Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





DÒNG ĐỜI








Đôi lời tâm sự Nay đã qua ngưỡng ngũ tuần, sau mấy mươi năm miệt mài làm thơ, trên bước đường phiêu lãng, gửi nỗi niềm trong gió bụi muôn phương. Chợt một chiều tôi muốn nhờ giấy bút kia, ghi lại chuyện đời mình, với những buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống. Vốn là kẻ tự tuổi thơ, đã thích sống đời phiêu lãng. Nên khi bước vào đời, chán chường cho sự nghiệp công danh,tôi đã dứt áo ra đi,thả chân vào gió bụi, sống rầy đây mai đó,phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn gửi lại nơi đây, những điều mà thơ tôi chưa nói hết,những biến cố nổi chìm, đôi lúc không theo trình tự thời gian, khi viết liền một mạch, về những người thân thuộc sống quanh tôi.

Nghĩ thế mà mấy tháng nay, chưa viết được chữ nào. Bỗng một đêm, hay tin đứa em bạn xe ôm ra đi đột ngột. Tôi đã viết về em, với tất cả những gì tôi biết,cùng tình cảm của mình, dành cho em suốt mấy năm qua. Câu chuyện có thật về em viết xong, tôi lại viết tiếp chuyện đời mình. Để lỡ đâu mai kia, vì một lý do nào đó, khiến cho ta không kịp viết, những điều ta muốn viết. Và những ý tưởng kia, sẽ mãi mãi là ý tưởng, đến muôn đời cũng chẳng thành văn. Bởi thế đêm qua, khi bài viết đầu tay “Tập thơ tặng muộn” vừa khép lại, khui một lon bia giải khát, phì phèo đôi khói thuốc xong, ngồi vào bàn viết liền một mạch, chẳng hay bình minh đã bừng lên, ấm áp tự khi nào.

Sài Gòn mùa đông 2013


VI : Cát Bà thơ mộng


K Tạm biệt cửa Tùng Quảng Trị! Đoàn thuyền Quảng Ngãi hùng dũng lướt sóng ra khơi, thẳng tiến về phương Bắc, nơi có quần đảo Cát Bà – vịnh Lan Hạ, nghe nói là đẹp mê ly, như thiên đường trần thế.

Bình minh vừa ló dạng trên biển khơi, thì cũng vừa lúc, mập mờ hư ảo phía xa xa, hiện lên đẹp hơn tranh, miền nước nhược non bồng. Đứng trước mũi thuyền, tôi nhìn không chớp mắt, cái xứ sở bồng lai tiên cảnh ấy. Để tôi đứng nhìn, một hồi lâu cho thỏa thích. Khi tất cả những hình ảnh trước mắt, đã rõ mồn một, hiện dần lên rạng ngời, dưới ánh nắng ban mai, Thế Vũ mới bước đến vỗ vai tôi: "Tuyệt quá phải không chú em! Rồi đây tha hồ mà viết lách vẽ vời. Hòn núi cao to trước mũi thuyền kia, người ta gọi là cao điểm 177, là Pháo Đài Thần Công, là chứng nhân lịch sử, đồng hành cùng quân dân ta, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chống Pháp Mỹ. Nghe nói từ các triều đại xa xưa, vua chúa cũng đã từng, chọn nơi này dựng tuyến canh phòng, phát hiện đánh đuổi ngoại bang, xâm lấn bờ cõi từ đường biển. Giờ trên ấy vẫn còn hai khẩu pháo, cùng hệ thống đài quan sát, và hầm hào trú ẩn. Rồi đây, anh sẽ đưa chú mày lên thưởng ngoạn. Khi đứng trên cao điểm, cả một vùng nước non tuyệt mỹ Cát Bà – Lan Hạ, đều được thu vào tầm mắt. Nào tàu thuyền đây đó, nào nước nước non non, nào những bãi tắm thơ mộng, như những nét chấm phá gần xa, điểm tô cho bức tranh tổng thể, với những bãi cát mịn màng, như dải lụa đẹp mê hồn". Nghỉ một lát, anh lại tiếp tục diễn giải, ngọt sớt trơn tru, như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ: "Giờ chú em hãy nhìn qua phía phải, thấy gì không? Há há! Hòn đá nhỏ thấp lè tè sát mặt nước, gọi là Hòn Khóa, xa hơn một chút, có hình dáng như cánh buồm, gọi là Hòn Buồm. Và xa hơn nữa về phía biển đông, nơi có tháp hải đăng, như ngọn bút khổng lồ, sừng sững giữa biển trời bao la, mà khi sáng chú mày thấy rõ, ánh đèn liên tục lướt qua, với chùm ánh sáng chớp nhóm, có chu kỳ 20s, sáng quắc cả một vùng. Nó là ngọn hải đăng trên đảo Long Châu, người ta gọi là đèn Long Châu đó. Nghe đâu được xây dựng từ thời Pháp thuộc, để giúp tàu thuyền định hướng, định vị khi vào cảng, ra khơi. Thôi chú mày tha hồ ngắm thỏa mãn đi! Việc khác để anh em lo, khi lát nữa thuyền cập bến".

Giờ không còn say sóng nữa, tôi rít vài hơi thuốc, nhấm nháp ly trà Thế Vũ mới đưa, và tiếp tục tận hưởng, những giây phút thần tiên, trước khi đặt chân lên bến cảng Cát Bà. Càng đến gần tôi càng thấy rõ. Những hòn lớn nhỏ, là những núi đá vôi, dưới chân đều bị thủy triều xâm thực, lõm sâu vào, tạo thành những hình ảnh đa dạng, phong phú đẹp mắt, như có sự chạm khắc đẻo tạc, của bàn tay siêu nhiên nào đó. Có những chỗ vách bị sạt lở, lộ ra những đường vân đa sắc, trông đẹp ly kỳ. Trùng trùng những hình thù, độc đáo của núi đá, hòn lớn hòn nhỏ, kỳ vĩ uy nghi và hữu tình thơ mộng, cuốn hút tôi đứng ngắm mãi chẳng muốn rời. Cuối xuân rồi cây lá vẫn xanh tơ mơn mởn, rải rác lưa thưa, những mảng rêu mịn màng, trên đất đá điểm phớt màu cẩm thạch, hòa quyện cùng nước biển mây trời, chung thắm một màu xanh, mát mắt đẹp rạng ngời…


Khi ở mãi đến cuối năm, tôi thấy quần thể Cát Bà thơ mộng, đẹp suốt bốn mùa. Với những hồ nước trong veo vẻo, với những dãy san hô huyền ảo lung linh, với nhứng thảm thực vật xanh mướt, ngỡ chừng như tít tắp tận chân trời. Những dòng suối nhỏ bốn mùa trỗi nhạc, róc rách nhẹ ngân, hòa điệu vào bản hợp tấu, muôn thuở của núi rừng. Tất cả tạo thành một tổng thể Cát Bà tuyệt mỹ, cực kỳ thơ mộng, mê hồn tựa chốn bồng lai. Cả một góc trời khoe sắc xanh non mơn mởn. Mùi thơm từ muôn ngàn kỳ hoa dị thảo quanh vùng, nhờ cánh gió đưa hương thoang thoảng nồng nàn, cùng những chuyến mưa xuân nhè nhẹ bay bay, đó đây chập chờn cánh bướm, ríu rit chim ca, tạo cho nơi này một mùa xuân rất đặc trưng. Khi mùa hạ đến, rừng nguyên sinh với những thảm thực vật, vẫn xanh rờn ngút ngát. Những bãi tắm tuyệt đẹp như Cát Cò, Cát Dứa, kẻ đến người đi, nằm ngồi bơi lội, lô nhô đông đúc, vui đùa hớn hở. Những bãi tắm lãng mạn thơ mộng huyền bí như Cát Cò 2, Cát Trai Gái, Cát Ông, Vạn Bội, Cát Cò 3, khi chỉ có hai người nằm uống bóng hoàng hôn, ta cảm thấy mình như chạm cõi tâm linh. (Và ngày đó giữa ba bãi tắm Cát Cò 1,2,3 chưa có chiếc cầu gỗ thơ đẹp nối liền nhau, thuận tiện qua lại như bây giờ). Khi những vạt nắng thu, dát vàng trên núi bể, trên nhưng mảng rêu loang lỗ, bên đất đá núi, trên những thảm thực vật, đằm thắm một màu xanh. Cát Bà vẫn đẹp như thiếu phụ kiêu sa lộng lẫy, và quyến rũ nhất là những buổi hoàng hôn, của mùa thu trên đảo. Rồi những sáng mờ sương ảo diệu, Cát Bà khoác lên mình chiếc áo mùa đông, mặn mà trầm lắng, có chút gì liêu trai huyễn mộng, lãng đãng hư hoang. Non nước sương mây sắc hình ảo diệu,như những tiên nương e ấp chồn thiên đình. Với sương mây bồng bềnh, đậu bay trên sóng khói, trên non nước hữu tình ẩn hiện kỳ bí, như bồng lai diễm tuyệt giữa trần gian.

Đó là vẻ bề ngoài, đi sâu vào bên trong, Cát Bà còn có những hang động đẹp kỳ cùng. Như động Trung Trang đẹp chẳng kém gì, so với động Thiên Cung và Sửng Sốt của Hạ Long. Nhưng lại hơn các hang động của Hạ Long ở chỗ, nơi đây còn giữ vẹn toàn, nét nguyên sơ của tạo hóa, chưa có bàn tay can thiệp của con người.

Sau vài mươi hôm trời yên biển lặng, tha hồ đánh bắt, tôm cá đầy khoang. Đoàn thuyền cập bến náo nhiệt xôn xao, cân hàng tấp nập, ca hát vui chơi, rượu bia thả cửa, thì biển động trở lại. Một chiều cao hứng, Thế Vũ dẫn tôi đi xuyên đường hầm, dưới chân cao điểm 177 ra bãi tắm Cát Cò. Đường hầm tối thui, dài mấy trăm mét tôi chẳng nhớ. Cứ đi một đoạn, là gặp phải một ngách cụt. Đường hầm rộng dễ đi, nhưng tối đen như hủ nút, dùng đèn pin soi chẳng nghĩa địa gì. Vậy mà Thế Vũ giỏi thiệt, mò mẫm dẫn tôi đi cho đến cuối con đường. Chợt cánh cửa thiên đường được mở ra, rạng rỡ chói lòa như chỉ có trong mơ. Trước mắt tôi hiện lên bãi tắm Cát Cò thơ mộng. Bao thiếu nữ đẹp như thiên thần, Tây có Ta có, đang khoe những thân hình bốc lửa, trên sóng nước bồng bềnh, trên cát mịn hoang sơ. Một khung trời tựa mộng, từ hầm tối bước ra, liền bị dụ hoặc, dễ say đắm lòng người, thật không dễ gì quên. Mãi đến một chiều hè, Thế Vũ mới dẫn tôi lên, chinh phục hầm hào, tuyến phòng thủ, trên cao điểm 177, in đậm dấu ấn lịch sử, vẫn không làm mất đi, hay phai nhạt vẻ hoang sơ, thơ mộng đầy quyến rũ của nơi này.

Và khoảnh khắc tuyệt vời, như để cho tôi phải nhớ đến suốt đời, khi hoàng hôn dần buông xuống trên cao điểm. Đây quả thật, là một điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng. Những ai có dịp được một lần, đến với Cát Bà nhớ chớ bỏ qua. Một thời khắc giao thoa, vô cùng quyến rũ, huyền bí và lãng mạn. Non nước hừng lên, rực sắc vàng hồng, óng ả mà đằm thắm,lóng lánh lung linh đẹp đến sững sờ. Mà tôi đã có lần, nói lên cảm xúc của mình, trong truyện "Đôi mắt Thủy Nguyên", khi trở lại nơi đây, vào mùa thu năm sau đó. Để tránh kể trùng lặp, trong các truyện của mình, kể cả chuyến độc hành khám phá, vẻ đẹp của quần thể Cát Bà- vịnh Lan Hạ. Với động Trung Trang, đỉnh Ngự Lâm, đảo Khỉ, làng cổ Việt Hải, làng chài Vạn Giá, đảo Nam Cát, bãi tắm Vạn Bội…, trong những chuyến phiêu du kỳ thú, tôi xin được mạn phép bỏ qua, những gì đã nói rồi. Chỉ gửi lại nơi đây, một điều ghi nhận chân thành, là Cát Bà vô cùng quyến rũ. Với tôi! Nó hơn nhiều về mặt cảm xúc, khi sau này được đặt chân, đến Hạ Long và Bái Tử Long. Và điều đáng quý là sau khi thưởng ngoạn, nó mang lại cho chúng ta, những giờ phút thanh thoát vô ưu, quên bẵng những bộn bề trăm nỗi chốn nhân gian. Nhất là khi ta đứng trên cao điểm 177, khi bức tranh tổng thể Cát Bà- Lan Hạ, được thâu vào tầm mắt, dưới trời lồng lộng ta hít thở, mà như uống vô vàng, tinh túy của đất trời. Và khi mục kích, hoàng hôn trên bãi chiều Vạn Bội, đắm mình nô đùa, cùng những chú cá dưới rặng san hô,qua đêm, đợi trăng lên trên hoang đảo,đón bình minh ở bãi sau. Ta có cảm giác như được uống no nê, nguồn sinh khí từ mẹ biển phả vào, người nhẹ lâng lâng bồng bềnh, an nhiên thư thái, dường lạ lẫm với đời thường, cõi xô bồ thế tục.

Cũng bởi mê chơi, nên ngày về năm ấy, tôi còn chẳng được là bao. Nghĩ lại cũng buồn thay cho vợ con, trong chuổi ngày bơ vơ đói khổ.

VII :Thế Vũ anh tôi


K

Nói về Thế Vũ, anh con ông bác ruột của tôi, là một thanh niên điển trai, cao lớn thông minh tháo vác, nhanh nhạy hơn tôi nhiều, gan lì thì chắc cũng ngang nhau, nhưng tính tình nóng nảy hơn tôi. Cuối mùa thu năm ấy, vào một chiều biển động, tôi với anh lên bờ, có thằng Bảy Ram, xách cây đàn của tôi, cà nghinh cà bật theo cùng. Bảy Ram là em của thuyền trưởng Lý O, một danh ca tửu nổi tiếng, của anh em biển giã. Vốn chẳng học hành, thiếu giáo dục, lại phách lối, nên thằng Bảy Ram trông rất khó ưa. Khổ nỗi nó lại thích, được đi chơi với tôi, mà tôi thì khả thượng khả hạ, nên đi đâu cũng có nó theo cùng. Vừa từ quán nhậu bước ra, tìm chỗ bán cháo vịt, làm một tô cho ấm bụng, bởi tôi chẳng mấy thích cháo lòng. Chợt tôi nghe nó nói tục chửi thề với hai thanh niên lạ, khi họ chỉ nói đùa, là cho mượn cây đàn chơi tí cho vui, khi nó chẳng biết đàn, mà cứ vừa đi vừa gảy xằng xằng, mặt mày vênh váo, trông thật chướng tai gai mắt. Khi đã ăn xong, tôi nhìn nó nghiêm túc : « Nếu em mãi thế này, không sửa đổi được, thì tốt hơn là đừng đi chung với anh nữa. Bởi anh không thích có chuyện với bất kỳ ai ». Nó mở cặp mắt to trau huảu : « Anh không thích thì thôi, thằng này cóc cần ». Vừa nói nó vừa đứng dậy, nghênh ngang bước ra ngoài, với thân hình vạm vỡ, còn xăn tay áo làm ngon. Tôi gọi chủ quán tính tiền. Chưa kịp lấy tiền thối đã nghe : «  Thằng khốn ! Mày chạy đi đâu ». Tôi chưa kịp bọc tiền vào túi, đã thấy Bảy Ram bầm tím mặt , hớt hãi chạy vào, đuổi theo sau là hai thằng khi nãy : « Anh Toàn cứu em ! ». Tôi vẫn ngồi im chưa phản ứng, thì Thế Vũ đã lẹ như sóc, phóng tới tung cú đá song phi, và một thằng đã bị lãnh cước, ngã chúi dụi vào tường, dập đầu chảy máu. Xong nó vẫn gượng đứng dậy, hổ trợ cho thằng còn lại, đang đánh giáp lá cà. Thấy anh xoay xở chẳng mấy khó khăn, tôi bình thản rút thuốc ra, mồi nhả khói phì phèo, chờ xem diễn biến thế nào. Ngỡ chỉ có thế, hay đâu ba thằng nữa, cầm hung khí xông vào. Thấy vậy, tôi liền nói với vợ chồng chủ quán : « Con xin cô chú hãy tạm lánh ra ngoài, để con dễ bề đối phó ». Ông chủ tong teo run lẩy bẩy, vẫn chần chừ phản đối : « Của đâu người đấy, không đi đâu cả… ». Chưa kịp nói hết câu, ông đã bị bà chủ ú na ú nần, kéo xệch lên cầu thang. Thế vũ mặt mày đỏ gay, đã ném hết những vỏ chai bia Hòn Buồm, đến vỏ chai nước ngọt, vào đối phương, mà chúng vẫn xông vào, tấn công tới tấp, bực bội lên tiếng : « Chú mày còn chờ gì nữa, mà chưa chịu ra tay. Đợi nhặt xác anh về à ». Nhìn thằng Bảy Ram to lớn, nép vào xó nhà , đứng run lập cập, rồi té đái trong quần, tôi bỗng bật cười, dù điếu thuốc vẫn còn vắt vẻo trên môi. Chợt Thế Vũ lao tới, định bê nồi cháo vịt nóng sôi, tạt vào bọn chúng. Tôi đã kịp thời ngăn lại : « Đừng ! Hãy để ba thằng mới đến cho em. Nào ! Chúng ta cùng phối hợp phản công nhé ! ». Nói chưa dứt lời, tôi đã búng tàn thuốc đang hút, vào mắt thằng đối diện, và không quên tặng cho nó món khai vị, là cú phi độc cước sở trường, khiến nó ngã ngửa xuống nền nhà, đầy mẻ chai nhọn hoắc, và bị đo ván không dậy nổi, từ giây phút đầu tiên. Bị lỡ đà do né mẻ chai, tôi bị trượt ngay đến trước mặt hai thằng còn lại, đang phối hợp xuất tuyệt chiêu hạ thủ đối phương. Dẫu thế, tôi vẫn kịp thời né tránh, và hào phóng tặng ngay hai món giò lái và rờ veo, đầy đủ gia vị chua cay, cho hai thằng nếm mùi đặc sản, của Lãng tử hào hoa. Chúng choáng váng đảo chao, chưa kịp hoàn hồn, tôi đã rộng lượng nhồi thêm, cho thằng đối diện to bè, món trên dao dưới thớt ngọt nhức nhối, và không quên ban tặng tiếp, cho thằng cao kều ở phía phải, món chỏ lật thơm giòn, khiến cái ức gầy còm của nó, được một phen bội thực no cành. Chợt thấy bên Thế Vũ, một thằng đang cầm thanh sắt rỉ, hung hiểm tấn công anh. Tôi thần tốc lộn người, đưa hai chân lên kẹp cổ, quật mạnh nó xuống sàn, cứu nguy một bàn thua trông thấy. Thừa cơ tôi vừa nhổm dậy đang sơ hở, hai thằng khi nãy đánh với tôi chớp lấy, liền ra đòn từ phía sau lưng. Tôi chưa kịp trở tay, nhưng xui cho chúng, vừa tấn công đã bị Thế Vũ, cho nếm mùi lợi hại, của cú đá hậu chết người, dù tay anh đang đánh đỡ, với thằng còn lại ở bên kia. Tôi đứng dậy búng tay cái tách, nheo mắt gật đầu với anh, xong bình thản rút thuốc ra, mồi rít liền mấy khói, môi vén một nụ cười kiêu bạc. Hai thằng chúng nó sợ xanh mặt, liền quay đầu bỏ chạy. Tôi vừa hét lớn  « Chạy đi đâu ! », vừa tung cú song phi ngoạn mục. Chân chưa tiếp đất, tôi đã chớp nhoáng dùng hai tay, đập mạnh hai cái đầu chúng vào nhau, rồi tiện thể tặng cho, mỗi thằng một quả chùy thịt vào sau gáy, khiến chúng cùng ngã chúi, xuống ngay ngạch cửa ra vào, mặt mày tróc lóc trơ lơ. Xong tôi kéo ghế, ngồi tựa lưng vào tường, phì phèo thuốc lá, như chẳng có chuyện gì. Vừa lúc Thế Vũ xuất chiêu, hạ gục thằng cuối cùng, thì phía cửa xuất hiện, một tên đầu trâu mặt ngựa, với mái tóc húi cua, dáng vẻ rất đàn anh, vỗ tay bôm bốp, cùng hai đệ tử ruột bước vào, nhìn Thế Vũ : « Chú em khá lắm ! Chẳng mấy chốc mà đã hạ đo ván, hết bọn đàn em của anh rồi. Nếu không chê, hãy cùng anh làm một chầu lai rai nhé ! Đánh trước quen sau, tứ hải giai huynh đệ mà. Chúng bây đâu ! Hãy dọn dẹp sạch sẽ chỗ này ». Tôi dùng mắt ra hiệu với Thế Vũ đừng chấp nhận, vì dù hắn có vẻ của một người quân tử, nhưng bụng dạ thế nào, ai tỏ được, mà nhận lời mời kia chứ. Đoạn tôi với lấy cây đàn tội nghiệp, nằm sấp mặt dưới sàn nhà, dạo một bản khơi khơi, cốt nghe hắn nói chuyện : « Anh tên Long, giang hồ quen gọi là Long Chậu, đến Cát Bà thu gom, một ít hải sản đang cần. Sao ! Nể mặt anh chứ chú em ? » Sau một hồi im lặng, Thế Vũ khôn khéo : « Dạ thưa anh Long ! Em xin lỗi vô tình, đả thương phải, bọn đàn em của anh. Chứ thật sự đi kiếm cơm xứ người, em nào dám vuốt râu hùm. Rất hân hạnh được anh mời rượu, nhưng hôm nay em đã uống quá nhiều, xin hẹn anh hôm khác vậy ». Chợt mắt hắn đảo quanh, rồi nhìn tôi dò xét : « Tên khốn kiếp nào, gây ra vụ hôm nay ». Một thằng đàn em, liền chỉ vào Bảy Ram, đang run như cầy sấy ở xó nhà : « Chính hắn đã xấc láo, chửi vào mặt chúng em ». Long Chậu bước chậm chạp, như một con sư tử, đến trước mặt Bảy Ram đang sắp ngất, từ từ đưa bàn tay sắt ra, tát một phát như trời giáng hạ. Trong nháy mắt, một bên mặt Bảy Ram, phù to ra, như nửa cái bánh trớn, thì bên kia, cũng liền được phù to ra, như trò ảo thuật, trông thật kinh hồn : « Đây là đòn cảnh cáo, khôn hồn chớ đụng vào đàn em của Long Chậu này nhé ! Cút ! ». Bảy Ram lại té đái, tay chân bủn rủn, người sắp quỵ xuống trông thật thảm hại, còn sức lực đâu mà cút với xéo. Thật không hổ danh, là một trong những đại ca ở đất Hồng Gai, Long Chậu có khí phách và bản lĩnh hơn người, khiến tôi có phần tỏ ra khâm phục. Nhìn hắn trao cho đàn em, khoản đền bù thiệt hại cho chủ quán, tôi nghĩ rằng, chỉ có những người tử tế, biết phải quấy mới làm được, những điều như thế mà thôi. Đó là lần đầu, và cũng là lần cuối, tôi gặp mặt Long Chậu, vào mùa thu 1992, tại thị trấn Cát Bà.

Cuối năm ấy ! Sau khi rời Cát Bà, trở về Quảng Ngãi, để chuẩn bị đón Tết, vui xuân cùng với gia đình. Tất cả thuyền viên, ai nấy đều hăm hở, nhất là những chiều, đoàn thuyền cúng tất niên. Dưới bến pháo nổ vang trời, trên bờ người vui như hội, dù năm mới chưa về. Đêm ấy, sau khi kết thúc, tiệc rượu tất niên thừa mứa ê hề, anh em tôi lên bờ giải khát, rồi sẽ ra thuyền ngủ lại qua đêm, sáng mới về nhà cho khỏe. Ngang qua hẻm vắng, hai anh em cùng đứng, trút bầu tâm sự cho nhẹ người. Bỗng có hai thanh niên đến xin lửa. Tôi bảo rằng chờ tí, vì mình đang tiểu tiện. Ô hay ! Thế thôi mà chúng nó chửi thề, rồi văng tục bỏ đi. Bởi suốt cuộc nhậu chưa đi lần nào, nên giờ tôi đứng hơi lâu. Ngó lại chẳng thấy Thế Vũ đâu, tôi đành một mình mò mẫm đi trong bóng tối, vì thuở ấy nơi này chưa bắc điện. Người ta dùng toàn bình ắc quy, thắp sáng ở trong nhà, cũng giống như ở dưới thuyền. Còn ngoài trời thì tối thui, luôn làm khổ cặp mắt Nhật Bổn của tôi. Thường thì Thế Vũ nắm tay dẫn tôi đi, giờ anh ấy bỏ đi trước rồi, chán ơi là chán. Trở lại thuyền thì chẳng có ai đưa ra, vì dạo ấy tôi chưa biết bơi xuồng, bơi thúng như sau này, mà đi tiếp thì, chẳng biết chọn hướng nào cho phải. Tôi đành ngồi xuống cát giữa ngã ba, rút thuốc ra châm lửa, xua cơn buồn ngủ vừa ập đến. Chợt nghe tiếng thằng cu Tâm Bôi( Giờ nó đã có cháu nội rồi), vừa chạy vừa khóc kêu dậy xóm : « Anh Minh Tàng ơi ! Anh Minh Tàng ơi ! Họ đánh anh Vũ. Huhu ! Anh Minh Tàng ơi ! ». Tôi hoảng hốt đứng dậy, lao tới trong bóng tối : « Anh đây ! Họ đánh ở đâu ? ». Biết mắt tôi kém, nó dắt tay tôi vừa chạy vừa khóc : « Mau lên ! Ở ngoài bãi biển, bọn họ đông lắm, xúm đánh một mình anh Vũ. Họ đang lôi ảnh ra biển. Hu hu ! Mau lên ». Bởi dân quê xuống biển, tôi chạy trên cát lún rất tệ, may mà nhờ vin vào nó. Sốt ruột quá, lại bị vấp một cái, tôi chửi thề một tiếng hiếm hoi : « Đến chưa em ? Sao lâu quá vậy ». Nó liền than : « Trời ơi ! Họ lôi ảnh gần đến mép nước rồi, anh chẳng thấy sao ? ». Đến lượt tôi căng mắt ra, hối nó : « Không ! Hãy kéo anh chạy nhanh lên, đến thật sát bọn họ, nhớ là không được bỏ anh một mình. Phải gắng chịu đựng sức nặng, mỗi khi anh cần tì lên vai nghen chưa ! ». Nó vừa dạ vừa khóc. Tôi bảo im, khi dần thấy mờ mờ, khoảng mười mấy người, đang hùng hổ hướng ra biển. Còn anh Thế Vũ mặc áo trắng, bị chúng lôi xệch trên cát, nên tôi chưa thấy. Đã vừa tầm để xuất chiêu, tôi vừa nhắc nó trụ cho vững, vừa tì mạnh phóng vọt lên, vừa hét lớn một tiếng như trong phim chưởng. Tức thì cặp gối như song chùy, sấm sét hôn lên tít trên xương giá, tấm lưng trần vạm vỡ, của tên gần tôi nhất, vì tôi phi cao quá mức cần thiết. Cặp chỏ cắm ngọt sớt như dao, phặp vào hai bên thái dương, trượt xuống hai bả vai. Sau mấy tiếng hự hự liên tiếp, hắn đổ người xuống cát, như khúc gỗ mục nằm bất tỉnh, kéo theo cả tôi, cũng bị ngã sóng soài. Vừa quờ quạng ngồi dậy, tôi liền nằm xuống lại, lăn một vòng trên cát, tránh cây mái dầm hung hãn, đang bỗ xuống ngay người, một cách quá bất ngờ. Vừa sẩy đòn chết người, hắn liền co chân đạp tôi thật mạnh, buộc tôi phải lăn một vòng né tránh, rồi đưa tay bắt lấy, cái chân đang co lại. Nằm trên cát nghiêng người, chống tay tung cú đá quét chân trụ, không đủ lực để triệt kiêù phá mã, nên hắn chống mái dầm xuống cát, lấy lại được thăng bằng. Nhanh như chớp, tôi đu lấy mái dầm, tung hai chân lên đạp hết lực. Chẳng biết trúng vào ức, vào bụng vào ngực hay vào cổ, mà nghe hắn hự hự, khặc khặc lên mấy tiếng, rồi buông dầm, chân khụy xuống rên ư ử. Chớp lấy thời cơ, tôi chộp ngay mái chèo, đánh tứ lung tung vào bọn chúng, như Tề Thiên đã cầm thiết bản trên tay, chẳng theo một chiêu thức nào cả. Vừa lúc ấy thằng Tâm bôi la lớn : « Họ lôi anh Vũ tới mép nước rồi ». Giờ cát dưới chân đã phẳng lì hết lún, không cần nhờ thằng nhóc nữa. Tôi vừa lao tới trước, vừa hét lớn : « Thả anh tao xuống ! ». Nhưng bốn thằng đang xách tay chân Thế Vũ, vẫn ngoan cố hè nhau lấy nhịp, quăng anh ấy ra biển. Nước ở đoạn bờ ấy, có hờm nên khá sâu, thường chẳng ai tắm cả. Đêm hôm ấy rất lạnh, nếu chúng ném anh xuống biển sâu, trong tình trạng đang bị trọng thương, dễ cầm chắc cái chết. Không suy nghĩ gì nữa, tôi lao tới như một mũi tên, chống mái dầm xuống cát, tung cú phi độc cước sở trường, thằng lãnh trọn no hộc máu, ngã sóng soài xuống mép nước, thằng bên cạnh cũng té lăn chiêng, cùng thả cặp chân Thế Vũ bệt xuống cát. Ngỡ rằng anh đã bị no đòn, nằm thoi thóp nhưng không. Tôi chưa kịp tặng cho, hai thằng còn lại,đang giữ tay anh, một mái dầm hạ thủ lưu tình, thì anh đã lấy hết sức bình sinh, đu cong người lên, quất mạnh hai mũi bàn chân, vào mặt hai thằng còn lại, trông thật là ngoạn mục. Chúng cùng buông tay anh ra, bưng mặt bỏ chạy. Tôi phóng tới, đưa mái dầm ra cản lại, rồi ném xuống trước mặt chúng, dõng dạc : «  Tha cho đó ! Từ nay khôn hồn, chớ động vào anh em tao nữa, nhớ chưa ». Chắc còn mệt lắm, Thế Vũ vẫn nằm trên cát lạnh. Ngồi bệt xuống, lại rút thuốc ra, châm lửa rít vài hơi, giữa đêm đông giá lạnh, tôi chợt nghĩ. Nếu hồi đầu hôm, hai anh em sang đò về quách, thì đâu xãy ra vụ đánh nhau này. Thôi ! Việc gì cũng có cái số của nó, nghĩ ngợi lắm làm chi. Chợt thằng Tâm Bôi, nãy giờ đi thám thính thì phải, chạy đến báo cáo :  « Ông Ba Me bị anh Minh Tàng đánh đầu tiên, bị thương nặng lắm. Họ khiên về nhà xoa thuốc, mà nghe ổng rên hoài. Hai ông nữa bị nhẹ hơn, cũng được khiên về nhà rồi, họ nói sẽ tìm anh trả thù. Còn ông Lanh, là người cầm mái dầm đánh anh đó, đã khỏe lại rồi. Ổng có đông anh em lắm. Hiện giờ ổng cùng năm ông nữa, đang cầm dao cầm mác, đứng phục chỗ hàng dừa, chờ các anh vô là chém. Tôi nghe cũng hơi chờn, vẫn nhết mép cười trong bóng tối : « Đã tha cho rồi mà chẳng biết điều, còn phục thù với oán. Thế này nhé ! Em chạy gọi anh Thành, cùng Ba Cài Sáu Nổi, nhờ mấy ảnh can thiệp, chứ anh chẳng muốn gây thù chuốc oán thêm nữa. Chừng nào mấy ảnh can thiệp không được nữa, thì buộc lòng anh phải ra tay ». Nó liền chạy đi ngay. Búng tàn thuốc bay vèo xuống biển, tôi đỡ Thế Vũ ngồi dậy : « Nhà Sáu Nổi chỗ nào, anh em mình hãy cùng đến đó tạm lánh. Tối đen thế này, mà chơi với sáu thằng cầm dao búa, em ngại lắm, rủi ro là bỏ mạng như chơi ». Thế Vũ chẳng nói gì cả. Anh cởi áo buộc vào thắt lưng, rồi lặng lẽ bước đi. Tôi nhìn quanh một lượt, rồi ủ rủ theo sau, dọc bờ biển. Chợt anh bỏ chạy. Chẳng biết việc gì xãy ra, tôi vẫn chạy theo cùng. Thấy anh chạy tắt, vào hướng nhà đang có đèn sáng, bay qua rào người ta, với tốc độ kinh hồn. Tôi gắng hết sức mà không đuổi kịp. Cổng nhà đang mở, anh quay lại nói lớn : « Lẹ lên ! Chúng đang bám theo đuôi đó ». Tôi ngoái lại nhìn, thấy chúng chỉ còn cách mình, độ năm sáu bước chân. Vốn tôi chạy trên cát rất tồi, khoảng cách bị rút ngắn dần, mà tôi vẫn chưa vào, bên trong cánh cổng được. Chợt tôi nghe tiếng gió, đưa mũi mác lên chuẩn bị, chém xuống từ phía sau. Chỉ vài mét nữa thôi, không còn sự lựa chọn, tôi nhún một phát, bay ngang người, ngã sấp vào bên trong cánh cổng, trượt luôn tới giữa sân nhà. Vừa bị trượt vừa ngoái cổ lại, tôi thấy Thế Vũ đóng sầm một phát. Thằng rượt đuổi tôi, bị kẹp nửa thân trên, còn cố vung mác chém. Thế Vũ chụp lấy cổ tay nó, bấm mạnh vào huyệt hợp cốc, như muốn lủng qua luôn. Nó đang đau đớn á lên một tiếng, cây mác rơi xuống cát, thì tay kia anh đã kịp, tặng cho nó một quả đấm thôi sơn. Cái đầu nó lắc lắc, mắt trợn ngược lên, rồi cụp xuống lưng tròng, dưới ánh đèn bình ắc quy nhợt nhạt, trông thật là dễ sợ. Trong nháy mắt, anh mở cổng, cho người nó nhủn xuống, ngã đổ vào bên trong, rồi đóng sầm lại một phát, khiến hai thằng hung hãn xông vào, bị va mạnh một cái vào cổng sắt, hai cái trán sưng lên, như hai quả trứng gà. Thấy màu chúng tạm thời, không tấn công tiếp nữa, anh khóa cổng lại, ung dung bước vào nhà, tôi lủi thủi theo sau, với mình mẩy mặt mày đầy cát đất. Nhưng chưa được một phút, chúng đã nhốn nháo ồn ào, đòi thả người, và đòi chủ nhà đưa chúng tôi ra, cho chúng tính sổ. Anh Sáu Nổi đặt mạnh ly nước trà xuống bàn, cầm xâu chìa khóa đứng dậy : « Tụi bay cứ ngồi yên ở đó ». Không hổ danh, là một đàn anh gan lỳ, ở đất cảng Quy Nhơn, anh lạnh lùng mở cổng, lôi thằng bị thương ném ra ngoài. Nhân cơ hội, thằng thanh niên vạm vỡ, tưởng dễ ăn lách người vô trong, liền bị anh quất một đá pha đạp, văng dội ngược ra ngoài. Xong anh điềm nhiên khóa cổng : « Đứa nào có gan, bước qua xác tao, mà tính sổ với tụi nó. Đây là nhà tao, nghe rõ chưa ! ». Tôi ngồi lại xuống ghế, uống một ly trà trấn tỉnh. Mình ở đây thì an toàn, nhưng thật sự làm khó cho anh quá, vì ông Lanh với anh, từng là bạn trương lứa với nhau, lớn hơn tôi mấy tuổi. Nếu lỡ chúng nó hồ đồ nóng nảy, phóng hỏa đốt nhà của anh thì sao. Vừa lúc đó tôi nghe ồ ào ngoài cổng, tiếng anh Thành, anh Ba Cài, cùng tiếng nhiều người, nghe ì xèo loạn xạ cả lên. Tôi đến bên khe cửa nhìn ra, thấy người bên ngoài, đông gấp bội lúc nãy, trong đó một nửa là phe bọn chúng. Tôi lẳng lặng mở cửa sau, tìm thử có lối nào, có thể thoát hiểm không. Có rồi ! Tôi đóng cửa lại, bước vào nói nhỏ với Thế Vũ : « Phía sau có con hẻm nhỏ, ăn thông sang sau lưng nhà anh Ba Cài. Mình theo đó tẩu thoát đi anh ! Ở đây phiền phức cho anh Nổi quá ». Thế Vũ lắc đầu : « Anh không đi. Phải đối mặt với chúng thôi. Không thì mình không còn đường, làm ăn ở đây nữa. Anh Nổi hãy cùng đi, để em nói chuyện với bọn họ ». Anh Nổi trợn mắt : «  Không được ! Ngữ ấy mà biết phải quấy, cái con mẹ gì. Nếu biết, thì đã không xãy ra chuyện, mày ra bây giờ là nó nướng ngay. Hãy nghe anh ! ». Chợt nghe bên ngoài ồn ào quá, dường như là sắp xô xác với nhau. Anh Sáu Nổi đứng dậy đi ra, anh Thế Vũ cũng đi, chỉ còn mình tôi ở lại. Không phải sợ, mà ở đó quan sát tình hình tốt hơn, có gì sẽ tùy cơ ứng biến. Thế Vũ gan thật. Trước hơn chục thanh niên tay cầm hung khí, hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống mình, anh vẫn dõng dạc : « Tất cả dừng lại ! Xin hãy nghe tôi nói. Ai làm người đó chịu, anh Lanh phải nghe em. Chính hai thằng em của anh gây sự trước, anh chẳng nghe rõ đầu rau cuống mắm, đã hùa theo chúng, kéo người đến vây đánh một mình tôi. Thử hỏi có đúng không ? Nếu hôm nay không có thằng em tôi, đến kịp thời cứu nguy, có phải các anh đã đánh chết tôi, rồi vứt xác ngoài biển không ? Anh nghĩ lại thử, chỉ vì bênh một thằng em thô lỗ phách lối, mà suýt gây ra án mạng, liệu có đáng không ? Chúng nó đó ! Không tin các anh cứ hỏi lại đi ». Một thằng liền chửi thề : « Đ m con c ! Tao muốn đánh mầy đó, làm gì được tao ». Thế Vũ nhìn quanh : «  Các anh thấy chưa ! Vậy mà giờ này, còn kéo người đến, cố sát anh em tôi ». Dường đã hiểu chuyện, ông Lanh xấu dèo, kéo cả bọn ra về, nhưng còn sáu thằng chẳng chịu đi xa. Chúng lần quần ngay ngã ba, cạnh nhà anh Sáu Nổi, trên tay vẫn lăm lăm, những mũi mác đang khát máu. Mọi người đã ra về hết, anh Sáu Nổi vẫn chưa để cho anh em tôi đi, vì chưa được an toàn. Chợt nghe tiếng gõ cửa phía sau, tôi bước xuống mở ra, thằng Tâm Bôi liền kéo tay tôi : « Đi theo em ! Còn anh Vũ tính sau. Em đã chuẩn bị xuồng dưới bến rồi ». Tôi gỡ tay nó ra : « Không được ! Sống cùng sống, chết cùng chết, anh không thể bỏ anh mình mà đi được. Cám ơn em ! Hãy thông cảm cho anh ». Thế Vũ từ nhà trên bước xuống, vỗ vào vai tôi : « Chú mày hãy đi với nó, rồi vòng lại phía sau lưng bọn chúng, có gì tiếp ứng cho anh. Chứ nếu không thấy anh, bọn chúng cũng sẽ chận đầu, mai phục cửa hậu, mắt chú mày lại kém, chừng đó hết đường ra. Thôi đi đi ! Anh cũng đi bây giờ. Trừ khi chúng không chịu giải hòa, buộc lòng anh mới ra tay ». Nói xong anh bước lên, tôi liền giữ tay anh lại : « Anh phải đợi em đi được năm phút, rồi hãy bước ra. Cám ơn anh Sáu đã hết lòng giúp đỡ. Em đi đây ! ». Đúng là người tính tình nóng vội, vừa ra khỏi đường luồng, vòng trở lại, tôi đã nghe thấy anh lớn tiếng : « Tao đã cạn lời, không còn gì để nói, kết thúc đi ! ». Tôi hối Tâm Bôi : « Chết rồi ! Chỗ này tối quá, dắt anh chạy lẹ lên, kẻo không kịp ». Gần đến nơi, tôi thấy Thế Vũ, đang giằng lấy cây dao, trên tay của một thằng, chân thì quất gót, vào cổ tay cầm mác chém tới, của thằng phía sau anh. Ba mũi mác cùng hung hiểm, xé gió khuya nghe ớn lạnh, nhắm vào anh mà hạ thủ chẳng lưu tình. Anh đưa dao ra đỡ gạt, và né tránh được hai mũi. Thấy anh sắp lâm nguy, tôi la lớn : « Ngả người ra sau, tung cước phá kiều ». Nhưng không kịp nữa rồi. Anh vừa mới ngả người, chưa được một gang tay, mũi mác thứ ba đã chém xéo vào mặt, phập vào bên chân mày(bây giờ vẫn còn thẹo). Tôi nộ khí, hét lớn phi ra. Thật xui xẻo cho tôi. Giữa chúng và tôi, bị cách ngăn bởi một bức tường vôi thấp, mà mắt mờ, lại trong giây phút nước sôi lửa bỏng, tôi cứ ngỡ là khoảng trống. Nên vừa phi người lên, hai gối bất ngờ va vào tường đau điếng, người bị rơi xuống lại. Tức quá ! Vừa lộn người qua bờ tường, bọn chúng đã tháo chạy. Tôi nhắm vào thằng chém anh tôi, đang chạy sau cùng, tức tốc phi độc cước. Bởi không quen lấy đà trên cát, đòn chân tung ra không đủ lực, nên lãnh trọn cước rồi, nó vẫn còn sức chạy hơn tôi. Không truy cùng diệt tận, tôi đứng lại nói lớn : « Không thù không oán, chuyện hôm nay coi như hòa, phần bên nào nấy lo, cơm thuốc cho bên ấy. Chớ gây thù chuốc oán nữa nghe ! ». Chẳng biết chúng có còn nghe, rõ lời tôi nói hay không. Mà sau khi lấy mấy điếu thuốc jet, dịt vào vết thương, rồi băng tạm lại cho Thế Vũ, ba anh em tôi xuống thuyền , ngủ bình an vô sự, chẳng gặp gì bất trắc. Mãi qua Tết, chúng tôi mới xuống đi biển lại. Chị Thạch vợ anh Màng, là chị con bác ruột của tôi( Chị của Thế Vũ, xui gia với anh Thành), nói rằng ông Ba Me bị tôi đánh, giờ vẫn còn nằm một chỗ rên la, đòi bồi thường cơm thuốc. Ăn trưa xong, tôi liền quay về, tìm đến võ sư Minh Hợi, mua hai loại thuốc võ, trong uống ngoài xoa, nhờ người mang đến cho ông Ba Me, xong rồi mới đi biển. Được mấy hôm, nghe nói biển Kỳ Hà đang được mùa, đoàn thuyền Quảng Ngãi, liền chạy ra Quảng Nam đánh bắt. Khoảng hơn tuần lễ tôm cá đầy khoang, thì biển động. Và một trận đánh lộn, náo động cửa Kỳ Hà lại xãy ra.

Trưa hôm ấy, sau khi nghe, đài báo gió cấp sáu cấp bảy, giật trên cấp bảy, anh em gọi xuồng hàng đến, mua rượu bia nhậu thả cửa, đàn hát vi vu. Nửa buổi chiều, anh Xí thuyền trưởng, sau khi lên bờ, nhậu hát karaoke đã đời, bước xuống thuyền, bảo Thế Vũ nổ máy đi biển. Thấy vô lý, nhưng Thế Vũ vẫn ngồi im, nhẫn nhịn. Xí ta lại nổi máu làm ngon, quất Thế Vũ một đá, rồi chui vào khoang định nổ máy. Nhưng mới vừa cúi xuống chui vào, cái chén trên tay Thế Vũ, đã vèo vèo xé gió, cắt vào mặt anh ta, một đường cong phát khiếp. Anh ta bợ mặt chui ra ngoài, nằm xuống sau lái. Máu từ từ phọt ra. Chúng tôi tạm tiến hành sơ cứu, rồi cử người đưa anh vào bờ, nhờ y bác sĩ, khâu rửa vết thương. Tin tức lan nhanh, khoảng mười lăm phút sau, bốn chiếc thuyền Quảng Ngãi, tiếng máy nổ kinh hồn, rè bô xịt lửa, ầm ầm dậy sóng Kỳ Hà, nhằm hướng thuyền chúng tôi, ào ào lao tới. Biết không thể tránh khỏi, trận thủy chiến xãy ra. Để phòng tránh va chạm mạnh, sẽ làm hỏng thuyền, Thế Vũ bay vào khoang nổ máy. Tôi đến trước mũi thuyền, anh phía sau ba lái, sẵn sàng ứng chiến. Thật không cân xứng tí nào, chỉ có hai anh em thôi, mà phải đối phó, với mười sáu thanh niên lực lưỡng, không kể bốn tài công. Thấy tôi đứng điềm tĩnh, vòng tay chờ địch thủ đến, anh giơ ngón cái lên, tỏ vẻ rất hài lòng.

Đúng là một lũ hồ đồ. Chưa biết mô tê ất giáp ra sao, chúng đã muốn đâm vỡ thuyền chúng tôi, mà chủ phương tiện là anh Thành, không có mặt ở đó. Thế Vũ rất lanh trí, anh tức tốc bỏ số de, bẻ tay lái qua trái, tăng ga hết cỡ. Thế mà một chiếc, vẫn đâm sầm vào trước mũi, may là trúng ngay chiếc lốp xe tải, treo lủng lẳng một bên, như lá chắn bảo vệ thuyền khi va đập. Bốn thanh niên cầm cột chèo, dây chì, tuýp sắt 34 có, 42 có, hung hăng nhảy sang, mở màn trận chiến. Trong tích tắc, chúng lần lượt bị tôi đánh bay xuống nước, còn mở tròn mắt, không hết ngạc nhiên. Vừa rảnh tay, thì một thuyền khác, đã kẹp vào sau lái. Cũng bốn thằng lực lưỡng, cầm hung khí nhảy ào qua, cùng tấn công Thế Vũ. Nhìn anh lanh lẹ ứng biến kịp thời, tránh né khôn khéo, tôi rất an tâm. Vì từ phía trước thuyền, chạy ra đằng sau lái, phải mười mấy mét, mà thuyền đang lắc lư dữ dội, tôi phải vịn vào cabin để đi từ từ, Thế Vũ phải một mình chống chọi, chẳng biết có bị sao chưa. Đã thế, mấy thằng rơi xuống nước, lại cố bám vào be thuyền để phóng lên, tôi phải đạp vào tay, vào đầu, cho chúng rơi lại xuống nước, rồi mới đi lui. Vừa đến trụ cabin phía sau, thì một thằng cầm rựa, chặt mạnh vào Thế Vũ, nhưng anh đã nhảy vào cabin, né tránh kịp thời. Cây rựa phặp vào thanh gỗ, thằng kia gỡ chưa ra, anh đã nhanh tay giằng lấy, tống cho nó một đạp rơi xuống nước. Tức thì, anh em thằng Bảy Dủm, từ một thuyền nữa phóng qua. Thằng Bảy cầm ống tuýp inox, bỗ mạnh xuống người anh, chỉ còn trong gan tấc. Nhanh như sóc, tôi lao đến chụp cổ tay nó, không quên tặng cho một chỏ cắm phá kiều, rồi đạp văng xuống nước luôn. Tôi vừa quay người lại, thì bốn thằng nữa, từ một thuyền khác ép sát vào, cùng nhảy qua trần cabin. Tôi liền đu vào một bên trần gỗ, phóng ngược người lên, tung tuyệt chiêu liên hoàn cước, biểu diễn một màn ngoạn mục,mời bốn thằng một bữa nước no nê, há mồm trố mắt thất kinh. Nãy giờ Thế Vũ phải vất vã, với hai thằng lính của Bảy Dủm cầm hung khí, bởi một thằng cao to, đấu ngang tài ngang sức với anh. Vì không muốn đối phương bị thương nặng, nên khi đáp xuống sàn ba lái, thấy thằng còn lại, tung chân đá anh từ phía sau. Tôi liền tặng cho nó một thiết bản vào mắt cá chân, rồi đạp văng xuống nước. Chẳng may cho Thế Vũ, thằng cao to khỏe quá, giằng co vật anh cùng bay xuống nước luôn. Nhưng anh quá thông minh, đã hít một hơi thật sâu, dìm đối phương xuống hơn nửa phút, rồi ngoi lên, vẫn dùng chân đạp nó phía dưới. Thấy thế, tôi la lớn : « Tha cho nó đi, đừng để nó chết đuối ». Sự lo lắng của tôi là thừa. Trong tích tắc, một chiếc thuyền đã kè sát chỗ anh(vì nước chảy, mới đó mà, anh đã cách khá xa tôi). Ba thanh niên cùng nhảy ào xuống. Hai thằng tấn công anh, một thằng lặn xuống, vớt thằng kia đưa lên thuyền, nó đà ngáp ngáp, mũi dãi chảy đầy. Dù lúc đó chưa quen lái thuyền, tôi vẫn nhấn số tới chạy đến chỗ anh. Thật không ngờ, anh đánh nhau dưới nước giỏi thật. Cây rựa trên tay, đã làm cho một thằng, bị chảy máu đầu. Tôi lại la lớn : « Đánh đằng sống, đừng đánh đằng lưỡi ». Anh gật đầu, và tiếp một thằng, được uống nước no nê. Trai dân biển khỏe thật. Mới bị tôi đánh no đòn đó, mà giờ đã khỏe lại. Từ trên thuyền của chúng, bốn thằng cùng một lúc, nhảy xuống vây đánh một mình Thế Vũ. Đúng là không nên khoan nhượng với kẻ địch, sống tình cảm dễ gặp thê thảm. Chẳng biết làm thế nào, để trợ giúp cho anh. Tôi điên tiết rồ ga lao tới, và la lớn : « Lặn xuống ! ». Nhưng một tay lái tập tò, làm sao qua được, những tài công lão luyện. Thuyền tôi đang lao đến, thì một thuyền khác đã xé nước đâm ngang. May mà tôi đã hạ ga, nhấn số lùi kịp thời, không thì bị thuyền kia, đâm gãy mũi như chơi. Dẫu thế, vẫn làm cho chúng khiếp sợ tản ra. Nhân cơ hội, tôi quăng cuộn dây thừng cho Thế Vũ chụp lấy. Bốn chiếc thuyền vẫn bám quanh, như bốn hồn ma mãi thét gào. Đang kéo Thế Vũ về thuyền, thì sáu bảy thanh niên, từ tứ hướng, như sáu bảy con quỉ, nhảy ào sang tấn công tôi. Buông sợi dây ra, như Tề Thiên cầm thiết bản trên tay, phóng lên trần, lộn xuống sàn, múa may quay tít, hào phóng tặng cho chúng những trứng gà trứng cút, trên khắp cổ đầu, mình mẩy tay chân, tiện đâu quất đó. Như trâu điên hăng máu, bị dính đòn chúng vẫn không chờn. May mà hôm nay tôi chưa say, nếu say thì còn sức và sự sáng suốt đâu, mà chống chọi với chúng, cho đến tận bây giờ. Mỗi lúc, chúng nhảy qua hổ trợ nhau một đông hơn. Sau lái trước mũi, trên trần cabin, lúc nhúc đầy bọn chúng, mà không dám đánh chúng vào chỗ hiểm, khiến tôi mệt bở hơi tai. Chợt một chiếc thuyền đối phương đâm sầm vào, đúng lúc tôi đang, từ trên trần nhảy xuống. Bị mất thăng bằng, tôi té sấp xuống sàn. Sáu bảy thằng liền vây lấy. Chợt tôi nghe cái lưng mình như muốn nứt ra, khi tuýp sắt 34 được dịp hôn vào. Đau quá ! Phen này chắc chết, tôi cố gắng ngửa người lại, đưa thiết bản lên chống đỡ, mà không kịp nữa rồi. Tề Thiên ơi Tề Thiên ! Thịt nát xương tan là cái chắc, tôi điềm nhiên nhắm mắt đợi chờ. Như một phép mầu ! Có thể suốt đời bọn chúng cũng không quên, trận đánh chiều hôm ấy. Khi những hung khí kia, sắp vuốt ve vào da thịt tôi, chỉ còn trong gan tấc, bỗng nhiên biến đâu hết. Thì ra Thế Vũ đã kịp lên thuyền. Từ sau lái, anh men tới, ôm trụ cabin phía trước, đu người lên , phóng cặp chân dài, nả pháo vào bọn chúng, cứu nguy trong nháy mắt. Nhưng chúng cũng kịp, tặng thêm cho tôi một gậy nữa rồi. Ê ẩm cả người, tôi lảo đảo đứng dậy, nhìn anh đang bị bao vây, mà chưa thể nào giúp được. Như một chiến binh dũng mãnh, kiêu hùng lão luyện. Anh phá vòng vây, đến tựa vào cabin, như tựa vào tường. Gậy sắt dài khoảng hơn một mét trong tay, cặp mắt sư tử của anh đảo đến đâu, là bọn chúng dính đòn đến đó. Giờ phút ấy, chúng còn khoảng dưới chục thằng, đấu với hai anh em tôi. Mà tôi thì sau khi thọ thương, mất dần sức lực và sự linh hoạt cần thiết, may mà chúng chẳng đến đánh tôi. Thấy người hoải quá, mà nghe Thế Vũ mỗi lúc, một thở nặng nề hơn. Tôi cúi xuống, lượm chai rượu lên nốc một hơi. Xong tôi nhắm mắt ngửa cổ, đổ rượu lên mặt, dưới nắng chiều, đã sắp rựng hoàng hôn. Xong tôi hét lên : « Dừng tay ! Thế Vũ bỏ vũ khí xuống giùm em ! Tụi bay cũng bỏ hết xuống, kể cả tao không ngoại lệ. Đúng lúc đó, anh Hưởng bạn Thế Vũ, đã say rượu lúc trưa, chắc tỉnh dậy hay tin, lái thuyền ầm ầm đến kẹp vào, hét lớn : « Cả lũ tui bay, vây đánh hai anh em nó mà coi được à. Ai về thuyền nấy hết cho tao. Cùng dân Quảng Ngãi đi làm ăn, muốn lấy mạng nhau, chỉ vì ông Xí cà chớn, bộ không thấy xấu hổ à ». Tôi nhìn anh cười phất tay : « Anh Hưởng yên chí đi. Tất cả nghe đây ! Nếu tôi thực sự ra tay, thì không ai ở đây còn sống sót. Không đụng nổi đến một sợi lông chân của tôi, chớ đừng nói là, nện tôi hai phát muốn gãy lưng. Giờ cần đánh thực sự không, tôi đánh cho mà xem ». Thấy chúng nó ngớ người, bán tín bán nghi, tôi vuốt mặt : « Nào ! Chấp hết tụi bay đó. Còn có ngon thì, từng thằng một bước đến đây ». Nói dốc gặp may, ngay lúc đó, một thằng vạm vỡ, chắc muốn thử sức tay đôi bằng quyền cước, mà hơi sợ tôi, nên ngại ngần bước tới. Tôi vẫy nó : «  Có gì cứ nói đi anh bạn. Còn tôi, chỉ biết nói bằng cú đấm ». Miệng nói, tay liền tặng một cú đấm thôi sơn, với công lực vừa phải. Sau cái rùng mình, người nó nhũn ra như con sứa. Tôi kiện lên, rồi đá một phát như sút bóng, người nó chắc nặng trên 70 kg, văng ngọt ra xa, rơi xuống nước cái ầm. Mấy thằng còn ở bên thuyền của chúng, liền nhảy ào xuống, vớt đồng đội lên. Để bọn chúng có việc làm thêm. Trong khi tất cả đều nhìn xuống nước, không bỏ lỡ cơ hội, tôi liền đập mạnh hai cái đầu, của hai thằng gần nhất vào nhau, xong xuất chiêu triệt kiều phá mã, cho chúng không còn cơ hội đánh lại tôi. Hai thằng đang tá hỏa tam tinh, tôi liền đu người lên vai thằng gần đó, cặp chân phóng tới như vũ bão, xuất cước song phi đạp tống đầy ngoạn mục. Cả hai văng xuống nước cái ầm, tay chân chẳng còn khả năng bơi lội nữa. Thằng thứ tư tôi đang vịn vai, vừa quay mặt lại nhìn, chưa kịp phản ứng, đã bị tôi chưởng một phát, trẹo quai hàm, và không quên cho nó, nếm mùi trên dao dưới thớt. Xong đá văng luôn xuống nước một lèo. Thế là đã hạ được bốn thằng, trong chưa đầy một phút. Vì tôi ra tay quá bất ngờ và liên tục, chẳng đứa nào kịp nghĩ, đến việc tấn công tôi. Nhưng không lâu, chúng đã sáng suốt dạt ra, tay cầm vũ khí, mặt hướng về phía tôi, sẵn sàng trả đũa. Chắc phải rung cây dọa khỉ thôi, khi thấy mình chẳng còn bao sức lực. Mà Thế Vũ thì tiêu hao biết bao nhiêu lực, khi đánh nhau ở dưới nước. Nên nãy giờ, anh đứng tựa lưng nhìn cục diện, chẳng nói một lời nào. Tôi liền dọa : « Khoan đã ! Tụi bây không muốn mình cũng bị, như bốn thằng kia chứ ? Tao mà đã ra tay, trong mười ngày trở lại, đừng mơ đến chuyện đi biển nữa. Hãy bỏ hết vũ khí xuống, rồi ai về thuyền nấy đi ! Tao không muốn gây thương tích thêm, cho bất kỳ ai nữa. Vì chúng ta cùng là dân Quảng Ngãi, đi kiếm cơm ở xứ người, chớ đuổi cùng diệt tận nhau chi ». Để chúng tin, tôi gõ gõ tuýp inox, vào lòng bàn tay mấy cái, rồi ném ra xa. Dường biết được bụng dạ, của mấy thằng dân cùng xã quê mình, tôi nghe thuyền anh Hưởng nổ máy. Thằng Tâm Bôi từ trưa, đã lên bờ dạo chơi, giờ chạy xuống khóc lu bù, nói nhỏ : « Chị Thúy đã chuyển đồ anh với anh Vũ rồi. Họ không để cho anh yên đâu. Khi nào nghe anh Hưởng gọi, anh phải nhảy qua ngay. Em về là mở dây ngánh liền. Anh Hưởng đã ngồi trước hoa lân chờ sẵn ». Tôi gật đầu : « Anh nhớ ! Cám ơn em ». Nhìn thằng Tâm Bôi bước đi, tôi thấy thương nó quá. Chẳng bà con chi mà lúc nào, nó cũng lo nghĩ đến tôi. Chỉ trong tích tắc, sơ ý thiếu cảnh giác, một sợi dây thắt thòng lọng, bất ngờ tròng vào cổ tôi, xuống đến khuỷu tay thì siết chặt lại. Nếu không nhờ Thế Vũ nhanh như sóc, rút cây dao của thằng Tâm Bôi làm bếp bén ngọt, cắm gần lổ xa quạ, chém đứt sợi dây thừng đang căng cứng. Thì chắc chắn tôi đã bị, lôi sang thuyền của chúng. Và một trận no đòn, thừa sống thiếu chết, là điều không thể nào tránh khỏi. Tôi chưa kịp hoàn hồn, đã nghe những tiếng máy 3T, 52 đầu bạc nổ to kinh khủng, hướng vào thuyền, hay đúng hơn, là ngay người tôi lao tới, muốn đâm nát thuyền, dìm chết cả hai anh em tôi, khi bọn chúng đã bất ngờ rút hết, mà tôi không để ý. Chợt nghe tiếng anh Hưởng : « Minh Tàng ! Thế Vũ ! ». Vừa tháo dây cho tôi xong, Thế Vũ đã vọt lẹ hơn tôi mấy bước liền. Tôi gắng hết sức chạy theo, cùng nhảy lên mũi thuyền anh Hưởng vừa kẹp sát, và đang rú ga để chạy hết tốc lực. Chỉ còn khoảng vài ba mét nữa thôi, là sẽ đâm nát thuyền anh Thành, bọn chúng liền cùng hạ ga, thay đổi mục tiêu. Tôi vừa bước ra sau lái, bé Thúy liền đưa túi xách, ba lô cùng cây đàn muôn thuở theo tôi. Cảm động quá ! Tôi hôn em một cái : « Cám ơn em ! Hãy chuyển hộ giùm anh, chiếc đồng hồ này cho anh Thành. Anh ấy sẽ ra, đi biển nay mai ». Bé Thúy như muốn khóc : « Em sợ quá ! Anh Hưởng nói, sẽ kẹp sát thuyền vào cầu chữ T, chỉ vừa đủ một bàn chân, anh đi trên đó mà vào bờ có được không ? ». Tôi nựng cằm cô bé : « Chuyện đó mà lo cho anh, là thừa nha cô bé ! ». Giờ tôi mới nhìn quanh. Hàng trăm chiếc thuyền trên bến, mấy trăm cặp mắt, đang đổ dồn về hướng chúng tôi. Và trên bờ, người ta cũng đứng xem đông như kiến. Tôi vẫy tay chào tất cả mọi người. Thế Vũ vẫn trầm ngâm im lặng. Thuyền vừa kẹp sát, anh đã vọt lên cầu trước tôi, bước đi không nhìn lại. Từ be thuyền lên cầu, khoảng độ chừng mét rưỡi. Nào túi xách ba lô, nào cây đàn lệ kệ, khó mà vọt lên, một cách an toàn được. Bé Thúy nhanh trí cầm lấy cây đàn, tôi đu người vọt lên, rồi đưa tay lấy lại, tay kia vẫy chào, tạm biệt em, cùng tất cả mọi người. Tôi vừa đứng lên, Thế Vũ đã quay lại, xách hộ cây đàn : « Lẹ lên ! Không thì chết cả lũ bây giờ ». Tôi ngoái đầu nhìn lại. Bốn chiếc thuyền kia đà đuổi kịp, đang tiến vào bờ, nổ máy rè bô xịt lửa đỏ rực, dưới bóng hoàng hôn dần phủ xuống. Vì chiếc cầu này, người ta làm để buộc dây, mỗi khi tàu cập bến, chứ không phải để đi. Hai anh em tôi phải chạy cuốn vó, trên đường bê tông dài gần trăm mét, với bề ngang mỗi đường, vỏn vẹn hơn một gang tay. Bốn chiếc thuyền vừa mắc cạn, chúng nó liền nhảy xuống lội vào bờ. Hai đứa từ trên cầu, phóng xuống đất chạy thục mạng. Chợt tôi nghe véo véo véo, cần đàn kêu cái trốc một tiếng khô khan. Vừa ngoái lại nhìn, chúng nó đang lượm, đá sỏi mẻ sành, tất cả những gì có thể, tố chọi như mưa, vào anh em tôi. Bỗng tôi nghe bịch một tiếng, đau đến tứa máu phần dưới thắt lưng, tôi vẫn chạy bén khói lên đường lớn. Vừa thấy anh xe ôm, từ xa tôi đã gọi : « Nổ máy đi ! Chở anh em tôi, lên quốc lộ nhanh lên ». Anh ấy quýnh quíu, đạp mấy cái liền chưa nổ. Tôi vừa chạy đến nơi, bảo hay là để tôi cầm tài cho, và đạp một cái nổ liền. Anh ta không chịu, chưa ngồi lên tôi đã bảo đi, ép Thế Vũ vào giữa, rồi nhảy tót lên sau, vì phần lưng tôi có ba lô che chắn. Tụi dân biển tố đá cừ thật. Vừa ngồi lên xe, chúng cũng vừa đuổi kịp. Dăm bảy phát liền phịch phịch vào ba lô, may mà chẳng trúng cái đầu dầu, không thích đội nón mũ của tôi. Đến nơi, tôi trả tiền giá gấp đôi, anh xe ôm thở phào nhẹ nhõm, bảo rằng chiếc xe, kiếm cơm cho cả nhà. Sợ bị tôi cướp, thì gia đình anh chắc chết đói mất thôi.

Mấy hôm sau, anh Thành đưa thuyền về Quảng Ngãi, cho thằng Tâm Bôi lên, gọi anh em tôi xuống đi làm, và anh Xí nghỉ làm tài công từ dạo ấy. Một hôm tình cờ, chộ mặt thằng Bảy Dủm, nó liền quay lại đi hướng khác, không dám nhìn vào mặt anh em tôi. Trận đánh lộn chiều hôm ấy, nếu không phải Thế Vũ, là người kề vai sát cánh bên tôi, cùng tiến cùng lùi. Mà là một anh em nào khác, trong gia tộc nhà tôi. Thì chắc cả hai cùng chết, hoặc chí ít cũng bị trọng thương, vì dân biển hung hăng hầm hồ quá. Tôi có thằng cháu là võ sĩ, quen thượng đài, rất giỏi võ, nhưng đụng đến dao búa, là nhát như thỏ đế, chẳng được tích sự gì.

Cũng trong đầu năm đó, khi biển Cát Bà chưa có ăn, mà Nhật Lệ đang được mùa, đoàn thuyền Quảng Ngãi, liền chạy ra nhật Lệ Đồng Hới, đánh bắt hơn một tháng, rồi mới đi Cát Bà. Trong thời gian ấy, chúng tôi quen với em Hậu nậu tôm, người con gái chèo xuồng, đẹp nhất dưới bến Nhật Lệ, và có thể cũng là, lãng mạn đa tình nhất. Phải nói rằng không phải yêu, mà là em mê tôi, từ cái nhìn đầu tiên. Với tôi chuyện ấy thường đến độ, chẳng hề quan tâm, vì đến đâu cũng bị dính, vào tầm ngắm của chị em. Sau chuyến biển tương đối khá, đôi thuyền Thành Bành(tên thường gọi của anh Thành), và danh ca tửu Lý O, tổ chức tiệc hoành tráng, mời em Hậu đến dự. Vào tiệc, Lý O mời em uống, nể tình em chỉ nhấm tí ti. Sau một hồi văn nghệ, vì cao hứng tôi quên, lại mời em cạn chén. Nở nụ cười tươi rói, không ngần ngại em nâng lên, uống không còn một giọt, đôi má ửng hồng, sau tràng vỗ tay đầy khích lệ của anh em. Lý O mặt đỏ rần, nửa đùa nửa thật : « Nếu có R15 ở đây, tao sẽ nả vào chú mày, ba băng đạn la phanh ». Tôi mỉm cười : « Xin lỗi anh ! Em quên ». Và xin tự phạt, uống cạn ba ly cối liền. Chợt em Hậu bảo đau đầu, nhờ tôi sang thuyền bên kia bắt gió. Tôi từ chối, em kéo tay lay người, năn nỉ mãi. Buộc lòng tôi phải chiều em. Ngỡ xoa dầu bắt gió trên trán thôi, nào ngờ em xăn hết áo lên, lộ tấm thân trắng nõn nà phơi phới. Tôi ngần ngại đánh qua loa rồi kéo xuống, vội đứng lên định bước đi. Em liền níu tay tôi giữ lại : « Chồng em đi làm ăn xa, hơn tuần nữa mới về. Nếu không chê em, mời anh tối nay, lên nhà em chơi cho biết nhé ! Chỉ có em và bé Hiền Trang con em thôi. Nhà gần lắm, phía trên cầu ngắn, bên dãy hồ tôm ấy. Anh đi bộ mươi phút là tới liền à ». Tôi nhìn em : «  Khi nào chồng em về, nhất định anh sẽ lên thăm. giờ mong em thông cảm, để anh trở lại, vui chơi tiếp với anh em, kẻo người ta dị nghị. Nói chưa dứt lời, bên kia đã gọi tôi về đàn. Sau đó, em mời mấy lần nữa thiết tha, nhưng tôi mãi chối từ. Đúng vào hôm, Thế Vũ phải sang giúp, cho thuyền anh Màng chị Thạch, đang bị thiếu người, thì chồng em về mở tiệc. Một mình em xuống bến mời tôi. Không thể chối từ vì đã hứa, tôi rủ em Minh, người Nghĩa Thắng Tư Nghĩa cùng đi. (Minh râu là đứa sống tình cảm, nó rất mến và thương kính tôi. Lúc nào cũng rót nước cho tôi uống, mồi thuốc cho tôi hút, dù tôi chẳng giúp em được việc gì, ngoài đàn hát cho em nghe. Sau này hai đứa cùng bỏ nghề, tôi gặp lại em đôi lần, trước khi vào Nam sinh sống. Em mừng lắm, bảo rằng rất nhớ tôi. Em đã có vợ, sanh được đứa con đầu lòng kháu khỉnh, đẹp trai giống ba. Và vợ chồng đang mở quán nước, ở gần trường cấp hai, thu nhập khá ổn định). Ấy là một đêm tối trời, nếu không có Minh râu, chắc là tôi đi khá vất vã. Bởi đi muộn, tôi đến nơi đà gần nửa tiệc rồi. Anh Hòa chồng của Hậu, cũng là một cao thủ võ lâm, chào đón chúng tôi, rất nồng nhiệt cởi mở. Sau khi khách ra về, chỉ còn lại ba anh em, anh đề nghị, uống ly cối cho đã rồi ngủ mới sướng. Không may cho tôi, mới vài ba quận, tự nhiên xây xẩm mặt mày, ớn lạnh buồn nôn, toát mồ hôi nhớt. Tôi vừa gọi một tiếng Minh, liền đứng dậy bước ra ngoài. Em Minh liền phóng đến đỡ lấy tôi. Nhưng không kịp nữa rồi. Người tôi nhũn ra trong tay em, miệng nôn xối xả như máy bom, toàn rượu và nước không, vì tôi rất ít dùng mồi. Anh Hòa thật tội. Khi nước trong sô đã cạn, anh chạy ra múc nước dưới giếng sâu, lên rửa ráy cho tôi. Hậu và Minh, mỗi người ôm giữ một bên. Xong anh liền bảo Hậu, đi nấu ngay một nồi cháo cho tôi và anh cùng ăn. Còn anh, hất tay Minh, bế thốc tôi lên, đi thẳng vào phòng ngủ, đặt nằm bên cạnh bé Hiền Trang. Sau một hồi anh tận tình, đánh gió rất thành thạo, tôi dần khỏe lại, nhưng ngồi dậy là bị choáng. Anh bắt tôi nằm im, lấy thêm một cái gối, cho tôi gối cao lên. Rồi bảo Hậu bón từng thìa cháo cho tôi, thay vì Minh, đang sẵn sàng làm việc ấy. Đoạn anh bảo Minh, cùng ra dọn giúp với mình, vì Hậu đang chăm sóc cho tôi. Ngỡ dọn dẹp xong là nghỉ luôn, không ngờ hai ông tướng vào nhà, gầy tiếp hiệp thứ ba. Chẳng biết bao lâu sau, đang nằm mơ màng thì tôi nghe, anh bảo Minh ở lại, ngủ dưới sàn với anh. Nhưng em Minh bảo rằng chưa khuya lắm, để em về, kẻo dưới thuyền trông. Sáng mai em sẽ trở lại, đưa tôi về, vì anh Hòa không đồng ý, để tôi đi, ngoài gió máy đêm hôm khuya khoắc. Mới nghe nói chuyện đó, mà thấy mót tiểu quá, tôi gọi liền mấy tiếng, anh đã ngáy khò. Thay vì dẫn tôi ra ngoài, Hậu ngồi bật dậy, lấy cái bô của bé Hiền Trang, bắt tôi tiểu tại chỗ. Sau đó, em đi lấy khăn của mình, cùng thau nước ấm, lau khắp mặt mày mình mẩy cho tôi, vẫn còn rịn mồ hôi nhớt nhợt. Hâm lại nồi cháo cho nóng, em mang lên, bón cho tôi một bát nữa, rồi âu yếm hôn hít tôi hoài. Thấy người đã khỏe hơn, tôi cố gắng ngồi dậy, và nghĩ rằng mình phải về thôi. Thấy tôi quá dứt khoát, em đành phải đưa tôi về. Gần đến đường lớn, em ôm ghì lấy tôi, hôn tới tấp nồng nàn thắm thiết, dưới trăng già đã nhô cao, trên rặng liễu đen xì. Tôi từ từ gỡ tay em ra : « Anh Hòa là người tốt. Anh mong em hãy chung thủy với chồng ». Mà dù anh ấy không phải là người tốt đi chăng nữa, tôi vẫn không cho phép mình, làm điều gì thái quá với em, mà phụ tình yêu thương của người vợ hiền, đang mỏi mòn chờ đợi ở nơi quê.Hậu buông lơi vòng tay mềm, hụt hẫng dưới trăng khuya : « Sao anh lại nói rằng em không chung thủy ? Chỉ tại vì, yêu anh quá đó thôi. Lại nghe nói mươi hôm nữa, thuyền các anh đã đi rồi. Chứ em nào phải người lẳng lơ dễ dãi. Dù vốn em, có đa cảm đa tình lãng mạn, nhưng từ trước giờ, chỉ biết có chồng thôi. Mong anh hãy hiểu cho ». Tôi vỗ vào vai em : « Nếu quả vậy thì, cho anh xin lỗi nhé ! Hãy ngoan, về với chồng đi, dù anh ấy đang say giấc, chẳng biết gì ». Chợt Hậu lại ôm lấy tôi : « Nhưng em lo cho anh quá ! Anh có thường, bị như thế này không ? ». Tôi cười : « Chuyện vặt ấy mà ! Đó là do căn bệnh, hở van tim hai lá của anh thôi. Bác sĩ bảo, do chị em chen nhau yêu nhiều quá, làm nó bị hở. Hihi ! ».

Vừa ra đường lớn gió lồng lộng, người chưa được khỏe lắm, tôi chậm chạp vừa đi vừa hút thuốc. Ở đời hình như, chuyện gì cũng có cái số của nó. Nếu đồng ý để em đưa về thuyền, chắc mọi chuyện sẽ khác đi.

Mới lang thang chưa được vài trăm mét, tôi dừng lại tiểu ngay quãng vắng. Hai thanh niên đi xe đạp ngang qua, một thằng nhảy xuống đứng chờ xin lửa. Tôi tình thiệt, móc quẹt ra đưa nó, rồi đứng nhắm mắt ngáp ngắn ngáp dài, vì nó quẹt mấy cái mà chưa cháy. Chợt nghe tiếng gió từ phía sau, tôi liền chụp cổ tay, nó đang vờ mồi thuốc, bẻ ngoặt ra sau. Còn tay kia, đẩy người nó tới trước. Nhưng đã muộn, vì tôi phản ứng chẳng được nhanh. Nhánh keo Tây khô, với hàng ngàn cây gai, vút xuống một bên lưng tôi và nó, đâm xịt máu tại chỗ. Tức khí tỉnh ngủ luôn, tôi trụ vào vai nó, bay nghiêng người lên, quất mũi chân trái( mang giày bata), vào vùng cằm, quai hàm thằng kia, nhằm hạ gục đối thủ ngay tức khắc, mà không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng người đang không được khỏe, tung cước không chuẩn, chỉ trúng vào phần xương giá gần vai, mà cũng đủ cho đối thủ phải chờn, xính xáng né sang bên, để ba thằng mới đến xông vào. Hai xe đạp, nhắm vào tôi lao tới. Tôi liền đẩy, thằng xin lửa ra đỡ đạn, chắc nó bị bầm dập tơi bời, vì tôi đẩy rất mạnh. Thằng kia bỏ chạy, tôi liền ví theo. Không ngờ nó chạy nhanh hơn tôi. Chẳng thể chần chừ, tôi mở hết tốc lực, bay nghiêng người lên, tung cú phi độc cước sở trường. Nó té sấp xuống mặt đường, mặt mày tróc lóc trơ lơ, máu mũi máu miệng, tèm hem dưới ánh trăng. Đang thở muốn đứt hơi, thì ba thằng bỏ mặc thằng xin lửa, phóng ba chiếc xe đạp đến chận đầu. Thấy tấn công bằng xe đạp không hiệu quả, chúng cùng bước xuống đứng vây quanh. Đang quá mệt, chúng mà tấn công ngay, chắc chết như chơi. Tôi vừa xách cổ, thằng đang ngồi lau máu mũi lên, để làm bia đỡ đạn, lôi xệch nó vào, sát tường nhà ai đó, để dồn chúng về một phía dễ đối phó, đề phòng đánh lén sau lưng, vừa lên tiếng câu giờ, để phục hồi sức lực : « Khoan đã ! Tôi với các anh, không hề quen biết, không thù không oán, sao năm người vây đánh một mình tôi ? ». Một thằng có vẻ, lớn tuổi nhất trong bọn lên tiếng :  « Dám đến địa phận bọn tao, chơi bời đến nửa đêm, coi thường bọn tao quá, mà bảo không thù không oán à ». Tiếng nói nó nặng trịch, rền rền lại gằn giọng, nghe thật dễ sợ, chắc khó mà cầu hòa. Thằng dập mặt, bủn rủn dần trong tay tôi. Thấy thế tôi liền nói : « Nó bị té nặng lắm. Các anh mau đưa nó về chăm sóc. Hãy để cho tôi đi ». Thằng kia lại lên tiếng : « Đâu có dễ như vậy, đánh trọng thương hai người của bọn tao, mà đòi thả vô điều kiện. Đừng có mơ nghe con. Nào, sáp vô tụi bay ! ». Cùng một lúc, kẻ đấm người đá, công vào tôi như vũ bão. Thằng làm bia đỡ đạn, được một bữa no đòn, thều thào trong nước mắt : « Đừng đánh nữa, chết tôi ». Chúng vẫn không nghe, nhưng ra đòn lựng khựng, thừa cơ tôi phản công, cho đo váng thêm một thằng, nhưng người yếu dần, mệt quá biết làm sao. Phải chi lúc này mà có, Thế Vũ kề vai sát cánh bên tôi, thì bọn tép rêu này, có nghĩa địa gì đâu, dễ gì làm khó tôi được. Hoặc chí ít, có thằng Minh râu cũng được. Nó từng thượng đài, năm lần thắng ba, chứ nào phải dạng vừa. Chợt nghe người, muốn xung xây chóng mặt, tôi sợ toát mồ hôi. Đừng bày bị trúng gió lần hai, trong giờ phút nước sôi lửa bỏng này, chỉ có chết trở lên. Chợt ông lão trong nhà nghe tiếng động, mở cửa ra xem có chuyện gì. Thằng đầu sỏ liền lên tiếng : « Không phải chuyện của bọ, đừng có xía mũi vào ». Nhưng ông vẫn đứng nhìn. Chợt nhớ lại có một lần ở quê, tôi bị mệt tương tự. Thằng Cao Minh Tiến, cháu bà con của tôi, đã cho tôi uống một ly trà đậm. Và nó nói, chỉ cần uống vào một thức uống, gây kích thích mạnh, không trà thì, cà phê hay rượu cũng được, sẽ đỡ ngay. Nên tôi liền thưa với cụ : « Mấy anh này vô duyên vô cớ, chận đường đánh con. Cụ làm ơn cho con xin ly rượu, hay cà phê, hoặc chè trà gì cũng được ». Ông cụ liền quay vào nhà, mang ra một ly rượu thuốc. Tôi kính cẩn nhận lấy, uống ngay không còn một giọt, rồi trao ly lại cho cụ. Thằng kia lại lên tiếng : « Bọ vào nhà đóng cửa ngủ đi ! Uống xong rồi, khỏi làm con ma đói. Coi bộ mày, chẳng còn mấy sức lực. Khà khà ». Đoạn nó bước đến xe đạp, rút cây hàng, là một thước vuông, dài khoảng hơn nửa mét. Sức khỏe chưa hồi phục, mới vừa hết choáng, thấy cũng hơi chờn, lại phải na thằng làm bia đỡ đạn, mỗi lúc một nặng như chì, nhưng tôi vẫn bình tĩnh : « Hãy bỏ xuống đi ! Nếu anh động thủ, có thể nó sẽ chết. Nếu anh không tin, hãy cứ ra tay. Có điều này, tôi nói cho anh biết. nếu không để tôi về, anh tôi mà đi tìm, chắc các anh sẽ nằm sắp lớp. Có khi, dễ tàn phế suốt đời, vì tôi chỉ xứng, là đệ tử của anh tôi thôi. Hãy tin tôi đi ! Đừng đánh nhau nữa ». Vừa nói, tôi vừa kẹp cổ thằng đỡ đạn, đi dần xuống quốc lộ, biết đâu sẽ có người, ra tay nghĩa hiệp giúp tôi. Hai thằng vẫn theo tôi sát nách, nghe tôi nói có vẻ chờn, nên chần chừ chưa dám ra tay. Mỏi quá đi thôi ! Thế Vũ ơi Thế Vũ ! Sao anh lại đi đúng vào ngày, xãy ra chuyện thế này kia chứ. Để mình tôi đơn thương độc mã, sức kiệt hơi tàn, làm sao chống nổi đây. Thôi ! Kêu trời cũng không bằng tự cứu mình, sống chết có số, hãy tùy cơ ứng biến. Nãy giờ chúng bị phân tâm. Thấy tôi đi đà sắp băng qua quốc lộ, sợ không còn cơ hội ra tay. Hai thằng không hẹn, mà xông vào cùng một lúc, giữa ngã ba vắng lạnh. Thằng cầm thước vuông, thằng cầm dao Thái, đằng đằng sát khí, xả xuống người tôi,chẳng chút nương tay. Vẫn còn đủ sáng suốt, tôi rùn người xuống, đẩy dựng thằng dập mặt ra đỡ đạn. Tay dao khựng lại, tôi liền xuất cước đầy công lực, nhắm vào khuỷu đá bay dao cái véo, rơi xuống kêu mấy tiếng lạnh lùng. Trong khi đó tay thước vuông, chỉ giảm lực đi thôi, chứ không kịp rút về. Đã để lại dấu ấn rợn người, cho thằng dập mặt, từ trên trán xéo xuống chân mày, hình thù một con đĩa trâu rướm máu. Nó rú lên một tiếng kinh hoàng, thằng đầu sỏ buông tay ngơ ngác. Nhân cơ hội, tôi kéo nó qua đường. Chẳng biết sức lực từ đâu, chân nó không nhũn ra như trước nữa, mà bước vội theo tôi, ngoan ngoãn băng qua đường, chắc là do sợ chết vì đồng bọn, hơn là đi với tôi. Thấy không hạ được tôi, còn hại thêm đồng bọn, hai thằng cùng hậm hực bước qua đường. Thế là sức lực dần bình phục, mà tôi chẳng biết, nên vẫn còn lo sợ phập phồng. Đã mấy lần, chúng định ra tay nữa, nhưng sợ thêm tổn thất lại thôi, mà bỏ cuộc chẳng cam lòng. Còn gần 50m nữa mới đến bến, tôi đã gọi  « đò ơi ! », mấy tiếng liền. Và một chị lái đò đêm, đang dần tiến vào bờ. Chợt hai thằng hội ý, rồi cùng bỏ hung khí, bước đến chận đầu tôi, đúng khi thằng đỡ đạn, bước yếu dần trở lại. Chưa hiểu ý chúng, tôi vẫn đi dần về bến, từng bước một đầy cảnh giác. Bất ngờ cả hai cùng xông vào. Thằng đầu sỏ, một tay giữ chặt thằng đỡ đạn, một tay tung những cú đấm móc, đầy uy lực vào tôi. Còn thằng kia, tấn công vào bên phải, là bên tay, tôi khống chế thằng đỡ đạn. Trước tình thế đó, sau cả tiếng đồng hồ, sống chết với bọn chúng, lần đầu tiên buộc lòng, tôi phải tạm thời, buông cái bia đỡ đạn ra, để rảnh tay đối phó. Nhưng trước khi buông, đã kịp trụ vào vai nó, tung người lên nu, vào mặt thằng đầu sỏ, chắc gần trẹo quai hàm, sau khi bị nó đánh móc, vào hông tôi đau điếng. Còn chân phải thẳng ra, đá chấn vào ngay ngực thằng kia. Dù hơi thiếu lực, vẫn khiến nó ngất ngư. Vừa tiếp đất, tôi đã hào phóng, tặng ngay cho nó, cú đạp tống vào sau đầu gối. Nó liền khụy xuống, hoàn toàn mất khả năng tự vệ. Tôi đang định bẻ ngoặt tay, khống chế nó dẫn đi. Cũng ngay lúc ấy, thằng đầu sỏ, phi người đến đạp tôi, chắc dồn hết sức lực. Vưa nghe tiếng gió, tôi kịp thời né tránh. Người nó vừa lao mạnh đến, đã được thưởng thức món rờ veo, với lực cọng hưởng chắc khó xơi. Nên tôi tặng bồi thêm cho nó, món giò lái đủ đầy gia vị, cho dễ nuốt. Nó khỏe thật. Được nếm liền hai món, quyền cước của tôi, mà vẫn còn trụ được, đứng trong thế thủ, lau cằm xuống cánh tay, nhìn tôi không chớp mắt. Một khi đã khỏe lại, thì chúng nào xứng đáng, là đối thủ của tôi. Giờ không phải vội lên đò nữa, tôi rút thuốc ra mồi, ngậm vắt vẻo nghênh nghênh, vén môi cười ngạo nghễ. Thằng đầu sỏ gầm gừ : « Mi chọc tức ta à ! Được, hãy kết thúc đi, đừng chơi trò mèo vờn chuột nữa ». Thay vì sáp tới, tôi bỏ đi về hướng ngược lại. Nó ngơ ngác đứng nhìn. Khi thấy tôi cầm, cả thước vuông và dao thái lại, nó lạnh toát mồ hôi trán, nhưng vẫn sẵn sàng tiếp chiến. Rít một hơi thuốc thật sâu, từ từ nhả khói, nhìn thằng bị đạp khụy kia, đang trố mắt rụng rời. Tôi tỏ ra kiêu ngạo : « Các anh không phải là đối thủ của tôi đâu. Tính tôi xưa nay, không truy cùng diệt tận. Do các anh ép người quá đáng, buộc tôi phải ra tay. Nào ! Hãy cầm lấy, rồi cùng tiến lên đi. Mời ». Vừa nói, tôi vừa phóng cây dao Thái bay cái véo, khiến thằng kia sợ ré lên, còn gan sức đâu mà đâm với chém. Đoạn tôi chuyền cây thước vuông, sang tay trái phóng cái vèo, cắm phập vào bàn chân phải, của thằng đầu sỏ. Nó rú lên một tiếng, co giò nhảy tưng tưng đau đớn. Tôi bước đến nhặt cây thước vuông, đặt vào tay thằng đầu sỏ : « Giờ tôi tử tế dâng tận tay anh, xin đừng từ chối. Khổ nỗi, tay chân tôi không được mềm, cũng chẳng quen ăn, món thước vuông người ta ban tặng. Nào ! Thử một chút cho biết, tay chân không được mềm mại của tôi nhé ! ». Miệng nói tay làm, tôi đưa một tay ra, lẹ làng chăm sóc đôi tay nó, một cách chu đáo, tay kia vẫn cầm điếu thuốc chưa tàn. Trong tích tắc, cây thước vuông trong tay nó, đã trở thành vô dụng. Và đôi chân, cũng tận tình, chăm sóc đôi chân nó, mỹ miều chẳng kém gì đôi tay. Đau quá, nó buông rơi thước vuông, đổ người xuống, ngồi một đống. Tôi búng tàn thuốc bay cái véo, sang thằng bên kia, đang cố lén lủi đi : « Giờ thì anh đã biết, đôi tay tôi không phải, chỉ dành để chơi đàn rồi chứ nhỉ ? À quên, chưa hân hạnh, được đàn cho anh nghe. Làm sao anh biết được, tôi đàn hát thế nào. Anh kia ! Khỏi cần trốn chạy đâu. Muốn đi cứ việc đi, thằng này nói là giữ lời. Còn anh ! Giờ tự chăm sóc mình không nổi, làm sao chăm sóc, cho đồng bọn anh đây. May mà hôm nay, các anh chỉ gặp tôi. Chứ gặp phải tay anh tôi, thì không còn cơ hội, đi về bằng hai chân đâu nhé ! Thôi tạm biệt, khỏi cần tiễn, tôi đi đây ». Nói xong, tôi huýt gió bước lên đò, đi như chỗ không người. Nói chẳng phải tự khen mình, vì từ nhỏ, đã chịu khó rèn luyện thân thể, nên tay chân tôi chắc nịch. Khi giao đấu, chạm vào tôi, như chạm phải mình đồng da sắt. Mà nước da tôi trắng trẻo hồng hào, với vẻ ngoài rất nghệ sĩ, nên ai nhìn vào cũng rất dễ nhầm. Mười mấy năm qua, có tuổi rồi lười tập luyện, tự nhiên độ cứng mất dần, cơ bắp nhão ra, sức chịu đựng không còn nữa. Những điều tôi kể trên, chỉ là chuyện của một thời. Kể cả cây đàn, giờ cũng chỉ là, vật trang trí mà thôi, rất ít khi tôi đụng đến. Trận đánh khuya hôm ấy, là trận đánh lộn, thiếu tự tin nhất trong đời tôi, thường tôi rất gan lỳ, và tỉnh táo tự tin. May mà cuối cùng, cũng tự cứu được mình, cho dù Thế Vũ, không còn ở bên tôi. Và cũng kể từ dạo ấy, anh em tôi cách biệt, không kề vai sát cánh bên nhau nữa. Đó là những trận đánh nhau điển hình, trong vài mươi trận, suốt một thời ngang dọc, không tiện kể ra đây. Mà chưa một trận nào tôi tự gây ra, tất cả đều do tình thế bắt buộc. Giờ già rồi nghĩ lại, thấy ngày xưa mình cũng chẳng vừa, nguy hiểm quá đi thôi. Hihi ! Thế Vũ giờ cũng thế. Trông anh rất hiền, chẳng giống một chút gì, của thuở ấy xa xưa. Ngoài giờ làm việc, bảo ban lính tráng ra, anh nuôi chim trồng hoa, tỉa tót cây cảnh, làm thơ, đọc sách, cốt trau dồi đức hạnh, giũa gọt thân tâm. Mấy mươi năm qua, hai anh em gặp nhau, chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ thỉnh thoảng liên lạc, trên điện thoại, face. Dù mỗi kẻ mỗi nơi, mỗi người mỗi việc, ở hai miền Nam Bắc, nhưng bao năm rồi, mãi có ở trong nhau…


.... CÒN TIẾP ...