Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh của họa sĩ Dương Bích Liên








CÔ PHƯỢNG




M ẹ gọi điện thoại cho tôi, giọng hối hả:

-Cuối tuần này con về nhà ngay đi nhé.

Tôi chưng hửng:

-Nhà có chuyện gì hay sao hả mẹ? Con tính ở lại ôn bài với bạn, giữa tuần sau thi rồi.

-Thì phải có chuyện mẹ mới gọi về chứ… Đừng quên đấy.

-Mẹ làm con lo quá… Hay là bà nội…

Mẹ sẵng giọng, ngắt ngang:

-Bà nội không sao cả. Là cô Phượng lấy chồng thôi.

Tôi trợn mắt, ngạc nhiên quá đỗi:

-Ô hay, sao lại thế?

-Mới sáng bảnh mắt mà sao trăng gì? Mà thôi, con không cần về cũng được. Mẹ chỉ nấu bữa cơm bình thường, không quan trọng gì đâu.

Tôi chưa kịp hiểu ra sao thì mẹ đã cúp máy. Mẹ làm tôi thắc mắc quá, thêm lo lắng nữa. Dường như mẹ điện thoại chỉ cốt chia sẻ một tin vui lớn chứ mục đích cũng không cần tôi tham dự. Mẹ bảo tôi không cần về nhưng chuyện thế, tôi không về sao được? Tôi cần biết tại sao có chuyện cô Phượng đột ngột lấy chồng? Và lấy ai?

Lúc này, đại gia đình tôi dưới quê hẳn đang xôn xao, mừng vui lắm. Chẳng ai băn khoăn lo lắng như tôi đâu, nếu không sao cả nhà đồng thuận để cô Phượng lấy chồng?

Tôi sốt ruột quá, không cần chờ cuối tuần mà thu xếp về ngay hôm sau.

Người tôi gặp đầu tiên là mẹ tôi. Trước hàng loạt câu chất vấn của tôi, mẹ gắt yêu, vẻ mãn nguyện không che giấu:

-Cô Phượng lấy chồng, có phải con hỏi vợ đâu mà rối lên thế?

-Con không hiểu… Làm sao cô Phượng lấy chồng được?

Mẹ nguýt tôi:

-Sao không lấy được? Nó có phải ái nam ái nữ đâu?

-Nhưng mà… cô Phượng sẽ khổ lắm đấy, mẹ ơi!

-Vớ vẩn! Làm sao con biết nó sẽ khổ, biết đâu chẳng sung sướng như Hoàng Hậu? Thôi đi, cả nhà bằng lòng hết rồi, cấm con bàn lui đấy.

Không biết bà Hoàng Hậu sung sướng cỡ nào chứ tôi không tin cô Phượng giống bà Hoàng Hậu. Nhưng tôi không biết tranh luận với mẹ thế nào. Mẹ chép miệng, hạ giọng:

-Mỗi người đều có phần số hết. Đã là duyên số thì trốn đâu cũng không thoát. Mẹ tưởng con phải mừng nhất chứ? Nó mà làm bà cô già thì đời con mới thật khốn khổ.

Tôi hiểu mẹ muốn nói gì. Có lần bà nội tôi đã nói toẹt trước đại gia đình là sau này tôi gánh trách nhiệm chăm sóc tuổi già của cô Phượng.

Bà nội có bốn người con, ba tôi là trưởng nam còn cô Phượng là út nữ. Chú Ba tôi cưới vợ chỉ sinh hai con gái còn chú Tư vắn số đã chết trẻ. Tôi là đích tôn cũng là đứa cháu trai duy nhất của bà nội, không giao người con gái út tật nguyền cho tôi thì bà nội biết gửi gấm vào ai? Cả nhà cũng hiểu thế nên chẳng thắc mắc gì. Tôi cũng cho đấy là đạo lý đương nhiên. Chỉ mình mẹ tôi không chấp nhận cái đạo lý đương nhiên ấy, vì mẹ yêu thương tôi. Mẹ xót con trai phải mang trên vai gánh nặng hứa hẹn có thể đeo đẳng dai dẳng cuộc đời tôi.

Cũng chưa một ai nghĩ rồi có ngày cô Phượng lấy được chồng, bình thường như mọi người bình thường khác. Dù đã bốn mươi tuổi thì mãi mãi cô vẫn là một đứa bé con. Do một bất thường nhiễm sắc thể nào đó mà bộ não của cô dừng phát triển ở tuổi lên 6 lên 5. Một đứa bé luôn cần có người bên cạnh giám sát và chăm sóc. Được cái đứa bé này tính nết hiền lành, siêng năng, biết nghe lời chứ không hề ương bướng. Ai bảo gì làm nấy, ai nói gì cũng tin ngay, ngây ngô một cách thật thà, đần độn một cách vô tư, thường bị đám trẻ trong làng bày trò tinh quái trêu chọc.

Tôi nhớ mãi lần chúng dắt cô Phượng trốn vào trong một bụi tre, dặn ngồi im đấy đợi chúng đi nướng khoai đem đến cùng chơi bán hàng. Trong lúc cô ngoan ngoãn làm theo thì chúng nháy nhó nhau, hi hí cười, chạy biến mất. Chỉ là trò đùa của trẻ con thôi, ác ý một cách hồn nhiên. Vì là trẻ con nên rất mau quên, chúng hăng hái chạy nhảy quên bẵng cô Phượng vẫn ngồi im thin thít giữa lòng bụi tre chờ đợi chúng quay lại. Mãi đến chiều tối cũng không thấy bóng dáng cô Phượng đâu, cả nhà hốt hoảng túa đi tìm. Cuối cùng khi được kéo ra khỏi bụi tre dày, cô đã mệt lả vì đói, vì khát và vì quá hoảng sợ.

Gạt bỏ cái ngây ngô ấy đi, cô Phượng không phải là người vô dụng. Ai nuôi cơm cô chẳng đến nỗi thiệt thòi, vì cô luôn chu toàn bổn phận được giao phó, tận tâm lắm. Cô làm việc luôn tay như không biết mệt và làm với ý thức trách nhiệm cao. Hai chị dâu lần sinh đẻ nào cũng nhớ ngay đến cô. Cô sẽ ở đấy để giặt giũ, nấu cơm, lau nhà giúp chị dâu; để đổ bô, pha sữa, khuấy bột, nấu cháo cho cháu bé, cả năm trời đến khi nó thật cứng cát thì cô mới được trả về nhà cho bà nội cũng là nhà ba mẹ tôi.

Người em chồng đã tận tụy lại rất yêu em bé. Trước kia tôi vẫn thấy cô Phượng chăm sóc cho búp bê, ôm ấp, nựng nịu, hát ru nó ngủ. Những đứa cháu bé bỏng bằng xương bằng thịt sinh động, đáng yêu hơn búp bê vô tri giác cả trăm lần, hỏi cô không yêu sao được? Phải chăng dù khuyết tật thì cái bản năng mẫu tử trong mỗi người phụ nữ vẫn không mất đi thiên chức?

Nhưng chỉ thế liệu đã đủ vốn liếng để cô Phượng lấy chồng, sinh con và tự lực nuôi con hay không? Khi tôi đem khắc khoải ấy hỏi ba tôi, ông ngồi lặng thinh không trả lời, còn mẹ tôi chép miệng:

-“Trời sinh voi thì Trời lại sinh cỏ”. Rồi cũng xong hết. Con khéo lo “Bò trắng răng”!

Còn bà nội tôi thở dài, nói như trần tình:

-Nếu cô Phượng có một đứa con thì tuổi già mới…

Dù bà nội bỏ câu nói lửng lơ, tôi cũng hiểu trọn ý. Ôi, bà nội tôi -cũng như vô số người cao tuổi khác- luôn đóng đinh vào quan niệm “Trẻ cậy cha, già cậy con”, nên cố tình quên gánh nặng quá sức một khi chất lên lưng cô Phượng sẽ khiến cô lê lết khổ sở thế nào? Liệu cô sẽ gượng nổi hay phải quỵ ngã trước khi đến được cái ngày cho cô có thể “cậy con”?

Dĩ nhiên cô Phượng không nghĩ được như tôi nghĩ, cô cũng chẳng bao giờ hình dung đến tuổi già sau này của cô. Cô chỉ ngoan ngoãn làm theo những gì người lớn bảo cô làm, như trước giờ vẫn thế.

Để tránh rắc rối và ngăn cấm của pháp luật, hai bên gia đình đồng ý chỉ ăn chung với nhau một bữa cơm do mẹ tôi đứng bếp. Không cổng hoa, không bánh trái, không áo cưới… Nói chính xác, tương tự một bữa giỗ. Ai có nghi ngờ mà thiếu chứng cứ cũng chẳng thể cấm cản, khó dễ được. Sau bữa cơm, cô Phượng lủi thủi theo những người lạ về nhà chồng, ở làng bên, cùng huyện.

Mấy năm trước, dượng Ích đã có một đời vợ. Cặp vợ chồng “như đôi đũa lệch” một thời là đề tài cho người ta đàm tiếu. Dượng Ích gầy choắt choeo lại thấp bé, có đo cả nón lẫn dép cũng chưa đến vai tôi, còn người vợ cũ ấy cao và phốp pháp, người nung núc thịt, mỗi bước chân đi nghe huỳnh huỵch rất hùng dũng. Giả sử được một đạo diễn chọn đóng tuồng Kim Vân Kiều, hẳn bà ấy rất hợp vai… Từ Hải!

Họ lấy nhau hơn sáu năm trời mà tịt mít, chẳng đẻ đái gì. Mà bà cụ mẹ dượng Ích thì thèm cháu quá rồi. Đầu đuôi chỉ có một mống con trai, bà cụ sốt ruột lắm. Nước trong ấm nóng còn kêu lên, ruột gan nóng thì phải lộn ngược để tìm chỗ phát tiết, theo… khẩu nghiệp. Thoạt đầu bà cụ chì chiết, đay nghiến, sau thành mắng nhiếc rủa sả con dâu, mà bằng ca dao tục ngữ đàng hoàng đấy. Nào là “Cây độc không trái, gái độc không con”, nào là “Trông mặt mà bắt hình dong…”

Con dâu chẳng vừa, cũng cong môi ăn miếng trả miếng, đốp chát nhiều câu khiến bà cụ uất ức đến nghẹn họng, chỉ biết ôm mặt tu tu khóc. Thành ra nhà ngày nào cũng ồn ã như hát tuồng. Bên gông bên cùm kẹp anh chồng vào giữa làm anh ta khổ sở quá, chẳng còn thấy chút vui thú gì. Anh ngao ngán, anh mệt mỏi, anh chán chường, sinh ra thường xuyên bỏ nhà lêu lổng, không sa vào đám đá gà thì cũng lết lê trên bàn nhậu. Không thể bỏ mẹ, đương nhiên rồi, mà cũng chưa muốn bỏ vợ, anh chồng biết thân biết phận yếu đuối chẳng dám ý kiến ý cò gì, chỉ im lìm chịu đựng.

Cho tới một tối kia… Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà “thần khẩu hại xác phàm”, lúc dượng Ích quàng tay vắt ngang cái bụng thỗn thện bèo nhèo của vợ, bỗng tuôn một câu hết sức vô duyên:

-Ái chà, càng ngày càng nòng nọng như… con heo nái!

Chị vợ quắc mắt lên, mắm môi giang thẳng chân phóng ra một cước như trời giáng, khiến dượng Ích bật văng xuống đất, đập khung vai vào chân bàn, gãy xương quai xanh, đau đến muốn tắc thở, hổn hển thở dốc mãi mới kêu được ra tiếng. Thế là giông bão bỗng chốc bùng bùng. Bà mẹ chạy vào, nhìn con trai đau đớn lăn lộn không đứng dậy nổi, bèn trút mọi nỗi xót xa vào con dâu. Bà sa sả nguyền rủa. Bà lăm lăm con dao phay trong tay, chặt cành cạch xuống nền nhà, thề từ nay không nhận “nó” là dâu nữa. Dượng Ích lập tức được đưa vào nhà thương băng bó đoạn xương gãy còn vợ dượng cũng lập tức xách bọc quần áo biến khỏi nhà, không thèm gửi lại nửa câu từ tạ.

Từ đấy, không còn bị vợ quản thúc, mẹ thì già yếu, dượng Ích chẳng kiêng dè gì, tự do ôm gà đi chọi làng trên huyện dưới. Đã hư hỏng lại càng hư hỏng quá. Cứ thế đã mấy năm. Bà mẹ sốt ruột, nghĩ tới chuyện phải cấp tốc tìm vợ khác cho con. Nhưng ai chịu ưng con người lêu lổng ấy? Các bà góa rỉ tai nhau: “Chẳng thà để mốc meo thành tương thành mắm chứ đừng ngu vác cục nợ ấy mà khổ hận… nửa đời còn lại”! Những cô chưa chồng đương nhiên lại càng không, chẳng cần đánh tiếng dò la, bà cụ cũng thừa biết.

Nhưng có lẽ đúng như người ta hay nói “Ông Trời không lấy hết của ai bao giờ”, nên ông Trời mới để lại cô Phượng của tôi cho dượng Ích. Dượng Ích vừa xấu vừa nghèo lại bê tha, cả huyện đều biết. Cô Phượng ngây ngô đần độn, cả huyện cũng biết nốt, từ lâu. Dĩ nhiên hai gia đình không thể không biết. Chỉ là chẳng thể kén chọn đâu ra. Hai bà mẹ tức bà nội của tôi và mẹ dượng Ích, luôn đau đáu khát vọng được bồng bế những đứa cháu nội ngoại -còn ở đâu đó trong thì tương lai-, càng nhanh càng tốt, còn lại cứ phó mặc tất cả cho… ông Trời. Ối chà, “Trời sinh thì Trời lại dưỡng”, cứ “Từ từ rồi khoai cũng nhừ” thôi!

Dĩ nhiên cô Phượng không biết và hoàn toàn không hiểu những lý lẽ ấy của người lớn. Cô chỉ làm theo những gì người lớn muốn. Bà nội bảo gọi mẹ dượng Ích là mẹ thì lập tức cô gọi mẹ. Mẹ tôi bảo từ nay cô về nhà dượng Ích ở, thì cô cắp nón ve vẩy hai tay đi ngay, như mỗi sáng vẫn theo mẹ tôi đi chợ. Suốt bữa cơm, cô cứ tủm tỉm cười một mình, như thích thú vì được ngồi chung bàn với người lớn và được ăn nhiều món ngon.

Tôi nhìn cô, thương lắm, nhưng tôi chỉ là hàng cháu trong đại gia đình, tiếng phản kháng yếu ớt của tôi chẳng được ai bỏ vào tai. Tôi chỉ biết thầm mong cô may mắn. “Ở hiền gặp lành”, tôi nắm lấy chân lý đó để tự dỗ mình. Thì đúng là cô Phượng của tôi luôn hiền lành, vô tư và yếu đuối lắm, chẳng khác đứa bé lên 6 lên 5!

Ngày hôm sau…

Buổi sáng, bà nội tôi còn nằm trong giường chưa dậy, ba tôi vừa chở mẹ tôi đi chợ. Chỉ có tôi đang chuẩn bị trở lên Thành phố, thì có một người làng bên dắt tay cô Phượng về.

Tôi giật nảy mình, kinh hoảng như… thấy ma. Những ngày thơ bé, bọn trẻ con chúng tôi hay đọa dẫm nhau bằng câu hát về một nhân vật vô hình mà rất đáng sợ: “Ông ba bị chín quai, mười hai con mắt, đi bắt trẻ con”. Chưa đứa nào nhìn thấy ông Ba Bị cả nhưng tôi đoán chắc bộ dạng ông ấy ghê gớm lắm cũng tương tự cô Phượng bây giờ thôi: Chiếc áo hoa mẹ tôi mới mua cho cô rách toạc nửa vạt, khắp người lấm lem bê bết bùn đất, tay chân chi chít vết trầy sướt, mái tóc rối bù xổ tung, mặt xanh mét còn hai mắt sưng vù và quầng đen, chân không dép, đầu không nón, vô cùng thảm hại!

Tôi kêu lên:

-Trời, cô ơi! Sao thế này?

Cô Phượng lả người trong tay tôi, tức tưởi khóc. Chắc đã khóc nhiều quá nên giọng cô khàn khàn, đặc quánh. Khóc và thở dốc như sắp hụt hơi, có lẽ đang xúc động lắm, không nói thành lời.

Người đàn bà vừa dẫn cô Phượng về cũng không biết gì để kể lại, ngoài chi tiết bắt gặp cô nằm run rẩy bên bờ ruộng xăm xắp nước của nhà bà.

Cô Phượng lên cơn sốt cao, lảm nhảm nói mê. Chắp vá từng câu rời rạc lại, cả nhà đoán có một điều gì làm cô khiếp sợ lắm. Cô luôn miệng đòi về nhà với mẹ -tức bà nội tôi và với anh chị -tức ba mẹ tôi, khóc nấc cả trong mê man. Tôi nghẹn ngào khóc theo cô, thương đến thắt lòng.

Sang ngày hôm sau, mẹ con dượng Ích mới nghe tin, sang tìm. Lúc này cô Phượng đã bớt sốt, vừa húp xong chút cháo loãng. Nhác thấy họ, cô sợ run bần bật, cứ níu chặt áo tôi như tìm chỗ tựa nương. Ba tôi thương hại, bảo tôi dìu cô tránh xuống nhà bếp.

Hai mẹ con dượng Ích như biết lỗi, ngượng ngùng kể lại: Có gì đâu, chuyện bình thường của mọi đôi vợ chồng vừa cưới thôi mà! Nhưng lại bất thường, thậm chí dị thường, với một đứa bé lên 6 lên 5 như cô Phượng. Cô chỉ thấy đang bị tổn thương, bị làm hại, đau đớn và ghê tởm. Thấy cô vùng bỏ chạy, dượng Ích rồi cả bà mẹ tiếp sức, cố ôm giữ lại, để chỉ làm bùng lên phản kháng quyết liệt hơn. Cô Phượng dùng toàn bộ sức lực vốn có để la hét, để vùng vẫy, để đánh trả. Như thể nếu không cương quyết vậy thì lập tức sẽ bị hai mẹ con dượng Ích kéo vào lò mổ cho người ta ngoáy mũi dao nhọn vào tim, giống đồ tể thọc tiết heo.

Vừa thoát khỏi tay dượng Ích, cô Phượng quáng quàng chạy bán sống bán chết. Hẳn suốt đêm trên đường tháo chạy vô định ấy, cô đã vấp ngã dúi dụi nhiều lần xuống kênh mương; đã chui vào nhiều bụi rậm nên thân thể sây sướt và bùn sình bê bết như tôi thấy hôm qua.

Sau buổi nói chuyện khá dài ấy, cuối cùng mẹ con dượng Ích cũng phải đồng ý trả cô Phượng về. Họ đã hiểu không thể ép uổng cô làm điều quá sức cô chịu đựng, nên đành buồn rầu buông tay.

Có lẽ mẹ tôi là người thất vọng nhất, khi hình dung gánh nặng vô hình chực chờ trút xuống vai con trai yêu quý của mẹ. Mặt ủ ê, mẹ thở dài sườn sượt khiến tôi chạnh thương. Tôi đang tìm lời an ủi mẹ thì ba tôi đã nói trước:

-Em lo làm gì cho mau già? Là số phần con Phượng không có chồng thôi… Thôi, cứ để nó ở nhà phụ tay phụ chân cho em cũng tốt mà…

Mẹ tôi gần như rít lên:

-Anh thì biết gì? Không lo sao được? Lỡ mai mốt bụng nó ễnh chương ra thì ai nuôi đẻ đây?

Cả hai cha con tôi cùng ngẩn mặt ra, nhìn nhau. Mẹ tôi “siêu” thật, nghĩ ngay ra điều chưa một ai nghĩ đến. Ừ, cũng có thể lắm chứ! Tự nhiên tôi hoang mang quá, lòng nhen nhúm nỗi lo lắng mới.

Không hiểu ba tôi có chung nỗi lo như tôi không, mà sau vài giây trầm ngâm, giọng ba khá trầm tĩnh:

-Ối chà, “Trời sinh voi thì Trời lại sinh cỏ”. Rồi cũng xong hết. Em khỏi lo “Bò trắng răng”!

Ồ, câu này tôi nghe quen quen lắm!



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn ngày 19.11.2020.