ân)…anh Tuy, anh Hữu, anh Hồng Hà vốn là giáo viên ở Tuần Giáo cũng đảm nhiệm một vai. Anh Hồng Hà hay gửi thơ cho mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ…” trên báo Nhân Dân thời ấy. Anh kể vì bức xúc chuyện bà con khu dân cư nơi gia đình anh ở nuôi chó quá nhiều, rất nguy hiểm vì không được tiêm phòng dại. Lại phiền một nỗi, cứ chiều tối, lũ chó sủa ỏm tỏi, khiến bà con không nghe được chương trình thời sự buổi 18h của Đài Tiếng nói Việt Nam phát qua loa công cộng. Anh viết bài gửi báo Nhân Dân. Báo đăng, nhưng những người quản lí ở địa phương không bằng lòng vì cho rằng anh làm mất uy tín của họ, phê phán họ không biết quản lí. Họ làm công văn báo cáo Ban Tuyên huấn huyện uỷ Tuần Giáo; Ban Tuyên huấn Tuần Giáo “khẩu dụ” cho chi bộ, giám hiệu trường phải kiểm điểm anh vì tội mất quan điển lập trường. Chẳng là vì trong bài đó có câu: “Tiếng chó át cả tiếng đài tiếng loa”. Với lập luận rằng viết như vậy quá bằng nói: tiếng chó át cả tiếng nói của Đảng (!). Gay to, nhưng rồi mọi việc cũng ổn. Thật chẳng khác gì quê tôi thời chống Mĩ kiểm thảo một đảng viên vì có con đi trâu, mải chơi bi, chơi đáo gì đó, trót lỡ để trâu ăn lúa hợp tác xã. Con trâu ăn mấy khóm lúa mà chi bộ nâng thành quan điểm, lập trường cách mạng, thành vấn đề chết người. Nó làm giảm năng xuất lúa của hợp tác, giảm sản lượng thu hoạch, khiến việc đóng thuế cho nhà nước giảm đi. Cách mạng thiếu lương nuôi quân, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của quân đội ta. Quân đội ta yếu đi, làm phe xã hội chủ nghĩa ta yếu đi, khiến cán cân lực lượng nghiêng về phe tư bản thực dân đế quốc sài lang, từ đó làm ảnh hưởng đến hoà bình thế giới. Ôi! Thứ lí luận, lập luận quái gở khiến người ta sợ vãi cả linh hồn. Đương sự tưởng chừng bị ghép vào tội phản cách mạng, tội chết. (!).. Anh Hồng Hà, sau còn đóng vai Lê An trong vở kịch Lấp Lánh sao khuê do Trần Quý Phúc (Châu Hồng Thủy, giáo viên văn, Hà Nam) viết kịch bản, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Ngọc Minh đạo diễn (1980) chuyện này sẽ nói sau. Anh Hồng Hà, Anh Nguyễn Vũ lớp trưởng lớp này đã mất, anh Thư hiện đã hơn 90 tuổi, sống ở thị trấn Hát Lót, Mai Sơn. Những anh chị em khác hiện không biết địa chỉ nên không liên lạc được. Biết bao giờ có thể gặp lại anh chị em của lớp Văn cao đẳng bồi dưỡng khoá I để cùng hút thuốc lào và ôn lại kỉ niệm một thời gian khó?…
Sao lại có biệt danh Thông Mạng Nhện?
Thời ấy đói lắm, đói theo nghĩa đen. Quãng 79, 80 gì đó, tôi xin về Hà Nội đọc sách, tìm tài liệu để chuẩn bị dạy văn học nước ngoài cho hệ cao đẳng sư phạm (thời gian 1 tháng). Vào thư viện ĐHSP Hà Nội I đọc sách, gặp người ở trường mình về nhập học cao học (thạc sĩ bây giờ) cho hay:
- Cả trường đang đói, cả trường ăn cháo hoa, nhưng rồi gạo hết phải ra cửa hàng ăn Thuận Châu mua bánh rán làm từ bột sắn khô về cho thầy trò ăn thay cơm.
Vào mùa gió lào (gió phơn) trường thiếu nước, thiếu gạo, thiếu rau… Thầy trò, nhất là giáo viên độc thân ở tập thể, cùng học sinh ăn bếp ăn tập thể của trường bị suy dinh dưỡng nặng. Nhiều người bị phù thũng, mỗi khi ấn vào da chân lõm xuống mấy phút sau mới phẳng trở lại. Cứ nhớ tới cảnh Luyên Jô chơi đàn ghita, đột ngột dừng lại xem da chân đã phẳng lại chưa mà rơi nước mắt. Sự kiện này lập tức đi vào thơ:
Tin đồn khắp phố Thuận Châu,
Thầy trò sư phạm nghe đâu... bị phù.
Chiều chiều, khi tiếng kẻng báo hết giờ làm việc vang lên, gió lào ngừng thổi, khu nội trú trở nên nhộn nhịp khác thường. Hội Hoan ếch (giáo viên toán, Phó Đức Chính, Hà Nội) Thịnh cục (giáo viên toán, Hà Nội), Khoát (giáo viên toán, Hà Nam), Hoàng Đạo (biệt danh Đạo nhọn, giáo viên văn, Hà Tây cũ), Tiếp bọ mò (giáo viên toán, Kim Anh, Vĩnh Phú cũ) lúi húi hái rau dền cơm, rau rệu, sau sam… về nấu với mắm tôm khô pha loãng làm canh ăn với cơm lấy về từ nhà bếp tập thể. Gọi cho "sang trọng" là nồi canh "hỗn dung văn hóa" . Các cô giáo Thu Dông (giáo viên văn,Thái Nguyên), Phi Tho (giáo viên hóa, Ninh Thuận, Sơn La (gốc Thái Lọ) cũng hào hứng, miệt mài hái rau sam, thài lài, rau má… Đám Dư (giáo viên sinh, Nam Định),Thục (giáo viên sinh, Thanh Hóa), Toại sật (giáo viên lí, Phúc Thọ, Hà Tây cũ), Thấu (giáo viên KTCN, Mĩ Đức, Hà Tây cũ) Sơn đen (giáo viên lí, Nam Định), Tuấn Cốt cũng thế. Rồi anh Hoàn dạy hoạ (Hoàn hoá, Nghệ An), Khang (giáo viên lí, Thanh Hóa), Bình (biệt danh Quản Ngật, giáo viên hoạ, Quỳnh Nhai, Sơn La), Phấn (giáo viên toán, Hà Nam), Thắng (giáo viên toán, Vĩnh Phú cũ), Tăng (giáo viên toán, Thái Bình)…đều rứa cả. Vui đáo để. Đó là một trong những bữa ăn tươi của chúng ta thời "đi Tây...Bắc" (!)… Đứa nào cắt cơm bếp tập thể để nấu lấy ăn, bị nhà trường cắt danh hiệu lao động tiên tiến. Tuy nhiên, muốn đạt danh hiệu này cần phải bảo đảm những tiêu chuẩn khác nữa như: có đủ số lượng rau xanh tăng gia bán cho bếp ăn nhà trường theo quy định. Sáng sớm, bất kể mùa đông hay mùa hè phải dạy tập thể dục từ 5h30 sáng, không thấy đề cập đến tiêu chí quan trọng nhất: đọc sách, nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy. Những tay bị cắt tiên tiến đầu tiên là những tay đọc sách khuya, sáng không dậy sớm tập thể dục rèn luyện thân thể cùng mọi người. Những tay này cũng là những tay lười tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Những tay này thường xuyên được những phần tử tích cực cốt cán theo dõi giúp đỡ. Họ thường đến phòng vỗ vai thân mật vẻ thông cảm vì sinh hoạt không tuân thủ quy định chung. Cuối cùng bao giờ cũng có “Niệm khúc cuối”:
- Như mình thông cảm thì không sao, nhưng dư luận quần chúng họ sì sèo…(!).
- Dư luận là ai? Là chính họ chứ còn ai nữa. Nhưng biết làm sao được(…) (đoạn này chưa công bố).
Anh Nguyễn Văn Bạ (giáo viên văn, Đông Anh, Hà Nội) vợ là chị Tống Thị Tuyết cũng giáo viên văn cùng lên 1980, khi hai vợ chồng đã chuyển vùng về dạy ở Hải Phòng, gặp lại nhau tại nhà anh chị trong một chuyến công tác, bên mâm rượu, anh Bạ mới cho biết:
Hoá ra tôi được chi bộ khoa Văn Sử, (lúc ấy, có lẽ do anh Na (giáo viên tâm lí giáo dục) hay anh Phí Đình Lan (giáo viên văn, Hà Tây cũ, Anh đã mất) làm bí thư thì phải, chi bộ có bao người tôi cũng không nắm được vì không phải đảng viên) cho là phần tử chậm tiến, có vấn đề về tư tưởng, quan điểm lập trường cần được giáo dục giúp đỡ. Vì vậy chi bộ phân công đảng viên Bạ theo dõi giúp đỡ để tôi tiến bộ, nhịp bước cùng thời đại. (Nhưng tôi tự thấy trước tới giờ vẫn không có gì phải thay đổi cả, và cũng tự thấy chẳng cần phải thay đổi làm gì cho mệt). Tôi lại hay lên nhà Tuyết Bạ chơi vì hợp cạ, vì vợ chồng anh là những người tử tế, tôi lại rất yêu quí thằng bé Việt Phương, đẹp như thiên thần con đầu lòng nhà Tuyết Bạ. Thế là “tình thương vô ý gây nên tội”, kính chẳng bõ phiền. Anh Bạ bị chi bộ mang ra “cạo” vì không giáo dục được tôi đi theo con đường chính đạo, lại còn ua dua a tòng theo đuôi quần chúng.Thật cười ra nước mắt.
Trong bữa cơm tái hợp hôm ấy, tôi nhớ vẫn câu đùa với vợ chồng Bạ Tuyết:
- Thế là bác chẳng giáo dục được quần chúng mà còn bị quần chúng giáo dục lại.
Tất cả cười xoà vui vẻ, cùng nhớ về “Cái thời lãng mạn”.
Cơm tối xong, khu tập thể lại được thưởng thức bài hát sẩm tàu chợ do Minh còi “biểu diễn”. Lại cũng mở đầu: “Đoàn tàu đã đến Ninh Bình…" Nếu có cái bị, cái gậy, cặp kính đen, cái mũ tào phớ thì trông gã không khác gì thằng ăn mày bởi người gã cũng chỉ còn da bọc xương, cân cả cứt không trừ bì không biết có được 40 kí không. Điểm nhịp bằng tiếng ghi ta nghe thật não nề cùng lời ca nôm na tếu táo:
Mười năm công tác ở xa,
Hôm nay về phép thực là mừng vui.
Trước là anh thăm mẹ thăm cha,
Hai thăm cô bác ba là anh thăm em.
Thứ tư anh kể hết nỗi niềm,
Thứ năm anh trút hết tình duyên cho nàng.
Thứ sáu anh tính chuyện cao sang,
Bước sang mồng bảy anh dẫn nàng sang chơi.
Mồng tám anh được nghỉ ngơi.
Mồng chín chuẩn bị.
Mồng mười anh rước dâu.
Mười một anh nói chuyện ân cần.
Mười hai anh tổ chức gia đình liên hoan.
Mười ba chào hỏi họ hàng.
Mười bốn chuẩn bị,
Mười lăm anh ra ga lên tàu.
Chín tháng sau anh nhận được thư nàng,
Kèm theo bức ảnh cho chàng ở xa.
Thằng cu nó giống mẹ đôi má hai tai,
Nụ cười bộ đội một hai nhịp nhàng.
Nhìn con anh nghĩ đến nàng,
Mười lăm ngày phép rõ ràng là đây.
Nhìn con anh nghĩ đến nàng,
Mười lăm ngày phép rõ ràng thằng cu.
Rồi
Một yêu anh có may-ô,
Hai yêu anh có cá khô ăn dần,
Ba yêu rửa mặt bằng khăn,
Bốn yêu anh có hai quần đổi thay. (!)
(…)
Vì sao có biệt danh Thông mạng nhện?
Hè năm ấy, anh Phạm Văn Thông, giáo viên vật lí người Thanh Liêm Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Anh đã mất), nghỉ hè lên, quây quần bên ấm chè mạn, chiếc điếu ục chuyền tay nhau nhả khói như cháy nhà, với sự góp mặt của những Thư phệ, Lư đen, anh giai, Hoan ếch, Đạo nhọn, Mao Trạch Tộ (giáo viên địa, Hà Tây cũ), Tuấn cốt, Sơn đen, Minh còi, Toại sật, Minh Đôn (giáo viên toán, Ninh Bình)… Văn Thông đã hiến cho hội thuốc lào tập thể câu chuyện tiếu lâm đời mới mà anh đã sưu tầm được không biết từ đâu ở dưới xuôi:
Năm ấy, vùng Đông Dương bị thiên tai đói lắm, đói tới mức như người già kể về nạn đói 1945 ở miền Bắc nước ta:
- Hạt cơn dính ở đít chó, có người còn chạy theo nhặt đút vào mồm. Nước nào cũng đói, tất nhiên chỉ có dân thôi. Tổ chức FAO của Liên hiệp quốc chủ trương cứu tế cho nước nào dân đói nhất. Để các nước không thắc mắc tị nạnh, họ tổ chức một cuộc vẽ tranh cho giới hoạ sĩ các nước này. Nước nào có tranh đạt giải nhất về nạn đói sẽ được viện trợ khẩn cấp lương thực. Lào mang đến tranh một người đàn bà gày dơ xương, teo tóp, trước sau như một. Căm pu chia đưa đến bức tranh một người đàn ông đầu gối quá tai, chỉ còn hai hốc mắt trũng sâu, có lẽ đổ được một chén con nước. Mãi vẫn chưa thấy tranh của Việt Nam dự thi. Ban giám khảo đoán già đoán non. Hay Việt Nam không đói? Đúng lúc ấy, Việt Nam mang tranh đến. Một người không biết là đàn ông hay đàn bà, không thể nào gầy hơn được nữa, da bụng sát vào xương sống, phần giới tính bị triệt tiêu. Đặc biệt, có một đám mạng nhện cực dày và to chăng kín hậu môn… Thế là Việt Nam được Liên hợp quốc viện trợ lương thực ngay tắp lự.(!) Và cũng từ đấy Văn Thông có biệt danh CỤ MẠNG NHỆN, bên cạnh các cụ khác như cụ Hoan ếch, cụ Hoan kính (giáo viên hóa, Thái Bình), cụ Hoan con (giáo viên hóa, Nam Định), cụ Vinh (giáo viên toán, Yên Bái, Anh đã mất), cụ Hoa (giáo viên sử, Hà Nam), cụ Ninh (giáo vụ khoa Toán, Thái Bình), cụ Luyên, cụ Giang, cụ Tho, cụ Dân (giáo viên văn, Thái Nguyên), cụ Dông… Thật là kính thưa các loại cụ trường ta.
Những buổi tối nếu không mưa gió hoặc quá rét, chúng tôi thường kéo nhau đi xem phim tại bãi chiếu bóng thị trấn Thuận Châu. Đây có lẽ là những năm tháng được xem phim điện ảnh nhiều nhất trong đời tôi.Thật lạ. Ở đồng bằng 17 năm, ở Hà Nội 4 năm, số lần xem phim trong một tháng đếm chưa hết hai bàn tay. Vậy mà lên Tây Bắc thì ngược lại, số tối không xem phim trong một tháng đếm chưa hết số ngón trên hai bàn tay. Quả là văn minh, văn hoá ngược. Tôi đã mua khá nhiều sách văn học, lí luận phê bình, danh nhân văn hoá… ở hiệu sách Thuận Châu, nay vẫn còn giữ: Hội chợ phù hoa, Bà Bôvari, Viên mỡ bò, An na Karenina, Chiến tranh và hoà bình, Những người khốn khổ, Cội rễ, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Những con đường đói khát, Đất dữ, Sử thi Ấn Độ Maharharata, Bi kịch cổ điển Pháp. Lịch sử sân khấu thế giới, Tâm lí học sáng tạo văn học, Tâm lí học nghệ thuật, Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực…Lep Tônxtôi, Mikenlangielo, Đôtxtôiepxki, Leevitan, Repin…Tôi cũng đọc khá nhiều sách trong thư viện của trường CĐSPTB. Đêm đêm, sau khi xem phim về, đốt đèn dầu madut bằng lọ thuỷ tinh, trùm chăn vào mùa đông, quần đùi cởi trần vào mùa hè đọc sách đến 1, 2 giờ sáng có khi thâu đêm. Sáng ra, soi gương thấy hai lỗ mũi đen sì muội đèn, hai mắt cay xè...
Giai thoại về hai chiếc quần xà lỏn.
Tôi có hai chiếc quần đùi lai lịch rất “kì bí”. Chiếc thứ nhất vốn thoát thai từ chiếc quần phăng (theo cách gọi ngày ấy) may khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội I, bằng vải vinilon màu be. Tôi vẫn nhớ mảnh vải này mua ở bách hoá Cầu Giấy và may đo cũng ở một hiệu may vô danh tiểu tốt ở Cầu Giấy. Do thợ may vụng nên chiếc quần hơi loe này có một bên ống quần hơi bị chéo. Tôi ra trường 5/1978 đến 5/9 năm ấy, lên nhận công tác ở 10+3 Tây Bắc, dĩ nhiên chiếc quần cùng tôi lên Tây Bắc. Đến năm 79, 80 gì đó, chiếc quần bị thủng đít, không mặc lên lớp được nữa. Lúc ấy đến quần đùi cũng bị rách. Thậm chí nguy. Thật đúng là phú quý thụt lùi. Thời sinh viên được bố mẹ cho quần áo, tiền tiêu vặt, tiền ăn sáng, Nhà nước đài thọ mỗi tháng 22 đồng (18 đồng tiền ăn, 04 đồng tiêu vặt, tiền nhà ở, điện nước, tham quan di tích các danh nhân văn học, xem phim học tập tại rạp, xem kịch nói tại Nhà hát nhớn, tất tần tật đều miễn phí) và 17 kg gạo thì quần si áo lon.Thời ấy (1974,1975,1976, 1977, 1978), một bữa ăn sinh viên ở bếp tập thể ĐHSPHN đơn giá là 03 hào. Thực đơn: cơm độn mì sợi hoặc độn ngô đã xay nhỏ, canh rau cải hoặc rau muống luộc, bí xanh, bí ngô, cải bắp, su hào…, nước chấm, thịt lợn kho hoặc quay nếu ăn bánh mì, cá mè hoặc cá biển rán hoặc kho, có khi là trứng gà luộc hay lòng bò, lòng trâu xào. 4 đồng phụ cấp có thể mua được 10 vại bia (mỗi vại 0,5 lít) ở quán bia cổng trường sư phạm HN, vẫn còn thừa 5 hào. 5 hào có thể mua được 01 bát bún ốc ở chợ Xanh hoặc 1 chiếc bánh chưng trong quán nước bà Tạo cổng trường, hoặc 5 gói lạc rang húng lìu của ông ba Tàu người vuông chành chạnh, da bánh mật bóng nhẫy. Sau này, nhất là gần ra trường cũng đói, phải ăn bo bo, khoai tây luộc thay cơm.Thời sau giải phóng miền Nam nghe nói bộ đội cũng đói, không biết thực hư thế nào? Đây là lúc dân cả nước đều đói. (...)
Bây giờ ra trường, làm thầy giáo trường Sư phạm II (10+3 Tây Bắc) thì đói khát, rách rưới. Thảm hại. Đây là thời cái gì cũng phân phối. (“Phân như cứt, cái cứt gì cũng phân”). Hai người một chiếc lốp xe đạp, chia thế nào?... Không có áo may- ô, đàn ông mùa hè cởi trần cho mát (!). Đó là thời cả nước họ "Trần", đi xe đạp "cố vấn", mặc áo "chuyên da". Dân gian lưu truyền câu ca:
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô.
(…)
Quần đùi rách không thể mặc được nữa. Thậm chí nguy. May quá buồn ngủ gặp được chiếu manh. Ăn cơm cùng mâm, (nhưng không ngủ cùng giường) với anh Phan Quang Lự (Nam Định), biệt danh anh giai, cũng dạy văn và cùng tổ chuyên môn, anh lên năm 1975, nghe anh kể khoá anh có những tay tên rất oách, nghe thật kinh hoàng nào là: Lê Kim Chìa, Nguyễn Mạnh Hoạch, Đinh Thiên Hạ, Nguyễn Thác Ghềnh..., gắn với những giai thoại cũng thật kinh hoàng về sinh viên khoa Văn sư phạm Hà Nội I…, Nhưng thôi, kể tiếp giai thoại về quần đùi cho liền mạch. Anh giai là người có hoa tay, viết rất đẹp, vẽ khéo. Anh thường được người ta nhờ vẽ phông trang trí đám cưới. Người ta có trả tiền không? Không được rõ. Nhưng được mời đánh chén thì rõ như ban ngày. Không thể chối cãi. Mỗi khi có người nhờ vẽ vời phông trang trí đám cưới, tôi lại đùa anh tí cho vui:
- Anh giai lại sắp được ăn trông thấy… sắp được nới... rút… quần… rồi, còn chó gì nữa!. Dường như anh cũng khoái tỉ, cười như cúp CD. Anh còn khéo cả tay khâu vá. Đồng bệnh tương liên, anh cũng rơi vào hoàn cảnh quần đùi rách nát của tôi, cũng có một chiếc quần phăng hết thời hạn sử dụng sau khi lộn ống quần đằng trước ra đằng sau mà tôi trêu anh là:
- Ông anh đang thực hiện chính sách “ưu tiên phía trước”.
Anh nghĩ ra cách trang trí cực thông minh: dán bốn chiếc “tivi” ở hai mông và hai đầu gối. “Công nghệ” kì quái này, thời thượng gọi là tích- kê. Chiếc quần này rơi vào tình trạng không thể đại tu được nữa. Anh giai quyết định biến nó thành quần đùi. Vào một chiều thứ bảy, anh rủ tôi cùng thực hiện. Ôi thật tri âm tri kỉ, hiểu nhau đến cả chỗ biết nhau bí bích, rơi vào thảm cảnh không có quần đùi thì thật là tri âm ở mức tuyệt vời chứ còn gì hơn nữa? Anh giúp tôi cắt, chắp vá, rồi khâu tay. Sang hết cả ngày chủ nhật thì “công trình thế kỉ” hoàn thành. Niềm vui đến thật bất ngờ. Thế là từ nay ta có quần đùi… mặc trong quần phăng để lên lớp, để đi chơi. Chỉ ai rơi vào hoàn cảnh của chúng tôi mới hiểu được niềm vui vì có được cái quần đùi lành lặn được chế tác lại, độ lại từ chiếc quần phăng đã hết niên hạn phục vụ ông chủ. Chiếc quân đùi ấy gắn bó với tôi đến mấy năm, Chuyến đi dài nhất của nó cùng tôi là chuyến công tác tiền trạm chuẩn bị cho đoàn tham quan công tác, học tập kinh nghiệm các trường sư phạm cấp II (10+3) ở nhiều tỉnh thành phố dưới xuôi lúc ấy đã nâng cấp và được công nhận là trường CĐSP của các vị cấp quản lý trường ta. Chiếc quần đùi ấy cùng tôi về gặp gỡ, liên hệ công việc với ban Giám hiệu các trường CĐSP Hà Nội, CĐSP Hải Phòng, CĐSP Thái Nguyên. Nó gắn bó với tôi khá lâu, nhưng rồi nó cũng bỏ tôi mà đi vì không chiụ được sự tàn phá của thời gian, của mồ hôi muối, của xà phòng. Ơi quần đùi ơi! Là quần đùi ơi! Còn một chiếc quần đùi nữa mà lí lịch của nó cũng không kém phần "kì bí". Đó là chiếc quần đùi mà hoạ sĩ Nguyễn Anh Tước, (anh đã mất, anh là con nhà giáo kiêm hoạ sĩ Cao đẳng mĩ thuật Đông Dương Nguyễn Quảng, anh lại là em ruột nhà giáo dạy văn tại cấp III Thuận Châu, sau này là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn, người bạn nối khố của tôi; anh còn là con rể hoạ sĩ Phan Kế An, người nổi tiếng với bức sơn dầu:”Nhớ một chiều Tây Bắc”.) cho cùng với chiếc quần vải bò khi anh đi thực tế sáng tác ở Tây Bắc vào quãng 1981,1982 gì đó. Chiếc quần đùi có lẽ được mẹ anh khâu bằng tay từ vải của một bức tranh sơn dầu vẽ hỏng...
Một thời chúng tôi nhường cơm xẻ áo cho nhau.
Các bạn Cao đẳng sư phạm Tây Bắc thân yêu có còn nhớ chăng? Một thời trẻ tuổi, trẻ lòng, với những kỉ niệm buồn vui, đói khổ, mà trong sạch, với cả những vô tư, ngây thơ, dại dột, ngang tàng, những sai lầm vấp ngã... ngày ấy. Các bạn có còn nhớ chăng? Chúng ta thiếu thốn nhiều thứ, nhất là vật chất, nhưng chúng ta đã góp sức mình đưa ánh sáng tri thức, ánh sáng văn hoá đến với đồng bào các dân tộc Tây Bắc thân yêu.
Chúng ta yêu thương nhau.
Chúng ta không hèn kém.
Mọi người hãy khắc sâu điều này.
Vân Giang - Tân Mỹ, Ninh Bình 10/2019- 10/2020