Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








DIỄN







S uốt dọc đường về tôi đã bỏ quên nửa trái tim mình nơi quê ngoại, quê hương yêu dấu của tôi và của Diễn. Để rồi lòng tôi không thể nào nguôi nhớ. Cầu mong sao Diễn đừng biết điều này!

Đó là một buổi sáng mùa Thu, tôi ôm sách vở về quê ngoại ôn lại những kiến thức chưa tròn đã đánh rơi tôi khỏi giảng đường đại học. Gió vi vút trên đầu những ngọn tre ven con đường làng, vút xuống đất một con sâu nái xanh lè tua tủa gai, những cái gai làm phồng rát thịt da bất cứ ai đụng vào, tôi nhìn mà ớn lạnh. Bao năm tháng xa vời sao quê ngoại vẫn thân quen thế này? Trên con đường làng, tôi chẳng thấy ai nhận ra mình, cũng phải, tôi đã đi xa quá xá lâu rồi! Bây giờ đã trở thành thiếu nữ, mà lại trở về từ một thành phố văn minh rực rỡ, có ai nhận được ra tôi mới là tài. Ngoại và mấy cậu dì tôi ríu ran bao nỗi niềm. Ai cũng bảo thấy tôi được như vầy là mừng lắm, ngày còn ở với ngoại, tôi trông như một con mèo ốm đói, thảm thương, đã tưởng chết đi rồi. Căn bệnh đau tim bẩm sinh hành hạ tôi đến chỉ còn một nắm xương, cộng với một gương mặt khờ khờ trông như đồ chết rồi dựng dậy. Ai cũng bảo bây giờ tôi quá khác. Hèn gì Diễn cũng đâu có nhận ra tôi.

Hồi đó, tôi là một con bé chẳng giống ai, lại không cha không mẹ. Người ta làm mọi việc bằng tay phải, tôi thứ gì cũng ngược lại, may còn có được trái tim nằm cùng phía mọi người. Thuở nhỏ, tôi viết chữ đẹp lắm, đến nỗi mỗi lần phát tập bài chính tả, cả lớp xúm lại coi, coi chữ đẹp và coi điểm mười, mặc dù tôi viết bằng tay trái. Diễn cũng vậy, cũng chen lấn trong đám bạn đang giữ cuốn tập, còn tôi thì chen vào để lấy lại cuốn tập, có khi bị hất ngã nhoài trên sân đất, thật đau. Ngày bé, ở nhà quê tôi thấy bọn con trai rất kỳ thị con gái, nhưng Diễn đã để lại trong lòng tôi một hình ảnh khó phai mờ, Diễn thường nhẹ nhàng đỡ tôi đứng dậy, không đứa con trai nào làm vậy với con gái bao giờ, chỉ có thể là thụi vào lưng hoặc đá vào cẳng giò mà thôi. Diễn đã làm tôi xúc động sâu sắc.

Trong dòng họ thì bà cố ngoại của Diễn là chị em bạn dì với bà ngoại tôi, thành ra tính theo tông chi họ hàng, Diễn phải gọi tôi bằng dì lận. Nhưng tôi và Diễn lại là bạn học với nhau, chung một lớp. Ngày nhỏ không ai biết họ hàng. Tôi giã biệt quê ngoại dấu yêu lúc chín tuổi. Và chín năm kế đó trôi qua đối với tôi là một quãng thời gian quá dài.

Tôi nhớ như in trong lòng buổi sáng ấy, lúc tôi đang ngồi học bài bên cửa sổ thì một đoàn tùy tùng xuất hiện trước ngõ nhà ngoại tôi. Ba mẹ Diễn gọi ngoại tôi bằng bà bác, nếu ở trong Nam thì chỉ gọi bằng bà ngoại dì thôi, và gọi tôi bằng chị. “Chị Bé ở trong Nam mới về đấy à!”, Diễn nhìn tôi không biết chào ra sao, vì có lẽ nhìn “nhi-co-lai” quá. Đến lượt tôi cũng không biết phải xưng hô thế nào. Tôi cũng không thể nào ngờ được chính buổi sáng hôm đó tôi gặp lại Diễn, cho dù trước lúc trở lại quê tôi đã thầm lén giấu trong hành trang một chút niềm hy vọng. Gặp lại nhau mà chỉ một mình tôi nhận ra thôi, rồi sau đó thì Diễn ra về và tôi nghĩ rằng không còn cơ hội nữa. Người ta chỉ về quê thăm mộ tộc, họ hàng xa quá biết đâu mà lần!

Mãi đến chiều hôm sau lòng tôi bỗng quằn lên một nỗi niềm khó tả, tôi xin ngoại cho tôi lên thăm phố, bằng chiếc xe đạp sườn ngang của ông tôi. Gọi là từ nhà quê lên phố nhưng cũng đâu có xa gì mấy. Đạp xuyên qua con đường mòn nằm lọt giữa hai rặng tre ngà, băng qua một cái mương thủy lợi và vượt qua một cánh đồng là phố đã hiện ra, rộn ràng xe cộ và tấp nập người ta. Việc đầu tiên, tôi ghé vào bưu điện gọi về miền Nam cho ba mẹ hay tin. Có lẽ thực chỉ có trời xui, lúc đó tôi cũng không hề ngờ là tôi gặp Diễn. Bấy giờ thì Diễn nhận ra tôi nhưng chỉ một phần nào đó thôi, Diễn không nhớ rằng tôi và Diễn đã từng là bạn học.

- Chào em!

- Trời, ở đâu ra hay vậy? - Tôi nghĩ thầm trong bụng “Phạm thượng đó nghen cưng!”.

- Nhà anh ở gần đây, cách đây chỉ một đoạn đường. Em đi đâu đấy?

- Đi gọi điện. Không được gọi bằng em nghe không. Nghi vai dì Diễn đó.

Diễn tròn mắt:

- Ôi trời! Thế á?

Diễn nói rằng tôi với Diễn là thứ bà con mấy đời “đại bác bắn không tới”, rằng trong thâm tâm Diễn không hề muốn có một thâm tình bất đắc dĩ thế. Diễn nói:

- Diễn chỉ muốn mình là bạn, cái nghĩa bạn toàn quyền cơ.

- Vậy Diễn còn nhớ mình đã từng là bạn không?

- Thảo nào thấy Nghi quen lắm đấy!

- Quen hả? Hồi nhỏ Nghi học cùng lớp với Diễn đó. Lớp một, lớp hai và lớp ba. Sau đó ba mẹ Nghi rước Nghi vào Nam học.

- A! Nhớ rồi. Sao khác nhau một trời một vực thế?

- Cũng là Nghi thôi, tại bây giờ đã là người lớn, phải khác chớ sao! Nghi còn nhớ cả Dung và Thủy nữa, Diễn có còn gặp mấy bạn đó nữa không?

Diễn dắt tôi vào một con hẻm vắng hoe “Nhà Dung đây, nhà Diễn kia. Nhớ là phải vào nhà Diễn một lần cho biết.”, tôi đứng tần ngần trước con hẻm, bâng khuâng. Có ai đó đi ngang hỏi vọi lại “Người yêu đấy à Diễn ơi?”, tôi thấy mặt Diễn đỏ rần lên một cái “Dạ không ạ. Dì con đấy!”. Tự nhiên sao tôi nghe buồn rười rượi. Vội vàng cúi mặt nhìn đám đất vô tri, tôi bảo:

- Chắc thôi để dì về Diễn ạ.

- Thôi, về dưới đấy buồn lắm! - Diễn can ngăn.

- Nhưng dì phải học bài. - Tôi viện cớ, vì trong lòng bắt đầu nghe rối rắm.

- Nghi mà về, Diễn cũng về. Ở phố mà không được gặp Nghi thì chả bằng về xã, có Nghi về, ở xã rộn ràng hơn đấy.

- Vậy sao? Dì không biết.

- …

- Diễn chở dì về xã có được không? Dì đi xe đạp sườn ngang không quen nên hơi sợ.

Từ nhỏ tới lớn, đó là lần đầu tiên tôi xưng “dì” với Diễn. Tôi xưng như vậy một chặp lâu vì cảm thấy bỗng dưng đứng trước Diễn tôi bị mất tự chủ. Diễn nhìn tôi bần thần hết mấy giây.

- Nghi muốn về thật sao?

- Ừa, bài vở còn nhiều lắm. - Tôi nói mà không dám nhìn vào mắt Diễn vì tôi đã dối lòng.

Ba mẹ tôi “tha thứ cho nhau” lúc cả hai bên đều đã có con đàn, quảy hai cái nửa gánh cuộc đời chắp lại với nhau, đem tôi về cùng sum họp, tôi bỗng trở thành chị Hai của một bầy em cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha. Sáu đứa cả thảy, cả tôi, cùng trang lứa với nhau. Và một đứa em út cùng mẹ cùng cha sắp chào đời. Có khi kiếp trước làm điều gì mang tội, nên kiếp này ba mẹ tôi phải trả cho xong. Trả hết rồi mới được sum họp, cho dù lúc đó đã sắp bạc đầu. Tôi bỗng lần quần một câu hỏi, kiếp trước mình có làm gì mang tội với Diễn không?

Ngày hôm sau, Diễn lò dò đạp xe từ phố xuống, kè bên cạnh một chiếc xe khác nữa để lát có xe về, mua đủ thứ trái cây và bánh kẹo. Ngoại tôi miệng bỏm bẻm nhai trầu cười nồng ấm “Tội nghiệp!”.

Bữa sau nữa, trưa ngoài trời nắng chang chang. Tôi nằm trong buồng thiu thiu ngủ, mơ màng nghe ngoại gọi “Nghi ơi! Anh Diễn đến đây này”. Tôi giật mình, tự nhiên thấy run khan. Tôi bước ra gặp Diễn và mời Diễn vô chơi. Nhà ngoại tôi quá chật hẹp nên không đủ chỗ cho một cái bàn tiếp khách. Tôi kéo ghế đẩu cho Diễn ngồi, còn tôi xí phần cái võng mây treo ở giữa nhà. Không rõ vô tình hay cố ý khi cầm cuốn tập của tôi lên, tôi còn nhớ như in là Diễn mở cuốn tập ra che ngang tầm mặt, Diễn lén nhìn tôi, cái nhìn đa mang lắm. Tôi thấy lòng mình cầm cập run. Không biết làm gì cho qua chuyện, tôi lôi mấy bài thơ hay mà tôi sưu tập được, ngồi đọc cho Diễn nghe suốt gần nửa tiếng đồng hồ. Diễn ngồi nghe chăm chú, gối cả hai tay lên đầu võng. Gió đưa bụi chuối phía sau nhà nghe xào xạc, tôi nghe mơ màng như chính đôi bàn tay Diễn đang đưa võng cho tôi.

Chiều hôm đó, tôi theo Diễn lại nhà Dung chơi, chó sủa ầm trời và chị giúp việc bảo “Dung không có nhà!”, và rồi Diễn dắt tôi qua bên nhà Diễn. Nhà vắng teo, ba mẹ Diễn đi làm, chỉ có nhỏ em cũng vội vàng… chạy trốn. Tôi ngơ ngáo, ngượng ngùng. Cũng may, có thêm một người bạn của Diễn tới chơi, tụi tôi kéo nhau qua vườn ổi nhà chị Diễn. Diễn lấy ghế cho tôi ngồi, xẻ ổi mời tôi ăn. Những lúc như vậy, tôi mơ hồ nhận ra rằng trái tim bé nhỏ của tôi đang có điều bất ổn.

Nhưng một lúc nào đó tôi lại cảm thấy coi chừng mình mang tội với dòng họ, tổ tông. Cho nên hai lần hẹn với Diễn về phố, đêm coi đoàn hát biểu diễn, tôi đành lòng không đi, để cho Diễn năn nỉ hết lời rồi một mình trở về giữa đồng không mông quạnh, giữa trời đêm tối mịt. Diễn sắp đi xa, đi làm lụng kiếm tiền cho năm sau vào đại học, mà năm nay phải bảo lưu kết quả vì kinh tế khó khăn. Tôi cũng vậy, tôi sắp phải về nhà, ba mẹ tôi cũng cần có bàn tay tôi lắm. Tôi biết Diễn buồn, thì lòng tôi cho đến tận bậy giờ vẫn ray rứt đó thôi.

Ngày tôi lên xe trở về Nam, tôi muốn đi tìm Diễn để giã từ. Trái tim tôi thôi thúc, đôi chân tôi bồn chồn. Nhưng có một bàn tay vô hình đã dang ra. Tôi về, lòng buồn trĩu nặng. Xe chạy qua những mái phố còn mờ sương, chạy qua con đường nhiều kỷ niệm, chạy qua vườn ổi nhà chị Diễn, chạy qua con hẻm vắng, tôi cố nhìn nhưng chẳng thấy Diễn đâu. Con hẻm cứ hun hút lạnh buồn. Bất chợt, phía đằng Đông, những tia nắng đầu ngày sáng lóe. Tôi cố kìm lòng một tiếng gọi “Diễn ơi!”.

Tôi mới ngộ ra được một điều, là gì Diễn biết không? Chỉ vì tôi đã mang mãi trong lòng hình ảnh một người bạn khác phái, đã từng luôn vực tôi dậy mỗi khi tôi té ngã, lúc tôi đơn độc nhất. Là Diễn, khi tôi thiếu hẳn một bàn tay nâng đỡ dịu dàng cho một đứa bé đau yếu, gầy còm, không có cha mẹ cạnh bên.

Sài Gòn, tháng 10.2005